Friday 31 March 2023

TRÌNH THUẬT CUỘC KHỔ NẠN. Tương Đồng và Dị Biệt Giữa Các Tác Giả

Mặc dù Trình thuật Thương khó của cả bốn sách Tin Mừng giống nhau về nhiều mặt, nhưng cũng có những khác biệt đáng kể giữa chúng. Trong nhiều khía cạnh, ba sách Nhất Lãm đồng ý với nhau (vì Mátthêu và Luca gần như chắc chắn dựa trên Máccô), trong khi tường thuật của Gioan thì hoàn toàn khác, đặc biệt về vấn đề niên đại. Bữa Tiệc Ly trong Tin Mừng Nhất Lãm là vào ngày đầu tiên của Lễ Bánh Không Men hoặc là đêm Thứ Năm (Mc 14,12; Cf. Mt 26,17; Lc 22,7), Đức Giêsu chịu bắt trong đêm đó và chịu đóng đinh vào ngày Thứ Sáu. Tác giả Tin Mừng thứ tư ghi chú rằng “Chính họ không vào trong dinh để khỏi bị ô uế, và có thể ăn Lễ Vượt Qua được” (Ga 18,28) và khi Đức Giêsu chịu đóng đinh, tác giả ghi chú rằng “đó là ngày Chuẩn Bị Lễ Vượt Qua”, ngày mà Chiên Vượt Qua bị giết trong đền thờ (Ga 19,14). Nghĩa là vụ bắt giữ và xử án của Đức Giêsu diễn ra trước Lễ Vượt Qua, không giống như Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu bị bắt và xét xử sau khi ăn Lễ Vượt Qua. Theo Gioan, Đức Giêsu còn ở trước tòa Philatô vào giữa trưa (Ga 19,13-14) trong khi đó theo Máccô, giờ đó Đức Giêsu đã chịu đóng đinh trên thập giá (Mc 15,25: Họ đóng đinh Người vào giờ thứ ba, tức là khoảng 9 giờ sáng). Ở những khía cạnh khác, trong khi Matthêu và Máccô gần như giống hệt nhau, thì Luca có thể khác với họ và gần với lời tường thuật của Gioan nhiều hơn. Hơn nữa, một số chi tiết nổi tiếng, hoặc thậm chí một cảnh nào đó, chỉ được tìm thấy ở một trong bốn sách Tin Mừng.


NHỮNG ĐIỂM NHẤN MẠNH TỔNG QUÁT

Mỗi người trong số bốn Tác giả Tin Mừng nhấn mạnh điều gì nhất trong trình thuật Thương Khó?

Máccô: Cuộc thương khó của Chúa Giêsu, cách Người bị từ chối một cách bi thảm, bị kết án bất công, bị đánh đập dã man, bị xúc phạm khủng khiếp và bị nhiều nhóm đối xử tàn nhẫn.

Mátthêu: Vương quyền của Chúa Giêsu, cách các thế lực cầm quyền trên thực tế (đặc biệt là Philatô & Caiapha) âm mưu loại bỏ một người mà họ coi là mối đe dọa chính trị.

Luca: Sự vô tội của Chúa Giêsu, cách Philatô minh chứng là Người không đáng chết, và những người khác (Hêrôđê Antipas, viên đại đội trưởng, tên trộm ăn năn) cũng công nhận sự vô tội của Người.

Gioan: Sự tôn vinh Chúa Giêsu, cách Người điều khiển, thúc đẩy mọi hành động, hoàn thành ý muốn của Chúa Cha và được tôn vinh khi Người được giương cao

SỰ CHỐNG ĐỐI VỚI CHÚA GIÊSU: Tại sao các nhà cầm quyền coi Đức Giêsu là một mối đe dọa lớn như vậy?

Các Tin Mừng Nhất Lãm,

Trong trình thuật về thời thơ ấu của Mátthêu, vua Hêrôđê đã âm mưu tiêu diệt Chúa Giêsu, “vua dân Do Thái” mới sinh (Mt 2,13-18). Tác giả Luca cũng cho biết Hài Nhi Giêsu được đặt lên cho sự ngã xuống hay đứng lên của nhiều người trong Israel và thành dấu hiệu bị chống đối, và gươm sắt sẽ thâu qua lòng Đức Maria (Lc 2,34-35). Sự chống đối Đức Giêsu xuất hiện sớm trong các sách Tin Mừng, chủ yếu là do Người vi phạm luật ngày Sabát (Máccô 3,1-6; Mátthêu 12,1-14); Không giữ truyền thống của tiền nhân liên quan đến thanh sạch và ô uế (Mc 7,1-13; Mt 15,1-9); Ăn uống với những người tội lỗi và thu thuế (Mc 2,15-17; Mt 9,10-13; Lc 5,29-32; 15,1-2).

Ngay sau biến cố ở Đền thờ Giêrusalem, các Thượng Tế và Kinh Sư tìm cách giết Đức Giêsu (Máccô 11,18; Luca 19,47; xem Mátthêu 21,15). Các nhà cầm quyền muốn giết Đức Giêsu một lần nữa sau khi kể dụ ngôn về những tá điền độc ác (Máccô 12,1-12; Mátthêu 21,33-46; Luca 20,9-20).Các Thượng Tế và Kinh Sư âm mưu bí mật bắt và giết Đức Giêsu trước Lễ Vượt Qua (Máccô 14,1-2; Mátthêu 26,1-5).

Tin Mừng thứ tư:

Tác giả Gioan nói là “Người đã đến nơi của mình nhưng người của Người không đón tiếp Người” (Ga 1,11). Trong chuyến viếng thăm Giêrusalem lần đầu tiên của Chúa Giêsu, Người ám chỉ việc chính quyền Do Thái sẽ phá hủy “đền thờ là thân thể Người” (Gioan 2,19). Chính quyền muốn giết Đức Giêsu không chỉ vì vi phạm ngày Sabát, mà còn vì gọi Thiên Chúa là Cha của mình (5,18; xem 7,1; 19-25). Người Do Thái cố gắng ném đá Đức Giêsu khi Người nói, “Ta đây” (áp dụng danh Thiên Chúa cho chính mình; 8,59; đối chiếu 8,37-40) và khi Người nói, “Cha với Ta là một,” mà chính quyền coi là “sự phạm thượng” (10,31-39; xem 11,8). Hội Đồng Do Thái chống lại Đức Giêsu vì Người thực hiện nhiều “dấu lạ”, và họ sợ phản ứng của người Rôma. Thượng Tế Caiapha nói lời ngôn sứ rằng Đức Giêsu nên chết thay cho dân: Thà một người chết còn hơn toàn dân bị tiêu diệt (11,48-53). Các Tư Tế cả cũng định giết Ladarô, vì nhiều người đã tin Đức Giêsu sau khi Người làm cho Ladarô sống lại (12,10-11).

SỰ KIỆN DẪN ĐẾN CUỘC THƯƠNG KHÓ: Điều gì đã xảy ra ngay trước khi Đức Giêsu chết?

ÂM MƯU GIẾT ĐỨC GIÊSU:

Tất cả các Tin Mừng Nhất Lãm đều cho thấy rằng các nhà cầm quyền Do Thái (Thượng Tế, các trưởng lão và/hoặc các luật sĩ) âm mưu giết Chúa Giêsu, nhưng do dự trước phản ứng của mọi người (Mc 14,2; Mt 26,5: Đừng làm vào chính ngày Lễ kẻo dân chúng náo động; Cf. Lc 26,2.6). Gần đến Lễ Vượt Qua (Máccô 14,1-2; Mátthêu 26,1-5; Luca 22,1-2). Máccô và Mátthêu nói rằng hai ngày trước Lễ Vượt Qua, trong khi Luca nói ít chính xác hơn rằng Lễ Vượt Qua “đã gần kề”. Tương tự, Tin Mừng Gioan kể về âm mưu của nhà cầm quyền, nhưng nêu bật vai trò hướng dẫn của Thượng Tế Caiapha (Ga 11,47-53).

ĐỨC GIÊSU ĐƯỢC MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ XỨC DẦU: Chuẩn bị cho việc mai táng sau này

Trong cả bốn sách Tin Mừng, có một người phụ nữ xức dầu cho Đức Giêsu trong bữa ăn; Nhưng danh tính của người phụ nữ cũng như thời gian và địa điểm của sự kiện rất khác nhau.

Trong Máccô 14,3-9 và Mátthêu 26,6-13, hai ngày trước Lễ Vượt Qua, trong nhà của Simôn người phung ở Bêthania (gần Giêrusalem), một phụ nữ vô danh (không được mô tả “tội nhân”) xức dầu lên đầu Đức Giêsu dầu thơm đắt tiền. Một số người phàn nàn về sự lãng phí, nói rằng dầu thơm có thể được bán và lấy tiền cho người nghèo; Nhưng Đức Giêsu khen ngợi người phụ nữ, nói rằng việc xức dầu là để chuẩn bị cho việc chôn cất Người.

Trong Gioan 12,1-8, việc xức dầu cũng diễn ra tại Bêthania, nhưng sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, và tại nhà của Mátta, Maria và Ladarô. Chính cô Maria Bêthania này (không phải Maria Mađalena, và không được mô tả là “tội nhân”) đã xức dầu cho chân của Đức Giêsu và lau chúng bằng tóc của mình. Giuđa Ítcariốt được chỉ đích danh là người phàn nàn về sự lãng phí, nhưng phản ứng của Đức Giêsu một lần nữa ám chỉ đến việc chôn cất sắp tới của Người.

Câu chuyện xức dầu duy nhất trong Luca không phải là một phần của Trình thuật Thương khó, nhưng sớm hơn nhiều (7,36-50), khi Đức Giêsu vẫn còn ở Galilê. Một người phụ nữ vô danh, nhưng được mô tả là người tội lỗi đã xức dầu lên chân Đức Giêsu khi Người đang dùng bữa tại nhà của một người Pharisêu ẩn danh, người này không phàn nàn về việc làm phí dầu thơm, mà phàn nàn về việc Đức Giêsu cho phép một người phụ nữ tội lỗi chạm vào mình. Đáp lại, Đức Giêsu nói về tình yêu và sự tha thứ, không phải về cái chết của chính mình.

GIUĐA LÊN KẾ HOẠCH PHẢN BỘI CHÚA GIÊSU: Cộng tác của một người trong nhóm Mười Hai

Trong cả ba Nhất Lãm, Giuđa Ítcariốt đồng ý trao nộp Đức Giêsu cho các Thượng Tế (Máccô 14,10-11,); Nhưng chỉ có Mátthêu xác định rằng giá tiền được đồng ý là “ba mươi đồng bạc” (Mátthêu 26,15; xem 27,3.9), và chỉ có Luca đề cập đến ảnh hưởng của Satan đối với Giuđa (22,3-6).

Tin Mừng Gioan cũng đề cập đến ảnh hưởng của Satan trên Giuđa (6,70-71; 13,2.27), nhưng không nói rằng Giuđa đã từng gặp các Thượng Tế.

BỮA TIỆC LY: Ý nghĩa của bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ là gì?

Các Tin Mừng Nhất Lãm:

Đức Giêsu sai một số môn đệ (chỉ có Luca nói đó là Phêrô và Gioan) vào Giêrusalem để chuẩn bị cho bữa ăn cuối cùng của mình; Trong cả ba Tin Mừng Nhất Lãm, rõ ràng đây là Bữa Ăn Vượt Qua, kỷ niệm Cuộc Xuất Hành của dân Do Thái (Máccô 14,12; Mátthêu 26,17; Luca 22,7-8, 15).

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều cho thấy Đức Giêsu đọc lời chúc lành, và nói bánh và rượu là chính thân thể và máu của Người (Máccô 14,22-25; Mátthêu 26,26-29; Luca 22,15-20; 1 Cr 11,23 -25). Chỉ có Luca (và Phaolô) cho thấy Đức Giêsu nói rõ ràng: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Luca 22,19b; x. 1 Cr 11,24.25).

Chỉ có Luca đưa ra bằng chứng về truyền thống chúc lành cho nhiều chén rượu trong Lễ Vượt Qua (Luca 22,17.20: “Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: ‘Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau’”; “Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em”). Luca cũng tường thuật nhiều cuộc đối thoại hơn trong Bữa Tiệc Ly, bao gồm cả lời tiên đoán của Đức Giêsu về việc Phêrô chối Chúa (Luca 22,31-34; Cf. Ga 13,36-38).

Trong Máccô và Mátthêu, lời tiên đoán của Đức Giêsu về việc Phêrô chối Chúa diễn ra ngay sau bữa ăn tối, khi họ đang trên đường đến núi Ôliu (Máccô 14,26-31; Mátthêu 26,30-35).

Tin Mừng Thứ Tư:

Bữa Tiệc Ly của Đức Giêsu không phải là Bữa ăn Vượt Qua, nhưng diễn ra ngay trước Lễ Vượt qua (Gioan 13,1: “Trước Lễ Vượt Qua, khi Đức Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến để rời khỏi thế gian đến cùng Chúa Cha, đã yêu thương những người của mình còn ở trong thế gian, Người yêu họ đến cùng”). Nơi Gioan, Đức Giêsu sẽ chết vào cùng buổi chiều mà các con Chiên Vượt Qua bị sát tế (x. 19,31-37).

Những lời nguyện “Thánh Thể” (Lập bí tích Thánh Thể) của Đức Giêsu không được ghi lại trong Gioan 13, nhưng đã được nói trước đó (6,22-59: Diễn từ về bánh trường sinh). Trong bữa ăn cuối cùng này nơi Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu rửa chân cho tất cả các môn đệ (Gioan 13,2-16). Sau đó, Người nói với họ, “Thầy đã cho anh em một ví dụ, rằng anh em cũng nên làm như Thầy đã làm cho anh em” (13,15). Trong bữa ăn, Đức Giêsu báo trước sự phản bội của Giuđa (Gioan 13,21-30) và sự chối Chúa của Phêrô (13,36-38). Cũng trong bữa ăn ấy có sự xuất hiện của nhân vật “người môn đệ Chúa yêu”, Người mà chỉ xuất hiện trong Tin Mừng Gioan.

Trong bữa ăn, Đức Giêsu cũng đưa ra một “Bài Diễn Văn Từ Biệt” dài (13,31 – 16,33) và dâng lên Thiên Chúa một lời cầu nguyện dài (17,1-26).

ÔNG PHÊRÔ, TÔNG ĐỒ TRƯỞNG CHỐI CHÚA BA LẦN, DÙ ĐÃ ĐƯỢC BÁO TRƯỚC:

Cả bốn tác giả Tin Mừng đều đồng thuận là ông Phêrô chối thầy ba lần. Tuy nhiên có một vài khác biệt trong một số chi tiết. Cả ba tác giả Tin Mừng đều cho biết người chất vấn ông Phêrô dẫn đến lần chối thứ nhất là một người đầy tớ gái (Mc: Đầy tớ gái của vị Thượng Tế; Ga 18,17.25: Đầy tớ gái giữ cổng). Người chất vấn thứ hai trong Mátthêu và Máccô cũng là một người đầy tớ nữ (Mt 26,71; Mc 16,69). Trong Máccô dường như đó là cùng một người đầy tớ nữ, vì có mạo từ xác định (14,69), trong khi đó Mátthêu nói là “một đầy tớ nữ khác” (Mt 26,71). Luca chỉ nói là “một người khác” (22,58). Gioan dùng động từ ngôi thứ ba số nhiều: “Họ nói cùng ông” (18,25). Người chất vấn thứ ba trong Tin Mừng Gioan là một người đầy tớ của vị Thượng Tế và cụ thể là người có họ hàng với người bị ông Phêrô chém đứt tai (Ga 18,26), trong khi đó theo cả Mátthêu và Máccô họ là “những người đang đứng đó, Luca nói là “người khác”. Trong lần chối thứ ba, cả Mátthêu và Máccô đều nhấn mạnh đến sự thề thốt (Mc 14,71; Mt 26,74), trong khi đó Luca và Gioan không ghi chú gì về sự thề thốt này. Hơn nữa, Mátthêu còn ghi chú trước đó, trong lần chối thứ hai, ông Phêrô đã thề (Mt 26,72). Chỉ một mình Máccô ghi chú gà gáy hai lần (sau lần chối thứ nhất và thứ ba) nhằm ứng nghiệm lời Đức Giêsu đã nói là “gà chưa gáy hai lần thì con đã chối Thầy ba lần: 14,72). Theo Mátthêu và Luca, Đức Giêsu đã nói là “gà chưa kịp gáy, con đã chối Thầy ba lần” (Mt 26,75; Lc 22,61). Cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi nhận sự khóc lóc thảm thiết của ông Phêrô khi nhớ lại lời tiền báo của Đức Giêsu, nhưng chỉ có một mình Luca cho biết là “Đức Giêsu quay lại nhìn ông” (22,61). Tin Mừng thứ tư không nói gì đến phản ứng này.

SỰ BẮT GIỮ TRONG KHU VƯỜN: Đức Giêsu bị bắt ở đâu và như thế nào?

Các Tin Mừng Nhất Lãm:

Sau bữa ăn Lễ Vượt Qua, Đức Giêsu và các môn đệ đi ra “núi Ôliu” (Máccô 14,26; Mátthêu 26,30; Luca 22,39). Nơi mà Đức Giêsu cầu nguyện được gọi là “Vườn Ghếtsêmani” (Máccô 14,32; Mátthêu 26,36).

Luca rút ngắn đáng kể lời cầu nguyện của Đức Giêsu và những thử thách của Người đối với các môn đệ (11 câu trong cả Máccô và Mátthêu; chỉ có 6 câu trong Luca).

Trong cả ba Nhất Lãm, Giuđa chỉ điểm Đức Giêsu bằng một nụ hôn (Máccô 14,43-46; Mátthêu 26,47-50); Nhưng chỉ trong Luca, Đức Giêsu cắt ngang hành động này bằng cách hỏi, “Giuđa, ngươi lấy cái hôn mà phản bội Con Người sao?” (Luca 22,48). Chỉ trong Luca, người ta thấy Đức Giêsu đổ mô hôi như máu nhỏ xuống đất.

Tin Mừng Thứ Tư:

Sau khi Đức Giêsu kết thúc bài giảng và lời cầu nguyện của mình, họ “đi ngang qua thung lũng Kidron” và vào một “khu vườn”, nhưng khu vườn này không được xác định rõ ràng là “Ghếtsêmani” (Gioan 18, 1). Không có “cơn thống khổ” hay bất kỳ lời cầu nguyện nào của Đức Giêsu trong khu vườn này; đó chỉ là cảnh Đức Giêsu bị bắt (18,2-12). Đức Giêsu vẫn kiểm soát hiện trường; Những người lính do dự và ngã xuống đất trong vụ bắt giữ Đức Giêsu khi Người nói hai lần: “Chính là Ta đây” (18,6.8).

Cả bốn sách Tin Mừng đều nói rằng một trong những môn đệ của Đức Giêsu đã cắt tai người đầy tớ của vị Thượng Tế; Nhưng chỉ trong Gioan hai nhân vật này được nêu tên rõ ràng, Simon Phêrô và Mankhô (18,10).

CÁC CÁO TRẠNG VÀ BẢN ÁN: Tại sao Đức Giêsu bị kết án tử hình, và bởi ai?

PHIÊN TÒA TÔN GIÁO: Thượng Tế Do Thái và Hội Đồng (hội đồng trưởng lão) kết luận Đức Giêsu phạm tội phạm thượng với Thiên Chúa.

Máccô 14,61-64 và Mátthêu 26,63-66 rõ ràng sử dụng từ “phạm thượng”, trong khi Luca 22,67-71 và Gioan 18,19-23 sử dụng cách diễn đạt hơi khác.

Từ “phạm thượng” trong tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa đen là “xúc phạm hoặc nói những điều không hay về Chúa”.

Hình phạt được quy định trong Sách Thánh tiếng Hípri cho tội báng bổ là bị ném đá cho đến chết (Lêvi 24,10-23).

Đức Giêsu trực tiếp thừa nhận/đồng ý rằng Người là “Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng” trong Máccô (14,61-62), trong khi câu trả lời của Người hơi mơ hồ hơn trong các sách Tin Mừng khác (Mátthêu 26,64; Luca 22,67-68; xem Máccô 15,39; Gioan 19,7).

CÁC PHIÊN TÒA CHÍNH TRỊ:

Philatô là người cai trị Rôma (“tỉnh trưởng/ tổng trấn/ tổng trưởng” hoặc “thống đốc”) của Juđêa từ năm 26 đến năm 36 sau Công nguyên; Ông cũng được đề cập bởi nhà sử học Rôma Tacitus, trong Biên niên sử 15,44.[1] “Philatô” được nhắc đến 55 lần trong Tân Ước, nhưng tên đầy đủ của ông ta là “Phongxiô Philatô” chỉ được nhắc đến ba lần (Luca 3,1; Công vụ 4,27; 1 Timôthê 6,13).

Tin Mừng Luca mô tả chi tiết nhất bản chất của những cáo buộc chống lại Đức Giêsu (Luca 23,2, 5, 14). Đức Giêsu bị buộc tội tự gọi mình và/hoặc để người khác gọi Người là “Vua dân Do Thái” (Máccô 15,2.9.12.18.26.32; Cf. Gioan 18,33-37; 19,12-15).

Chỉ trong Luca, Philatô cắt ngang phiên tòa bằng cách gửi Đức Giêsu đến gặp Hêrôđê Antipa, vua xứ Galilê, người cũng ở Giêrusalem để dự Lễ Vượt Qua (Luca 23,6-12).

Trong Mátthêu và Máccô, Philatô khá nhanh chóng đồng ý với yêu cầu kết án Đức Giêsu của nhà cầm quyền Do Thái (Máccô 15,2-15; Mátthêu 27,24-26). Chỉ trong Mátthêu có sự can thiệp của người vợ của ông Phêrô. Chính bà này đã gọi Đức Giêsu là “người công chính” (Mt 27,19).

Trong Luca và Gioan, Philatô nhiều lần khẳng định Đức Giêsu vô tội (Luca 23,4, 13-15, 22; Gioan 18,38b; 19,4, 6, 12; x. Mátthêu 27,24-25).

ĐÓNG ĐINH VÀ SỰ CHẾT: Đức Giêsu bị hành hình như thế nào?

KẾT ÁN TỬ HÌNH:

Đóng đinh tử tội là hình phạt phổ biến và là hình thức đau đớn nhất cả về thể xác lẫn tinh thần (bị lột trần truồng và treo lên trước mặt người khác).

Ở những vùng đất bị người Rôma chiếm đóng, án tử hình chỉ có thể được thực hiện với sự chấp thuận của quan tổng đốc Rôma địa phương (xem Gioan 18,31).

Máccô và Mátthêu nói rõ ràng rằng Đức Giêsu đã bị giao cho những người lính Rôma để đóng đinh; Nhưng Luca và Gioan (dùng những đại từ mơ hồ) làm cho có vẻ như Philatô giao Đức Giêsu cho nhà cầm quyền Do Thái để đóng đinh (Luca 23,25: “Ông trao Đức Giêsu theo như ý họ”; Gioan 19,16: “Ông trao Người cho họ để chịu đóng đinh”).

Tác giả Gioan không ghi lại việc Đức Giêsu bị chế giễu. Cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều có phần chế giễu, nhục mạ. Đối tượng nhục mạ Đức Giêsu, theo Mátthêu và Máccô là ba nhóm người khác nhau:  Nhóm những người qua lại (Mt 27,39; Mc 15,29; Lc 23,35 nói là dân chúng đứng nhìn); Nhóm thứ hai là “Thượng Tế và Kinh Sư” (Luca 23,35 nói là các thủ lãnh); nhóm thứ ba là các tử tù cùng bị đóng đinh. Các danh xưng mà họ dùng để thách thức Đức Giêsu cứu lấy mình bằng cách xuống khỏi thập giá là: “Con Thiên Chúa” (Mt 27,40); “Vua người Israel (Mt 27,42; Mc 15,32) “Kitô, vua Israel”; “Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, người Chúa tuyển chọn” (Lc 23,35); “Vua người Do Thái” (Lc 23,37).

 ĐÁNH ĐÒN:

Trước khi bị đóng đinh, các tù nhân bị kết án thường bị đánh đập, đánh đòn, chế giễu và ngược đãi theo những cách khác.

Các tù nhân có thể đã chết vì sự ngược đãi này, vì vậy luật Do Thái giới hạn việc đánh đòn ở mức ba mươi chín roi (xem 2 Cr 11, 24).

Vì Đức Giêsu vốn được gọi la “Vua của người Do Thái”, nhưng lại bị chính dân của mình nộp và không chút phản ứng, nên những người lính đã chế nhạo Người bằng các biểu tượng của quyền lực và uy quyền của hoàng gia, bao gồm áo choàng đỏ (hoặc tía), vương miện (bằng gai) và cây sậy (thay vì một vương trượng).

ĐƯỜNG LÊN GOLGÔTHA:

Những người bị kết án thường bị buộc phải vác thập giá của họ đến nơi họ bị đóng đinh (như Đức Giêsu làm trong Gioan 19,17); Ngược lại, Simon of Cyrene buộc phải giúp vác thập tự giá của Đức Giêsu trong Tin Mừng Nhất lãm (Máccô 15,21; Mátthêu 27,32; Luca 23,26). Chỉ có Tin Mừng Gioan nói rằng Chính Đức Giêsu vác thập giá của mình.

Chỉ có Máccô 15,21 xác định Simon Kyrênê là “cha của Alexanđê và Ruphô”; những người con trai rõ ràng đã được độc giả của Máccô biết đến (xem Rôma 16,13 – phải chăng là “Ruphô” này?).

Chỉ có Luca kể về việc Đức Giêsu nói chuyện với những người phụ nữ trên đường đến pháp trường (Luca 23,27-31), nhưng không có sách Tin Mừng nào có đầy đủ mười bốn “Chặng đàng thánh giá” mà sau này trở nên phổ biến trong các hoạt động sùng kính của Kitô giáo.

Golgotha, có nghĩa là “Nơi của Sọ” (Máccô 15,22), có lẽ là một mỏ đá bỏ hoang ngay bên ngoài thành Giêrusalem có tường bao quanh. Tuy nhiên, thành phố đã được mở rộng và những bức tường mới được xây dựng ở phía Bắc và phía Tây ngay sau cái chết của Chúa Giêsu.

Do đó, địa điểm Đức Giêsu bị đóng đinh và chôn cất đã ở bên trong thành phố Giêrusalem từ cuối thế kỷ thứ nhất (tại vị trí của Đền Thờ Mộ Thánh vào thế kỷ thứ 4). Ngược lại, một số người đề xuất rằng địa điểm thực sự của việc đóng đinh là tại cái gọi là “Khu lăng mộ trong vườn” (hướng Bắc của Cổng Đamas).

 CẢNH ĐÓNG ĐINH:

Tác giả Mátthêu nói là “họ cho người uống rượu pha mật đắng”, vốn là thứ rượu làm giảm đau khổ các tử tù, nhưng Đức Giêsu chỉ nếm một chút mà không uống (27,34). Tác giả Máccô cho biết là họ trao rượu pha một dược cho Người, nhưng Người không uống (15,23). Trong Luca, những người lính đưa dấm cho Người uống và chế giễu Người (23,36). Các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều định danh hai người đóng đinh với Đức Giêsu là hai người trộm (Mt 27,38; Mc 15,27), riêng Luca gọi họ là những người tội phạm (Lc 23,33). Tác giả Gioan chỉ nói là “hai người khác nữa” (Ga 19,18).

Riêng tác giả Luca ghi lại lời cầu xin Chúa Cha “tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Những người bị đóng đinh phải được binh lính canh gác để ngăn gia đình hoặc bạn bè đến giải cứu họ trước khi họ chết.

Bản án thường được dán lên đầu của tên tội phạm bị kết án, như một lời cảnh báo cho bất kỳ người xem nào: INRI = Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum, tiếng Latinh có nghĩa là “Giêsu người Nadarét, Vua dân Do Thái”.

Chỉ có Gioan đưa ra dòng chữ đầy đủ này (Gioan 19,19-22: Ιησοῦς ὁ Ναζωραῖος ὁ βασιλεὺς τῶν Ἰουδαίων; x. Máccô 15,26: ὁ βασιλεὺς τῶν Ἰουδαίων) và nói rằng nó đã được đăng bằng tiếng Do Thái, tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp; Trong Nhất Lãm, dòng chữ ngắn gọn hơn (“Đây là Giêsu, Vua dân Do Thái” trong Mátthêu 27,37; “Đây là Vua dân Do Thái” trong Luca 23,38; chỉ “Vua dân Do Thái” trong Máccô 15,26).

Chỉ trong Tin Mừng Gioan, người ta mới có những chi tiết đặc biệt như: Đức Giêsu trao “người môn đệ được yêu mến” cho Thân Mẫu Người và ngược lại (Ga 19,26-27); Đức Giêsu nói là “Ta khát” để ứng nghiệm lời Thánh Kinh; Đức Giêsu bị đâm thấu cạnh sườn, và những người tử tội bị đánh dập ống chân” (Ga 19,31-37).

NGUYÊN NHÂN TỬ VONG:

Một số nạn nhân có thể chảy máu đến chết khá nhanh, nhưng một số có thể sống sót trong vài ngày trước khi không chịu nổi sự kết hợp của mất nước và ngạt thở.

Để kéo dài sự đau đớn của nạn nhân, chân của họ sẽ bị trói hoặc đóng đinh vào cột để họ có thể tự đẩy mình lên để thở.

Để nạn nhân chết nhanh hơn, chân của họ có thể bị gãy đến nỗi họ không còn thở được nữa (xem Gioan 19,31-36).

 BẢY LỜI CUỐI CÙNG CỦA CHÚA KITÔ:

Sự sùng kính truyền thống vào Thứ Sáu Tuần Thánh nhắc lại bảy “lời nói” (tiếng Hy Lạp logos = “từ, cụm từ, câu, bài phát biểu”) mà Đức Giêsu đã nói khi bị treo trên thập tự giá; Tuy nhiên, không có sách Tin Mừng nào chứa tất cả bảy lời nói đó, mà chỉ có một hoặc nhiều nhất là ba lời nói (Tin Mừng Gioan và Luca, mỗi Tin Mừng có ghi lại ba lời, Mátthêu và Máccô ghi lại một lời):

Thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Luca 23,34: πάτερ, ἄφες αὐτοῖς, οὐ γὰρ οἴδασιν τί ποιοῦσιν).

Nói với người trộm ăn năn: “Quả thật, Tôi nói với anh, hôm nay anh sẽ ở cùng Tôi trên Thiên đường” (Luca 23,43: ἀμήν σοι λέγω, σήμερον μετ᾽ ἐμοῦ ἔσῃ ἐν τῷ παραδείσω ).

Khi Đức Giêsu hấp hối: “Lạy Cha, Con xin đặt hồn Con trong tay Cha” (Luca 23,46: πάτερ, εἰς χεῖράς σου παρατίθεμαι τὸ πνεῦμά μου).

Thân thưa cùng mẹ Người và người môn đệ yêu dấu: “Này người phụ nữ! Đây là con của bà” (Ga 19,26: γύναι, ἴδε ὁ υἱός σου); và nói với môn đệ yêu dấu, “Đây là mẹ của con” (Gioan 19,27: ἴδε ἡ μήτηρ σου)

Để ứng nghiệm lời Thánh Kinh: “Ta khát” (Gioan 19,28: διψῶ).

Sau khi uống một ngụm dấm: “Đã hoàn tất rồi” (Gioan 19,30: τετέλεσται)

Kêu cầu cùng Chúa Cha: “Eloi, Eloi, lema sabachthani?” có nghĩa là, “Chúa con ơi, Chúa con ơi, tại sao Người lìa bỏ con?” (Máccô 15,34; Mátthêu 27,46: ελωι ελωι λεμα σαβαχθανι; ὅ ἐστιν μεθερμηνευόμενον· ὁ θεός μου ὁ θεός μου, εἰς τί ἐγκατέλιπές με;)

CÁC NHÂN CHỨNG CHO SỰ ĐÓNG ĐINH:

Trong Tin Mừng Nhất Lãm, nhiều phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilê “nhìn từ xa” (Mc 15,40; Mt 27,55; x. Lc 23,49).

Máccô kể tên ba người phụ nữ [Maria Mađalêna; Maria mẹ của Giacôbê nhỏ (Ἰακώβου τοῦ μικροῦ) và Giôxét; và Salômê (Ἰωσῆτος)]; Mátthêu gọi ba người đó hơi khác một chút [Maria Mađalêna; Maria mẹ của Giacôbê và Giuse (Ἰωσὴφ); và mẹ của các con trai của Dêbêđê (Mt 27,56)]; Nhưng trong Luca, những người phụ nữ vẫn ẩn danh (cho đến 24,10: Maria Mađalêna và Gioanna, Maria mẹ của ông Giacôbê và những người phụ nữ khác).

Một người đại đội trưởng Rôma chứng kiến cảnh này đã tuyên bố, “Quả thật người này là Con Thiên Chúa” (Máccô 15,39; Mátthêu 27,54), hoặc “… công chính” (Luca 23,47).

Trong Gioan 19,25-26, ba hoặc bốn người phụ nữ (mẹ Người; chị của mẹ Người; Maria vợ của Clôpas; và Maria Mađalêna) cũng như “môn đệ mà Đức Giêsu yêu” (được gọi là “con trai của Bà”) đang “đứng bên cạnh cây thánh giá” (tức là rất gần thập giá).

CHÔN CẤT: Ai chôn? Chôn khi nào? Chôn ở đâu? Và chôn như thế nào?

Ai chôn?

Một ông Giuse nào đó, đến từ thị trấn Arimathê của vùng Giuđê (không rõ vị trí chính xác); Ông được gọi là “thành viên đáng kính (εὐσχήμων βουλευτής) của Hội Đồng, người cũng đang mong chờ Nước Thiên Chúa” (Máccô 15,43); “Một người giàu có” và “đã trở thành môn đệ Đức Giêsu” (Mt 27,57: αὐτὸς ἐμαθητεύθη [AIP] τῷ Ἰησου); “Một thành viên của hội đồng, một người tốt và công chính [ἀνὴρ ἀγαθὸς καὶ δίκαιος], người đã không đồng ý với kế hoạch và hành động của họ” [τῇ βουλῇ καὶ τῇ πράξει αὐτῶν] (Luca 23,50); và “một môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng bí mật, vì sợ người Do Thái” (Gioan 19,38:  ὢν μαθητὴς τοῦ Ἰησοῦ).

Chỉ có Gioan đề cập thêm rằng ông Nicôđêmô, người trước đây đã gặp Chúa Giêsu, cũng đã giúp chôn cất Đức Giêsu (19,39; x. 3,1; 7,50).

Khi nào?

Sau khi Giuse được Philatô cho phép lấy xác Đức Giêsu (Máccô 15,43). Sau khi Philatô chắc chắn rằng Đức Giêsu đã chết, dựa trên lời khai của một người đại đội trưởng (Mc 15,44-45) và/hoặc việc đâm cạnh sườn Đức Giêsu (Gioan 19,31-37).

Vào chiều Thứ Sáu ngay trước khi mặt trời lặn [khi ngày Sabát bắt đầu], nên việc chôn cất được thực hiện vội vàng (Máccô 15,42; Luca 23,54; Gioan 19,42).

Chôn thế nào?

Bằng cách quấn xác Đức Giêsu trong một tấm vải gai (Máccô 15,46), đặt xác vào một ngôi mộ đục bằng đá, và lăn một tảng đá lớn chặn lối vào (Máccô 15,46).

Trong Gioan 19,40, họ cũng quấn thi thể bằng một hỗn hợp lớn các loại hương liệu, theo phong tục chôn cất của người Do Thái.

Nhưng trong Nhất Lãm, họ không dùng hương trầm ngay (rõ ràng là vì thiếu thời gian trước khi mặt trời lặn); Đúng hơn, những người phụ nữ chuẩn bị hương liệu sau khi về nhà (Luca 23,56) và định ướp xác đúng cách sau ngày Sabát (Máccô 16,1).

 Chôn ở đâu?

Tin Mừng Nhất lãm không đề cập đến vị trí của ngôi mộ, mà chỉ nói rằng nó được đục từ đá (Máccô 15,46). Luca 23,53 và Gioan 19,41 nói thêm rằng trước đó không có ai khác được chôn cất trong ngôi mộ này, trong khi Mátthêu 27,60 cho biết rằng đó là ngôi mộ mới của Giuse Arimathêa (ἔθηκεν αὐτὸ ἐν τῷ καινῷ αὐτοῦ μνημείῳ ὃ ἐλατόμησεν [ατομέω: Cắt, khoét] ἐν τῇ πέτρᾳ).

Chỉ có Gioan 19,41-42 nói rằng ngôi mộ nằm trong một khu vườngần nơi Đức Giêsu bị đóng đinh (ἦν δὲ ἐν τῷ τόπῳ ὅπου ἐσταυρώθη κῆπος).

Chỉ có Mátthêu 27,62-66 nói rằng một số binh lính đã đóng quân đ canh giữ ngôi mộ của Chúa Giêsu, kẻo các môn đ lấy trộm xác Người (xem 28,11-15).

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD (chuyển ngữ và bổ túc theo dữ liệu của tác giả Felix Just)



[1] After Nero burned a large part of Rome, he blamed the Christians, whose name was linked to Christ: “Nero fastened the guilt and inflicted the most exquisite tortures on a class hated for their abominations, called Christians by the populace. Christus, from whom the name had its origin, suffered the extreme penalty during the reign of Tiberius at the hands of one of our procurators, Pontius Pilate, and a most mischievous superstition thus checked for the moment, again broke out not only in Judaea, the first source of the evil, but even in Rome, where all things hideous and shameful from every part of the world find their center and become popular.”
 

No comments:

Post a Comment