Thursday, 16 June 2022

LẤY GÌ MÀ CHO HỌ ĂN? Chú Giải Tin Mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô (Lc 9,10-17)

 Bản Văn và dịch sát nghĩa


Hy Lạp

Việt

10b Καὶ παραλαβὼν αὐτοὺς ὑπεχώρησεν κατ᾽ ἰδίαν εἰς πόλιν καλουμένην Βηθσαϊδά. (Lk. 9:10 BGT)

11 οἱ δὲ ὄχλοι γνόντες ἠκολούθησαν αὐτῷ· καὶ ἀποδεξάμενος αὐτοὺς ἐλάλει αὐτοῖς περὶ τῆς βασιλείας τοῦ θεοῦ, καὶ τοὺς χρείαν ἔχοντας θεραπείας ἰᾶτο.

 12   δὲ ἡμέρα ἤρξατο κλίνειν· προσελθόντες δὲ οἱ δώδεκα εἶπαν αὐτῷ· ἀπόλυσον τὸν ὄχλον, ἵνα πορευθέντες εἰς τὰς κύκλῳ κώμας καὶ ἀγροὺς καταλύσωσιν καὶ εὕρωσιν ἐπισιτισμόν, ὅτι ὧδε ἐν ἐρήμῳ τόπῳ ἐσμέν.

 13  εἶπεν δὲ πρὸς αὐτούς· δότε αὐτοῖς ὑμεῖς φαγεῖν. οἱ δὲ εἶπαν· οὐκ εἰσὶν ἡμῖν πλεῖον ἄρτοι πέντε καὶ ἰχθύες δύο, εἰ μήτι πορευθέντες ἡμεῖς ἀγοράσωμεν εἰς πάντα τὸν λαὸν τοῦτον βρώματα.

 14  ἦσαν γὰρ ὡσεὶ ἄνδρες πεντακισχίλιοι. εἶπεν δὲ πρὸς τοὺς μαθητὰς αὐτοῦ· κατακλίνατε αὐτοὺς κλισίας [ὡσεὶ] ἀνὰ πεντήκοντα.

 15  καὶ ἐποίησαν οὕτως καὶ κατέκλιναν ἅπαντας.

 16  λαβὼν δὲ τοὺς πέντε ἄρτους καὶ τοὺς δύο ἰχθύας ἀναβλέψας εἰς τὸν οὐρανὸν εὐλόγησεν αὐτοὺς καὶ κατέκλασεν καὶ ἐδίδου τοῖς μαθηταῖς παραθεῖναι τῷ ὄχλῳ.

 17  καὶ ἔφαγον καὶ ἐχορτάσθησαν πάντες, καὶ ἤρθη τὸ περισσεῦσαν αὐτοῖς κλασμάτων κόφινοι δώδεκα. (Lk. 9:11-17 BGT)

10b Người mang họ đi riêng đến một thành gọi là Bếtsaiđa.

11 Khi những đám đông nhận biết, họ đi theo Người. Sau khi đón chào họ một cách vui vẻ, Đức Giêsu cứ nói với họ về Nước Thiên Chúa, và cứ chữa lành những người cần sự cứu chữa.

12 Nhưng khi ngày đã bắt đầu kết thúc, sau khi Nhóm Mười Hai đến, họ nói cùng Người: “Hãy giải tán đám đông, để họ đi vào làng và xã chung quanh mà trọ và tìm thức ăn, vì chúng ta đang ở trong sa mạc.

13 Nhưng Đức Giêsu nói cùng họ: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Họ mới nói rằng: “Chúng con không có nhiều hơn năm cái bánh và hai con cá, trừ khi chúng con phải đi mua thức ăn cho tất cả dân này.

14 Vì lúc ấy có khoảng năm ngàn người đàn ông. Người nói cùng các môn đệ: “Hãy cho họ ngồi thành từng nhóm năm mươi người”.

15 Và họ làm như thế và tất cả ngồi xuống.

16 Sau khi cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, Người nhìn lên trời, chúc lành cho chúng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, để dọn ra cho đám đông.

17 Họ đã ăn tất cả được thỏa lòng, và những cái còn thừa được thu gom lại, được mười hai giỏ mảnh bánh vụn.

 

Bối cảnh

Lc 9,10-17 được đặt trong bối cảnh sau khi Nhóm Mười Hai thi hành sứ vụ. Đức Giêsu đã sai các thành viên Nhóm Mười Hai đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành (κηρύσσειν τὴν βασιλείαν τοῦ θεοῦ καὶ ἰᾶσθαι [τοὺς ἀσθενεῖς]) (Lc 9,2). Sau đó, các ông đã trở về và báo cáo cho Đức Giêsu những gì các ông đã làm (Lc 9,10). Lc 9,10-17 kể về sứ vụ giảng dạy và chữa lành của Đức Giêsu có sự tham gia của các môn đệ, đặc biệt là phép lạ hóa bánh ra nhiều. Sau đó, Đức Giêsu lại sai nhóm Bảy Mươi Hai, đi từng hai người một, rao giảng Tin Mừng bình an (10,5) và Nước Thiên Chúa (10,9). Rao giảng và chữa lành là hai hoạt động tiêu biểu của Đức Giêsu trong thời gian hoạt động công khai. Nội dung Tin Mừng về “Nước Thiên Chúa” cũng là nội dung chính yếu trong lời giảng của Người. Việc Đức Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi “toàn dân” khoảng năm ngàn người gợi nhớ đến sự kiện Thiên Chúa ban Manna và chim cút nuôi dân suốt bốn mươi năm trong sa mạc. Phép lạ này cũng có sự liên hệ cách chặt chẽ với việc Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể, ban Mình và Máu của mình cho các môn đệ.

Cấu trúc 

Bối cảnh (10b-11a): Nhân vật, nơi chốn

A.  Giảng dạy và chữa lành (11b)

B.   Cho ăn bánh no nê (12-17)

Giải pháp của các môn đệ: Giải tán đám đông để họ tự tìm thức ăn (12)

Đề nghị của Đức Giêsu (13a): Các môn đệ cho họ ăn

Phản ứng của các môn đệ (13b): Không thể, trừ khi đi mua

Chỉ dẫn của Đức Giêsu: “Hãy cho họ ngồi thành từng nhóm năm mươi người” (14)

Cộng tác của môn đệ: Làm như vậy (15)

Hành động của Đức Giêsu: Lấy – nhìn lên trời – chúc lành – bẻ ra – trao (16a)

Cộng tác của các môn đệ: Dọn ra cho đám đông (16b).

Kết quả: Tất cả ăn no nê và còn dư 12 giỏ bánh vụn

Một số điểm chú giải

1.     Nước Thiên Chúa ( βασιλεία τοῦ θεοῦ): Nước Thiên Chúa là một trong những chủ đề chính yếu trong nội dung rao giảng của Đức Giêsu. Các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm dùng hai danh xưng khác nhau để mô tả nội dung này: (1) Nước Thiên Chúa; (2) Nước Trời (thiên đàng). Nước Thiên Chúa được gọi cách khác là “triều đại Thiên Chúa”. Đó là một vương quốc nằm trong sự cai trị của Thiên Chúa hay nói cách khác, Thiên Chúa là vua của vương quốc này. Nước Trời là một vương quốc đối lại với vương quốc trần gian. Cách gọi này nhấn mạnh hơn về nơi chốn. Nước Trời thường được xem là vương quốc bên trên, nơi hạnh phúc viên mãn, đối lại với vương quốc trần gian nhiều hạn chế. Tác giả Mátthêu dùng cả hai danh xưng, nhưng thường dùng danh xưng “Nước Trời” nhiều hơn (“Nước Thiên Chúa” chỉ xuất hiện 5 lần, so với 33 lần “Nước Trời”). Tác giả Luca và Máccô chỉ dùng danh xưng “Nước Thiên Chúa”. Thông điệp đầu tiên mà Đức Giêsu rao giảng là thông điệp về Nước Trời (Nước Thiên Chúa) “Thời kỳ đã hoàn tất và Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15; Mt 4,17). Thậm chí, tác giả Mátthêu còn cho thấy đây là nội dung thông điệp của ông Gioan Tẩy Giả, người dọn đường (Mt 3,2). Đức Giêsu cũng tiếp tục rao giảng nội dung Tin Mừng về Nước Thiên Chúa (Lc 8,1), đặc biệt là giải thích nó qua nhiều dụ ngôn (Mc 4,26-32; Mt 13,3-50). Sau khi phục sinh, Đức Giêsu tiếp tục nói về “Nước Thiên Chúa” cho các môn đệ (Cv 1,3). Đây cũng là thông điệp Đức Giêsu dạy các môn đệ phải rao giảng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần” (Mt 10,7; Lc 9,2.60; 10,9.11; Cf. Cv 8,12; 19,8; 28,31). Nước Thiên Chúa cũng là đích điểm mà những người tin Chúa phải hướng tới (Mc 9,47; 10,15.24.25; 15,43; Lc 16,16; 18,17). Tác giả Luca ghi lại khẳng định về mục đích của hành trình của Đức Giêsu là để “rao giảng về Nước Thiên Chúa”: “Tôi được sai đến nhằm mục đích đó (Lc 4,43). Trong bối cảnh chương 9 và 10 của Tin Mừng Luca, Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai và Nhóm Bảy Mươi Hai đi rao giảng với cùng một thông điệp: “Công bố Nước Thiên Chúa” (Lc 9,2.60; 10,9.11).

2.     Cứ chữa lành: Rao giảng Nước Thiên Chúa thường đi đôi với việc chữa lành bệnh tật. Tin Mừng Luca ghi lại khởi đầu sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu bằng việc Người đọc đoạn sách ngôn sứ Isaiah về sứ vụ loan Tin Mừng và chữa lành của Đấng Mêsiah: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin Mừng cho kẻ nghèo khó. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức” (Lc 4,18). Sau khi đọc lời ấy Đức Giêsu công bố rằng lời ấy ứng nghiệm trên Người. Các tác giả Tin Mừng cũng nhiều lần nối kết hai hoạt động này thành một, như là sứ vụ chính yếu của Đức Giêsu: “Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết mọi bệnh nhân và người tàn tật trong dân” (Mt 4,23; Lc 9,11) và của các môn đệ (Lc 9,2). Động từ “chữa lành” được dùng ở thì chưa hoàn thành (ἰᾶτο), diễn tả một hành động tiếp diễn, hoặc là lặp đi lặp lại. Tương tự động từ “nói” trong câu “Người cứ nói cho họ về Nước Thiên Chúa” cũng được sử dụng ở thì chưa hoàn thành (ἐλάλει). Đức Giêsu cứ nói về Nước Thiên Chúa và cứ chữa lành những người cần sự cứu chữa.

3.     Ngày đã bắt đầu kết thúc … ở trong sa mạc: Mệnh đề về thời gian “ngày đã bắt đầu tàn” cùng với trạng ngữ chỉ nơi chốn “trong sa mạc” là khung cảnh cho đề xuất giải tán đám đông của các môn đệ. “Ngày đã tàn” báo hiệu cho một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Cả Mátthêu và Máccô cũng ghi lại khung cảnh thời gian này. Tác giả Mátthêu dùng danh từ “đêm” thay vì “ngày”: “Khi màn đêm buông xuống” (Οψίας δὲ γενομένης, Mt 14,15), còn tác giả Máccô dùng danh từ “giờ”: “Khi đã trải qua nhiều giờ rồi” (ἤδη ὥρας πολλῆς γενομένης, Mc 6,35), ngụ ý là thời gian đã kéo dài và khá muộn rồi. Trạng ngữ chỉ nơi chốn “trong sa mạc” xem ra phù hợp với bối cảnh của tác giả Máccô và Mátthêu hơn vì trước đó cả hai tác giả Máccô đã mô tả rằng “Thầy trò xuống thuyền lánh riêng ra một nơi sa mạc” (Mc 6,32; Mt 14,13). Tác giả Luca mô tả rằng “Đức Giêsu mang họ và rút lui về một thành phố, gọi là Bếtsaiđa. Có thể là tác giả Luca bất cẩn nên mới tạo ra sự đối nghịch giữa hai nơi chốn (sa mạc và thị thành) trong câu chuyện này. Có một vài bản chép tay cố gắng bỏ đi cụm từ “thành Bếtsaiđa” và thay bằng cụm từ “một làng hoặc là “một nơi sa mạc”.[1] Có tác giả lại cho rằng tác giả Luca nói đến thành Bếtsaiđa là nhằm chuẩn bị cho đề xuất của các môn đệ liên quan đến chỗ trọ và thức ăn cho đám đông. Nếu nơi Đức Giêsu giảng gần thành Bếtsaiđa rất thuận lợi cho việc kiếm chỗ trọ và thức ăn.[2] Khung cảnh “sa mạc” trong cái nhìn của các môn đệ là một nơi bất lợi, vì không thể tìm ra thức ăn cũng như chỗ trọ. Đức Kitô đã từng ở trong sa mạc bốn mươi ngày để ăn chay. Người đã cảm thấy đói và đã chịu quỷ cám dỗ biến đá thành bánh để ăn, nhưng Người đã vượt qua. Tuy nhiên, sa mạc cũng là nơi mà Chúa đã đồng hành, kết ước, dạy dỗ và nuôi dân bằng lương thực từ trời (x. Xh 16, Ds 11). Vì thế, khung cảnh xem ra bất lợi này lại là khung cảnh tiện lợi để Đức Giêsu thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều.

4.   “Chính anh em hãy cho họ ăn”: Đại từ ngôi thứ hai số nhiều (ὑμεῖς) được dùng với một động từ mệnh lệnh cách có vẻ thừa thãi. Tuy nhiên, có thể Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến chủ thể của hành động trao ban: “Chính anh em, hãy cho họ ăn”. Để xuất này đối nghịch lại với đề xuất ban đầu của các môn đệ: Họ tự đi vào các làng, xã chung quanh để tìm chỗ trọ và tìm thức ăn. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ nhận trách nhiệm chăm sóc toàn dân một cách chủ động. Lời này của Đức Giêsu gợi nhớ lời của ngôn sứ Êlisa nói cùng các đầy tớ của ông khi một người đàn ông từ Baalshalishah mang cho vị ngôn sứ hai mười chiếc bánh và vài nhánh lúa mạch. Ngôn sứ Êlisa đã nói rằng: “Hãy đưa cho dân chúng để họ có thể ăn”. Người đầy tớ của ông liền thưa: “Làm sao tôi có thể dọn ra cho một trăm người ăn?”. Vị ngôn sứ lặp lại rằng “hãy đưa nó cho dân chúng và để họ ăn” vì Chúa đã nói “họ sẽ ăn và còn thừa một ít” (2 V 4,42-44). Đức Giêsu đang hành động trong tư cách một vị ngôn sứ, và Người mời gọi Giáo Hội cộng tác phần mình qua lời gọi các môn đệ. Trong trình thuật của tác giả Gioan, người ta tìm thấy nhận xét của dân chúng khi chứng kiến phép lạ Đức Giêsu đã làm: “Quả thật, đây là một ngôn sứ đến trong thế gian” (Ga 6,14). Lời mời gọi “chính anh em hãy cho họ ăn” được hiện thực hoá khi Đức Giêsu trao bánh và cá cho các môn đệ phân phát. Đây chính là kinh nghiệm mà các môn đệ nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng mà trong Người và qua Người Thiên Chúa ban ơn cho thế giới.[3]

5.     Năm cái bánh và hai con cá … năm ngàn người đàn ông: Các môn đệ một lần nữa cho thấy họ có lý khi họ đưa ra số lượng bánh và cá mà họ đang có. Năm chiếc bánh, so sánh với năm ngàn người là một tỷ lệ quá chênh lệch (1/1000). Đó là một tỷ lệ diễn tả một sự việc không thể xảy ra theo sự thường. Các môn đệ đã chứng kiến nhiều phép lạ do Đức Giêsu làm. Họ cũng được Đức Giêsu trao ban quyền năng để trừ quỷ và chữa lành bệnh tật (Lc 9,1-2). Các ông đã ra đi loan báo Tin Mừng và chữa lành bệnh tật khắp nơi (Lc 9,6). Họ cũng được căn dặn là không mang theo bánh trên hành trình rao giảng Tin Vui (9,3). Tuy nhiên, kinh nghiệm hóa bánh ra nhiều có lẽ là một kinh nghiệm mới lạ đối với họ. Chính vì thế, họ cho thấy sự bất lực, trừ khi chính họ đi mua thức ăn cho toàn dân này. Họ hiểu câu nói của Đức Giêsu “chính anh em hãy cho họ ăn” đồng nghĩa với giải pháp đi mua thức ăn. Tuy nhiên, họ lấy tiền đâu mà mua trong khi Đức Giêsu đã căn dặn người môn đệ không mang theo tiền khi đi rao giảng? (Lc 9,3). Trong trình thuật của tác giả Gioan, sự bất lực con lớn hơn khi ông Philípphê thưa cùng Đức Giêsu rằng: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền cũng không đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6,7). Ông Anrê nói lên thực trạng chênh lệch giữa số bánh và cá và số người hiện diện: “Ở đây có một đứa bé có năm cái bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu” (Ga 6,9). Nghĩa là, dù có dùng cách nào thì các môn đệ cũng không thể cho họ ăn được. Những chi tiết này nhằm chuẩn bị cho một phép lạ. Con số năm chiếc bánh cùng với con số hai con cá làm thành một con số hoàn hảo, con số bảy, trong truyền thống Thánh Kinh.[4]

6.     “Nhóm năm mươi người”: Tác giả Máccô có vẻ linh động hơn trong cách bố trí số lượng các nhóm: “Nhóm thì năm mươi người, nhóm thì một trăm người” (Mc 6,40). Tác giả Mátthêu không đề cập đến nhóm người mà chỉ nói là Đức Giêsu truyền cho họ ngồi xuống (Mt 14,19). Tác giả Luca chia tròn con số các nhóm thành con số năm mươi. Dường như tác giả có ý nối kết con số người trong từng nhóm với con số bánh mì và tổng số người: Năm chiếc bánh mì – nhóm năm mươi người – tổng số người là khoảng năm ngàn người. Sách Cựu Ước thường đề cập đến con số năm mươi như một nhóm người được chia ra để chỉ huy. Thiên Chúa đã chỉ thị cho ông Mô-sê tuyển chọn người có tài, biết kính sợ Thiên Chúa, đáng tin cậy, không ham của bất chính để chỉ huy một ngàn, hay một trăm, năm mươi, hay mười người (Xh 18,21.25; Đnl 1,15). Đội hình quân đội chạy trước hộ tống một chiến xa của vua, hay vị tướng thường có con số là năm mươi (2 Sm 15,1; 1 V 1,5). Năm mươi cũng là con số một đội quân (2 V 1,9.10.11.12.13.14). Ông Ôvátgiahu, quản đốc hoàng cung thời vua Akhát, đã giấu một trăm ngôn sứ (tránh sự đuổi giết của hoàng hậu Ideven), từng năm mươi người một, trong các hang động và đã cung cấp bánh và nước cho họ (1 V 18,4.13). Con số năm mươi cũng là con số của Lễ Ngũ Tuần, một ngày Lễ rất ý nghĩa trong truyền thống sách Công Vụ, vì Chúa Thánh Linh đã hiện xuống tràn đầy trong ngày ấy (x. Cv 2,1-13). Tác giả J. Fitzmyer ghi nhận rằng có thể có một vài biểu tượng liên quan đến con số năm chiếc bánh, năm ngàn người và những nhóm năm mươi người, nhưng nó không rõ ràng. Tác giả L. Johnson cũng đồng ý với quan điểm này của tác giả J. Fitzmyer.[5] Nếu vậy thì tác giả Luca đã không cần sửa dữ liệu của tác giả Máccô (nhóm một trăm và nhóm năm mươi). Ít ra tác giả Luca cũng cho thấy một sự nối kết hài hòa các con số trong trình thuật này. Hơn nữa, đây là con số tác giả thường xuyên dùng (Lc 7,41; 16,6; Cv 13,20; 19,19). Trong bối cảnh này nó có thể đề cập đến Lễ Ngũ Tuần, một cử hành về sự kiện ông Môsê nhận Luật trên núi Sinai, diễn ra năm mươi ngày sau Lễ Vượt Qua.[6]

7.     “Cầm lấy … nhìn lên trời… chúc lành … bẻ ra và trao”: Có tất cả năm động từ được sử dụng để diễn tả loạt hành động của Đức Giêsu trên năm chiếc bánh và hai con cá. Những hành động Đức Giêsu làm là hành động của một người cha trong gia đình, hoặc người chủ bữa ăn, thường thấy trong một bữa ăn theo truyền thống của Người Do Thái (x. Lc 24,30).[7] Những hành động này gợi nhớ đến những hành động Đức Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly: “Người cầm lấy ổ bánh mì, và khi Người đã tạ ơn, Người bẻ nó ra và trao cho các môn đệ, nói rằng: Đây là mình của Thầy, trao ban cho anh em” (Lc 22,19). Rõ ràng, phép lạ hoá bánh ra nhiều cách nào đó, là hình ảnh báo trước về bí tích Thánh Thể. Sau loạt năm hành động của Đức Giêsu, các môn đệ dọn bánh và cá ra cho dân ăn. Trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu trao ban bánh cho các môn đệ nhưng lại nói đó là mình của Người. Tác giả J. Fitzmyer tin rằng mẫu thức này được dùng trong những đoạn văn nói về phép lạ hoá bánh ra nhiều rõ ràng là những phản tỉnh về phụng vụ Thánh Thể.[8]

8.   “Họ đã ăn và tất cả được thỏa lòng”: Đây chính là câu tổng kết của phép lạ. Các môn đệ tưởng chừng như không thể cho họ ăn, ngoại trừ đi mua một số lượng lớn bánh và cá. Thực tế, họ cũng không có đủ tiền để mua lương thực cung cấp cho toàn thể dân chúng. Tuy vậy, Đức Giêsu đã cho họ thấy rằng họ không cần phải mua. Động từ “χορτάζω” được dùng ở thể bị động (ἐχορτάσθησαν) vừa diễn tả sự ăn no, vừa diễn tả sự thoả mãn của con người. Được ăn no, nghĩa là sự sống được tiếp tục, niềm vui trong bữa ăn và tình huynh đệ.[9] Có thể nói rằng Đức Giêsu mang lại một sự thoả mãn về cơm no, áo ấm. Tác giả Gioan còn ghi nhận thêm chi tiết rằng dân chúng đến bắt Đức Giêsu mà tôn lên làm vua, nhưng Người lại rút lui và lên núi một mình (Ga 6,15).

9.     “Những cái còn thừa … được mười hai giỏ mảnh bánh vụn”: Việc thu lươm lại mười hai thúng đầy, cùng với sự thoả mãn của năm ngàn người đàn ông cho thấy sự dồi dào của bánh và cá trong phép lạ hoá bánh ra nhiều. Con số mười hai làm cho người ta không khỏi liên tưởng đến Mười Hai chi tộc Ítrael, tượng trưng cho toàn dân Ítrael và Nhóm Mười Hai, tượng trưng cho dân Giao Ước mới.[10]

Bình luận tổng quát

Lễ Mình Máu Thánh Chúa nhắc lại và tôn vinh hành động yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại trong suốt lịch sử dân Chúa trong Cựu Ước và lịch sử Giáo Hội thời Tân Ước cho đến muôn ngàn thế hệ. Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu than của dân chúng vì sự khan hiếm thức ăn trong sa mạc mà ban Manna, cùng với thịt chim cút, và nước uống để nuôi dưỡng họ suốt bốn mươi năm hành trình trong sa mạc. Việc ban Manna nuôi dân trong khoảng một thời gian dài trước hết cho thấy quyền năng của Thiên Chúa, Đấng có thể cho dân được sống, ngay cả trong hoàn cảnh thiếu thốn nhất của hành trình, nhưng sâu thẳm bên trong đó là tình thương yêu quan phòng của Chúa đối với dân Người. Đức Giêsu cũng cho thấy Người là một vị Thiên Chúa quyền năng, đầy yêu thương, quan phòng. Người có thể nuôi dân chúng ngay cả trong sa mạc. Tác giả Máccô và Mátthêu còn ghi lại đến hai lần Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều: (1) Mc 6,30-44; Mt 14,13-21; (2) Mc 8,1-10; Mt 15,32-39. Đó có thể không phải hai lần duy nhất mà Đức Giêsu nuôi dân chúng. Có thể đã có rất nhiều lần Đức Giêsu đã làm như thế trong tiến trình rao giảng của Người. Dân chúng theo Đức Giêsu vào sa mạc cũng như ngày xưa Thiên Chúa đã đưa dân vào sa mạc. Đó là một hành trình tách biệt dân chúng khỏi cuộc sống xô bồ thường ngày, với nhiều lo toan, vất vả, hiểm nguy vì thiếu vắng Chúa. Sa mạc là nơi hẹn hò, nơi mà dân chúng được gặp gỡ, lãnh nhận lương thực tâm linh là giáo huấn khôn ngoan và bình an của Chúa. Đó cũng là nơi Đức Giêsu mang đến cho họ sự chữa lành thể xác và tâm linh, những căn bệnh về thể lý cũng như tinh thần. Có thể, Người không chữa lành tất cả bệnh tật, nhưng rồi lương thực tâm linh giúp họ tín thác, bình an và bền chí bước theo Chúa giữa những khó khăn của cuộc đời. Lương thực tâm linh và sự chữa lành phải được nhắm đến trước, nhưng cái đói về thể lý cũng là một phần cần thiết của cuộc sống. Chiều tàn, màn đêm buông xuống, giữa nơi sa mạc hoang vu, nhưng có Chúa, lòng người không hoảng loạn. Các môn đệ lo toan lên kế hoạch giải quyết cho cơn đói thể lý của dân chúng, nhưng Đức Giêsu lại mời gọi: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Với năm chiếc bánh và hai con cá, và không có tiền trong túi, các môn đệ không thể cho đám đông hơn năm ngàn người ăn được. Họ có thể trừ quỷ, chữa lành bệnh tật như Đức Giêsu, nhưng cho toàn dân ăn thì họ chưa từng nghĩ đến. Đức Giêsu đã ban quyền năng trừ quỷ và chữa lành cho họ thì Người cũng có thể trao ban cho họ quyền năng nuôi đám đông từ năm chiếc bánh và hai con cá. Con số bảy thánh thiêng (5+2) là gợi mở cho một bữa ăn thánh thiêng do chính bàn tay Thiên Chúa thương ban. Với năm hành động: Cầm lấy, nhìn lên trời, chúc lành, bẻ ra, và trao ban, kết hợp hài hoà với năm chiếc bánh, năm ngàn người đàn ông, nhóm năm mươi người, Đức Giêsu đã cho dân chúng ăn no nê một cách lạ lùng. Con số mười hai thúng đầy số bánh vụn còn lại cho thấy một sự dồi dào phong phú của lương thực Chúa ban từ số lượng quá sức nhỏ bé, ít ỏi. Con số mười hai cũng mang tính biểu tượng cho mười hai chi tộc Ítrael, dân Giao Ước cũ và mười hai Tông Đồ, mười hai trụ cột cho một dân mới. Nghĩa là, chỉ nguyên số bánh còn thừa cũng đủ làm cho toàn dân Giao Ước thoả mãn cơn đói của mình. Cùng với sự dạy dỗ, sự chữa lành về thể lý và tâm linh, bánh và cá làm cho dân chúng được thoả mãn toàn tập. Một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa trọn vẹn luôn làm cho người ta no đủ ngay cả trong sa mạc hoang vu, hẻo lánh. Phép lạ Manna trong Cựu Ước, phép lạ hoá bánh ra nhiều là hình ảnh tiên trưng cho bữa tiệc Thánh Thể, nơi đó Thiên Chúa tình yêu muốn hoà làm một với từng con người trong nhân loại bằng cách trao ban thịt và máu của mình cho họ. Lương thực mà Đức Giêsu trao ban qua bí tích Thánh Thể không còn là bánh mì và cá nữa nhưng là chính thân thể của mình. Chỉ khi Chúa trao ban thân mình thì mới làm cho con người được trở thành một phần thân thể của Chúa và một phần thân thể của nhau. Khi đón nhận Thánh Thể, tất cả các Kitô hữu thuộc về Chúa và thuộc về nhau. “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở lại trong Ta và Ta ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Phép lạ hoá bánh ra nhiều phải được đọc trong ánh sáng của trình thuật về việc Đức Giêsu lập Phép Thánh Thể, và Hy Tế trên thập giá của Người. Ý nghĩa của phép lạ này cũng phải được soi chiếu bằng diễn từ bánh hằng sống và phải được hiện thực hoá bằng chính Thánh Lễ mà các Kitô hữu tham dự mỗi ngày. Nơi Thánh Lễ, đặc biệt là phần Hiệp Lễ, người ta cảm nhận được thế nào là tình yêu Thiên Chúa muốn nên một và muốn ở lại trong thân xác yếu hèn bất xứng của con người. Qua đó, người ta cũng được mời gọi nên một, và ở lại trong nhau mặc cho những bất toàn, khác biệt của những tiểu vũ trụ (con người) trên trần gian này. Các tư tế được mời gọi cộng tác cách thiết thực trong việc phân phát lương thực tâm linh và thể lý cho dân chúng qua mọi thời đại. Sự phân phát đòi hỏi trước tiên phải có sự chúc lành và bẻ ra chính bản thân mình. Các mục tử cần có một sự nối kết chặt chẽ với Chúa Cha trong mọi việc mình làm để đảm bảo những tấm bánh họ trao ban không phải của riêng họ nhưng là của Chúa Cha. Họ cũng phải biết hy sinh thân mình như vị mục tử tối cao, là Đức Giêsu Kitô, hy sinh tính mạng vì đàn chiên của mình, để sự bẻ ra của họ luôn vươn tới sự bẻ ra hoàn hảo nhất của Người. Các tín hữu cũng cần tín thác vào sự thương yêu quan phòng của Chúa trong mọi hoàn cảnh thiếu thốn của cuộc đời. Lương thực mà họ cần trước tiên phải là lương thực tâm linh và sự chữa lành về thể xác cũng như tinh thần. Những lương thực thể lý nuôi thân sẽ được Chúa lo liệu theo cách thức của Người. Giáo Hội được mời gọi cộng tác với Chúa trong chương trình làm cho nhân loại được no thỏa về thể xác cũng như tinh thần, đặc biệt là sự no thỏa nhờ nhận biết, tin tưởng, và nối kết với Chúa trong moi sự.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1]The transposition is not successful, for it creates a conflict with the "desert place" described by the disciples in the feeding (9: 12). Some MSS try to relieve the problem by substituting for this name "a village" or even "a desert place," out Luke may simply have been careless”, L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 1997) 146.

[2] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 363.

[3] J. Nolland, Luke 1:1-9:20 (WBC; Dallas 2002) 35A, 444.

[4] M. Patella, “Luke”, The Jerome Biblical Commentary for the Twenty-First Century (ed. J.J. Collins) (London – Newyork – Oxford – New Delhi – Sydney 2020), 1321.

[5] “There may be some symbolism in the five loaves, five thousand men, and groups of fifty, but it is not evident”, J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) XXVIII, 767; “There is no discernible symbolism in the multiples of five (loaves, groups and total crowd)”, L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 147.

[6] M. Patella, “Luke”, 1321.

[7] “After the two participles that describe the preparation of his action come the two main verbs: Jesus blesses and breaks the bread. A blessing said over the bread and salt is part of the beginning of every Jewish meal, for which only a piece of bread is necessary”, F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50 (Hermeneia; Minneapolis, MN 2002) 357.

[8]The other hand, the formulas used in all these passages are undoubtedly reflections of the early eucharistic liturgies” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 768).

[9] “Eating in those times meant to experience continued life, joy in the meal, and fellowship” (F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50, 357).

[10]Twelve baskets are probably symbolically food for all Israel. It points into the future: if five loaves and two fishes go so far, what can now be done with twelve baskets of food?” (J. Nolland, Luke 1:1-9:20, 447).

No comments:

Post a Comment