Bản Văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
15 Προσδοκῶντος δὲ τοῦ λαοῦ καὶ
διαλογιζομένων πάντων ἐν ταῖς καρδίαις αὐτῶν περὶ τοῦ Ἰωάννου, μήποτε αὐτὸς εἴη ὁ χριστός, 16 ἀπεκρίνατο λέγων πᾶσιν
ὁ Ἰωάννης· ἐγὼ μὲν ὕδατι βαπτίζω ὑμᾶς· ἔρχεται δὲ ὁ ἰσχυρότερός μου, οὗ οὐκ εἰμὶ ἱκανὸς λῦσαι
τὸν ἱμάντα τῶν ὑποδημάτων αὐτοῦ· αὐτὸς ὑμᾶς βαπτίσει ἐν
πνεύματι ἁγίῳ καὶ πυρί· 17 οὗ τὸ πτύον ἐν τῇ χειρὶ
αὐτοῦ διακαθᾶραι τὴν ἅλωνα αὐτοῦ καὶ συναγαγεῖν τὸν σῖτον εἰς τὴν ἀποθήκην αὐτοῦ,
τὸ δὲ ἄχυρον κατακαύσει πυρὶ ἀσβέστῳ. 18 Πολλὰ μὲν οὖν καὶ ἕτερα
παρακαλῶν εὐηγγελίζετο τὸν λαόν. 19 Ὁ δὲ Ἡρῴδης ὁ τετραάρχης, ἐλεγχόμενος ὑπ᾽ αὐτοῦ περὶ Ἡρῳδιάδος τῆς γυναικὸς τοῦ ἀδελφοῦ αὐτοῦ καὶ περὶ πάντων
ὧν ἐποίησεν πονηρῶν ὁ Ἡρῴδης, 20 προσέθηκεν καὶ τοῦτο ἐπὶ
πᾶσιν [καὶ] κατέκλεισεν τὸν Ἰωάννην ἐν φυλακῇ. 21 Ἐγένετο δὲ ἐν τῷ
βαπτισθῆναι ἅπαντα τὸν λαὸν καὶ Ἰησοῦ βαπτισθέντος καὶ
προσευχομένου ἀνεῳχθῆναι τὸν οὐρανὸν 22 καὶ καταβῆναι
τὸ πνεῦμα τὸ ἅγιον σωματικῷ εἴδει ὡς περιστερὰν
ἐπ᾽ αὐτόν, καὶ φωνὴν ἐξ οὐρανοῦ γενέσθαι· σὺ εἶ ὁ υἱός
μου ὁ ἀγαπητός, ἐν σοὶ εὐδόκησα. (Lk. 3:15-22 BGT) |
15
Khi dân đang trông chờ và tất cả tự hỏi về ông
Gioan, liệu có phải ông là Đấng Kitô? 16
Để trả lời, Gioan nói cùng tất cả: “Tôi rửa anh chị
em bằng nước, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi đang
đến, tôi không xứng cởi quai dép của Người, Người sẽ
rửa anh chị em trong Thánh Linh và lửa 17 Đấng có cái nia trong tay Người để rê lúa đã tuốt của
Người và để thu gom lúa vào kho của Người, còn
trấu Người đốt đi với
lửa không hề tắt. 18
Ông còn khuyến khích nhiều điều khác, và cứ rao giảng
tin mừng cho dân. 19
Nhưng tiểu vương Erodes, Ông vạch trần [tội lỗi]
bởi vì Erodias là vợ của anh ông và vì tất cả
những điều xấu mà vua Erodes đã làm. 20
Thêm vào tất cả những điều này, ông còn bỏ tù Gioan. 21
Sau khi tất cả dân chúng đã chịu Phép Rửa, Đức Giêsu
cũng chịu Phép Rửa và đang khi Người cầu nguyện,
trời mở ra. 22
và Thánh Linh đi xuống trên Người như hình
dáng con chim bồ câu, và có tiếng từ trời: “Con là Con
Ta, người Con yêu dấu, nơi Con, Ta hài lòng. |
Lc 3,15-22 nằm
trong bối cảnh những trình thuật về sứ vụ của ông Gioan Tẩy Giả (3,1-22). Sứ vụ
rao giảng của ông khép lại khi ông bị vua Erodes bỏ tù vì dám vạch trần sự thật
về cuộc hôn nhân bất hợp pháp giữa nhà vua với vợ của anh mình. Đây là đoạn cuối
trong hành trình rao giảng và làm Phép Rửa, trong đó đỉnh cao có thể là việc
ông làm Phép Rửa cho Đức Giêsu. Chủ đề “dân đang mong chờ Đấng Mêsiah, nối kết
với lịch sử của dân Ítrael trong Cực Ước, nhất là vào thời Gioan Tẩy Giả. Phép
Rửa trong Thánh Thần và lửa nối kết đến những chủ đề trong Tin Mừng Nhất Lãm về
sự phán xét và thanh tẩy. Đây cũng là chủ đề nổi bật trong sách Công Vụ Tông Đồ.
Chủ đề Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là chủ đề quan trọng bậc nhất trong các
sách Tin Mừng. Chúa Ba Ngôi cũng là một chủ đề rất quan trọng. Việc xác nhận Đức
Giê-su là Con liên kết chặt chẽ với trình thuật Biến Hình của Đức Giêsu, nơi đó
Đức Giê-su cũng được chứng nhận là Con. Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu như
là hình ảnh Thiên Chúa xức dầu Người để Người bắt đầu sứ vụ của Đấng Mêsiah
ngay sau đó. Đó cũng là hình cảnh của sự sáng tạo mới.
Cấu trúc
Gioan và Đấng Kitô (15-18) Gioan: Rửa bằng nước Đấng Kitô: Quyền năng hơn Gioan: Không xứng cởi quai dép của Đấng
Kitô Đấng Kitô: Rửa trong Thánh Linh và lửa (xét xử) Gioan tiếp tục khích lệ và rao giảng (18) Gioan và Erodes (19-20) Gioan
vạch trần tội của vua Erodes Vua
bỏ tù Gioan Đấng Kitô, Thánh Linh và Chúa Cha (21-22) Đức
Giêsu cũng chịu Phép Rửa Đang
khi Người cầu nguyện, trời mở ra Thánh
Linh đi xuống trên Người như hình dáng con chim bồ câu, Tiếng
từ trời: “Con là Con Ta, người Con yêu dấu, nơi Con, Ta hài lòng. |
Một số điểm chú giải[1]
1. Dân
đang trông chờ: Hình ảnh dân đang trông chờ đưa trình thuật vào trong dòng
lịch sử của dân Ítrael. Qua bao nhiêu thăng trầm bị xâm chiếm bởi nhiều đế quốc.
Họ đã được trở về từ Babylon từ 538. Tuy nhiên, họ vẫn ở dưới sự cai trị của đế
quốc Ba Tư, rồi sau đó đến đế chế Hy Lạp. Thời điểm hiện tại của trình thuật họ
lại đang ở dưới ách đô hộ của đế quốc Rôma. Bối cảnh lịch sử mà Luca giới thiệu
từ đầu chương ba, nhắc nhở độc giả về hoàn cảnh không mấy sáng sủa của dân.
Trong phần trả lời cho câu hỏi “chúng tôi phải làm gì?” của ba thành phần tiêu
biểu của dân, đặc biệt là cho nhóm những người thu thuế và những quân nhân,
cũng có thấy phần nào bức tranh xã hội ảm đạm, nơi đó thiếu sự chia sẻ cơm áo.
Trong xã hội đó còn những thành phần tham lam, gây đau khổ cho chính đồng bào
mình để tìm lợi ích kinh tế cho mình. Trong hoàn cảnh ấy, người ta càng mong mỏi
hơn về một Đấng Mêsiah thời cánh chung, Đấng mang lại cho họ một cuộc sống bình
an, thịnh vượng, hạnh phúc, ấm no thật sự.
2. Đấng
Kitô: Khởi đầu Gioan được giới thiệu như là một ngôn sứ thời cánh chung, một
tiếng người hô trong hoang địa (3,3-5). Sau đó, những người thu thuế xem ông
như là một thầy dạy (3,12). Trong lòng dân chúng tự hỏi biết đâu ông cũng chính
là Đấng Kitô mà họ đang mong đợi. Đấng Kitô (Khristos) trong tiếng Hy Lạp, có gốc
trong tiếng Do Thái là (Masiah), có nghĩa là “người được xức dầu”. Trong truyền
thống Cựu Ước, danh xưng này không có một nghĩa duy nhất, nhưng nó dùng để diễn
tả nhiều loại người khác nhau được Chúa xức dầu. Nó thường được dùng cho vua
Ítrael (Saul, Đavid, hậu duệ của Đavid), nhưng thỉnh thoảng nó cũng được dùng
cho những người khác (Thượng Tế, thậm chí Cyrus, vua Ba Tư). Tuy nhiên, trong
những thế kỷ cuối cùng tiền Kitô giáo của Do Thái Giáo, đã xuất hiện một niềm
mong chờ Đấng Mêsiah, một vị vua thuộc dòng Đavid, hay là một Đấng được xức dầu
do Chúa gửi đến nhằm phục hồi vương quốc Ítrael. Vào thời Đức Giêsu, danh xưng
Mêsiah có thể diễn tả một Đấng được xức dầu, được mong đợi do Chúa gửi đến
trong truyền thống Đavid, vua hay chính trị nhằm phục hồi Ítrael hay bày tỏ
vinh quang và triều đại Thiên Chúa.[2]
3. Không
xứng đáng cởi quai dép: Thắc mắc
trong lòng dân chúng chính là cơ hội để cho Gioan bày tỏ căn tính của mình và
giới thiệu về Đấng Kitô. Có hai hình thức Gioan phân biệt giữa ông và Đấng
Kitô. Thứ nhất, về vị thế. Đấng Kitô dù đến sau, nhưng quyền năng hơn ông. Khoảng
cách giữa vị thế của ông và của Đấng Kitô được ông mô tả bằng hình ảnh “không xứng
đáng cởi quai dép cho”. Cởi quai dép là hành động của một người nô lệ, tôi tớ dành
cho ông chủ của mình.[3] Gioan ngụ ý rằng, Gioan
không xứng đáng làm tôi tớ của của Đấng Kitô. Dân chúng nghĩ ông là Đấng Kitô,
nhưng người mà dân chúng thấy vẫn chưa xứng đáng là tôi tớ của Đấng Kitô. Điều
Gioan cảm nghiệm có thể là sự thật nếu so sánh giữa ông và Đức Giêsu. Tuy vậy,
nó vẫn cho thấy một sự khiêm hạ đúng mực của vị ngôn sứ tiền hô của Chúa. Đức
Giêsu cũng dành cho Gioan một sự tôn trọng không kém khi nói rằng: “Trong số những
người phàm đã lọt lòng mẹ, không hề có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả” (Lc
7,28; Mt 11,11). Ngoài ra, Đức Giêsu còn nhìn nhận Gioan là một vị ngôn sứ, mà
còn hơn cả ngôn sứ nữa (x. Lc 7,26).
4. Rửa
bằng nước - Rửa trong Thánh Linh và lửa: điểm phân biệt chính yếu giữa
Gioan và Đấng Kitô là Phép Rửa. Trong khi Gioan rửa bằng nước, hay dìm người ta
trong nước, Đấng Kitô rửa người ta trong Thánh Linh và lửa. Máccô chỉ nói đến
Phép Rửa trong Thánh Linh, trong khi cả Mátthêu và Luca thêm vào “lửa” (x. Mt
3,11; Mc 1,8). Cả hai hình ảnh lửa và Thánh Linh đều bao hàm một cuộc thanh tẩy
cánh chung mà những hối nhân phải trải qua bởi lối sống vô luân và thiếu vắng
Chúa.[4] Phép Rửa bằng cách dìm
trong nước của ông Gioan tại sông Giorđan có rất nhiều giá trị biểu tượng. Trước
hết, dòng sông Giorđan là nơi mà dân Ítrael đã băng qua để tiến vào đất Canaan.
Trước khi băng qua sông Giorđan, họ cũng đã băng qua nước Biển Sậy ráo chân (Xh
14). Nước cũng chính là hình ảnh thanh tẩy và hủy diệt những con người tội lỗi
và cứu sống gia đình công chính của ông Nôê trong câu chuyện Lụt Hồng Thủy (St
6 – 9). Gioan đang chuẩn bị cho một dân mới băng qua sông Giorđan đi về miền đất
hứa mới. Tuy nhiên, Phép Rửa trong nước phải dẫn đến phép rửa trong Thánh Linh
và lửa. Hình ảnh lửa được nhắc đến cả phía trước và phía sau đoạn này như là một
phương tiện trừng phạt. Trước đó, Gioan nói rằng “cây rìu đã đặt sát gốc cây,
cây nào không sinh trái tốt sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa” (3,9). Sau đó,
Gioan nói rằng Đấng Kitô sẽ đốt vỏ trấu với lửa không hề tắt (3,17). Xem ra,
“Phép Rửa trong lửa” không tránh khỏi cách hiểu như là một sự phán xét và trừng
phạt.[5] Trong các tác giả Tin Mừng
Nhất Lãm, Mátthêu nhiều lần dùng hình ảnh “lửa” để diễn tả hình phạt cánh chung
(“Ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì sẽ bị lửa hỏa ngục thiêu đốt”
[5,22]; “Cây nào không sinh quả tốt thì bị chặt đi và quăng vào lửa” [7,19]).
Tuy nhiên, lửa cũng có ý nghĩa thanh luyện và thanh tẩy con người. Ngôn sứ
Malakhi nói đến Chúa đến trong thời cánh chung. Người như lửa luyện kim và như
thuốc tẩy của thợ giặt (Ml 3,2). Ngôn sứ Dacaria nói đến việc Chúa cho một phần
ba dân qua lửa, luyện họ như người ta luyện bạc và thử chúng như thử vàng” (Dc
13,9). Đức Giêsu của Luca cũng nhắc đến lửa thanh luyện và thử thách khi Người
nói “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy ước chi lửa ấy đã bùng lên. Thầy
còn một Phép Rửa nữa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc
này hoàn tất” (Lc 12,49).[6] J. Fitzmyer cho rằng đây
là Phép Rửa bằng lửa mà Đức Giêsu không chỉ tiến hành cho người khác nhưng
chính Người cũng phải trải qua. Đấng là phép rửa với lửa phải đối diện với thử
thách và khủng hoảng mà hình ảnh ấy diễn tả.[7] Phép rửa trong Thánh Linh
đặc biệt được nhấn mạnh trong tác phẩm của Luca. Trong truyền thống Luca – Công
Vụ, Phép Rửa trong Thánh Linh và lửa chắc chắn nhắc nhớ đến biến cố trong ngày
Lễ Ngũ Tuần, trong đó Thánh Linh đã xuất hiện như hình lưỡi lửa đậu trên từng
người (Cv 2,3.19). Ngay sau biến cố Ngũ Tuần, ông Phêrô đã rao giảng và kêu gọi:
“Anh chị em hãy hoán cải, và mỗi người chịu Phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô,
để được ơn tha tội và anh chị em sẽ nhận được ân sủng là Thánh Linh” (Cv 2,38).
Kế đến, trong câu chuyện ông Phêrô làm phép rửa cho gia đình ông Cornêlio,
Thánh Linh đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe ông Phêrô rao giảng
trong nhà ông Cornelio. Cuối cùng, ông đã thốt lên “Những người này đã nhận được
Thánh Linh cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm Phép
Rửa cho họ? Rồi ông truyền làm Phép Rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô.” (Cv
10,47-48). Thêm vào đó, Công Vụ ghi lại sự phân biệt giữa Phép Rửa của Gioan Tẩy
Giả và Phép Rửa nhân danh Đức Giêsu có sự ngự xuống của Thánh Linh (x. Cv
19,1-7). Trong cả hai trường hợp, họ đều chịu Phép Rửa nhân danh Đức Giêsu,
nhưng điều có Thánh Linh ngự xuống trên họ. Khi Đức Giêsu chịu Phép Rửa tại
sông Giorđan, Thánh Linh cũng ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu
(Lc 3,22). Theo lời của Gioan, Đấng đã sai ông đi làm Phép Rửa trong nước đã bảo
ông rằng “ngươi thấy Thánh Linh đi xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là
Đấng làm Phép Rửa trong Thánh Linh” (Ga 1,33). Rửa trong Thánh Linh hẳn là được
Thánh Linh ngự xuống, ở lại, thánh hóa, biến đổi, và hướng dẫn mọi hành vi của
người được thanh tẩy. Chính Đức Giêsu sau khi chịu Phép Rửa, được đầy tràn
Thánh Linh từ sông Giorđan trở về, đã được Thánh Linh dẫn đi trong sa mạc, chịu
quỷ cám dỗ (Lc 4,1-2). Dường như Đức Giêsu cũng trải qua sự thanh tẩy của dân
Ítrael trong hoang địa và của Ađam trong vườn Êđen. Cuộc thanh luyện, sự thử
thách về lòng trung thành và vâng phục của Đức Giêsu lên đến cao điểm và hoàn tất
trong cuộc Thương Khó của Người. Theo thánh Phaolô, các tín hữu được “tẩy rửa,
được thánh hóa, được nên công chính, nhờ danh Đức Giêsu Kitô và nhờ Thánh Linh
của Thiên Chúa chúng ta” (1 Cr 6,11). Sứ vụ làm Phép Rửa trong Thánh Linh được
Đức Giêsu hứa trao cho các môn đệ trước biến cố Ngũ Tuần: “Gioan làm Phép Rửa với
nước, nhưng trong vài ngày nữa anh em sẽ chịu Phép Rửa trong Thánh Linh” (Cv
1,5; 11,16).
5. Rê
lúa đã tuốt: Đây là những hình ảnh diễn tả những hành động của Đấng Mêsiah
trong thời cánh chung.[8] Hình ảnh này liên hệ chặt
chẽ với hình ảnh mà Gioan đã cảnh báo trước đó: “Cây rìu đã kề sát gốc cây, bất
kỳ cây nào không sinh hoa trái tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Lc 3,9). Tác
giả Mátthêu có nhiều dụ ngôn diễn tả hình ảnh cuộc phán xét tương tự. Trong dụ
ngôn cỏ lùng và lúa, đến ngày mùa ông chủ sẽ cho gom cỏ lùng lại bó thành bó mà
đốt đi, còn lúa thì thu vào kho (x. Mt 13,30). Đức Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ
lùng và kết luận “người ta nhặt lấy cỏ lùng và lấy lửa đốt đi thế nào, thì ngày
tận thế cũng xảy ra như vậy” (Mt 13,40). Trong dụ ngôn chiếc lưới thả xuống biển.
Sau khi lưới kéo lên được cả cá xấu lẫn cá tốt, người ta nhặt cá tốt cho vào giỏ,
còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đức Giêsu kết luận rằng “ngày tận thế cũng sẽ xảy
ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt người xấu ra khỏi hàng ngũ
người công chính rồi quăng chúng vào lửa” (x. Mt 13,49-50). Dĩ nhiên, điểm tập
trung là ở lúa tốt được thu vào chứ không phải là “lúa lép” bị đốt đi. Thiên
Chúa luôn mong ước tất cả đều là lúa tốt và được đưa vào “kho”.[9] Tuy nhiên, thực tế, vẫn có
những vỏ trấu bị thải ra và đốt đi. Đó là chọn lựa tự do của mỗi người.
6. Cứ
rao giảng tin mừng: Động từ rao giảng tin mừng (tin vui) (euangelizesthai)
được dùng ở thì chưa hoàn thành, diễn tả một hành động lặp lại liên tục hoặc
kéo dài. Tuy nhiên, vì nội dung tin vui thì không được đề cập đến nên có nhiều
cách hiểu khác nhau. M.D. Hamm cho rằng Luca kết với câu tóm tắt về việc Gioan
rao giảng Tin Mừng nghe có vẻ kỳ quặc. Ông đề nghị cách hiểu Tin Mừng trong bối
cảnh này là sau khi đã đốn hạ những cây không có trái tốt và đốt đi những vỏ trấu
vô ích, sau tất cả, những hình ảnh của công lý Thiên Chúa, Tin Mừng của Chúa
làm cho thời kỳ lưu đày kết thúc, cuộc trở về đất hứa mới, tất cả xác phàm thấy
ơn cứu độ của Chúa. Tuy nhiên, tiến trình giải thoát này vẫn cần sinh những hoa
trái của lòng hoán cải, đáp ứng nhu cầu của cơ bản (cơm ăn áo mặc) của con người,
xóa sạch những bất công, lạm dụng quyền lực trong xã hội.[10] L. Johnson đơn giản cho rằng
vì Gioan là một vị ngôn sứ trong dân nên thông điệp của ông có giá trị Tin Mừng.[11] Theo J. Green, động từ
“rao giảng tin vui” là một lối diễn tả Luca dùng để mô tả Gioan như là sứ giả
vui được Isaiah nói đến. Nó bao gồm tiếng hô trong sa mạc đã được trích lại
trong Lc 3,3-5. Is 52,7 nói đến nét đẹp của bước chân sứ giả mang tin vui, công
bố sự bình an, loan báo ơn cứu độ, người nói với Sion rằng “Chúa của ngươi hiện
trị”.[12] J. Fitzmyer cho rằng động
từ này chỉ nên hiểu là rao giảng chứ không có nghĩa là “rao giảng tin mừng.”
Trong bối cảnh này, Gioan được mô tả như người cổ vũ, dùng nhiều lời khích lệ
và giảng cho dân.[13] Nếu đọc Tin Mừng Mátthêu,
độc giả sẽ thấy thông điệp Tin Mừng mà Gioan rao giảng giống y chang như là thông
điệp của Đức Giêsu: “Ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê
rằng: ‘Anh chị em hãy hoán cải vì Nước Trời đã đến gần’” (Mt 3,1-2)// “Lúc ấy Đức
Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: ‘Anh chị em hãy hoán cải, vì Nước Trời đã đến gần’”
(Mt 4,17). Trong bối cảnh của Lc 3,1-20, tin mừng mà Gioan rao giảng rất có thể
là những chỉ dẫn cho hành trình hoán cải như ông đã trình bày cho ba nhóm người
(đám đông, những người thu thuế và các quân nhân) và cũng có thể là những thông
tin về Đấng Mêsiah.
7. Erodes
– Erodias: Tiểu vương Erodes, tên đầy đủ là Erodes Antipas, một trong ba
người con của Erodes Cả. Ông làm tiểu vương vùng Galilê sau khi vua cha qua đời,
trong khoảng thời gian từ năm 4 BCE – 39 CE. Archelaus làm tiểu vương vùng
Giuđêa (Mt 2,22) và Philípphê làm tiểu vương vùng Iturê và Trakhônít (Lc 3,1;
Mc 6,17). Antipas xuất hiện nhiều lần với danh xưng là Erodes trong thời Đức Giêsu
thi hành sứ vụ công khai như là tiểu vương vùng Galilê (Lc 3,1; Cv 13,1; Mc
8,15). Ông là người đã bỏ tù Gioan Tẩy Giả (Lc 3,20) và rồi cho chém đầu ông Gioan
trong ngục (Mt 14,3-12; Mc 6,17-29; Lc 3,19-20). Sau đó, khi thấy Đức Giêsu nổi
tiếng, ông nghĩ rằng Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả đã sống lại (Mt 14,1-2; Mc
6,14-16; Lc 9,7-9). Luca là tác gỉa quan tâm đặc biệt đến gia đình vua Erodes.
Ông là tác giả duy nhất cho biết Gioanna, vợ của một quan chức của vua Erodes
đi theo phục vụ Đức Giêsu (Lc 8,3). Chỉ có trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu nhận
xét tiểu vương Erodes như là con cáo (Lc 13,31-33) và xuất hiện trước Tiểu Vương
trong bối cảnh vụ xét xử (Lc 23,6-15). Theo lời của quan Philatô, Erodes nhìn
nhận rằng Đức Giêsu vô tội (Lc 23,15). Trong bối cảnh này, Luca tường thuật việc
Gioan Tẩy Giả vạch trần tội kết hôn bất hợp pháp và nhiều tội khác. Theo Luca,
bỏ tù Gioan cũng là một tội, thêm vào bao nhiêu tội khác.[14] Luca đặt câu chuyện này
vào trong bối cảnh Gioan đang rao giảng Phép Rửa Hoán Cải để được ơn tha thứ để
cho thấy rằng Gioan cũng muốn Erodes hoán cải. Tuy nhiên, ông chẳng những không
muốn hoán cải mà còn bỏ tù, bịt miệng người đã rao giảng cho mình.[15]
Erodes Antipas
lập gia đình với con gái của vua Aretas IV. Sau đó ông bỏ bà này để lấy
Erodias. Erodias là con gái của ông bà Bernice và Aristobulus IV (cháu ruột của
Erodes cả, con của Mariamme I). Bà là vợ chính thức của một hoàng thân tên
Erodes (con bà Mariamme II), người anh cùng cha khác mẹ với Erodes Antipas (con
bà Malthake). Bà là người tác động trực tiếp trên cái chết của Gioan Tẩy Giả
(Mt 14,3-12; Mc 6,17-29). Cũng như Erodes, Erodias cũng được mời gọi hoán cải
qua lời mời gọi của Gioan, nhưng bà cũng từ chối và âm mưu trả thù ông.[16]
8. Đức
Giêsu cũng chịu Phép Rửa: Đức Giêsu hòa mình vào dòng người tội lỗi để chịu
Phép Rửa của ông Gioan. Người bước vào dòng nước sông Giorđan như một Giô-suê mới,
người sẽ dẫn dân mới bước vào Vương Quốc mà Người rao giảng.[17] Trong ba tác giả Tin Mừng
Nhất Lãm, chỉ có Mátthêu thêm vào đoạn đối thoại giữa Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả.
Mátthêu cho biết ông Gioan nhận biết Đức Giêsu và ngập ngừng không dám làm Phép
Rửa cho Người. Sau khi Đức Giêsu thuyết phục rằng “nên làm như thế để hoàn tất
sự công chính”, ông Gioan mới làm theo ý Đức Giêsu (Mt 3,15). Luca hầu như
không đề cập đến ông Gioan trong sự kiện này: “Sau khi tất cả dân chúng đã chịu
Phép Rửa, Đức Giêsu cũng chịu Phép Rửa”. Luca muốn cho thấy rằng Đức Giêsu mới
chính là trung tâm của Phép Rửa này chứ không phải Gioan.
9. Người
cầu nguyện: Nhìn vào phần đối chiếu bản văn giữa ba tác giả Nhất Lãm, độc
giả có thể thấy được vài sự khác biệt. Luca rõ ràng không đề cập đến hành động
đi lên khỏi nước của Đức Giêsu như Mátthêu và Máccô. Theo Luca, Đức Giêsu dường
như vẫn đứng dưới nước. Điều mà Luca muốn nhấn mạnh là “đang khi Người cầu nguyện”.
Trong Luca – Công Vụ, lời cầu nguyện thường được đề cập trong bối cảnh mặc khải
và sai đi hoặc trao quyền (1,19-20; 2, 37-38; Cv 4,23-31; 9,10-19; 13,1-3;
22,7-21).[18]
Trong các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, Luca là tác giả ghi lại số lần Đức Giêsu cầu
nguyện nhiều hơn hết (9 lần, Mt: 6 lần và Mc: 4 lần). Điều này cho thấy Luca rất
để ý đến thói quen cầu nguyện của Đức Giêsu. Nhiều lần ông đặt cùng câu chuyện
với tác giả khác vào trong bối cảnh cầu nguyện. Trước khi chọn Nhóm Mười Hai,
Luca cho biết, Đức Giêsu đã cầu nguyện và thức suốt đêm ấy (Lc 6,12). Trước khi
hỏi các môn đệ về căn tính của Người: “Người ta nói Con Người là ai?... Còn anh
em nói Thầy là ai?”, Đức Giêsu cũng cầu nguyện (Lc 9,18). Cuộc biến hình của Đức
Giêsu trên núi cũng diễn ra trong bối cảnh Đức Giêsu đang cầu nguyện (Lc
9,28.29). Kinh Lạy Cha (hay lời cầu nguyện của Chúa) cũng được ban ra trong bối
cảnh Đức Giêsu đang cầu nguyện một nơi kia (Lc 11,1). Tác giả Luca cho thấy tầm
quan trọng của việc cầu nguyện trong mọi biến cố của cuộc đời Đức Giêsu, nhất
là trong những thời khắc quan trọng. Trong trình thuật Đức Giêsu chịu Phép Rửa
cũng vậy. Tác giả Luca ngụ ý rằng tất cả các biến cố sau đó (trời mở ra; Thánh
Linh đi xuống; Tiếng từ trời) có thể xảy ra theo lời khẩn cầu của Đức Giêsu. Việc
tìm ra ý nghĩa của những biến cố này có thể làm sáng tỏ cho lời cầu nguyện âm
thầm của Đức Giêsu.
Lc 3,21 |
Mc 1,10 |
Mt 3,16 |
Đang khi
Người cầu nguyện, trời mở ra προσευχομένου ἀνεῳχθῆναι τὸν οὐρανὸν |
Vừa đi lên khỏi nước, Người thấy các tầng trời xé ra καὶ εὐθὺς ἀναβαίνων ἐκ τοῦ ὕδατος εἶδεν σχιζομένους τοὺς οὐρανοὺς |
Khi Đức Giêsu chịu Phép Rửa xong, ngay khi
Người đi lên khỏi nước, thì kìa! các tầng trời mở
ra βαπτισθεὶς δὲ ὁ Ἰησοῦς εὐθὺς ἀνέβη ἀπὸ τοῦ ὕδατος·
καὶ ἰδοὺ ἠνεῴχθησαν [αὐτῷ] οἱ οὐρανοί |
10.Trời mở ra: Để diễn tả hiện tượng đầu tiên xảy ra cùng với lời cầu nguyện của Đức Giêsu, Máccô dùng động từ rất mạnh: “Xé ra” (các tầng trời xé ra) (σχίζω). Dường như các tác giả Luca và Mátthêu đều cảm thấy động từ này không phù hợp để diễn tả phản ứng của các tầng trời. Chính vì lẽ đó, cả hai tác giả đều đổi “xé ra” thành động từ “mở ra” (ἀνοίγω). Động từ “mở ra” được dùng ở thể bị động, thường được gọi là bị động thần linh, với tác nhân của hành động là Thiên Chúa. “Mở ra” để mở đường cho sự qua giao tiếp qua, qua lại giữa hai thế giới: Thế giới của Chúa và thế giới của con người. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho một cuộc gặp gỡ giao tiếp mới giữa Thiên Chúa và nhân loại qua con người của Người, cụ thể qua hành động Người chịu Phép Rửa (x. Ed 1,1; Ga 1,51; Cv 7,56). Trời là nơi ở của Chúa và các thiên sứ.
11.
Thánh Linh đi xuống: Tác dụng thứ hai của lời cầu nguyện của Đức Giêsu là Thánh Linh đi xuống
trên Người. Hình ảnh con chim bồ câu gợi nhớ đến hình ảnh Thần Khí Chúa bay lượn
trên mặt nước trong buổi đầu của cuộc sáng tạo. Đây là dấu hiệu của một cuộc
sáng tạo mới nhờ Đức Giêsu. Tác giả Tin Mừng thứ tư đã nói rằng, “mọi vật được
tạo thành nhờ Người, và không có Người không có gì được tạo thành” (Ga 1,3). Hơn
nữa, trong trình thuật vê Lụt Hồng Thủy, bồ câu là con vật được chọn giữa mọi
giống chim để dò thám về việc nước rút, nhờ đó ông Nô-ê cùng con cháu bắt đầu một
đời sống mới (St 8,8-12).[19] Trước
đó, Gioan đã cho biết rằng Đức Giêsu là Đấng sẽ làm Phép Rửa trong Thánh Linh. Đấng
làm Phép Rửa trong Thánh Linh phải nối kết như hình với bóng với Thánh Linh. Trong
trình thuật về “Truyền Tin” (Lc 1,26-38), thiên sứ đã cho biết “Thánh Linh sẽ
ngự xuống trên Đức Maria và quyền năng Đấng Tối Cao bao phủ bà” (Lc 1,35). Như
vậy, Thánh Linh đã hiện diện ngay giây phút đầu tiên khi Ngôi Lời nhập thể;
Thánh Linh hiện diện trong biến cố Người chịu Phép Rửa. Phép Rửa của Đức Giêsu
thường được hiểu theo truyền thống như là Đức Giêsu được Thánh Linh xức dầu.[20]
Nhờ đó, Người được đầy Thánh Linh khi trờ về từ sông Giorđan và được Thánh Linh
dẫn đi trong hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ (Lc 4,2). Rồi, Thánh Linh sẽ hiện
diện trong suốt sứ vụ công khai của Đức Giêsu (Lc 4,16-30). Thánh Linh ngự xuống
trên Đức Giêsu trong bối cảnh Đức Giêsu chịu Phép Rửa đánh dấu một cuộc sáng tạo
mới. Người cũng sẽ ngự xuống trên các Tông Đồ và các tín hữu sơ khai để khai mạc
thời kỳ của Giáo Hội. Thánh Linh ngự xuống cũng là biểu tượng của việc Thiên
Chúa xức dầu Đức Giêsu để khởi đầu cho sứ vụ công khai. Chính Đức Giêsu đã xác
nhận điều này khi Người thừa nhận rằng lời ngôn sứ Isaiah được áp dụng cho
chính Người : “Thần Khí Chúa ngự trên Tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong
tôi, để tôi mang Tin Mừng cho người nghèo khó… ” (Lc 4,18). Ông Phê-rô cũng xác
nhận điều này khi giảng tại nhà ông Cornelio : “Đức Giêsu xuất thân từ
Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người.
Đi đến đâu, Người thi ân giáng phúc đến đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kềm
chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,37-38).
12.
“Hình
dạng thể lý như con bồ câu”: Luca là tác giả duy nhất thêm cụm từ “hình
dạng thể lý”. Luca muốn nhấn mạnh đến thực tại của sự hiện diện của Thánh Linh
đối với Đức Giêsu. Điều này phù hợp với sự lưu tâm dành cho Thánh Linh trong
các tác phẩm của Luca hơn bất kỳ tác giả Nhất Lãm nào khác.[21] Hình ảnh con chim bồ câu gợi nhớ đến hình ảnh
Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước trong buổi đầu của cuộc sáng tạo. Đây là dấu
hiệu của một cuộc sáng tạo mới nhờ Đức Giêsu. Tác giả Tin Mừng thứ tư đã nói rằng,
“mọi vật được tạo thành nhờ Người, và không có Người không có gì được tạo
thành” (Ga 1,3). Hơn nữa, trong trình thuật vê Lụt Hồng Thủy, bồ câu là con vật
được chọn giữa mọi giống chim để dò thám về việc nước rút, nhờ đó ông Nô-ê cùng
con cháu bắt đầu một đời sống mới hoặc một sự giải thoát (St 8,8-12).[22]
13.
Con là Con Ta[23],
người Con yêu dấu: Lời
công bố long trọng từ trời là lời của Chúa Cha. Tiếng của Chúa gợi nhớ đến những
lời được nói qua miệng thiên sứ Gabriel trong 1,32-35, nơi có sự nối kết giữa
căn tính “Con Chúa” và ngai vàng của vua Đavid: “Người sẽ được gọi là Con Đấng
Tôi Cao, Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng của vua Đavid, tổ tiên Người”. Hơn
nữa, dịp Đức Giêsu chịu Phép Rửa rõ ràng là việc xức dầu cho sứ vụ Thiên Chúa.[24] Tiếng
từ trời dùng ngôi thứ hai như muốn nói trực tiếp với Đức Giêsu. Phần đầu tiên của
“tiếng từ trời” rất giống với lời trong Thánh Vịnh 2: “Con là Con của Ta”
(Tv 2,7). Ảnh hưởng của Thánh Vịnh diễn tả về vị vua dòng Đavid: Đấng được xức
dầu của Chúa. Tuy nhiên, trong lời Thánh Vịnh không có phần “người con yêu dấu”.
Phần “người con yêu dấu” trong lời của “tiếng từ trời” lại rất giống với cách gọi
dành cho Isaác trong lời của Chúa nói cùng tổ phụ Ápraham: “Hãy mang con yêu
dấu của ngươi, đứa con mà ngươi yêu, và đi đến đất Moriah, và dâng nó làm của
lễ toàn thiêu trên một trong những ngọn đồi mà Ta sẽ nói cho ngươi” (St 22,2).
Isaac được gọi là con yêu dấu trong hoàn cảnh mà cậu sẽ có nguy cơ bị giết để
làm lễ vật toàn thiêu dâng lên Chúa. Đức Giêsu được gọi là con yêu dấu khi bước
vào dòng sông Giorđan chịu Phép Rửa với dòng người tội lỗi. Người chấp nhận đồng
hành với họ để dẫn dắt họ ra khỏi bóng đêm tội lỗi, và “trong bóng tử thần; dẫn
đưa họ tiến bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,79). Lời công bố “Con Ta” sẽ
được lặp lại trong cuộc biến hình (Lc 9,28-36), nhưng lần này “tiếng từ đám mây”
giới thiệu Đức Giêsu với các môn đệ : “Đây là Con của Ta, người được tuyển
chọn”. Cụm từ giải thích cho Người Con là “người được tuyển chọn” chứ không phải
là “Người Con yêu” nữa. Đức Giêsu được giới thiệu là Con trong bối cảnh ông Môsê
và ông Êlia hiện ra để nói về cuộc “xuất hành” Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem.
Cuộc xuất hành này là hành trình thương khó và phục sinh. Đức Giêsu được chọn để
hoàn tất cuộc xuất hành này.
14.
Ta hài lòng: Chúa Cha
hài lòng khi Đức Giêsu chấp nhận Phép Rửa của Gioan như một sự hạ mình và đồng
hành với dân chúng. Đó chính là sứ mạng Chúa Cha giao phó cho Đức Giêsu. Chúa
Cha hài lòng vì Đức Giêsu đã khiêm nhường và vâng phục Chúa Cha. Ần bên trong sự
khiêm nhường và vâng phục này là tình yêu Đức Giêsu dành cho Chúa Cha và cho
nhân loại. Cách nói này có thề gợi nhớ đến Is 42,1, nói về Người Tôi
Trung : “Đây là người tôi trung ta nâng đỡ, là người ta tuyển chọn và quý
mến hết lòng, Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó ; nó sẽ làm sáng tỏ công lý
trước muôn dân”.
Bình luận tổng
quát
Toàn
thể dân chúng, và độc giả chứng kiến Chúa Cha nhìn nhận căn tính của Đức Giêsu.
Người được gọi là “Con yêu dấu”, nơi Người “Con yêu dấu” Chúa Cha hài lòng. Bối
cảnh của nhìn nhận và công bố của Chúa Cha, cũng như xức dầu của Chúa Thánh
Linh là lúc Đức Giêsu chịu Phép Rửa. Người được xác nhận căn tính trong khi bày
tỏ lòng thương xót, đồng cảm với nhân loại tội lỗi, sự vâng phục và tình yêu với
Chúa Cha. Chúa Cha lại một lần nữa công bố Đức Giêsu là Con của Người trong bối
cảnh biến hình. Nơi đây, Đức Giêsu bày tỏ vinh quang sáng chói. Tuy nhiên, sự
xuất hiện của hai nhân vật Cựu Ước, Môsê và Êlia là để nói về cuộc xuất hành mà
Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem. Nghĩa là, Đức Giêsu sẽ bước vào cuộc thương
khó và phục sinh. Yếu tố vâng phục và sự hy sinh lại được nối kết với “đặc tính
con” nơi Đức Giêsu. Dĩ nhiên, Đức Giêsu luôn là Con của Chúa Cha từ muôn thuở,
nhưng Người được tỏ bày cách tỏ tường trong sứ vụ cứu chuộc nhân loại, trong sự
nối kết với nhân loại khổ đau với sự nhân từ của người Cha.
Mỗi
người kitô hữu là con Thiên Chúa (1Ga 3,1), là em của “Trưởng Tử” Giêsu (x. Rm
8,29 ; Cl 1,15.18). Ngày chịu Phép Rửa, mỗi ki-tô hữu cũng được Chúa Cha
long trọng nhìn nhận là con của Người. Họ cũng được mời gọi vươn đến danh hiệu “con
yêu” mà Chúa Cha ban tặng qua việc luôn làm cho Chúa Cha hài lòng. Đức Giêsu được
công bố là “Con Yêu” và làm hài lòng Chúa Cha trong bối cảnh Người chịu Phép Rửa,
bày tỏ lòng vâng phục Chúa Cha, thực hiện kế hoạch cứu độ giải thoát dân Người
khỏi tội lỗi. Người lại được gọi là “Con yêu” trong bối cảnh Biến Hình,
nơi Người bàn luận về Cuộc Thương Khó và cái chết của Người. Trong cả hai trường
hợp, tình yêu dành cho nhân loại và Chúa Cha, cùng với sự hy sinh tận cùng cho
tình yêu ấy luôn được nhấn mạnh. Tất cả các kitô hữu cũng phải luôn tìm kiếm
thánh ý Chúa Cha và luôn sẵn sàng hy sinh cho sứ vụ yêu thương, cứu độ nhân loại.
Lm.
Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1] Mục 1-6, x. J.P.D. Thạch,
“Những Hoa Trái của Lòng Hoán Cải. Chú Giải Tin Meng CN III MV C (Lc 3,10-18) [LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: NHỮNG HOA TRÁI CỦA LÒNG HOÁN CẢI. Chú
giải Tin Mừng CN III MV C (Lc 3,10-18) (josephpham-horizon.blogspot.com)].
[2] J.A. Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX, 198; xem thêm về “Đấng Kitô” trong
J.P.D. Thạch, “Khởi Đầu Tin Vui của Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa”, [LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: KHỞI ĐẦU TIN VUI CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ
CON THIÊN CHÚA (josephpham-horizon.blogspot.com)].
[3] J. Nolland, Luke
1:1-9:20, 151.
[4] J. Nolland, Luke
1:1-9:20, 155.
[5] M.D. Hamm, “Luke”, The
Paulist Biblical Commentary (Ed. R.J. Clifford et al.) (New York 2018)
1045.
[6] J. Nolland, Luke
1:1-9:20, 708.
[7] J.A. Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX, 995.
[8] “It is used here as an eschatological image of the sorting out of human
beings according to their worth, to be accomplished by him who is the more
powerful one” (J.A. Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX, 474).
[9] J. Nolland, Luke
1:1-9:20, 155.
[10] M.D. Hamm, “Luke”, The
Paulist Biblical Commentary, 1046.
[11] L.T. Johnson, The
Gospel of Luke (SP3; Collegeville 2005) 66.
[12] J.B. Green, The Gospel of
Luke (NICNT; Grand Rapids, 1997) 183.
[13] J.A. Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX, 475.
[14] Josephus (Ant. 18.5,2 § 119) recounts that John
was taken to the fortress Machaerus in chains. Originally built by Alexander
Janneus on a precipitous, solitary peak on the east side of the Dead Sea
between the Wadi Zerqa Maʿin and the Wadi el-Mojib, it was magnificently
restored by Herod the Great (J.A.
Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX, 478).
[15] X. C. Bloomberg. “Herod”,
New International Encyclopedia of Bible Characters. The Complete Who’s
Who in the Bible (ed. P.D. Garner) (Grand Rapids 1995).
[16] X. P.D. Gardner.
“Herodias”, New International Encyclopedia of Bible Characters; J.A. Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX, 477.
[17] “The evangelists depict
Jesus submitting to John’s baptism as a symbolic anticipation of his passion
and the expiatory significance that it would have—associating with the “outlaws”
of Isa 53:12 for whom his life would be poured out. This might seem to be
supported by the allusion to a “baptism” (see Luke 12:50) that Jesus still has
to undergo (in his passion and death)” (J.A.
Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX, 482).
[18] J.B. Green, The Gospel of
Luke, 185.
[19] X. L.T. Johnson, The
Gospel of Luke, 69.
[20] J.B. Green, The Gospel of
Luke, 186; “The descent of the Spirit upon him is a
preparation for the ministry, the “beginning” of which is noted in the
immediately following context” (3,23) (J.A.
Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX, 481).
[21] J.A. Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX, 484.
[22] X. L.T. Johnson, The
Gospel of Luke, 69.
[23] “The main purpose, then,
of the baptism scene in the Lucan Gospel is to announce the heavenly
identification of Jesus as “Son” and (indirectly) as Yahweh’s Servant” (J.A. Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX, 481).
[24] Ipid.
No comments:
Post a Comment