Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp | Việt |
35 Καὶ λέγει αὐτοῖς ἐν ἐκείνῃ τῇ ἡμέρᾳ ὀψίας γενομένης· διέλθωμεν εἰς τὸ πέραν. 36 καὶ ἀφέντες τὸν ὄχλον παραλαμβάνουσιν αὐτὸν ὡς ἦν ἐν τῷ πλοίῳ, καὶ ἄλλα πλοῖα ἦν μετ᾽ αὐτοῦ. 37 καὶ γίνεται λαῖλαψ μεγάλη ἀνέμου καὶ τὰ κύματα ἐπέβαλλεν εἰς τὸ πλοῖον, ὥστε ἤδη γεμίζεσθαι τὸ πλοῖον. 38 καὶ αὐτὸς ἦν ἐν τῇ πρύμνῃ ἐπὶ τὸ προσκεφάλαιον καθεύδων. καὶ ἐγείρουσιν αὐτὸν καὶ λέγουσιν αὐτῷ· διδάσκαλε, οὐ μέλει σοι ὅτι ἀπολλύμεθα; 39 καὶ διεγερθεὶς ἐπετίμησεν τῷ ἀνέμῳ καὶ εἶπεν τῇ θαλάσσῃ· σιώπα, πεφίμωσο. καὶ ἐκόπασεν ὁ ἄνεμος καὶ ἐγένετο γαλήνη μεγάλη. 40 καὶ εἶπεν αὐτοῖς· τί δειλοί ἐστε; οὔπω ἔχετε πίστιν; 41 καὶ ἐφοβήθησαν φόβον μέγαν καὶ ἔλεγον πρὸς ἀλλήλους· τίς ἄρα οὗτός ἐστιν ὅτι καὶ ὁ ἄνεμος καὶ ἡ θάλασσα ὑπακούει αὐτῷ;
(Mk. 4:35-5:1 BGT)
| 35 Rồi trong ngày ấy, khi màn đêm buông xuống, Người nói cùng họ: ‘chúng ta hãy đi qua phía bên kia” 36 và sau khi rời bỏ đám đông, họ mang Người, như người đang là, lên một chiếc thuyền và những chiếc thuyền khác đang cùng với Người. 37 và một cơn lốc gió lớn xảy đến và sóng liên tục xô vào thuyền, kết quả là thuyền bị đầy [nước] rồi. 38 Người đang ở phía sau thuyền, đang ngủ trên gối. Họ đánh thức Người và nói cùng Người. Thầy ơi! Thầy không bận tâm sao chuyện chúng ta (rằng chúng tôi) chết mất? 39 Sau khi thức dậy, Người ngăm đe gió và nói cùng biển: “Im đi và lặng đi” và gió ngừng và một sự tĩnh lặng lớn xảy đến. 40 Rồi Người nói cùng họ: ‘Sao anh em lại hoảng sợ? Anh em chưa có lòng tin sao?’ 41 và họ sợ một nỗi sợ lớn và bắt đầu nói cùng nhau: ‘Người này là ai mà cả gió và biển phải nghe lệnh anh ta?’ |
Bối cảnh
bản văn
Mc 4,35-41 nằm trong phân đoạn
thứ nhất của Tin Mừng Máccô (Mc 1,4 – 8,21: Galilê). Tin Mừng Máccô có thể được
chia làm bốn phần:[1]
(i) Phần lời tựa (1,2-13); (ii) Phân đoạn thứ nhất: Galilê (1,14 – 8,21); (iii)
Phân đoạn thứ hai: Trên đường lên Jêrusalem (8,22 – 10,52); (iv) Phân đoạn thứ
ba: Jêrusalem (11,1 – 16,8). Trong bối cảnh trực tiếp, đoạn văn này nằm trong số
những đoạn văn nói về uy quyền độc nhất vô nhị của Đức Giêsu (4,35 – 5,43). Đoạn
văn này nên được bố trí nằm trong chương 5 thì hợp lý hơn. Cũng nên lưu ý rằng,
trong những bản chép tay bằng tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ gốc của các sách Tân Ước,
không hề có số chương hay số câu. Số chương chỉ được thêm vào từ năm 1226 bởi
linh mục Stephen Langton (sau làm TGM Canterbury). Năm 1551, Rober Estienne mới
chia các bản văn Tân Ước thành những câu nhỏ. Nói như thế để thấy rằng phần ngắt
chương của cha Stephen trong trường hợp này dường như không hợp lý. Chương 4
trình bày về loạt những dụ ngôn về Nước Thiên Chúa, trong khi đó Mc 4,35-41 lại
nói về Đức Giêsu dẹp yên biển động. Trong khi đó, chương 5 là loạt phép lạ trừ
quỷ (5,1-20) và chữa lành (5,21-43). Như vậy, Mc 4,35-41 nên là một phần của
chương 5. Tuy nhiên, J. Marcus cho rằng đoạn này cũng có thể nối kết chặt chẽ với
những trình thuật dụ ngôn về Nước Trời. Lý do mà ông đưa ra là: 4,1-34 diễn tả
quyền năng vương đế của Thiên Chúa, còn trình thuật này quy chiếu về quyền năng
của chính Đức Giêsu qua việc dẹp yên gió và sóng biển.[2] Tin
Mừng Máccô còn có một trình thuật khác nói về quyền năng trên thiên nhiên. Đó
là trình thuật Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ (Mc 6,45-52; Cf. Mt 14,22-33; Ga
6,16-21). Trong trình thuật này, các môn đệ cũng bị gió ngược làm khó trong việc
chèo chóng. Chỉ khi Đức Giêsu lên thuyền thì gió lặng. Các ông cũng cảm thấy
kinh ngạc về uy quyền của Đức Giêsu. Chủ đề quyền năng của Đức Giêsu trên thiên
nhiên, vũ trụ gợi nhớ đến cuộc tạo dựng trong sách Sáng Thế (1,1 – 2,4) và cuộc
vượt qua biển Sậy (Xh 14,16-31). Hình ảnh Đức Giêsu đồng hành trên thuyền cũng
gợi nhớ lại phép lạ “mẻ lưới đầy” (Lc 5,1-11). Mẻ lưới lạ lùng ấy đã giúp cho Đức
Giêsu thu phục bốn môn đệ đầu tiên: Phêrô, Anrê, Giacôbê, và Gioan. Chủ đề “yếu
đức tin” cũng là một chủ đề đáng để ý trong Tin Mừng Máccô. Trong trình thuật
này Đức Giêsu đặt vấn đền về đức tin của các môn đệ: “Anh em còn chưa có lòng
tin ư?” Khi các môn đệ không thể chữa được một người bị quỷ câm ám, Đức Giêsu lại
than thở rằng: “Ôi thế hệ kém lòng tin! Tôi còn phải ở với anh em thêm bao lâu
nữa?” (Mc 9,19; Cf. Lc 9,41). Sau Phục Sinh, Đức Giêsu cũng quở trách nhóm Mười
Một vì họ cứng lòng không chịu tin “vì họ không tin vào những người đã thấy Người
sau khi Người trỗi dậy” (Mc 16,14). Sự thiếu niềm tin của các môn đệ, có thể
nói là, kéo dài từ lúc theo Đức Giêsu cho đến lúc Người Phục Sinh. Ngoài ra, lời
Đức Giêsu ngăm đe gió và nói cùng biển tương tự như lời Người đã dùng để quát nạt
quỷ dữ trong trình thuật trừ quỷ: “Câm đi và xuất khỏi anh ta” (Mc 1,25). Cả thần ô uế và thiên nhiên dữ dằn được khuất
phục bởi lời của Đức Giêsu.
Một sự kiện theo cách trình thuật của 3 tác giả |
||
Mc 4,35-41 |
Mt 8,23-27 |
Lc 8,22-25 |
35 Rồi trong ngày ấy, khi màn đêm buông xuống, Người nói cùng họ: ‘chúng hãy đi
qua phía bên kia” 36 và sau khi rời bỏ đám đông, họ mang Người, như người đang là, lên một
chiếc thuyền và những chiếc
thuyền khác đang cùng với Người. 37 và cơn lốc gió lớn
từ mọi phía đến và sóng
cứ xô vào thuyền, kết quả là thuyền bị đầy [nước] rồi. 38 Người đang ở phía sau thuyền, đang ngủ trên gối. Họ đánh thức Người
và nói cùng Người. Thầy ơi! Thầy
không bận tâm sao? Vì chúng ta (rằng chúng tôi) chết mất? 39 sau khi thức dậy, Người ngăm đe gió và nói cùng biển:
“im đi và lặng đi” và gió ngừng và một sự tĩnh
lặng lớn đến. 40 Rồi Người nói cùng họ: ‘Sao anh em lại hoảng sợ? Anh em chưa có đức tin sao? 41 và họ sợ một nỗi sợ lớn và cứ nói cùng nhau: ‘Người này là ai mà cả gió và biển
phải nghe lệnh anh ta?’ |
23
Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người.24 Bỗng
nhiên, biển động mạnh
khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ.25 Các ông lại gần đánh thức Người và nói:
“Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết
mất!”26 Đức Giêsu nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng
tin!” Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. 27 Người
ta ngạc nhiên và nói: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” |
22 Một
ngày nọ, Đức Giêsu xuống thuyền với các môn đệ.
Người nói: “Chúng ta sang phía bên kia!” Rồi thầy trò ra khơi.23 Đang khi các ngài
đi thuyền, thì Đức Giêsu
thiếp ngủ. Một trận
cuồng phong ập xuống hồ; các ngài bị ngập nước và lâm nguy.24 Các
môn đệ lại gần đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, Thầy! Chúng ta chết mất!” Người
thức dậy, ngăm đe sóng
nước và gió, chúng liền ngừng và biển lặng ngay.25 Người bảo các
ông: “Đức tin anh em
ở đâu?” Các ông hoảng sợ, kinh ngạc và nói với nhau: “Vậy người này là
ai mà ra lệnh cho cả sóng và gió, và chúng phải
tuân lệnh?” |
Nhận xét: Ø Trong 3 tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, Mátthêu là
người trình bày sự kiện này ngắn hơn cả, Máccô trình bày chi tiết hơn cả. Ø Trong phần bối cảnh, Mátthêu không đề cập yếu tố
thời gian. Máccô và Luca có đề cập đến yếu tố thời gian. Tuy nhiên, thời gian
của Máccô cụ thể hơn: Ngày đó, lúc màn đêm buông xuống. Luca chỉ nói là vào một
ngày nọ. Ø Chỉ có Máccô và Luca ghi lại đề nghị: “Chúng ta
hãy qua bờ bên kia” (Mc 4,35; Lc 8,22). Trong Mátthêu, Đức Giêsu đi trước,
các môn đệ đi theo sau. Ngược lại Máccô nói rằng “họ mang người trong một chiếc
thuyền như Người đang là. Luca thì cho rằng: “Thầy trò cùng ra khơi”. Ø Máccô còn nhắc thêm chi tiết “các thuyền khác
cùng với Người”. Luca kể rằng Đức Giêsu thiếp ngủ, trong khi Mátthêu và Máccô
diễn tả một tình trạng ngủ chủ động hơn: Người đang ngủ (Mt); Người đang ở
phía sau thuyền và đang ngủ trên gối (Mc). Ø Chỉ có Luca và Máccô đề cập đến sự thiếu niềm
tin của các môn đệ, còn Mátthêu thì không có chi tiết này. |
Cấu trúc[3]
Bản văn gồm có phần bối cảnh
giới thiệu về thời gian (trời tối); không gian (Mặt biển hồ Galilê; và nhân vật
(Đức Giêsu và các môn đệ). Cấu trúc chính gồm có 5 tiểu phần song song và quy
tâm. Tiểu phần (A) Sự xuất hiện của cơn cuồng phong // (A’) Cơn cuồng phong chấm
dứt, sóng yên biển lặng. Tiểu phần (B) Sự bình thản của Đức Giêsu (đang ngủ) //
(B’) Người thức dậy ngăm đe gió và nói cùng biển. Tiểu phần trung tâm (C) Nỗi sợ
hãi của các môn đệ. Có hai tiểu phần song song với tiểu phần (C) cũng liên quan
đến sự sợ hãi. (C’) Đức Giêsu đề cập đến lý do của sự hoảng sợ: chưa có niềm
tin. (C’’) Họ sợ một nỗi sợ lớn. Nỗi sợ này là nỗi kính sợ và kinh ngạc chứ
không phải sợ hãi.
Cấu trúc bản văn |
Bối cảnh: Mệnh lệnh “đi qua
bên kia” lúc trời tối (4,35-36). (A) Khó khăn xuất hiện: Cơn lốc gió mạnh và sóng cứ xô vào
thuyền (4,37) (B) Bình thản của thầy: Ngủ ở phía
sau thuyền (4,38a) (C) Hoảng hốt của trò: Đánh thức thầy, nghĩ rằng chết đến
nơi rồi (4,38b) (B’) Phản ứng của Thầy: Thức dậy,
ngăm đe gió và nói cùng biển (4,39a) (A’) Khó khăn qua mau: Gió ngừng và một sự tĩnh lặng lớn xảy
đến (4,39b) (C’) Lý do hoảng sợ của trò: ‘Anh em chưa có đức tin sao?’
(4,40) (C’’) Họ sợ một nỗi sợ lớn và bâng khuâng về căn tính của
Thầy (4,41) |
Một số điểm chú giải
1. Khi màn đêm buông xuống (ὀψίας γενομένης): Bối cảnh đặc biệt
về mặt thời gian chỉ có Máccô đề cập đến. Màn đêm buông xuống có thể có ba ý
nghĩa: (i) Thời gian nghỉ ngơi; (ii) thời gian không thuận tiện để hành trình
(iii) Thời gian của sự dữ. Đây là khoảng thời gian báo hiệu một sự nghỉ ngơi
sum vầy bên người thân, gia đình. Nó là thời gian nghỉ ngơi, ăn uống sau một
ngày làm việc vất vả. Thế mà, Đức Giêsu và các môn đệ lại gieo bước hành trình.
Điều này cho thấy mức độ bận tâm vì sứ vụ của Đức Giêsu. Thật vậy, Máccô có lần
ghi lại Đức Giêsu làm việc tất bật cho đến tận đêm: “Khi màn đêm buông xuống
Người ta đem đến cho người tất cả những người bệnh hoặc bị quỷ ám” (Mc 1,32; Mt
8,16). “Khi màn đêm buống xuống” cũng là khoảng thời gian Đức Giêsu làm phép lạ
hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn (Mt 14,15). “Màn đêm buông xuống” cũng có thể
là thời gian của khó khăn, của bóng tối sự dữ thiên nhiên cũng như của quỷ.
Hành trình trong khoảng thời gian như thế quả là hại nhiều hơn lợi. Nó hoàn
toàn không giống với thói quen của nhiều người Việt Nam ngày nay là: Chọn hành
trình vào ban đêm trên những chuyến xe giường nằm hay các phương tiện khác, nhằm
tiết kiệm thời gian và mát mẻ hơn. “Màn đêm buông xuống” là một chi tiết Máccô
tinh tế chuẩn bị cho sự kiện bất trắc của các môn đệ mà ông sẽ nói đến. Độc giả
không quên trình thuật Đức Giêsu đi trên mặt nước, trong đó thuyền các môn đệ
đã gặp sóng gió khi màn đêm buông xuống” (Mc 6,47-48; Mt 14,23-24).
2. “Phía bên kia” (εἰς τὸ πέραν): Trong Tin Mừng Nhất Lãm trạng từ “phía bên kia”
ám chỉ đến hai nơi: (i) Bên kia sông Giorđan: “Một đám rất đông theo Người từ Galilê,
và Giuđê và Jêrusalem và Iđumê và bên kia sông Giorđan và từ xung quanh Tia và
Xiđôn” (Mc 3,7-8; 10,1; Mt 4,15.25); (ii) Bên kia biển hồ Galilê (Mc 6,45; 8,13).
Phía bên kia trong bối cảnh này rõ ràng là bên kia biển hồ Galilê, vì Mc 5,1 sẽ
cụ thể hóa là “bên kia biển”: “Họ đến bên kia biển, vào cùng Ghêrasênê. Đây là
một vùng đất của dân ngoại và Đức Giêsu sẽ chữa một người bị thần ô uế ám, chui
ra từ đám mồ mả (Mc 5,1-17). Rồi Đức Giêsu lại trở lại bờ bên này sau khi làm
phép lạ này (Mc 5,21). Hành trình qua lại trên biển hồ Galilê vốn là hành trình
thường xuyên và bình thường của Đức Giêsu và các môn đệ. Chỉ có hai lần thuyền
của họ gặp sóng gió. Lần 1: khi Đức Giêsu vắng bóng (trình thuật Đức Giêsu đi
trên mặt nước: Mc 6,45-52; Mt 14,22-33; Ga 6,16-21). Lần 2: Đức Giêsu đi cùng
nhưng Người đang ngủ (Mc 4,35-41; Mt 8,23-27; Lc 8,22-25). “Phía bên kia” trong
trình thuật này có thể là vùng gần Ghêrasênê vì Mc 5,1 cho biết khi đến phía
bên kia biển hồ, họ vào vùng Gêrasênê. Đây là một vùng đất dân ngoại nằm ở phía
đông xa xa bờ biển Galilê. Như thế, hành trình của Đức Giêsu và các môn đệ là
khoảng hơn 13 km đường biển, tùy theo địa điểm họ phát xuất. Nếu họ phát xuất từ
bờ Caphácnaum thì khoảng cách còn xa hơn, khoảng 20 km. Biển hồ Galilê có chiều
rộng nơi rộng nhất khoảng 12km và chiều dài nơi dài nhất là khoảng 21 km. Và có
độ cao 212 m dưới mực nước biển. Đây là hồ nước ngọt có mực nước thấp nhất trên
thế giới, và thấp thứ hai nếu tính cả hồ nước ngọt và nước mặn (Biển Chết có mực
nước thấp nhất, 430 m dưới mực nước biển).
3. Họ mang Người (παραλαμβάνουσιν αὐτὸν): Dịch sát
nghĩa là “Họ mang Người như Người đang là trong thuyền. Bản dịch của nhóm CGKPV
là “Các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền”. Bản dịch của tác dịch
giả Nguyễn Thế Thuấn là “vì Ngài đã ở sẵn trên thuyền, họ chở Ngài đi” (ESV); bản
dịch Pháp Ngữ là “họ mang Người trong thuyền nơi mà Người đang là” (TOB); Ý ngữ:
“họ mang Người với họ, như Người đang là, vào trong thuyền” (CEI). Rất khó để
tương hợp cấu trúc văn phạm của tiếng Hy Lạp với ngôn ngữ hiện đại.[4] Có thể
hiểu thế này, Người lên thuyền trước. Các môn đệ ở lại giải tán đám đông. Khi
các môn đệ lên thuyền, Đức Giêsu đang ở trên thuyền rồi. Rồi, họ chèo thuyền
đưa Người đi. Cách hiểu này có thể phù hợp với lối diễn tả của Mátthêu: “Đức Giêsu
xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người” (Mt 8,23). Mátthêu không đề cập đến
chuyện giải tán đám đông. Luca thì không quan trọng ai vào trước ai vào sau, ai
mang ai đi. Đối với ông: “Thầy trò cùng ra khơi” (Lc 8,22). Lối diễn tả của Máccô
có vẻ phù hợp hơn cho chi tiết phía sau. Người vào trước, đi vào cuối thuyền và
ngủ trên gối.
4. “Những chiếc thuyền khác đang cùng với Người”:
Đây cũng là chi tiết chỉ có một mình tác giả Máccô ghi lại trong phần dẫn nhập
của sự kiện. J. Marcus cho rằng những chiếc thuyền thêm này không có vai trò gì
trong câu chuyện.[5] Tôi không nghĩ thế. Nó có thể giúp cho việc mở rộng
số người “kinh ngạc hỏi nhau ‘người này là ai’ mà cả gió và biển phải tuân lệnh”.
Bởi lẽ, nếu thuyền các môn đệ gặp cuồng phong và ngập nước, thì những chiếc
thuyền đi theo này cũng cùng chung số phận. Không lẽ, họ cùng đi trên một biển
hồ, cùng nhau, mà thuyền của những người kia lại thoát cảnh song gió. Và khi Đức
Giêsu dẹp yên sóng biển và gió thì tất cả bọn họ đều thấy biển lặng cách lạ kỳ
chứ không phải chỉ riêng các môn đệ thấy.
5. Cơn lốc gió lớn xảy đến và sóng liên tục xô vào
thuyền, kết quả là thuyền bị đầy [nước] rồi: Tai ương từ thiên nhiên của thuyền các môn đệ được diễn tả rất dữ dội. Rất
nhiều hình ảnh diễn tả mức độ mạnh của sóng gió được Máccô dùng. Một cơn cuồng
phong (λαῖλαψ). Cơn
cuồng phong này lại được gia tăng bằng tính từ “lớn, mạnh” (μεγάλη). Chưa hết, nó còn được mở rộng bằng một danh từ
dùng ở thuộc cách “của gió tốc độ nhanh” (ἀνέμου). Thêm nữa, Máccô diễn tả tiếp bằng hình ảnh sóng
cứ đập vào thuyền. Động từ “đập, xô” được dùng ở thì chưa hoàn thành, diễn tả một
hành động kéo dài liên tục. Chính vì thế mà bản dịch tiếng Anh là: “the waves
were breaking into the boat” (sóng đang xô vào mạn thuyền). Bản Tiếng Việt của
CGKPV dịch là “sóng ập vào thuyền” dường như không diễn tả được khía cạnh kéo
dài liên tục của hành động này. Nên dịch là “sống vỗ liên hồi vào mạn thuyền”.
Mắt xích cuối cùng của dây chuyền tàn phá của cơn cuồng phong này là thuyền bị
đầy nước rồi. Hành động “bị đầy nước” đi sau một liên từ bổ trợ chỉ hậu quả (ὥστε: kết quả là,
vì vậy) để diễn tả hậu
quả của việc sóng vỗ liên hồi vào thuyền.
6. Đang ngủ trên gối: Có một thái độ bình thản trái ngược của Đức Giêsu
với tai họa thiên nhiên này. Người vẫn ngủ trên gối một cách bình thường như
không có chuyện gì xảy ra. Tình trạng đang ngủ của Đức Giêsu trước tiên có thể
chỉ là biểu hiện thể lý bình thường của một người rong ruổi suốt ngày để rao giảng
Tin Mừng. Tuy nhiên, dĩ nhiên Máccô không chỉ muốn mô tả biểu hiện thể lý ấy.
Cái ông muốn nói có thể là sự bình thản, có khả năng làm chủ sóng gió kinh khủng
của Con Thiên Chúa làm người. Tình trạng bình an thật sự không phải là không
bao giờ có sóng gió, nhưng là khả năng đương đầu với sóng gió, trải qua sóng
gió một cách bình thản. Có thể hơi khập khiễng nhưng tôi muốn dùng hình ảnh của
Gia Cát Lượng trong cuộc chiến với Tư Mã Ý để minh họa cho sự bình thản này.
Trong một lần dẫn quân Bắc phạt lần thứ nhất, Gia Cát lượng trong tình thế tiến
thoái lưỡng nan, đã dùng “không thành kế” (thành bỏ trống) đề đuổi 15 vạn quân
của Tư Mã Ý đang bao vây Tây thành. Khi Tư Mã Ý đánh đến Tây Thành, Gia Cát Lượng
chỉ còn 2.500 (so với 15 vạn quân cùa Tư Mã Ý), và lại thiếu lương thực trầm trọng.
Gia Cát Lượng lệnh cho mở toang cửa thành. Bên trong cổng thành, một vài người
quét rác cách bình thường. Còn Gia Cát Lượng thì vác đàn tranh lên cổng thành
ngồi gảy một cách bình an thư thái. Kỳ thực, phía sau thành, ông đã cho toàn bộ
quân lính từ từ rút lui về Thục quốc. Khi Tư Mã Ý đến cổng thành, nhìn thấy cảnh
tượng như thế, ông ngại rằng Gia Cát Lượng có phục binh, nên cho quân rút lui,
không dám đánh vào thành. Sau khi Tư Mã Ý rút lui, Khổng Minh thốt lên: “Trời
xanh cứu ta, Tư Mã Ý thật hiểu ý ta”, rồi vác đàn cùng với quân nhân rút về Thục
Hán, kết thúc cuộc Bắc phạt lần thứ nhất thất bại. Đức Giêsu đang ngủ không phải
là một kế sách, nhưng là động thái tự nhiên của một người “có uy quyền” trên
thiên nhiên. Lốc dù có mạnh, bão dù có nhanh, hay sóng biển có dồn dập đến mấy cũng
không phá được giấc ngủ, tượng trưng cho sự bình thản của Người. Tác giả Trần
Thị Giồng, trong tác phẩm nhan đề “Tâm Bất Biến Giữa Dòng Đời Vạn Biến”, đã
chia sẻ phần nào ao ước và phương cách tìm thấy tâm thanh thản và hồn bình an dẫu
cho những biến tấu bất thường thăng trầm của phận người.
7. “Thầy không bận tâm”? “μέλει” là một động từ không ngôi diễn tả sự để ý, sự để
tâm, lo lắng đến một vấn đề gì đó. Trong trường hợp này có thể các môn đệ trách
cứ sự vô tâm của Đức Giêsu. Đó là một phản ứng hết sức tự nhiên. Trong khi trò
hoảng sợ lo lắng, Thầy lại ngủ ngon lành. Cũng có thể là các môn để chỉ ngạc
nhiên trước sự bình thản của Đức Giêsu. Họ muốn hỏi là “thầy không lo lắng, lo
sợ gì hay sao?” Cách hiểu mệnh đề phía sau câu hỏi này cũng rất quan trọng.
Liên từ bổ trợ “ὅτι” trong
tiếng Hy Lạp vừa có chức năng đơn giản là đại từ quan hệ mở đầu một mệnh đề có
tính làm rõ hơn động từ phía trước nó: “Thầy không bận tâm rằng chúng ta sẽ chết
hay sao?” Ngoài ra, liên từ này còn có chức năng mở đầu một mệnh đề chỉ nguyên
nhân: “Thầy không bận tâm vì chúng ta sẽ chết hay sao?” Động từ “ἀπόλλυμι” (chết) dùng ở ngôi thứ nhất số nhiều (ἀπολλύμεθα) cũng rất khó hiểu rõ. Nó có thể được hiểu theo
hai cách: (i) Chúng tôi chết mất (không bao gồm Đức Giêsu); (ii) Chúng ta chết
mất (gồm cả Đức Giêsu). Nếu hiểu theo cách thứ nhất thì rất có thể đó là một lời
trách móc. Chúng con sắp chết mà thầy vô tâm, không lo cứu chúng con hay sao? Nếu
hiểu theo cách thứ hai thì đó là một sự chất vấn về thái độ của Đức Giêsu trên
chuyện sống chết. Chúng ta sắp chết hết rồi mà thầy không lo sợ gì sao?
8. “Họ đánh thức Người… Người thức dậy”: Động từ
đánh thức “γείρω” và
thức dậy chỉ khác nhau ở tiếp đầu ngữ “διεγείρω[6]”. Thật thú vị là động từ thức dậy “διεγείρω” có một nghĩa khác nữa là “biển động”. Tác giả
Gioan đã dùng chính động từ này để diễn tả biển động trong trình thuật về sự kiện
Đức Giêsu đi trên mặt nước: “ἥ τε θάλασσα ἀνέμου μεγάλου πνέοντος
διεγείρετο” (Ga 6,16-21). Hành động tỉnh dậy của Đức Giêsu
cùng động từ với hành động nổi sóng của biển Hồ. Biển dậy sóng và Đức Giêsu
cũng tỉnh dậy. Sự tỉnh dậy của Đức Giêsu sẽ làm sóng yên biển lặng.
9. “Im đi và lặng đi” (σιώπα, πεφίμωσο): Sau khi tỉnh dậy Đức Giêsu liền làm hai hành động:
“Ngăm đe gió và nói cùng biển”. Phải dùng hai hành động vì trong cơn cuồng
phong này có gió mạnh và sóng biển xô vào thuyền. Tiếp theo là hai động từ dùng
cho hai chủ thể khác nhau “Im đi và lặng đi”. “Im đi” có thể dành cho gió và “lặng
đi” có thể dùng cho biển. Động từ thứ hai cũng chính là động từ Đức Giêsu dùng
để ra lệnh cho quỷ: “Câm đi” (Mc 1,25: φιμώθητι). Đó là một mệnh lệnh khiến sự dữ, kẻ dữ phải câm
lặng.
10. “Gió liền ngừng và một sự tĩnh lặng lớn xảy đến”: Sau hai hành động cùng với hai động từ dùng cho
hai đối tượng, có hai hiệu quả tuyệt đối kèm theo: gió ngừng và biển lặng. Có
thể nói theo kiểu tiếng Việt là “biển lặng như tờ”. Máccô dùng tính từ “lớn” (μεγάλη) trong cụm danh từ “một sự tĩnh lặng lớn” có lẽ
nhằm đối lại với mức độ “lớn” của cơn bão đã được nói trên đây. Một cơn bão gió
lớn đã xuất hiện thì giờ đây phải cần “một sự tĩnh lặng lớn” để biển trở lại
bình thường. Chưa hết, tiếp theo sau sự tĩnh lặng “lớn” này, “họ sẽ sợ một nỗi
sợ “lớn” nữa. Tính từ này rõ ràng là một kỹ thuật dùng từ của Máccô nhằm tạo
nên một sự nối kết từ đầu đến cuối mà khi đọc các bản dịch sẽ không thấy được. Hai
hiệu quả này cho thấy lời của Đức Giêsu “có uy quyền” tuyệt đối. Trước đó, qua
lời nhận xét của dân chúng, độc giả có thể uy quyền của lời của Đức Giêsu: “Thế
nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho
cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” (Mc 1,27; Lc 4,32.36).
11. Hoảng sợ …vì chưa có lòng tin: Lời chất vấn của Đức Giêsu diễn tả nội tâm của
các môn đệ. Họ hoảng sợ vì họ chưa có niềm tin vào Người. Họ chưa xác tín về
căn tính thần linh cũng như quyền trên sự dữ của Người. Lời cật vấn của Đức Giêsu
quả thật là chính đáng để đặt ra trong bối cảnh này. Bởi lẽ, cho đến trình thuật
này, Máccô đã trình bày không biết bao nhiêu là dấu lạ Đức Giêsu đã làm trước mặt
các môn đệ. Xin đơn cử một vài dấu lạ như: Chữa một người bị quỷ ám (Mc
1,23-28); chữa nhạc mẫu của Phêrô (1,29-31); Chữa cho nhiều người mắc đủ thứ bệnh
tật (1,32-34); chữa người mắc bệnh phong (1,40-45). Thế mà, khi có bão đến các
môn đệ lại hoảng sợ, nghĩ là phải chết mất. Đó là khoảng trống đức tin mà các
môn đệ phải khỏa lấp tiếp tục trong hành trình theo Chúa. Đây không phải là lần
duy nhất các ông bị quở trách về niềm tin của mình. Người quở trách họ thiếu niềm
tin vào sự quan phòng của Chúa (Mt 6,3). Trong trình thuật “Đức Giêsu đi trên
nước”, Người cũng quở trách Phêrô vì ông lòng tin yếu kém (Mt 14,31). Khi Đức Giêsu
giảng dạy “hãy coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê” các môn đệ đã nghĩ rằng vì
họ quên mang theo bánh. Người lại quở trách sao các ông lại kém lòng tin vì
không nhớ đến những phép lạ hóa bánh ra nhiều trước đó: “Này anh em những kẻ
kém tin sao lại sao lại nói về chuyện không có bánh” (Mt 16,8). Khi các môn đệ
không thể chữa bệnh cho cậu bé bị động kinh Đức Giêsu lại than thở: “Ôi thế hệ
kém lòng tin, ta còn ở với các người bao lâu nữa?” (Mt 17,17.20; Mc 9,19; Lc
9,41). J. Marcus còn đề nghị một niềm tin khác mà các môn đệ chưa có. Đó là niềm
tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa giống như Đức Giêsu. Nhờ niềm tin ấy mà Đức
Giêsu có thể ngủ trong cơn bão. Có nhiều bản văn Cựu Ước trong đó, ngủ một cách
an bình là dấu hiệu của sự tin tưởng vào sự bảo vệ của quyền năn Chúa (Tv 3,5;
4,8; Cn 3,24).[7]
12. Sợ một nỗi
sợ lớn và cứ nói cùng nhau: Như
đã nói trên Máccô dùng tính từ “lớn” (μέγαν) để diễn tả nỗi sợ nhằm sâu chuỗi loạt sự kiện từ đầu tới cuối: Cơn bão lớn,
một sự tĩnh lặng lớn và sợ một nỗi sợ lớn. Hơn nữa tính từ “lớn” cùng với cách Máccô
diễn tả nỗi sợ làm cho độc giả phải nghĩ đến một nỗi sợ ở mức cao nhất. Máccô
dùng động từ sợ + danh từ sợ + tính từ lớn: Sợ một nỗi sợ lớn (ἐφοβήθησαν
φόβον μέγαν). Tiếng Việt Nam có thể
nói là “kinh hồn bạt vía”. Động từ “sợ” được dùng ở thể bị động nhằm ám chỉ tác
nhân của sự sợ hãi của họ là “hành động phi thường của Đức Giêsu”. Trong các
sách Tân Ước kiểu dùng từ như vậy chỉ xảy ra đúng hai lần. Ngoài lần này của
tác giả Máccô, tác giả Luca còn dùng một lần nữa đễ diễn tả sự sợ hãi của những
mục đồng khi chứng kiến cảnh Đức Giêsu giáng sinh: “Một thiên thần hiện ra với
họ và vinh quang của Đức Chúa bao quanh họ và họ sợ một nỗi sợ lớn” (Lc 2,9). Có
thể đây không phải là một sự hoảng sợ như kiểu các môn đệ hoảng sợ trước bão tố
hay là hoảng sợ khi họ thấy Đức Giêsu đi trên mặt nước và tưởng là thấy ma (Lc
24,37). Đây có thể là sự kính sợ, ngạc nhiên quá đỗi trước một hành động thần
linh. Trong câu chuyện của ngôn sứ Giôna, thành ngữ “sợ một nỗi sợ lớn” cũng được
sử dụng để diễn tả sự kính sợ Thiên Chúa: “Rồi, người ta kính sợ Thiên Chúa hơn
nữa, và họ dâng hiến lễ cho Đức Chúa và thề nguyền” (Gn 1,16). Như đã lưu ý ở
trên về sự hiện diện của những chiếc thuyền khác cùng với thuyền của các môn đệ.
Động từ “sợ” và “nói cùng nhau” được chia ở ngôi thứ ba số nhiều “họ sợ một nỗi
sợ lớn” và “nói cùng nhau”. “Họ” ở đây rất có thể là tất cả mọi người bao gồm
các môn đệ và những người trên những chiếc thuyền đi theo. Bởi lẽ, họ cùng
chung một chuyến hải trình trên Biển Hồ, và họ biết tất cả các câu chuyện. Như
thế, việc Máccô nhắc đến những chiếc thuyền khác đi theo là có chủ ý diễn tả sự
kiện này được nhiều người biết đến chứ không phải là kinh nghiệm riêng của các
môn đệ. Động từ “nói cùng nhau” chia ở thì chưa hoàn thành, diễn tả một hành động
đang tiếp diễn: “Họ cứ nói cùng nhau”, hay là “họ cứ bàn luận với nhau” về căn
tính của Đức Giêsu.
13. ‘Người này là ai mà cả gió và biển phải nghe lệnh
ông ta?’ Đức Giêsu đã từng làm nhiều dấu lạ trước mặt dân chúng nhưng người
ta chưa từng đặt câu hỏi về thân phận thực sự của Người. Chỉ có quỷ đã có lần
công bố thân phận của Người: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến
ông? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24; Cf. Mc
1,33; Lc 4,34) nhưng Đức Giêsu không cho nó nói: “Câm đi, hãy xuất khỏi người
này” (Mc 1,25). Trong lần trừ quỷ được kể lại trong Mc 1,23-28, dân chúng có ngạc
nhiên và bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại
có uy quyền” nhưng họ chưa đặt vấn đền về căn tính của Người. Dấu lạ này là mấu
chốt để cho các môn đệ và những người trên thuyền thắc mắc về thân phận quyền
năng của Người. Dĩ nhiên, một người bình thường không có quyền trên gió và biển
như thế. Đó là những thắc mắc cần thiết để dẫn đến sự khám phá thân phận thực sự
của Đức Giêsu và tin tưởng tuyệt đối vào Người. Bởi lẽ cho đến trước sự kiện
này, niềm tin của các môn đệ còn mơ hồ, yếu ớt. Tin Mừng Máccô đã khởi đầu bằng
việc giới thiệu Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa: “Khởi đầu Tin Mừng
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Độc giả đã biết ngay từ đâu thân phận
và căn tính của Đức Giêsu. Tuy nhiên, căn tính này không phải là kiến thức hiển
nhiên đối với các môn đệ. Sách Tin Mừng này mô tả quá trình họ phải chiến đấu,
tìm tòi và tin vào Người. Đến cuối cùng, người duy nhất tuyên xưng Đức Giêsu là
“Con Thiên Chúa” là một viên đại đội trưởng gốc dân ngoại chứ không phải là các
môn đệ: “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở
như thế liền nói: ‘Quả thật, người này là Con Thiên Chúa’” (Mc 15,39).
Bình luận tổng quát
Một chuyến hải trình vào
ban đêm dài trên dưới 12 km đường biển với phương tiện thuyền nhỏ thô sơ quả là
một chuyến đi chẳng mấy an tòan. Thế nhưng, vâng lời Đức Giêsu, các môn đệ vẫn
chở Người ra khơi. Hải trình qua lại trên biển hồ Galilê là một hải trình không
xa lạ với Đức Giêsu và các môn đệ. Họ qua lại nhiều lần từ vùng đất Do Thái ở
phía Tây của hồ Galilê (Caphácnaum, Ghênêgiarét, Tibêria) qua phía Đông của hồ Galilê,
thuộc vùng Ghêrasênê và Thập Tỉnh, những vùng đất của dân ngoại. Trời đã tối
nhưng họ được lệnh phải lên đường. Có lẽ, vì sự hối hả của Đức Giêsu để mau đến
với vùng dân ngoại. Đức Giêsu vẫn có thói quen làm việc không kể ngày đêm như
thế. Áp lực nội tâm, mệt mỏi thể xác rõ ràng là có trong con người các môn đệ. Thầy
nhiệt tâm như thế, nhưng chắc gì trò cũng nhiệt tâm được như Thầy. Vả lại,
“tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác cũng yếu đuối.” Thế nhưng, lần này không
chỉ có những khó khăn chủ quan ấy mà còn là khó khăn khách quan bủa vây cuộc đời
các môn đệ. Một cơn cuồng phong lớn ập đến, sóng xô liên tục vào mãn con thuyền
nhỏ. Thuyền đã đầy nước. Có lẽ họ phải chia nhau, kẻ thì chèo chống, người thì
tát nước cho vơi đi. Đức Giêsu thì đang ngủ, ở phía cuối thuyền. Người ngủ trên
nước hay sao? Hay có chỗ nào trên thuyền vẫn còn chưa ngập nước? Sao Thầy có thể
bình thản đến lạ lùng? Trong sự mệt nhòa và cả hoảng sợ, các môn đệ chắc phải bực
dọc, đánh thức Đức Giêsu dậy để trách Người hơn là cầu cứu Người. Theo trình
thuật của Máccô, trong ngôn ngữ của các môn đệ không có chữ “cứu chúng tôi với”
nhưng chỉ là một câu chất vấn: “Thầy không bận tâm rằng chúng tôi chết mất hay
sao? Hay, Thầy không lo lắng bởi vì chúng ta sẽ chết mất hay sao?” Câu hỏi của
các môn đệ có hai hướng hiểu: (i) Thầy không bận tâm đến việc chúng con chèo chống
mệt, nhưng thuyền vẫn ngập và chúng con sắp chết hay sao; (ii) Thầy không lo lắng,
không sợ chết hay sao? Dẫu sao thì trong câu hỏi của các môn đệ không có từ ngữ,
hay ý cầu cứu, hay một sự tín thác một cách rõ ràng như kiểu của Phêrô: “Thưa
thầy xin cứu con với” khi ông bắt đầu chìm xuống nước (Mt 14,29) hay là của người
đàn bà Canaan: “Chúa ơi, giúp tôi với” (Mt 15,25). Trong trình thuật của Mátthêu,
các môn đệ cầu cứu rất rõ ràng hơn: “Chúa ơi, cứu chúng con với! Chúng con chết
mất” (Mt 8,25) hay trong Luca các môn đệ gọi Đức Giêsu thất thanh: “Thầy ơi! Thầy,
chúng con (ta) chết mất” (Lc 8,24). Tâm thế hoảng sợ cho thấy họ thiếu niềm tin
vào Thiên Chúa và chưa tin vào Đức Giêsu. Tin vào Thiên Chúa là tin vào sự quan
phòng lo lắng của Ngài trong mọi sự. Tín thác vào Đức Giêsu là tín thác vào quyền
năng thần linh của Người như các ông vẫn thấy Người làm nhiều dấu lạ chữa bệnh
và trừ quỷ. Có Người ở bên thì còn lo lắng sợ hãi gì nữa. Cả hai niềm tin ấy
các ông đều chưa đạt đến. Nơi ranh giới giữa sự sống và sự chết, quả thật, rất
khó để người ta có thể bình thản mà không hoảng sợ. Sự hoảng sợ cũng có thể là
một thái độ nguyện cầu dâng lên cho Chúa để Người cứu giúp. Đức Giêsu có vẻ quở
trách, nhưng đó chỉ là dạy dỗ sau khi Người đã giải quyết mọi vấn đề. Qua lần
này, không những các môn đệ mà những người đồng hành với họ tiến sát hơn với
thân phận thần linh của Đức Giêsu, tuy họ chưa hiểu một cách rõ ràng dứt khoát
lắm. Họ cần phải tiếp tục hành trình và cải thiện kiến thức về Người mỗi ngày.
Ít lâu sau trình thuật này, trong một chuyến hải trình khác. Chiếc thuyền nhỏ của
các môn đệ cũng gặp khó khăn. Đức Giêsu đi trên mặt nước đến với họ. Họ lại tưởng
là ma và la hét om sòm. Sau khi Người lên thuyền và gió lặng. Các ông lại bàng
hoàng sửng sốt vì các ông còn chưa hiểu ý nghĩa phép lạ hóa bánh ra nhiều: lòng
trí các ông còn ngu muội (x. 6,45-52).
Tác giả Cope đã chỉ ra 6
nét tương đồng đáng chú ý giữa câu chuyện này với câu chuyện của ngôn sứ Giôna:
(1) Khởi hành bằng thuyền; (2) Bão tố; (3) Nhân vật chính đang ngủ; (4) Sự hoảng
sợ của thủy thủ; (5) Sự giải cứu kỳ lạ liên quan đến nhân vật chính; (6) Sự
kinh ngạc của những người trên thuyền.[8]
Tuy nhiên, độc giả dĩ nhiên hiểu rằng Đức Giêsu không phải là Giôna. Giôna trốn
Chúa nên gây sóng gió cho người cùng thuyền. Giôna bị vứt xuống biển để làm cho
biển lặng. Đức Giêsu chỉ dùng lời để dẹp yên gió và biển.
Câu chuyện này có thể
giúp chúng ta liên tưởng đến câu chuyện Thương Khó và Phục Sinh. Trong suốt thời
gian Đức Giêsu nằm yên trong mồ, các môn đệ đã trải qua thời gian buồn sầu và
hoảng sợ ghê gớm. Lý do là các ông chưa hiểu chưa tin vào biến cố Tử Nạn – Phục
Sinh của Thầy mình. Các ông vẫn chưa xác tín về căn tính thần linh nơi Đức Giêsu.
Chỉ khi Người chỗi dậy các môn đệ mới bắt đầu hồi phục sự sống dần dần. Sau nhiều
lần Đức Giêsu hiện ra, an ủi và trao ban bình an, con thuyền các môn đệ mới bắt
đầu bình yên trở lại. Các ông hiểu ra dần dần những điều Thánh Kinh nói về Đức Giêsu
và những điều chính Đức Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Khổ Nạn – Phục Sinh.
Đoạn Tin Mừng này cũng
có thể được hiểu theo cấp độ cộng đoàn Máccô. Cộng đoàn đang gặp nhiều khó khăn
thử thach khách quan. Họ đang hành trình giữa biển trần gian. Họ đang gặp sự bắt
bớ của vua Chúa và quan quyền. Nhiều lúc thừa sống thiếu chết, họ cảm giác như
Đức Giêsu đã lãng quên họ trong giấc ngủ yên của Người. Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn
ở đó vẫn giải cứu họ lúc cần thiết và họ lại bình an lên đường.
Cuộc đời mỗi gia đình Kitô
hữu hay mỗi cá nhân Kitô hữu là một chuyến hải trình qua biển trần gian tiến về
quên trời. Biển trần gian nhiều khi giẫy sóng làm cho con thuyền của họ chao đảo
và ngập nước. Đó là sóng gió của bệnh tật, dịch Covid. Đó có thể là những khó
khăn về cơm áo gạo tiền, nợ nần. Đó cũng có thể là khó khăn do chiến tranh
thiên tai. Nhiều khi chúng ta cảm thấy bất lực, gần như mất mạng, bởi sức người
có hạn, mà khó khăn thì vô hạn. Những lúc như thế chỉ còn niềm tin nơi Đức Giêsu,
Đấng có quyền năng dẹp yên sóng gió, mới giúp chúng ta chóng chèo và vượt qua
sóng to gió lớn của cuộc đời.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1] Cấu
trúc này dựa theo R.T. France, The Gospel of Mark. A Commentary on the Greek Text (NIGTC; Grand
Rapids 2002).
[2] Marcus, J., Mark 1–8. A New
Translation with Introduction and Commentary (AnYB; New Haven – London
2008) XXVII, 335.
[3] J.
Marcus suggests a different structure and emphasizes the importance of the
adjective “great” (megas): “The passage in its present form falls into three
parts: a stage-setting introduction (4:35–36), the description of the storm and
Jesus’ conquest of it (4:37–39), and an interpretative conversation (4:40–41).
After the introduction, the passage is structured around three instances of the
word megas = “great” in 4:37, 39, and
41” (Ibid.).
[4] J.
Marcus claims that the clause “when he was in the boat” is often translated as
“as he was, in the boat,” but the meaning of “as he was” is unclear—“without
going ashore” [Marcus, J., Mark 1–8, 332].
[5]
Ibid.
[6] M. Zerwick– M. Grosvenor,
A grammatical
analysis of the Greek New Testament (Rome 1974) 114.
[7] Marcus, J., Mark 1–8. A New
Translation with Introduction and Commentary, 334.
[8] Marcus, J., Mark 1–8. A New
Translation with Introduction and Commentary, 337.
No comments:
Post a Comment