Thursday, 27 January 2022

VỊ NGÔN SỨ BỊ NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG LOẠI BỎ. Chú Giải Tin Mừng CN IV TN C (Lc 4,21-30)

 Bản văn và dịch sát nghĩa 

Hy Lạp

Việt

21 ἤρξατο δὲ λέγειν πρὸς αὐτοὺς ὅτι σήμερον πεπλήρωται γραφὴ αὕτη ἐν τοῖς ὠσὶν ὑμῶν.

 22 Καὶ πάντες ἐμαρτύρουν αὐτῷ καὶ ἐθαύμαζον ἐπὶ τοῖς λόγοις τῆς χάριτος τοῖς ἐκπορευομένοις ἐκ τοῦ στόματος αὐτοῦ καὶ ἔλεγον· οὐχὶ υἱός ἐστιν Ἰωσὴφ οὗτος;

23 καὶ εἶπεν πρὸς αὐτούς· πάντως ἐρεῖτέ μοι τὴν παραβολὴν ταύτην· ἰατρέ, θεράπευσον σεαυτόν· ὅσα ἠκούσαμεν γενόμενα εἰς τὴν Καφαρναοὺμ ποίησον καὶ ὧδε ἐν τῇ πατρίδι σου.

24 εἶπεν δέ· ἀμὴν λέγω ὑμῖν ὅτι οὐδεὶς προφήτης δεκτός ἐστιν ἐν τῇ πατρίδι αὐτοῦ.

 25 ἐπ᾽ ἀληθείας δὲ λέγω ὑμῖν, πολλαὶ χῆραι ἦσαν ἐν ταῖς ἡμέραις Ἠλίου ἐν τῷ Ἰσραήλ, ὅτε ἐκλείσθη οὐρανὸς ἐπὶ ἔτη τρία καὶ μῆνας ἕξ, ὡς ἐγένετο λιμὸς μέγας ἐπὶ πᾶσαν τὴν γῆν,

 26 καὶ πρὸς οὐδεμίαν αὐτῶν ἐπέμφθη Ἠλίας εἰ μὴ εἰς Σάρεπτα τῆς Σιδωνίας πρὸς γυναῖκα χήραν.

 27 καὶ πολλοὶ λεπροὶ ἦσαν ἐν τῷ Ἰσραὴλ ἐπὶ Ἐλισαίου τοῦ προφήτου, καὶ οὐδεὶς αὐτῶν ἐκαθαρίσθη εἰ μὴ Ναιμὰν Σύρος.

28 καὶ ἐπλήσθησαν πάντες θυμοῦ ἐν τῇ συναγωγῇ ἀκούοντες ταῦτα

 29 καὶ ἀναστάντες ἐξέβαλον αὐτὸν ἔξω τῆς πόλεως καὶ ἤγαγον αὐτὸν ἕως ὀφρύος τοῦ ὄρους ἐφ᾽ οὗ πόλις ᾠκοδόμητο αὐτῶν ὥστε κατακρημνίσαι αὐτόν·

 30 αὐτὸς δὲ διελθὼν διὰ μέσου αὐτῶν ἐπορεύετο. (Lk. 4:21-30 BGT)

21 Người bắt đầu nói cùng họ rằng “hôm nay lời đã được viết văng vẳng trong tai quý vị đã được hoàn tất”.

22 và tất cả mọi người cứ làm chứng về Người và cứ kinh ngạc về những lời hay ý đẹp từ miệng Người phát ra và họ nói: “Ông này không phải là con trai của ông Giuse hay sao?”

23 Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những điều chúng tôi nghe nói đã xảy ra Caphácnaoum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê hương ông xem nào!”

24 Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: Không một ngôn sứ nào được chào đón tại quê hương mình”.

25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlias, khi trời đóng lại suốt ba năm sáu tháng, một nạn đói lớn xảy ra trên toàn mặt đất, có nhiều bà góa ở trong nước Ítrael;

26 thế mà ông không được sai đến cùng một ai trong họ, ngoại trừ đến với bà góa thành Xarépta miền Xiđonos.

27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisaios, có nhiều người phong hủi ở trong nước Ítrael, nhưng không người nào được sạch, ngoại trừ ông Naaman, người xứ Xyros thôi.”

28 Sau khi nghe những điều ấy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.

29 Sau khi đứng dậy, họ trục xuất Người ra khỏi thành và dẫn Người lên tận đỉnh núi mà trên đó thành được xây, để xô Người xuống vực.

30 Tuy nhiên, sau khi băng qua giữa họ, Người tiếp tục hành trình.

 

 


     Bối cảnh

    Lc 4,21-30 tiếp tục trình thuật về một buổi giảng dạy của Đức Giêsu tại Nadarét, quê hương của Người. Khác với các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm khác, Luca đặt buổi giảng này vào đầu sứ vụ giảng dạy của Đức Giêsu tại vùng Galilê. Trước đó, trong phần giới thiệu tổng quát về sứ vụ, tác giả đã cho biết “danh tiếng về Đức Giêsu đã lan truyền ra khắp các vùng lân cận”. “Việc danh tiếng Người lan ra” có thể là một dấu hiệu tích cực về hình ảnh của Đức Giêsu trong lòng dân chúng. Tuy nhiên, ở Nadarét thì khác. Đoạn văn ngay trước đoạn văn này (Lc 4,16-20, Đức Giêsu đã giới thiệu về mình như là một Đấng Được Xức Dầu và thi hành sứ vụ như lời ngôn sứ Isaiah đã nói. Đoạn Lc 4,21-30 là một trình thuật về phản ứng của dân làng Nadarét với vị Mêsiah ngôn sứ, đồng thời cũng là người đồng hương của họ. Phản ứng của họ làm nổi bật lên chủ đề chính của toàn bộ Tin Mừng: Sự chối từ Đấng Mêsiah. Sự chối từ của dân làng Nadarét là khởi đầu cho nhiều sự chối từ khác và đỉnh điểm là sự thù ghét, chống đối của các lãnh đạo Do Thái và một bộ phận dân chúng tại Giêrusalem, đã dẫn đến cái chết của Đấng Mêsiah. Qua lời giải thích của Đức Giêsu độc giả có dịp nghe lại hai câu chuyện phép lạ dành cho bà góa thành Xarépta thời ngôn sứ Êlias và dành cho ông Naaman, người Xyros thời ngôn sứ Êlisaios. Những câu chuyện này giới thiệu về sứ vụ của Đấng Mêsiah đến với dân ngoại để mang ơn cứu độ cho họ. Sau câu chuyện này, là những câu chuyện liên tục về những phép lạ của Đức Giêsu tại Caphácnaoum, trong khi tại quê nhà Nadarét, Người không những không thể làm một phép lạ nào mà còn bị đe dọa ném xuống vực.

Cấu trúc: Trình thuật này được sắp xếp theo cấu trúc xen kẽ giữa những hành động của Đức Giêsu và phản ứng của dân chúng. Đức Giêsu là nhân vật khởi đầu và kết thúc trình thuật. Phản ứng của dân chúng từ chuyển động từ nghi vấn đến tức giận, trục xuất Đức Giêsu ra khỏi thành, dẫn lên đỉnh núi để ném Người xuống. Đức Giêsu bình thản giảng dạy và tiếp tục cuộc hành trình.

Công bố của Đức Giêsu: Căn tính Mêsiah ngôn sứ (4,21)

Nghi vấn của dân chúng: Con ông Giuse (4,22)

Giải thích của Đức Giêsu: Thiên Chúa đã thi ân cho dân ngoại (4,23-27)

Phản ứng của dân chúng: Tức giận, trục xuất, dẫn lên đỉnh núi để ném (4, 28-29)

Đức Giêsu tiếp tục cuộc hành trình (4,30)

Một số điểm chú giải

1.     Lời đã được chép: “Lời đã được chép” trong bối cảnh này là lời ngôn sứ Isaiah (Is 61,1-2) liên quan đến căn tính và sứ vụ của chính Đức Giêsu. Đây là lời ngôn sứ Isaiah nói về ơn gọi và sứ mạng của riêng mình. Tuy nhiên, qua lời công bố của Đức Giêsu, độc giả có thể hiểu rằng đây là lời tiền báo về sứ mạng của Đấng Mêsiah ngôn sứ.[1] Đức Giêsu có căn tính là Đấng Được Xức Dầu. Thiên Chúa đã xức dầu Đức Giêsu bằng Thánh Linh để từ đó Người làm mọi sự trong quyền năng của Thánh Linh. Những sứ vụ của Đấng Được Xức Dầu bao gồm: “Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ, giải thoát cho người bị giam cầm, mang lại ánh sáng cho những người mù, giải cứu những ai cùng khổ, và công bố một năm hồng ân của Chúa”.

2.     “Làm chứng” và kinh ngạc: Đám đông xem chừng vừa làm chứng, vừa kinh ngạc trước vị thế của Đức Giêsu. Động từ “làm chứng” ở trong bối cảnh này gây nhiều tranh luận. Đại từ ngôi thứ ba số ít (Người), ở thuộc cách, đi với động từ này cũng không dễ hiểu tý nào. Tác giả Jeremias cho rằng đại từ dùng ở tặng cách có thể hiểu theo hai nghĩa: (i) Tặng cách thuận lợi và (ii) Tặng cách bất lợi. Nghĩa là, họ có thể làm chứng ủng hộ Người, hoặc là làm chứng chống lại Người. Trong bối cảnh này, Jeremias nghĩ rằng động từ “làm chứng” nên được hiểu theo nghĩa thù ghét: “Tất cả họ đều làm chứng chống lại Người và kinh ngạc về những lời về lòng thương xót của Chúa đến từ miệng Người”.[2] Cách hiểu này có vẻ có lý vì những phản ứng tiếp theo của đám đông đối với Đức Giêsu đều nghiêng về hướng tiêu cực. Họ kinh ngạc về những điều Đức Giêsu nói nhưng lại đặt vấn đề về nguồn gốc của Người. Đó là biểu hiện của một sự nghi ngờ.

3.     Những lời hay ý đẹp (τοῖς λόγοις τῆς χάριτος τοῖς): Nghĩa đen của cụm từ này là “những lời ân sủng”. Có ít nhất ba cách hiểu được R. Blight liệt kê: (1) Một lối giải thích cách thức Đức Giêsu trình bày thông điệp của Người. Họ kinh ngạc trước lời ân sủng của Người. Lời của Đức Giêsu đầy thuyết phục và hùng biện. Người nói với một cách thức thu hút. (2) Cách nói này đề cập đến quyền năng đằng sau lời nói. Họ ngạc nhiên về những lời kéo theo quyền năng ân sủng của Chúa. Dân chúng xem lời của Đức Giêsu đầy ân sủng của Chúa khi Người trình bày thông điệp cứu độ. (3) Cách nói này đề cập đến nội dung của thông điệp. Họ ngạc nhiên về những lời về ân sủng. Lời Đức Giêsu nói về ân sủng của Chúa, diễn tả công việc ân sủng của Chúa.[3]

4.     Con ông Giuse: Câu hỏi “anh ấy không phải con trai của ông Giuse đó sao?” là một câu hỏi tu từ với câu trả lời khẳng định (đúng ông ấy là con trai của ông Giuse). Đây là một nghi vấn về sự chênh lệch giữa những lời giảng của Đức Giêsu và địa vị của Người trong mắt những người đồng hương. Dĩ nhiên, họ không có ý khinh dể ông Giuse cho bằng muốn cho thấy rằng họ biết rõ gia đình của ông Giuse và biết rõ Đức Giêsu từ nhỏ. Đối với họ, Đức Giêsu vốn có một địa vị khiêm tốn, bình thường, nhưng bỗng chốc biến thành một người khác.[4] Điều này làm cho họ khó chấp nhận được. Trong Tin Mừng Máccô, dân chúng gọi Đức Giêsu là “người thợ mộc”, con của bà Maria,[5] và họ còn có thể liệt kê rành mạch tên gọi những anh em của Đức Giêsu nữa (Giacôbê, Giôxết, Giuđa, Simôn). Họ còn biết chị em Đức Giêsu là chị em lối xóm của họ. Nghĩa là, Đức Giêsu chỉ là người lao động bình thường và họ biết rõ tông ty họ hàng của Người. Chính vì thế, “họ vấp ngã vì Người” (Mc 6,3-4). Tác giả Mátthêu còn thêm vào câu hỏi về nguồn gốc quyền năng của Đức Giêsu trước diễn tả về sự vấp ngã của dân chúng: “Vậy, bởi đâu ông ta được như thế, và họ vấp ngã vì Người” (Mt 13,56-57).

5.     Bà góa Xarépta, Siđonos: Hai ví dụ về hai phép lạ của hai vị ngôn sứ lẫy lừng trong thời Cựu Ước chỉ có trong Tin Mừng Luca. Khác với Đức Giêsu của hai tác giả Nhất Lãm còn lại, Đức Giêsu của tác giả Luca khẳng định “không một ngôn sứ nào được chào đón tại quê hương mình” (Đức Giêsu của Mt và Mc nói: “Ngôn sứ có bị xem thường thì chỉ ở trên quê hương mình, giữa những bà con thân thuộc” (Mt 13,57; Mc 6,4]). Thêm vào đó, Người kể hai ví dụ cho thấy những ngôn sứ bị chối từ trên quê hương của mình và cũng ngụ ý rằng những người ngoại được đón nhận hoa trái tốt đẹp của vị ngôn sứ.[6] Độc giả đã từng nghe nói đến Đấng Mêsiah là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại” (Lc 2,32) và “rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,6). Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên những nhân vật Do Thái trong trình thuật nghe về điều này.[7] Siđonos cùng với Tyros là hai thành phố hàng đầu thuộc miền biển (Phoenexia), thuộc lãnh thổ nước Lebanon ngày nay. Địa danh này được nhắc đến thường xuyên trong các sách ngôn sứ, thường nối kết với Tyros (Is 23,2.4.12, Gr 25,22; Ed 28,21-22; Ge 4,4; Dcr 9,2). Dân chúng ở Tyros và Xiđonos từng kéo đến nghe Đức Giêsu rao giảng (Mc 3,8). Đức Giêsu có cái nhìn tích cực đối với thành Tyros và Xiđonos khi Người so sánh chúng với các thành của người Do Thái Khorazin và Betsaida, vì những thành của Do Thái đã không hoán cải khi nghe lời Đức Giêsu rao giảng (Mt 11,21-22). Tyros cũng là nơi Đức Giêsu đã trừ quỷ cho con gái của người phụ nữ gốc dân ngoại Phoenexia có đức tin mạnh mẽ (Mc 7,24-30; Mt 15,21-28). Thánh Phaolô cũng đến rao giảng nơi đây (Cv 27,3). Câu chuyện thứ nhất Đức Giêsu nhắc đến là một trong những phép lạ mà ngôn sứ Êlias đã thực hiện. Trong phép lạ này, vị ngôn sứ được Chúa chỉ thị đi đến thành Xarépta, vào thời hạn hán và nguồn nước cạn khô. Ở đó, ông đã gặp một bà góa trong cơn khốn cùng. Bà chỉ còn chút dầu trong vò, và một nắm bột trong hũ, chỉ đủ cho bà và con bà ăn lần cuối và chết. Ngôn sứ xin bà làm cho ông một chiếc bánh nhỏ và hứa rằng: “Hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất”. Bà ấy đã tin vào lời ngôn sứ và lời hứa ấy đã trở thành sự thật (x. 1 V 17,7-16). Sau đó, ngôn sứ còn làm cho con trai của bà được sống lại (x. 1 V 17,17-24). Cuối cùng, bà đã tuyên xưng rằng: “Bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa và lời Chúa do miệng ông nói ra là đúng”. Khi kể lại câu chuyện này, Đức Giêsu có thể ngụ ý rằng, sở dĩ ngôn sứ Êlias đã không được sai đến với con cái Ítrael mà với một người ngoại vì họ thiếu niềm tin vào ông. Trong bối cảnh này, có thể hiểu rằng người Ítrael ngày xưa là hình ảnh của người Nadarét ngày nay, những người đang đặt nghi vấn về nguồn gốc của Đức Giêsu và không tin vào Người.

6.     Ông Naaman, người Xyros: Câu chuyện thứ hai là một trong những phép lạ nổi tiếng do ngôn sứ Êlisaios, môn đệ của ngôn sứ Êlias, thực hiện được ghi lại trong sách các vua quyển thứ hai (2 V 5,1-19). Ông Naaman, tướng chỉ huy quân đội của vua Aram, bị bệnh phong cùi. Nhờ cô bé giúp việc người Ítrael mách nước, ông đã đến xin ngôn sứ Êlisaios chữa bệnh. Vị ngôn sứ bảo ông đi “tắm bảy lần trong sông” Giorđan thì được khỏi. Lúc đầu ông hoài nghi lời của vị ngôn sứ nhưng vì lời khuyên của các đầy tớ, nên ông làm theo và được khỏi bệnh hoàn toàn. Cuối cùng, ông tuyên xưng rằng: “Nay tôi biết rằng trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa ngoại trừ ở Ítrael” (2 V 5,15). Tương tự như câu chuyện trước, niềm tin đơn sơ của một người ngoại đã mang đến sự chữa lành. Niềm tin này đối lại với sự kém tin của những người đồng hương Nadarét khiến Đức Giêsu không thể làm dấu lạ nào.

7.     Đầy phẫn nộ: Sau hai câu chuyện Đức Giêsu kể đầy ẩn ý, dân làng Nadarét phản ứng bằng một loạt các hành động, khởi đầu bằng cảm xúc phẫn nộ. Danh từ “θυμός” diễn tả một sự giận dữ ở mức độ cao nhất của con người (phẫn nộ, giận điên lên). Danh từ này đi kèm với động từ “lấp đầy” ở thể bị động, “đầy phẫn nộ”, nghĩa là cơn giận lấp đầy tâm hồn và khống chế con người, để rồi, những hành động sau đó phát xuất từ cơn giận này. Họ “giận điên lên” vì họ biết rằng Đức Giêsu ngụ ý họ tệ hơn những bà góa vùng Phoenexi và những người bệnh phong cùi xứ Xyros.[8] Thực tế, Đức Giêsu ngụ ý rằng có lẽ lời rao giảng của Người có hiệu quả tích cực hơn giữa những người ngoại hơn là với những người đồng hương, những người bắt bớ các ngôn sứ thời xưa.[9] Tính từ “tất cả” được dùng ở số nhiều diễn tả sự đồng lòng tuyệt đối trong sự giận dữ, cũng như loạt hành động sau đó, của tất cả mọi người, không trừ một ai.

8.     Đứng dậy, trục xuất, dẫn lên đỉnh núi, ném xuống: Luca là tác giả Nhất Lãm duy nhất đẩy sự chối từ Đấng Mêsiah của dân làng Nadarét lên mức cao nhất. Hai tác giả Tin Mừng Nhất Lãm còn lại chỉ cho thấy rằng họ không tin, nên Người không thể làm những dấu lạ ở đó, như vẫn làm ở những nơi khác (Mc 6,5; Mt 13,58). Ngược lại, tác giả Luca cho thấy dường như họ muốn thủ tiêu Người.[10] Đây là loạt động từ rất mạnh diễn tả một sự loại trừ triệt để. Động từ “trục xuất” thường được dùng để diễn tả hành động trừ quỷ: Đức Giêsu “trục xuất quỷ” bằng một lời (Mt 8,16); “Người chữa lành các bệnh nhân với đủ mọi chứng bệnh và trục xuất nhiều quỷ” (Mc 1,34). Đây cũng là động từ diễn tả sự loại trừ của những tá điền dành cho người con duy nhất của ông chủ vườn nho: “Họ túm lấy cậu, giết chết và quăng ra khỏi vườn nho” (Mc 12,8, Mt 21,39; Lc 20,15). Hình ảnh người con duy nhất bị giết chết và quăng ra khỏi vườn nho trong dụ ngôn được gọi là “những tá điền sát nhân” là hình ảnh tượng trưng cho chính Đức Giêsu, Con Một của Thiên Chúa. Tác giả Tin Mừng thứ tư cũng dùng động từ này để diễn tả hành động của “những người Do Thái” đối với anh mù từ thuở mới sinh được chữa lành: Họ nói: ‘Anh sinh ra trong tội lỗi mà muốn dạy chúng tôi sao?’ rồi họ trục xuất anh ra ngoài (Ga 9,34.35). Trong bối cảnh này, những người đồng hương Nadarét không những đuổi Đức Giêsu ra khỏi hội đường, khỏi thành, như “trục xuất” quỷ, họ còn dẫn Người đến bờ núi[11] để “ném Người xuống”. Hành động này cho thấy cơn “phẫn nộ” của họ đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của họ. Trục xuất Đức Giêsu thôi thì không đủ. Họ phải tiêu diệt Người thì mới vui lòng, hả dạ. Đó là hình ảnh tiên trưng cho vụ án Đức Giêsu sau này. Những kinh sư và thượng tế không chỉ muốn chống đối, thù ghét Đức Giêsu, họ còn lên án Người cho đến chết.[12]

9.     Băng qua giữa họ… tiếp tục lên đường: Động từδιέρχομαι” (dierkhomai) là một động từ ghép gồm giới từ “dia” (xuyên qua) và động từ “erkhomai” (đi bộ), có nghĩa là “đi xuyên qua”, “băng qua giữa”. Bằng cách nào Đức Giêsu bang qua giữa đám đông giận dữ? Có hai cách giải thích. Nhiều tác giả xem đó như là một phép lạ (A.Plummer [1896]; H.A.W. Meyer [1884]; J.M. Creed [1930]). Tuy nhiên, có không ít tác giả gần đây hơn cho rằng không nhất thiết phải hiểu đó là một phép lạ. Đó có thể là Đức Giêsu giải thoát chính mình, rồi trước cái nhìn của dân chúng, Người đi qua giữa họ mà không ai dám đụng chạm đến Người (J. Reiline – J.L. Swellengrebel [1971]), hay Người chỉ đơn giản đi qua đám đông và họ không cố gắng ngăn cản Người (R.G. Bratcher [1982]).[13] J. Fitzmyer cũng cho rằng không cần phải giải thích nó theo kiểu phép lạ. Ông lý giải rằng chủ ý của tác giả là rõ ràng: Sự đối nghịch với Đức Giêsu là tàn ác, nhưng chưa đến lúc những người chống đối thành công.[14] Hơn nữa, trong câu chuyện của Luca, Đức Giêsu cần tẩu thoát vì Người phải rao giảng Tin Mừng cho các vùng khác.[15]

Động từ “lên đường” được chia ở thì chưa hoàn thành, diễn tả một hành động tiếp diễn hoặc lặp đi lặp lại: “Người cứ lên đường”, hoặc “Người tiếp tục hành trình”. Tác giả J. Fitzmyer chọn cách hiểu là “Người đã tiếp tục hành trình của mình” và giải thích rằng trong bối cảnh này động từ này mang sắc thái một hành trình tiến về phía trước trên hành trình của Người, một “hành trình mà cuối cùng dẫn Người lên Giêrusalem, thành phố liên quan đến số phận của Người (x. 4,43; 7,6.11; 9,51.52.53.56.57;13,33; 17,11; 22,22.39; 24,28).[16]

Bình luận tổng quát

Sau khi giới thiệu tổng quát về sứ vụ giảng dạy của Đức Giêsu lại vùng Galilaia, tác giả Luca kể câu chuyện về một lần giảng dạy đầu tiên của Đức Giêsu tại quê nhà Nadarét. Như một linh mục trẻ vừa được thụ phong Đức Giêsu về quê nhà để tạ ơn và giảng dạy. Người bộc lộ căn tính của mình và kế hoạch yêu thương mà Người sẽ thi hành với những người đồng hương. Người có căn tính Mêsiah ngôn sứ vì đã được Thiên Chúa xức dầu. Người thông báo rằng Người thi hành sứ vụ như lời ngôn sứ Isaiah đã nói về Người: Loan Tin Vui cho người nghèo, giải thoát tù nhân, mang ánh sáng cho người mù, giải cứu những ai cùng khổ và công bố một năm hồng ân, năm toàn xá của Thiên Chúa. Những người đồng hương tuy hết lòng tán thành “lời ân sủng” thốt ra từ miệng Người, nhưng họ lại kinh ngạc và nghi ngờ về thân phận và căn tính thật sự của Người. Họ không thể dung hòa giữa căn tính Mêsiah nơi Người và thân phận chàng thanh niên Giêsu con ông Giuse đã từng sinh sống và lớn lên giữa họ ngày nào. Khi kể lại hai ví dụ về hai phép lạ của hai ngôn sứ tiêu biểu của thời Cựu Ước, Đức Giêsu muốn ngụ ý hai điều: (i) Sự chối từ của những người đồng hương dành cho vị ngôn sứ của Chúa; và (ii) Sứ vụ mang ơn cứu độ đến với dân ngoại của ngôn sứ Giêsu. Đức Giêsu muốn cho thấy rằng cho dù vị ngôn sứ bị chối từ trên chính quê hương của mình, nhưng Người sẽ tiếp tục hành trình đi về phía dân ngoại. Hành trình này cũng được các tông đồ tiếp nối sau này, đặc biệt là những hành trình truyền giảng Tin Mừng của thánh Phaolô, vị tông đồ của dân ngoại (Cv 16 – 22). Vùng đất Siđonos tiếp tục là những nơi chốn Đức Giêsu đi đến, rao giảng và chữa lành (Mc 3,8; 7,24.31). Xứ Xyros cũng tiếp tục là nơi được Đức Giêsu hướng về (Mt 4,24: Mc 7,26). Đây cũng là những miền đất mà các môn đệ của Đức Giêsu tiếp tục đặt chân đến trên hành trình truyền giáo của mình (Cv 15,23.41; 18,18, 20,3; Cv 27,3). Sự loại trừ của những người đồng hương đã được tác giả Luca đẩy lên mức cao nhất. Họ trục xuất Người ra khỏi thành, và đưa Người lên mép núi để đẩy Người xuống, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ và tiếp tục hành trình mang Tin Vui cứu độ của mình. Trong khi Người tiếp tục thi ân giáng phúc cho dân chúng thì sự chối từ, ghét bỏ của những người đồng hương vẫn tiếp diễn nơi những lãnh đạo Do Thái và cuối cùng họ cũng giết chết Người. Đó là thời điểm mà tác giả Luca gọi là “ngày của sự lên trời của Đức Giêsu được hoàn tất” (Lc 9,51). Vào ngày ấy, “Người nhất quyết tiến lên Giêrusalem”, nghĩa là, tiến về tử địa, và tiến ra pháp trường. Cái chết của Đức Giêsu dù bề ngoài là kế hoạch của những người thù ghét chống đối, nhưng đó lại là kế hoạch Thiên Chúa trao ban hồng ân cứu độ cách trọn vẹn cho con người. Những người đồng hương dùng bạo lực để loại trừ Người, nhưng Đấng Mêsiah lại dùng chính hành vi bạo lực của họ để mặc khải mầu nhiệm tình yêu cao cả của Đấng “chết cho người mình yêu”. Trong khi, kẻ thù muốn tìm mọi cách để loại trừ Người, Người vẫn đáp lại bằng kế hoạch cứu độ trọn vẹn. Kết cục của lần rao giảng tại quê nhà Nadarét đã hé mở kết cục của toàn sứ vụ rao giảng của Đấng Mêsiah ngôn sứ. Người được xức dầu để mang Tin Mừng cho muôn người, trước hết là những người đồng hương (Nadarét, Ítrael) – họ bắt bớ, loại trừ Người, nhưng không thể ngăn cản sứ vụ của Người thực hiện trên nhiều người khác, nhiều nơi khác – Người sẽ bị giết chết nhưng cái chết ấy không nằm ngoài kế hoạch yêu thương cứu độ của Người được hoàn tất đúng thời và đúng buổi. Số phận và sứ vụ của Đức Giêsu, cũng chính là số phận và sứ vụ của các môn đệ và của các tín hữu qua mọi thời đại. Đức Giêsu vẫn chưa ngừng thi hành sứ vụ loan Tin Mừng cứu độ và Người vẫn bị bắt bớ, loại trừ cho đến ngày nay bởi vì Người luôn đồng hóa chính mình với các tín hữu bị bách hại, như Người đã công bố với Saolô: “Ta chính là kẻ mà Ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,4-5).

Cho đến nay, vẫn có nhiều hình thức chối từ Tin Mừng cứu độ của Đấng Mêsiah. Nhiều nơi trên thế giới các kitô hữu vẫn bị bách hại vì đức tin của mình. Nhiều tín hữu đã phải trả giá bằng cái chết cho niềm tin của mình. Theo nguồn tin Công Giáo Fides, trong năm 2021 có ít nhất 22 nhà truyền giáo bị giết chết trong đó có 13 linh mục, 3 tu sĩ và 6 giáo dân, trải rộng trong bốn châu lục: Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á và Châu Âu. Từ năm 2000 đến 2020 đã có 536 nhà truyền giáo bị giết trên toàn thế giới. Giáo hội luôn phải đương đầu với những cuộc bách hại thảm khốc bởi những thế lực thù ghét ngay từ những thế kỷ đầu tiên. Ngày nay, còn có những cơn bách hại vô hình đang lôi kéo các tín hữu dần xa giáo huấn của Chúa Kitô. Cơn đại dịch Covid như một cơn lốc xoáy làm bật gốc những cây đức tin còn non yếu trong lòng Giáo Hội. Sau những đợt giãn cách, các tín hữu ở nhiều giáo xứ đã cảm thấy ngại ngùng đến thánh đường. Có thể nói rằng, sự cấm đoán Thánh Lễ trong thời gian giãn cách xã hội làm cho một số kitô hữu trở nên khao khát Chúa hơn và trưởng thành hơn trong việc sống đức tin. Tuy nhiên, tiếc thay, nó cũng làm cho đa phần tín hữu cảm thấy thoải mái, tự do hơn vì không phải đi Lễ, và tham dự các hoạt động đạo đức nữa. Chính vì thế, bầy chiên lạc ngày càng thêm đông số trong khi đàn chiên ngoan thì ngày một thưa thớt. Người ta không chối Chúa cách công khai nhưng cũng không mặn mà gì với Chúa nữa. Khi không còn tin vào Chúa nữa, các tín hữu trở nên xa lạ với những giá trị Tin Mừng và lối sống của Đức Giêsu. Một khi không lấy Chúa làm cùng đích, những mục tiêu của cuộc sống chỉ còn giới hạn vào tiền tài danh vọng. Niềm hạnh phúc, niềm vui được Chúa yêu bị thay bằng sự hưởng thụ những thú vui thể xác hằng ngày. Dẫu vậy, Đức Giê-su vẫn không bỏ cuộc. Người vẫn hoạt động nơi các ngôn sứ nhiệt thành của thời đại và Tin Mừng Nước Thiên Chúa vẫn được loan truyền khắp nơi.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch SVD



[2] J.A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-IX. Introduction, Translation, and Notes (New Haven – London 2008) 534.

[3] R.C. Blight, An Exegetical Summary of Luke 1-11 (Dallas 2008) 166.

[4] J. Nolland, Luke 1:1-9:20 (WBC; Dallas 2002) XXXV A, 199.

[5] Trong Mt, người ta gọi Đức Giêsu là con của người thợ mộc và mẹ của Người là Maria (Mt 13,55).

[6]These verses are frequently understood to be picking up on the prophetic identity of Jesus in v 24. So they are said (i) to give examples of rejection of prophets (Lagrange, 144; Geldenhuys, 168); (ii) to show that the consequence of rejecting a prophet is that others will get the benefit of his ministry (Ellis, 98; Rengstorf, 68; and cf. Schlatter, Markus und Lukas, 204); or (iii) to make the point that, treated like a prophet in one respect, i.e., rejection, Jesus will behave like a prophet in another respect, i.e., benefiting outsiders by his ministry (Plummer, 127)” (J. Nolland, Luke 1:1-9:20, 200).

[7] L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 1991) 82.

[8] D.L. Bock, Luke 1:1 – 9,50 (BECNT; Grand Rapids 1996) 419; W. Hendrikson. Exposition of the Gospel According to Luke (NTC, Grand Rapids 1978) 258.

[9] J.A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-IX. Introduction, Translation, and Notes (New Haven – London 2008) 538.

[10]The response scene here is evocative of Luke’s account of Stephen’s death (Acts 7:54–60; George, BVC 59 [1964] 25). Both Stephen and Jesus accuse their hearers of rejecting God’s prophets (Acts 7:52; Luke 4:24) and identify them as outsiders to what God is presently doing” (J. Nolland, Luke 1:1-9:20, 201).

[11]Modern Nazareth is a small village built on a slope and ringed about by hills, but it is impossible to point to any such spot as that envisaged in this sentence. Since the ninth century a tradition has associated the Lucan verse with a place about three kms. SE of Nazareth (Jebel el-Kafze), but this is also contested. Creed (The Gospel, 69) regards it as a “mistake to attempt topographical verification.” It is probably only another instance of Luke’s vague awareness of Palestinian geography” (Ibid.).

[12]This crucial statement in Luke’s account foreshadows the locale of the crucifixion itself” (Ibid.)

[13] R.C. Blight, An Exegetical Summary of Luke 1-11 (Dallas 2008) 172.

[14]Most likely, we have a rather Johannine indication that Jesus’ hour had not yet come (John 7:30; 8:59; 10:31, 39; 11:8–9; 13:30 and cf. Luke 22:3 and 53; Reicke, “Jesus in Nazareth,” 51)” (J. Nolland, Luke 1:1-9:20, 201).

[15] J.A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-IX, 539.

[16] Ibid.

No comments:

Post a Comment