Bản Văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
Καὶ τῇ ἡμέρᾳ τῇ τρίτῃ γάμος ἐγένετο ἐν Κανὰ τῆς Γαλιλαίας, καὶ ἦν
ἡ μήτηρ τοῦ Ἰησοῦ
ἐκεῖ· 2 ἐκλήθη δὲ καὶ ὁ Ἰησοῦς καὶ οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ
εἰς τὸν γάμον. 3 καὶ ὑστερήσαντος οἴνου
λέγει ἡ μήτηρ
τοῦ Ἰησοῦ πρὸς αὐτόν· οἶνον οὐκ ἔχουσιν. 4 [καὶ] λέγει αὐτῇ ὁ Ἰησοῦς· τί ἐμοὶ καὶ σοί, γύναι;
οὔπω ἥκει ἡ ὥρα μου. 5 λέγει ἡ μήτηρ αὐτοῦ τοῖς διακόνοις· ὅ τι ἂν λέγῃ ὑμῖν ποιήσατε. 6 ἦσαν δὲ ἐκεῖ λίθιναι ὑδρίαι ἓξ κατὰ τὸν καθαρισμὸν τῶν Ἰουδαίων κείμεναι, χωροῦσαι ἀνὰ
μετρητὰς δύο ἢ τρεῖς. 7 λέγει αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς· γεμίσατε τὰς ὑδρίας ὕδατος.
καὶ ἐγέμισαν αὐτὰς ἕως ἄνω. 8 καὶ λέγει αὐτοῖς· ἀντλήσατε
νῦν καὶ φέρετε τῷ ἀρχιτρικλίνῳ· οἱ δὲ ἤνεγκαν. 9 ὡς δὲ ἐγεύσατο ὁ ἀρχιτρίκλινος τὸ ὕδωρ οἶνον γεγενημένον καὶ οὐκ ᾔδει πόθεν ἐστίν, οἱ
δὲ διάκονοι ᾔδεισαν οἱ ἠντληκότες τὸ ὕδωρ, φωνεῖ τὸν νυμφίον ὁ ἀρχιτρίκλινος 10 καὶ λέγει αὐτῷ· πᾶς ἄνθρωπος πρῶτον τὸν καλὸν οἶνον τίθησιν καὶ ὅταν μεθυσθῶσιν τὸν ἐλάσσω·
σὺ τετήρηκας τὸν καλὸν οἶνον ἕως ἄρτι. 11 Ταύτην ἐποίησεν ἀρχὴν
τῶν σημείων ὁ Ἰησοῦς ἐν Κανὰ τῆς Γαλιλαίας καὶ ἐφανέρωσεν τὴν δόξαν αὐτοῦ,
καὶ ἐπίστευσαν εἰς αὐτὸν οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ. 12 Μετὰ τοῦτο κατέβη εἰς Καφαρναοὺμ αὐτὸς καὶ ἡ μήτηρ αὐτοῦ καὶ οἱ ἀδελφοὶ
[αὐτοῦ] καὶ οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ καὶ ἐκεῖ ἔμειναν οὐ πολλὰς ἡμέρας. |
1 Và vào ngày thứ ba có một đám cưới tại Cana miền Galilaia và thân mẫu của Đức Giêsu đã ở đó. 2 Đức Giêsu cùng các môn đệ cũng đến đám cưới. 3 Khi thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói cùng Người: “Họ không có rượu” 4 Đức Giêsu nói cùng mẹ: “Này người phụ nữ! Có chuyện gì liên quan đến bà và con? giờ của con chưa đến” 5 Thân mẫu của Người nói cùng những người phục vụ: “Hãy làm điều mà Người nói cùng các anh” 6 Có sáu chum đá được đặt ở đó theo nghi thức thanh tẩy của người Do Thái, mỗi cái chứa hai hoặc ba thùng nước. 7 Đức Giêsu nói cùng họ: “Hãy làm những chum này đầy nước và họ đã làm đầy chúng tới miệng. 8 Rồi Người nói cùng họ: “Bây giờ hãy múc và mang cho người chủ tiệc. Rồi họ múc ra. 9 Khi người chủ tiệc nếm thử nước đã trở thành rượu và ông ta không biết từ đâu ra, nhưng những người phục vụ, những người múc nước thì đã biết. Người chủ tiệc mới gọi chú rể. 10 và nói cùng anh ta: “Mọi người đều đãi rượu ngon trước và khi họ say rồi mới đãi rượu kém hơn, ông lại giữ rượu ngon cho đến giờ này”. 11 Đây là dấu [lạ] đầu tiên Đức Giêsu làm tại Cana, miền Galilaia và bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ của Người đã tin vào Người. 12 Sau sự kiện này, Đức Giêsu đi xuống Capharnaoum. Người cùng với thân mẫu Người, anh em Người, ở lại đó nhiều ngày. |
Bối cảnh:
Trong bối cảnh rộng Ga 2,1-11 phần thứ hai của Tin Mừng Gioan, được gọi là sách các dấu (1,19 – 12,50). Đoạn văn này là dấu lạ đầu tiên trong phần nói về các dấu này[1]. Trong bối cảnh hẹp hơn. Đoạn văn này nằm trong đoạn lớn được đóng khung bằng địa danh “Cana”: Từ Cana đến Cana (2,1 – 4,54). Phần này được đóng khung bằng hai dấu lạ tại Cana. Hóa nước thành rượu (2,1-11) là dấu lạ đầu tiên tại Cana và chữa lành con của một sỹ quan cận vệ của nhà vua (4,46-54) là dấu lạ thứ hai. Trong bối cảnh trực tiếp, Ga 2,1-11 được đặt ngay sau trình thuật nói về việc Đức Giêsu tuyển chọn những môn đệ đầu tiên (Ga 1,35-51). Họ đi theo Đức Giêsu đến tiệc cưới Cana. Chính nơi đây họ đã được chứng kiến tận mắt “dấu lạ bày tỏ vinh quang” của Đức Giêsu. Chính dấu lạ này đã là bằng chứng sống động làm cho họ tin vào Người. Chủ đề đức tin của các môn đệ qua dấu lạ tại tiệc cưới Cana lại được tiếp nối trong trình thuật tiếp theo sau đó, nói về sự kiện Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ (Ga 2,13-22). Trình thuật này lại được kết thúc bằng niềm tin của các môn đệ: “Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều ấy, họ tin vào Thánh Kinh và lời Đức Giêsu đã nói” (Ga 2,22). Đức tin là chủ đề quan trọng bậc nhất bao quát toàn bộ Tin Mừng Gioan từ Lời Tựa cho đến lời kết. Trong Lời Tựa tác giả đã giới thiệu rằng “những ai đón nhận [Người], tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Tin Mừng thứ tư khép lại bằng lời diễn tả mục đích của toàn Tin Mừng: “Những gì được chép ra để anh chị em có thể tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và nhờ tin mà anh chị em có thể có sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).
Cấu trúc
Đoạn văn Ga 2,1-11 được xây dựng trên chủ đề niềm tin. Phần “dấu lạ” – cơ sở của niềm tin, chính là trung tâm của cấu trúc quy tâm. Trước phần dấu lạ là phần diễn tả niềm tín thác của thân mẫu Đức Giêsu. Niềm tín thác này đối xứng với niềm tin của các môn đệ sau khi đã thấy dấu lạ.
Bối cảnh: Nơi chốn, nhân vật, thời gian, sự kiện (1-2) (A)Niềm tín thác của thân mẫu Đức Giêsu – niềm tin trước dấu lạ (3-6) (B) Dấu lạ - cơ sở cho niềm tin (7-10) (A’) Niềm tin của các môn đệ - niềm tin sau dấu lạ (11) Kết thúc: Nơi chốn, nhân vật, thời gian (12) |
Một số điểm chú giải
1. Ngày thứ ba: Bối cảnh thời gian của câu chuyện được nói đến
là “ngày thứ ba”. Ngày thứ ba tính từ đâu là một vấn đề mà các tác giả vẫn đang
tranh cãi. Có tác giả cho rằng ngày thứ ba là tính từ sau khi Gioan Tẩy Giả nói
về Phép Rửa của Đức Giêsu (Ga 1,29-34). Ngày thứ nhất được đề cập trong 1,35
(hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông) và
ngày thứ hai trong 1,43 (hôm sau, Đức Giêsu quyết định đi đến vùng Galilaia) và
ngày thứ ba tức là ngày được nói đến trong Ga 2,1 (ngày thứ ba có tiệc cưới tại
Cana). Sau khi, Đức Giê-su tuyển chọn bốn môn đệ trong vòng hai ngày, ngày thứ
ba thầy trò cùng nhau đi dự tiệc cưới ở Cana. Tuy nhiên, theo R. Brown, ngày
nay hầu hết các tác giả tính từ ngày Đức Giêsu gọi hai ông Philípphê và
Nathanael, đề nghị rằng, chính ngày hôm đó và ngày kế tiếp (hoặc hai ngày xen kẽ)
là khoảng thời gian Đức Giêsu đi từ thung lũng sông Giorđan đến Galilaia. Bởi
vì ở dấu lạ thứ hai tại Cana, tác giả cũng ghi chú thời gian là “sau hai ngày”
(4,43), nên một vài nhà chú giải cho rằng, tác giả muốn ám chỉ đến sự sống lại.[2] Ngày thứ ba cũng có thể liên
quan đến ngày thần hiện của Đức Chúa với dân Ítrael trên núi Sinai: “Hãy nói với
dân và bảo họ: Hôm nay và ngày mai phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế, phải giặt
dũ quần áo và đến ngày kia phải sẵn sàng, vì ngày kia Đức Chúa hiện xuống trên
núi Sinai trước mặt toàn dân” (Xh 19,11.16).[3] Nếu tính theo thứ tự thời
gian trong Tin Mừng thứ tư thì rất khó hiểu tại sao Ga 2,1 lại là ngày thứ ba bởi
vì trước đó Gioan đã dùng từ chỉ thời gian “ngày hôm sau” đến ba lần (1,29.35.43).
Điều này có nghĩa là, nếu tính theo thứ tự thời gian, ngày có tiệc cưới Cana phải
là ngày thứ năm chứ không phải ngày thứ ba. Chính vì thế, có lẽ tốt hơn nên hiểu
con số này như là con số biểu tượng có liên quan đến biến cố Phục Sinh và cuộc
thần hiện của Chúa trên núi Sinai. Trong trình thuật “thanh tẩy đền thờ” tiếp
sau đoạn văn này, Đức Giêsu cũng đề cập đến việc Người sẽ phục hồi đền thờ lại
trong “ba ngày”. Đền thờ đó chính là thân thể Người (Ga 2,19-20).[4]
2.
“Thân mẫu của Đức Giêsu đang ở đó”:
Danh xưng “thân mẫu” dành cho Đức Maria được dùng 10 lần trong Tin Mừng Gioan.
Ngoài Đức Maria chỉ có một lần duy nhất tác giả dùng chung chung để nói về
“lòng mẹ” (Ga 3,4). Trong đoạn văn này tác giả dùng bốn lần danh xưng này (2,1.3.5.12). Một lần
trong bối cảnh người Do Thái bàn về nguồn gốc của Đức Giêsu: Cha và mẹ của ông
ta chúng ta đều biết cả, sao ông ta lại nói “tôi từ trời xuống”? (Ga 6,42). Năm
lần còn lại trong bối cảnh dưới chân thập giá (19,252.262.27).
Trong 10 lần đó, có 9 lần Đức Maria được gọi là thân mẫu của Đức Giêsu (hoặc là
của Người), một lần cuối cùng, Đức Maria được chuyển thành “mẹ của con” (Người
Môn đệ được Chúa yêu, 19,27). Danh xưng thân mẫu là độc quyền cho Đức Maria
trong Tin Mừng thứ tư, và cũng chỉ có trong Tin Mừng thứ tư có sự chuyển đổi từ
thân mẫu Đức Giêsu qua thân mẫu của “Người môn đệ được Chúa yêu”. Thân mẫu của
Đức Giêsu là nhân vật được nhắc đến đầu tiên trong câu chuyện này. Việc danh xưng “thân mẫu của Đức Giêsu” được
nhắc lại bốn lần trong đoạn này cho thấy tác giả như nhấn mạnh địa vị và vai
trò của Đức Maria trong cương vị là “thân mẫu Đức Giêsu”. Bà là nhân vật đóng
vai trò quan trọng trong dấu lạ này. Tác giả cho biết là “thân mẫu Đức Giêsu” ở
đó. Động từ “eimi”, thì vị hoàn, diễn tả một sự hiện diện lâu dài trong đám cưới
này. Dường như tác giả muốn cho thấy rằng Đức Maria, không đơn thuần chỉ là một
vị khách, nhưng có vai trò và vị trí đặc biệt trong bữa tiệc này.[5] Ngay cả Đức Giêsu và các môn
đệ cũng chỉ được nhắc đến sau, và được diễn tả bằng động từ đến. Họ đến dự tiệc
cưới, còn Đức Maria thì ở đó trước họ. Trong câu chuyện này, vai trò Đức Maria
được thể hiện rõ khi bà là người đã để ý đến tình huống “thiếu rượu” của nhà tiệc
và đã nói cùng Đức Giêsu. Đó chính là điểm bắt đầu của dấu lạ. Không những thế,
bà còn căn dặn những người phục vụ làm theo lời Đức Giêsu nói. Dường như bà đã
tin và biết Đức Giêsu có thể làm gì và sẽ làm gì. Hoặc ít ra, bà tín thác mọi
chuyện trong tay Đức Giêsu.
3.
Đám cưới: Tiệc cưới thường bao gồm một cuộc rước trong đó những người bạn của chú rể đón cô dâu đến nhà chú rể. Sau đó, một tiệc cưới linh đình được diễn ra sau đó, thường kéo dài đến bảy ngày (Tl 14,12; Tb 10,8). Theo quy định của Misnah, đám cưới của một trinh nữ nên được tổ chức vào ngày Thứ Tư.[6] Đám cưới có thể là hình ảnh ẩn dụ cho tiệc cưới giữa Đấng Mêsiah và dân Người. Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu là chàng rể, còn ông chỉ là bạn của chàng rể (Ga 3,29). Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu ví mình như chàng rể “đang còn ở” với các môn đệ và sẽ đến lúc “bị mang đi” khỏi họ (Mc 2,19-20; Mt 9,15; Lc 5,34-35). Nước Trời cũng được mô tả như một tiệc cưới mà ông vua tổ chức cho con mình (Mt 22,1-14; Lc 14, 15-21). Dụ ngôn “mười trinh nữ” cũng đề cập đến nghi thức chàng rể đi đón cô dâu và kết thúc bằng việc phòng tiệc cưới được đóng lại (Mt 25,1-13). Sách Khải Huyền cũng nói đến một hôn lễ của Con Chiên trong tương lai (Kh 19,7-9).[7]
4.
Rượu (thiếu rượu – rượu ngon): Rượu là thức uống mang lại niềm vui cho thực khách, và không thể thiếu trong các bữa tiệc từ xưa đến nay và trong hầu hết các nền văn hóa Đông-Tây. Việc thiếu rượu, sẽ làm cho thực khách mất vui, cụt hứng và gia chủ cảm thấy buồn phiền, xấu hổ.[8] Đức Giêsu đã chẳng những giữ lại niềm vui cho thực khách, cứu lấy danh dự của chủ tiệc, mà còn góp phần tăng thêm niềm vui, góp phần làm cho tiệc cưới trở nên trọn vẹn khi Người đã biến nước thành rượu ngon. Rượu càng ngon thì thực khách càng vui và rượu nhiều giúp cho bữa tiệc kéo dài trong hoan hỷ. Cũng như hình ảnh tiệc cưới tượng trưng cho bữa tiệc của Đấng Mêsiah vào thời cánh chung, rượu ngon cũng có nhiều ý nghĩa ẩn dụ. Tác giả G.L.M. Thông nghĩ rằng bữa tiệc cùng với rượu ngon là dấu hiệu của niềm vui thời Mêsiah như cách ngôn sứ Isaiah diễn tả: “Ngày ấy, trên núi này, Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc, tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25,6).[9] Ông cũng tin rằng “rượu ngon” là “giáo huấn” của Đức Giêsu, “biểu tượng và sức sống của thời Tân Ước”… “Độc giả nghe và đón nhận lời Đức Giêsu mặc khải ví như thưởng thức thứ rượu ngon hảo hạng Người ban tặng”.[10] Tác giả F.X.V.P. Long ghi nhận rằng các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm ví giáo huấn của Đấng Kitô với rượu mới. Rượu này không thể pha trộn với rượu cũ của Do Thái giáo (x. Mt 9,14-17; Mc 2,18-22; Lc 5,33-39). Trong đoạn văn này, rượu tượng trưng cho lời của Chúa Kitô vì có hình ảnh liên hệ với việc Chúa ban Torah cho dân Ítrael trên núi Sinai vào ngày thứ ba.[11]
5.
Cana: Có hai địa danh Cana ở vùng Galilaia. Địa danh thứ nhất đã được các tín hữu chọn làm địa điểm hành hương từ thời Trung Cổ, được gọi là Kefr Kenna, khoảng gần sáu ki-lô-mét (3,5 dặm), về hướng Đông Bắc của làng Na-da-rét. Đia danh này về mặt từ nguyên không đúng với địa danh Cana (Κανὰ), mà Gioan nói đến. Địa danh thứ hai là Khirbet Qânâ, khoảng hơn 14 ki-lô-mét (9 dặm), về phía Bắc của làng Na-da-rét. Địa danh này về mặt từ nguyên (Qânâ) xem ra phù hợp hơn theo định vị của sử gia Josephus.[12] Ngày nay, các nhà khảo cổ tin rằng địa danh sau là địa danh mà Gioan nói đến, mặc dù địa danh trước mới là nơi nổi tiếng và gần gũi với khách hành hương hơn. Trong bốn tác giả sách Tin Mừng, Gioan là người nhắc đến địa danh Cana nhiều nhất (4 lần: 2,1.11; 4,46; 21,2).[13] Có thể nói rằng, trong truyền thống của Gioan, Cana là một địa danh rất quan trọng với niềm tin của các môn đệ và cộng đoàn những người tin. Có ít nhất hai dấu lạ Đức Giêsu làm tại vùng đất này. Dấu lạ chúng ta đang nói đến là dấu lạ đầu tiên và mấu chốt cho niềm tin của các môn đệ, những người vừa chân ướt chân ráo theo Đức Giêsu. Dấu lạ thứ hai, mang lại niềm tin cho một sỹ quan cận vệ của nhà vua (4,46-54). Trong dấu lạ này, người sỹ quan đã tin vào lời Đức Giêsu ngay khi ông chưa thấy dấu lạ: “Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình và ra về. Ông còn đang đi thì gia nhân đã đón gặp và nói: Con của ông đã sống rồi” (4,50-51). Rồi, ông và cả gia đình càng tin hơn khi đã thấy dấu lạ (4,53).
6.
“Thưa bà!” (γύναι): Cách gọi này rất khó chuyển ngữ trong Tiếng Việt. Bản Tiếng Anh là “woman!” (ESV); Tiếng Pháp là “femme!” (TOB), Tiếng Ý là “Donna!” (CEI). Tiếng Việt tương đương phải là “người đàn bà!” hoặc là “người phụ nữ!”. Bản Tiếng Việt “này bà!” (NTT) hay “thưa bà!” (CGKPV) vẫn không cho thấy được sự độc đáo của cách xưng hô này. Đây là cách xưng hô lịch sự Đức Giêsu thường dùng với những người phụ nữ: “Này người phụ nữ! Đức tin của bà mạnh thiệt” (Mt 15,28); “Này người phụ nữ! Bà được giải thoát khỏi bệnh còng lưng” (Lc 13,12).[14] Phêrô cũng dùng cách này để xưng hô với người tớ gái: “Này người phụ nữ! Tôi không biết ông ta” (Lc 22,57). Tin Mừng thứ tư ghi lại nhiều lần nhất Đức Giêsu sử dụng cách xưng hô này (5 lần), trong đó hai lần Người dùng nó để xưng hô với thân mẫu Người (4,2; 19,26). Một lần Người dùng cho người phụ nữ Samari (4,21: Này người phụ nữ! Hãy tin Tôi, giờ đến khi người ta thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này cũng chẳng phải ở Giê-ru-sa-lem). Người cũng sử dụng để gọi người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (8,10: Này người phụ nữ! Họ đâu cả rồi? Không ai kết án chị sao?). Khi gọi Maria Madalena, Đức Giêsu cũng dùng cách gọi này: “Này người phụ nữ! Tại sao bà khóc? Bà đang tìm ai?” (Ga
20,15). Xem ra, Đức Giêsu thường dùng cách gọi này cho nhiều người phụ nữ khác nhau. Nếu hiểu đó là cách gọi lịch sự thông thường, thì liệu Người có quá xa lạ, khoảng cách với thân mẫu khi xưng hô với bà như thế? Phải hiểu thế nào về cách xưng hô này của người con dành cho mẹ mình? Theo tác giả F.X.V.P. Long, từ ngữ này (người phụ nữ) “chắc chắn ở bình diện biểu tượng, có một gợi ý đến cuộc tạo dựng: Đức Maria xuất hiện như một Eva mới hoặc hơn nữa như đại diện của dân Ítrael, hoặc tốt hơn nữa, như là Ítrael đích thực”.[15] Sử gia Josephus kể câu chuyện rằng vợ của vua Pheroras nói với vua Erodes Cả xưng hô với bà là “Người phụ nữ!”. Đây là cách gọi yêu đầy yêu thương của một vị vua được tiếng là rất yêu vợ dành cho vợ mình.[16] Có thể đó là cách gọi đầy yêu thương mà Đức Giêsu dành cho thân mẫu của mình. Dựa vào bối cảnh Đức Giêsu trao thân mẫu lại cho môn đệ Người thương mến, chúng ta có thể hiểu cách gọi này như là cách gọi trang trọng dành cho mẹ của dân Ítrael mới, tức là cộng đoàn Kitô hữu, mà môn đệ Gioan là một đại diện. Trong bối cảnh tiệc cưới Cana, Đức Maria đã đứng ra can thiệp cho nhà tiệc như một người mẹ.
7.
Có chuyện gì liên quan đến bà và con (τί ἐμοὶ καὶ σοί): Dịch sát nghĩa là “có điều gì đối với bà và đối với tôi?”. Đây là cách nói được dùng phổ biến trong Cựu Ước. Nó thường mang hai sắc thái ý nghĩa: (1) Khi một đảng phái quấy rối đảng phải khác cách bất công, đảng phái bị tổn thương có thể nói: “Có chuyện gì đối với tôi và đối với anh?” Nghĩa là “Tôi đã làm gì nên tội để anh đối xử với tôi như thế?” (Tl 11,12; 2 Sbn 35,21; 1 V 17,18); (2) Khi một ai đó bị yêu cầu tham gia vào một vấn đề mà anh ta cảm thấy không liên quan đến mình, anh ta có thể nói với người yêu cầu: “Có chuyện gì đối với tôi và đối với anh?”, nghĩa là, đó là chuyện của anh, sao tôi lại dính vào? (2 V 3,13; Hs 14,8). Cả hai trường hợp đều ngụ ý sự chối từ của người nói câu này. Cả hai sắc thái ý nghĩa này đều được dùng trong Tân Ước: Khi quỷ trả lời cùng Đức Giêsu: “Chuyện chúng tôi liên quan gì đến ông?” (Mc 1,24; 5,7). Quỷ có thể ngụ ý cả hai nghĩa: Tôi làm chi với ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Hoặc đây là chuyện của tôi sao ông can thiệp vào? Trong bối cảnh này Đức Giêsu có thể ngụ ý nghĩa thứ hai, đó là chuyện của chủ tiệc, không phải là chuyện của Người. Tuy nhiên, câu nói “giờ của tôi chưa đến” cho thấy không phải Đức Giêsu không quan tâm nhưng là “giờ của Người chưa đến”.[17]
8.
“Giờ của con chưa đến”: Câu này có thể hiểu theo hai cách: (1) Hiểu như một câu hỏi. Giờ của con chưa đến hay sao? Nếu hiểu theo cách này thì phải hiểu câu nói trước đó “có chuyện gì đối với bà và đối với tôi” như là cách Đức Giêsu muốn nói rằng: “Bà không phải lo, nếu giờ con đến, con biết phải làm gì”; (2) Hiểu nó như một câu khẳng định:
Giờ của con chưa đến. Trong trường hợp này phải hiểu câu nói trước đó ngụ ý rằng “Bà nói với con thì được gì, giờ của con vẫn chưa đến”. Cách hiểu thứ nhất nghiêng về hướng Đức Giêsu sẽ làm gì đó trong khi cách hiểu thứ hai dường như ngụ ý Đức Giêsu từ chối can thiệp khi nói “giờ của con chưa đến”. Thực tế, Đức Giêsu đã làm dấu lạ. Thực tế này cũng có thể được hiểu theo hai chiều hướng: (i) Giờ của Người đã đến, nên Người thực hiện dấu lạ bày tỏ vinh quang; (ii) Giờ của Người chưa đến, nhưng vì lời Đức Maria, Người đã thực hiện dấu lạ bày tỏ vinh quang.
Trong Tin Mừng thứ tư, “giờ” của Đức Giêsu thường diễn tả giờ chết và tôn vinh của Người (7,30: “Họ cố gắng bắt Người nhưng không ai động tay vì giờ của Người chưa đến”; 8,20: “Không ai bắt Người vì giờ của Người chưa đến”; 13,1: Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến để rời bỏ thế giới mà đi về cùng Cha. Khi đã yêu thương những người thuộc về Người còn ở trong thế gian, Người yêu thương họ đến cùng; 17,1: “Giờ đã đến, xin Cha tôn vinh Con Cha để Người Con cũng có thể tôn vinh Cha”). Tuy nhiên, trong bối cảnh câu chuyện này, “giờ” có lẽ nói đến hành động thần linh đánh dấu sự khởi đầu của sứ vụ thần linh của Người. Sứ vụ này sẽ đạt đỉnh cao khi Người được “giương cao” trên thập giá.[18] “Giờ” trong bối cảnh này có thể là “giờ” bày tỏ vinh quang qua dấu lạ.[19] “Giờ” này chỉ khởi đầu và báo trước cho “giờ tôn vinh” nơi mầu nhiệm tử nạn và phục sinh.
9.
“Hãy làm điều mà Người nói cùng các anh”: Đây là chỉ dẫn mấu chốt cho thấy rằng Đức Maria đóng vai trò rất quan trọng trong câu chuyện này. Có bốn lần danh xưng “thân mẫu” của Đức Giêsu được dùng trong đoạn này (2,1.3.5.12). Bà là nhân vật được nhắc đến đầu tiên trong câu chuyện này và trong vị trí “đang ở” tại đám cưới, chứ không phải đến dự tiệc như một vị khách bình thường. Tiếp đến, bà cũng là người đã nhận ra sự “thiếu rượu” và đã mở lời cùng với Đức Giêsu. Dầu cho câu trả lời của Đức Giêsu không mấy rõ ràng là Người sẽ can thiệp, Đức Maria vẫn tin và hy vọng Người sẽ làm gì đó. Câu nói này cho thấy mối tương quan giữa Đức Maria và Đức Giêsu âm vang mối tương quan giữa dân Ítrael và Chúa tại núi Sinai trong bối cảnh Giao Ước. Ở trên, chúng ta đã đề cập sự liên quan của cụm từ “ngày thứ ba” với biến cố thần hiện “vào ngày thứ ba” trên núi Sinai và danh xưng “người phụ nữ” làm cho Đức Maria trở thành Eva mới, đại diện cho dân Chúa. Ở đây, câu chỉ dẫn “hãy làm điều Người nói” của Đức Maria gợi nhớ đến cam kết của dân Ítrael với Chúa trong bối cảnh Giao Ước: “Tất cả những điều Chúa nói, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 19,8; 24,3.7). Đức Maria dường như phó thác và chấp nhận mọi mệnh lệnh của Đức Giêsu như dân Ítrael xưa cũng chấp nhận và phó thác cho thánh chỉ của Chúa. Tất cả đều được đặt trên sự tín thác vô điều kiện của bà vào lời của Đức Giêsu.[20] Đức Maria đã chuyển niềm tín thác[21] của mình cho những người phục vụ thi hành. Những lời Đức Giêsu nói sau đó, cùng với sự làm theo của những người phục vụ cho thấy niềm tín thác của Đức Maria là hợp lý.
10.
“Sáu chum bằng đá cho việc thanh tẩy của Người Do Thái”: Chum đá dùng cho việc thanh tẩy có thể nói đến luật thanh tẩy Lêvi (Lv 11,29-38). Người Do Thái thường dùng chum bằng đá cho việc thanh tẩy vì nó cứng cáp, khó bị bể và không bị nhiễm uế, trong khi đó chum đất dễ bể và nhiễm uế.[22] Tác giả Máccô nói đến tập tục rửa tay trước khi ăn của những người Do Thái, trái ngược với thói quen không rửa tay của các môn đệ Đức Giêsu (Mc 7,3-4). Trong một lần Đức Giêsu được mời dùng bữa tối tại nhà ông Si-môn, Người có vẻ phàn nàn vì ông đã không đổ “nước lã lên chân” Người, để đối lại với hình ảnh người phụ nữ tội lỗi đã lấy nước mắt tưới ướt chân Người, rồi lấy tóc mình mà lau (Lc 7,44). Một số tác giả cố gắng lý giải con số sáu như là biểu tượng của sự bất toàn trong truyền thống Do Thái (7-1). Tuy nhiên, cách giải thích đó dường như không hợp lý trong trường hợp này. Con số sáu, kết hợp với con số “hai hoặc ba đơn vị đo” (mỗi đơn vị đo = 8 gallons, 2 – 3×8 = 16 – 24 gallons = 56-100 lít),[23] và với ngữ động từ “đổ đầy đến tận miệng”[24], để diễn tả một số lượng nước rất nhiều đã biến thành rượu nhờ Đức Giêsu.
11.
Đức Giêsu nói cùng họ: “Hãy làm đầy …
họ đã làm đầy …Hãy múc ra và mang cho người chủ tiệc … họ múc ra”. Đức Giêsu đã “nói” và họ đã “làm” theo tất cả như lời Đức Maria chỉ dẫn và phép lạ đã xảy ra. Đức Giêsu không làm động tác gì khác thường cả. Người chỉ ra lệnh đổ đầy nước và sau đó múc ra đưa cho người chủ tiệc. Những người phục vụ chắc chắn biết có dấu lạ đã xảy ra, vì họ đã múc nước đổ vào đó mà giờ đây đã biến thành rượu. Người chủ tiệc thì cứ tưởng là chú rể vẫn còn giữ rượu ngon cho đến lúc này. Chỉ dẫn với niềm tín thác của Đức Maria, gặp gỡ mệnh lệnh của Đức Giêsu và dấu lạ đã diễn ra.
12.
“Dấu [lạ] đầu tiên” (Ταύτην
ἐποίησεν ἀρχὴν τῶν σημείων): “Dấu lạ đầu tiên” tại Cana đối lại với dấu lạ thứ hai cũng tại Cana (4,46-54: Chữa lành con của một người cận vệ nhà vua). Đó cũng là dấu lạ khởi đầu nhiều dấu lạ Đức Giêsu thực hiện được ghi lại trong phần thứ hai của Tin Mừng Gioan được gọi là “Sách các dấu” (1,19 – 12,50). Câu 2,11 trong tiếng Hy Lạp chính xác là “Đức Giêsu đã thực hiện sự khởi đầu của các dấu lạ tại Cana” (Ταύτην ἐποίησεν ἀρχὴν τῶν
σημείων ὁ Ἰησοῦς ἐν Κανὰ). Danh từ “sự khởi đầu” (giống cái) đi chung với chỉ định từ “này” (giống cái) là túc từ chính của động từ “làm”. Danh từ “các dấu lạ” (số nhiều, giống trung) là thuộc từ của danh từ “sự khởi đầu” (sự khởi đầu này của các dấu lạ). Tác giả Gioan thường dùng thuật ngữ “dấu chỉ” (σημείον) để diễn tả phép lạ của Đức Giêsu vì các phép lạ đó không “kết thúc trong chính nó”. Những phép lạ phải dẫn đến mầu nhiệm về con người và vai trò của Đức Giêsu, cùng với đức tin của các môn đệ và những người theo Người.[25]
13.
“Bày tỏ vinh quang” (ἐφανέρωσεν
τὴν δόξαν αὐτοῦ): Gioan là tác giả dùng nhiều nhất hạn từ “vinh quang” (δόξα) (19 lần). Ngay trong Lời Tựa, tác giả đã nói đến vinh quang của Ngôi Lời. Vinh quang của Người là quà tặng từ Chúa Cha: “Vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người” (1,14). Đức Giêsu cũng xác nhận điều này khi cầu nguyện rằng: “Lạy Cha con ước mong rằng họ, những người Cha đã ban cho con, cũng có thể ở với Con, để thấy vinh quang mà Cha đã ban cho Con vì Cha đã yêu Con trước khi tạo thành thế giới” (Ga 17,24; x. 5,41; 17,22). Đức Giêsu có vinh quang trước khi thế giới hiện hữu (17,5). Không giống như hầu hết những tác giả Tân Ước, Gioan hiểu sự đau khổ, chết và phục sinh của Đức Giêsu như là khoảnh khắc tôn vinh của Người (7,39; 13,32;
12,16.23; 13,31.32; 17,1). Tuy nhiên, Gioan cũng không chối bỏ vinh quang của Chúa được bày tỏ qua dấu lạ. Khi được báo tin rằng “Người Thầy thương mến [Ladarô] đang đau nặng”, Đức Giêsu trả lời rằng “bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng vì vinh quang Thiên Chúa, để mà Con Thiên Chúa có thể được tôn vinh qua nó [cơn bệnh]” (Ga 11,4). Ladarô đã chết và Đức Giêsu đã làm cho anh được sống lại. Đó là dấu lạ cả thể chứng tỏ vinh quang của Con Thiên Chúa. Trước khi làm dấu lạ này Đức Giêsu nhấn mạnh đó là vinh quang Thiên Chúa: “Không phải Tôi đã nói cùng chị [Mátta] rằng nếu chị tin chị sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa sao?” (Ga 11,11-40). Cũng như dấu lạ “cho Ladarô sống lại”, dấu lạ “hóa nước thành rượu” là một cách bày tỏ vinh quang. Tuy vậy, tất cả những vinh quang này sẽ dẫn đến vinh quang cực đỉnh trong “giờ tôn vinh”, vinh quang phục sinh sau khi đã vượt qua cuộc khổ nạn và cái chết. Mệnh đề thời gian “ngày thứ ba” vì thế rất có ý nghĩa khi được đặt vào đầu câu chuyện này.
14.
Tin vào Người: Nếu như trong dấu lạ cho Ladarô sống lại, điều kiện cần có để thấy vinh quang Thiên Chúa là phải “tin”, thì trong dấu lạ “hóa nước thành rượu”, đức tin là mục đích của việc bày tỏ vinh quang của Đức Giêsu. Chắc chắn dấu lạ làm cho Ladarô sống lại không chỉ nhấn mạnh đến điều kiện tin để thấy vinh quang mà còn cho thấy việc chứng kiến vinh quang mang lại niềm tin cho nhiều người: “Trong số những người Do Thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến dấu lạ Đức Giêsu đã làm, có nhiều người đã tin vào Người” (11,45; 12,11). Dấu lạ “hóa nước thành rượu ngon”, vinh quang của Đức Giêsu, đã mang lại đức tin cho các môn đệ. Tuy nhiên, để nhìn thấy “vinh quang” của Đức Giêsu trong dấu lạ này, trước đó phải có niềm tin và sự tín thác của Đức Maria qua một quá trình khởi đầu tư việc nhìn thấy thiếu rượu – ngỏ lời với Đức Giêsu – chỉ dẫn cho những người phục vụ. Mô hình tương quan chặt chẽ giữa đức tin và dấu lạ cũng được thể hiện rõ nét trong dấu lạ thứ hai tại Cana (4,46-54). Trong dấu lạ này, người sỹ quan của nhà vua cũng đã tin vào lời của Đức Giêsu (4,50) trước khi con ông được sống. Sau dấu lạ này, ông và cả gia đình đều tin [vào Đức Giêsu] (4,53). Cũng nên biết thêm, ở trung tâm của “Lời Tựa” tác giả đã cho thấy tầm quan trọng của đức tin: “Những ai đón nhận, tức là tin vào danh Người, thì Người ban cho họ quyền được trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Như đã đề cập trên, tin Mừng thứ tư, cũng khép lại bằng cách cho thấy đức tin chính là mục đích của toàn bộ Tin Mừng: “Những gì được viết là để anh chị em có thế tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và nhờ tin mà anh chị em có thể có sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).
Bình Luận Tổng Quát
Trong “Lời Tựa”, tác giả đã giới thiệu rằng “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và “cắm lều” giữa chúng ta. Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Câu chuyện “tiệc cưới Cana” (Ga 2,1-12) diễn giải cho các tín hữu qua mọi thời đại biết rằng trong hoàn cảnh nào mà họ đã nhìn thấy vinh quang của Người lần đầu tiên và vinh quang ấy có ý nghĩa thế nào đối với cuộc đời họ. Trong một tiệc cưới tại Cana, vào “ngày thứ ba”, Đức Giê-su đã thực hiện dấu lạ biến nước thành rượu ngon. Sự tỏ bày vinh quang của Đức Giêsu được khởi đầu bằng một niềm tin vô điều kiện, và sự tín thác trọn vẹn của Đức Maria, người luôn xuất hiện trong vai trò “thân mẫu” của Đức Giê-su. Danh xưng “thân mẫu” được lặp đi lặp lại (4 lần) cho thấy vài trò của bà được nhấn mạnh. Bà được nhấn mạnh không phải vì thần thế bậc “phụ huynh” trong tương quan với Đức Giêsu, cho bằng là thân mẫu của cộng đoàn các tín hữu trong địa vị Eva mới, là mẹ của các tín hữu về khía cạnh đức tin. Địa vị này sẽ được Đức Giêsu trao ban cách chính thức trong giờ phút tử nạn, dưới chân thập giá khi Người nói cùng Đức Maria: “Này người phụ nữ! đây là con của bà” và nói cùng người môn đệ được Chúa yêu: “đây là thân mẫu của con” (Ga 19,26-27). Trong cả hai trường hợp, cách xưng hô long trọng “Này người phụ nữ!” đều được Đức Giêsu sử dụng. Trong câu chuyện này, Đức Maria là nhân vật hiện diện ngay từ đầu và luôn quan sát diễn biến của tiệc cưới. Chính vì thế, bà sớm phát hiện ra họ “không có rượu”. Ngay khi vừa phát hiện ra điều ấy Đức Maria đã ngỏ lời cùng Đức Giêsu với niềm hy vọng rằng Người sẽ can thiệp và giúp đỡ. Sự chỉ dẫn niềm tin của Đức Maria đã được những người phục vụ thi hành trọn vẹn. Chỉ dẫn đó là “hãy làm điều Người [Đức Giêsu] nói”. Làm những điều Đức Giêsu nói gợi nhớ đến việc dân Ítrael hứa là họ sẽ làm “tất cả những điều Chúa phán” trong bối cảnh ký kết Giao Ước giữa Thiên Chúa và họ tại núi Sinai. Với lời hứa ấy Thiên Chúa đã thực hiện cuộc thần hiện vào “ngày thứ ba” trên núi Sinai để ban luật Giao Ước cho dân Ítrael. Việc làm theo chỉ dẫn của thân mẫu Đức Giêsu đã mang lại một hiệu quả hơn cả niềm mong đợi: Nước đã biến thành rượu ngon với số lượng lớn. Người chủ tiệc chỉ thưởng thức rượu ngon và đặt vấn đề tại sao chú rể lại giữ rượu ngon nhất cho đến bây giờ. Ông ta đoán rằng rượu ngon nhất này là của chú rể. Thực khách cứ vui vẻ tiếp tục bữa tiệc mà không cần quan tâm đến rượu ngon nhất từ đâu đến. Những người phục vụ biết những điều xảy ra, nhưng không có phản ứng nào đáng kể. Mục đích cuối cùng của dấu lạ này là để các môn đệ tin vào Đức Giêsu. Đức tin của Đức Maria ngay cả khi chưa thấy dấu lạ đã dẫn đến dấu lạ bày tỏ vinh quang và dấu lạ này dẫn đến đức tin của các môn đệ. Mô hình đức tin dẫn đến thấy vinh quang, và thấy vinh quang dẫn đến nhiều người tin hơn, được thể hiện rõ nét trong dấu lạ thứ hai tại Cana, “dấu lạ làm cho con trai người cận vệ sống” (4,46-54) và dấu lạ cả thể “làm cho Ladarô sống lại” (11,1-44). Trong câu chuyện “chữa lành con trai người cận vệ của nhà vua”, niềm tin của người sỹ quan của nhà vua đã dẫn đến việc “con ông sống”; Sự kiện “con ông sống” làm cho ông và cả nhà đều tin. Tương tự, trong câu chuyện của Ladarô, Đức Giê-su nói nếu bà Mátta tin thì bà sẽ thấy dấu lạ Ladarô sống lại; sự kiện Ladarô sống lại làm cho nhiều người Do Thái tin vào Đức Giêsu.
Dấu lạ “hóa nước thành rượu” diễn ra trong bối cảnh một tiệc cưới nào đó mà cả chú rể và cô dâu không được nhắc tên. Chú rể, tuy được người chủ tiệc nhắc đến một lần nhưng không tham gia vào cuộc đối thoại với người chủ tiệc. Đức Maria và Đức Giêsu dường như là hai nhân vật chính của câu chuyện này. Nếu như đám cưới là hình ảnh tượng trưng cho tiệc cưới của Đấng Mêsiah với dân Người, thì Đức Giêsu, Đấng Mêsiah chính là hình ảnh chàng rể. Chàng rể là người cung cấp rượu để làm vui lòng thực khách. Trong khi chàng rể thật của câu chuyện dường như vắng bóng và thất bại trong việc cung cấp rượu để làm vui say thực khách, chàng rể tượng trưng, Giêsu, lại cung cấp một thứ rượu ngon hảo hạng với số lượng dồi dào nhằm kéo dài tiệc cưới của Đấng Mêsiah. Đức Maria, thân mẫu Người, cũng là thân mẫu của các kitô hữu, những người được mời gọi chung vui tiệc cưới Con Chiên. Muốn chia sẻ rượu ngon hảo hạng, các kitô hữu cần nghe theo lời chỉ dẫn của Đức Maria, “hãy làm những điều Người [Đức Giê-su] bảo”. Đức Maria, dù đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác, nhưng bà luôn dõi mắt theo những đứa con trên trần gian. Bằng chứng là bà đã hiện ra nhiều lần, nhiều nơi, với nhiều người để kêu gọi họ, ăn năn, từ bỏ tội lỗi, hoán cải đời sống, trở về với Chúa va làm theo “lời của Đức Giê-su” con bà để được cảm nếm niềm vui thiên đàng với Người. Tiệc cưới trong nhân gian luôn là hình ảnh của niềm vui khôn tả. Tuy nhiên, đó chỉ là niềm vui có ngần có hạn, dù nó có thể kéo dài đến bảy ngày như tiệc cưới trong truyền thống Do Thái. Chỉ có tiệc cưới Con Chiên, tiệc cưới đấng Mêsiah mới là đỉnh điểm của niềm vui và kéo dài vĩnh cửu. Ước gì tất cả mọi người đều có thể nghe theo lời khuyên của Đức Maria, “làm theo lời Đức Giê-su dạy” để được chung hưởng niềm vui của những thực khách trong tiệc cưới của Con Thiên Chúa. “Lời Đức Giê-su chỉ bảo” được hiểu theo nghĩa hẹp trong bối cảnh này là “hãy đổ nước đầy những chiếc chum đá”. Tuy nhiên, “lời Đức Giê-su chỉ bảo” được hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những lời dạy của Người trong Tin Mừng, mà đỉnh điểm và cốt lõi là điều răn yêu thương, điều răn mới “yêu như thầy đã yêu”, yêu cho đến chết trên thập giá cho người mình yêu. Bất cứ nơi đâu và khi nào, con người biết thực sống theo lối sống của Đức Giê-su thì sẽ có dấu lạ làm cho niềm vui của tiệc cưới nhân loại kéo dài mãi mãi.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1] Tin Mừng thứ tư ghi lại 8 dấu lạ, trong đó 7 dấu lạ nằm trong “Sách các dấu”: 2,1-11; 4,46-54; 5,1-9; 6,1-15; 6,16-20; 9,1-41; 11,1-46; 21,1-14.
[2] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes (AnB; New
Haven – London 2008) XXIX, 97.
[3] X. F.X.V.P. Long, Các
Bài Tin Mừng Gioan Dùng Trong Phụng Vụ (Tp.HCM 2021) 81.
[4] Xem sự liên hệ giữa ba cụm
từ “vào ngày thứ ba” (2,1a), “trong ba ngày” (2,19b) và “lần thứ ba” cùng với ý
nghĩa thần học của chúng, trong G.L.M. Thông, Chú Giải Tin Mừng Gioan Tập 1.
Ga 1,1 – 2,22 (TP. HCM 2021) 279-280.
[5] The fact that she is the first person introduced to
the account, even preceding Jesus, is a sign that what she
says and does is crucial to the story [F.J. Moloney, The
Gospel of John (SP 4; Collegeville 1998) 71].
[7] X. F.X.V.P. Long, “Tin
Mừng Gioan Dùng Trong Phụng Vụ”, 81.
[8] G.R. Beasley-Murray, John
(WBC; Dallas 2002) XXXVI, 34.
[9] X. G.L.M. Thông, “Chú
Giải Tin Mừng Gioan”, 327-328.
[10] X. G.L.M. Thông, “Chú
Giải Tin Mừng Gioan”, 331-332.
[11] X. F.X.V.P. Long, “Tin
Mừng Gioan Dùng Trong Phụng Vụ”, 85-86.
[13] Xem thêm thảo luận về bốn
lần xuất hiện của địa danh Cana trong Tin Mừng thứ tư, trong G.L.M. Thông, “Chú
Giải Tin Mừng Gioan”, 281-282.
[15] X. F.X.V.P. Long, “Những Bài Tin Mừng Gioan”,
82.
[16] G.R. Beasley-Murray, John
(WBC; Dallas 2002) XXXVI, 34.
[18] G.R. Beasley-Murray, John,
35.
[19] R. Brown không đồng ý với
cách hiểu này, ông giải thích rằng “The attempt to understand “hour” in this
verse as the moment of the opening of the ministry or of Jesus’ initial
glorification by his first miracle is understandable in view of the context;
yet it runs against the rest of the Johannine use of the term and is refuted by
the reiteration in 7:6, 8, 30, 8:20, that Jesus’ time or hour has not yet come”
(R.E. Brown, The Gospel according to John, 99-100).
[20] F.J. Moloney, “John”, The
Paulist Biblical Commentary (ed. R.J. Clifford et al.) (New York 2018) 1124.
[21] F.J. Moloney, The
Gospel of John (SP 4; Collegeville 1998) 72.
[22] R.E. Brown, The Gospel according to John,100; G.R. Beasley-Murray, John, 35.
[23] Ibid; 80 – 120 lít
(CGKPV); de ottanta a centoventi litri (CEI); twenty to thirty gallons (NAB).
[24] Theo F.X.V.P. Long, “đầy
tới miệng” có nghĩa là sự tròn đầy, hoàn toàn, không thể thêm được nữa. Lời Đức
Giêsu là nguồn sung mãn, làm đầy mức mặc khải (F.X.V.P. Long, “Tin Mừng Gioan
dùng trong Phụng Vụ”, 88).
[25] X. F.J. Moloney, “John”, The
Paulist Biblical Commentary, 1110; Xem thêm bàn luận về “sêmeion” (dấu lạ)
trong G.L.M. Thông, “Chú Giải Tin Mừng Gioan”, 338-344.
No comments:
Post a Comment