Friday 4 June 2021

MÁU GIAO ƯỚC ĐỔ RA VÌ NHIỀU NGƯỜI. Chú giải Tin Mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B (Mc 14,12-16.22-26)

 Bản văn

Hy Lạp

Việt

12 Καὶ τῇ πρώτῃ ἡμέρᾳ τῶν ἀζύμων, ὅτε τὸ πάσχα ἔθυον, λέγουσιν αὐτῷ οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ· ποῦ θέλεις ἀπελθόντες ἑτοιμάσωμεν ἵνα φάγῃς τὸ πάσχα;

 13 καὶ ἀποστέλλει δύο τῶν μαθητῶν αὐτοῦ καὶ λέγει αὐτοῖς· ὑπάγετε εἰς τὴν πόλιν, καὶ ἀπαντήσει ὑμῖν ἄνθρωπος κεράμιον ὕδατος βαστάζων· ἀκολουθήσατε αὐτῷ

 14 καὶ ὅπου ἐὰν εἰσέλθῃ εἴπατε τῷ οἰκοδεσπότῃ ὅτι ὁ διδάσκαλος λέγει· ποῦ ἐστιν τὸ κατάλυμά μου ὅπου τὸ πάσχα μετὰ τῶν μαθητῶν μου φάγω;

 15 καὶ αὐτὸς ὑμῖν δείξει ἀνάγαιον μέγα ἐστρωμένον ἕτοιμον· καὶ ἐκεῖ ἑτοιμάσατε ἡμῖν.

 16 καὶ ἐξῆλθον οἱ μαθηταὶ καὶ ἦλθον εἰς τὴν πόλιν καὶ εὗρον καθὼς εἶπεν αὐτοῖς καὶ ἡτοίμασαν τὸ πάσχα.

22 Καὶ ἐσθιόντων αὐτῶν λαβὼν ἄρτον εὐλογήσας ἔκλασεν καὶ ἔδωκεν αὐτοῖς καὶ εἶπεν· λάβετε, τοῦτό ἐστιν τὸ σῶμά μου.

 23 καὶ λαβὼν ποτήριον εὐχαριστήσας ἔδωκεν αὐτοῖς, καὶ ἔπιον ἐξ αὐτοῦ πάντες.

 24 καὶ εἶπεν αὐτοῖς· τοῦτό ἐστιν τὸ αἷμά μου τῆς διαθήκης τὸ ἐκχυννόμενον ὑπὲρ πολλῶν.

 25 ἀμὴν λέγω ὑμῖν ὅτι οὐκέτι οὐ μὴ πίω ἐκ τοῦ γενήματος τῆς ἀμπέλου ἕως τῆς ἡμέρας ἐκείνης ὅταν αὐτὸ πίνω καινὸν ἐν τῇ βασιλείᾳ τοῦ θεοῦ.

 26 Καὶ ὑμνήσαντες ἐξῆλθον εἰς τὸ ὄρος τῶν ἐλαιῶν. (Mk 14:12-16.22-26 BGT)

12 vào ngày thứ nhất của những ngày Bánh Không Men, là ngày người ta sát tế Con Chiên Vượt Qua, các môn đệ nói cùng Người: ‘Thầy muốn chúng con đi đâu chuẩn bị để Thầy có thể ăn Lễ Vượt Qua?’

13 và Người sai hai người trong số các môn đệ và nói cùng họ: ‘anh em hãy đi vào thành phố, và một người mang vò nước sẽ gặp anh em, hãy đi theo anh ta.’

14 và anh em hãy nói cùng chủ nhà nơi mà anh ta vào rằng Thầy nói: ‘nơi của tôi, nơi mà tôi sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?’

15 và ông ấy sẽ chỉ cho anh em một cái phòng to trên gác đã trang bị sẵn sàng và ở đó anh em hãy chuẩn bị cho chúng ta.

16 rồi các môn đệ ra đi và đi vào thành phố và tìm thấy hệt như Người đã nói với họ và họ chuẩn bị Lễ Vượt Qua.

22 và đang khi họ đang ăn, Người lấy bánh, chúc lành, bẻ ra và trao cho họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy, đây là mình Thầy”

23 và sau khi cầm lấy chén, và tạ ơn, Người trao cho họ và tất cả họ đã uống từ chén ấy”.

24 và Người nói cùng họ: ‘đây là máu Thầy, máu giao ước, máu được đổ ra vì nhiều người.

25 thật, Thầy nói với anh em rằng thầy sẽ không còn uống hoa trái của cây nho cho đến ngày ấy, ngày mà Thầy được uống rượu mới trong Vương Quốc của Thiên Chúa.

26 và sau khi hát thánh vịnh, Người đi lên núi Cây Dầu.

 

Bối cảnh bản văn

Trong bối cảnh riêng của Tin Mừng Mác-cô cũng như bối cảnh chung của Tin Mừng Nhất Lãm, hai đoạn văn Mc 14,12-16 (Chuẩn bị Lễ Vượt Qua) và 14,22-26 (lập Bí Tích Thánh Thể) nằm trong bối cảnh những tường thuật cuối cùng trước khi Đức Giê-su bước vào cuộc Thương Khó.  Những trình thuật này bao gồm: (i) Chuẩn bị ăn Lễ Vượt Qua (Mc 14,12-16; Mt 26,17-19; Lc 22,7-12); (ii) Thông tin về việc Giu-đa sẽ nộp Đức Giê-su (Mc 14,10-11.17-21; Mt 26,14-16.20-25; Lc 22,3-6.21-23; Ga 13,21-30); (iii) Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể (Mc 14,22-26; Mt 26,26-29; Lc 22,19-20); và (iv) thông báo về việc Phê-rô sẽ chối bỏ Đức Giê-su (Mc 14,26-31; Mt 26,30-35; Lc 22,31-34; Ga 13,36-38). Bản văn liên quan đến việc lập Bí Tích Thánh Thể (Mc 14,22-26) đặc biệt quan trọng. Nó liên quan đến hành động Cứu Chuộc trong Hy Tế trên đồi Gol-gô-tha mà chính Đức Giê-su sẽ dâng. Bản văn tường thuật về việc lập Bí Tích Thánh Thể cổ nhất không phải là bản văn của Mác-cô, Mát-thêu hay Luca nhưng là bản văn của Thánh Phao-lô, gửi tín hữu Cô-rin-tô (1 Cr 11,23-25) được viết vào khoảng mùa xuân năm 53 hoặc 54 C.E.[1] Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô đã ghi lại việc Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể. Sự trùng lắp của trình thuật của đoạn thư Phao-lô liên quan đến Bí Tích Thánh Thể với cả ba Tin Mừng Nhất Lãm được lý giải là các tác giả cùng chia sẻ chung một truyền thống truyền khẩu và thực hành trong các cộng đoàn Ki-tô hữu sơ khai. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng rằng, khi các tác giả Tin Mừng soạn thảo Tin Mừng thì bản văn của Phao-lô đã tồn tại và ít nhiều ảnh hưởng. Chúng ta biết rằng, việc hình thành các sách Tin Mừng trải qua 3 giai đoạn. (1) Thời của Đức Giê-su (Lời nói, việc làm nhất là cuộc Khổ nạn – Phục Sinh của Người); (2) Thời các Tông Đồ (Rao giảng khởi đi từ mầu nhiệm Phục Sinh, rồi các Tông Đồ phản tỉnh, nhớ lại những lời nói việc làm của Đức Giê-su); (3) Thời các tác giả biên soạn (Mc, Mt, Lc và Gioan, với ơn linh hứng, họ đã gom góp các nguồn truyền khẩu và soạn thảo các bản văn Tin Mừng). Thánh Phao-lô được xem là tác giả chắp bút viết những lá thư gửi cho các giáo đoàn trước bất cứ tác giả sách Tin Mừng nào. Nhiều tác giả tin rằng, theo truyền thống thì Mác-cô là người viết Tin Mừng trước, sau đó đồng thời là Mát-thêu và Luca được viết dựa trên phần lớn khung sườn của Mác-cô và có thêm các nguồn chung của hai ông và nguồn riêng của hai ông nữa. Chính vì thế mà có “vấn đề Nhất Lãm”(Synopticus; συνοπτικός: Tường thuật những sự kiện từ một cái nhìn giống nhau). Gioan soạn thảo Tin Mừng thứ tư muộn hơn cách tác giả Tin Mừng Nhất Lãm và không cùng khung sườn với họ. Gioan không có tường thuật về việc lập Bí Tích Thánh Thể. Tuy nhiên, trong Tin Mừng của ông, độc giả tìm thấy “Diễn Từ về Bánh Hằng Sống” (Ga 6,32-59) vốn không tồn tại trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Diễn từ “Bánh Hằng Sống” của Gioan gợi nhớ đến “bánh Manna” mà dân Do Thái đã suốt 40 năm trong sa-mạc và đã chết. Bánh Đức Giê-su ban tặng chính là thịt và máu của Người đem đến sự sống đời đời. Trình thuật về việc lập Bí Tích Thánh Thể của Tin Mừng Nhất Lãm gợi nhớ đến máu giao ước, máu các con vật mà thuở xưa Mô-sê đã rảy trên dân chúng trong ngày Chúa lập Giao Ước với họ (thường gọi là giao Ước Sinai). Nay, chính máu Đức Giê-su xác lập Giao Ước mới và vĩnh cửu mang đến ơn tha thứ cho muôn người. Bản văn không những nối kết cả 3 Tin Mừng Nhất Lãm cùng với thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô; với sự kiện Giao Ước của Cựu Ước; với diễn từ “Bánh Hằng sống” của Tin Mừng Gioan an, mà còn nối kết chặt chẽ với biến cố Khổ Nạn – Phục Sinh của Đức Giê-su sẽ diễn ra ngay sau đó.


Đối chiếu bốn bản văn về Bí Tích Thánh Thể

1 Cr 11,23-25

Mc 14,22-26

Mt 26,26-29

Lc 22,19-20

23 Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, 24 dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”25 Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”26 Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.27 Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.

22 Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.”23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này.24 Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.25 Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.”

26 Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.”27 Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này,28 vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.29 Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy.”

19 Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”20 Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là Giao Ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.”

Kinh Nguyện Thánh Thể II:

Khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình, Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói:

Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: Này là Mình Thầy,

sẽ bị nộp vì các con.

Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ mà nói:

Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống:

Này là chén Máu Thầy,

Máu giao ước mới và vĩnh cửu,

sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.

Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.

 

Một số nhận xét đối chiếu các bản văn:

Ø  Các bản văn của cả bốn tác giả Mát-thêu, Mác-cô, Luca và Phao-lô, tuy khá giống nhau, nhưng không giống nhau hoàn toàn.

Ø  Bản văn của Kinh Nguyện Thánh Thể II dường như là gom góp của cả bốn bản văn và có thêm vào một vài ý tưởng.

Ø  Máu Giao Ước Mới là ý tưởng của riêng Phao-lô và Luca. Tác hai tác giả còn lại chỉ có Chén Giao Ước và Máu Giao Ước.

Ø  Ý tưởng (Giao Ước) “vĩnh cửu” là phần thêm vào của bản văn Phụng Vụ.

Ø  Tác dụng của Máu Giao Ước là: “cho các con và nhiều người được tha tội” của bản văn Phụng Vụ là ghép từ ý tưởng của cả 3 tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, Mát-thêu: “Đổ ra cho nhiều người được tha tội”; Mác-cô: “đổ ra vì muôn người” và Luca: “đổ ra vì anh em”. Bản văn của Phao-lô không có những ý tưởng này.

Ø  Ý tưởng “được tha thứ tội lỗi” chỉ có trong bản văn của Mát-thêu.

Ø  Ý tưởng “sẽ bị nộp vì anh em” giống với ý tưởng trong bản văn Phao-lô và Luca “hiến tế vì anh em”. Hai tác giả còn lại cũng không có ý tưởng này.

Ø  Lời căn dặn: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” trong bản văn Phụng Vụ là lấy từ bản văn của Phao-lô: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm mà tưởng nhớ đến Thầy” và Luca: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”

 


Cấu Trúc các bản văn

Mc 14,12-16: Chuẩn bị Lễ Vượt Qua

Bối cảnh: Thời gian, không gian và nhân vật (Mc 14,12) 

(A) Chỉ thị: Hãy đi vào Thành Phố

(A1) Sự kiện: Một người mang vò nước sẽ gặp (Mc 14,13)

Nơi chốn:  Phòng rộng, được trang bị trên gác (Mc 14,14-15a)

(A2) Hãy chuẩn bị nơi ăn Lễ Vượt Qua ở đó (Mc 14,15b)

(A’) Làm theo chỉ thị: Các môn đệ ra đi và đi vào thành phố (14,16a)

(A1’) Tìm thấy hệt như Người đã nói với họ (14,16b)

(A2’) Họ chuẩn bị Lễ Vượt Qua ở đó. (14,16c)

Mc 14,22-26: Lập Bí Tích Thánh Thể

(A) Cử chỉ với bánh: Người lấy bánh, chúc lành, bẻ ra và trao (Mc 14,22a)

(B) Lời nói: “Anh em hãy nhận lấy, đây là mình Thầy” (Mc 14,22b)

(A’) Cử chỉ với chén: Cầm lấy chén, tạ ơn, và trao (Mc 14,23a)

(A’1) Tất cả họ đã uống từ chén ấy”.

 (B’) Lời nói: ‘đây là máu Thầy, máu giao ước, máu được đổ ra vì nhiều người.’ (Mc 14,24)

(B’1) Sẽ không còn uống …uống rượu mới trong Nước Thiên Chúa (Mc 14,25)

Kết: Sau khi hát thánh vịnh, Người đi lên núi Cây Dầu (Mc 14,26)

Một số điểm chú giải

1.     Những ngày Bánh Không Men: Sách Xuất Hành chỉ dẫn cho con cái Ít-ra-el rằng trước đêm họ ra khỏi đất Ai-cập họ phải ăn thịt cừu nướng với bánh không men và rau diếp đắng (Xh 12,15). Và sau đó, nó trở thành một Lễ Hội nhớ ngày Đức Chúa đem dân ra khỏi đất Ai-cập. Lễ Hội Bánh Không Men (הַמַּצּוֹת) kéo dài 7 ngày. Trong bảy ngày này họ không họ không được dùng men. Ngày thứ nhất, họ phải loại bỏ men ra khỏi nhà của họ, thậm chí họ phải hủy và đốt đi. Người nào ăn bất cứ thứ gì có men trong bảy ngày này sẽ bị “cắt đứt” khỏi It-ra-el (Xh 12,15.19). Ngày thứ nhất và ngày thứ bảy, họ phải tổ chức đại hội cách long trọng (Xh 12,16; Cf. Đnl 16,8). Thời gian ấn định của kỳ Lễ Bánh Không Men là: “Trong tháng thứ nhất, vào chiều ngày thứ 14 trong tháng cho đến chiều ngày thứ 21 trong tháng” (Xh 12,18). Sách Lê-vi thì quy định rằng: ngày thứ 14 vào lúc chạng vạng, sẽ có dâng Lễ Vật Vượt Qua lên Đức Chúa, và bắt đầu từ ngày thứ 15 là Lễ Bánh Không Men cho Đức Chúa (Lv 23,5-6; Cf. Ds 28,16-17; Ed 45,21; Er 19,19-22). Vào đầu chương 13 của sách Xuất Hành, Mô-sê lại nhắc nhở dân về tính bắt buộc của Lễ hội Bánh Không Men (Xh 13,3-10). Lễ Hội này lại được Đức Chúa nhắc đi nhắc lại là phải giữ (Xh 23,15; 34,18). Sách Đệ Nhị Luật cũng nói đến tính bắt buộc và lý do ăn thứ không có men vì đêm ấy dân đã ra khỏi Ai-cập một cách vội vã (Đnl 16,3).

Tân Ước nói đến Lễ Bánh Không Men nhiều lần. Gioan không nhắc đến Lễ hội này. Mát-thêu nhắc đến đúng một lần. Đó là trong trình thuật về Chuẩn Bị Lễ Vượt Qua (Mt 26,17). Luca nhắc đến Lễ này hai lần. Lần thứ nhất trong trình thuật về “âm mưu giết Đức Giê-su”. Âm mưu này diễn ra vào dịp Lễ Hội Bánh Không Men đang đến gần. Luca chú thích thêm Lễ này cũng gọi là Lễ Vượt Qua (πάσχα) (Lc 22,1-2). Lần thứ hai, trong trình thuật về chuẩn bị ăn Lễ Vượt Qua. Thánh Luca nói đến “ngày của Bánh Không Men” và không quên ghi chú thêm rằng, “ngày Con Chiên Vượt Qua bị giết” (Lc 22,7). Hai lần nói đến Lễ Bánh Không Men này của Luca rất giống với Mác-cô. Mác-cô cũng nói đến âm mưu giết Đức Giê-su được diễn ra trong dịp Lễ Bánh Không Men và Lễ Vượt Qua. Có điều Mác-cô cụ thể hóa số ngày: “Hai ngày trước Lễ Vượt qua và Lễ Bánh Không Men” (Mc 14,1). Nói như thế, Mác-cô cho thấy ông hiểu Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men bắt đầu cùng thời gian. Lần thứ hai, Mác-cô cũng cụ thể hơn trong việc nhắc đến Lễ Bánh Không Men: “Ngày thứ nhất của kỳ Lễ Bánh Không Men”, và cũng không quên ghi chú thêm rằng: “Khi người ta sát tế con Chiên Vượt Qua” (Mc 14,12). Sách Công Vụ cũng nhắc đến hai lần Lễ Bánh Không Men: (1) Dịp Hê-rô-đê bắt giam Phê-rô và được một thiên sứ giải thoát cách kỳ lạ (Cv 12,1-11); (2) Phao-lô cùng các môn đệ rời Phi-li-phê sau những ngày “Bánh Không Men”. Thánh Phao-lô nói đến “Bánh Không Men” của sự chân thành và sự thật đối lại vói men của xấu xa và sự dữ (1 Cr 5,8).[2]

2.     Ngày người ta sát tế Con Chiên Vượt Qua: Trong các tác gải sách Tin Mừng, chỉ có Mác-cô và Luca (rất có thể do ảnh hưởng của Mác-cô), nhấn mạnh đến chi tiết này (Mc 14,12; Lc 22,7): “Ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men, khi người ta sát tế Con Chiên Vượt Qua”. Như đã nói trên, Sách Lê-vi nói đến việc dâng một Hy Tế Vượt qua vào lúc chạng vạng của ngày 14, tháng thứ nhất và bắt đầu từ ngày 15 là Lễ Bánh Không Men. Sách Sử Biên Niên quyển thứ hai cũng nói đến việc sát tế một Con Chiên Vượt Qua vào ngày thứ 14 của tháng thứ nhất để kỷ niệm Lễ Vượt Qua (2 Sbn 35,1). Chiên Vượt Qua gợi nhớ đến con chiên mà dân Ít-ra-el đã giết vào chiều ngày mà họ sẽ ra khỏi đất Ai-cập (Ex 12,21). Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Con chiên hay con dê cũng được và phải nhốt nó cho đến ngày 14 của tháng thứ nhất rồi đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa. Phải ăn nướng, không được ăn sống hay luộc và phải ăn cả đầu, chân và lòng; không để lại gì đến sáng; cái gì còn đến sáng phải đốt đi (Xh 12,5-10). Mác-cô nhấn mạnh đến “Ngày Người ta sát tế Con Chiên Vượt Qua” không chỉ là đơn giản giải thích cho truyền thống cổ xưa, nhưng trên hết là để giới thiệu cho hy tế mà Đức Giê-su sắp dâng. Vì ngay sau đó, Đức Giê-su đã dùng bánh như là biểu tượng của chính “thân thể” của Người và chén rượu như là máu của Người, máu Giao Ước sẽ đổ ra cho nhiều người.

3.     “Lễ Vượt Qua”:[3] Trong bốn tác giả Sách Tin Mừng, chỉ có Gioan cho độc giả biết rằng Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem vào ba dịp Lễ Vượt Qua trong hành trình rao giảng của Người (Ga 2,13.23; 5,1; 12,1). Chính vì thế mà theo truyền thống, Đức Giê-su rao giảng khoảng 3 năm, và chết ở tuổi 33. Luca cho biết Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng khi Người khoảng 30 tuổi (Lc 3,23), cùng với 3 Lễ Vượt Qua (xảy ra mỗi năm một lần), trong đó, Người bị kết án và đóng đinh vào Lễ Vượt qua thứ ba. Các Tin Mừng Nhất Lãm chỉ cho biết Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem một lần, vào dịp Lễ Vượt qua trong suốt quá trình rao giảng. Tin Mừng Nhất Lãm chỉ nhắc đến một Lễ Vượt Qua trong trình thuật về cuộc Thương Khó (Mt 26,2.17-19; Mc 14,1.12.14.16; Lc 22,1.7.28.11.13.15),[4] và đó là lần Đức Giê-su bước vào cuộc Thương Khó – Chịu Chết đóng đinh. Chặng đường lên Giê-ru-sa-lem là rất quan trọng. Thậm chí, Tin Mừng Luca còn dành cho chặng đường lên Giê-ru-sa-lem đến 10 chương (9,51 – 19,27), nghĩa là gần một nữa Tin Mừng của Luca (24 chương). Đối với các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, Ga-li-lê là thánh địa cho sứ vụ rao giảng và làm dấu lạ, còn Giê-ru-sa-lem là tử địa nơi xảy ra cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su.

Lễ Vượt Qua là một Đại Lễ hằng năm của Người Do Thái. Nó kỷ niệm biến cố quan trọng: Dân đã được cứu khỏi ách nô lệ của Pha-ra-ô. Trong đêm ấy sứ thần Chúa đã tiêu diệt tất cả các con đầu lòng của người Ai Cập. Thậm chí con vật đầu lòng cũng bị giết. Con cái Ít-ra-el thì được sống nhờ vào những vết máu bôi trên cửa theo chỉ dẫn của Chúa (Xh 11,5; 12, 12-13.29). Lễ Vượt Qua trong tiến Do Thái là “הַפָּ֑סַח” (pesah), trong tiếng là Hy Lạp là “πάσχα” (paskha). Trong tiếng gốc Do Thái “Pesah”, có nghĩa là “bảo vệ” hay “bỏ qua”. Lễ này, theo một số tác giả, có nguồn gốc ban đầu liên quan đến một nghi lễ mang tính giải hạn của những người du mục, cử hành mùa xuân. Tuy nhiên, ý kiến được chấp nhận rộng rãi nhất liên quan đến lễ hội cổ xưa cho những giai đoạn của trăng, đặc biệt cho dịp trăng tròn. Và trên bình diện lịch sử, Lễ này dĩ nhiên là liên kết đến sự kiện Xuất Hành từ Ai-Cập.[5] Trong Lễ Vượt Qua, một con vật hiến tế (cừu hoạc dê một tuổi) được giết thịt vào ngày thứ 14 của tháng Nisan và được ăn vào buổi đêm, hoặc ngay sau hoàng hôn, đánh dấu khởi đầu của ngày 15 tháng Nisan. Thánh Kinh kết hợp việc sát tế Vượt Qua với Lễ Bánh Không men, lễ hội kéo dài bảy ngày bắt đầu vào ngày 15 của tháng Nisan. Trong thời gian hậu Thánh Kinh, hai Lễ này được hòa nhập thành một Lễ hội mà thôi.[6]

4.     Một người mang vò nước sẽ gặp anh em: Hình ảnh thấy trước mọi sự cho thấy Đức Giê-su làm chủ cục diện và mầu nhiệm Người sắp trải qua cùng với các môn đệ. Đây không phải là một Lễ Vượt Qua bình thường như mọi năm. Dĩ nhiên, là hằng năm chắc hẳn Đức Giê-su cùng ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ nhưng không phải một nơi cố định, nên các môn đệ hỏi thăm Đức Giê-su là chuyện bình thường. Nhưng kể hỏi như thế cũng hơi muộn, vì làm sao kịp để chuận bị vừa phòng ốc, Chiên Vượt Qua và những thứ cần thiết. Đức Giê-su dường như đã lo liệu mọi sự. Các môn đệ hỏi ý kiến Đức Giê-su để chuẩn bị nhưng Đức Giê-su lại là người chuẩn bị cho họ. Hình ảnh một người đàn ông (ἄνθρωπος) mang vò nước quả là khá hiếm, vì nhiệm vụ lấy nước thường là của những chị em phụ nữ. Và người đàn ông này có nhiệm vụ dẫn đường. Ông ta chủ động gặp hai môn đệ (ἀπαντήσει ὑμῖν ἄνθρωπος) chứ không phải họ tìm gặp ông. Ông không phải làm chủ nhà, có thể là một đầy tớ, có nhiệm vụ dẫn hai môn đệ đến với chủ nhà. Nhiệm vụ của các môn đệ là: “Hãy đi theo anh ta” và nói với chủ nhà những gì Đức Giê-su bảo.

5.     Một cái phòng to trên gác đã trang bị sẵn sàng: Vị trí của “Phòng trên gác” (the upper room) được nhiều nhà khảo cổ tin là ở trên núi Si-on, phía Tây Nam của Cổ Thành Giê-ru-sa-lem. Hiện nay còn dấu tích một hội đường đượccác ki-tô hữu Do Thái xây dựng vào khoảng năm 73 – 135 C.E. Phía dưới của phòng ấy là nơi để quan tài bằng đá, được cho là của vua Đa-vít. Ngày nay nhiều người Do Thái vẫn đến đó thăm viếng và cầu nguyện mỗi ngày. Theo Luca, đây rất có thể là căn phòng mà các Tông Đồ và những tín hữu Giê-ru-sa-lem quy tụ vào thời sơ khai (Cv 1,13; Cf. 9,7.39).[7]

6.     Đi vào thành phố và tìm thấy hệt như vậy… họ chuẩn bị Lễ Vượt Qua: Câu ghi chú này của người thuật chuyện như là một lời tóm kết ngắn gọn cho việc thực thi chỉ thị của Đức Giê-su. Lễ Vượt Qua này do chính Đức Giê-su chủ động chuẩn bị ngay từ đầu và cho đến cuối với Hy Tế Thánh Thể, như sẽ thấy sau. Câu chuyện về việc chuẩn bị Lễ Vượt Qua rất giống với câu chuyện Đức Giê-su chuẩn bị vào thành (Mc 11,1-6). Đức Giê-su cũng sai hai môn đệ vào làng và sẽ thấy một con lừa chưa ai cưỡi bao giờ. Các ông sẽ thao dây buộc lừa và dẫn nó về. Nếu có người hỏi thì các ông nói là “Chúa cần đến nó và Người sẽ gửi lại ngay”. Các ông đã ra đi và làm y chang như Đức Giê-su bảo. Những hành động này cho thấy kiến thức kỳ lạ của Đức Giê-su. Hơn nữa, những câu chuyện song song cũng cung cấp ý tưởng xa hơn: việc Đức Giê-su đến Đền Thờ (Mc 11,11) và tiếp theo sau đó là sự thanh tẩy đền thờ (11,15-16) ứng với việc cử hành Bữa Ăn Cuối Cùng và việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Nói cách khách lý do Đức Giê-su vào Đền Thờ và kết thúc với nghi lễ hiến tế được làm rõ ở đây: Người sẽ dâng mạng sống của Người làm hy lễ Giiao Ước.[8]

7.     Đang khi họ ăn, lấy bánh, chúc lành, bẻ ra và trao: Một loạt 5 động từ liên tục được dùng trong mô tả này: 3 động từ phụ được dùng ở dạng hiện tại phân từ: “Khi họ đang ăn”, “sau khi Người lấy bánh”, “Chúc lành”; và hai động từ chính “Người bẻ ra” và “trao” cho họ. Nghi thức này rõ ràng không phải là một phần của Tiệc Vượt Qua theo truyền thống. Những cử chỉ của Đức Giê-su hẳn làm cho các môn đệ phải bâng khuâng, lấy làm khó hiểu. Người Do Thái chúc lành bánh vào đầu bữa ăn chứ không phải giữa bữa ăn. Cử chỉ “chúc lành”, “bẻ ra” và “trao ban” rõ ràng gợi nhớ đến phép lạ hóa bánh ra nhiều, trong đó Đức Giê-su cũng lấy 5 chiếc bánh “chúc tụng”, “bẻ ra thành từng miếng nhỏ”, rồi “trao cho các môn đệ” để họ dọn ra cho dân (Mc 6,34-44; Mt 14,13-21; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13). Mác-cô còn ghi lại phép lạ hóa bánh ra lần thứ hai, nơi đó Đức Giê-su “cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn và bẻ ra, trao cho các môn đệ, để các ông dọn ra.” (Mc 8,1-8; Mt 15,32-39). Đây có thể được xem la một dấu hiệu của sự sẻ chia. Phép lạ hóa bánh ra nhiều cho thấy quyền năng thần linh của Đức Giê-su và lòng thương xót của Người. Người có khả năng giải quyết sự đói khát của con Người. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, Người không luôn làm như thế bởi cung ứng thức ăn thể xác và giải quyết mọi cơn đói trên thế gian không phải là mục tiêu của Người. Cử chỉ bẻ ra và trao ban được Đức Giê-su lý giải ngay sau đó.

8.     “Anh em hãy nhận lấy, đây là mình Thầy”: Lời nói của Đức Giê-su đã làm cho nghi thức bẻ bánh và trao ban cửa Người không dừng lại ở sự trao ban lương thực thể xác nhưng là sự trao ban lương thực về thần linh. Bánh không còn là bánh nhưng là chính thân thể của Người. Cái mà các môn đệ lãnh nhân không còn là những mẫu bánh nhưng chính là những mảnh thân thể của Người. Danh từ “ổ bánh” được dùng ở số ít. Chỉ có một “ổ bánh” mà thôi. Chúng không là 3 chiếc bánh hay là bảy chiếc bánh, nhưng chỉ là một chiếc bánh. Một chiếc bánh ám chỉ chỉ một mình Đức Giê-su. Nó cũng cho thấy sự hiệp nhất quy tụ nơi một mình Đức Giê-su. Tấm bánh được “bẻ ra” là biểu tượng của một thân xác bị đau khổ, bị nghiền nát như những hạt lúa miến để trở thành lương thực thần linh cho các môn đệ. Thánh Phao-lô và Luca còn thêm vào chiều kích hiến tế trong mầu nhiệm “bẻ bánh và trao bánh”: Này là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1 Cr 11,24; Lc 22,19). Nói đến hiến tế là nói đến việc Con Chiên Vượt Qua bị sát tế trong ngày đầu tiên của Lễ Bánh Không men. Con chiên vẹn toàn vô tỳ tích đó chính là Đức Giê-su. Hơn nữa, bánh không men, cũng như thân thể của Đức Giê-su, được nối kết với sự cứu độ, vì nó phục vụ như là một sự nhắc nhở về ngày giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập, khi những người Ít-ra-el phải di chuyển nhanh chóng đến nỗi bánh của họ chưa kịp lên men.[9]

9.     Tất cả họ đã uống từ chén ấy: Giống như cách họ lãnh nhận từ một “ổ bánh” được bẻ ra, họ cũng uống từ một chén rượu nho. Mác-cô nhấn mạnh đến việc “tất cả” đã uống từ một chén ấy.[10] Trong tất cả bốn tác giả, chỉ có Mác-cô ghi nhận “Tất cả họ đã uống”. Nghĩa là tất cả họ đều tham gia vào Giao Ước được lập bởi chính máu thánh của Đức Giê-su. Bữa Ăn Vượt Qua theo truyền thống thường có bốn phần, mỗi phần được kết bằng việc uống một chén rượu: (1) Vào lúc kết thúc nghi thức giới thiệu (ly rượu thánh hóa được uống); (2) Vào lúc kết thúc của tường thuật về cuộc giải cứu khỏi Ai-cập (Đnl 26,5-9), được gợi ý bởi bốn câu hỏi[11] của người trẻ nhất trong gia đình (chén cứu độ được uống); (3) Vào cuối bữa ăn (chén chúc lành hay là chén cứu chuộc được uống); (4) Vào cuối việc hát thánh vịnh 115-118: Hallel (chén chúc tụng hay hồi phục được uống). Chén thứ năm được gọi là chén của Ê-li-ah trong suốt buổi cử hành nhưng nó không được uống. Nó được để dành cho ông Ê-li-ah, người thông báo sự đến của Đấng Mê-si-ah. Chén mà tất cả các môn đệ đều uống (Mc 14,23) rất có thể là chén chúc tụng và chén mà Đức Giê-su sẽ không uống: “Tôi sẽ không dùng hoa trái từ cây nho này nữa cho đến ngày tôi được uống thứ rượu mới trong vương quốc của Thiên Chúa” (14,25) rất có thể là chén thứ bốn.[12]

10.  ‘Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, máu được đổ ra vì nhiều người. Sau khi họ uống, Đức Giê-su mới tiếp tục lý giải ý nghĩa của chén: “Đây là Máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì nhiều người (πολλῶν: nhiều). Máu Con Chiên Vượt Qua trong Tiệc Vượt Qua gợi nhớ đến vết máu của con chiên được bôi trên hai cột cửa và trên đà ngang cửa nhà của dân Ít-ra-el. Nhờ đó, Đức Chúa sẽ nhận ra và “đi qua, bang qua” cửa nhà, không giết các con trai đầu lòng của họ (Xh 12,23). Tuy nhiên, máu Giao Ước, lại gợi nhớ đến sự kiện Giao Ước giữa Thiên Chúa với dân qua trung gian là ông Mô-sê. Ông Mô-sê lấy một nữa máu bò rảy lên bàn thờ, tượng trưng cho Đức Chúa, còn nữa kia, ông rảy trên dân và nói: “đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này” (Xh 24,6-8). Máu Giao Ước này không phải là máu bò, nhưng là máu của chính Đức Giê-su. Luca và Phao-lô nhấn mạnh đến hành động “lập” Giao Ước và tính “mới” của Giao Ước: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20)”; “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới” (1 Cr 11,25). “Mới” ở chỗ là do chính Đức Giê-su lập và bằng chính máu của Người, chứ không phải là máu con vật bị sát tế. Ngoài ra, “mới” còn thể hiện ở chỗ các môn đệ “uống” chứ không phải là máu được rảy lên người. Mát-thêu và Mác-cô chỉ nói là “Máu Giao Ước được đổ ra vì nhiều người”. Mát-thêu còn thêm cụm từ “được tha tội”. Có lẽ, Mát-thêu muốn nói đến truyền thống về Lễ Xá Tội do thượng tế A-ha-ron cử hành, trong đó “máu con vật được dùng vào Lễ Xá Tội, dâng vào ngày xá tội mỗi một năm một lần, mà cử hành lễ xá tội” (Xh 30,10). Ý tưởng về cái chết của một người có chức năng như là của lễ xá tội cho “nhiều người” cũng tương tự như bức tranh nơi sách Isaiah: “vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ… nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hạng tội nhân; nhưng thực ra, Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53,11-12).[13] Bài khảo luận về chức tư tế dành cho thính giả “Híp-ri” (thường được gọi là thư Híp-ri) đã nhắc đến việc thượng tế Giê-su cử hành Lễ Xá Tội này. Theo đó, “Đức Giê-su đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, người vào chỉ một lần thôi (không phải hằng năm) và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Hr 9, 12); “Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa đến sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa Hằng Sống” (Hr 9,14).

11.  Uống rượu mới trong Vương Quốc của Thiên Chúa: Đức Giê-su không uống chén thứ tư, chén chúc tụng hoặc phục hồi, chén sau khi hát thánh vinh 115-118. Trong bối cảnh trực tiếp, “sau khi hát thánh vịnh, ngay lập tức, họ đi vào núi Ô-liu” (Mc 14,26). Đức Giê-su cũng không uống chén mà Người trao cho các môn đệ, vì đó chính là chén máu của Người, được đổ ra vì nhiều người. Đó có thể xem là bữa ăn Vượt Qua cuối cùng của Đức Giê-su với các môn đệ trên trần gian nên Người sẽ không uống bất kỳ một ly rượu nho nào của Lễ Vượt Qua nữa. Công bố cuối cùng của Đức Giê-su soi chiếu cuộc thương khó và cái chết sắp xảy ra của Người: Đức Giê-su sẽ gặp lại các môn đệ trong vương quốc của Thiên Chúa. Đối với các độc giả của Mác-cô, việc cử hành Thánh Thể không chỉ tưởng nhớ lại hy tế của Đức Giê-su mà còn nếm trải trước bàn tiệc tương lai trong Nước Thiên Chúa, một sự hiệp thông trọn vẹn của Thiên Chúa với dân Người.[14] Rượu mới mà Đức Giê-su muốn nói không còn là sản phẩm của cây nho, hay là máu Giao Ước của Người nữa nhưng là rượu của tiệc mừng, “Tiệc Cưới Con Chiên”. Đức Giê-su thường ví mình như là chàng rể của tiệc cưới (Mt 9,15; Mc 2,19) và Nước Trời cũng được ví như là một tiệc cưới mà đức vua tổ chức cho con của mình (Mt 22,1-14). J. Marcus cho rằng Đức Giê-su sẽ uống rượu mới vào ngày cánh chung. Ý tưởng này được ủng hộ bởi Mc 2,22 nơi “rượu mới” là biểu tượng cho nguồn gốc mang tính cánh chung của sứ vụ của Đức Giê-su. Cuộn Đền Thờ (Một trong những bản văn Biển Chết) có mô tả một “Lễ Hội Rượu Mới”, vốn dường như có định hướng cánh chung và được kết hợp với sự xá tội. “Rượu mới”, theo Qumran, vì thế có liên kết với cánh chung, Đấng Mê-si-ah và xá tội.[15]

Bình luận tổng quát

Giao Ước cũ hay còn gọi là Giao Ước Sinai giữa dân Ít-ra-el và Thiên Chúa được hoàn tất qua ba khoảnh khắc tương ứng: (1) Sự tỏ mình của Thiên Chúa cho dân (Xh 19)[16]; (2) Trao ban Thập Điều (Xh 20,1-21; Đnl 5,1-33), như là luật thiết định và bộ luật Giao Ước (phần mở rộng của Thập Điều, Xh 20,22 – 23,33); (3) Giao Ước được hoàn tất và thánh hiến một cách long trọng với “những hiến lễ hiệp thông” (Xh 24)[17]

Đối lại, Giao Ước mới và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và nhân loại cũng được hoàn thành qua 3 khoảnh khắc tương tự: (1) Sự tỏ mình sâu sắc và long trọng có tính phổ quát của Chúa nơi Đức Ki-tô (Mc 1,10-11: Chúa chịu Phép Rửa; Mc 9,2-8: Chúa biến hình); (2) Một bộ thập điều được hồi phục cho tính tinh khiết và nguyên vẹn của nó, cho sự “kiện toàn” (Mt 5,17-48: Anh em nghe Luật dạy rằng… còn Thầy, Thầy bảo anh em…), thêm một bộ luật các mối phúc, luật nội tâm và “điều răn mới” (Mt 5,1-12.6-7; Ga 13,34-35; 15,10-17); (3) Giao Ước mới cũng được hoàn tất với sự thánh hiến long trọng trong “hiến lễ hiệp thông” nơi Máu Chúa Ki-tô (Mc 14,22-24).

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc khổ nạn của Đức Giê-su lại diễn ra đúng vào dịp Lễ Vượt Qua và tuần lễ Bánh Không Men. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể ngay đêm Người bị trao nộp và bước vào cuộc Thương Khó. Tất cả đều được hữu ý trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được chuẩn bị trước trong Cựu Ước. Ngày Đức Giê-su dùng bữa ăn cuối cùng với các môn đệ được Mác-cô và Luca lưu ý rằng “ngày người ta sát tế con chiên vượt qua”. Con Chiên Vượt Qua được giết để tượng niệm lại biến cố dân đã giết chiên vượt qua trong buổi chiều trước khi họ được Chúa dẫn ra khỏi nô lệ trên đất Ai-cập. Máu của chính con chiên ấy được vẫy trên hai trụ và đà của cửa nhà chính là dấu hiệu để thiên sứ Chủa “bỏ qua, đi ngang qua” mà không giết các con đầu lòng của những gia đình Ít-ra-el. Con Chiên Vượt Qua năm ấy không phải là “con chiên một tuổi” nhưng là con chiên 33 tuổi. Đức Giê-su sẽ bị chính dân của Người sát tế vào dịp Lễ Vượt Qua năm ấy. Máu của Con Chiên Giê-su không còn được rảy trên hai cột cửa nữa nhưng được chia cho tất cả các môn đệ. Tất cả các môn đệ đều chung chia cùng một chén ấy. Máu ấy không còn là dấu hiệu để Thiên Chúa bỏ qua mà không giết các con đầu lòng của dân Do Thái, nhưng là máu mà tư tế mang vào nơi cực thánh của đền thờ, mỗi năm một lần để làm lễ xá tội cho dân. Chính vì thế mà Mát-thêu đã thêm vào “Máu được đổ ra cho muôn người được tha tội”; hay thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giê-su: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29; Cf. Ga 1,36). Đức Giê-su không những là Con Chiên bị sát tế nhưng là vị thượng tế đời đời, người dâng chính máu mình để chuộc tội cho toàn dân như được nói đến trong thư Híp-ri. Không những thế, máu của con Chiên Vượt Qua Giê-su còn là máu của Giao Ước giữa Thiên Chúa và nhân loại. Biên cương của dân Chúa giờ đây không còn giới hạn trong dân Ít-ra-el nhưng là “nhiều người”. Thuở xưa Mô-sê đã rảy một nữa máu của con vật được sát tế trên bàn thờ và một nữa trên dân là dấu chỉ hiệp thông giữa dân và Chúa. Ngày nay, nhờ máu của Đức Ki-tô Thiên Chúa nối kết hiệp thông với toàn thể nhân loại. Việc tất cả các môn đệ cùng uống chung một chén máu Đức Giê-su mang lại cho họ không những sự hiệp thông với Chúa mà còn với nhau nữa. Cùng với việc chia sẻ cùng một tấm bánh, là mình Đức Ki-tô họ được hiệp thông với Đức Ki-tô và với nhau một cách trọn vẹn. Bí tích Thánh Thể tái hiện Hy Tế Thánh Giá Của Đức Ki-tô, mang đến ơn tha thứ tội lỗi và cứu độ cho con người. Qua Bí Tích Thánh Thể, Thiên Chúa lại tái lập Giao Ước hiệp thông với dân người là nhân loại, một giao ước vĩnh cửu. Việc tham dự Bí Tích Mình và Máu Chúa đặc biệt là phần Hiệp Lễ làm cho người ta trở nên một với Chúa và trở nên một với nhau. Tuy nhiên, lý tưởng đó dường như còn xa vời, bởi nhiều khi người ta chỉ lãnh nhận Chúa cho riêng mình mà quên đi chiều kích “nên một” nơi bí tích Thánh Thể. Hơn nữa bí tích Thánh Thể cũng là dấu chỉ của sự trao ban. Đức Ki-tô đã trao ban thân mình và máu mình cho muôn người. Điều dường như nghịch lý trong tình yêu là càng trao ban thì càng giàu có, và càng trao ban thì càng lãnh nhận, và càng trao ban thì càng “nên một”. Thánh Gioan không có tường thuật về việc lập bí tích Thánh Thể, nhưng ông lại ghi lai một diễn từ hết sức ý nghĩa và quan trọng về bí tích này. Trong diễn từ “Bánh Hằng Sống”, Đức Giê-su đã cho thấy sự cần kíp của việc phải “ăn thịt Chúa” và “uống máu Chúa”: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì có sự sống đời đời, và tôi sẽ cho người ấy chỗi dậy trong ngày sau hết” (Ga 6,54); “ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Chiều kích cứu độ, sự sống vĩnh cửu và sự hiệp thông nên một rõ ràng là những chiều kích nỗi bật của bí tích Tình Yêu này. Qua việc lập bí tích Thánh Thể Đức Giê-su vừa báo trước Hy Tế Thánh Giá mà Người sẽ hiến dâng. Đồng thời Người nâng cấp Giao Ước Sinai thành bản “mới” và có hạn sử dụng “vĩnh cửu”, đặc biệt là bản này không giới hạn người dùng: cho “tất cả mọi người”. Bản Giao Ước nâng cấp này có giá trị bằng chính mạng sống của Người: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1 Cr 11,24; Lc 22,19). Để “ký kết” bản Giao Ước này, Người đã phải đổ máu ra hết: “Này là máu Thầy, Máu Giao Ước được đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24; Cf.Ga 19,34).

Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1] R.F. Collins, “First Corinthians”, The Paulist Commentary (ed. J.E.A. Chiu et al.) (New York 2018) 1291.

[2] Xem thêm về “Lễ Bánh Không Men”, Dictionary of Jesus and the Gospels (Ed. J.B. Green) (Nottingham 2013) 273.

[3] Xem thêm về “Lễ Vượt Qua”, Dictionary of Jesus and the Gospels, 273.

[4] Luca cho biết là Hằng Năm Đức Giê-su đều lên Giê-ru-sa-lem, trong bối cảnh Luca trình bày sự kiện Đức Giê-su “bị lạc” cha mẹ, ở lại trong đền thờ, ngồi giữa “các thầy dạy, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi” (Lc 2,41-49). Tuy vậy, đây là thời gian Đức Giê-su còn ở với cha mẹ tại Na-gia-rét. Chúng ta cũng có thể phỏng đoán rằng, Đức Giê-su vẫn tiếp tục thói quen ấy, mỗi năm lên Giê-ru-sa-lem một lần, như những người Do Thái đạo Đức. Thế nhưng, Gioan có điểm nhấn về 3 lần Lễ Vượt qua, trong khi các Tin Mừng Nhất Lãm thì không đề cập.

[6] Xem B.M. Bokser, The Anchor Dictionary (D.N. Freedman et Al. eds.) (New York – London – Tornto – Syned – Auckland 1992) VI Si-Z, “Unleavened Bread and Passover, Feast of.”,755-765; G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 37.

[7] Dictionary of Jesus and the Gospels (Ed. J.B. Green) (Nottingham 2013) 41,54,410.

[8] J.E.A. Chiu, “Mark”, The Paulist Commentary (ed. J.E.A. Chiu et al.) (New York 2018) 1019.

[9] J. Marcus, Mark 8–16: A New Translation with Introduction and Commentary (AnYB; New Haven – London 2009) 27A, 964.

[10] J. Marcus, Mark 8–16: A New Translation with Introduction and Commentary (AnYB; New Haven – London 2009) 27A, 958.

[11] Bốn câu hỏi nhằm lý giải cho sự khác biệt của đêm nay so với tất cả những đêm khác: (1) Đối với những đêm khác chúng ta ăn hoặc bánh có men hoặc bánh không men, tại sao trong đêm nay chỉ có bánh không men? (2) Trong những đêm khác chúng ta ăn tất cả các loại rau, tại sao đêm nay chỉ có rau đắng? (3) Vào tất cả những đêm khác chúng ta không cần chấm rau dù chỉ một lần, tại sao đêm nay chúng ta chấm rau đắng hai lần? (4) Vào tất cả những đêm khác chúng ta ngồi hoặc nằm ăn, tại sao tối nay tất cả chúng ta nằm quay quần?

[12] J.E.A. Chiu, “Mark”, 1019.

[14] J.E.A. Chiu, “Mark”, 1020.

[15] J. Marcus, Mark 8–16: A New Translation with Introduction and Commentary, 959; D. Mangum, (ed.), Lexham Context Commentary: New Testament (LCC; Bellingham 2020) Mk 14:22-25.

[16] “Đến ngày thứ ba, ngay từ sáng, có sấm chớp, mây mù dày đặc trên núi, và có tiếng tù và thổi rất mạnh. Toàn dân trong trại đều run sợ.17 Ông Mô-sê đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa; họ đứng dưới chân núi. Cả núi Xi-nai nghi ngút khói, vì ĐỨC CHÚA ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh. Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Mô-sê nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm. ĐỨC CHÚA ngự xuống trên núi Xi-nai, trên đỉnh núi.” (Xh 19,16-20).

[17] Ông Mô-sê xuống thuật lại cho dân mọi lời của ĐỨC CHÚA và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: “Mọi lời ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành.” Ông Mô-sê chép lại mọi lời của ĐỨC CHÚA. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ít-ra-en. Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế ĐỨC CHÚA. Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.” Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em, dựa trên những lời này.” (Xh 24,3-8).

1 comment:

  1. Công phu nghiên cứu quá anh ơi, chắc phải lấy nhíp mà gắp từng chữ bỏ vào cẩn thận mới khớp với khuôn khổ hàn lâm này, nhưng em phân vân không biết bên Do Thái giáo họ có khái niệm về ơn linh hứng hay không? Nếu có thì họ nói gì về Tân Ước của Ki-tô giáo, nếu không thì ơn linh hứng bên Ki-tô giáo nói gì về Cựu Ước?

    ReplyDelete