Thursday, 9 June 2022

SỰ THẬT TOÀN VẸN LÀ GÌ? Chú Giải Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi năm C (Ga 16,12-15)

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp

Việt

12  Ἔτι πολλὰ ἔχω ὑμῖν λέγειν, ἀλλ᾽ οὐ δύνασθε βαστάζειν ἄρτι·

 13  ὅταν δὲ ἔλθῃ ἐκεῖνος, τὸ πνεῦμα τῆς ἀληθείας, ὁδηγήσει ὑμᾶς ἐν τῇ ἀληθείᾳ πάσῃ· οὐ γὰρ λαλήσει ἀφ᾽ ἑαυτοῦ, ἀλλ᾽ ὅσα ἀκούσει λαλήσει καὶ τὰ ἐρχόμενα ἀναγγελεῖ ὑμῖν.

 14  ἐκεῖνος ἐμὲ δοξάσει, ὅτι ἐκ τοῦ ἐμοῦ λήμψεται καὶ ἀναγγελεῖ ὑμῖν.

 15  πάντα ὅσα ἔχει ὁ πατὴρ ἐμά ἐστιν· διὰ τοῦτο εἶπον ὅτι ἐκ τοῦ ἐμοῦ λαμβάνει καὶ ἀναγγελεῖ ὑμῖν. (Jn. 16:12-15 BGT)

12 Thầy còn có nhiều điều để nói cùng anh em, nhưng bây giờ anh em không thể chịu đựng nổi.

13 Nhưng khi Đấng ấy đến, Thần Khí Sự Thật, sẽ chỉ dẫn anh em trong toàn bộ sự thật, vì Người sẽ không nói từ chính mình, nhưng điều Người sẽ nghe, Người sẽ nói và những điều xảy đến Người rao giảng cho anh em.

14 Đấng ấy sẽ tôn vinh Thầy, vì Đấng ấy sẽ nhận từ Thầy mà loan báo cho anh em.

15 Tất cả những gì Chúa Cha có là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói rằng Đấng ấy nhận từ Thầy và loan báo cho anh em.

Bối cảnh

Bối cảnh phụng vụ: Lễ Kính trọng Thể Chúa Ba Ngôi, một trong ba Mầu Nhiệm chính trong đạo Công Giáo: (1) Mầu Nhiệm một Chúa Ba Ngôi; (2) Mầu Nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể; (3) Mầu Nhiệm Ngôi Hai Cứu Chuộc. “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiềm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy” (GLHTCG, 234). Thánh Phaolô thường chào chúc cuối thư bằng lời chào long trọng là: “Xin cầu chúc toàn thể anh chị em được đầy tràn ân sủng của Đức Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Linh. Amen” (2 Cr 13,13; x. 1 Cr 12,4-6; Ep 4,4-6). Phụng vụ Thánh Lễ cũng lấy lại lời chào này để chào chúc các tín hữu đầu mỗi Thánh Lễ (Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Linh ở cùng anh chị em). Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem lời chúc này của thánh Tông Đồ là hoa trái của kinh nghiệm cá nhân về tình yêu Thiên Chúa, tình yêu mà Đức Kitô Phục Sinh đã mặc khải cho ngài, tình yêu đã biến đổi đời sống của ngài và thúc bách ngài mang Tin Mừng cho muôn dân.[1] Đức Giáo Hoàng nói về Chúa Ba Ngôi trong một lần cầu nguyện “Kinh Truyền Tin” khác: “Có một Cha mà chúng ta cầu nguyện cùng Người với Kinh Lạy Cha; Có một người Con, Đấng ban cho chúng ta ơn cứu chuộc, ơn công chính hòa; Có một Thánh Linh, Đấng ở trong chúng ta và trong Giáo Hội”.[2]  Khi Đức Giêsu tỏ mình cho các Tông Đồ sau khi Phục Sinh, Người mời gọi họ làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Để diễn tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Hội Thánh sử dụng thuật ngữ “bản thể” (“yếu tính”, hay “bản tính”) để chỉ hữu thể đơn nhất của Thiên Chúa và thuật ngữ “ngôi vị” hoặc “bản vị” để chỉ Cha, Con và Thánh Linh trong sự phân biệt thật sự giữa Ba Ngôi; thuật ngữ “tương quan” để chỉ sự khác biệt giữa Ba Ngôi mối liên hệ giữa mỗi ngôi với các ngôi khác (GLHTCG, 252).

Bối cảnh bản văn: Trong bối cảnh rộng Ga 16,12-15 nằm trong phần thứ ba của Tin Mừng Gioan thường được gọi là “Sách của sự vinh quang” (13,1 – 20,29).[3] Nội dung căn bản của “sách của sự vinh quang” là Đức Giêsu đi về với Chúa Cha. Con đường đi về với Chúa Cha của Đức Giêsu gồm có bốn chặng: Đau khổ, chết, phục sinh và lên trời. Trong bối cảnh hẹp hơn, bản văn này nằm trong diễn từ từ biệt của Đức Giêsu, những lời tâm tình của Đức Giêsu với các môn đệ trước lúc chia tay (13,1 – 16,33). Trong diễn từ từ biệt này, Đức Giêsu bộc lộ rất nhiều chi tiết về tương quan giữa Cha, Con và Thánh Linh. Trong bối cảnh trực tiếp, Ga 16,12-15 là bản văn cuối cùng trong số năm bản văn nói về Đấng Paráclêtos trong Tin Mừng thứ tư (Ga 14,15-17; 14,25-26; 15,26-27; 16,7-11; 16,12-15).[4] Trong những bản văn này, Đức Giêsu thường tỏ bày danh xưng, vai trò của Đấng Paráclêtos cũng như tương quan của Đấng ấy với Chúa Cha và với Đức Giêsu.

Cấu trúc

Đức Giêsu còn nhiều điều nữa phải nói (12a)

Các môn đệ không thể chịu đựng nổi (12b)

Vai trò của Thần Khí sự thật: Chỉ dẫn trong sự thật toàn vẹn (13a)

điều Người sẽ nghe, Người sẽ nói (13b)

những điều xảy đến Người sẽ loan báo (13c)

Tôn vinh Đức Giêsu (14a)

Lấy những gì của Đức Giêsu và loan báo cho các môn đệ (14b)

Điều Cha có là của Đức Giêsu (15a)

Lấy những gì của Đức Giêsu và loan báo cho các môn đệ (15b)

Một số điểm chú giải

1.   “Nhiều điều để nói”:

Từ sau khi rửa chân cho các môn đệ đến đoạn này, Đức Giêsu đã nói rất nhiều điều với các môn đệ. Trong khoảng thời gian từ 13,21 – 16,11, Đức Giêsu đã bật mí những điều kinh khủng: Người sẽ ra đi, các môn đệ sẽ tìm kiếm Người nhưng lại không thể đến với Người (Ga 13,33); Một người môn đệ thân tín sẽ nộp Người (Ga 13,21); Một người môn đệ khác sẽ chối Người đến ba lần (Ga 13,36-38); các môn đệ sẽ bị thế gian thù ghét và bách hại như họ đã thù ghét Người (Ga 15,18-21); Họ sẽ trở thành những người bị khai trừ ra khỏi hội đường (ἀποσυναγώγους, Ga 16,1-2). Những mặc khải này thực sự quá sức chịu đựng của các môn đệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh này Đức Giêsu lại nói rằng, Người vẫn còn nhiều điều nữa, nhưng bây giờ anh em không thể nào chịu đựng nổi. Trong bối cảnh trực tiếp. “Nhiều điều nữa” có thể là những điều Đức Giêsu tiếp tục mặc khải sau đoạn này: “Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy và Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 16,17) hay là “anh em sẽ khóc lóc than van, còn thể gian sẽ vui mừng, anh em sẽ đau buồn, nhưng nổi buồn của anh em sẽ thành niềm vui” (16,20); hoặc “anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngã và để Thầy cô độc một mình” (Ga 16,32). Câu nói “Thầy còn nhiều điều nữa để nói cùng anh em, nhưng bây giờ anh em không thể chịu đựng nổi” có thể hiểu theo hai nghĩa: (1) Đức Giêsu còn giữ lại nhiều điều quá sức chịu đựng của các môn đệ; (2) Đức Giêsu tiếp tục nói thêm nhiều điều sau đó, nhưng các môn đệ không thể chịu đựng nổi những điều Người nói. Ý nghĩa thứ hai có vẻ hợp lý hơn, vì sau đó Người giới thiệu Thần Khí Sự Thật sẽ chỉ dẫn các môn đệ trong sự thật toàn vẹn. Thần Khí Sự Thật sẽ giúp các môn đệ có thể đón nhận sự thật mà Đức Giêsu đã mặc khải, và không nói gì mới mẻ nữa (x. Ga 1,14-18).[5] Có nhiều đề nghị cho cách hiểu thứ nhất. Những thần học gia hệ thống ủng hộ luận đề rằng mặc khải vẫn tiếp tục sau khi Đức Giêsu chết cho đến khi người tông đồ cuối cùng qua đời. Các thần học gia Công Giáo Rôma xem đó như là đề cập đến những tín điều tiếp tục được hé mở trong giai đoạn Giáo Hội. Tuy nhiên, R.Brown, trích dẫn Ga 15,15, cho rằng dường như không có mặc khải nào hơn vì Đức Giêsu đã nói rằng: “Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Chúa Cha, Thầy đã cho anh em biết”.[6]

2.   Thần Khí Sự Thật: Đức Giêsu dùng một đại từ thay thế (ἐκεῖνος, Đấng ấy), trước khi dùng một ngữ danh từ để giải thích cho Đấng ấy: “Khi Đấng ấy đến, Thần Khí sự thật” (ὅταν δὲ ἔλθῃ ἐκεῖνος, τὸ πνεῦμα τῆς ἀληθείας). Trước đó, trong 16,8, Đức Giêsu cũng dùng đại từ thay thế này: “Khi Đấng ấy đến (ἐλθὼν ἐκεῖνος), Người sẽ kết án thế gian về tội lỗi, về sự công chính, và sự xét xử”. Đại từ “Đấng ấy” trong cả hai trường hợp vừa kể thay thế cho danh xưng “ὁ παράκλητος” (Paráclêtos)[7] được dùng trong 15,26: “Khi Đấng Paráclêtos đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến cho anh em từ Chúa Cha, Pnêuma sự thật (Thần Khí sự thật), Đấng phát xuất từ Chúa Cha, Đấng ấy sẽ làm chứng về Thầy”. Đấng Paráclêtos được Đức Giêsu định nghĩa ngay từ đầu là “Thần Khí sự thật”: Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Paráclêtos khác, để ở với anh em luôn mãi, Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận” (14,16-17). Ngoài danh xưng “Thần Khí sự thật”, Đấng Paráclêtos còn được được định nghĩa bằng một danh xưng khác nữa là “Pnêuma thánh” (Thánh Thần, 14,26; 20,22). Trong Tin Mừng thứ tư, danh xưng “Thánh Thần” gắn liền với vai trò dạy và làm nhớ lại (Ga 14,26); Vai trò tha thứ hòa giải (Ga 20,22); còn Thần Khí sự thật gắn liền với vai trò “làm chứng về Đức Giêsu” (Ga 15,26); “hướng dẫn trong chân lý toàn vẹn”, “nói và loan báo” (16,13).

3.   Chỉ dẫn anh em trong toàn bộ sự thật: Vai trò này rất phù hợp với danh xưng “Thần Khí sự thật”. Câu ὁδηγήσει ὑμᾶς ἐν τῇ ἀληθείᾳ πάσῃ có thể hiểu theo hai nghĩa: (1) Thần Khí sự thật sẽ dẫn dắt các môn đệ với toàn bộ sự thật; (2) Thần Khí sự thật sẽ dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn. Ý nghĩa thứ hai có vẻ hợp với bối cảnh hơn vì trước đó Đức Giêsu nói “các môn đệ không thể chịu đựng nổi” nhiều điều mà Người nói. Với sự trợ giúp của Thần Khí sự thật, các môn đệ sẽ có sức chịu đựng nhiều hơn. Liên từ chỉ thời gian “khi” trong mệnh đề “khi Đấng ấy đến” cho thấy một sự nối kết chặt chẽ với trạng ngữ chỉ thời gian trước đó: “Bây giờ” (), trong câu “bây giờ anh em không thể chịu đựng nổi”. Sư xuất hiện của Thần Khí sự thật rõ ràng là để giúp cho các tông đồ đón nhận tất cả những điều Đức Giêsu đã nói cùng họ. Vai trò “dẫn đến sự thật toàn vẹn” liên kết với vai trò “dạy mọi điều và làm nhớ lại mọi điều” mà Đức Giêsu đã nói cùng các môn đệ (Ga 14,26).[8]

4.   Toàn bộ sự thật (ἀληθείᾳ πάσῃ): “Sự thật” là một khái niệm rất đặc biệt trong Tin Mừng thứ tư vì nó gắn liền với Đức Giêsu và ơn cứu độ của Người. Trong “Lời Tựa”, tác giả đã giới thiệu Đức Giêsu như là “Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1,14); “Luật được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có (Ga 1,17). Cặp đôi danh từ “ân sủng và sự thật” gợi nhớ đến hai đặc tính quen thuộc của Thiên Chúa trong Cứu Ước: “Hesed và emet” (חֶ֣סֶד וֶאֱמֶ֑ת), thường được dịch là giàu “nhân nghĩa và lòng thành tín”, hay là “ân sủng và sự thật”. Hai đặc tính này được thể hiện qua việc Thiên Chúa giữ Giao Ước và chứng từ của Người (Tv 25,10); qua “sự chăm sóc” (Tv 61,8). Đức Giêsu cũng thiết lập Giao Ước mới, và vĩnh cửu bằng máu của Người và Người trung thành giữ Giao Ước ấy đến cùng. Ông Gioan Tẩy Giả làm chứng cho “sự thật” (Ga 5,33). Biết “sự thật” sẽ dẫn đến ơn giải thoát: “Các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ông” (Ga 8,32). “Sự thật” ở đây vừa có nghĩa là là toàn bộ giáo huấn của Đức Giêsu, cũng như toàn bộ con người Ngài: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Đức Giêsu nói rằng Người sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho “sự thật”, ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Người” (Ga 18,37). “Dẫn đến sự thật toàn vẹn” là hiểu và tin vào những điều Đức Giêsu đã nói và đã làm trong suốt sứ vụ của Người (Cf. 2,22; 12,16; 13,7). R. Brown cho rằng “dẫn đi trong sự thật toàn vẹn” bao hàm cái gì đó hơn cả sự hiểu biết trí năng về những gì Đức Giêsu đã nói. Nó bao hàm một lối sống rập khuôn theo lời dạy của Người.[9] Cách hiểu này có vẻ phù hợp với điều Đức Giêsu đã nói trong 8,31-31: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, các ông sẽ thực sự là môn đệ của tôi; Các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ông”.

5.   Điều Người sẽ nghe, Người sẽ nói: Cách nói này cho thấy sự tương quan giữa Thần Khí sự thật với Đức Giêsu và Chúa Cha. Điều Người sẽ nghe là nghe từ Đức Giêsu hoặc từ Chúa Cha. Tương tự, Đức Giêsu cũng từng nói rằng Người cho các môn đệ biết những điều Người nghe được từ nơi Cha (Ga 15,15); Người không tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai Người truyền lệnh cho Người phải nói gì, tuyên bố gì (Ga 12,49); Các lời Người nói với các môn đệ, Người không tự mình nói ra nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Người, chính Người làm những việc của mình (Ga 14,10). Thần Khí sự thật cũng không tự mình nói điều gì (Ga 16,13). Điều này cho thấy sự thống nhất trong nội dung mặc khải của Thiên Chúa. Hơn nữa cách nói “Đấng Paráclêtos, Thánh Linh mà Chúa Cha sai đến nhân danh Thầy” (Ga 14,26); hay “Thầy sai Đấng ấy đến với anh em” cho thấy thông điệp của Thánh Linh sẽ là thông điệp của Chúa Cha và Chúa Con.[10]

6.   Điều xảy đến Người loan báo: Mệnh đề “điều Người nghe” song song với mệnh đề “điều xảy đến”. Động từ “nói” cũng không khác nghĩa với động từ “loan báo, công bố”. Hai mệnh đề song song với hai động từ tương đương được sử dụng, như muốn diễn tả trọn vẹn vai trò hoạt động của Thần Khí sự thật. Trong khi mệnh đề “điều Người nghe” chú trọng vào thông điệp, lời nói, ngữ danh từ “điều  xảy ra” nhấn mạnh đến sự việc hay hành động. Đó có thể là những sự kiện xảy ra trong cuộc đời của Đức Giêsu, đặc biệt là mầu nhiệm khổ nạn và Phục Sinh.[11] Cách chung, nó có thể ám chỉ đến toàn bộ công trình cứu độ của Thiên Chúa được Đức Giêsu thực hiện. Động từ “công bố” rất thường được dùng trong sách ngôn sứ Isaiah. Đặc biệt trong Is 45,19, chúng ta tìm thấy Chúa công bố sự thật, một ý tưởng tương tự với vai trò của Thần Khí sự thật trong đoạn văn này (Ga 16,13). Như thế, cách nói “Thần Khí sự thật công bố cho các môn đệ điều xảy đến” hoàn toàn phù hợp với ý tưởng rằng Đấng Paráclêtos được Chúa Cha trao ban hay gửi đến.[12]

7.   Tôn vinh Thầy: Đề tài “tôn vinh” là một đề tài nổi bật trong Tin Mừng thứ tư. Như đã nói trong phần “bối cảnh”, ngoài lời tựa, Tin Mừng thứ tư có hai phần chính: (1) Sách các dấu lạ (1,19 – 12,50); (2) Sách của sự tôn vinh (13,1 – 20,29). Đề tài “tôn vinh” bao trùm phần thứ hai của Tin Mừng. Thuật ngữ “tôn vinh” diễn tả mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Giêsu: “Bấy giờ, họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh (Ga 7,39); “Sau khi Đức Giêsu được tôn vinh, các ông mới nhớ lại lời Thánh Kinh chép những điều đó về Người và dân chúng đã làm cho Người đúng như vậy” (Ga 12,16).[13] Khi tông đồ Giuđa đã đi ra khỏi phòng tiệc ly để thực hiện kế hoạch nộp Thầy, Đức Giêsu tuyên bố rằng: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31). Nghĩa là sự tôn vinh được bắt đầu từ thời khắc người ta toan tính kế hoạch bắt và giết Người.[14] Rất nhiều lần tác giả cho thấy chủ thể tôn vinh Đức Giêsu là Chúa Cha. Những động từ ở thể bị động (“được tôn vinh”) đều ám chỉ đến tác nhân là Chúa Cha “Con Người, Đức Giêsu… được tôn vinh” (Ga 7,39; 11,4; 12,16; 13,31). Đức Giêsu không cần người đời tôn vinh (Ga 5,41). Trong chương 17, Đức Giêsu cầu xin Chúa Cha tôn vinh mình: “Xin Cha tôn vinh Con Cha” (17,1); “Xin Cha tôn vinh con bên Cha” (17,5). Chỉ có một lần duy nhất, Đức Giêsu cho biết Đấng Paráclêtos sẽ tôn vinh Người. Lý do mà Đức Giêsu giải thích cho hành động tôn vinh này là “vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo (công bố) cho anh em. Như vậy, những điều mà Thánh Linh công bố về Đức Giêsu sẽ làm cho Đức Giêsu được tôn vinh. Điều này có thể nằm trong hành động “dẫn các môn đệ đến sự toàn vẹn”. Khi các môn đệ hiểu những thông điệp, và sứ mạng của Đức Giêsu, thì họ cảm nghiệm được vinh quang của Người. Sự tôn vinh của Đức Giêsu chỉ được cảm nhận trong vòng tròn của những người tin. Giống như thánh Phaolô nói: “Trong khi những người Do Thái tìm kiếm những dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan thì chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà những người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại coi là điên rồ” (1 Cr 1,23). Đức Giêsu đã được Chúa Cha tôn vinh khi cho Người từ cõi chết sống lại, và ngự bên hữu Thiên Chúa (Pl 2,9; Ep 1,20-21; Cv 2,33). Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đón nhận được vinh quang phục sinh của Người. Các môn đệ cũng phải nhờ quyền năng Thánh Linh hướng dẫn mới hiểu biết đầy đủ và tin nhận Người.

8.   Tất cả những gì Chúa Cha có là của Thầy (Ga 17,10): Lời khẳng định này cho thấy sự hiệp nhất trong việc sở hữu của Đức Giêsu và Chúa Cha.[15] Dĩ nhiên, động từ “có, sở hữu” (ἔχω) ở đây không có ý nghĩa là sở hữu của cải, hay quyền năng cho bằng nội dung mặc khải.[16] Câu khẳng định này để giải thích cho lý do tại sao Đức Giêsu lại nói rằng “Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.[17] Thông tin rằng Đấng Paráclêtos được Cha sai đến có thể làm cho các môn đệ hiểu rằng, Đấng ấy nhận thông điệp khác từ Chúa Cha và loan báo cho các môn đệ. Chính vì thế, Đức Giêsu mới giải thích rằng “tất cả những gì Chúa Cha có là của Thầy”. Trong Ga 17,10, Đức Giêsu nói điều tương tự: “Tất cả những gì của con đều là của Cha và tất cả những gì của Cha là của con”. Điều này gợi nhớ đến sự hợp nhất nên một giữa Đức Giêsu và Chúa Cha: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,10.11; 10,38; 17,11.21.22.23); “Ta và Chúa Cha là một” (Ga 10,30; Cf. 17,22).

Bình luận tổng quát

Trong diễn từ từ biệt, từ ch.13 – ch.17, Đức Giêsu mặc khải rất nhiều điều với các môn đệ. Trong đó, có nhiều điều làm cho các môn đệ phải đau buồn, lo sợ, không có sức chấp nhận và không thể chịu đựng được. Đó là sự ra đi của Đức Giêsu và các môn đệ không thể đến với Người; Đó là sự bách hại sẽ xảy đến; đó là sự phản bội, chia rẻ ngay chính trong cộng đoàn những người được chọn. Cùng với những tỏ lộ về sự khó khăn, thử thách, đau khổ trong tương lai là niềm an ủi lớn lao qua việc trao ban Thánh Linh. Năm đoạn văn nói về Đấng Paráclêtos trong ba chương 14, 15, và 16 lần lượt được đưa vào sau những đoạn văn Đức Giêsu nói về những khó khăn thử thách trong tương lai. Điều này cho thấy rằng, Đấng Paráclêtos là giải pháp cho tất cả những khó khăn, khủng hoảng của các môn đệ. Trong đoạn văn Ga 16,12-15, Đấng Paráclêtos, với danh hiệu là “Thần Khí sự thật”, sẽ dẫn dắt, hướng dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn. Quả vậy, Đức Giêsu đã nói rất nhiều điều với các môn đệ trong suốt hành trình rao giảng. Người cũng đã và đang nói rất nhiều điều với họ trong diễn từ từ biệt. Có rất nhiều điều các ông không thể hiểu nổi; và cũng có nhiều điều các ông không thể đón nhận hoặc thậm chí không muốn đón nhận. Đó là sự từ bỏ vinh quang trần thế để đạt đến vinh quang khác. Đó là từ bỏ mạng sống mình để rồi lấy lại; chịu khổ nạn, chết để rồi được tôn vinh. Thần Khí sự thật sẽ giúp cho các môn đệ lấy lại thăng bằng mà đón nhận toàn bộ sự thật mà Đức Giêsu đã nói và đã làm. “Đón nhận sự thật toàn vẹn” không chỉ là học hỏi, hiểu biết, chấp nhận và tin mà thôi, mà còn phải đi theo con đường Đức Giêsu đã đi, biến những lời dạy và lối sống của Người thành lối sống của các môn đệ. Những điều Đức Giêsu nói và làm cũng là những điều mà Chúa Cha muốn thực hiện cho nhân loại và cũng là những điều mà Thánh Linh tiếp tục giúp cho nhân loại hiểu, đón nhận, và dấn thân bước theo. Sự hiệp nhất trong sứ vụ cứu độ là cách thức Thiên Chúa tỏ bày tình yêu cho nhân loại. Cả ba ngôi vị Thiên Chúa đều muốn bày tỏ tình yêu cứu độ cho nhân loại như nhau. Cha, Con và Thánh Linh nối kết chặt chẽ với nhau, để làm cho kế hoạch cứu độ được thực hiện và hoàn tất. Cách nói “những gì Chúa Cha có đều là của Thầy và Thánh Linh “lấy tất cả những gì của Thầy mà công bố cho anh em” cho thấy một sự nối kết không thể tách rời trong tương quan tình yêu cứu độ mà Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Khúc mắc, cản trở lớn trên tiến trình theo Chúa của các môn đệ ngày xưa vẫn còn phảng phất trong tiến trình theo Chúa của các tín hữu ngày nay. Họ đã theo Chúa với nhiều khát vọng quyền lực, được giải thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang, khỏi đói nghèo. Họ mong ước được chữa lành mọi đau khổ vật chất và tinh thần. Thực tế, Đức Giêsu đã mang đến cho họ niềm hy vọng về một cuộc giải thoát, nhưng không phải là một cuộc giải thoát thuần túy về chính trị hay giải quyết vấn đề đói nghèo, bệnh tật, nghịch cảnh. Người giải thoát họ khỏi đau khổ và cái chết do tội lỗi gây nên và mang lại cho họ một sự sống mới, sự sống vĩnh cửu. Trong chương trình cứu độ của Người có tất cả các loại người khác nhau. Có những người khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, và có cả những người yêu đuối, bệnh tật; Có những người giàu sang, sung túc, nhưng cũng có những người nghèo đói, cùng khổ; Có những người là nô lệ, cũng có những người tự do; Có nhiều người được tự do bày tỏ niềm tin của mình, nhưng không thiếu những người bị bách hại vì niềm tin. Tất cả đều có thể tham dự vào mầu nhiệm cứu độ miễn là họ có thể hiểu, đón nhận, tin vào Chúa, và dấn bước theo Chúa trên con đường thập tự. Các môn đệ đã vượt qua những khát vọng trần tục của mình để tham dự vào kế hoạch thiêng liêng của Chúa, kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi được tỏ bày nơi Đức Giêsu và được Thánh Linh tiếp tục hướng dẫn, giải thích, “dẫn đến sự thật toàn vẹn”. Các kitô hữu dù là ai, ở vai trò, vị trí nào, địa vị cao thấp ra sao, đều có cơ hội được cứu độ như nhau khi họ xác tín và tín thác vào Chúa, luôn nghe theo lời chỉ dẫn của Thánh Linh trong mọi biến cố của cuộc đời mình.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[2] X. Pope Francis, “Angelus” (30/05/2021) (Angelus, 30 May 2021, Trinity Sunday | Francis (vatican.va))

[3] Tin Mừng thứ tư được chia thành bốn phần chính; (1) Lời Tựa (1,1-18); (2) Sách các dấu (1,19 – 12,50); (3) Sách của sự vinh quang (13,1 – 20,29); (4) Phần kết (21,1-25 [F.J. Moloney, “John”, The Paulist Biblical Commentary (ed. J.E.A. Chiu e al.) (New York, 2008) 1110-1111].

[4] 1. Ga 14,15-17. Ở lại mãi mãi với các môn đệ; 2. Ga 14,25-26, “Dạy” và “làm nhớ lại”; 3. Ga 15,26-27. Làm chứng trước và trong các môn đệ; 4. Ga 16,7-11.  Chứng minh thế gian sai lầm; 5. 16,12-15. Dẫn đường, loan báo, tôn vinh (X. Giuse Lê Minh Thông, “Đấng Pa-rác-lê là ai? (TM Gio-an)” (Tin Mừng Gio-an, Évangile de Jean, Gospel of John: Đấng Pa-rác-lê là ai? (TM Gio-an) (leminhthongtinmunggioan.blogspot.com) (truy cập 17/05/2021).

[5] “It is not as if more revelation is still to follow, to be delivered by the Paraclete. The problem lies with the fragile disciples "now." God has been made known to all who have seen Jesus Christ (cf. 1:14-18), but in the Spirit-directed time after the departure of Jesus the full implications of this revelation will unfold” [F.J. Moloney, The Gospel of John (SP 4; Collegeville 1997) 441]; “But perhaps verse 12 is conceived only as preparation for verse 13a” [E. Haenchen– R.W. Funk – U. Busse, John. A commentary on the Gospel of John (Hermeneia; Philadelphia 1984) 144].

[6] R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 29A, 714.

[10] “If there is a tension between the completeness of the message and the need for continual application, that tension runs through the work both of Jesus and of the Paraclete, for they have the same task of revelation” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 708).

[11] “Thüsing makes the interesting suggestion that “the things that are coming,” from the standpoint of the company in the Upper Room, most naturally refer to the “hour” that is coming, of which Jesus in the Gospel often speaks, i.e., the hour of his death and resurrection (Erhöhung und Verherrlichung Jesu, 149–53)” (G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 284); “The best Christian preparation for what is coming to pass is not an exact foreknowledge of the future but a deep understanding of what Jesus means for one’s own time” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 716).

[13] “The singular use of the term “glorify” in relation to the death and resurrection of Jesus in this Gospel (esp. 12:23, 27–28; 13:31–32; 17:1, 5) suggests that the revelatory work of the Spirit, described as “he shall glorify me,” has a special relation to the redemptive work of Jesus, wherein the revelation of God in Christ reaches its apex” (G.R. Beasley-Murray, John, 284).

[15] “Thus all that is of Jesus has always been his because of the oneness that exists between God and the Word (1:1-2). The Paraclete therefore takes (v. ISh: lambanei) what is (v. lSa: estin)” (F.J. Moloney, The Gospel of John 447).

[16] “In Trinitarian theology this has been used to show that the Son has the same nature as the Father, but John is thinking about revelation to be communicated to men” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 709).

[17] “In declaring or interpreting what belongs to Jesus, the Paraclete is really interpreting the Father to men; for the Father and Jesus possess all things in common” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 716).

No comments:

Post a Comment