Thursday, 2 March 2023

TỪ NÚI BIẾN HÌNH ĐẾN ĐỒI SỌ. Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Hiển Dung A và CN II MC A (Mt 17,1-9); Lm. Jos. Ph.D. Thạch

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

1 Và sau sáu ngày, Đức Giêsu mang theo các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan, em của ông và Người dẫn họ lên núi cao, riêng họ.

2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt họ. Mặt Người chiếu sáng như mặt trời, y phục Người trở nên trắng như ánh sáng.

3 Và kìa! Ông Môsê và ông Êlia hiện ra thảo luận với Người.

4 Để đáp trả, ông Phêrô nói cùng Đức Giêsu: Thưa Thầy! Chúng con ở đây thật là tốt, nếu Thầy muốn, con sẽ làm ở đây ba chiếc lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Môsê và một cái cho ông Êlia.

5 Ông đang nói, thì kìa, một đám mây sáng chói phủ bóng trên họ, và kìa, có tiếng từ đám mây nói rằng: Đây là Con Trai Yêu Dấu của Ta, nơi Người Ta hài lòng, hãy nghe Người.

6 Khi nghe như vậy, các môn đệ sụp mặt xuốngcực kỳ sợ hãi.

7 Rồi Đức Giêsu đến và chạm vào họ, nói rằng: “Hãy trỗi dậy và đừng sợ”.

8 Khi họ ngước mắt lên thì không thấy ai nữa, ngoại trừ một mình Đức Giêsu.

9 Đang khi họ đi xuống từ trên núi, Đức Giêsu ra lệnh cho họ rằng: “Không được nói gì với ai cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”.

1 Καὶ μεθ᾽ ἡμέρας ἓξ παραλαμβάνει Ἰησοῦς τὸν Πέτρον καὶ Ἰάκωβον καὶ Ἰωάννην τὸν ἀδελφὸν αὐτοῦ καὶ ἀναφέρει αὐτοὺς εἰς ὄρος ὑψηλὸν κατ᾽ ἰδίαν.

 2 καὶ μετεμορφώθη ἔμπροσθεν αὐτῶν, καὶ ἔλαμψεν τὸ πρόσωπον αὐτοῦ ὡς ἥλιος, τὰ δὲ ἱμάτια αὐτοῦ ἐγένετο λευκὰ ὡς τὸ φῶς.

 3 καὶ ἰδοὺ ὤφθη αὐτοῖς Μωϋσῆς καὶ Ἠλίας συλλαλοῦντες μετ᾽ αὐτοῦ.

 4 ἀποκριθεὶς δὲ Πέτρος εἶπεν τῷ Ἰησοῦ· κύριε, καλόν ἐστιν ἡμᾶς ὧδε εἶναι· εἰ θέλεις, ποιήσω ὧδε τρεῖς σκηνάς, σοὶ μίαν καὶ Μωϋσεῖ μίαν καὶ Ἠλίᾳ μίαν.

 5 ἔτι αὐτοῦ λαλοῦντος ἰδοὺ νεφέλη φωτεινὴ ἐπεσκίασεν αὐτούς, καὶ ἰδοὺ φωνὴ ἐκ τῆς νεφέλης λέγουσα· οὗτός ἐστιν υἱός μου ἀγαπητός, ἐν εὐδόκησα· ἀκούετε αὐτοῦ.

 6 καὶ ἀκούσαντες οἱ μαθηταὶ ἔπεσαν ἐπὶ πρόσωπον αὐτῶν καὶ ἐφοβήθησαν σφόδρα.

 7 καὶ προσῆλθεν Ἰησοῦς καὶ ἁψάμενος αὐτῶν εἶπεν· ἐγέρθητε καὶ μὴ φοβεῖσθε.

 8 ἐπάραντες δὲ τοὺς ὀφθαλμοὺς αὐτῶν οὐδένα εἶδον εἰ μὴ αὐτὸν Ἰησοῦν μόνον.

 9 Καὶ καταβαινόντων αὐτῶν ἐκ τοῦ ὄρους ἐνετείλατο αὐτοῖς Ἰησοῦς λέγων· μηδενὶ εἴπητε τὸ ὅραμα ἕως οὗ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου ἐκ νεκρῶν ἐγερθῇ. (Matt. 17:1-9 BGT)

Bối cảnh

Trong bối cảnh trực tiếp, Mt 17,1-9, được đặt ngay sau lời mời gọi gay gắt của Đức Giêsu dành cho những ai muốn theo Người: “Phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (Mt 16,24). Rộng hơn một chút, đoạn văn này được đặt trong bối cảnh ba lần Đức Giêsu tiền báo về Cuộc Khổ Nạn – Phục Sinh của Người. Lần thứ nhất trước đoạn văn này (Mt 16,21-23) và hai lần còn lại sau đoạn văn này (17,22,23; 20,17-19). Lời công bố từ đám mây: “Đây là Con Trai của Ta, người yêu dấu, nơi Người Ta hài lòng”, giúp nối kết xa hơn với trình thuật Đức Giêsu chịu phép rửa (Mt 3,13-17). Cuộc thảo luận giữa ông Môsê và Êlia với Đức Giêsu, ngầm nối kết với mầu Nhiệm Khổ Nạn – Phục Sinh mà Đức Giêsu sẽ thực hiện sau này. Núi cao trong cảnh này gợi nhớ đến đồi sọ trong cuộc tử nạn.

Cấu trúc

Đi lên (1)

Trên núi (2-8)

Biến hình – thảo luận (2-3)

Phản ứng của ông Phêrô (4)

Thông điệp từ trời (5).

Phản ứng của các môn đệ (6)

Khích lệ của Đức Giêsu (7)

Hết biến hình (8)

Đi xuống: Lệnh cấm (9)

Một số điểm chú giải

1.     Sau sáu ngày: Mốc điểm thời gian mà tác giả Mátthêu, cũng như tác giả Máccô (Mc 9,2-8) đưa ra là “sau sáu ngày”. Sáu ngày tính từ biến cố gì hay tính từ đâu. Quan sát bối cảnh câu chuyện, độc giả có thể đoán rằng, có thể là tính từ thời điểm Đức Giêsu tiền báo về cuộc Thương Khó – Phục Sinh lần thứ nhất (Mt 16,21-23). Nghĩa là, tác giả muốn nối kết câu chuyện biến hình với lời tiền báo về thương khó – phục sinh. Sự kiện Đức Giêsu biến hình có mối liên hệ chặt chẽ với mầu nhiệm thương khó – phục sinh. Tại sao lại là sáu ngày mà không phải năm ngày hoặc bảy ngày? Có nhiều lý giải khác nhau. Giáo phụ Origene cho rằng khoảng thời gian sáu ngày có thể nối kết với trình thuật về việc Thiên Chúa tạo dựng trong sáu ngày, với đỉnh cao là ngày Sabát. Theo, tác giả J. Marcus, bối cảnh Thánh Kinh làm nền cho khoảng thời gian “sáu ngày” này là sự kiện ông Môsê lên núi sau sáu ngày (Xh 24,16).[1] Đoạn văn Xuất Hành mô tả về sự kiện ông Môsê lên núi để nhận bia đá Thập Điều. Lý giải này có vẻ hợp lý trong bối cảnh Tin Mừng Mátthêu, vốn mô tả Đức Giêsu như là một ông Môsê mới. Quang cảnh cuộc lên núi của ông Môsê khá giống với cảnh biến hình. Có đám mây, có núi. Theo sách Xuất Hành, ông Môsê lên núi vào ngày thứ bảy. Trong trình thuật biến hình cũng có sự xuất hiện của ông Môsê, người đã đi lên núi gặp Chúa xưa kia. Các chi tiết như “sáu ngày”, “ba môn đệ”, “núi cao” nối kết cảnh biến hình với cảnh thần hiện trong Xh 24.[2] Riêng tác giả Luca nói đến khoảng thời gian dài hơn: “Sau tám ngày” thay vì sáu ngày như Mátthêu và Máccô. Tác giả J. Fitzmyer nghĩ rằng “tám ngày” không có ý nghĩa gì khác hơn là ám chỉ đến khoảng thời gian “một tuần”.[3] Tuy vậy, khoảng thời gian tám ngày có thể liên quan đến những chỉ dẫn về Lễ Lều: “Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng hỏa tế lên Đức Chúa. Ngày thứ tám, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, và phải tiến dâng một lễ hỏa tế lên Đức Chúa: Đó là một buổi họp long trọng các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào” (Lv 23,36).[4] Chi tiết “dựng ba cái lều” trong trình thuật này xem ra cũng trùng khớp với chỉ dẫn của Lễ Lều, có đề cập đến “ngày thứ tám” như vừa trích dẫn.

16 Vinh quang Chúa cư ngụ trên núi Xinai và đám mây bao phủ núi sáu ngày. Vào ngày thứ bảy, từ giữa đám mây, Người gọi ông Môsê.17 Hình dáng của vinh quang Chúa giống như ngọn lửa thiêu trên đỉnh núi, trước mắt con cái Israel.18 Ông Môsê đi vào giữa đám mây, đi lên núi, và ở đó, trên núi bốn mươi ngày bốn mươi đêm” (Xh 24,16-18).

 

2.     Các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan, em của ông: Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều trình thuật câu chuyện Đức Giêsu tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên là hai cặp anh em: Anrê – Phêrô và Giacôbê – Gioan (Mt 4,18-22; Mc 1,16-20; Lc 5,1-11). Khi liệt kê danh sách Mười Hai Tông Đồ, tác giả Mátthêu và Luca cũng liệt kê bốn nhân vật này đầu tiên theo thứ tự: Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan… trong khi tác giả Máccô đưa tên ông Anrê ra sau Giacôbê và Gioan: Phêrô, Giacôbê, Gioan, Anrê (Mc 3,13-19). Tác giả Luca, trong sách Công Vụ lại có một cách liệt kê khác “Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê …”. Như vậy, theo tác giả Máccô và tác giả Luca (trong sách Công Vụ), ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan là nhóm đứng đầu danh sách các Tông Đồ. Bộ ba: “Phêrô, Giacôbê và Gioan”, được gọi là “vòng trong của các môn đệ”,[5] được Đức Giêsu mang theo, và dẫn riêng lên núi. Cách chọn lựa này có thể ám chỉ đến việc ông Môsê dẫn theo ba ông Aharon, Nađáp và Avihu (Xh 24,1.9), cùng với bảy mươi người trong hàng Kỳ Lão của Israel. Ngoài bối cảnh câu chuyện biến hình, nhóm bộ ba này được Đức Giêsu dẫn theo trong những dịp đặc biệt khác: (1) Phục sinh con gái ông trưởng hội đường (Mt 9,18-26; Mc 5,21-23.35-43; Lc 8,40-56); (2) Trong vườn Gếthsêmani (Mt 26,37; Mc 14,33). Cả ba lần bộ ba này đi riêng với Đức Giêsu đều liên hệ đến biến cố Khổ Nạn – Phục Sinh. Trình thuật biến hình, xảy ra ngay sau khi Đức Giêsu tiền báo về Thương Khó – Phục Sinh lần thứ nhất và Người lên núi bàn luận với ông Môsê và Êlia về biến cố này. Phép lạ phục sinh con gái ông trưởng hội đường liên quan đến sự chết và phục sinh; Và vườn Gếthsêmani là nơi Đức Giêsu cầu nguyện khẩn thiết trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Ba nhân vật này được phúc thấy vinh quang, nhưng cũng được mời gọi hiểu biết và đón nhận đau khổ của thập giá.

3.     Núi cao … riêng họ: Địa danh “núi cao” dẫn đến nhiều sự đồn đoán của các tác giả xưa nay. Truyền thống Kitô giáo từ sớm đã nghĩ rằng núi Tabor[6], vì đó là núi khá cao trong vùng Galilê, tương đối gần nơi Đức Giêsu rao giảng. Có tác giả nghĩ rằng đó là cách nói ám chỉ đến núi Xinai xưa, nơi Chúa ban Thập Điều cho ông Môsê. Có người cho rằng đó là núi Hermon, nằm giữa Xêdarê Philipphê và Caphácnaoum.[7] Thật không dễ để biết chính xác “núi cao” ấy là núi nào. Về mặt thần học, núi là nơi Thiên Chúa tỏ hiện.[8] Núi Xinai là một hình ảnh mang đậm dấu ấn cuộc gặp gỡ giữa Chúa và dân. Đức Giêsu của tác giả Mátthêu có Bài Giảng Trên Núi, khác với Bài Giảng dưới đồng bằng của Đức Giêsu Luca. Hình ảnh núi cao, cũng có thể làm cho độc giả liên tưởng đến Núi Sọ, nơi Đức Giêsu sẽ chịu tử hình. Tác giả W. Davies – D. Allison, đối chiếu những chi tiết tương tự giữa hai cảnh này:[9]  

Biến Hình (17,1-9)

Tử Hình (27,27-56)

Riêng tư cho nhóm nhỏ

Ánh sáng … vinh quang

Núi cao

Đức Giêsu mang theo những người khác

Có ba người quan sát (3 môn đệ được kể tên)

Đức Giêsu được chứng nhận là Con Thiên Chúa

Ông Êlia hiện diện

Họ sợ hãi

Áo choàng sáng lấp lánh

Sau sáu ngày

Công khai cho mọi người

Bóng tối… tự hạ

Đồi sọ, chịu treo trên thập giá

Người khác mang Đức Giêsu đi

Có ba người quan sát (3 phụ nữ được kể tên)

Đức Giêsu được chứng nhận là Con Thiên Chúa

Ông Êlia được nhắc đến

 Họ sợ hãi

Áo choàng bị xé ra và bị mang đi

Từ giờ thứ sáu bóng tối bao phủ

4.     Biến đổi hình dạng …Người chiếu sáng như mặt trời, y phục Người trở nên trắng như ánh sáng: Động từ “metamorphoô” diễn tả sự biến đổi vẻ bề ngoài. Tác giả Mátthêu mô tả thêm sự biến đổi có thể nhận thấy được là: “gương mặt Người chiếu sáng như mặt trời” và “y phục Người trở nên trắng như ánh sáng”. Tác giả Máccô không mô tả sự chiếu sáng của khuôn mặt, nhưng diễn giải thêm độ sáng của y phục: “Y phục trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt được trắng như vậy” (Mc 9,3). “Trắng như ánh sáng” là một lối diễn tả màu trắng ở mức cao nhất. Sự chói sáng mang tính siêu nhiên nơi y phục của thần linh hoặc các thực thể trên trời hay của những người công chính, là những hình ảnh thường thấy trong truyền thống Thánh Kinh: Y phục Con Người trắng như tuyết (Đn 7,9); Những người phụ nữ đi viếng mộ Đức Giêsu thấy một chàng thanh niên mặc áo choàng trắng (Mc 16,5); Hai người đàn ông mặc áo trắng trong lúc Đức Giêsu được rước lên trời (Cv 1,10).[10] Ánh sáng của gương mặt được ví như ánh sáng mặt trời, nghĩa là ánh sáng ở mức mạnh nhất, sáng nhất, nóng nhất. Đây là một sự biến đổi của gương mặt một người tiếp xúc với Thiên Chúa, ánh sáng của một cuộc thần hiện. Sự chiếu sáng của gương mặt ông Môsê sau khi ở trên núi bốn mươi đêm ngày, có thể giúp độc giả hiểu thêm về sự chiếu sáng của gương mặt Đức Giêsu trên núi: Khi từ trên núi đi xuống, da mặt ông Môsê chiếu sáng vì ông đã nói chuyện với Chúa. Người dân sợ lại gần với ông và ông phải dùng một tấm khăn che mặt mỗi khi ông nói với họ (x. Xh 34,29-35). Tuy nhiên, gương mặt của Đức Giêsu hoàn toàn bình thường khi đi xuống núi trở lại.

5.     Ông Môsê và ông Êlia: Hai nhân vật Cựu Ước thuộc hai thời khác nhau. Ông Êlia, thuộc thế hệ các ngôn sứ, muộn thời hơn, còn ông Môsê là vị anh hùng của thế hệ sa mạc. Đã có nhiều chuyên gia hiểu rằng, hai nhân vật này đại diện cho hai phần khác nhau của Sách Thánh Do Thái (sách Cựu Ước): Ông Môsê là tác giả của Ngũ Thư (St, Xh, Lv, Ds, Đnl), tượng trưng cho sách Luật; Còn ông Êlia tượng trưng cho các sách Ngôn Sứ.[11] Ông Êlia sống vào thời các vua. Ông không phải là tác giả của một Sách Ngôn Sứ nào, và tên của ông cũng không được dùng đặt làm đầu đề của một cuốn Sách Ngôn Sứ nào (như Isaia, Giêrêmia, Edêkiel…). Tuy nhiên, ông vẫn có thể tượng trưng cho các Sách Ngôn Sứ vì bộ Sách Thánh tiếng Hípri vốn được chia làm ba phần: Torah, Neviim, Ketuvim (viết tắt là Tanak). Các Sách Ngôn Sứ theo quy điển của Do Thái bao gồm cả các sách mà quy điển của Kitô giáo gọi là các Sách Lịch Sử. Theo đó, các Sách Ngôn Sứ theo quy điển Do Thái gồm hai phần nhỏ: Các Ngôn Sứ Lớn (ngôn sứ tiền và ngôn sứ hậu): Giôsuê, Thủ Lãnh, Samuel, Các Vua; Isaia, Giêrêmia, Êdekiel. Các Sách Ngôn Sứ nhỏ: Hôsê, Giôel, Amốs, Ôvađia, Giôna, Mikha, Nakhum, Khabacúc, Xôphônia, Khácgai, Dacaria, Malakhi. Ông Êlia hoạt động vào thời các vua (1 V 17 – 18), thuộc Sách Các Ngôn sứ lớn, vì thế ông có thể tượng trưng cho các Sách Ngôn Sứ. Ông Môsê thường được Đức Giêsu nhắc đến như là tác giả của các khoản luật trong Ngũ Thư (x. Mt 19,7.8; 22,24.36; Mc 1,44; 7,10). Danh xưng Môsê đi kèm “Các Ngôn Sứ” như là biểu tượng cho Sách Thánh Do Thái (x. Lc 16,29.31; Lc 24,27.44).  Tuy nhiên, đừng quên rằng ông Môsê cũng được gọi là một ngôn sứ: “Trong Israel không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Môsê, người mà Đức Chúa biết rõ, mặt giáp mặt”  (x. Đnl 34,10; 18,15). Điểm chung giữa ông Môsê, Êlia và Đức Giêsu là kinh nghiệm về một cuộc thần hiện trên núi.[12] Ông Môsê ở với Chúa bốn mươi ngày đêm trên núi Xinai, ông Êlia gặp Chúa trên núi Khôrép (1 V 19,13-18) và Đức Giêsu biến đổi hình dạng trên “núi cao”.


Hai nhân vật Cựu Ước xuất hiện và thảo luận với Đức Giêsu. Nội dung thảo luận không được tác giả Mátthêu và Máccô nhắc đến. Tác giả Luca bật mí về nội dung của cuộc thảo luận này là “bàn luận về cuộc xuất hành mà Người sắp hoàn tất tại Jêrusalem” (Lc 9,31). Nội dung này xem ra hợp lý với bối cảnh của câu chuyện, vốn được đặt giữa những lần Đức Giêsu tiền báo về mầu nhiệm Thương Khó – Phục Sinh. Sự xuất hiện của ông Môsê xác nhận chủ đề “Xuất Hành”, trong khi sự hiện diện của ông Êlia mang lại chiều kích cánh chung cho toàn cảnh. Trong Mt 17,9-13, Đức Giêsu cho biết ông Êlia đến trước để chỉnh đốn mọi sự và ông đã đến rồi trong hình ảnh ông Gioan Tẩy Giả.[13] Dường như, chỉ Đức Giêsu và hai nhân vật Cựu Ước biết về cuộc xuất hành, còn bộ ba môn đệ chỉ thấy vinh quang của Đức Giêsu khi Người biến hình mà thôi.


6.     Chúng con ở đây thật là tốt … ba chiếc lều: Câu nói của ông Phêrô với chủ từ ngôi thứ nhất số nhiều, bao hàm cảm giác hạnh phúc của cả ba môn đệ. Họ choáng ngợp và lâng lâng trước vinh quang hiện tại của Đức Giêsu. Đây là cảm giác họ chỉ trải qua một lần trong thời gian theo Đức Giêsu. “Cắm lều” là diễn tả ao ước ở lại, ổn định, vui với vinh quang hiện tại của Đức Giêsu. Trong văn hóa của người bán du mục, những chiếc lều là nơi ở, định cư, trú ngụ của họ. Lều Hội Ngộ trong thời sa mạc là nơi Hòm Bia Thiên Chúa ngự trị, trung tâm cử hành hội họp và tế lễ (Lv 1,5; 3,2). Sách Xuất Hành mô tả một hình ảnh tương tự: Mây bao phủ Lều Hội Ngộ và vinh quang Thiên Chúa bao phủ trên Hòm bia Giao Ước (Xh 40,34).


7.     Một đám mây sáng chói … tiếng từ đám mây nói rằng: Trong truyền thống Cựu Ước, “đám mây” là biểu hiện cho sự hiện diện của Thiên Chúa.[14] Trong hành trình sa mạc của dân Israel Thiên Chúa làm cột mây che nắng cho họ ban ngày (Xh 13,21; 1 Cr 10,2) và cột lửa soi sáng ban đêm (Xh 13,21; 14,21). Đức Giêsu lên trời trên đám mây (Cv 1,9) và sẽ trở lại trên đám mây (Mt 24,30; 26,64; Mc 13,26). Tiếng “từ đám mây” ở đây giống như “tiếng từ trời” trong trình thuật phép rửa (Mt 3,17). Tiếng đó được ngầm hiểu là tiếng của Chúa Cha.


8.     Đây là Con Trai Yêu Dấu của Ta, nơi Người, Ta hài lòng: Một lần nữa Đức Giêsu được giới thiệu là Con Thiên Chúa. Lời giới thiệu này minh chứng rằng Đức Giêsu không chỉ là một ngôn sứ như ông Môsê, Người vượt trội hơn ông Môsê vì Người là Con Thiên Chúa. Lời giới thiệu này gợi nhớ đến lời trong Thánh Vịnh 2: “Chính Con là Con của Ta, ngày hôm nay Ta đã sinh ra con” (Tv 2,7) và lời trong sách ngôn sứ Isaia: “Đây là người tôi trung của Ta, người được Ta tuyển chọn, với Người Ta vui lòng” (Is 42,1). Thánh vịnh 2, thánh vịnh vương quyền, nói đến Người Con trong vị thế được sắc phong như là vua, trong khi đó Isaia nói đến một Người Con khiêm hạ, đau khổ, đón nhận nhục hình vì nhân loại.[15] Trước đoạn văn này ít lâu, khi Đức Giêsu hỏi: “Còn các con, các con nói Thầy là ai? Ông Phêrô đã tuyên xưng rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16).[16] Trong biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, có tiếng từ trời nói rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, với Người, Ta hài lòng” (Mt 3,17). Điểm chung của cả hai bối cảnh làm nền cho lời công bố long trọng về căn tính thần linh của Đức Giêsu là sự tự hạ. Khi Đức Giêsu đồng ý cho ông Gioan làm phép rửa, Người đã chấp nhận tự hạ, hòa mình vào chung dòng nước với nhân loại tội lỗi. Người chấp nhận để cho một người vai vế thấp hơn mình dìm trong nước. Khi Đức Giêsu lên “núi cao”, Người có biến đổi hình dạng và trở nên vinh quang, nhưng vinh quang ấy tỏ lộ khi Người đang nói về mầu nhiệm tử nạn phía trước. Đó có thể được xem là mầu nhiệm tự hạ và tự hủy. Danh xưng “Con Thiên Chúa” lại được tuyên xưng cách long trọng trong bối cảnh tự hạ. Khi chứng kiến Đức Giêsu chết trên thập giá, người đại đội trưởng và những người lính canh sợ hãi và nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54). Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng chỉ hiểu danh xưng này ở khía cạnh quyền năng. Tiếng từ trời, tiếng từ đám mây muốn giới thiệu về Con Thiên Chúa như là Đấng tự hạ, đến chết vì nhân loại.


9.     Hãy nghe Người: Mệnh lệnh “Hãy vâng nghe Người” âm vang lời hứa của Môsê với dân bên bờ sông Jorđan: “Đức Chúa sẽ cho xuất hiện trong dân của anh chị em một vị ngôn sứ giống như tôi, anh chị em sẽ nghe vị ngôn sứ ấy” (Đnl 18,15.18-19).[17] Thông điệp mà tiếng từ trời muốn bộ ba này nghe từ Đức Giêsu rất có thể là toàn bộ giáo huấn của Người. Tuy nhiên trong bối cảnh này, điều mà họ phải chú ý lắng nghe là mầu nhiệm Khổ nạn – Phục sinh mà Người đang cố gắng thông báo và giải thích, kèm theo lời mời gọi “phải từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình mà đi theo” Đức Giêsu.[18] Đây quả là một thông điệp hóc búa, đi ngược lại mong mỏi của các môn đệ. Chính vì thế, không dễ gì các môn đệ có thể đón nhận. Khi Đức Giêsu vừa tiền bào về cuộc Khổ Nạn – Phục Sinh, lập tức tông đồ Phêrô đã trách Người: “Xin Thiên Chúa thương xót, Lạy Chúa! Chuyện ấy đừng xảy ra cho Thầy” (Mt 16,22). Đức Giêsu đã phải xua trừ Xatan trong suy nghĩ của ông Phêrô: “Xatan, hãy lui lại sau Thầy, con là cớ vấp phạm cho Thầy, vì suy nghĩ của con không phải của Thiên Chúa nhưng là của con người” (Mt 16,23). Khi Đức Giêsu mặc khải mầu nhiệm này lần thứ hai, các môn đệ cực kỳ đau buồn (Mt 17,23). Hơn nữa, người mẹ của hai người con ông Dêbêđê đến xin Đức Giêsu cho được một người ngồi bên tả, một người ngồi bên hữu, ngay sau khi Đức Giêsu nói về cuộc thương khó lần thứ ba (Mt 20,17-23). Mệnh lệnh “Hãy vâng nghe Người là rất quan trọng trong bối cảnh này. Các môn đệ cần nghe lời của Người hơn là nhìn ngắm vinh quang của Người và muốn ở lại trong vinh quang ấy.


10.  Các môn đệ sụp mặt xuống và cực kỳ sợ hãi… Hãy trỗi dậy và đừng sợ: Lời công bố từ đám mây khiến cho các môn đệ hoảng sợ. Xét về nội dung, và hình thức, lời công bố này rất giống với lời trong lúc Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Jorđan, nhưng lúc ấy, không một cảm giác hoảng sợ nào được ghi lại. Theo tác giả Máccô và tác giả Luca, các môn đệ hoảng sợ ngay khi thấy cảnh Đức Giêsu biến hình và ông Phêrô đề nghị được dựng ba cái lều trong tâm thế là “không biết mình đang nói gì vì quá hoảng sợ” (Mc 9,6; Lc 9,33). Trong Mátthêu, các môn đệ chỉ hoảng sợ kèm theo hành động là sụp mặt xuống đất khi nghe tiếng từ trong đám mây. Sự hoảng sợ và sấp mặt xuống của các môn đệ ,phản ánh một niềm tin từ thời Cựu Ước là ai nhìn thấy Thiên Chúa thì sẽ chết: “Người không thể nhìn thấy khuôn mặt của Ta, vì con người không thể nhìn thấy nó mà vẫn sống” (Xh 33,20; Cf. Tl 13,22; 6,22.23). Con cái Israel không dám nghe Chúa nói trực tiếp ,vì họ sợ là sẽ chết khi thấy Chúa hiện diện trong đám lửa lớn mà nói với họ (x. Đnl 18,16-18). Tác giả Mátthêu, người vốn am hiểu truyền thống Do Thái và viết cho Kitô hữu gốc Do Thái, đã thay đổi cho phù hợp với niềm tin của những người gốc Do Thái. Đức Giêsu đã xua tan nỗi sợ hãi của họ bằng một cái “chạm” và mời gọi “hãy trỗi dậy”.[19] “Trỗi dậy”, thay đổi suy nghĩ của mình, và sẵn sàng lắng nghe lời của Đức Giêsu, dù cho lời đó là mặc khải về mầu nhiệm Khổ Nạn – Phục Sinh, một mầu nhiệm vốn xa lạ, nằm ngoài sự mong đợi và tưởng tượng của các môn đệ. Trước mặt họ giờ đây là một Đức Giêsu bình thường và sẽ tiến bước về Jêrusalem, nơi mà Người sẽ chịu nhiều đau khổ và chịu chết.

11.  Con Người từ cõi chết trỗi dậy: Đây chính là thông điệp Đức Giêsu nói kèm theo mỗi lần Người thông báo về Cuộc Khổ Nạn: “Người phải đi Jêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các Kỳ Lão, Thượng Tế và Kinh Sư, bị giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Mt 16,21). Trong bối cảnh này, Đức Giêsu một lần nữa nhắc đến thông điệp “Con Người từ cõi chết trỗi dậy”. Đó chính là đoạn kết đầy lạc quan của hành trình khổ nạn. Đức Giêsu đã hiện thực hóa thông điệp này bằng sự phục sinh của Người, được ghi lại trong phần cuối của cả bốn Tin Mừng. Tuy nhiên, dường như không có một người nào trong số các Tông Đồ nhớ đến thông điệp quan trọng này cả. Tất cả các Tông Đồ đều ngỡ ngàng, đến ngơ ngác, trước sự kiện “ngôi mộ trống”. Chỉ có nhóm “những người Pharisêu” nhớ đến thông điệp này, mà họ cho là “bịp bợm”, nên họ đã xin cho lính canh mồ của Đức Giêsu (Mt 27,62-66). Tác giả Máccô ghi lại thêm là các môn đệ cứ bàn hỏi nhau xem “từ cõi chết trỗi dậy có nghĩa là gì” (Mc 9,10). Đức Giêsu không cấm là không được kể lại sự kiện vinh quang này, Người chỉ muốn họ giữ bí mật cho đến khi Người từ cõi chết trỗi dậy.[20] Vinh quang biến hình chỉ được hiểu trọn vẹn, đầy đủ trong vinh quang phục sinh. Sự biến hình của Đức Giêsu đích thực là sự biến hình từ khổ nạn đi vào vinh quang, từ cõi chết bước vào sự sống vĩnh cửu.

Bình luận tổng quát

Sáu ngày sau khi ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” và lời tiền báo về mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh lần thứ nhất (Mt 16,13-23), Đức Giêsu dẫn nhóm ba môn đệ lên “núi cao”. Ở đó, Đức Giêsu biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Sự biến đổi hình dạng của Đức Giêsu chứng minh căn tính thần linh của Người, đúng như ông Phêrô đã tuyên xưng, và đúng như tiếng từ trời đã chứng nhận trong biến cố Người chịu Phép Rửa. Căn tính này lại được tiếng từ trong đám mây chứng nhận thêm một lần nữa: “Đây là Con của Ta, Người Con yêu dấu”. Tuy nhiên, Đức Giêsu dẫn theo các môn đệ lên núi không chỉ để biến hình, và bày tỏ vinh quang của Người cho nhóm ba môn đệ. Người lên đó để bàn luận, thảo luận về kế hoạch quan trọng mà Người sắp thực hiện tại Jêrusalem. Đó là “chịu nhiều đau khổ bởi các Kỳ Lão, Thượng Tế và Kinh Sư, bị giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Ông Phêrô đã tuyên xưng đúng căn tính của Đức Giêsu, và giờ đây ông đã chứng kiến tận mắt vinh quang đích thực của Người. Rủi thay, đó chỉ là một phần kiến thức về Con Thiên Chúa và là phần dễ lãnh hội và hứng thú đón nhận. Bằng chứng là tất cả đều ngây ngất với khoảnh khắc vinh quang ấy và muốn ở lại mãi trên núi để thưởng thức cảm giác hạnh phúc. Các môn đệ không biết rằng, còn một phần quan trọng về sứ vụ của Con Thiên Chúa mà các ông phải học biết và đón nhận. Lời mời gọi “hãy vâng nghe Người” đưa các ông về thực tại là Đức Giêsu đang dạy họ về hành trình “Khổ Nạn – Phục Sinh”, và mời gọi họ “từ bỏ mình, vác lấy thập giá của mình mỗi ngày” để đi theo Người. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Người có vinh quang như lúc biến hình, nhưng vinh quang trên núi biến hình sẽ được hoàn tất trọn vẹn qua con đường thập giá và chết trên đồi Golgôtha. Chính nơi cái chết, những người ngoại, người đại đội trưởng cùng những người lính canh tuyên xưng rằng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54). Lời giới thiệu “Đây là Con Ta, Người Con yêu dấu, với Người, Ta hài lòng”, phải đi kèm với lời mời gọi “hãy vâng nghe Người”. Vâng nghe Người trong mọi sự, đặc biệt trong những biến cố đau thương của cuộc đời. Đức Giêsu được chứng nhận là Con Yêu, và mang lại sự hài lòng cho Chúa Cha, khi Người vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá. Các môn đệ, cũng như các tín hữu qua mọi thời đại luôn được mời gọi nhìn nhận và sống theo cả hai khía cạnh căn tính Con Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Đó là đau khổ và vinh quang, chết và phục sinh.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD.



[1]J. Marcus, Mark 1-8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYBC; New Haven – London 2008) 27A, 613.

[2] W.D. DAVIES – D.C. ALLISON JR., A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (ICC; London – New York 2004) II, 693.

[3] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) XXVIII, 797.

[4] F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50 (Hermeneia; Minneapolis, 2002) 374.

[5] D.A. Hagner, Matthew 14 – 28 (WBC 33B; Dallas 2002) 492.

[6]Christian tradition from an early time pointed to Mount Tabor (Origene and Cyrill of Jerusalem). More recently, Mount Hermon has been favoured” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON JR., A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew, 695).

[7] Ibid.

[8]In Jewish thought a high mountain was a suitable place for a divine revelation; see 4.8; 5.1; 28.16” [B.M. Newman – P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew (UBS; New York 1992) 536].

[9] 707.

[10] W.D. DAVIES – D.C. ALLISON JR., A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew, 697.

[11] “Moses and Eliah, who as Tertullian says certainly stand for the Law and the Prophets” [R. Ginns, The Gospel of Jesus Christ according to St Luke. A Catholic Commentary on Holy Scripture (ed. B. Orchard – E. F. Sutcliffe) (Toronto – New York – Edinburgh 1953) 952]; “The figure of Elijah links the two episodes. By straightening out the order to read "Moses and Elijah" instead of Mark's “Elijah with Moses” Matthew made the two figures to be representatives of the Law (Moses) and the Prophets (Elijah)” [D.J. Harrington, The Gospel of Matthew (SP 1; Collegeville 1991) 255].

[12] “Probably because they are the two OT figures who encountered God on Sinai/Horeb” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON JR., A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew, 697).

[13] W.D. DAVIES – D.C. ALLISON JR., A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew, 698.

[14]For the cloud as a vehicle for God's presence see Exod 16:10; 19:9; 24:15-16; 33:9. For the verb ‘overshadow’ see Exod 40:35.” (D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 254); “In the OT the presence of God in the wilderness (Exod 13:21–22) and in the sanctuary (Exod 33:9–10; 40:34–38; 1 Kgs 8:10–11) is symbolized by a cloud, not just any cloud but one associated with fire and glory” [R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 649].

[15] “The echo of Isa 42:1 (see on 3:17) recalls again the figure of the suffering and dying servant of God and so reinforces Jesus’ declaration that he must suffer and be killed” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 650);  ‘With whom I am well pleased’ also occurs in the narrative of Jesus’ baptism, but originally it is from Isa 42:1, where it refers to the suffering servant of Deutero-Isaiah” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON JR., A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew, 686).

[17] R.T. France, The Gospel of Mark, 35; “And the reappearance of Moses in this scene further links the two mountain experiences, while the echo of Deut 18:15–19 in v. 5 identifies Jesus as the coming “prophet like Moses.” All this suggests that the figure of Jesus as a new Moses is a factor in Matthew’s account, though it is important to note that whereas at Sinai Moses was the recipient of revelation, here Jesus is its subject, and it is the disciples rather than Jesus who are in the position of Moses, seeing the heavenly glory and hearing the voice of God” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 644-645).

[18] “The command to hear or obey Jesus—directed to the disciples, not Moses and Elijah – probably pertains not solely to the future (‘listen to him from now on’) but also looks back to the episode at Caesarea Philippi, where Jesus’ words about suffering were not easily digested” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON JR., A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew, 703).

[19] “Together with his touch it conveys a reassuring sense of normality restored; the dazzling figure of v. 2 has become again the familiar Jesus, no longer conversing with numinous figures from the past, but back with his disciples in the present. His straightforward words of reassurance reinforce the point. The frightening vision is over” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 651).

[20] “Unlike in the command to be silent about his Messiahship, there is a time limit. After his death (which is presupposed) and resurrection they may talk about it. This suggests, as we have seen also with regard to 16:20, that the reason for the injunction is primarily to avoid popular misunderstanding, or indeed in this case also misunderstanding by the remaining disciples” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 652).

No comments:

Post a Comment