Friday, 6 October 2023

NHỮNG NGƯỜI THUÊ VƯỜN XẤU XA TỆ HẠI. Chú Giải Tin Mừng CN XXVII TN A (Mt 21,33-43); Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

33 Các ông hãy nghe dụ ngôn khác: Có người đàn ông là một chủ nhà, người đã trồng một vườn nho và đặt tường xung quanh và đào nơi đạp nho và xây tháp canh và cho các nông dân thuê và ra đi.

34 Khi thời hoa trái đã đến, ông sai các đầy tớ của mình đến cùng những người nông dân để lấy hoa trái của ông.

35 Những người nông dân ấy bắt những đầy tớ của ông, người thì họ đánh, người thì họ giết, người thì họ ném đá.

36 Ông lại sai nhiều đầy tớ hơn lần trước đến với họ, nhưng họ cũng làm với chúng như vậy.

37 Cuối cùng, ông sai con trai của mình đến với họ, nói rằng: “Chúng sẽ tôn trọng con trai Ta”.

38 Nhưng khi thấy người con trai, các nông dân nói với nhau rằng: “Đây là kẻ thừa kế, đến đây, chúng ta hãy giết nó và chúng ta sẽ có phần thừa kế”

39 Rồi họ bắt cậu, ném ra khỏi vườn nho, và giết chết.

40 Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì với các nông dân ấy?

41 Họ nói cùng Người rằng: “Những kẻ xấu xa tệ hại, ông sẽ giết chúng và trao vườn nho cho những nông dân khác, những người nộp hoa trái cho ông vào đúng thời

42 Đức Giêsu nói cùng họ rằng: “Các ông không bao giờ đọc trong Sách Thánh rằng: ‘hòn đá mà người thợ xây chối bỏ, hòn đá này đã trở nên đầu của góc, đó là từ Chúa và nó kỳ diệu trong mắt chúng ta?

43 Vì lẽ đó, tôi nói cùng các ông, Nước Thiên Chúa sẽ được lấy đi khỏi các ông và ban cho một dân sinh hoa trái của nó.

33  Ἄλλην παραβολὴν ἀκούσατε. ἄνθρωπος ἦν οἰκοδεσπότης ὅστις ἐφύτευσεν ἀμπελῶνα καὶ φραγμὸν αὐτῷ περιέθηκεν καὶ ὤρυξεν ἐν αὐτῷ ληνὸν καὶ ᾠκοδόμησεν πύργον καὶ ἐξέδετο αὐτὸν γεωργοῖς καὶ ἀπεδήμησεν.

 34  ὅτε δὲ ἤγγισεν ὁ καιρὸς τῶν καρπῶν, ἀπέστειλεν τοὺς δούλους αὐτοῦ πρὸς τοὺς γεωργοὺς λαβεῖν τοὺς καρποὺς αὐτοῦ.

 35  καὶ λαβόντες οἱ γεωργοὶ τοὺς δούλους αὐτοῦ ὃν μὲν ἔδειραν, ὃν δὲ ἀπέκτειναν, ὃν δὲ ἐλιθοβόλησαν.

 36  πάλιν ἀπέστειλεν ἄλλους δούλους πλείονας τῶν πρώτων, καὶ ἐποίησαν αὐτοῖς ὡσαύτως.

 37  ὕστερον δὲ ἀπέστειλεν πρὸς αὐτοὺς τὸν υἱὸν αὐτοῦ λέγων· ἐντραπήσονται τὸν υἱόν μου.

 38  οἱ δὲ γεωργοὶ ἰδόντες τὸν υἱὸν εἶπον ἐν ἑαυτοῖς· οὗτός ἐστιν ὁ κληρονόμος· δεῦτε ἀποκτείνωμεν αὐτὸν καὶ σχῶμεν τὴν κληρονομίαν αὐτοῦ,

 39  καὶ λαβόντες αὐτὸν ἐξέβαλον ἔξω τοῦ ἀμπελῶνος καὶ ἀπέκτειναν.

 40  ὅταν οὖν ἔλθῃ ὁ κύριος τοῦ ἀμπελῶνος, τί ποιήσει τοῖς γεωργοῖς ἐκείνοις;

 41  λέγουσιν αὐτῷ· κακοὺς κακῶς ἀπολέσει αὐτοὺς καὶ τὸν ἀμπελῶνα ἐκδώσεται ἄλλοις γεωργοῖς, οἵτινες ἀποδώσουσιν αὐτῷ τοὺς καρποὺς ἐν τοῖς καιροῖς αὐτῶν.

 42  Λέγει αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς· οὐδέποτε ἀνέγνωτε ἐν ταῖς γραφαῖς· λίθον ὃν ἀπεδοκίμασαν οἱ οἰκοδομοῦντες, οὗτος ἐγενήθη εἰς κεφαλὴν γωνίας· παρὰ κυρίου ἐγένετο αὕτη καὶ ἔστιν θαυμαστὴ ἐν ὀφθαλμοῖς ἡμῶν;

 43  διὰ τοῦτο λέγω ὑμῖν ὅτι ἀρθήσεται ἀφ᾽ ὑμῶν ἡ βασιλεία τοῦ θεοῦ καὶ δοθήσεται ἔθνει ποιοῦντι τοὺς καρποὺς αὐτῆς. (Matt. 21:33-43 BGT)


Bối cảnh

Trong bối cảnh trực tiếp Mt 21,33-43 tiếp nối dụ ngôn hai người con (Mt 21,28-32). Đề tài “vườn nho” được tiếp tục. Đối tượng Đức Giêsu kể dụ ngôn này là “các thượng tế và kỳ lão” xuất hiện trong 21,23. Họ chất vấn Đức Giêsu về quyền “thanh tẩy đền thờ” (21,23). Vườn nho và ông chủ trong câu chuyện này gọi nhớ đến những hình ảnh tương tự trong dụ ngôn những người thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16). Đề tài vườn nho trong bối cảnh xa hơn nối kết với Is 5,1-7. Một cách tổng quát, câu chuyện này nằm trong chuỗi những tranh luận của Đức Giêsu với các lãnh đạo Do Thái tại kỳ giảng ở Giêrusalem. Ý tưởng “đánh đập, giết, ném đá các đầy tớ” có liên hệ đến số phận các ngôn sứ trong dòng lịch sử và chính Đức Giêsu ngôn sứ. Đặc biệt, hình ảnh người con trai của ông chủ bị giết tiền bào về cái chết của Đức Giêsu Con Thiên Chúa trong hành trình khổ nạn.

Dụ ngôn được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại với nhiều chi tiết khác biệt[1]

Các chi tiết khác nhau

Máccô

Mátthêu

Luca

Một đầy tớ,

đánh,

đuổi đi tay không

Những đầy tớ,

Một bị đánh

Một bị giết

Một bị ném đá

Một đầy tớ,

đánh

đuổi đi tay không

Một đầy tớ khác

Làm bị thương ở đầu

Ngược đãi

Nhiều đầy tớ hơn trước

Đối xử y như vậy

Một đầy tớ khác,

Bị đánh

Một đầy tớ khác, bị giết

 

Một đầy tớ thứ ba,

Làm bị thương và quăng ra

Nhiều đầy tớ khác

Một vài bị đánh

Một vài bị giết

 

 

Con trai yêu quý

Giết

Quăng ra ngoài

Con trai

Quăng ra ngoài,

Giết

Con trai yêu quý

Quăng ra ngoài

Giết

Đáp trả của các Thượng Tế và Kỳ Lão trước câu hỏi của Đức Giêsu

Hủy diệt các nông dân

Hủy diệt các nông dân

Hủy diệt các nông dân

Trao vườn nho cho những nông dân khác

Trao vườn nho cho những nông dân khác, người sẽ trả hoa trái đúng mùa

Trao vườn nho cho các nông dân khác

Giải thích của Đức Giêsu

Tv 118,22-23

Tv 118,22-23

Tv 118,22

 

Nước Thiên Chúa sẽ được cất khỏi các ông

Trao cho dân khác

 

Cấu trúc

A. Dụ ngôn (33-39)

Bối cảnh:

Một chủ nhà trồng một vườn nho

đặt tường xung quanh, đào nơi đạp nho, xây tháp canh

Cho các nông dân thuê và ra đi

Những nông dân xấu xa tệ hại

Các đầy tớ đến để thu hoa trái

Những người nông dân bắt đánh, giết, ném đá

Sai nhiều đầy tớ hơn lần trước đến với họ,

Họ cũng đối xử với các đầy tớ như vậy

Sai con trai của mình đến với họ, nói rằng: “Chúng sẽ tôn trọng con trai Ta”

Họ bắt, ném ra khỏi vườn nho, giết chết.

B. Bản án dành cho những người thuê vườn (40-41)

Ông chủ sẽ làm gì khi ông đến?

Ông sẽ tiêu diệt những người xấu xa tệ hại

Trao vườn nho cho những nông dân khác

C. Giải thích của Đức Giêsu (42-43)

-        Trích dẫn Sách Thánh: Tảng đá bị loại bỏ thành đầu của góc

-        Nước Thiên Chúa sẽ được lấy đi khỏi các ông và ban cho một dân sinh hoa trái của nó

Một số điểm chú giải

1.     Một chủ nhà … ông chủ … ông chủ vườn nho: Đức Giêsu khởi đầu dụ ngôn bằng cách giới thiệu một người đàn ông là một chủ nhà (ἄνθρωπος ἦν οἰκοδεσπότης). Tiếp theo sau đó, cuối cùng khi đặt câu hỏi với thính giả Người dùng danh xưng “ông chủ vườn nho” (ὁ κύριος τοῦ ἀμπελῶνος). Danh xưng chủ nhà, giống với danh xưng được dùng trong dụ ngôn “những người thợ làm vườn nho”. Trong dụ ngôn này, danh xưng “ông chủ vườn nho” cũng được dùng để thay thế cho danh xưng chỉ nhà. Trong truyền thống Cựu Ước, Thiên Chúa được mô tả như là người chủ vườn nho, và Israel là vườn nho của Chúa. Ngôn sứ Isaia đã ghi lại dụ ngôn vườn nho trong đó nước Israel được mô tả như là vườn nho được Thiên Chúa trồng, và chăm sóc rất kỹ lưỡng (Is 5,1-7).[2] Chúa trông mong nó sinh những trái nho nhưng nó sinh toàn nho dại. Kết quả là Thiên Chúa sẽ “loại bỏ hàng rào, và nó sẽ nên hoang tàn, Thiên Chúa phá đổ tường rào và nó sẽ bị giẫm nát, gai góc mọc lên và Thiên Chúa lệnh cho mây không mưa giọt nào trên nó nữa. Ông chủ ở đây trồng và bảo vệ vườn nho tương tự như ông chủ trong Is 5 (trồng một vườn nho và đặt tường xung quanh và đào nơi đạp nho xây tháp canh = Is 5,2: Cuốc đất, nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho). Vịnh gia thời lưu đày thương tiếc cho quốc gia một thời hưng thịnh nay đã bị suy tàn. Ông ví Israel như “một cây nho mà Thiên Chúa mang lên từ Aicập; Rồi, đuổi chư dân và trồng nó vào; Núi đồi được phủ bóng của nó, những cây tuyết tùng hùng vĩ được che phủ bởi nhánh của nó; Nó vươn nhánh ra đến biển và chồi mọc ra tận sông lớn; Nhưng rồi Thiên Chúa đã phá đổ tường để những người qua đường hái trái; heo trong rừng tàn phá nó” (Tv 80,8-13). Ông chủ có thể là Thiên Chúa, vườn nho không thể là Israel vì vào cuối dụ ngôn, cất vườn nho khỏi những người nông dân xấu xa tệ hại và trao cho “các người nông dân thuê vườn khác”. Bối cảnh dụ ngôn có thể là câu chuyện của Is 5, nhưng có nhiều điểm khác biệt. Trong Isaia, chính vườn nho không sinh trái tốt, ở đây là các người thuê vườn không nọp hoa trái; trong Isaia chính vườn nho bị phá hủy, ở đây chính những người thuê vườn bị tiêu diệt và vườn nho được trao cho những người khác thuê; Trong dụ ngôn này vẫn còn hy vọng trong tương lai, trong khi trong Isaia tất cả đều hoang tàn.[3]

2.     Các nông dân thuê vườn: Các nông dân, hoặc là những người làm vườn ở đây là những được thuê mướn vườn nho của ông chủ. Danh xưng “γεωργοῖς” (ghêôrgois) được lặp lại sáu lần (cc.33.34.35.38.40.41). Họ không phải làm công nhật như những người công nhân trong dụ ngôn “người thợ làm vườn nho” (20,1-26). Ông chủ cho nhóm người này thuê vườn nho và đúng mùa ông đến thu hoa trái. W. Wright – C. Mann, cho biết là vào thế kỷ thứ nhất, nhiều chủ đất vắng mặt và để đất của mình cho các người làm thuê chăm sóc.[4] Phần phân chia, đóng góp hoa trái thế nào không được đề cập. Chỉ biết rằng đến thời điểm hoa trái, ông chủ sai đầy tớ đến để nhận hoa trái của mình. Tác giả K.R. Snodgrass dẫn lời nhiều tác giả cho rằng hợp đồng thuê đất và chăm sóc vườn giữa người thuê và chủ đất rất nổi tiếng thời bấy giờ. Căng thẳng và mâu thuẫn giữa hai bên cũng được ghi nhận rõ ràng, ngay cả việc tranh cãi xem ai là người giữ lại cành cây sau khi cắt tỉa. Chủ sở hữu ở xa, thỏa thuận cho thuê, chăm sóc vườn nho và sản xuất rượu.[5] Những người nông dân này thường được hiểu như là các lãnh đạo Do Thái, cụ thể là những người chối từ và giết chết Đức Giêsu.[6]

3.     Các đầy tớ: Các đầy tớ là những người làm nhiệm vụ đến nhận hoa trái của vườn nho. Mátthêu đề cập đến hai nhóm đầy tớ: Nhóm đầu tiên và nhóm thứ hai, cũng là nhóm cuối cùng đông hơn nhóm đầu tiên. Theo bảng so sánh ở trên, tác giả Máccô liệt kê nhiều lần gửi nhất, với bốn lần gửi (lần thứ nhất: Một đầy tớ; lần thứ hai: Một đầy tớ khác; lần thứ ba: Một đầy tớ khác; và lần thứ bốn: Nhiều đầy tớ khác). Theo tác giả Luca, ông chủ có ba lần gửi đầy tớ đến (lần thứ nhất: Một đầy tớ; lần thứ hai: Một đầy tớ; lần thứ ba: Một đầy tớ). Theo tác giả A. Hultgren, những người đầy tớ này là các ngôn sứ dọc theo chiều dài lịch sử.[7] Tác giả Mátthêu ghi lại lời phàn nàn của Đức Giêsu, trong đó đề cập đến việc Jêrusalem giết các ngôn sứ: “Oh Jêrusalem, Jêrusalem, thành giết các ngôn sứ và ném đá những người được sai đến, đã bao lần Ta muốn tập họp con cái các ngươi lại như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, nhưng ngươi không chịu” (Mt 23,37).[8]

4.     Người con trai … người thừa kế: Cả Máccô và Luca đều dùng danh xưng “người con yêu dấu” làm nổi bật ý nghĩa về mặt Kitô học.[9] Mátthêu chỉ dùng danh xưng “người con trai”, mặc dù ông vẫn dùng danh xưng ấy cho Đức Giêsu trong trình thuật phép rửa và biến hình. Người “Con trai” được gửi đến như là giải pháp sau cùng. Ông chủ đã tin rằng “họ sẽ tôn trọng người con trai” này. Người con là đại diện cho uy quyền của ông chủ, vì thế họ phải tôn trọng và vâng phục.[10] Nếu như hình ảnh “ông chủ vườn nho” được hiểu là Thiên Chúa, thì hình ảnh người con trai được hiểu là “Con Thiên Chúa”, tức là chính Đức Giêsu. Trong suốt Tin Mừng Đức Giêsu được giới thiệu như là “Con yêu dấu của” Thiên Chúa, đặc biệt là trong biến cố Đức Giêsu chịu dìm trong nước (Mt 3,17) và biến cố biến hình (Mt 17,5; Cf. 12,8). Trước cái chết trên thập giá của Đức Giêsu, người đại đội trưởng và đồng bạn đã xác nhận: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54; Cf. 27,43; 16,16; 14,33 8,29). Trong đoạn văn này “người con trai” được các nông dân nhìn nhận là người thừa kế và nếu giết cậu rồi thì họ có thể chiếm tài sản thừa kế, trong bối cảnh này vườn nho chính là khối tài sản thừa kế. Danh từ “tài sản thừa kế” được hiểu như là đất hứa được ban cho ông Ápraham trong Cựu Ước (Hr 11,8; Cf. Đnl 3,20;12,9). Trong thư gửi tín hữu Galát, ông Phaolô khẳng định rằng, các tin hữu “không còn là đầy tớ nữa, nhưng là người con, mà nếu là người con, thì là người thừa kế nhờ Thiên Chúa” (Gl 4,1.7). Tương tự, trong thư gửi tín hữu Rôma, ông Phaolô cũng xác nhận rằng: “Đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,17). Thừa kế trong câu này được hiểu như là được “hưởng vinh quang”.

5.     Những nông dân khác … những dân khác … trao cho: Khi được Đức Giêsu hỏi rằng: “Ông chủ sẽ làm gì khi ông đến? Các thính giả thưa rằng: “Ông chủ sẽ tiêu diệt chúng và sẽ trao vườn nho cho những nông dân khác”. “Những người nông dân khác” được định nghĩa là “những người nộp hoa trái đúng kỳ hạn”. Trong lời giải thích của Đức Giêsu, Người dùng danh từ “một dân khác”, và dân này được định nghĩa là “dân làm ra hoa trái”. “Dân khác” ở đây có thể được hiểu là cộng đoàn “các Kitô hữu” được tạo nên từ những người Do Thái và những người ngoại. “Dân khác” cũng có thể hiểu là dân ngoại qua mọi thời, đối lại với các kitô hữu. Bên cạnh cách hiểu như là “một dân” hay một “nhóm”, danh từ “ethnos” còn được hiểu rộng ra cho một nhóm đặc trưng. Theo nghĩa này, vương quốc không bị cất khỏi Israel toàn thể, và ban cho Giáo Hội toàn thể nhưng là tước đi và trừng phạt hệ thống lãnh đạo trong Israel và ủng hộ hệ thống lãnh đạo của Giáo Hội. Không phải vườn nho bị phá hủy nhưng là những người thuê vườn nho bị trừng phạt và tước quyền.[11]

6.     Vườn nho … Nước Thiên Chúa: Vườn nho trong dụ ngôn được chính Đức Giêsu ví như là “Nước Thiên Chúa”. Trong dụ ngôn “người thợ làm vườn nho” (Mt 20,1-16), danh xưng “Nước Trời” được giới thiệu vào đầu dụ ngôn “Nước Trời giống như…”, trong dụ ngôn này, danh xưng Nước Thiên Chúa được dùng trong lời giải thích kết thúc dụ ngôn. Đây không phải là chuyện về “vườn nho” và “hoa trái” nhưng là chuyện “Nước Trời” và “quyền thừa kế Nước Trời”. Động từ “lấy đi” trong mệnh đề “Nước Thiên Chúa được lấy đi” được dùng ở thể bị động với tác nhân được hiểu ngầm là Thiên Chúa. Trong ba tác giả sách Tin Mừng, chỉ có tác giả Mátthêu thêm vào phần kết luận của Đức Giêsu: “Nước Thiên Chúa sẽ được lấy khỏi các ông và trao cho một dân làm ra hoa trái” (Mt 21,43). Các tác giả tranh luận về tính xác thực của câu thêm vào này. Nếu Mátthêu thêm vào câu này trong quá trình tái biên soạn, có thể ông muốn cộng đoàn của ông hiểu dụ ngôn theo hướng này. Câu này, không nhắm vào hành động “lấy đi” cho bằng “hành động trao ban”, mở ra cho dân ngoại một cơ hội sinh hoa trái. Dựa trên câu trả lời của thính giả, rất có thể là các thượng tế và những người Pharisêu (Mt 21,45), Đức Giêsu chỉ công bố điều hiển nhiên. Nếu các nông dân thuê đất trước xấu xa tệ hại, thì ông chủ phải lấy đất lại và cho người khác thuê.

7.     Bắt … đánh … ném đá … ném ra khỏi vườn nho … giết: Đây là loạt những hành động các nông dân thuê đất đã đối xử với những người mà ông chủ vườn nho gửi đến. Động từ “nhận” (hay thu) hoa trái và “bắt lấy” là cùng một động từ (lambánồ - λαμβάνω). Có lẽ đây là một lối chơi chữ. Những người đầy tớ đến để thu hoa trái (λαβεῖν τοὺς καρποὺς αὐτοῦ) nhưng những người nông dân thuê đất “bắt lấy” những người đầy tớ (λαβόντες οἱ γεωργοὶ τοὺς δούλους αὐτοῦ). Khác với tác giả Máccô và Luca, tác giả Mátthêu gom nhóm nhân vật lại và liệt kê các hành động mà những người nông dân thuê vườn đã làm: Người thì họ đánh, người thì họ giết, người thì họ ném đá. Lần thứ hai, tác giả lại tóm gọn hơn “ông chủ lạ sai một nhóm đầy tớ khác đông hơn trước và họ cũng đối xử tương tự”, nghĩa là cũng “đánh, giết, và ném đá”. Những hành động mà những người nông dân làm cho hai nhóm đầy tớ rất giống với những hành động mà những người khách được mời đối xử với những đầy tớ đi mời trong dụ ngôn “tiệc cưới”: “Những người còn lại bắt các đầy tớ, sỉ nhục và giết chết” (Mt 22,6). Đối với “người con trai”, họ có âm mưu rõ ràng. Họ nói với nhau: “Người này là kẻ thừa kế, hãy đến, chúng ta hãy giết nó và chúng ta có thể sở hữu phần thừa kế của nó”. Họ giết chết “người con” là để đoạt phần thừa kế, tức là vườn nho. Nói là làm “họ bắt cậu, quăng ra khỏi vườn nho và giết chết”. Động từ “giết chết” được Đức Giêsu dùng để tiền báo về cuộc khổ nạn của Người: “Người phải đi Jêrusalem, phải chịu đau khổ nhiều bởi các kỳ lão, thượng tế và kinh sư, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21; Cf. 17,23). Sau dụ ngôn này, người thuật chuyện cho biết là các Thượng Tế và những người Pharisêu tìm cách bắt Đức Giêsu (Mt 21,46). Sau đó, các Thượng Tế và các Kỳ Lão của dân lại âm mưu để có thể bắt Đức Giêsu bằng dối lừa và giết chết (Mt 26,3-4). Các “đám đông với gươm và gậy từ các Thượng Tế và Kỳ Lão” đã theo chỉ dẫn của Juđa mà bắt Đức Giêsu trong vườn Ghétsêmanê (Mt 26,34-35). Giới từ “ra khỏi” đi theo động từ “quăng” (quăng ra khỏi vườn nho và giết chết) gợi nhớ đến hình ảnh Đức Giêsu bị dẫn ra khỏi thành Jêrusalem và đóng đinh vào thập giá (Mt 27,31-32).

8.     Xấu xa tệ hại … hủy diệt: Những người nông dân thuê vườn trong dụ ngôn được mô tả là “xấu xa tệ hại” và đáng bị ông chủ “tiêu diệt”. Động từ “tiêu diệt” được dùng cho nhóm người này khác với động từ “giết chết” được dùng cho đối tượng là các “đầy tớ” và “người con trai”. Đặc tính “xấu xa tệ hại” là đặc tính của nhóm thính giả dành cho nhóm người nông dân thuê vườn dựa trên cách thức họ đối xử với hai nhóm đầy tớ và con trai của ông chủ.

9.     Câu trích dẫn Sách Thánh: Trong phần giải thích Đức Giêsu đã dùng câu Thánh Vịnh 118,22-23 (Tv 117 trong bản LXX): “Hòn đá những người thợ xây chối bỏ, hòn đá này đã trở thành đầu của góc;  đó là từ Chúa và tuyệt vời trong mắt chúng ta”. Thánh Vịnh 118 là một Thánh Vịnh tạ ơn của một nhóm người thoát khỏi sự chết. Tuy vậy, nó có thể cũng là hồi ức sâu xa về lời cầu nguyện của con người và sự can thiệp của Thiên Chúa. Thánh Vịnh mở ra và đóng lại bằng một lời mời gọi ca tụng Thiên Chúa vì “Chúa nhân lành, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Cc.22-23 có lẽ là một câu châm ngôn cổ, nhưng ở Thánh Vịnh này nó diễn tả một sự đảo ngược vận mệnh trong cơn khốn cùng được Thiên Chúa thực hiện. Trước đó là lời tạ ơn: “Tôi tạ ơn Người vì Người đã đáp lời tôi và đã trở nên ơn cứu độ của tôi” (Tv 118,21). Sau đó, họ tuyên xưng rằng “đây là ngày Thiên Chúa đã làm ra”, ngụ ý nói đến ngày Thiên Chúa ra tay cứu họ như là những lý do để vui mừng: “Chúng ta hãy mừng rỡ hân hoàn vì ngày đó” (Tv 118,24).[12]

“Tôi tạ ơn Người vì Người đã đáp lời tôi và đã trở nên ơn cứu độ của tôi”

Tảng đá mà những người thợ xây chối từ đã trở thành [tảng đá] đầu của góc

Đây là [công trình] từ Chúa; nó tuyệt vời trước mắt chúng ta

Đây là ngày Chúa đã làm ra; chúng ta hãy vui mừng và hân hoan trong nó” (Tv 118,21-24)

Đức Giêsu dùng câu Thánh Vịnh này để áp dụng cho trường hợp của Người. Người chính là hòn đá mà các lãnh đạo Do Thái sẽ chối từ và giết chết nhưng Người sẽ “được trỗi dậy”. Đó là thông điệp quan trọng trong ba lần tiền báo về cuộc khổ nạn “ngày thứ ba Người sẽ được trỗi dậy”. Trong bài giảng dành cho hội đồng Do Thài vì sự kiện “người què được chữa lành”, ông Phêrô dùng câu Thánh Vịnh Đức Giêsu dùng để áp dụng cho Đức Kitô chịu đóng đính: “Nhờ danh Đức Giêsu Nadarét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết … Đấng ấy là hòn đá góc mà quý vị là thợ xây đã loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đầu của góc” (Cv 4,10-11). Tác giả thư Phêrô cũng chứng nhận điều này khi nói rằng Người là “tảng đả sống động bị loại bỏ nhưng trong mắt Thiên Chúa là hòn đá được chọn và quý giá” (1 Pr 2,4).

10.  Hòn đá …đầu của góc: Đây là một trong những cụm từ gây nhiều tranh luận nhất. Nghĩa đen của nó là “cái đầu của cái góc” (לְרֹ֣אשׁ פִּנָּֽה = κεφαλὴν γωνίας). Các tác giả xưa nay chia ra thành hai khuynh hướng. Thứ nhất, nó là “tảng đá góc tường” và thứ hai là “tảng đá đỉnh vòm”. Nếu hiểu theo nghĩa trong tiếng Do Thái, nghĩa của cụm từ này trong Thánh Vịnh, thì nó có thể là “tảng đá” ở góc nền móng để nối kết các bức tường của ngôi nhà, vì các ngôi nhà của Do Thái không có cấu trúc mái bằng, không có vòm. Tác giả T. France nghĩ rằng “đầu của góc” có lẽ là hòn đá cao nhất trong một góc tường, giữ hai bên của toà nhà lại với nhau.[13] Nếu hiểu theo cấu trúc của Rôma, nó có thể là tảng đá có vai trò chốt lại các kết cấu hình vòm, để làm cho kết cấu được vững chắc.[14] Dù là cách hiểu nào đi nữa, nó cũng ngụ ý một hòn đá quan trọng, chính yếu, nền tảng, không thể thiếu cho cấu trúc của một công trình xây dựng. Đức Kitô là hòn đá quan trọng nhất trong toàn bộ kết cấu của Hội Thánh.[15] Trong thần học của Phaolô, Đức Giêsu được mô tả như là “đầu của Hội Thánh”: “Thiên Chúa đã đặt tất cả mọi sự dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh” (Ep 1,22; Cf. 4,15; 5,23); “Người là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1,18; Cf. 2,19). Kết cấu của Hội Thánh ăn khớp với nhau trong Người: “Trong Người toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa” (Ep 2,21; Cf. 4,16).

Chú giải tổng quát

Dụ ngôn “những người nông dân xấu xa tệ hại” (Mt 21,33-43) nằm trong bối cảnh các dụ ngôn “người thợ làm vườn nho” với kết thúc là những người vào làm sau chót vào giờ thứ mười một cũng được nhận lương bằng người vào làm giờ đầu tiên (20,1-16); “Cây vả không sinh hoa trái” (Mt 21,18-22); “hai người con” (21,28-32) với sự đối chọi giữa người “nói không” nhưng lại làm với người “nói làm”, nhưng lại không làm; và dụ ngôn “khách mời dửng dưng” (Mt 22,1-14). Đức Giêsu đang nói với những người lãnh đạo Do Thái (các Thượng Tế, Kỳ Lão và Kinh Sư), trong bầu khí căng thẳng: Đức Giêsu “thanh tẩy Đền Thờ” (21,12-13) và Họ muốn chất vấn Người về quyền thanh tẩy đền thờ (Mt 21,23). Trong dụ ngôn “những người nông dân xấu xa tệ hại”, có bốn nhóm nhân vật chính: Thứ nhất là ông chủ vườn nho. Ông đã làm mọi sự tốt nhất cho vườn nho, tương tự như ông chủ vườn nho trong Is 5,1-7. Ông cho những người nông dân thuê và sai đầy tớ đến thu hoa trái. Nhóm thứ hai là những người nông dân thuê vườn. Họ được giả định là phải nộp hoa trái cho ông chủ vào “thời hoa trái”, nhưng họ đã không những không nộp mà còn bắt, giết, ném đá tất cả các đầy tớ (nhóm nhân vật thứ ba) ông chủ gửi đến. Sự gian ác lên đến đỉnh điểm khi họ âm mưu và giết chết người con trai (nhân vật thứ tư) của ông chủ, quăng ra khỏi vườn nho. Mưu toan của họ trở nên rõ ràng: Họ muốn chiếm tài sản thừa kế của cậu con trai. Vậy là, người thừa kế phải chịu chung số phận với các đầy tớ: Bị bắt, bị ném ra ngoài, giết chết. Ý nghĩa của dụ ngôn dần lộ rõ với phần đối đáp của Đức Giêsu liên quan đến số phận của nhóm “nông dân thuê vườn”. Trước câu hỏi “ông chủ sẽ làm gì khi ông đến”, các thính giả (nhóm Thượng Tế, Kỳ Lão, Pharisêu) đã mô tả căn tính của nhóm “những nông dân thuê vườn” là “xấu xa tệ hại” (κακοὺς κακῶς) và công bố bản án là: Ông chủ sẽ tiêu diệt họ và trao vườn nho cho những nông dân khác, những người nộp hoa trái cho ông vào thời điểm của nó. Các động từ “bắt, quăng ra ngoài, giết chết” gợi ý đến căn tính và số phận của “Người Con”, được mô tả trong các lời tiền báo về cuộc thương khó và chính cuộc thương khó sẽ diễn ra sau đó. Câu trích dẫn của Đức Giêsu (Tv 118) làm lộ rõ tính cách ngôn sứ của số phận và sứ mạng Đấng Mêsia. Người như một hòn đã bị những người thợ xây chối từ nhưng lại trở thành “viên đá đầu của góc”, tức là viên đá nền tảng cho sự kết nối vững chắc của toàn ngôi nhà. Câu bình luận của Đức Giêsu, một cách trực diện, cho thấy vườn nho chính là Nước Thiên Chúa, và ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa sẽ được lấy khỏi “các ông”, có thể được hiểu là hệ thống lãnh đạo Do Thái, và trao cho một dân khác, có thể được hiểu là công đoàn Kitô hữu (Do Thái và dân ngoại), hoặc hệ thống lãnh đạo của cộng đoàn này. Công bố của Đức Giêsu dựa trên bản án mà các lãnh đạo Do Thái đã công bố dành cho các “nông dân thuê vườn”.[16] Vườn nho bị lấy lại là vì họ quá xấu xa tệ hại. Dụ ngôn mô tả các thực tại cụ thể: (1) Nhóm lãnh đạo Do Thái không đón nhận các ngôn sứ, Người Con, và ở ngoài Nước Thiên Chúa; (2) Cộng đoàn Kitô hữu đã được phúc đón nhận Nước Thiên Chúa và đang sinh hoa trái theo cách của mình; (3) Người con đã bị bắt, bị dẫn ra ngoài thành, và bị giết chết. Đức Giêsu vẫn mời gọi tất cả mọi người đi vào làm “vườn nho của” Chúa. Người đến để cứu sống chứ không phải giết chết (Mt 18,11). Tuy nhiên, trên thực tế, có những người chối từ, loại trừ và giết chết Người. Dụ ngôn có thể nhắm đến các lãnh đạo Do Thái đang chất vấn Đức Giêsu nhưng cũng có thể dành cho bất cứ hệ thống lãnh đạo nào không mang lại hoa trái cho Chúa.[17]

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

 


[1] A.J. Hultgren, The Parables of Jesus. A Commentary (Grand Rapids – Cambridge 2000) 358.

[2] “God is portrayed in Isaiah 5:1-7 as one who has planted and cared for a vineyard, doing all that one could possibly do to make it yield a good crop. But the vineyard failed. The only recourse of the owner is to destroy it. The Isaiah passage closes by identifying the vineyard as "the house of Israel" and the vines as "the people of Judah." Their failure is a lack of justice and righteousness” (A.J. Hultgren, The Parables of Jesus, 357).

[3] R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 811-812; “Thus while Jesus borrows the imagery of Isaiah, he adapts it so that the primary evildoers represent not Israel but her leaders” [KEENER, C. S., The Gospel of Matthew: A Socio-Rhetorical Commentary (Grand Rapids – Cambridge 2009) 510].

[4] W.F. Albright – C.S. Mann, Matthew. Introduction, translation, and notes (New Haven – London 2008) 264.

[5] K.R. Snodgrass, Stories with Intent. A Comprehensive Guide to the Parables of Jesus (Grand Rapids 2018) 224.

[6]The quotation says explicitly and dramatically what the parable intends: the religiousleaders have rejected the son, the climactic envoy from God, but this rejection will be reversed by God and the leaders will lose their role in God’s purposes” (K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 229).

[7]NT passages that allude to such are the Q passages of Luke 1l:49 // Matthew 23:34 and Luke 13:34 // Matthew 23:37, and Hebrews 11:37. These are all based on information derived from the OT, in which prophets and their messages are rejected (2 Chron 24:19; Jer 7:25-26; 25:4), beaten Jer 20:2), and killed (Neh 9:26; Jer 26:21-23).” (A.J. Hultgren, The Parables of Jesus, 359); “The persecution and in extreme cases murder of true prophets is a theme Matthew has already mentioned in 5:11–12 and will develop more fully in 23:29–36” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 813).

[8]The language for mistreatment is a clear allusion to the mistreatment of the prophets, as is especially clear from Matt 23:37. Then a larger group is sent and treated the same way” (K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 227).

[9] Ibid.

[10] “When the son goes as his father’s messenger he goes with all his father’s authority, and so deserves “respect” and obedience. To reject the son’s demand is therefore the climax of rebellion” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 813).

[11] B. Byrne, “Matthew”, The Paulist Biblical Commentary (ed. J.E.A. Chiu et al.) (New York 2018) 952.

[12] J. Endres – J.D.E. Prinz, “Psalm”, The Paulist Biblical Commentary (ed. J.E.A. Chiu et al.) (New York 2018) 509; “The whole psalm is a vindication of God’s purpose, declared as through the agency of a chosen servant. Here again (cf. Part IV of the Introduction) it is the context of the whole psalm which must be taken into account in this quotation. The entire drama of this final week is seen in the light of God’s victory snatched from the jaws of defeat, an assertion of the vindication of God’s selection of his own. This choice is narrowed into the person of the Son, and with him the nascent Messianic Community” (W.F. Albright – C.S. Mann, Matthew, 265).

[13] R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 815.

[14] “Head of corner”: “the main foundation stone set at the corner of the building to align it accurately, is one possible interpretation. But the meaning may also be “keystone” (JB, NAB) or “capstone” (NIV), the last stone placed in the arch so as to lock the other stones together. TEV and GeCL 1st edition assume a more neutral position (“the most important of all”), since scholarship is sharply divided on this issue” [B.M. Newman – P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew (UBS; New York1992) 668].

[15] “head of the corner is rendered as ‘the most important of all in the building.’” [B.M. Newman – P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew (UBS; New York1992) 669].

[16] “the ‘therefore’ here does double duty. In the first place this verse is the sequel to v. 41, and applies to the chief priests and elders the verdict they have just pronounced on the defaulting tenants: in view of what you have concluded, you yourselves are to be dispossessed. But in the second place the “therefore” also takes up the theme of the psalm quotation: just as the builders rejected the stone only to find that their judgment was overturned and the stone given the place of highest importance, so you will see that the son you have rejected and killed is the one God has chosen to take your place” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 816).

[17] “Matthew also uses this threat from Jesus’ day as a warning for Christian leaders in Matthew’s day (24:45–51). The church and many of its leaders who readily condemn Israel’s behavior have repeated Israel’s frequent disobedience often enough in history and to a great extent continue to do so today; many ministers regard the church as “their” field of ministry, rather than keeping in mind who their Lord is” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew. A Socio-Rhetorical Commentary (Grand Rapids – Cambridge 2009) 511).

No comments:

Post a Comment