Tin Mừng thứ tư
được chia thành 3 phần rõ rệt như ba cuốn sách. Thứ nhất là “Lời Tựa” (1,1-51);
thứ hai, “Sách các dấu lạ” (2 – 12) và thứ ba là “Sách Giờ tôn vinh” (13 – 21).
“Sách các dấu lạ” ghi lại tất cả 7 dấu lạ Đức Giêsu. Tất cả những dấu lạ do Đức
Giêsu làm không phải là “dấu lạ vì dấu lạ” nhưng mỗi dấu lạ đều là có một điều
kiện là Tin và một mục đích là dẫn đến đức tin. Dấu lạ “Chữa lành người mù từ thuở mới sinh” (9,1-41) là dấu lạ thứ 6 trong
loạt bảy dấu lạ Đức Giêsu đã làm. Theo tác giả Rudolf Schnackenburg thì dấu lạ
này cùng với dấu lạ cuối cùng – làm cho anh Lazarô sống lại (ch.11) đánh dấu
đỉnh điểm công trình của Đức Giêsu qua những dấu chỉ.[1] Như thế, hẳn đây là dấu lạ có ý nghĩa
hết sức đặc biệt? Đức Giêsu đã chữa lành “người mù từ thuở mới sinh” như thế
nào? Đâu là thái độ của những người nghe biết về dấu lạ này? Dấu lạ này có ý
nghĩa gì đối với “Anh mù”? Anh phải làm gì để được chữa lành hoàn toàn? Đó là
những vấn nạn có thể tồn tại trong trình thuật về dấu lạ này và dự kiến sẽ được
làm rõ sau khi nghiên cứu bản văn 9,1-41.
Bài nghiên cứu này
sẽ được trình bày thành ba mục chính. Mục thứ nhất là phần “quan sát bản văn” bao gồm giới hạn, bối
cảnh cấu trúc. Tiếp theo là
phần chính của bài nghiên cứu: “Phân tích bản văn”, gồm tất cả 5 đề mục nhỏ.
Cuối cùng sẽ là những “ý nghĩa thần học” được rút ra sau khi phân tích bản văn.
1 Đi ngang qua,
Người (Đức Giêsu) thấy một anh mù từ thuở mới sinh. 2 Các môn đệ của
Người hỏi Người rằng: “Thưa Rápbi, ai đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta,
để anh ta sinh ra đã mù?” 3 Đức Giêsu trả
lời: “Không phải anh ta đã phạm tội, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta, nhưng để
công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta. 4 Chúng ta phải
làm công việc của Đấng đã sai Thầy khi còn là ban ngày; Đêm đến thì không ai
có thể làm việc được. 5 Bao lâu Thầy còn
ở trong thế gian, Thầy là ánh sáng của thế gian.” 6 Nói xong những
điều đó, Người nhổ nước miếng xuống đất, Người làm thành bùn với nước miếng
và xức vào mắt anh ta, 7 rồi Người nói
với anh ta: “Hãy đi rửa ở hồ Silôam”, (có nghĩa là người được sai phái). Vậy
anh ta ra đi, rửa và trở về thì nhìn thấy được. 8 Những người láng
giềng và những kẻ trước kia thấy anh ta ăn xin, nói rằng: “Anh ta không phải
là người vẫn ngồi ăn xin sao?” 9 Những người khác
nói rằng: “Chính anh ta.” Những người khác nữa nói: “Không phải đâu nhưng là
một người giống anh ta.” Còn anh ta nói rằng: “Chính tôi đây.” 10 Vậy họ nói với
anh ta: “Làm sao mắt của anh mở ra được?” 11 Anh ta trả lời:
“Người đó tên là Giêsu đã làm ra bùn và xức vào mắt tôi và nói với tôi rằng:
‘Hãy đi đến hồ Silôam mà rửa.’ Vậy tôi đã đi, đã rửa và đã nhìn thấy.” 12 Họ lại nói với
anh ta: “Ông ấy đâu?” Anh ta nói: “Tôi không biết.” 13 Họ dẫn anh ta –
kẻ trước đây bị mù – đến với những người Pharisêu. 14 Nhưng là trong
ngày Sabát, Đức Giêsu đã làm ra bùn và đã mở mắt anh ta. 15 Vậy, một lần
nữa, những người Pharisêu hỏi anh ta làm sao anh ta nhìn thấy được. Anh ta
nói với họ: “Ông ấy đã thoa bùn vào mắt tôi, tôi đã rửa và tôi thấy.” 16 Vậy một số người
trong nhóm Pharisêu nói: “Ông ta không phải đến từ Thiên Chúa, vì Ông ta
không giữ ngày Sabát.” Những người khác nói: “Làm sao một người tội lỗi có
thể làm được những dấu lạ như thế?” Và đã có sự chia rẽ giữa họ. 17 Họ lại nói với
người mù: “Còn anh, anh nói gì về Ông ta, vì Ông đã mở mắt cho anh?” Anh ta
nói: “Người ấy là một ngôn sứ.” 18 Những người Do
Thái không tin về anh ta là người mù mà đã nhìn thấy, cho đến khi họ gọi cha
mẹ của anh ta – cha mẹ của người đã thấy được -. 19 Họ hỏi ông bà
rằng: “Anh này là con của ông bà, người mà ông bà nói mù từ khi mới sinh? Vậy
sao bây giờ anh ấy lại thấy?” 20 Cha mẹ anh ta
trả lời với họ: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, và nó mù từ khi mới
sinh. 21 Nhưng bây giờ
làm sao nó thấy, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt nó, chúng tôi
không biết. Các ông hãy hỏi nó, nó đã khôn lớn, chính nó sẽ nói về mình.” 22 Cha mẹ anh ta
đã nói điều đó vì sợ người Do Thái. Thật vậy, người Do Thái đã quyết định:
nếu kẻ nào tuyên xưng Ông ta là Đấng Kitô sẽ trở thành người bị khai trừ khỏi
hội đường. 23 Vì điều này cha
mẹ anh ta đã nói rằng: “Nó đã khôn lớn, các ông hãy hỏi nó.” 24 Vậy họ gọi
người ấy lần thứ hai – người trước đây là người mù - , và nói với anh ta:
“Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng tôi, chúng tôi biết rằng: Ông ấy là người
tội lỗi.” 25 Anh ta trả lời:
“Ông ấy là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: Là
người mù nhưng bây giờ tôi thấy được.” 26 Họ mới nói với
anh ta: “Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?” 27 Anh ta trả lời
họ: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không nghe. Tại sao các ông muốn
nghe một lần nữa? Chẳng lẽ các ông cũng muốn trở thành môn đệ ông ấy?” 28 Họ mắng anh ta
và nói: “Anh, anh là môn đệ của Ông ấy; Còn chúng tôi, chúng tôi là môn đệ
của Môsê. 29 Chúng tôi biết
rằng Thiên Chúa đã nói với ông Môsê; Nhưng người này, chúng tôi không biết
Ông ta từ đâu đến.” 30 Người ấy trả lời
với họ: “Điều này kể cũng lạ, các ông không biết Ông ấy từ đâu đến, mà Ông ấy
đã mở mắt tôi. 31 Chúng ta biết
rằng: Thiên Chúa không lắng nghe người tội lỗi, nhưng ai kính sợ và thực hiện
ý Người, Người lắng nghe kẻ ấy. 32 Chưa bao giờ
người ta nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù mới sinh. 33 Nếu Ông ấy
không đến từ Thiên Chúa, Ông ấy không thể làm điều gì.” 34 Họ trả lời và
nói với anh ta: “Toàn thân anh sinh ra trong tội, thế mà anh lại dạy chúng
tôi ư?” Và họ trục xuất anh ta. 35 Đức Giêsu nghe
nói họ đã trục xuất anh ta và khi gặp lại anh ta, Người nói: “Anh có tin vào
Con Người không?” 36 Anh ta trả lời
và nói: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin vào Người?” 37 Đức Giêsu nói
với anh ta: “Anh đã thấy Người, người đang nói với anh là Người ấy.” 38 Anh ta tuyên
xưng: “Tôi tin, thưa Ngài.” Rồi anh ta bái lạy Người. 39 Đức Giêsu nói:
“Tôi đến thế gian này để phân định, để những người không thấy được thấy và
những người thấy lại trở nên những người mù.” 40 Những người
thuộc nhóm Pharisêu ở đó với Người, đã nghe điều đó, họ nói với Người: “Không
chừng chúng tôi là những người mù sao?” 41 Đức Giêsu nói với
họ: “Nếu các ông là những người mù, các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây
các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’ nên tội các ông vẫn còn.”[2] |
Đoạn văn 9,1-41 được
khởi đầu bằng một chuyển đổi về mặt không gian: “Đi ngang qua”. Dẫu rằng, nó
không nói rõ tên nơi chốn Đức Giêsu đi ngang qua nhưng đây là một hành trình
mới của Đức Giêsu. Đoạn văn trước đã khép lại với sự kiện người Do Thái lượm đá
để ném Đức Giêsu, nhưng Người ẩn mình và ra khỏi Đền Thờ (8,59b). Như vậy, đây
là một không gian mới của một câu chuyện khác. Thật vậy, đoạn văn trước đó
trình thuật lại việc Đức Giêsu tranh luận với người Do Thái và những kẻ chống
đối. Đoạn văn 9, 1- 41 kể lại sự kiện Đức Giêsu chữa lành một người mù từ lúc
mới sinh và những cuộc tranh luận của Anh này với Người Do Thái và nhóm Pharisêu.
Đoạn văn được chọn
kết thúc ở câu 41 vì đây là câu kết của trình thuật dấu lạ thứ sáu. Đây cũng là
câu kết của chương 9. Xét về mặt nội dung, đoạn văn sau đó bắt đầu từ 10,1 là
trình thuật về “dụ ngôn cửa ràn chiên và mục tử tốt”. Có sự tách biệt về mặt
nội dung giữa hai đoạn văn. Do vậy, đoạn văn nhất thiết phải kết thúc ở câu 41.
Như vậy, đoạn 9,1-41
là một đoạn văn độc lập về mặt nội dung cũng như kết cấu văn chương nên có thể
chọn riêng để phân tích.
Ngoài lời tựa, Tin
Mừng thứ tư được chia thành hai phần lớn. Đoạn thứ nhất có tên là “Sách các dấu
lạ”[3]
(2 – 12); Đoạn thứ hai được gọi là “Sách giờ tôn vinh” (13 – 21). Sách các dấu
lạ khởi đầu bằng dấu lạ thứ nhất Đức Giêsu làm tại Cana: hóa nước thành rượu
(2,1-12) và kết thúc bằng dấu lạ thứ bảy: Đức Giêsu làm cho Lazarô hồi sinh
(11,1-54). Đoạn 9,1-41 thuộc đoạn văn lớn thứ nhất –Sách các dấu lạ- , tường
thuật về một trong những dấu lạ thứ sáu Đức Giêsu đã làm: chữa lành anh mù từ
thuở mới sinh. Câu chuyện này nằm trong bối cảnh sự nghi hoặc của những người Do
Thái và nhóm Pharisêu, đối với Đức Giêsu ngày càng tăng lên qua những cuộc
tranh luận gay gắt với Người, thậm chí họ còn muốn ném đá Người (8, 59b).
Đoạn văn này tiếp tục
khoảng thời gian cử hành Lễ Lều (7,2). Không có dấu hiệu nào cho thấy một sự
thay đổi về mặt thời gian, Đức Giêsu rời đền thờ (8,59) và đi ngang qua Người
thấy anh mù từ thưở mới sinh (9,1). Kết của một cảnh, cảnh Đức Giêsu tranh luận
với người Do Thái không tin (8,48-59), là một động từ ở thì aorist (ἐξῆλθεν) và cảnh mới được
mở ra với một động từ dạng hiện tại phân từ (παράγων) nối kết việc Đức
Giêsu rời khỏi đền thờ với cuộc gặp gỡ với anh mù từ thuở mới sinh. Trình thuật
về Lễ Lều sau đó khép lại với việc Đức Giêsu mặc khải chính Người là mục tử
nhân lành (10,14-18) và sự chia rẽ sâu sắc hơn giữa những người Do Thái
(10,19-21).[4] Xét về
nội dung, đoạn văn này có liên hệ chặt chẽ với đoạn văn trước đó và sau đó. Nó
tiếp nối chủ đề “ánh sáng” và “bóng tối” đã được nói đến trước đó trong 8, 12
và còn nhắc lại sau đó trong 10,21.
Có thể chia đoạn văn thành năm tiểu đoạn:
I.
9,1-5: Dẫn nhập:
Đức Giêsu và các môn đệ: Tội của ai? II.
9,6-7: Anh mù từ
thuở mới sinh được nhìn thấy III.
9,8-34: Các cuộc
tranh luận về việc Anh mù được sáng mắt 9,8-12: Giữa Anh mù và những người
hàng xóm 9,13-17: Giữa Anh mù và những người Pharisêu
(lần I) 9,18-23: Giữa những người Pharisêu và
cha mẹ của Anh mù 9,24-34: Giữa Anh mù và người Pharisêu
(lần II) IV.
9,35-38: Anh mù
được sáng mắt về tinh thần V.
9,39-41: Kết luận:
Kẻ mù được thấy còn kẻ sáng lại mù |
Đoạn văn Ga 9,1-41
được chia thành năm tiểu đoạn. Tiểu đoạn I: 9,1-5 là đoạn dẫn nhập nói về bối
cảnh xảy ra câu chuyện, bắt đầu bằng việc Đức Giêsu thấy anh mù và trên nền đó
là cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và các môn đệ về căn nguyên làm cho người ấy
bị mù: “Ai đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta?”. Tiểu đoạn II: 9,6-7: Kể lại
câu chuyện Đức Giêsu làm cho Anh mù được sáng mắt. Tiếp theo đó là các cuộc
tranh luận xoay quanh “việc sáng mắt của Anh mù” được nói đến trong tiểu đoạn
III: 9,8-34. Tiểu đoạn này gồm bốn cuộc đối thoại nối tiếp nhau: (1) 9,8-12:
Đối thoại giữa Anh mù với những người hàng xóm; (2) 9,13-17: đối thoại giữa Anh
mù với những người Pharisêu lần I; (3) 9,18-23: Đối thoại giữa người Pharisêu
và cha mẹ Anh mù; (4) 9,24-34: Đối thoại giữa Anh mù và người Pharisêu lần II.
Tiểu đoạn IV: 9,35-38 là một cuộc gặp gỡ thân tình giữa Đức Giêsu và Anh mù.
Cuộc gặp này dẫn đến kết quả Anh mù tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu. Tiểu
đoạn cuối cùng: 9,38-41 là sự phân định của Đức Giêsu về nhóm Pharisêu. Nội
dung phân định đó là: “Những người không thấy lại được thấy và người sáng mắt
lại trở nên những người mù”.
Phần phân tích bản
văn, cũng là phần chính của tiểu luận sẽ được khai triển thành 5 mục chính dựa
trên cấu trúc đã được nói đến ở trên. Phần I sẽ là phần dẫn nhập của đoạn văn;
phép lạ chữa lành anh mù sẽ được phân tích trong phần II; Các phần tiếp theo sẽ
là các cuộc tranh biện xung quanh phép lạ chữa lành anh mù; Đặc biệt là việc
“người được chữa lành” tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu.
- Dẫn nhập
1.1 Đi ngang qua, Đức Giêsu thấy Anh mù từ
thuở mới sinh (9,1)
Đây
là lần duy nhất người ta thấy lối diễn tả “đi
ngang qua” (παράγω)
trong Tin Mừng thứ tư dẫu rằng đó vốn là lối mở đầu rất thường thấy trong các
Tin Mừng Nhất Lãm (Xc. Mc 1,16; 2,14; Mt 9,27; 20,30).[5] Động
từ “đi ngang qua” được chia ở hiện tại phân từ và thuộc mệnh đề phụ trong câu
cho nên phải dịch là: “Đi ngang qua,
Người thấy một anh mù từ thuở mới sinh”.[6] Điều
đó cho thấy rằng, hành động “đi ngang qua” chỉ là nền cho một hành động chính
phía sau đó là hành động “thấy” hay “để ý đến” (ὁράω). Việc đi qua chỉ là một hành động
bình thường của một lộ trình thường ngày nhưng để mắt đến người khác, nhất là
người đau khổ đã cho thấy một sự khác thường của lòng trắc ẩn. Có thể đã có
nhiều người đi ngang qua đó, nhưng chỉ có Đức Giêsu để ý và nhìn đến anh mù
này.
Tình trạng mù của anh
này cũng khá đặc biệt. Anh ta không phải mới mù, hay mù do tai nạn nhưng là “mù từ thuở mới sinh” (τυφλὸν ἐκ γενετῆς). Đây cũng là lần
duy nhất trong các sách Tin Mừng, nói đến một tình trạng mù từ thuở mới sinh.
Lối diễn tả này, theo tác giả J. Moloney, sẽ có ý nghĩa rất lớn về mặt thần học
cho toàn câu chuyện. Điều đã diễn ra nơi quà tặng ánh sáng và đức tin cho người
đàn ông này là một cuộc sáng tạo mới (“what
happens in the gift of sight, light, and faith to the man is a new creation”).
[7]
1.2 Câu hỏi của các môn đệ (9,2)
Tình trạng của anh mù
gây cho các môn đệ một thắc mắc: “Thưa Rápbi,
ai đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta, để anh ta sinh ra đã mù?”. Chủ từ
“môn đệ” được dùng ở số nhiều (οἱ μαθηταὶ)
cho thấy đây là mối quan tâm chung của các môn đệ. Câu hỏi này giả định rằng
các môn đệ đã có quan điểm rằng tình trạng “mù
từ thuở mới sinh” là hậu quả của sự việc ai đó đã phạm tội (ἁμαρτάνω) vì thế đại từ các
môn đệ dùng để hỏi là “ai?” (τίς). Quan niệm của các môn đệ phản ánh
quan điểm quen thuộc của người Do Thái vẫn còn tồn tại cho đến thời của Đức Giêsu:
bệnh tật hay rủi ro, bất hạnh nói chung là những trừng phạt do lỗi lầm cá nhân
(Xc. G 4,7-8; 2Mc 7,18), hoặc do lỗi lầm của cha mẹ giáng xuống trên con cái
(Xc. Tb 3,3). Qua mặc khải (St 3,16-19; Rm 5,12…), chúng ta biết rằng nguồn gốc
của mọi nỗi bất hạnh làm cho con người đau khổ là tội lỗi – tội nguyên tổ và
tôi riêng. Tuy vậy, điều này không có nghĩa rằng mọi bất hạnh và bệnh tật có
nguyên nhân trực tiếp là tội, như thể là Chúa giáng hoạ hay cho phép sự dữ xảy
ra khi người ta phạm bất cứ tội nào. Đau khổ, yếu tố thường thấy trong cuộc đời
người công chính, có thể là nguồn mà Thiên Chúa gửi đến nhằm thanh tẩy họ khỏi
mọi bất toàn, tôi luyện nhân đức của họ, và kết hợp với đau khổ của Đức Giêsu Kitô,
Đấng Cứu Độ, Đấng vô tội nhưng đã chịu khổ hình vì tội lỗi chúng ta. Thánh
Giuse, Đức Mẹ và nhiều vị thánh cũng đã đi con đường khổ giá ấy.[8]
Vậy, quan điểm của
các môn đệ là có cơ sở và mang tính truyền thống. Tuy nhiên, không nhất thiết
mọi sự dữ trên trần gian này đều do lỗi lầm cá nhân hay lỗi lầm người khác.
Điều quan trọng hơn nằm ở ý nghĩa của những đau khổ đó mà Đức Giêsu đã cho các
môn đệ biết qua câu trả lời của mình.
1.3 Câu trả lời của Đức Giêsu
Đức Giêsu không theo quan điểm nối kết
sự bất hạnh và bệnh tật của anh mù với hậu quả của tội lỗi nhưng Người cho thấy
một ý nghĩa lớn lao hơn của tình trạng “mù
từ thuở mới sinh” ấy: “để công việc
của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta” (9,3). Qua câu trả lời của mình,
Đức Giêsu đã giúp các môn đệ định hướng lại lối suy nghĩ của mình thay vì quan
tâm đến ai là người đã phạm tội “để anh
ta sinh ra đã bị” thì nên để ý đến đâu là ý nghĩa của sư mù loà ấy cho cuộc
đời anh ta. Các môn đệ hỏi về căn nguyên nhưng câu trả lời của Đức Giêsu lại
mang ý nghĩa mục đích. Thánh Kinh nhiều lần nhắc đến những đau khổ thể xác như
những sửa dạy vì lòng yêu thương của Chúa (Cn 3,11-12; Gđt 8,25-27; Hr
12,5-11). Nếu người bị bệnh chấp nhận đau khổ cách quảng đại thì họ sẽ được
cuộc sống dài lâu và được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng. Tuy nhiên, đó dường
như không phải là điều mà Đức Giêsu muốn nói ở đây hoặc trong Ga 11,4 ("Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của
Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh"). Đúng
hơn, Đức Giêsu muốn đề cập đến công việc của Thiên Chúa (τὰ ἔργα τοῦ θεοῦ) nhằm tôn vinh danh
Người. Một ví dụ điển hình cho ý tưởng này là lời Chúa nói cùng vua Pharaô trong
Xh 9,16 và cũng đã được Rm 9,17 trích lại: “Nhưng
sở dĩ Ta còn cho ngươi sống, là để ngươi nhìn thấy sức mạnh của Ta, và để thiên
hạ loan truyền danh Ta trên khắp mặt đất”.[9]
Cấu trúc không …và
cũng không (οὔτε … οὔτε) cho thấy Đức Giêsu phủ nhận cả hai
căn nguyên mà các môn đệ đề xuất. Rõ ràng, Đức Giêsu đặt người bệnh trong tương
quan với ý định quan phòng và kế hoạch của Thiên Chúa. Lối nhìn này rất tích
cực và xem ra có ý nghĩa hơn cho người bệnh. Bệnh tật đã xảy ra với anh mù trong
khoảng thời gian dài và việc biết căn nguyên căn bệnh ấy không phải là điều
đáng quan tâm cho bằng làm thế nào để qua căn bệnh ấy “công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”
(9,3b). Câu trả lời của Đức
Giêsu hé lộ ý tưởng chính yếu của đoạn văn miêu tả dấu lạ chữa lành anh mù từ
thuở mới sinh này.
1.4 Bổn phận của Đức Giêsu: “Phải làm công việc Đấng đã sai Thầy”
Ngay sau khi nói đến mục đích của việc tình trạng bị “mù từ thuở mới sinh” của anh mù là “để công việc Thiên Chúa được tỏ hiện” (9,3b), Đức Giêsu nói tiếp là “chúng ta phải làm công việc của Đấng đã sai Thầy” (9,4a). Trong đoạn 9,1-41 danh từ công việc (ἔργον) được sử dụng 2 lần (được chỉ định rõ là công việc của Thiên Chúa, việc của Đấng đã sai Thầy, không lẫn lộn vào một công việc nào khác). Động từ “phải” (δεῖ) được đặt trước động từ chính cho thấy tính khẩn thiết của hành động “làm công việc của Đấng đã sai Thầy” của Đức Giêsu và các môn đệ. Chủ từ ở ngôi thứ nhất số nhiều (ἡμᾶς) cho thấy nhiệm vụ ấy là của cả Đức Giêsu và các môn đệ. Câu 4 có cấu trúc đồng tâm như sau:
A.
B. Hành
vi: phải làm công việc của Đấng đã sai
Thầy
C. Thời gian: khi
còn là ngày
C’. Thời gian: đêm đến
B’. Hành vi: không thể làm việc
A’. Chủ thể: Không ai
Nhìn
vào cấu trúc có thể thấy rất rõ các chi tiết đối lập nhau. Theo lẽ thường,
người ta làm việc vào thời gian ban ngày còn ban đêm thì không làm việc nữa.
Tuy nhiên, thuật ngữ chỉ thời gian “ngày” và “đêm” được dùng trong câu này có
thể được hiểu theo một nghĩa sâu xa hơn như có một nhà chú giải đã lý giải:
“Ngày” ám chỉ cuộc đời Đức Giêsu trên trái đất. Ý tưởng này nối kết với ý tưởng
của câu 5a: “Bao lâu Thầy còn ở trong thế
gian” xem ra hợp lý. Đó là khoảng thời gian Đức Giêsu khẩn cấp thi hành ý
muốn của Cha Người cho đến khi “đêm đến”, ám chỉ đến cái chết của Người. Thuật
ngữ “đêm” ở đây cũng có thể được hiểu rộng ra như là ngày tận cùng của thế
giới. Ơn cứu độ của Đức Giêsu phải được Giáo Hội tiếp tục mang đến cho ngày tận
thế.[10]
1.5 Đức Giêsu “là ánh sáng thế gian”
Đến
đây, Đức Giêsu không chỉ trả lời cho thắc mắc của các môn đệ nhưng đã đi xa hơn
khi tuyên bố Người là “ánh sáng thế gian”
(c.5). “Ánh sáng” là chủ đề rất nổi
bật trong Tin Mừng thứ tư. Danh từ “ánh sáng” (φῶς)
xuất hiện 23 lần và có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa thần học. Nghĩa thần học
xuất hiện trong kiểu nói “thấy ánh sáng
của thế gian này” (11,9) và “không có
ánh sáng nơi mình” (11,10). Đặc biệt có đến 3 lần Đức Giêsu tuyên bố Người
là “ánh sáng” [(2 lần “Thầy là ánh sáng
thế gian” - φῶς εἰμι τοῦ κόσμου (8,12;
9,5) và 1 lần “Tôi là ánh sáng đến trong
thế gian” (12,46)].[11]
Thuật
ngữ “thế gian” (κόσμος) cũng được dùng với khá nhiều lần trong
Tin Mừng thứ tư (ít nhất là 71 lần) với nhiều sắc thái ý nghĩa không giống
nhau. Theo tác giả Lê Minh Thông hạn từ “κόσμος” (thế gian) có ít nhất bốn nghĩa khác
nhau: “thế gian-vũ trụ”, “thế gian-nhân loại”, “thế gian-chưa tin”, và “thế
gian-thù ghét”.[12]
Hạn từ “thế gian” trong kiểu nói “Thầy ở trong thế gian” có thể được hiểu
là “thế gian-vũ trụ” như cách hiểu ở
17,3:“Nhưng bây giờ con đến cùng Cha và
Con nói những điều này trong thế gian”.[13] Tuy
nhiên, “thế gian” trong kiểu nói “Thầy là ánh sáng thế gian” ở đây hay ở
8,12 có thể được hiểu theo nghĩa “thế
gian-nhân loại” bởi lẽ nơi đây Đức Giêsu nhắm đến mục đích làm ánh sáng cho
toàn thể nhân loại không trừ một ai.
Trong
bối cảnh của chương 9 lời tuyên bố “Thầy
là ánh sáng thế gian” là một tiền đề hết sức quan trọng cho câu chuyện tiếp
sau đó: dấu lạ chữa lành người mù từ thuở mới sinh. Tiền đề này báo trước Người
sẽ mang lại ánh sáng cho anh mù.
- Đức Giêsu chữa
lành Anh mù từ thuở mới sinh
Trình thuật dấu lạ
này gồm có hai nhân vật Đức Giêsu và Anh mù. Đức Giêsu chủ động còn Anh mù cộng
tác. Tiến trình chữa lành này bao gồm hai giai đoạn: (1) Hành động của Đức Giêsu
trên mắt Anh mù; (2) Anh mù đi rửa ở hồ Silôam.
2.1 Hành động của Đức Giêsu
Hành động của Đức Giêsu
khá cầu kỳ trong dấu lạ này. Người nhổ nước bọt xuống đất, làm thành bùn từ
nước miếng và xức bùn vào mắt anh ta, rồi sai anh ta đi rửa. Tin Mừng Máccô có
ghi lại hai lần Đức Giêsu dùng nước miếng để chữa bệnh (Mc 7,33; 8,23), còn
việc làm thành bùn để chữa bệnh thì chỉ có tác giả Tin Mừng này nói đến và một
lần duy nhất.
Tiền lệ của việc “đi rửa ở hồ Silôam” có thể tìm thấy trong
câu chuyện ngôn sứ Êlisa chữa lành ông Naaman bằng cách bảo ông đi rửa trong
sông Gio-đan (1V 5,10-13). Hồ Silôam chỉ là một hồ nhân tạo được vua Khítkigia
xây vào thế kỷ thứ 7 tCn nhằm cung cấp nước cho Giêrusalem (2 V20,20; 2Sbn
32,30). Tuy nhiên, câu giải thích mà tác giả để trong ngoặc đơn “ὃ ἑρμηνεύεται ἀπεσταλμένος”
(cái được dịch là người được sai phái) khá đặc biệt. Nhiều tác giả lý giải rằng
“người được sai phái” này chính là ám chỉ đến danh hiệu mà tác giả Tin Mừng thứ
tư dùng cho Đức Giêsu. Tác giả Raymond E. Brown nói như sau: “the blind man, having washed in the waters
of Siloam (the name is interpreted as “the one sent”, a Johannine designation
for Jesus), exemplifies one who is englightened on the first encounter, but
comes to see who Jesus really is only later – after undergoing trials and being
cast out of the synagogue.”[14]
Tác giả Diannane Bergant & Robert J. Karris cũng nói rằng: “sent is veritable nickname for jesus in the
fourth gospel”.[15]
Cùng quan điểm ấy, tác giả của “The
Navarre Bible” cũng lý giải: “Saint
John, using the broader etymology of word ‘Siloam’, who is the “Sent One” by
the Father.”[16]
Như vậy, câu ghi chú
của tác giả về ý nghĩa của hồ Silôam được đặt trong ngoặc đơn có một ý nghĩa ẩn
dụ rất đặc biệt trong dấu lạ này.
2.2 Hành động của Anh mù
Từ đầu đến giờ, Đức Giêsu
hoàn toàn chủ động và bây giờ Người mời gọi Anh mù cộng tác bằng cách đáp lại
lời mời gọi của Người “đi rửa ở hồ Silôam”.
Hành động đáp lại của Anh được mô tả trong một câu ngắn gọn, nhưng rất cầu kỳ
bởi vì tác giả sử dụng đến bốn động từ. Trong đó, có đến 3 động từ chính chia ở
thì aorist [đã đi (ἀπῆλθεν); đã rửa (ἀπῆλθεν);
đã đến (ἀπῆλθεν)]
và một động từ phụ ở dạng hiện tại phân từ [nhìn thấy (βλέπων)]. Dấu hiệu về mặt
cú pháp của bản văn cho thấy dường như theo dụng ý của tác giả, hành động “nhìn thấy” chỉ là một hành động thứ yếu trong
toàn bộ tiến trình này của Anh và của toàn dấu lạ chữa lành. Các hành động “đi”, “rửa” và “đến” quan trọng
hơn nhiều vì cả ba động từ này đều được chia, tương đương với 3 hành động mà
Đức Giêsu làm trước đó: “Nhổ xuống”,
“làm thành bùn với nước miếng”, và “xức”.
Dấu lạ chữa lành chỉ
được mô tả trong hai câu vắn vỏi, nhưng nó cho thấy cái khung của toàn bộ công
trình của Thiên Chúa mà Đức Giêsu “phải”
thực hiện khi “còn là ngày”. Như đã
đề cập phía trên, tiến trình chữa lành gồm hai giai đoạn cũng chỉ là tiền cảnh,
là nền cho một tiến trình chữa lành căn bệnh mù loà về đức tin của Anh mù. Toàn
thể tiến trình làm cho Anh mù sáng mắt, có thể được coi như giai đoạn một của
tiến trình gồm hai giai đoạn chữa lành nội tâm Anh mù. Giai đoạn hai là toàn bộ
quá trình anh mù đối đáp với các nhóm người khác nhau, từ những người láng
giềng bình dân cho đến giáo quyền Do Thái, rồi cả những người Pharisêu, để lãnh
lấy hậu quả bị trục xuất, sau đó gặp lại Đức Giêsu để tuyên xưng đức tin vào
Người. Giai đoạn này ứng với hành động “đi,
rửa ở hồ Silôam, trở về” của “Anh mù
đã sáng mắt”.
- Các cuộc tranh
luận xung quanh việc Anh mù được chữa lành (9,8-34)
Các nhóm người tranh
luận cùng anh mù, được thay đổi theo khuynh hướng từ ít quyền lực cho đến nhiều
quyền lực hơn; Từ các nhóm đơn lẻ cho đến tập thể; từ nhẹ nhàng cho đến gay
gắt. Đối lại, xác tín của Anh về Đức Giêsu ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ hơn.
Hậu quả anh phải chịu cũng tiến triển từ thắc mắc, đến khiển trách, và đến “trục xuất”.
3.1 “Anh
mù đã sáng mắt”
với những người láng giềng và nhiều nhóm khác (9,8-12)
Có ít nhất bốn nhóm
người đã hỏi đã băn khoăn, bàn luận với nhau về “Anh mù đã sáng mắt”. “Những
người láng giềng” và “những người
thấy anh ta trước kia là người ăn xin” đều thắc mắc cùng một câu hỏi: “Anh ta không phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?”
(9,8). “Những người khác” nói rằng: “Chính anh ta” (9,9a). Nhưng “những người khác nữa” lại nói: “Không phải đâu, nhưng là một người giống anh
ta” (9,9b). Trước những bàn luận ấy anh ta khẳng định: “Chính tôi đây” – ἐγώ εἰμι (9,9c). Trong trường hợp này thuật ngữ
“eigo eimi’ chỉ được dùng theo nghĩa thông thường chứ không phải là công thức
diễn tả sự thần linh siêu việt. Câu trả lời này đã đánh tan mọi thắc mắc của
những nhóm này về thân phận của Anh. Tuy nhiên, nó lại dẫn họ đến một thắc mắc
khác: “Làm sao mắt anh được mở ra”?
Động từ “mở ra” được dùng ở thể bị
động, lối trình bày, thì aorist (ἠνεῴχθησάν) diễn tả đôi mắt đã
được mở do một tác nhân khác chứ chúng vốn không tự mở. Anh đã tường thuật lại
toàn bộ câu chuyện. Còn về người đã làm nên dấu lạ ấy, Anh chỉ nhắc đến một
cách khá giản đơn: “Người đó tên là Giêsu”
(9,11). Khi họ hỏi thêm về nơi ở của Đức Giêsu, Anh trả lời: “Tôi không biết” (9,12).
Thật ra, đây chưa
phải là một cuộc tranh luận. Có thể nói đây đơn thuần chỉ là một sự thảo luận để
xác định thân phận của “Anh mù đã sáng
mắt”; Nhằm biết bằng cách nào mắt anh đã mở ra. Các nhóm này thuộc trong số
những người láng giềng, hoặc dân thường nên những thắc mắc của họ cũng chỉ là
những tò mò, ngạc nhiên và quan tâm mà thôi. Từ một người “ngồi ăn xin” không
đáng để ý, “Anh mù đã sáng mắt” trở
thành trung tâm chú ý của nhiều nhóm người. Các nhóm này đã bắt đầu chú ý đến
Đức Giêsu khi họ tìm hiểu: “Ông ấy ở đâu?”
3.2 Anh mù với những người Pharisêu
(9,13-17)
Cuộc tranh luận chính
thức được bắt đầu khi Anh được dẫn đến với những người Pharisêu. Đây là nhóm
người có thế giá và được dân chúng kính trọng vào thời bấy giờ vì chính đời
sống đạo đức của họ. Hầu như mọi Kinh Sư đều là Pharisêu.[17]
Trước khi nhóm Pharisêu
đặt câu hỏi tác giả đã đưa vào một thông tin khá quan trọng và có thể nó là
trọng tâm của cuộc tranh luận giữa những người Pharisêu và “Anh mù đã sáng mắt”: “Nhưng là trong ngày Sabát, Đức Giêsu đã làm
ra bùn và đã mở mắt cho anh ta” (9,14). Trước đó, trong câu chuyện chữa
lành người bại liệt (5,1-18), Đức Giêsu đã bị những người Do Thái bách hại vì
Người chữa bệnh trong ngày Sabát (5,16), thậm chí tìm Người để giết (5,18).
Câu
hỏi của những người Pharisêu được tác giả tường thuật lại. Động từ hỏi (ἐρωτάω) được chia ở thì
imperfect diễn tả một hành động vẫn tiếp tục: Họ hỏi hoài. Sau khi nghe Anh nói
rằng Đức Giêsu đã “thoa bùn vào mắt”
Anh, một số người Pharisêu đã kết luận: “Ông
ta không phải là người đến từ Thiên Chúa vì Ông ta không giữ ngày Sabát”
(9,16a). R.E. Brown lý giải lý do mà những người Pharisêu đưa ra như sau. Thứ
nhất, Đức Giêsu có thể đợi đến ngày hôm sau chữa cũng được vì tính mạng anh mù
cũng không đến nổi nguy cấp. Thứ hai, trong số 39 công việc bị cấm trong ngày Sabát
có công việc nhào (bột, bùn), Đức Giêsu đã trộn đất với nước miếng để làm thành
bùn. Thứ ba, theo truyền thống Do Thái muộn thời hơn có một ý kiến cho rằng
không được phép xức (dầu) trên mắt trong ngày Sabát.[18]
Nhưng vấn đề là không
phải tất cả những người trong nhóm Pharisêu đều đồng lòng với nhau, vì nếu Đức Giêsu
là người tội lỗi thì không thể làm được dấu lạ như thế (9,16c). Từ “dấu lạ” ở
đây được chia ở số nhiều “các dấu lạ” (σημεῖα), cho thấy rằng họ
liên tưởng đến dấu lạ ở chương 5 (chữa người bại liệt ở hồ Bếtđatha). Sự gợi
nhớ này cùng với sự không chấp nhận Đức Giêsu đến “từ Thiên Chúa” chứng tỏ rằng
họ đã từ chối giáo huấn của Đức Giêsu trong bài giảng hai phần (5,19-47). [19]
Một số người trong
nhóm Pharisêu không nghĩ rằng Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa. Còn chính Anh mù đã
được sáng mắt thì sao. Không giống như lần trước (chỉ nói rằng một người tên là
Giêsu), Anh đã cho thấy sự tiến triển trên con đường nhận biết Đức Giêsu qua
lời tuyên xưng: “Người ấy là một ngôn sứ” (9,17).
Như vậy, cuộc tranh
luận thứ nhất kết thúc với 3 suy nghĩ trái ngược nhau: Những người Pharisêu
chia rẽ thành hai nhóm: một nhóm khẳng định Đức Giêsu không đến từ Thiên Chúa;
một nhóm tỏ ra hoài nghi “một người tội
lỗi làm sao làm được những dấu lạ như thế?”, còn Anh mù thì quả quyết “Người ấy là một ngôn sứ”. Trong Cựu Ước
chỉ có hai ngôn sứ làm dấu lạ cứu chữa đáng kể là Êlia và Êlisa. Có lẽ tương tự
như cách Êlisa bảo ông Naaman rửa ở sông Giođan. Tất cả chỉ để nói lên rằng “Anh mù đã sáng mắt” tin rằng Đức Giêsu
có quyền năng thần linh.[20]
3.3 Cha mẹ “Anh mù đã sáng mắt” với “những người Do Thái”
(9,18-23)
Tiếp theo là một cuộc
tranh luận khác giữa hai nhóm người khác: Cha mẹ “Anh mù đã sáng mắt” và “những người Do Thái”. “Những người Do Thái” trong Tin Mừng thứ tư là một nhóm nhân vật khá
đặc biệt và rất khó để xác định cụ thể nhóm này là ai. Theo tác giả J. Moloney,
nhóm này không đại diện cho người Do Thái. Mâu thuẫn giữa Đức Giêsu và “những người Do Thái” phản ánh một cuộc
tranh luận về Kitô học cuối thế kỷ thứ nhất hơn là cuộc chạm trán giữa Đức Kitô
và đồng bào Ítrael vào những năm 30 của thế kỷ này.[21] Có
lẽ chính vì thế mà bản dịch đại kết (TOB) thì chọn cách dịch “những người Do Thái” ở đây có nghĩa là
giáo quyền Do Thái.[22]
Những người Do Thái “không tin về anh ta là người mù mà đã nhìn
thấy” (9,18) và họ đã chất vấn cha mẹ của Anh nhiều câu hỏi nhưng cha mẹ
Anh chỉ trả lời một câu duy nhất. Ông bà chỉ xác nhận: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, và nó mù từ khi mới sinh”
(1,20). Các câu hỏi còn lại ông bà đều trả lời là không biết. Người thuật
chuyện giải thích sở dĩ cha mẹ “Anh mù đã
được sáng mắt” nói không biết vì “sợ
những người Do Thái. Thật vậy, những
người Do Thái đã quyết định: nếu kẻ nào tuyên xưng ông ta là Đấng Kitô sẽ trở
thành người bị khai trừ khỏi hội đường” (9,22). Sau đó, người thuật chuyện
lại nhấn mạnh lại một lần nữa: “vì điều
này cha mẹ anh ta đã nói rằng: ‘nó đã khôn lớn, các ông hãy hỏi nó’”.
Cụm từ “người bị trục xuất khỏi hội đường” (ἀποσυνάγωγος)
là cụm từ rất đặc biệt và chỉ có trong Tin Mừng thứ tư (hapax johannique). Từ
này chỉ xuất hiện 3 lần (9,22; 12,42; 16,2). Từ này cũng không tìm thấy trong
văn chương Hy-lạp thời đó. Cách dùng từ “ἀποσυνάγωγος” trong Tin Mừng thứ
tư có những đặc điểm riêng. Nó nói đến một biện pháp trừng phạt mà giới lãnh
đạo Do Thái áp dụng cho những ai tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu. Theo mạch
văn, thì những người có khả năng trục xuất cha mẹ “Anh mù đã sáng mắt” ra khỏi hội đường là “những người Do Thái” (9,22). Tuy nhiên, theo tác giả Lê Minh Thông,
những người có quyền áp dụng biện pháp ἀποσυνάγωγος thuộc cả hai nhóm Pharisêu và “những người Do Thái” vì
dường như không có sự phân biệt giữa hai nhóm trong chương này. Đại từ “họ” trong
9,24 vừa chỉ “những người Do Thái” vì
theo mạch văn họ vừa trao đổi với anh mù trước đó (9,18-23), vừa chỉ “những người Pharisêu” vì 9,24 cho biết:
“họ gọi anh ta lần thứ hai” (lần thứ nhất ở 9,13-17). Nạn nhân trực tiếp của
nỗi sợ bị trở thành “kẻ bị trục xuất khỏi
hội đường” là cha mẹ “Anh
mù đã sáng mắt”. Tuy nhiên, liên kết với 16,2: các môn đệ sẽ trở thành “những người bị khai trừ khỏi hội đường”,
cho phép kết luận đó là tình trạng chung của cộng đoàn những người tin vào Đức Giêsu
thế kỷ thứ I.[23]
Cuộc tranh luận giữa
cha mẹ “Anh mù đã sáng mắt” và “những người Do Thái” khép lại với một
thực trạng chung của cộng đoàn người tin vào cuối thế kỷ thứ nhất: không dám
tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô vì sợ bị trở thành “người bị trục xuất khỏi hội đường”.
3.4 “Anh
mù đã sáng mắt” với cả hai nhóm: người Pharisêu và người Do Thái (9,24-34)
Như đã nói ở trên,
đại từ “Họ” trong 9,24: “Vậy họ gọi người
ấy lần thứ hai” thay thế cho cả hai nhóm: “những người Pharisêu” và “những
người Do Thái”. Đây là cuộc tranh luận dài nhất (10 câu) và gay cấn nhất
dẫn đến việc anh mù bị “Họ” “trục xuất”.
Câu nói “Nó đã khôn lớn, các ông hãy hỏi nó”
(9,23) của cha mẹ làm cho “Họ” hướng
mũi dùi vào một mục tiêu duy nhất. Từ đây, một mình anh mù đương đầu với những
chất vấn của “Họ”.
Cuộc tranh luận bắt
đầu lại với câu nói “anh hãy tôn vinh
Thiên Chúa”. Khi được sử dụng trong các cuộc điều tra, câu này có ý rằng “hãy nói sự thật trước sự hiện diện và nhân
danh Chúa”. Trong Cựu Ước, ông Giôsuê chất vấn Akhan về tội đã làm hại cho
dân Ítrael rằng: "Này ngươi, hãy tôn vinh Đức Chúa,
Thiên Chúa của Ítrael, và hãy suy tôn Người! Hãy thú thật với ta những gì ngươi
đã làm, đừng giấu giếm gì cả." (Gs
7,19).[24]
Điều này cho thấy “Họ” vẫn tiếp tục nghi ngờ về dấu lạ mà “Anh mù đã sáng mắt” kể và khẳng định rằng Đức Giêsu là
người tội lỗi vì Người vi phạm luật Sabát. Họ gây áp lực lên “Anh mù đã sáng mắt” để mong anh chối từ việc Đức Giêsu đã
chữa cho anh. Câu này có thể diễn ý ra như sau: anh hãy nói sự thật trước sự
hiện diện và nhân danh Thiên Chúa đi, chúng tôi biết rằng ông ấy là người tội
lỗi, ông ấy không thể làm dấu lạ đâu. Tuy nhiên, “Anh mù đã sáng mắt” vẫn
tiếp tục giữ vững lập trường của mình: “là
người mù nhưng bây giờ tôi thấy được” (9,25c). Câu trả lời của Anh làm cho
“Họ” dường như trở lại câu hỏi lúc đầu (9,15) nhưng một cách chi tiết hơn, cụ
thể hơn. Ở 9,15, nhóm Pharisêu chỉ muốn biết “làm sao anh nhìn thấy được” thì ở đây “Họ” lại hỏi “ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt
cho anh thế nào?” (9,26). Những câu hỏi này làm cho Anh dường như mất kiên
nhẫn và biểu lộ bằng một giọng điệu mỉa mai: “tôi đã nói... các ông đã không nghe…tại sao lại muốn nghe thêm một lần
nữa?” (9,27). Câu nói của “Anh
mù đã sáng mắt” diễn tả một tâm trạng
mâu thuẫn nào đó của “Họ”. “Họ” đã không nghe nhưng lại muốn “nghe thêm một lần nữa”. Lẽ ra, sẽ hợp lý
hơn nếu “Anh
mù đã sáng mắt” nói: tôi đã nói và
các ông đã không nghe, tại sao lại bắt tôi nói thêm một lần nữa? Bởi vì “Họ” đã
chưa từng nghe thì sao lại bảo là “nghe
lại một lần nữa” (πάλιν θέλετε ἀκούειν)? Phải chăng Anh
muốn ngụ ý rằng: “Họ” đã không muốn chấp nhận rằng Đức Giêsu đã chữa lành Anh
nhưng lại cũng rất muốn nghe Anh kể về dấu lạ ấy? Muốn nghe kể về việc làm của
ai đó có thể là muốn trở thành môn đệ của người đó?
Câu
hỏi bâng quơ của “Anh
mù đã sáng mắt” đã làm cho “Họ” khó
chịu và mắng nhiếc Anh khiến cho cuộc tranh luận càng trở nên gay gắt hơn. Cuộc
tranh luận giờ đây không còn là “dấu lạ
đã diễn thế nào” nhưng tập trung vào nguồn gốc của Đức Giêsu.
“Họ”
khẳng định rằng họ là “môn đệ của ông
Môsê” (9,28) và Thiên Chúa “đã nói
với ông Môsê” (9,29a) còn Đức Giêsu thì “Họ” không biết từ đâu đến (9,29b).
Theo tác giả R.E. Brown thì khẳng định Thiên Chúa nói qua ông Môsê được căn cứ
trên Xh 33,11: “Đức Chúa đàm đạo với ông Môsê,
mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau”. Trước đó, trong chương 7 những
người Giêrusalem đã nghĩ rằng họ biết Đức Giêsu từ đâu đến, ý nói là Galilê và
họ cũng nói thêm “còn Đấng Kitô, khi
Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (7,41). Điều này ngụ
ý rằng họ không nghĩ Đức Giêsu là Đấng Kitô. Trong chương 8, khi tranh luận với
những người Pharisêu, Đức Giêsu cũng đã nói rằng: “Tôi có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của tôi vẫn là
chứng thật, bởi vì tôi biết tôi từ đâu tới và đi đâu. Còn các ông, các ông
không biết tôi từ đâu tới và đi đâu” (8,14). Đức Giêsu ngụ ý rằng Người đến
từ bên trên và từ Cha, điều “Họ” không biết chính là nguồn gốc “từ trời” của
Người.[25]
Cho
đến bây giờ “Họ” đã ba lần không nhìn nhận quyền năng của Đức Giêsu, thậm chí
còn cho rằng Người là người tội lỗi (9,16.24.29). Anh mù cũng đã hai lần khiêm
tốn nhìn nhận rằng mình không biết: “Tôi không biết” (9,16) “Ông
ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết” (9,25). Và sau này khi gặp lại Đức Giêsu
anh cũng tỏ ra ngu ngơ như vậy: “Thưa
Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” (9,36). Điều đó chứng tỏ rằng anh mù cũng
chưa hiểu rõ về Đức Giêsu nhưng rõ ràng anh có một kinh nghiệm hết sức quý báu
để không chối từ Người: “Ông ấy đã mở mắt
tôi” (9,30). Chính kinh nghiệm ấy đã giúp anh luôn đứng trong tư thế khác
với “Họ” - tư thế của người luôn suy nghĩ, tìm hiểu về nguồn gốc của Đức Giêsu.
Trong
cuộc tranh luận này dường như tồn tại “hai
sự hiểu biết” mâu thuẫn với nhau. Đối lại với “chúng tôi biết” của họ (9,24) là “chúng ta biết” (9,31) của anh mù và của cộng đoàn người tin. “Họ” khẳng
định: “chúng tôi biết rằng ông ấy là
người tội lỗi” (9,31) và “chúng tôi
biết Thiên Chúa đã nói với ông Môsê” (9,29). Anh mù khẳng định: “Chúng ta biết rằng Thiên Chúa không lắng
nghe người tội lỗi” mà chỉ lắng nghe “ai
kính sợ Người và làm theo ý Người” (9,31). Lý luận của “Họ”: “Ông ấy không
giữ ngày Sabát”ð
“Ông ấy là người tội lỗi” ð “Thiên Chúa nói với ông Môsê” ð “Chúng tôi không
biết Ông ta từ đâu đến” ð Ông ta không đến từ Thiên Chúa. Lý
chứng của anh mù: “Ông ấy đã mở mắt tôi”-
dấu lạ chưa từng nghe nói ð “Thiên
Chúa không lắng nghe những kẻ tội lỗi” ð “nếu
Ông ấy không đến từ Thiên Chúa, Ông ấy đã không làm được điều gì” ð Ông ấy đến từ Thiên
Chúa.[26]
Tác giả W. Barclay
diễn tả cách khác như sau: Đức Giêsu đã làm một điều hết sức lạ thường. Điều đó
chứng tỏ Thiên Chúa đã nghe lời Người. Thiên Chúa nghe lời Người chứng tỏ rằng
Người không phải là kẻ xấu vì Thiên Chúa chẳng bao giờ nhậm lời kẻ xấu. Ý tưởng
Thiên Chúa chẳng bao giờ nhậm lời kẻ xấu là ý tưởng căn bản trong Sách Thánh.
Gióp đã nói về kẻ giả hình: “Khi hoạn nạn xảy đến cùng hắn, Chúa lại nghe tiếng
của hắn sao?” (G 27,9). Vịnh gia cũng nói: “Nếu lòng tôi hướng về điều ác, ắt
Chúa chẳng nghe tôi” (Tv 66,18). Isaia nghe Chúa phán cùng dân phạm tội: “Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt
mắt không nhìn; Các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì
tay các ngươi đầy những máu” (Is 1,15). Còn những lời cầu của người công
chính thì luôn được Thiên Chúa lắng nghe: “Đức
Chúa ở xa phường gian ác, nhưng nghe lời nguyện của chính nhân” (Tv 34,15).[27]
Anh mù trong tư thế người cảm nghiệm
được những gì Đức Giêsu đã làm cho mình, đã tỏ ra là người hiểu biết về Đức Giêsu
hơn “Họ” (những người Do Thái và những người Pharisêu). Anh có vẻ mỉa mai “Họ”
khi họ thừa nhận rằng “Họ” không biết Đức Giêsu từ đâu đến: “Điều này kể cũng lạ (θαυμαστός), các Ông không biết Ông ấy từ đâu đến
mà Ông ấy đã mở mắt tôi”
(9,30). Việc họ là những bậc thầy trong dân không biết “Đức Giêsu từ đâu đến” trong
khi anh mù lại biết Đức Giêsu đã mở mắt cho mình quả là một chuyện lạ.
Tuy nhiên, điều đó
hoàn toàn phù hợp với diễn tiến của câu chuyện. Khởi đầu “những người Do Thái”
đã không nhận Đức Giêsu “không phải là người đến từ Thiên Chúa” (9,16a). Sự phủ
nhận này đã được “Họ” củng cố (9,24: “Ông
ấy là người tội lỗi”) và bảo vệ (9,29: “Chúng
tôi không biết Ông ta từ đâu đến”). Còn anh mù thì đi theo chiều hướng
ngược lại. Anh từng bước khám phá nguồn gốc Đức Giêsu. Từ một hiểu biết đơn sơ:
“một người tên là Giêsu” (9,11), Anh
tiến lên bước nữa: “Người ấy là một ngôn
sứ” (9,17c), và đi đến kết luận ngược hẳn với “Họ”: ông ấy phải đến từ
Thiên Chúa (9,33). Hay nói khác đi anh đã nhìn nhận Đức Giêsu chính là Đấng
Chúa Cha sai đến. Trước đó, Đức Giêsu đã rất nhiều lần mặc khải cho các lãnh
đạo Do Thái rằng Người là “Đấng được Cha
sai đến”[28]
nhưng “Họ” vẫn không chịu tin.
Lập luận của Anh mù thật khôn ngoan và
chặt chẽ, khiến “Họ” cảm thấy dường như Anh hiểu biết hơn họ và đang dạy họ về
“nguồn gốc của Đức Giêsu”, điều mà “Họ” không hề biết. “Họ” đáp trả bằng cách
kết án “Toàn thân anh sinh ra trong tội”
(9,34). Đây là điều mà các môn đệ đã giả định lúc ban đầu và đã hỏi Đức Giêsu “ai đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta?”
(9,2) và Đức Giêsu đã cho biết là không phải do tội của ai cả. Khi không thể
thắng bằng lý luận thì đương nhiên quyền lực được sử dụng. “Họ” dùng quyền để
“trục xuất” Anh. Đó là cái giá Anh phải trả cho việc bày tỏ quan điểm về nguồn
gốc của Đức Giêsu. Trong ch.9 động từ “trục xuất” (ἐκβάλλω)
xuất hiện hai lần. Trong bối cảnh chương này, dưới ánh sáng của lời ghi chú của
tác giả ở (9,22): cha mẹ anh mù sợ bị trở thành “những người bị trục xuất khỏi
hội đường”, chúng ta có thể hiểu “Họ” trục xuất Anh ra khỏi hội đường.
Giai đoạn thứ hai “đi, rửa ở hồ Silôam (người được sai phái),
trở về” của Anh mù đã tiến triển đáng kể đánh dấu bằng việc anh nhận ra
“Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa” và đồng thời anh cũng phải trả giá bằng việc “bị
trục xuất”. Tuy nhiên tiến trình được chữa lành về mặt tâm linh của Anh chưa
đến hồi kết. Anh vẫn phải tiếp tục chặng cuối của tiến trình “rửa trong hồ Silôam” nữa.
- Anh mù gặp lại
Đức Giêsu và tuyên xưng niềm tin (9,35-38)
Đây chính là chặng
đường quan trọng nhất trong tiến trình “chữa lành anh mù” của Đức Giêsu. Khởi
đầu khi “làm cho anh được sáng mắt”,
anh mù hoàn toàn thụ động, không nói một lời nào. Có thể nói bây giờ Anh mới
thực sự có cuộc gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng mà Anh đang tìm hiểu. Việc chấp nhận bị
“trục xuất” vì những lý luận về nguồn gốc của Đức Giêsu đã chứng tỏ rằng Anh
sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ Đức Giêsu.
Cũng như lúc đầu,
chính Đức Giêsu là người chủ động mở lời với Anh chứ không phải Anh tìm Người:
“Anh có tin vào Con Người không?”
(9,35c). Thuật ngữ “Con Người” (τὸν υἱὸν τοῦ ἀνθρώπου),
được Đức Giêsu dùng để nói đến vai trò mạc khải Thiên Chúa cho nhân loại (1,51;
3,13-14; 5,27; 6,27.53.62). Sự hiện diện của Người dưới tư cách là “Con Người”
mặc khải Thiên Chúa và mang đến sự xét xử, nhưng vai trò mặc khải vẫn chưa đến
hồi kết. Anh mù vẫn bâng khuâng với những câu hỏi và tự tìm cho mình câu trả
lời. Anh vẫn chưa hiểu rõ (9,12.25.36) để đi đến quyết định. Vì thế, Anh cần
thêm thông tin về Con Người từ Đức Giêsu: “Thưa
Ngài Đấng ấy là ai để tôi tin vào Người?” (9,36). Câu trả lời của Đức Giêsu:
“Anh đã thấy Người, người đang nói với
anh là Người ấy” (9,37) như lấp đầy mọi băn khoăn trước đó của Anh. Những
thuật ngữ trọng tâm Kitô học trong Tin Mừng thứ tư được kết hợp chặt chẽ với
nhau. không ai có thể thấy Thiên Chúa và biết Thiên Chúa (1,18; 5,37), trừ khi
Đức Giêsu mạc khải điều Người đã thấy (1,34; 3,11; 5,37; 8,38). Người nói điều
người đã thấy nơi Cha (6,46; 8,38). Ai tin vào Đức Giêsu sẽ thấy (1,50-51) còn
ai không tin thì sẽ bị luận phạt (3,36; 5,37-38; 6,36). Mạc khải tột đỉnh sẽ
được diễn ra khi những người tin nhìn lên Con Người “được giương cao” để lãnh nhận sự sống đời đời (3,13-15). Đức Giêsu
thử thách Anh mù nhận ra rằng Thiên Chúa tỏ lộ chính mình cho Anh qua Con
Người.[29]
Thánh Gioan
Chrysostom đã chú giải: “Những người Do
Thái trục xuất anh khỏi đền thờ; còn Chúa của đền thờ lại tìm thấy anh”
("The Jews cast him out of the
Temple; the Lord of the Temple found him").[30]
Điều này minh chứng cho những điều Người đã nói trước đó: “Tất
cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều đã và đang đến với tôi, và ai đến với
tôi, tôi đã không loại ra ngoài”
(οὐ μὴ ἐκβάλω ἔξω)
(6,37).[31]
“Họ” thì “trục xuất” anh còn Đức Giêsu “không loại ra ngoài”. Sự chủ động mạc
khải của Đức Giêsu đã giúp Anh mù hoàn tất tiến trình “rửa ở Hồ Silôam (Đấng được sai phái), trở về” qua lời tuyên xưng
niềm tin rất mạnh mẽ: “Tôi Tin, thưa Ngài”
và “bái lạy Người” (προσεκύνησεν αὐτῷ:
9,38). Trong Tin Mừng thứ tư, tin vào Đức Giêsu có nghĩa là có sự sống đời đời
(Xc. 3,15.16.36; 6,40.47). Hành động “bái lạy”, “thờ lạy” (προσκυνέω)
là hành động chỉ dành cho Thiên Chúa. Anh không chỉ tin vào Đức Giêsu là Đấng
được sai đến, mà còn bái lạy Người như là Thiên Chúa của Anh.
Tiến trình đón nhận
đức tin của anh mù có thể được tóm gọn lại như sau: bị bạn bè và láng giềng
nghi ngờ (9,8-12) ð
bị cha mẹ “bỏ rơi” (9,18-23) ð bị những người Pharisêu và những người
Do Thái chất vấn, lăng mạ, trục xuất (9,13-17.24-34); thế nhưng anh vẫn một
mình lần bước trong tiến trình tìm kiếm Đức Giêsu từ hiểu biết đơn sơ “một người tên là Giêsu” (9,11) ð “một ngôn sứ” (9,17) ð “người đến từ Thiên Chúa” (9,33) ð cuối cùng “Tôi tin” (9,38) vào Con Người, Đấng được
Cha sai đến, là Thiên Chúa.
- Cuộc tranh luận
giữa Đức Giêsu và nhóm Pharisêu (9,39-41)
Ba câu cuối như là
đoạn kết của dấu lạ chữa lành. Từ đầu chương 9 Đức Giêsu chưa từng nói với nhóm
Pharisêu, chỉ trong 3 câu cuối này Đức Giêsu trực tiếp tranh luận với họ.
5.1 Người mù được thấy, kẻ thấy bị mù
Đức Giêsu nói: “Tôi đến thế gian này để phân định (κρίμα)[32],
để những người không thấy được thấy và những người thấy lại trở nên những người
mù” (9,39). Danh từ
“phân định” hay “biện phân” (εἰς κρίμα)
có cùng gốc với động từ “κρίνω” nên cũng có nghĩa là
xét xử, xét đoán, hay kết án như động từ “κρίνω”. Tuy nhiên, theo tác
giả Lê Minh Thông, thì những ý nghĩa này không phù hợp với mạch văn Ga 9:
“Quả thế, lời Đức Giêsu ở Ga 9,39 liên quan đến anh mù được
chữa lành đã tin vào Đức Giêsu (9,38), đồng thời liên quan đến những người Pharisêu
không tin. Mệnh đề: “Cho người không thấy được thấy (9,39b) ám chỉ đến anh mù
đã thấy và đã tin; Mệnh đề: “những người thấy lại trở nên những người mù” ám
chỉ những người Pharisêu (9,40-41). Nếu hiểu “εἰς κρίμα”
là “để xét xử” thì không hợp lý, vì Đức Giêsu không xét xử anh mù từ thuở mới
sinh, ngược lại Người đã làm cho anh ta được thấy và tin vào Người.”[33]
Câu
chuyện “dấu lạ chữa lành” giờ đây
không còn là chuyện riêng của anh mù nữa nhưng là chuyện của nhiều người. Đức Giêsu
đã phân định giữa hai nhóm: nhóm “những
người không thấy được thấy” bao gồm anh mù và cộng đoàn người tin và nhóm “những người thấy lại trở nên những người mù”
bao gồm “những người Pharisêu”. Đức Giêsu
đã phân định và cho thấy một sự thật trớ trêu đến phũ phàng, làm cho “những người Pharisêu” phải chột dạ: “Không chừng chúng tôi là những người mù sao?”
(9,40). Họ là “những người mù” bởi
dẫu cho họ sáng mắt nhưng họ không muốn nhìn, không muốn thấy. “Không ai mù loà bằng người từ chối nhìn thấy”.
Còn anh mù dẫu khởi đầu “không thấy” nhưng nghe theo lời mời gọi của Đức Giêsu
cuối cùng anh đã thấy. Anh đã trải qua quá trình từ sáng mắt thể lý đến sáng
mắt đức tin. Anh là một mẫu hình lý tưởng cho thần học sâu xa mà việc cứu chữa
Anh là một dấu chỉ. Đức Giêsu thực là “ánh
sáng thế gian” (9,5) đã mang đến ánh sáng thể lý qua đó mang đến ánh sáng
đức tin cho Anh.[34]
5.2 Tội của những người Pharisêu
Thoạt nghe câu kết luận của Đức Giêsu:
“Nếu
các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng:
"Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn! " (9,41), người đọc không khỏi
ngạc nhiên vì đang nói về “mù” và “thấy” thì Đức Giêsu lại kết luận là “chẳng có tội” và “tội vẫn còn”. Tuy nhiên, suy cho kỹ thì đó là điều hợp lý. Nếu nhìn
nhận mình là “những người mù” thì đương nhiên “không nhìn thấy” là chuyện đương
nhiên và “chẳng có tội”. Tuy nhiên,
khăng khăng “chúng tôi thấy” nhưng
“chẳng thấy” lại có tội. Như đã nói trên “không ai mù loà bằng người từ chối nhìn thấy”.
Tội của họ chính là tội cố chấp, có khả năng nhìn mà không muốn nhìn, ngay trong
nhóm họ cũng đã có một số người tự hỏi: “Làm
sao một người tội lỗi có thể làm được những dấu lạ như thế?” (9,16) nhưng
đến cuối cùng “Họ” vẫn không muốn thấy và “tội
của họ vẫn còn”. Tội này là tội gì? Tác giả Lê Minh Thông lý giải như sau:
Trong
Tin Mừng thứ tư chỉ có một tội duy nhất: đó là tội không tin vào Đức Giêsu. Có
thể nói, đây là “tội thần học”, tội không đón nhận mặc khải của Thiên Chúa qua
lời rao giảng của Đức Giêsu. Sâu xa hơn, tội theo Tin Mừng thứ tư là lựa chọn
đứng về phía quỷ, thuộc về và làm công việc của quỷ (8,44). Đây là tội dẫn đến
sự hư mất, dẫn đến sự chết đích thực như Đức Giêsu đã nói với “những người Do Thái”: “Các ông sẽ chết trong tội của các ông. Vì
nếu các ông không tin rằng Tôi hằng hữu thì các ông sẽ chết trong tội của các
ông” (8,24).[35]
Chương 9 khép lại với một sự phân định rõ
rệt giữa hai nhóm người. Lẽ dĩ nhiên, Đức Giêsu không có ý định phân định giữa
hai nhóm người này. Người đến không phải để lên án thế gian nhưng để cứu nó
(3,17). Tuy nhiên sự hiện diện của Đức Giêsu giữa thế gian đã bao hàm một sự
phân định bởi mỗi người sẽ có sự chọn lựa hoặc là chống lại Người hoặc là chấp
nhận Người. Việc Đức Giêsu xuất hiện dẫn đến một số được cứu và một số sa ngã.
Theo nghĩa này chúng ta sẽ rơi vào một trong hai trường hợp. Một mặt những
người có tâm hồn khiêm hạ, nhìn nhận lỗi lầm của mình và đến cùng Giêsu để tìm
ơn tha thứ sẽ nhận được “ánh sáng của Người”; Mặt khác những người cảm thấy
thỏa mãn với chính mình không cần đến Đức Kitô sẽ bị mù lòa và tội vẫn còn.[36]
III.
Những
ý nghĩa thần học rút ra từ nghiên cứu bản văn
1. Đức
Giêsu đã mang đến một cái nhìn mới mẻ trước những nghịch cảnh, khổ đau, bệnh
tật thể lý của con người. Người Do Thái, kể cả các môn đệ, quan niệm đau khổ
bệnh tật là hậu quả của những lỗi lầm hoặc là của chính cá nhân hoặc của cha
mẹ, hoặc của nhiều thế hệ trước đó. Đức Giêsu không đồng tình với quan niệm của
họ, Người mặc cho đau khổ một giá trị rất tích cực, một ý nghĩa tốt đẹp. Đó
không hẳn là do tội của ai cả nhưng là để “công trình của Thiên Chúa được thực
hiện”. Lối nhìn này vừa giải thoát những người đau yếu, bất hạnh khỏi những mặc
cảm tự ti vốn có, vừa làm cho họ có cơ hội để cộng tác vào công trình của Thiên
Chúa.
2. Đức
Giêsu là ánh sáng cho thế gian (9,5). Người đến trong thế gian nhằm mục đích là
đem ánh sáng cho những người mù lòa. Bổn phận của Người và của các môn đệ là
phải làm công việc của Chúa Cha, Đấng đã sai Người (9,4). Đó không chỉ là một
chọn lựa nhưng là một bổn phận dường như bắt buộc bao lâu Đức Giêsu “còn ở trong
thế gian”.
3. Mở mắt thể lý, mở mắt đức tin. Ánh sáng mà Đức
Giêsu mang lại không chỉ là ánh sáng vật lý. Người không chỉ mở mắt thể lý cho
người mù nhưng quan trọng hơn là mở mắt đức tin, giúp cho anh tin vào “Đấng
được sai đến” để được sự sống đời đời. Vấn đề không còn là chuyện nhìn thấy hay
không nhìn thấy nhưng là chuyện sống và chết. Dấu lạ “mở mắt người mù từ thuở mới sinh” chỉ là bước đầu để dẫn anh mù đến
với Đức Giêsu và tuyên xưng đức tin vào Người.
Tiến trình ấy do Đức Giêsu khởi xướng nhưng nó có hoàn tất tốt đẹp hay
không cũng phải nhờ vào sự cộng tác dấn thân của Anh mù. Thực tế, sau khi được
chữa lành đôi mắt thể lý Anh đã phải trải qua quá trình thử luyện biểu lộ bằng
những giải thích với những người xóm giềng, tranh luận với giáo quyền Do Thái.
Anh đã chịu nhiều thách đố từ mắng chửi, xỉ vả cho đến bị trục xuất. Trải qua
quá trình ấy Anh ngày càng kiên định hơn trong lập trường của mình về nguồn gốc
của Đức Giêsu và đã được ơn đón nhận đức tin.
4. Đức
Giêsu là Đấng Cha sai đến. Cuộc tranh luận dựa trên sự kiện Đức Giêsu chữa bệnh
trong ngày Sabát để đi đến kết luận Người có phải Đấng đến từ Thiên Chúa hay
không. Nhóm “Họ” từ đầu đến cuối nhất quyết phủ nhận nguồn gốc thần linh của
Đức Giêsu; Trong khi đó Anh mù, đại diện cho cộng đoàn người tin thì từ khám
phá đến nhìn nhận “Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa”. Thật ra, chính Đức Giêsu đã
thừa nhận nguồn gốc Thiên Sai của Người khi nói rằng: “Chúng ta phải làm công việc của Đấng đã sai Thầy” (9,4). Ngoài ra,
tác giả cũng ghi chú hồ Silôam có nghĩa là Đấng được sai phái ngụ ý rằng anh mù
chỉ có rửa trong Đức Giêsu thì mới được sáng cả thể lý lẫn tinh thần.
5. Câu
chuyện của “Anh mù được chữa lành”
tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu, không phải chỉ là câu chuyện của riêng Anh,
nhưng là câu chuyện của cộng đoàn những người tin cuối thế kỷ thứ nhất. Họ đã
sống đức tin của mình và phải chịu hậu quả là trở thành những người bị trục
xuất ra khỏi Hội đường. Một số người tin không chịu nỗi áp lực của giáo quyền Do
Thái đến nỗi không dám tuyên xưng hay bàn luận gì về Đức Giêsu, như trường hợp
của cha mẹ Anh mù. Đó không chỉ là tình trạng của cộng đoàn Gioan cuối thế kỷ
thứ nhất mà còn là tình trạng của cộng đoàn những người tin qua mọi thời đại.
Họ luôn đứng trước chọn lựa bóng tối và ánh sáng và lâm vào những nguy cơ “bị
trục xuất”, ngược đãi, thậm chí giết chết. Họ phải luôn can đảm để tiếp tục
kiên định với chọn lựa đức tin của mình trước những gian nan thử thách. Tranh
luận của “Anh mù được sáng mắt” và
“Họ” tiêu biểu cho những cuộc tranh luận mang tính Kitô học giữa cộng đoàn
người tin và nhóm “Họ” chưa tin, trải dài trong Tin Mừng thứ tư.
6. “Đức Giêsu đến thế gian này để phân định”.
Sự hiện diện của Người trong thế gian bao hàm một sự phân chia giữa những người
“mù” về thể lý, yếu đuối về tinh thần nhưng biết đón nhận, tuyên xưng đức tin
vào Người sẽ trở thành những người “được thấy”. Ngược lại những người tự phụ,
cho rằng mình “chúng tôi thấy”, không cần đón nhận ánh sáng từ Đấng là ánh
sáng, không chấp nhận Người thì sẽ vẫn mang tội nơi mình.
SÁCH THAM KHẢO
Barley, W., bản Việt ngữ Tin Mừng theo thánh Gioan (nguyên tác: The Gospel of
John), Hà nội, Tôn Giáo, 2008.
Brown, R.E., The Gospel according to John I-XII
(Anchor Bible Series, Vol. 29), New York, Doubleday, 1970.
Hoàng Minh Tuấn, Đọc Tin Mừng Yoan, tập II: Tái sinh bởi Thần Khí, Hà Nội, Tôn Giáo,
2000.
Lê Minh Thông, Bản Văn Gio-an: Tin Mừng và ba Thư Hy lạp – Việt, Hà nội, Tôn Giáo,
2011.
_____________, Tình Yêu và Tình Bạn,
TpHCM, TTHVĐM, 2009.
_____________, Yêu và Ghét trong Tin Mừng Gio-an, phần I và II, TpHCM, THVĐM,
2009.
_____________, Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng thứ tư, Hà nội, Tôn giáo, 2010.
Marchadour, Alain,
Bản Việt ngữ Tin Mừng Gioan
(L’Evangile de Jean, Centurion),1992.
Moloney, Francis J., The Gospel of John (in Sacra Pagina,
Daniel J. Harrington, Editor), Collegeville, The Ligurtical Press, 1998.
The
complete Biblical Library, Springfield, Missori, U.S.A, 1998
[bản Việt Ngữ Chân Ngôn, chú giải Tin
Mừng các Chúa Nhật và Đại Lễ- Năm A, TpHCM, TT HVĐM, 2011.
The
Navarra Bibble: Gospel & Acts, Revised Standard
Version with a Commentary by members of the Facculty of Theology of the
University of Navarre, Scepter Publishers, 2002.
Brown Raymond E., The New
Jerome Biblical Commentary, New
Jersey, Prentice Hall, 1990.
[1] Xc. Rudolf Schnackenburg, Bản Việt Ngữ Đức Giêsu trong Các Sách Tin
Mừng Kitô học Kinh Thánh, (nguyên tác Jesus in the Gospel: A Biblical
Christology, Lousisville: 2005, Nguyễn Luật Khoa và Phạm Thị Uy chuyển ngữ),
tr. 263.
[2]
Xc. Lê Minh Thông, Bản văn Gio-an, Tin
Mừng và Ba Thư Hy lạp – Việt (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011), tr.148-159.
[3]
Xin tạm gọi là dấu lạ, nguyên ngữ tiếng Hy-Lạp không có tính từ “lạ” mà chỉ có
danh từ “các dấu” .
[4]
Xc. Francis J. Moloney, The Gospel of
John (Collegeville: Liturgy Press, 1998), p. 290.
[5]
Xc. Raymond E. Brown, The Gospel
According to John I-XII (New York: Doubleday, 1966), p. 371.
[6]
Xc. Lê Minh Thông, sđd., tr.148.
[7]
Xc. Francis J. Moloney, sđd., p.296.
[8] Xc. The Navarra
Bibble: Gospel & Acts, Revised Standard Version with a Commentary by
members of the Faculty of Theology of the University of Navarre (Dublin:
Scepter Publishers, 2000), p.618.
[9]
Xc. Raymond E. Brown, sđd., p.371.
[10]
Xc. The Navarre Bible, sđd.,
p.618.
[11]
Xc. Lê Minh Thông, Yêu và Ghét trong Tin
Mừng Gio-an, phần II (TpHCM: TTHVĐM, 2009), tr.52-53.
[12]
Xc. Lê Minh Thông, Yêu và Ghét trong Tin
Mừng Gio-an, phần I (TpHCM: THVĐM, 2009), tr.78.
[13]
Xc. Ibid., tr.82.
[14]
Xc. Raymond E. Brown, An Introduction to
the New Testament (New York: Doubleday, 1996), p.348.
[15]
Xc. Diannane Bergant & Robert J. Karris, The Collegeville Bible Commentary (Minnesota: Liturgy Press, 1992),
p.997.
[16]
Xc. The Navvarre Bibile, Gospels and Acts,
p. 619.
[17]
Xc. Kinh Thánh Tân Ước, bản dịch của
nhóm CGKPV (Hà nội: Tôn Giáo, 2008), tr.31.
[18]
Xc. R.E. Brown, The Gospel According to
John I-XII, p.373.
[19]
Xc. Francis J. Moloney, sđd., p. 298.
[20]
Xc. R.E. Brown, The Gospel According to
John I-XII, p.373.
[21] “The expression “the Jews” in this Gospel
must always be placed within quotation marks because it does not represent the
Jewish people… the conflicts between Jesus and “the Jews” are more a reflection
of a christorical debate at the end of the first century than a record of
encounters between Jesus and his fellow Israelites in the thirties of that
century”. (Xc. Francis J. Moloney, sđd.,
p.12).
[22]
Xc. TOB
[23]
Xc. Lê Minh Thông, Yêu và Ghét trong Tin
Mừng Gioan, Phần I, tr. 264-251.
[24]
Xc. William Barclay, bản Việt Ngữ Tin
Mừng theo thánh Gioan (Hà nội: Tôn Giáo, 2008), tr.258.
[25]
R.E. Brown, The Gospel According to John
I-XII, p. 374.
[26] Xc. Marchadour, Alain, Bản Việt ngữ Tin Mừng Gioan (L’Evangile
de Jean, Centurion),1992, tr.212-213.
[27] Xc. W. Barclay, Sđd., tr. 258.
[28] Xc. Ga 3,34; 4,34; 5,23.30.36.37.38;
6,29.38.39.44.57; 7,16.18.28.29.33; 8,16.18.26.29.42; 9,4.
[29] “Jesus is challenging the man to recognize
that God is made known to him in the Son of Man” (Xc. Francis J. Moloney, sđd., p. 296).
[30]
Trích lại trong William Barclay, sđd.,
tr. 260.
[31] Động từ “loại ra” (ἐκβάλλω) được chia ở thì aorist (diễn
tả một hành động đã xảy ra) ở đây cũng chính là động từ được dùng trong câu “họ đã trục xuất anh” (9,34).
[32]
Bản dịch của nhóm CGKPV là “xét xử” trong khi đó bản dịch của tác giả Lê Minh
Thông là “phân định”.
[33]
Xc. Lê Minh Thông, Yêu Và Ghét trong Tin
Mừng Gioan, phần II, tr. 76.
[34] Xc. Diannane Bergant & Robert J.
Karris, Sđd., p.997- 998.
[35] Xc. Lê Minh Thông, Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng thư tư (Hà Nội: Tôn Giáo, 2010), tr.
239.
[36]
Xc. The Navarre Bible, p. 623.
No comments:
Post a Comment