Saturday, 11 January 2014

ĐIỀU GÌ NƠI CHÚA GIÊ-SU LÀM CHO CHÚA CHA HÀI LÒNG?


Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng dạy rằng: “Đức Giê-su, Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi Đức trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (GS, no.22).
Đó chính là niềm xác tín của Giáo Hội. Đức Giê-su giống hệt con người trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Vậy thì tại sao Đức Giê-su lại đến sông Gio-đan để xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa? Chắc chắn là Đức Giê-su không cần phải sám hối vì Ngài không phạm tội. Vậy thì, việc Đức Giê-su chịu phép rửa phải mang một ý nghĩa khác.

Đây là biến cố rất quan trọng vì nó đánh dấu ngày Đức Giê-su khởi đầu cho sứ vụ công khai của mình sau 30 năm sống ẩn giật tại Na-gia-rét. Không ồn ào náo động, không đánh trống khua chiêng, Đức Giê-su lặng lẽ hòa vào dòng người tội lỗi đế đến xin Gioan làm phép rửa. Đó chính là cách khai mạc sứ vụ rất đơn sơ nhưng lại mang rất nhiều ý nghĩa.
Ý nghĩa thứ nhất, Phép Rửa của Chúa Giê-su báo hiệu trước sứ vụ của Ngài là đồng cam cộng khổ với người tội lỗi. Một con người tinh khiết đã không ngại ngùng đứng chung với những con người đã bị tội lỗi làm cho nhơ nhớp. Đức Giê-su như một bông  sen giữa đầm lầy của nhân loại tội lỗi.
Tục ngữ Việt nam có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Chính vì thế, ông bà ta hay khuyên con cháu là chọn bạn mà chơi, không nên chơi với bạn bè xấu, kẻo bị liên lụy. Chúa Giê-su thì không làm như vậy. Ngài cố tình chơi với những người thu thuế và những người tội lỗi.
Khi người ta trách hỏi “sao Ngài lại làm bạn và đồng bàn với quân thu thuế và phường tội lỗi, thì Ngài trả lời: “Người khỏe mạnh đâu cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13; Mc 2,17; Lc 5,32). Đó là cách mà Đức Giê-su sống mầu nhiệm tự hạ cách sống động nhất.
Ý nghĩa thứ hai, biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa cũng đánh dấu một bước ngoặc hết sức quan trọng. Đó là lúc mà Thiên Chúa giao hòa với con người, Thiên Chúa nối lại mối liên kết sâu xa, mật thiết với con người. Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, cánh cửa vườn địa đàng đã khép lại, con người đã không còn mối liên hệ mật thiết với Chúa như trước nữa; con người tự mình không thể vươn đến Thiên Chúa nữa. Tuy nhiên, từ nay, sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa thì “trời đã mở ra”. Đức Giê-su Con Thiên Chúa làm người đã khai thông sự bế tắc trong con đường dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa.
Ý nghĩa thứ ba, Đức Giê-su được chứng nhận là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Đây là một chân lý đức tin của Giáo Hội. Lời tuyên bố ấy làm cho chúng ta cảm thấy an tâm về uy tín và vị thế của Đức Giê-su, Đấng mà chúng ta tin tưởng và hy vọng.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nằm ở phần sau của tiếng từ trời:“Ta hài lòng về Người”. Điều gì nơi Chúa Giê-su làm cho Chúa Cha hài lòng? Phải chăng vì Chúa Giê-su là Con Chúa và là Chúa, nên Chúa Cha hài lòng? Nếu như vậy thì khác gì “con hát cha vỗ tay khen”, cũng thường thôi, chẳng có gì đáng nói cả? vậy thì điều gì nơi Chúa Giê-su làm cho Chúa Cha hài lòng nhất?
Thưa! điều làm cho người cha hài lòng nhất chính là người con nên người, thành người. Dẫu là một Thiên Chúa uy nghi cao sang, Chúa Giê-su đã chấp nhận mặc lấy thân phận yếu đuối, mỏng dòn của phận người. Có lẽ chỉ khi nào chúng ta biến thành một con giun, con dế thì chúng ta mới cảm nghiệm được phần nào mầu nhiệm tự hạ vì tình yêu của Chúa Giê-su dành cho nhân loại.
Bài ca “Người tôi trung” trong sách Isaia mà chúng  ta vừa nghe, phác họa một vài hình ảnh tiên trưng về Chúa Giê-su. Người sẽ “làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”; người rất mực độ lượng, từ bi: “cây lau bị dập, người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi”; người “làm ánh sáng chiếu soi muôn nước; để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm”.
Đức Giê-su đẹp lòng Thiên Chúa Cha khi Ngài đã sống hết mình và hết tình với Chúa cha và với nhân loại. Ngài khởi sự sứ vụ rao giảng bằng cách đứng chung, hòa mình vào dòng người tội lỗi; Ngài tiếp tục sứ vụ công khai bằng cách đem Tin Mừng cho những người tội lỗi, nghèo khó, tàn tật, đui mù; và cuối cùng hoàn tất mầu nhiệm tình yêu tự hạ bằng cách chết trên thập tự giá.
Thánh Clêmentê thành Alexandria và thánh Grêgôriô thành Naziance đã nói rằng: “Con Thiên Chúa làm người để con người làm Con Thiên Chúa”. Đức Giê-su đã sống trọn phận người là để cứu độ chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi thân phận nô lệ tội lỗi và hưởng hạnh phúc đời đời với Người.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta về niềm xác tín về thần tính của Chúa Giê-su; về mầu nhiệm tự hạ của Chúa Giê-su. Đồng thời, nhắc nhở chúng ta về địa vị làm Con Thiên Chúa của mình. Chúng ta là con Thiên Chúa. Chúng ta có nghĩa vụ và quyền lợi sống làm sao cho đẹp lòng Cha trên trời.
Thánh I-rê-nê đã khẳng định rằng: “Vinh quang Thiên Chúa chính là con người được sống dồi dào”. Thiên Chúa Cha được vinh danh, khi chúng ta là những người con của Ngài, sống nên người hay thành người.
Đó là mục đích chính yếu của cả đời người chúng ta. Chữ “nhân” cũng là chữ quan trọng nhất trong đạo lý Nho Giáo: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo cũng dạy chúng ta là cả đời người phải làm sao sống đúng nhân phẩm của chính mình và giúp người khác sống đúng nhân phẩm của họ.
Cách đây không lâu trên các trang mạng xã hội xuất hiện những câu thơ ví von mĩa mai như vầy: “Nhân phẩm từ nay giảm giá rồi, chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi; lương tâm bán rẻ hơn lương thực, chân lý chân giò một giá thôi”.
Quả thực trong một xã hội coi trọng những giá trị vật chất, những giá trị của một con người thường bị đánh đồng với sự giàu sang phú quý. Thay vì vật chất tiện nghi nhằm phục vụ cho con người thì con người lại bị những mối lợi vật chất làm cho tha hóa và bị đè bẹp. Vụ án siêu lừa Huyền Như, cũng như vụ án Dương Chí Dũng mới đây là những biểu tượng cho những con người bị tiền tài đè bẹp dí đến nỗi không còn đường quay lại.
Chúng ta hãy thành khẩn cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta, mỗi thành viên trong gia đình chúng ta, trong giáo xứ chúng ta và tất cả mọi người, luôn biết xác tín rằng giá trị, nhân phẩm của con người là quan trọng nhất. Để rồi, những khi đối diện với những khó khăn cuộc sống mưu sinh, chúng ta không bao giờ đánh mất nhân phẩm, giá trị của một người con Chúa, và không xúc phạm đến giá trị, nhân phẩm ấy nơi người đồng loại. Amen!
Duy Thạch SVD


No comments:

Post a Comment