Thursday, 10 June 2021

SỰ TỰ PHÁT TỰ SINH VÀ SỨC MẠNH CỦA HẠT GIỐNG “LỜI”. Chú giải Tin Mừng CN XI TN B (Mc 4,26-29.30-32.33-34)

Bản văn và dịch sát nghĩa Mc 4,26-34

Hy Lạp

Việt

26 Καὶ ἔλεγεν· οὕτως ἐστὶν ἡ βασιλεία τοῦ θεοῦ ὡς ἄνθρωπος βάλῃ τὸν σπόρον ἐπὶ τῆς γῆς

 27 καὶ καθεύδῃ καὶ ἐγείρηται νύκτα καὶ ἡμέραν, καὶ ὁ σπόρος βλαστᾷ καὶ μηκύνηται ὡς οὐκ οἶδεν αὐτός.

 28 αὐτομάτη ἡ γῆ καρποφορεῖ, πρῶτον χόρτον εἶτα στάχυν εἶτα πλήρη[ς] σῖτον ἐν τῷ στάχυϊ.

 29 ὅταν δὲ παραδοῖ ὁ καρπός, εὐθὺς ἀποστέλλει τὸ δρέπανον, ὅτι παρέστηκεν ὁ θερισμός.

 30 Καὶ ἔλεγεν· πῶς ὁμοιώσωμεν τὴν βασιλείαν τοῦ θεοῦ ἢ ἐν τίνι αὐτὴν παραβολῇ θῶμεν;

 31 ὡς κόκκῳ σινάπεως, ὃς ὅταν σπαρῇ ἐπὶ τῆς γῆς, μικρότερον ὂν πάντων τῶν σπερμάτων τῶν ἐπὶ τῆς γῆς,

 32 καὶ ὅταν σπαρῇ, ἀναβαίνει καὶ γίνεται μεῖζον πάντων τῶν λαχάνων καὶ ποιεῖ κλάδους μεγάλους, ὥστε δύνασθαι ὑπὸ τὴν σκιὰν αὐτοῦ τὰ πετεινὰ τοῦ οὐρανοῦ κατασκηνοῦν.

 33 Καὶ τοιαύταις παραβολαῖς πολλαῖς ἐλάλει αὐτοῖς τὸν λόγον καθὼς ἠδύναντο ἀκούειν·

 34 χωρὶς δὲ παραβολῆς οὐκ ἐλάλει αὐτοῖς, κατ᾽ ἰδίαν δὲ τοῖς ἰδίοις μαθηταῖς ἐπέλυεν πάντα.

 (Mk. 4:26-34 BGT)

26 và Người nói, vậy, Nước Thiên Chúa giống như một người đàn ông quăng hạt giống trên đất

27 và anh ta ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống nảy mầm phát triển như anh ta không biết.

28 Đất tự nó sinh hoa trái, đầu tiên là cây, rồi đến tai lúa rồi đến hạt đầy đủ trong tai lúa’

29 Khi hoa trái đã cho, ngay lập tức anh tra liềm, bởi vì vụ mùa đã đến

30 và Người nói: ‘chúng ta so sánh Nước Thiên Chúa thế nào đây hoặc là đặt dụ ngôn nào trong nó?’

31 giống như hạt giống cây cải, hạt mà khi được gieo trên đất, nhỏ nhất so với tất cả các hạt khác trên mặt đất.

32 nhưng khi nó được gieo, nó lớn lên và trở nên lớn hơn tất cả các loại cây rau và tạo thành các cành cây lớn, để mà chim trời có thể ở dưới tán của nó.

33 và với nhiều dụ ngôn như thế với Người nói lời cho họ theo như họ có thể nghe.

34 Người không nói điều gì cho họ mà không dùng dụ ngôn, nhưng Người giải thích tất cả cho các môn đệ của Người khi [họ] ở riêng [với Người]


Bối cảnh bản văn: Mc 4,26-34 nằm trong phần những bài giảng bằng dụ ngôn liên quan đến chủ đề Nước Thiên Chúa (4,1-34). Đoạn này bao gồm hai du ngôn và phần kết của phần các bài giảng dụ ngôn về Nước Trời. Dụ ngôn thứ nhất là dụ ngôn về hạt giống tự mọc lên (4,26-29). Dụ ngôn này chỉ có trong Tin Mừng Máccô. Dụ ngôn thứ hai là “dụ ngôn hạt cải” (4,30-32). Dụ ngôn này được cả 3 Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại (Mt 13,31-32; Lc 13,18-19). Phần kết nói về thói quen Đức Giêsu luôn dụ ngôn để giảng và thường giải thích tất cả cho các môn đệ khi họ ở riêng với nhau (4,33-34). Phần kết này chỉ có trong Máccô và Mátthêu (Mt 13,14). Trước phần này, vào đầu chương 4, là một dụ ngôn nổi tiếng hơn. Đó là “dụ ngôn người gieo giống” (4,1-9; Mt 13,1-9; Lc 8,4-8). Tiếp theo sau đó là phần giải thích lý do tại sao Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà giảng dạy (Mc 4,10-12; Mt 13,10-15; Lc 8,9-10). Tiếp theo phần giải thích lý do này là phần giải nghĩa ‘dụ ngôn người gieo giống” (Mc 4,13-20; Mt 13,18-23; Lc 8,11-15).

Như vậy, trong bối cảnh chung của Tin Mừng Nhất Lãm, Mc 4,26-34 cùng trình bày dụ ngôn liên quan đến Nước Thiên Chúa. Trong bối cảnh của Tin Mừng Máccô và Mátthêu, chủ đề các dụ ngôn về Nước Thiên Chúa (theo Mt là Nước Trời) là sự triển khai và giải thích lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu: “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần, hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15; Mt 4,17). Dĩ nhiên, chủ đề này còn liên kết với nhiều đoạn khác trong Tin Mừng Máccô, hoặc Tin Mừng Nhất Lãm với cùng chủ đề. Máccô nhắc đến chủ đề này lần cuối cùng trong trình thuật về việc an táng Đức Giêsu: “Ông Giuse Arimathêa, một thành viên đáng kính trọng của Thượng hội đồng, là người thiết tha trông chờ Nước Thiên Chúa, đã đến cùng Philatô và xin xác Đức Giêsu” (Mc 15,31). Tương tự Máccô, Luca cũng nói về Nước Thiên Chúa lần cuối trong khi giới thiệu về Giuse Arimathêa (Lc 23,51). Chủ đề về “lời” (Người nói ‘lời’) trong phần kết luận bài giảng về dụ ngôn (Mc 4,33-34) cũng là một chủ đề khá phổ biến trong Máccô (Mc 1,45; 2,20) và đặc biệt được nhắc đến cách dày đặc trong chương 4 này (đến 8 lần: 4,14.15.16.17.18.19.20.33).

Cấu trúc bản văn

Đoạn Mc 4,26-34 được gom từ 3 đoạn nhỏ khác nhau: Mc 4,26-29; Mc 4,30-32 và Mc 4,33-34. Hai dụ ngôn có cấu trúc tương tự gồm hai phần: (1) phần dẫn nhập: Nước Thiên Chúa giống …; (2) Diễn giải dụ ngôn chi tiết. Dụ ngôn thứ nhất gồm những thành phần song song với nhau giữa các hành động của người gieo và hạt giống. Cấu trúc dường như diễn tả “đường ai nấy đi” của người gieo và hạt giống. Chỉ có hai hành động của người gieo có tác động đến hạt giống là: (i) gieo; (ii) thu hoạch. Còn những hoạt động còn lại một quá trình dài từ sinh mầm đến sinh trái, người gieo dường như không can thiệp gì. Dụ ngôn thứ hai cũng gồm 3 thành phần song song với nhau theo bậc cấp. Hai thành phần (A) và (A’) là hai hình ảnh trái ngược nhau: (i) nhỏ nhất; (ii) lớn hơn tất cả. Hình ảnh (A’’): chim trời sống dưới tán cây vừa diễn tả sống động sự lớn mạnh của cây cải vừa diễn tả hiệu quả tích cực, ích lợi của hạt giống cây cải. Ngược với hạt giống trên kia, cây cải không sinh hoa trái, không cho vụ mùa nhưng lại làm nơi trú ngụ cho chim trời.

Mc 4,26-29

Dụ ngôn hạt giống tự phát triển

Dẫn Nhập: Giới thiệu người gieo và hạt giống

(A) Người gieo: Ngủ hay thức, đêm hay ngày (4,27a)

(B) Hạt giống: Nảy mầm phát triển (4,27b)

(A’) Người gieo: Không biết (4,27c)

(B’) Hạt giống: Sự phát triển: cây – tai lúa – hạt lúa (4,28)

(A’’) Người gieo: Thu hoạch (4,29)

Mc 4,30-32

Dụ ngôn hạt cải

Dẫn Nhập: Giống như hạt giống cây cải (4,31a)

(A) Nhỏ nhất so với tất cả các hạt khác (4,31b)

(A’) Trở nên lớn hơn tất cả các loại cây rau (4,32a)

(A’’) Chim trời có thể ở dưới tán của nó (4,32b)

Mc 4,33-34

Kết luận

Về dụ ngôn

(A) Nói lời tất cả bằng dụ ngôn (4,33)

(A’) Không nói điều gì không dùng dụ ngôn (4,34a)

(A’’) Giải thích tất cả cho các môn đệ (4,34b)

 Một số điểm chú giải

1.     Nước Thiên Chúa: Câu dẫn nhập “như vậy Nước Thiên Chúa giống như…” cho thấy ý hướng chủ đạo của toàn bộ dụ ngôn. Tất cả nội dung chi tiết phía sau câu này là minh giải cho chủ đề Nước Thiên Chúa. Đây là chủ đề trọng yếu trong những bài giảng của Đức Giêsu. Thật vậy, lời công bố Tin Mừng đầu tiên và là câu chủ đề cho toàn bộ sứ điệp Tin Mừng của Người là: “Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Một độc giả hoặc một thín giả để tâm sau khi nghe lời “mời gọi” này sẽ thắc mắc ngay rằng: “Thời kỳ” nào vậy? “đã mãn” có nghĩa là gì? thế nào là “hoán cải”? “Tin Mừng” là gì vậy? hay “Nước Thiên Chúa” là gì? Độc giả và thín giả sẽ chờ đợi người rao giảng trả lời, giải thích cho những ý niệm này. Đức Giêsu, quả thực đã làm như thế. Theo dõi toàn bộ sách Tin Mừng độc giả sẽ lần lượt hiểu được những thông điệp ấy. Một trong những cách Người giải thích khái niệm “Nước Thiên Chúa” là Người kể những dụ ngôn. Trong chương 4 của Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu kể tất cả 3 dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Xem ra, dụ ngôn “người gieo giống” có phần quan trọng hơn vì nó chiếm thời gian nhiều hơn (Mc 4,3-9) và được giải nghĩa một cách chi tiết (Mc 4,13-20). Danh từ “ἡ βασιλεία” trong tiếng Hy Lạp vừa có nghĩa là vương quốc (một nơi chốn, một lãnh địa nơi mà đức vua cai trị), vừa có nghĩa là triều đại (khoảng thời gian cai trị của một đức vua). Sự rao giảng về vương quốc (triều đại) Thiên Chúa chung chung được chấp nhận như là trọng tâm của lời rao giảng của Đức Giêsu. Thánh Kinh Cựu Ước tuy không dùng khái niệm “nước Thiên Chúa”, nhưng ý niệm Đức Chúa là vua lại được nhấn mạnh trong suốt lịch sử (Xh 15,11-13.18; Ds 23,21-23; Tv 2; 72; 89; 110; 145,11-12- những thánh vịnh hoàng gia; Tv 95-100 – có thể là Thánh Vịnh đăng quang) cũng như vào thời kỳ lịch sử đã mãn khi sự cai trị của Thiên Chúa sẽ được thiết lập (Mc 2,12-13; 4,5-7; Is 44,1-8; Dcr 9.9-11; Dn 2,44; 7, 11-14).[1] Máccô và Luca dùng danh xưng “Nước Thiên Chúa”, trong khi đó Mátthêu dùng cả hai danh xưng “Nước Thiên Chúa” và “Nước Trời”. Tuy nhiên, Mátthêu ưa chuộng dùng danh xưng “Nước Trời” hơn (32 lần) so với “Nước Thiên Chúa” (chỉ có 5 lần).

2.     Người gieo hạt giống: Phần dẫn nhập giới thiệu cho độc giả hai nhân vật chính của dụ ngôn: “Người gieo giống” và “hạt giống”. Tiếp theo sau đó, độc giả sẽ chờ xem những hoạt động của hai nhân vật này. Phần dẫn nhập này cho thấy “người gieo giống” đóng vai trò chủ động. Anh ta vãi hạt giống xuống đất, còn hạt giống trong vai trò bị động, được vãi xuống đất.

3.     Nảy mầm và lớn lên: Đây là hai hoạt động đầu tiên và mạnh mẽ của hạt giống được gieo. Nó tự nảy mầm, đùn đất, mọc lên và phát triển. Đây là một quá trình phát triển hết sức tự nhiên của hạt giống. Dĩ nhiên, có những yếu tố như là độ ẩm và nước nữa nhưng chúng không được đề cập ở đây. Sức mạnh, sức sống tự nhiên của hạt giống chính là yếu tố được nhấn mạnh trong dụ ngôn này.

4.     Thức hay ngủ… và không biết: Những hoạt động tiếp theo của “người gieo” là: Thức, ngủ và không biết. Những hoạt động của anh ta song song với những hoạt động của hạt giống trong cấu trúc của đoạn văn. Những hoạt động của hạt giống như được lồng vào giữa những hoạt động của anh ta: “Anh ta ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống mọc lênphát triển thế nào, anh ta không biết”. Tuy nhiên, dường như những hoạt động của anh ta chẳng ăn nhằm gì, chẳng ảnh hưởng gì đến, hai hoạt động của hạt giống. Hai yếu tố về thời gian “đêm hay ngày” được thêm vào nhằm nhấn mạnh thêm sự tự nhiên của hạt giống. Yếu tố thời gian dường như cũng không ảnh hưởng gì. Cũng như người gieo giống, mặt trời ngủ hay mặt trời thức dậy thì kệ mặt trời, hạt giống cứ thế mọc lên.

5.     Tự nó (sinh hoa trái) (αὐτομάτη): Tính từ αὐτόματος” (tự động) bổ nghĩa cho danh từ đất (ἡ γῆ) được đặt ngay đầu câu nhằm nhấn mạnh tính tự mình, tự động của đất. Động từ “sinh hoa trái” được dùng ở thì hiện tại “καρποφορεῖ” với chủ từ là đất, càng nhấn mạnh tính chất tự nhiên, sự thật luôn luôn, của việc “đất tự mình sinh hoa trái”. Dĩ nhiên, theo mạch văn, hoa trái ở đây là hoa trái từ hạt giống mà “người gieo” đã gieo chứ không phải từ đất. Cách nói “đất tự nó sinh hoa trái”, càng nhấn mạnh thêm sự không liên quan của “người gieo” trong tiến trình này. Tác giả K. Snodgrass cho rằng. Tính từ “automate” là một từ then chốt để hiểu dụ ngôn. “Tính tự động của đất” tạo ra sự phát triển của hạt giống. Trong khi tính thụ động của “người gieo” không được nhấn mạnh, tính từ này nhấn mạnh rằng sự phát triển diễn ra ngoài sự can thiệp của “người gieo”.[2]

6.     “đầu tiên là cây, rồi đến tai bông lúa rồi đến hạt đầy đủ trong tai bông lúa”. Nói nôm na cho dễ hiểu theo bản dịch của nhóm CGKPV là: “trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt”; hay là theo dịch giả Nguyễn Thế Thuấn: “Trước tiên thành mạ, rồi thành đòng đòng, rồi thành lúa chắc nơi gié”. Nói chung, đây là cách mô tả quá trình phát triển của một cây lúa mạch từ lúc nẩy mầm cho đến lúc sinh bông hạt. Điều quan trọng là chuỗi tiến triển này của cây lúa là hoàn toàn tự nhiên theo cách diễn tả của tác giả dụ ngôn.

7.     Tra liềm: Sau khi mô tả sự phát triển một cách tự nhiên của hạt giống, người gieo được mô tả trở lại trong tư thế người thu hoạch. Tra liềm là một cách thức thu hoạch thủ công của người dân Trung Cận Đông thuở xưa.

8.     “Khi hoa trái cho … vì mùa gặt đã đến”: Hoạt động của “người gieo” được lồng vào giữa hoạt động của hạt giống và yếu tố thời gian:  Khi hoa trái sinh ra, anh ta tra liềm, bởi vì mùa gặt đã đến. Một lần nữa hoạt động của hạt giống và yếu tố vụ mùa lại đến hết sức tự nhiên. “Người gieo” hoàn toàn không quyết định hay ảnh hưởng đến chúng. Việc của anh ta từ đầu đến cuối là gieo và thu hoạch. Danh từ “mùa gặt”, mùa thu hoạch ở đây gợi nhớ đến sứ vụ truyền giáo được nói đến trong Tin Mừng Mátthêu: “Mùa gặt thì dồi dào mà người lao động thì ít, vậy anh em hãy sai Chúa của mùa gặt sai những người lao động vào vụ mùa của Người” (Mt 9,37-38; Lc 10,2). “Mùa gặt” cũng có thể ám chỉ đến thời cánh chung như Đức Giêsu đã từng giải thích trong dụ ngôn “cỏ lùng”: “Kẻ thù, kẻ đã gieo cỏ lùng là ma quỷ, mùa gặt là tận thế và các thợ gặt là các thiên thần” (Mt 13,39).

9.     Hạt giống cây cải nhỏ nhất? Theo một tác giả nữ người Do Thái A-J. Levine, người đã có công nghiên cứu về các dụ ngôn của Đức Giêsu, hạt cải không phải là hạt nhỏ nhất. Bà cho rằng hạt cây hoa lan và hạt cây bách còn nhỏ hơn nữa. Hơn nữa, những hạt cải không phát triển thành những cây to. Bà cho rằng các chuyên gia cho rằng giống cải Đức Giêsu muốn nói có thể là “cải đen” (brassica nigra). Giống này có thể phát triển chiều cao đến khoảng trên dưới 3 mét.[3] Nếu như thế, thì quả là cao nhất trong các loại cây rau. Bà cũng trích dẫn một số cách giải thích của một số tác giả. Hạt cải là nhỏ nhất trong một khu vực gieo trồng nhất định, như là trong những vườn rau chẳng hạn, chứ không phải nói chung tất cả mọi nơi. Cách lý giải khác là hạt cải có thể là nhỏ nhất trên đất Ítrael thời Chúa Giêsu. Có tác giả giải thích theo đặc điểm văn phạm Hy Lạp. Tính từ so sánh nhất “mikroteron” (nhỏ nhất) có thể được hiểu là “nhỏ hơn”. [4] Ngoài dụ ngôn hạt cải, Mátthêu và Luca còn đề cập đến việc Đức Giêsu dùng hạt cải để so sánh đức tin của các môn đệ: “Tôi bảo thật anh em: “Nếu anh em có đức tin bằng hạt cải thì anh em có thể nói với núi này ‘dời qua bên kia mà mọc’ nó sẽ nghe lời anh em, không có gì là không thể đối với anh em” (Mt 17,20; Lc17,6). Điều này chứng tỏ rằng Đức Giêsu xem hạt cải như là hạt nhỏ nhất.

10.  Lớn hơn trong các loại cây rau: Nghịch lý của tự nhiên diễn ra ở cây cải này: nhỏ nhất trở thành lớn nhất. Máccô đã thêm vào một chi tiết để diễn tả sự lớn nhất và chuẩn bị cho chi tiết phía sau đó. Đó là việc nó sinh những cành to. Những cành to vừa chứng tỏ nó lớn nhất vừa cho thấy nó có khả năng cho chim trời sống dưới tán cây của nó. Khác với Máccô, Mátthêu không nói là “nó sinh những cành to nhưng là “nó trở thành một cây” và “chim trời trú ngụ trên những cành cây” (Mt 4,30-32). Luca không nói gì đến sự phát triển từ hạt nhỏ đến cây lớn nhất. Ông chỉ nói là nó trở thành một cây và những con chim trời trú ngụ trên những nhánh của nó (tương tự như Mátthêu) (Lc 13,18-19).

11.  Chim trời: Hình ảnh chim trời được nhắc đến đúng hai lần trong Tin Mừng Máccô. Lần đầu tiên trong dụ ngôn người gieo giống. Trong dụ ngôn đó, hành động của chim trời có vẻ tiêu cực: “Nó đến và ăn hạt giống rơi bên vệ đường” (Mc 4,4). Ở dụ ngôn này vai trò chim trời chỉ nhằm minh chứng cho sự to lớn của cây cải. Đây dường như là chứng cứ cuối cùng và thuyết phục nhất về sự to lớn của cây cải. Sự đề cập đến chim trời và sự trú ngụ của nó cũng dường như gợi nhớ đến hình ảnh trong sách Êdêkiel: “Trên núi cao của Ítrael, tôi sẽ trồng nó, để nó có thể sinh cành và sinh trái, và trở nên cây tùng cao quý. Dưới nó mọi giống chim có thể ở. Trong bóng của nhánh cây của nó những loài có cánh sẽ làm tổ” (Ed 17,23). Nếu thế, Nước Chúa như là một Ítrael được khôi phục, nơi mà thậm chí dân ngoại cũng có thể tìm chỗ trú thân.[5]

12.  Nói lời: Máccô sử dụng danh từ “lời” với mạo từ xác định 12 lần, trong đó có 9 lần trong chương 4, còn 3 lần còn lại ngoài chương 4. Trong 9 lần của chương 4, thì hết 8 lần được dùng trong phần giải nghĩa “dụ ngôn người gieo giống”. Hạt giống mà người gieo giống gieo, chính là “lời”: Người gieo giống gieo “lời” (4,15). Nội dung mà Đức Giêsu rao giảng cũng chính là “lời”: “Với những dụ ngôn như thế, Người nói “lời” cho họ như họ có thể nghe (4,33). Trước đó, khi giảng dạy tại Caphácnaum, Người cũng đã “nói lời” cho nhiều người, trước khi chữa lành “người bại liệt có bốn người khiêng” (Mc 2,2-12). Nói “lời” chính là sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu. “Lời” có thể là cách nói ngắn gọn của tất cả các loại thông điệp Tin Mừng mà Đức Giêsu gửi đến cho dân chúng.

13.  Bằng dụ ngôn: Phần tổng kết cho thấy rằng Người nói “lời” tất cả bằng dụ ngôn, và Người giải thích hết cho các môn đệ khi họ ở riêng. Điều này đã chứng minh trong phần giải nghĩa dụ ngôn người gieo giống: “Khi Người có một mình, những kẻ theo Người làm một cùng với nhóm Mười Hai mới hỏi Người về dụ ngôn, và Người giải thích cho họ” (Mc 4,10). Trước khi giải thích dụ ngôn Người gieo giống, Người nói lý do tại sao Người lại dùng dụ ngôn để giảng: “Phần anh em đã được ban cho mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn mọi sự chỉ ban cho những kẻ ở ngoài bằng dụ ngôn để mỗi khi nhìn, họ nhìn mà không thấy, mỗi khi nghe, họ nghe mà không hiểu, kẻo họ trở lại mà được thứ tha” (Mc 4,11-12). Đây là một đoạn khó hiểu. Đức Giêsu dùng bối cảnh của Is 6,9-10 để lý giải cho việc nhiều người trong dân thánh đã không đón nhận lời của Người giống như không đáp trả lời của ngôn sứ Isaiah. Is 6,9-10 đã cho thấy sự thất bại trong sứ vụ rao giảng của Isaiah. Dân chúng trở nên cứng lòng. Thậm chí, lời của ngôn sứ làm cho họ cứng lòng hơn. Dường như là vô nghĩa khi rao giảng cho một người cứng lòng. Nó như thể là đưa một cuốn sách cho người không thể đọc (Is 29,11-12). Lời giảng chỉ hiệu quả cho những ai đón nhận Thánh Thần của Chúa và học để thấy.[6]

Bình luận tổng quát

Dụ ngôn “hạt giống tự mọc lên và sinh hoa trái” (Mc 4,26-29) có lẽ là một sự bổ sung hoàn hảo cho dụ ngôn “Người gieo giống” (4,1-9.13-20) và với dụ ngôn hạt cải nữa.[7] Có những yếu tố chung như hạt giống, người gieo, hành động gieo, và đất. Dụ ngôn người gieo giống có vẻ nhấn mạnh đến ảnh hưởng của phẩm chất của đất trồng trong việc sinh hoa trái. Hạt giống chỉ sinh hoa kết quả: ‘Hạt thì được 30, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm’ trên mảnh đất có phẩm chất tốt mà thôi (Mc 4,9). Tương ứng với những người “nghe lời và đón nhận” rồi sinh hoa kết quả, kẻ được ba mươi, kẻ được sáu mươi, và người thì một trăm (Mc 4,20). Dụ ngôn “hạt giống tự mọc lên và sinh hoa trái” không nhấn mạnh đến tình trạng của đất mà chỉ nhấn mạnh đến sự tự nhiên “sản xuất” của đất. Trên hết là sức mạnh, và sự tự nhiên sinh mầm, lớn lên, cho hoa trái của chính hạt giống. “Người gieo” có vai trò gieo, nhưng anh ta chẳng tác động gì trên toàn bộ quá trình mọc lên, phát triển và sinh hoa trái của chính hạt giống. Nói như kiểu J. Chiu thì, “Nước Chúa là công trình của Chúa, không phải là thành quả của nhân loại”.[8] Ông thừa nhận sự cộng tác của con người nhưng họ không phải là nhân tố quyết định của sự hiển trị của Nước Thiên Chúa. Nói hạt giống tự nó mọc lên là nhấn mạnh đến vai trò của Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa cứ hiện diện và phát triển thậm chí người gieo không hiểu được tính chất nhiệm mầu của nó. Dẫu vậy, họ được mời gọi tin tưởng vào sự quan phòng của Người trên sự phát triển nhiệm mầu của Nước Thiên Chúa.[9] Hạt giống ở đây rõ ràng là “lời” theo như Đức Giêsu giải thích (‘Người gieo giống đi gieo lời’: Mc 4,14). Trong bối cảnh cộng đoàn chia năm sẻ bảy, gom nhóm, Thánh Phaolô cũng diễn tả tư tưởng này trong thư thứ nhất Côrintô: “Tôi trồng, Apôlô tưới nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì vậy, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, chỉ có Thiên Chúa Đấng cho mọc lên mới là đáng kể” (1 Cr 3,6-7). Dụ ngôn này không có ý phủ nhận vai trò đóng góp của từng mảnh đất tâm hồn khi đón nhận hạt giống Lời Chúa. Dụ ngôn chỉ muốn nhấn mạnh vị trí tối cao, ưu việt của, tính tiên quyết của hạt giống Lời. Lời có thể làm thay đổi lòng người, mọc lên trong lòng người một cách tự nhiên. Sự đóng góp của mảnh đất lòng người sẽ cộng tác không nhỏ trong việc phát triển của hạt giống “lời” và tính bội thu của vụ mùa. Dụ ngôn này sẽ tròn đầy ý nghĩa khi đọc song song cùng với dụ ngôn “người gieo giống”. Nó có thể bổ sung cho ý nghĩ rằng mảnh đất tâm hồn có tính quyết định tiên quyết trên sự nảy mầm và phát triển của hạt giống. Sức mạnh, sự nảy mầm tự nhiên, phát triển và sinh hoa trái hệ tại chính yếu ở hạt giống. Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi sự thiện hảo. Hạt giống Lời của Người có sức nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa trái một cách tự nhiên. Mảnh đất tâm hồn, tốt hay xấu, là phần cộng tác không thể thiếu từ phía con người vì “lời” là cho con người và vì con người. Họ có tự do cộng tác, nuôi dưỡng, chăm chút, để tâm để lòng yêu mến thì “lời” sẽ phát triển tròn đầy trong họ và sinh hoa trái cho chính họ.

Dụ ngôn hạt cải nhấn mạnh đến một khía cạnh khác của hạt giống “lời”. Hạt giống “lời” tuy nhỏ, nhiều khi là nhỏ nhất trước mặt người đời. Hạt giống “lời” vốn mầu nhiệm. Nhiều lúc không thể nhìn thấy đối với những kẻ cứng lòng. Thế nhưng, sức phát triển, sự lớn mạnh của hạt giống ấy là vô hạn. Những cành cây, những tán cây to bự đó có thể nói đến khía cạnh Kitô học. Hạt giống “lời” khởi đi từ những ảnh hưởng nhỏ bé ở vùng Galilê bình thường, sức ảnh hưởng của những lời giảng của Đức Giêsu trải dài trên toàn thế giới.[10] Sự phát triển đó cũng có thể mang chiều kích cứu chuộc. Hạt giống “lời” nhỏ bé đã dấn đến sự cứu độ toàn cầu, phổ quát. Như đã nói trên, chim trời tượng trưng cho những quốc gia dân ngoại, đến trú ngụ trên những cành cây của giáo hội.[11] Có lẽ chiều kích Giáo Hội Học là chiều kích dể nhận ra nhất. Giáo hội bắt đầu từ cộng đoàn các môn đê, rồi đến các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai ở Giêrusalem, rồi đến Antiôkia, vùng Hy Lạp, Tiểu Á, Rôma, thủ đô của đế quốc Rôma. Đó là không gian địa lý diễn tả khái niệm “toàn thế giới” lúc bấy giờ. Bây giờ là “toàn thế giới” theo nghĩa là tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Đúng như lệnh truyền của Đức Giêsu: “Khi ra đi khắp tứ phương thiên hạ, anh em hãy loan báo Tin Mừng khắp mọi nơi cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Sự phát triển mạnh mẽ rộng khắp của hạt giống “lời” trong dụ ngôn “hạt cải” cũng có mối liên hệ chặt chẽ với dụ ngôn “men trong bột” (Mt 13,33; Lc 13,20-21), trong đó, nắm men của “lời” cũng làm “dậy” cả 3 thúng bột “thế gian”.

Trong cả hai dụ ngôn, “người gieo” đầu tiên chắc hẳn là Đức Giêsu. Người đã gieo “lời” trong toàn bộ sứ mạng rao giảng của Người. Một trong những mục đích gieo “lời” là để giải thích về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, vương quốc mà Người đã giới thiệu vào lúc khởi đầu sứ vụ và mời gọi mọi người chuẩn bị để bước vào. Nước Thiên Chúa trông như thế nào? Và làm thế nào để vào được Nước ấy? có lẽ là hai vấn đề căn bản mà Đức Giêsu muốn làm rõ. Sứ mạng của Người không kết thúc khi Người về trời nhưng được chuyển giao cho những người đã sẵn sàng đón nhận Nước Thiên Chúa. Đó là các Tông Đồ và tiếp theo các Tông Đồ là Giáo Hội hiền thê của Người. Cứ mỗi dụ ngôn, là mỗi khía cạnh của Nước Thiên Chúa được giải thích. Cặp dụ ngôn “hạt giống tự mọc lên” và “dụ ngôn hạt cải” nói đến hai tính chất quan trọng của hạt giống “lời”: (1) Sự tự động và tính quyết định nơi hạt giống “lời”; (2) Sự lớn mạnh cách phi thường và nhiệm mầu của hạt giống “lời”. Hạt giống ấy vẫn được gieo mỗi ngày bởi các ki-tô hữu và vẫn mọc lên, vẫn phát triển làm nơi trú ngụ cho muôn người, cho đến “mùa gặt”, là ngày tận thế. Sự phát triển của hạt giống “lời” không hệ tại ở cơ cấu, cấu trúc của một Giáo Hội cho bằng những giá trị Tin Mừng mà người tín hữu mang vào đời và thay đổi cuộc đời, giúp cho mọi người sống cách nhân văn theo thánh ý Chúa.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD.



[1] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 71.

[2] K.R. Snodgrass, Stories with Intent. A Comprehensive Guide to the Parables of Jesus (Grand Rapids 2008) 153.

[3] A. J. LEVINE, Short Stories by Jesus. The Enigmatic Parables of Controversial Rabbi (JNNT; New York 2015) 161.

[4] A. J. LEVINE, Short Stories, 162.

[5] J.E.A. Chiu, “Mark”, The Paulist Commentary (ed. J.E.A. Chiu et al.) (New York 2018) 988.

[6] J.E.A. Chiu, “Mark”, The Paulist Commentary (ed. J.E.A. Chiu et al.) (New York 2018) 973.

[7]K.R. Snodgrass claims that “Several scholars think this parable forms a pair with that of the Mustard Seed and makes the same point or at least a similar point.” [K.R. Snodgrass, Stories with Intent. A Comprehensive Guide to the Parables of Jesus (Grand Rapids 2008) 152].

[8] R. Bultmann, Theology of the New Testament (trans. Kendrick Grobel) (New York 1951) 8.

[9] J.E.A. Chiu, “Mark”, The Paulist Commentary, 988.

[10] A.J. Hultgren, The Parables of Jesus. A Commentary (Grand Rapids 2000) 401.

[11] E. Reid, Parables for Preachers,Year A (Collegeville 2001) 103.

No comments:

Post a Comment