Bản văn và dịch sát
nghĩa
Hy
Lạp |
Việt |
9 Καθὼς ἠγάπησέν με ὁ
πατήρ, κἀγὼ ὑμᾶς ἠγάπησα· μείνατε ἐν τῇ ἀγάπῃ τῇ
ἐμῇ. 10 ἐὰν τὰς ἐντολάς
μου τηρήσητε, μενεῖτε ἐν τῇ ἀγάπῃ μου, καθὼς ἐγὼ τὰς ἐντολὰς τοῦ πατρός
μου τετήρηκα καὶ μένω αὐτοῦ ἐν τῇ ἀγάπῃ. 11 Ταῦτα λελάληκα ὑμῖν ἵνα ἡ χαρὰ ἡ ἐμὴ
ἐν ὑμῖν ᾖ καὶ ἡ χαρὰ ὑμῶν πληρωθῇ. 12 Αὕτη ἐστὶν ἡ ἐντολὴ ἡ ἐμή, ἵνα ἀγαπᾶτε ἀλλήλους καθὼς ἠγάπησα ὑμᾶς. 13 μείζονα ταύτης ἀγάπην οὐδεὶς ἔχει, ἵνα τις τὴν ψυχὴν αὐτοῦ θῇ ὑπὲρ
τῶν φίλων αὐτοῦ. 14 ὑμεῖς φίλοι
μού ἐστε ἐὰν ποιῆτε ἃ ἐγὼ ἐντέλλομαι ὑμῖν. 15 οὐκέτι λέγω ὑμᾶς δούλους, ὅτι ὁ δοῦλος
οὐκ οἶδεν τί ποιεῖ αὐτοῦ ὁ κύριος· ὑμᾶς δὲ εἴρηκα φίλους, ὅτι πάντα ἃ ἤκουσα παρὰ τοῦ πατρός μου ἐγνώρισα
ὑμῖν. 16 οὐχ ὑμεῖς με ἐξελέξασθε, ἀλλ᾽ ἐγὼ ἐξελεξάμην ὑμᾶς καὶ ἔθηκα
ὑμᾶς ἵνα ὑμεῖς ὑπάγητε καὶ καρπὸν φέρητε καὶ
ὁ καρπὸς ὑμῶν μένῃ, ἵνα ὅ τι ἂν αἰτήσητε τὸν
πατέρα ἐν τῷ ὀνόματί μου δῷ ὑμῖν. 17 Ταῦτα ἐντέλλομαι ὑμῖν, ἵνα ἀγαπᾶτε
ἀλλήλους. (Jn. 15:9-17 BGT) |
9 Hệt như Cha yêu thương Tôi,
Tôi cũng yêu thương anh em. Hãy ở lại trong tình yêu
của Tôi. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của
Tôi, thì anh em ở lại trong tình yêu của Tôi, hệt như Tôi đã và đang giữ các
điều răn của Cha Tôi và ở lại trong tình yêu
của Ngài. 11 Tôi đã nói với anh em những điều này để niềm vui của Tôi
ở trong anh em và niềm vui của anh em được
trọn vẹn. 12 Đây là điều răn của Tôi, rằng
anh em yêu thương nhau như Tôi đã yêu
thương anh em. 13 Không ai có một tình yêu vĩ
đại hơn (tình yêu) này, rằng một người hy sinh mạng sống của anh ta vì những người thân thương của mình. 14 Anh em là những người thân
thương của Tôi nếu anh em làm những điều Tôi truyền
cho anh em. 15 Tôi không còn gọi anh em là những tôi tớ bởi lẽ tôi tớ
không biết điều mà ông chủ của anh ta làm. Tôi đã gọi anh em là những người thân thương vì lẽ tất cả những điều Tôi nghe
từ Cha Tôi, Tôi đã làm cho anh em biết. 16 Không phải anh em đã chọn Tôi, nhưng Tôi đã chọn anh em và sắp đặt để anh em ra
đi và sinh hoa trái và hoa trái của anh em duy trì, để điều anh em xin
Cha nhân danh của Tôi, Ngài có thể ban cho anh em. 17 Tôi truyền cho anh em những điều này để anh em có
thể yêu thương nhau |
Bối cảnh:
Đoạn 15,9-17 nằm
trong phần thứ III của Tin Mừng thứ tư có tên là “Sách của sự tôn vinh” (13,1 –
20, 29).[1] Đoạn
15,9-17 tiếp nối đoạn 15,1-8, nói về mối tương quan mật thiết tự nhiên giữa
Chúa Cha, người trồng nho – Đức Giêsu, cây nho – và các môn đệ, những cành nho.
Đoạn tiếp theo 15,9-17 tiếp tục nói về mối tương quan giữa Chúa Cha – Đức Giêsu
– các môn đệ, một cách cụ thể hơn. Hình ảnh cây nho cành nho không còn được nhắc
đến nữa, nhưng chủ đề “sinh hoa trái” thì vẫn được tiếp tục: “Tôi đã chọn anh
em và sắp đặt để anh em ra đi và sinh hoa trái và hoa trái của anh em duy trì”
(15,16). Bên cạnh đó, chủ đề “ở lại” cũng được tiếp tục. Tuy nhiên, trong đoạn
này không gian của “sự ở lại” đã được cụ thể hóa là “trong tình yêu của” Đức Giêsu:
“Hãy ở lại trong tình yêu của Tôi” (15,9). Chủ đề mới “tình yêu” và “những người
bạn” được mở ra trong đoạn này. Điều răn quan trọng của Đức Giêsu được truyền
ra: “Anh em hãy yêu thương nhau như Tôi đã yêu thương anh em”. Điều răn này rõ
ràng lặp lại “điều răn mới” mà Đức đã ban cho các môn đệ trước đó ít lâu: “Một
điều răn mới tôi truyền cho anh em, rằng anh em yêu thương nhau như thể Tôi đã
yêu thương anh em, anh em cũng phải yêu thương lẫn nhau” (13,34). Và dấu hiệu để
mọi người nhận biết các môn đệ là môn đệ của Đức Giêsu là họ “có tình yêu dành
cho nhau” (13,35). Khi giải thích thế nào gọi là “như Tôi đã yêu thương anh
em”, Đức Giêsu đề cập đến một tình yêu cao cả nhất: “Hy sinh tính mạng vì người
thân thương của mình”. Chủ đề “hy sinh tính mạng” vì những người bạn không khỏi
làm cho độc giả liên tưởng ngay đến cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu.
Cái chết của Đức Giêsu biểu lộ tình yêu ở mức cao nhất. Đó là sự tự hiến vì “những
người thân thương” là các môn đệ và toàn thể nhân loại. Chủ đề “Chúa Cha yêu
Chúa Giêsu” (15,9) nối kết nhiều nơi trong Tin Mừng thứ tư: “Chúa Cha yêu Người
Con và đã đặt tất cả trong tay Người” (3,35); “Chúa Cha yêu Người Con và cho
Người thấy cả những gì Người đang làm” (5,20); “Chúa Cha yêu Người Con vì Người
dám hy sinh mạng sống rồi lấy lại” (10,17). Chủ đề về tương quan giữa “tình
yêu” và “giữ các điều răn” ở 15,10.12.17 cũng là chủ để quan trọng của chương
14 trước đó: “Nếu anh em yêu Tôi, anh em sẽ giữ các điều răn của Tôi” (15,14);
“Người có những điều răn của Tôi và giữ chúng là những người yêu Tôi” (14,21);
“những người yêu Tôi sẽ giữ lời Tôi” (14,23); “ai không yêu Tôi thì không giữ
điều răn của Tôi” (14,24). Chủ đề “những người thân thương” ở 15,13.14.15 gợi
nhớ đến nhìn nhận của Gioan Tẩy Giả như là “bạn của Chàng rể” Giêsu (3,29) và “người
thân thương” (Ladarô) của Đức Giêsu và các môn đệ: “Người thân thương của chúng
ta, Ladarô đang ngủ nhưng Tôi sẽ đánh thức anh ấy dậy” (11,11).
Giới hạn và cấu trúc
Giới hạn: Đoạn 15,9-17 có
sự thống nhất về nội dung: nói về tình yêu giữa Cha – Con – các môn đệ; tương
quan Giêsu – môn đệ như những người bạn; điều răn của Đức Giêsu: yêu như Đức Giêsu
đã yêu. 15,9 không cho thấy sự thay đổi rõ ràng về không gian, thời gian hay
nhân vật nhưng nó cho thấy sự thay đổi về chủ đề. 15,8 nói về sự tôn vinh Cha,
hoa trái của các môn đệ trong khi đó 15,9 nói về tình yêu của Đức Giêsu dành
cho các môn đệ so sánh với tình yêu Chúa Cha dành cho Đức Giêsu. Đoạn văn kết
thúc ở 15,17 vì nó đóng khung lại đoạn văn nói về điều răn yêu thương đã được
nói đến ở 15,12 (“đây là điều răn của Tôi, rằng anh em hãy yêu thương nhau như Tôi
đã yêu thương anh em” – “những điều này Tôi truyền cho anh em để anh em yêu
thương nhau”) và hành động yêu thương của Cha và Đức Giêsu, Giêsu môn đệ ở 15,9.
Kiểu đóng khung này thường được gọi là cấu trúc inclusio: Đoạn văn mở đầu và kết
thúc bằng một yếu tố giố nhau.
Hệt như Cha yêu thương Tôi,
Tôi cũng yêu thương anh em (15,9a). (A) Hãy ở lại
trong Tình yêu của
Giêsu (15,9b). (B) nếu môn
đệ giữ các điều răn của Giêsu (A’) ở lại trong tình
yêu của Giêsu (15,10a) (B’) như thể Giêsu giữ các điều răn của
Cha (A’’) Ở lại trong tình
yêu của Cha (15,10b). C. Mục đích Giêsu nói những điều
này: Để niềm vui ở trong và nên trọn vẹn (15,11). (B1)
Điều răn của Giêsu: yêu thương nhau như Giêsu đã yêu
thương (15,12) (B2) Tình yêu của Giêsu:
Hy sinh mạng sống vì những người thân thương
(15,13). (B3) Những người thân thương: Các môn đệ Điều kiện: nếu làm những điều Giêsu truyền (15,14) (B3’) Không gọi là tôi tớ Lý do: tôi tớ không biết điều mà
ông chủ làm (15,15a) (B3’’) Gọi là những người thân thương Lý do: biết tất cả những điều từ
Cha (15,15b) (B3’’’) Chọn môn đệ Sắp đặt ra đi - để sinh hoa trái,
Mục đích: Để tất cả những gì xin
nhân danh Con – Cha ban cho (15,16). C’. Mục đích truyền những lời này: Để anh em có thể yêu thương nhau (15,17) |
Một số điểm chú giải
1. “Như
Cha yêu thương… Tôi cũng yêu thương”: Đoạn văn bắt đầu bằng một cấu trúc: “Kathos
… kai” diễn tả sự giống nhau, ngang bằng, theo mức độ. Liên từ “Καθὼς” (kathos) –
“κἀγὼ”
(kago = kai + ego: Tôi cũng) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hệt như”, “giống
như”, “cùng một cách thức”, “theo mức độ”, “bởi vì” … “cũng, thì cũng”. Các bản
dịch tiếng Anh (ESV: As…and), Pháp (TOB: Comme…aussi), Ý (CEI: Come… anche), Việt
(CGKPV: Thế nào … như vậy). Tất cả đều muốn diễn tả mức độ và cách thức tình
yêu của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Tình yêu đó có mức độ ngang bằng với
tình yêu Cha dành cho Đức Giêsu và cách thức yêu cũng giống hệt như cách Cha
yêu Đức Giêsu. Đây là mức độ tình yêu tuyệt đối, tinh tuyền, khác biệt và kiểu
mẫu cho mọi tình yêu trong nhân gian. Trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giêsu sử dụng
khá nhiều cấu trúc này trong những tự bạch của Người: “Như Chúa Cha Hằng Sống
đã sai Tôi, Tôi cũng sống nhờ Chúa Cha” (6,57): “Như thể Chúa Cha biết Tôi, Tôi
cũng biết Chúa Cha” (10,15); “Hệt như Cha đã sai Con vào thế giới, Con cũng sai
họ vào thế giới” (17,18). Trong Tin Mừng thứ tư, độc giả có thể tìm thấy lối diễn
tả tình yêu của Cha dành cho con trong nhiều trường hợp. Thứ nhất, tình yêu ấy
thể hiện ở sự trao phó hoàn toàn, mọi sự: “Chúa Cha yêu Người Con và đã giao
phó mọi sự trong tay Người” (3,35). Thứ hai, cho Người Con thấy mọi điều mình
làm cũng là một dấu hiệu Chúa Cha yêu Người Con: “Chúa Cha yêu Người Con và cho
Người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ cho Người Con thấy những việc lớn lao
hơn nữa” (5,20). Thứ ba, lý do mà Chúa Cha yêu Người Con là vì “Người hy sinh mạng
sống mình để rồi lấy lại” (10,17). Trong Tin Mừng Nhất Lãm, “Tiếng từ trời” gọi
Đức Giêsu là “Con yêu dấu” (ὁ ἀγαπητός) trong hai dịp. Thứ nhất, nơi dòng sông
Giođan, sau khi Đức Giêsu chịu Phép Rửa, có tiếng từ trời nói rằng: “Đây là con
yêu dấu của ta, với Người, ta hài lòng” (Mt 13,7; Cf. Mc). Thứ hai, trong dịp Đức
Giêsu biến hình, có tiếng từ đám mây nói rằng: “Đây là con yêu dấu của Ta, với
Người, Ta rất hài lòng, hãy lắng nghe lời của Người” (Mt 17,5; Cf. Mc 12,6; 2
Pr 1,17).
2. “Hãy
ở lại trong tình yêu”: Đây là lời mời gọi của Đức Giêsu theo lối mệnh lệnh.
Động từ “ở lại” được dùng cách dày đặc (7 lần) trong đoạn văn trước (Ga
15,1-8). Trong đoạn văn này (Ga 15,9-17), động từ này cũng được sử dụng 3 lần
trong hai câu đầu của đoạn. Nếu như trong đoạn trước lời mời gọi chỉ là: “Ở lại
trong Tôi như Tôi ở lại trong anh em” (15,4), thì ở đây lời mời gọi cụ thể hơn
“hãy ở lại trong tình yêu của Tôi” (15,9). “Tình yêu mà Đức Giêsu muốn các môn
đệ ở lại chắc hẳn là tình yêu mà Đức Giêsu “yêu” các môn đệ “hệt như Chúa Cha
đã yêu” Người (15,9). Ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu nghĩa là người môn đệ
dám để cho tình yêu ấy tràn ngập thân thể và cuộc đời mình. Mọi suy nghĩ, lời
nói, hành động; mọi dự phóng và định hướng của cuộc đời họ tùy thuộc vào tình
yêu ấy và được tình yêu ấy soi sáng. Ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu là bày
tỏ tình yêu của mình với Đức Giêsu.[2] Tình
yêu không phải là một nơi chốn, nhưng là một hành động, một biểu lộ. Ở lại
trong tình yêu là làm cho tình yêu ấy được tiếp tục duy trì và triển nở. Tình
yêu của Đức Giêsu là tình yêu tuyệt đối, độc nhất vô nhị, xuất phát từ Chúa
Cha. Tình yêu này được Đức Giêsu diễn tả ngay sau đó.
3. “Giữ
các điều răn”: Điều kiện để các môn đệ ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu
là: “Giữ các điều răn” của Người”. Điều kiện này Đức Giêsu không chỉ đặt ra cho
các môn đệ, mà Người đã đặt ra cho mình trước và đã thi hành trước. Người cũng
đã giữ “các điều răn của Cha” của Người.[3] Trong
“Bài Giảng Trên Núi”, Giêsu lưu ý về tầm quan trọng của việc giữ các điều răn:
“Ai bãi bỏ dù chỉ là một điều răn nhỏ nhất ấy và dạy người ta làm như thế thì sẽ
bị xem là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế sẽ
được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5,19). Ở nơi khác, Người cũng cảnh báo các
Kinh Sư và những người Pharisêu về nguy cơ các ông giữ truyền thống mà vi phạm
điều răn của Chúa: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các
ông mà vi phạm điều răn Thiên Chúa?” (Mt 15,3; Mc 7,8). Đức Giêsu cũng nhấn mạnh
sự cần thiết phải “giữ các điều răn” nếu muốn sống đời đời: “Nếu anh muốn vào
cõi sống thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19,17; Mc 10,18-19; Lc 18,20). Đức Giêsu
cũng xác định điều răn trọng nhất là: “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Điều răn quan trọng không kém là
“Phải yêu mến người thân cận như chính mình” (Mt 22,37-39; Mc 12,28-34; Lc
10,25-28). Riêng tác giả Luca còn phác họa chân dung hai người công chính là
Dacaria và Anna, những người đi theo tất cả mọi điều răn và mệnh lệnh (ταῖς
ἐντολαῖς καὶ δικαιώμασιν) của Chúa, không chê trách được điều gì (Lc
1,6). C. Barett ghi nhận sự phụ thuộc lẫn nhau giữa tình yêu và sự vâng phục
trong việc giữ điều răn.[4]
“Những điều răn của Đức Giêsu” bao gồm tất cả những lời dạy của Người. Đức Giêsu
còn dùng lối diễn tả khác để nói về việc giữ điều răn của Người. Đó là “giữ lời
của Tôi”: “Ai yêu mến Tôi thì sẽ giữ lời Tôi. Cha Tôi sẽ yêu mến Người ấy. Cha
Tôi và Tôi sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Tuy nhiên, “điều răn yêu
thương” chắc hẳn là điều răn quan trọng nhất.
4. “Niềm
vui của Đức Giêsu… niềm vui của các môn đệ”: “Những điều này Tôi nói với
anh em để niềm vui của Tôi ở trong anh em và niềm vui của anh em được nên trọn
vẹn”. “Những điều này” (Ταῦτα) trong bối cảnh rộng có
thể là những lời an ủi của Đức Giêsu trong suốt chương 14 như thể là: “Trong nhà
Cha Tôi có nhiều chỗ ở… Tôi đi là dọn chỗ cho anh em” (14,2); “Tôi lại đến đón
anh em về với Tôi” (14,3). Đó có thể là
lời hứa gửi Đấng Bảo Trợ khác: “Tôi sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em
một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở cùng anh em luôn mãi” (14,16.26). Đó cũng có thể
là lời hứa trao ban bình an: “Tôi để lại bình an cho anh em, Tôi ban cho anh em
bình an của Tôi” (14,27). Tuy nhiên, trong bối cảnh trực tiếp “Những điều này” có
thể là “tình yêu” tuyệt đối mà Đức Giêsu dành cho các môn đệ,[5] và
cả lời mời gọi “hãy ở lại trong tình yêu” của Đức Giêsu nữa. Đức Giêsu yêu
thương các môn đệ bằng tình yêu của Chúa Cha dành cho Người. Đó là phúc phần và
là niềm vui của các môn đệ. Theo C. Barrett, niềm vui của Đức Giêsu triển nở
lòng vâng phục đối với Cha và sự hiệp nhất với Cha trong tình yêu. Dấu hiệu của
của sự vâng phục và tình yêu là việc Đức Giêsu về cùng Cha. Điều này làm cho
các môn đệ vui mừng (Ga 14,28).[6] Niềm
vui của Đức Giêsu trong bối cảnh này chính là cảm nhận tình yêu của Chúa Cha
dành cho Người. Người dành tình yêu ấy cho các môn đệ và đem lại chính xác niềm
vui ấy cho các môn đệ. Tuy nhiên, để niềm vui ấy được nên trọn vẹn thì các môn
đệ phải nghe theo lời mời gọi của Đức Giêsu. Tức là họ phải ở lại, chìm đắm
trong tình yêu của Đức Giêsu bằng cách “giữ các điều răn của Người” như cách thức
Đức Giêsu giữ các điều răn của Cha Người và ở lại trong tình thương của Cha Người.
Liên từ “kathos” (καθὼς) (giống như, hệt như, cùng một cách thức),
một lần nữa nâng cao cách thức, mức độ “giữ điều răn”, và “ở lại” của các môn đệ
lên mức cao nhất, bằng cách thức hoàn hảo nhất, bởi vì nó phải vươn đến cấp độ
“hệt như Đức Giêsu đã giữ các điều răn của Cha và ở lại trong tình thương của
Cha”. Đức Giêsu luôn mong muốn niềm vui của các môn đệ được nên trọn vẹn. Người
khuyến khích các môn đệ hãy cầu xin nhân danh Người “để niềm vui của họ nên trọn
vẹn” (16,24).
5. “Điều
răn” của Đức Giêsu: “Hãy yêu thương nhau như Tôi đã yêu thương anh em”.
“Sau khi nói đến “niềm vui” và viễn ảnh “một niềm vui trọn vẹn”, và lời
mời gọi “hãy ở lại trong tình yêu của Người” với điều kiện là “giữ các điều răn
của Người”, Đức Giêsu giải thích cụ thể điều răn của Người là gì. Đó là: “Hãy
yêu thương nhau như Tôi đã yêu thương anh em” (ἀγαπᾶτε ἀλλήλους καθὼς ἠγάπησα ὑμᾶς).
Đây chính là điều răn mới mà Đức Giêsu đã ban cho các môn đệ vào phần đầu của
“diễn từ từ biệt”: “Tôi ban cho anh em một điều răn mới là anh em yêu thương
nhau; như Tôi đã yêu thương anh em, để mà anh em có thể yêu thương nhau”
(13,34). “Điều răn mới” của Đức Giêsu được nhấn mạnh thêm ngay sau đó: “Mọi người
sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Tôi ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương
nhau” (13,35). Điều răn này cũng được đưa ra trong bối cảnh ngay sau khi Đức Giêsu
rửa chân cho các môn đệ (13,1-11) và Đức Giêsu đã cắt nghĩa rằng: “Nếu Tôi là Chúa
và là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em phải rửa chân cho nhau”
(13,14). Trong bối cảnh này, khi mời gọi
các môn đệ “ở lại trong tình thương của” Người bằng cách giữ “các điều răn” của
Người, Đức Giêsu lặp lại “điều răn mới” mà Người đã trao ban cho các môn đệ.
Chúng ta có thể thấy được một sự nối kết trong giáo huấn của Đức Giêsu. Chúa Giêsu
yêu thương các môn đệ - Các môn đệ được mời gọi ở lại trong tình thương của Đức
Giêsu - ở lại với điều kiện là giữ các điều răn của các môn đệ - điều răn của Đức
Giêsu là “Yêu thương nhau như” Đức Giêsu “đã yêu”. Giữ điều răn của Đức Giêsu
là “yêu thương nhau”. “Yêu thương nhau” tức là ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu.
Có một mối liên hệ chặt chẽ khép kín giữa tình yêu của Chúa Cha – Đức Giêsu –
Các môn đệ: Cha yêu Giêsu – Giêsu yêu các môn đệ - môn đệ yêu nhau – Yêu nhau
là ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu – Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu mà
Chúa Cha dành cho Người. Chính vì thế mà thánh Gioan đã xác tín: “Thiên Chúa là
tình yêu, ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người
ấy” (1Ga 4,16).
6. “Như
Tôi đã yêu thương”: Tính mới mẻ của điều răn của Đức Giêsu nằm ở điểm này:
“hệt như Tôi đã yêu anh em” (καθὼς ἠγάπησα ὑμᾶς). Một lần nữa liên từ
“Kathos” (như là, giống như, cùng một cách thức) lại được sử dụng, để diễn tả
cách thức và mức độ mà tình yêu của các môn đệ dành cho nhau phải vươn tới. Động
từ “aorist” (đã yêu thương) diễn tả một thực tế, một sự kiện đã xảy ra rồi.[7] C. Barrett ghi chú rằng trong
bối cảnh trực tiếp của 13,34 động từ này diễn tả hành động rửa chân mới xảy ra
trước đó, nhưng trong bối cảnh này nó có thể nói đến cái chết của Đức Giêsu và
hành động yêu thương này phải là tiêu chuẩn tối cao của tình yêu của các Kitô hữu.[8]
Như đã nói trên, trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu đã đề cập đến điều răn quan
trọng nhất trong các điều răn. Đó là “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của Ngươi, hết
lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi” (Mt 22,37; Mc 12,30; Lc 10,27a). Đây
là điều răn được nói đến trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 6,5) và được sách Giôsuê
nhắc lại (Gs 22,5). Đức Giêsu cũng nhắc tới điều răn thứ hai “cũng giống như điều
thứ nhất” là: “Phải yêu mến người thân cận như chính mình” (ἀγαπήσεις τὸν πλησίον
σου ὡς σεαυτόν) (Mt 22,38; Mc 12,31; Lc 10,27b). Điều răn này được nói đến
trong sách Lêvi: “Ngươi phải yêu mến người thân cận của ngươi như chính mình vậy”
(Lv 19,18). Chẳng những thế sách Lêvi còn nói thêm là “phải yêu người xa lạ cư
ngụ với ngươi, và yêu anh ta như chính mình vì ngươi đã từng là ngoại kiều trên
đất Aicập” (Lv 19,34). Trong điều răn của mình Đức Giêsu không đề cập đến việc
“yêu mến Đức Chúa”, tức là phần chiều dọc, chiều đứng của điều răn. Người chỉ
nhấn mạnh đến chiều ngang. Đối tượng mà các môn đệ phải yêu thương không phải
là “người ngoại kiều” hay “người hàng xóm” nhưng là “lẫn nhau” (ἀλλήλους). Đây là
tình yêu giữa các thành viên của công đoàn các môn đệ. Điểm quy chiếu cho tình
yêu này không còn là “như chính mình” (ὡς σεαυτόν) nữa, mà là “như
Tôi đã yêu anh em”. Tình yêu của Đức Kitô dành cho các môn đệ chính là tiêu chuẩn
là cách thức và mức độ cho tình yêu mà các thành viên của cộng đoàn các môn đệ
dành cho nhau.[9]
Theo Lê Minh Thông, liên từ “kathos” không diễn tả sự so sánh bình thường nhưng
nói đến ý nghĩa thần học quan trọng: “tình yêu của Đức Giêsu là nguồn gốc và nền
tảng của tình yêu giữa các môn đệ với nhau”.[10] Tình
yêu đó như thế nào? Đức Giêsu sẽ diễn tả trong câu tiếp theo.
7. “Hy
sinh mạng sống vì những người thân thương”. Tính từ so sánh “lớn hơn”, “vĩ
đại hơn” (μείζονα) được đặt ngay đầu câu
cùng với đại từ bất định phủ định (không ai) để nhấn mạnh tình yêu mà Đức Giêsu
muốn nói đến: “Không ai có một tình yêu vĩ đại hơn tình yêu này, là một người
nào đó dám hy sinh tính mạng của anh ta vì những người thân thương của mình”.
Nghĩa là, đây là tình yêu lớn nhất vĩ đại nhất, là tình yêu của kẻ dám chết vì “những
người bạn” của mình. Người có tình yêu vĩ đại ấy trước nhất chính là Đức Giêsu.
Người cũng đã ví mình như vị mục tử nhân lành, người hy sinh tính mạng cho đoàn
chiên của mình (Ga 10,11.15). Đây chính là lý do mà Chúa Cha yêu thương Người
Con: là vì Người Con “hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại” (Ga 10,17). Đây
chính là tình yêu của chính Đức Giêsu, Người đã chết cho nhân loại. Cái chết của
Đức Giêsu trên thập giá là hành động chết thay cho nhân loại. Quả vậy,
cái chết của Người trên thập giá đã chuộc tội cho nhân loại, và mang lại cho họ
ơn cứu độ, để họ có thể chia sẻ sự sống đời đời với Người. Máu Đức Giêsu là
“máu giao ước” đã đổ ra cho “nhiều người được tha tội” (Mt 26,28; Mc 14,24; Lc
22,20; 1 Cr 12,25). Các tín hữu được công chính hóa nhờ máu Đức Giêsu (Rm 5,9).
Họ được cứu độ nhờ máu của Người (Eph 1,7; 2,3). Thánh Gioan xác tín rằng,
chính máu của Đức Giêsu “rửa sạch muôn vàn tội lỗi của chúng ta” (1 Ga 1,7).
Ông cũng đưa ra cơ sở để biết tình yêu là gì: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết
được tình yêu là gì: Đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta” (1Ga 3,16). Thiên
Chúa đã yêu chúng ta và đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng
ta” (1Ga 4,10). Trong thư gửi ông Titô, thánh Phaolô cũng đã tin rằng Đức Giêsu
Kitô đã trao ban chính mình cho chúng ta “để Người có thể cứu chuộc chúng ta khỏi
tội lỗi và thanh tẩy cho Người một dân, dân nhiệt thành với những việc tốt lành”
(Tt 2,14). Thánh Phaolô cũng xác tín rằng: “khi chúng ta còn là tội nhân, Đức Kitô
đã chết cho chúng ta” (Rm 5,8; 1 Cr 15,3). Có thể nói rằng, trong mọi hình thức
hy sinh, thì hy sinh mạng sống là hy sinh ở mức cao nhất, là tận cùng của sự
trao ban, vì “hết mạng”, “mất mạng” rồi thì người ta chẳng có gì nữa để hy sinh
và trao ban nữa. Tác giả Lê Minh Thông đã so sánh 3 loại hy sinh trong nhân loại:
(1) Sự hy sinh mạng sống của cha mẹ cho con cái; (2) Vợ chồng hy sinh mạng sống
cho nhau; (3) Người cứu hộ hy sinh cho người được cứu hộ; với sự hy sinh mạng sống
cho “những người bạn” của Đức Giêsu. Ông cho rằng ba sự hy sinh của con người
cho nhau không ở “trên cùng một bình diện” với sự hy sinh của Đức Giêsu vì địa
vị và nguồn gốc của Đức Giêsu là duy nhất. “Người hy sinh mạng sống và có khả
năng lấy lại”.[11]
Sự hy sinh mạng sống này chỉ xảy ra khi tình yêu đạt đến mức thập toàn. Đức Giêsu
dám hy sinh tính mạng vì “những người thân thương” của mình vì Người yêu họ như
thể “Cha đã yêu” Người. Tình yêu của Cha dành cho Người hẳn là một tình yêu tuyệt
đối, thập toàn không một tình yêu nào trên trần gian này có thể sánh được. Đó
cũng có thể là lý do khiến sự hy sinh mạng sống của Đức Giêsu khác biệt với những
hy sinh của con người cho nhau. Hơn nữa, tầm ảnh hưởng và hiệu quả của sự hy
sinh của Đức Giêsu là phổ quát, ở cấp độ toàn nhân loại. Tất cả mọi người chứ
không chỉ riêng ai được hưởng nhờ ơn cứu độ nhờ cái chết của Người.
8. “Những người thân thương” (φίλος)[12]: Sau khi đã dùng cách nói “chết cho những người thân thương của mình”, theo cấu trúc bậc cấp, Đức Giêsu tiếp tục làm rõ, “những người thân thương” này là ai. Họ chính là “các môn đệ”: “Anh em là người thân thương của Tôi… Tôi gọi anh em là người thân thương của Tôi”. Danh từ “người thân thương” (φίλος) xuất hiện 6 lần trong Tin Mừng thứ tư và có đến một nữa số lần đó (3 lần) là ở trong đoạn văn này (15,13.14.15).[13] Điều đó ngụ ý rằng đề tài “người thân thương” là một trong những chủ đề quan trọng trong đoạn này. Danh từ “người thân thương” (φίλος) có cùng gốc với động từ “philêô” (φιλέω). Động từ này xuất hiện 13 lần[14] trong Tin Mừng thứ tư. Theo tác giả Lê Minh Thông, động từ này có thể hiểu theo nghĩa là “thương mến” (11,3), “thương” (13,6), “yêu” (12,25), hay “yêu thích” (15,19).[15] Động từ này có thể dùng để diễn tả tình yêu của Chúa Cha dành cho Đức Giêsu: “Cha yêu Người Con và cho Người thấy tất cả những gì Ngài đang làm” (Ga 5,20); hoặc là tình yêu Chúa Cha dành cho các môn đệ: “Cha yêu thương anh em vì anh em đã yêu mến Tôi và tin rằng Tôi đến từ Cha” (16,27). Động từ này cũng được dùng để diễn tả tình yêu của Đức Giêsu dành cho Ladarô. Ladarô được Đức Giêsu gọi là “người thân thương của chúng ta” (ὁ φίλος ἡμῶν) (Ga 11,11). Những người chị của Ladarô gửi người đến nói với Đức Giêsu rằng: “Chúa ơi! Người mà Ngài thương mến (ὃν φιλεῖς) đang bệnh” (Ga 11,3). Điều đó chứng tỏ rằng “tình thương” này bao hàm một tình yêu mến. Cách hiểu này có thể lý giải cho mối tương quan giữa Đức Giêsu và các môn đệ trong bối cạnh này. Đức Giêsu gọi các môn đệ là “những người thân thương” không phải theo nghĩa thông thường nhưng có mối tương quan “thương mến” mật thiết. Tôi đề xuất gọi “những người bạn” (“bạn hữu”, như thường được dịch, CGKPV và NTT) này bằng cụm từ “những người thân thương”.[16] “Những người thân thương này” đối lại với “những tôi tớ”. Điều làm nên sự khác biệt giữa “những người thân thương” của Đức Giêsu với các tôi tớ là sự hiểu biết “các công việc”. “Các đầy tớ không biết việc chủ làm” trong khi đó “những người thân thương” được Đức Giêsu tỏ cho biết tất cả những gì Người nghe được nơi Cha của Người” (15,15). Như thế, theo Gioan, sự khác biệt giữa một “tôi tớ” và một “người thân thương” không hệ tại ở việc làm hay không làm ý Chúa nhưng phụ thuộc vào việc hiểu hoặc không hiểu ý Người.[17] Điều kiện để các môn đệ trở thành “những người thân thương” của Đức Giêsu là “làm những điều” Người truyền dạy (15,14). “Những điều Đức Giêsu truyền dạy” có thể là toàn bộ giáo huấn của Đức Giêsu. Tuy nhiên, trong bối cảnh trực tiếp, rất có thể đó là “điều răn của” Đức Giêsu. Cũng nên biết thêm là động từ truyền dạy (ἐντέλλομαι) có cùng gốc với danh từ “điều răn” (ἡ ἐντολὴ). Vì thế, các điều răn cũng có thể được hiểu là “những lời truyền dạy”. Động từ “truyền dạy” lại được nhắc lại một lần nữa ở câu cuối nhằm đóng khung đoạn này (15,9-17) trong lệnh truyền “hãy yêu thương nhau của” của Đức Giêsu: “Tôi truyền những điều này cho anh em rằng anh em hãy yêu thương nhau” (15,17).
9. “Chọn – ra đi – sinh hoa trái”
Theo cấu trúc “bậc cấp” được đề xuất ở trên, thành phần “chọn lựa – ra đi – sinh nhiều hoa trái” có cùng cấp với thành phần “những người thân thương” (B3//B3’’//B3’’’). “Những người thân thương” cũng là “những người môn đệ”. Thẩm quyền chọn lựa thuộc về Đức Giêsu: “Không phải anh em đã chọn Tôi nhưng chính tôi đã chọn anh em”. Động từ “chọn” (ἐκ-λέγομαι), lối trình bày, thì aorist với chủ từ là Đức Giêsu được dùng 4 lần trong Tin Mừng Gioan (ἐξελεξάμην). Lần thứ nhất, Đức Giêsu nhìn nhận chính Người đã tuyển chọn nhóm Mười Hai: “Không phải chính Tôi đã chọn anh em, nhóm Mười Hai sao? Tuy vậy, một người trong anh em là quỷ.” (6,70). Lần thứ hai, cũng liên quan đến “nhân vật quỷ này”: “Tôi biết những người tôi đã chọn, nhưng để Thánh Kinh được nên trọn, ‘Người ăn bánh của Tôi lại giơ gót chân chống lại Tôi” (13,18). Lần thứ ba, chính là trong đoạn này: “Chính Tôi đã chọn anh em” (15,16). Và lần cuối cùng, thái độ thù ghét của thế giới đối với các môn đệ là vì họ được chọn từ giữa thế gian và không thuộc về thế gian: “Anh em không thuộc về thế gian nhưng Tôi đã chọn anh em từ giữa thế gian. Vì thế, thế gian ghét anh em” (15,19). Rõ ràng, tác giả Tin Mừng thứ tư, đã cho thấy rõ thẩm quyền chọn lựa các môn đệ nằm ở Đức Giêsu. Tác giả Luca cũng cho thấy Đức Giêsu, sau khi đã cầu nguyện suốt đêm, đã “chọn” trong số các môn đệ, làm thành nhóm Mười Hai, mà Người gọi là các Tông Đồ (Lc 6,12-13). Máccô cũng trình thuật tương tự: Đức Giêsu gọi đến với Người những kẻ Người muốn, Người lập Nhóm Mười Hai, “để các ông ở với Người và Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,13-19; Cf. Mt 10,1-4). Ngoài ra, các tác giả Nhất Lãm còn tường thuật việc Đức Giêsu chọn gọi 4 môn đệ đầu tiên: Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan (Mc 1,16-20; Mt 4,18-22; Lc 5,1-11); Rồi Người gọi ông Lêvi (Mátthêu) khi ông đang hành nghề thu thuế (Mc 2,13-14; Mt 9,9; Lc 5,27-28). Tin Mừng thứ tư không có tường thuật về việc gọi 4 môn đệ đầu tiên và Lêvi cách gọn gàng như Tin Mừng Nhất Lãm. Tuy nhiên, ông cũng kể về việc có hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã “đến và xem” nơi ở của Đức Giêsu một ngày (Ga 1,35-39). Một trong hai người đó là Anrê. Anrê dẫn em mình là Phêrô đến với Đức Giêsu (Ga 1,40-42). Đức Giêsu gọi riêng Philípphê (Ga 1,43). Philípphê lại giới thiệu Đức Giêsu với Nathanael (Ga 1,45). Rồi, Nathanael tìm gặp Đức Giêsu và được Đức Giêsu thuyết phục (Ga 1,47-51). Đức Giêsu cũng nắm vai trò chủ động thu hút và tuyển chọn các môn đệ trong những trình thuật này. Tuyển chọn là để sai đi. Mục đích “để sai đi” này được nói rõ trong Tin Mừng Máccô: “Để các ông ở với Người và Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,14). Tin Mừng Nhất Lãm đồng loạt kể về hành động sai đi của Đức Giêsu: “Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9,2); “Người sai các ông đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ” (Mc 6,7); “Đức Giêsu sai Mười Hai ông đi và dặn rằng: ‘anh em hãy đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của Samari. Tốt hơn hết hãy đến với các con Chiên lạc nhà Ítrael”’ (Mt 10,5-6). Tin vui mà họ mang đến cho người ta là “Tin Mừng Nước Thiên Chúa”, “Nước Trời đã đến gần”, và các phép lạ chữa lành bệnh tật và trừ quỷ. Đây có thể là những hoa trái mà Đức Giêsu nói đến trong Tin Mừng Gioan. Đề tài “sinh hoa trái” trong đoạn này (Ga 15,9-17) nối tiếp với cùng đề tài trong đoạn trước đó (15,1-8): Cành nho sinh hoa trái (15,2a.2b.4b) // Các môn đệ sinh hoa trái (15,4c.5b.8). Hoa trái trong bối cảnh này rất có thể là hoa trái tình yêu, vì trước đó các môn đệ được mời gọi “ở lại trong tình yêu của” Đức Giêsu và muốn ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu thì các môn đệ phải “giữ các điều răn của Đức Giêsu”. Điều răn của Đức Giêsu là “Yêu nhau như Đức Giêsu đã yêu”. “Như Đức Giêsu đã yêu nghĩa là chết cho “những người thân thương” của mình. Đến cuối cùng, hoa trái mà Đức Giêsu muốn nói đến rất có thể là hoa trái yêu thương, là yêu cho đến chết vì “những người thân thương” của mình. Và hoa trái ngọt ngào của tình yêu cao thượng này sẽ tồn tại mãi.
10. “Để: Xin nhân danh Tôi – Cha sẽ ban cho”
Kiểu nói này rất giống với kiểu nói ở đoạn trước đó (15,1-8): “Nếu anh em ở lại trong Tôi và lời Tôi ở lại trong anh em, anh em cứ xin điều anh em muốn, nó sẽ xảy ra cho anh em” (15,7). Chủ đề, tạm gọi là, “xin – được” nối kết đoạn văn này với đoạn văn trước đó. Tuy vậy, vẫn có nhiều điều rất khác biệt giữa quy trình “xin – được” trong đoạn này và trong đoạn trước đó. Có ít nhất 4 điểm khác biệt: (1) Đối tượng các môn đệ hướng đến là Cha; (2) Tác nhân mà các môn đệ phải cậy nhờ là “nhân danh” Đức Giêsu; và (3) Người ban là Cha; (4) (những) Tiền đề của mệnh đề mục đích này. 3 điểm đầu tiên không được đề cập đến trong quy trình “Xin – được” ở 15,7. Hơn nữa, tiền đề của quy trình “xin – được” trong 15,7 khá rõ ràng: “Nếu anh em ở lại trong Tôi và lời Tôi ở lại trong anh em”, trong khi đó tiền đề cho quy trình “Xin – được” ở đây (15,16) khá phức tạp vì câu văn ở đây là một câu văn dài kết hợp giữa câu ghép và câu phức với nhiều liên từ dùng cho câu ghép, “và” (καὶ) –“nhưng” (ἀλλα), cùng với 2 mệnh đề chỉ mục đích.[18] Quy trình “Xin – được” là một mệnh đề chỉ mục đích bắt đầu bằng liên từ bổ trợ “để mà” (ἵνα): “Để mà (ngõ hầu) bất cứ điều gì anh em xin cùng Cha, nhân danh Tôi, Cha có thể ban cho anh em”. Phải hiểu tiền đề của mệnh đề mục đích này như thế nào đây? Có ít nhất là 3 giải pháp cho tiền đề của mệnh đề chỉ mục đích này.[19] Giải pháp I: “Mệnh đề chỉ mục đích” này có thể đi theo tiền đề là một loạt hành động trước đó: Không phải các môn đệ đã chọn Đức Giêsu nhưng Đức Giêsu chọn các môn đệ và sắp đặt để họ ra đi và sinh hoa trái, và để hoa trái của họ duy trì. Giải pháp II: “Mệnh đề mục đích” này (để điều anh em xin…) kết hợp với mệnh đề chỉ mục đích ngay trước đó (để anh em ra đi…) có chung một tiền đề là: “Không phải các môn đệ đã chọn Đức Giêsu nhưng Đức Giêsu chọn các môn đệ và sắp đặt”. Nghĩa là, Đức Giêsu tuyển chọn và sắp đặt/ (1) “Để các môn đệ ra đi và sinh hoa trái…” và/ (2) Để điều họ xin cùng Cha…”. Giải pháp III: Mệnh đề chỉ mục đích thứ nhất chính là tiền đề của mệnh đề chỉ mục đích thứ hai. Nghĩa là: “để anh em ra đi và sinh hoa trái và hoa trái của anh em duy trì, để điều anh em xin Cha nhân danh của Tôi, Ngài có thể ban cho anh em.”[20] Tùy theo cách hiểu tiền đề mà độc giả có thể đoán được đâu là điều kiện phải có để đạt được mục đích “xin – được” như Đức Giêsu đã hứa. Chúng có thể là một tiến trình bắt đầu từ việc tuyển chọn của Đức Giêsu cho đến việc hoa trái yêu thương duy trì. Chúng cũng có thể là hiệu quả của việc sinh hoa trái yêu thương và hoa trái ấy duy trì. Mục đích ấy cũng có thể đạt được chỉ nhờ vào sự tuyển chọn và sắp đặt của Đức Giêsu. Tôi nghiêng về giải pháp thứ nhất hơn, bởi nó có vẻ đầy đủ và logic hơn. Muốn Cha ban cho tất cả những điều mình xin nhân danh Đức Giêsu thì phải được Đức Giêsu tuyển chọn, và sai đi. Được sai đi thì phải sinh nhiều hoa thơm trái ngọt, hoa thơm trái ngọt này phải có “hạn sử dụng” lâu dài.
Hy Lạp |
Việt |
Ga 15,16 οὐχ ὑμεῖς με ἐξελέξασθε, ἀλλ᾽ ἐγὼ ἐξελεξάμην ὑμᾶς καὶ ἔθηκα ὑμᾶς ἵνα ὑμεῖς ὑπάγητε καὶ καρπὸν φέρητε καὶ ὁ καρπὸς ὑμῶν μένῃ, ἵνα ὅ τι ἂν αἰτήσητε τὸν πατέρα ἐν τῷ ὀνόματί μου δῷ ὑμῖν. |
16 Không phải anh em đã chọn tôi, nhưng tôi đã chọn anh em và sắp đặt, để anh em ra đi và sinh hoa trái và hoa trái của anh em duy trì, để điều anh em xin Cha nhân danh của Tôi, Ngài có thể ban cho anh em.
|
11. “Nhân danh tôi”: Cụm giới từ “nhân danh tôi” (ἐν τῷ ὀνόματί μου) (Tôi = Giêsu) là một cụm từ đặc trưng của Gioan. Có 8 lần cụm từ này được sử dụng trong Tin Mừng Gioan, trong đó có đến 6 lần cụm từ này đi kèm với động từ “hỏi, xin” (αἰτέω): “Xin nhân danh tôi”. Trong 6 lần “xin nhân danh tôi”, có 3 lần đối tượng mà các môn đệ phải cầu xin là Chúa Cha (cầu xin Cha nhân danh Đức Giêsu): “Để tất cả những gì anh em cầu xin Cha nhân danh tôi, Người có thể ban cho anh em” (15,16); “quả thật, tôi bảo anh em, bất cứ điều gì anh em cầu xin Cha nhân danh tôi, Người sẽ ban nó cho anh em” (16,23); “vào ngày đó anh em sẽ cầu xin nhân danh tôi và tôi không bảo anh em rằng tôi sẽ cầu xin Cha thay cho anh em” (16,26). Còn 3 lần khác, đối tượng mà các môn đệ phải cầu xin là chính Đức Giêsu (Cầu xin Đức Giêsu, nhân danh Đức Giêsu): “Bất cứ điều gì anh em xin nhân danh tôi, tôi sẽ làm điều đó, để Cha có thể được tôn vinh nơi Người Con” (14,13.14); “Cho đến bây giờ anh em chưa xin điều gì nhân danh tôi, hãy xin, anh em sẽ nhận được, để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (16,24). Có hai lần cụm từ “nhân danh tôi” không được đi kèm với động từ “hỏi, xin” nhưng đi kèm với hai động từ quan trọng “sai đến” và “có sự sống”: “Đấng Bảo Trợ, Thánh Thần, Đấng mà Cha sẽ sai đến nhân danh tôi, Người sẽ dạy anh em tất cả mọi điều và làm cho anh em nhớ lại tất cả mọi điều tôi đã nói với anh em” (14,26); “tất cả những điều được viết để anh em có thể tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà anh em có thể có sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).
Bình luận chung
Đoạn Tin Mừng
Chúa Nhật VI Mùa Phục Sinh (Ga 15,9-17) tràn ngập yêu thương. Đoạn văn khởi đầu
bằng hành động “yêu thương” và kết thúc cũng bằng lời mời gọi “yêu thương”: “Hệt
như Cha yêu thương Tôi, Ttôi cũng yêu thương anh em” (15,9) – “Ttôi truyền cho
anh em những điều này để anh em có thể yêu thương nhau” (15,17). Xuyên suốt đoạn
văn, có 5 lần động từ “yêu thương” được sử dụng (15,9a.9b.12a.12b.17). Thêm vào
đó, danh từ “tình yêu” được sử dụng 4 lần. 9 lần từ vựng liên quan đến “yêu
thương” được sử dụng trong một đoạn văn gồm 9 câu (cc.9-17). Như thế, có thể
nói rằng ứng với một câu văn thì có một từ vựng liên quan đến yêu thương. Chưa
hết, từ vựng “người thương” cũng có gốc từ động từ “yêu thương” hay “thương mến”
như đã phân tích ở trên. Trên cơ sở đó, danh từ “những người bạn” được đề nghị
hiểu là “những người thân thương”. Danh từ “những người thân thương” xuất hiện
3 lần trong đoạn văn này. Vậy là từ ngữ liên quan đến yêu thương đã lên đến con
số 12 chứ không còn là 9 nữa. Nói như thế để hiểu rằng, tác giả đã cố ý xây dựng
đoạn văn này quanh chủ đề yêu thương. Nói theo ngôn ngữ Phụng Vụ thì, Tin Mừng
Chúa Nhật này xoay quanh chủ đề yêu thương. Nói theo ngôn ngữ thần học, đoạn
văn này là một mặc khải về vòng tròn tình yêu của Cha – Đức Giêsu – môn đệ. Theo
thần học chuyên biệt (Kitô học) thì có thể gọi đây là mầu nhiệm tình yêu cứu độ:
chết cho người mình yêu. Còn nói theo kiểu văn học tiểu thuyết, có thể gọi đây
là một câu chuyện tình lâm li bi đát trong thế gian.
Trong đoạn văn
trước (15,1-8) độc giả đã từng nghe đến “vòng tròn tình yêu cứu độ khép kín”, Từ
Cha – Đức Giêsu – Các môn đệ: Cha là người trồng nho – Đức Giêsu là cây nho –
Các môn đệ là những cành nho – những cành nho ở lại trong Đức Giêsu và được Cha
cắt tỉa – sinh nhiều hoa trái – nhiều hoa trái mang lại vinh quang cho Cha.[21]
Đoạn văn 15,9-17 cũng là một vòng tròn tình yêu khép kín như thế: “Cha yêu Người
Con – Người Con yêu các môn đệ bằng tình yêu Cha dành cho mình – các môn đệ ở lại
trong tình yêu của Người Con - Ở lại trong tình yêu của Người Con đồng nghĩa với
việc giữ các điều răn của Người Con – điều răn của Người Con là: “Yêu thương
nhau hệt như” Người con đã yêu họ - “hệt như” Người Con “đã yêu” là: “Hy sinh
tính mạng vì những người thân thương” – “Những người thân thương” là những môn
đệ - Những môn đệ được chọn, được sắp đặt để ra đi và sinh hoa trái và hoa trái
còn mãi – hoa trái yêu thương còn mãi chính là dấu hiệu cho sự ở lại trong Tình
yêu của Cha dành cho Người Con.
Tác giả Gioan đã
dùng liên từ so sánh “kathos” (Καθὼς) (hệt như, cùng cách thức)
để đồng hóa một cách tài tình tình yêu của Đức Giêsu dành cho các môn đệ với
tình yêu của Cha dành Cho Người. Hai tình yêu này không hề khác nhau. Có lẽ, không
ai thấy và cảm nghiệm được tình yêu của Cha dành cho Đức Giêsu, nhưng độc giả
và các môn đệ chắc chắn cảm nghiệm và hiểu tình yêu của Đức Giêsu dành cho các
môn đệ. Đó là tình yêu ở mức độ cao nhất, sự cao thượng đạt cảnh giới cao nhất.
Không có một tình yêu nào có thể so sánh với tình yêu ấy: Tình yêu của Người
dám hy sinh tính mạng vì “người thân thương của mình”. Hỵ sinh mạng sống là tận
cùng của sự hy sinh bởi vì người ta không còn gì hơn để hy sinh hơn nữa. Cũng với
liên từ này, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ vươn tới mức độ yêu thương của Người
và của Cha Người: “Hệt như (kathos) Người đã yêu họ”. Họ được mời gọi ở lại
trong tình yêu của Đức Giêsu bằng cách sẵn sàng chết cho “những người thân
thương” của mình. Chính khi chết đi theo cách thức như thế các thành viên của cộng
đoàn môn đệ lại giữ được mạng sống ấy: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai ghét mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giự được nó cho sự sống đời đời”
(Ga 12,25; Cf. Mc 8,35; Mt 16,25; Lc 9,24). Đức Giêsu còn nhấn mạnh rằng: “Quả thật,
tôi bảo thật anh em, nếu hạt lúa mình rơi xuống không chết đi thì nó trơ trọi một
mình, còn nếu nó chết đi, nó mới sinh nhiều hoa trái” (Ga 12,24). Như thế,
“Sinh hoa trái” mà Đức Giêsu muốn nói ở đoạn này (15,9-17) cũng như đoạn trước
đó (15,1-8) bao hàm cả sự “chết đi”. Cái chết này là cái chết cho “những người
thân thương” chứ không phải cái chết của những người chán sống và chết vô
nghĩa.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1]
Xem thêm cấu trúc của Tin Mừng thứ tư trong, Joseph Phạm Duy Thạch, “Cây Nho
Giê-su, Cành Nho Môn Đê và Vinh Quang của Chúa Cha”, HORIZON
MISSIONARY: CÂY NHO GIÊ-SU, CÀNH NHO MÔN ĐỆ, VÀ VINH QUANG CỦA CHÚA CHA
(josephpham-horizon.blogspot.com) (truy cập ngày 04/05/2021).
[2]
C.S. Keener, The Gospel of John. A Commentary (Grand Rapids 2012) I,
1003.
[3] G.
Beasley – Murray xem việc giữ các điều răn của Cha là thể hiện sự vâng lời và sự
vâng lời này lên đỉnh khi Người trao ban mạng sống cho nhân loại [G.R. Beasley-Murray,
John (WBC;
Dallas 1999) XXXVI, 273].
[4]
C.K. Barrett, The Gospel According to St. John. An Introduction with
Commentary and Notes on the Greek Text (Philadelphia 1978) 476.
[5] R.
Brown nghĩ rằng “the statement “I have loved
you” in 9 is the real basis of the joy in 11” [R.E. Brown, The Gospel
according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and
notes (AYB; New Haven – London 2008) 29A, 663].
[6]
C.K. Barrett, The Gospel According to St. John, 476.
[7] R.
Brown giải thích cách dùng của thì aorist ở
đây nhằm “prepares the way for the
supreme act of Jesus’ love to be mentioned in the next verse” (R.E.
Brown, The Gospel
according to John (XIII-XXI), 664).
[8]
C.K. Barrett, The Gospel According to St. John. An Introduction with
Commentary and Notes on the Greek Text (Philadelphia 1978) 452.
[10]
Lê Minh Thông, “Ga 15,9-13. Dòng Chảy Tình Yêu giữa Cha, Đức Giê-su, và Các Môn
Đệ”, Tin
Mừng Gio-an, Évangile de Jean, Gospel of John: Ga 15,9-13. Dòng chảy tình yêu
giữa Chúa Cha, Đức Giê-su, các môn đệ (leminhthongtinmunggioan.blogspot.com)
(Truy cập 04/05/2021).
[11]
Lê Minh Thông, nguồn đã dẫn.
[12]
Trong Cựu Ước Ápraham được gọi là “người bạn của Chúa” (Is 41,8; 2 Sbn 20,7; Gc
2,23); Mô-sê cũng là bạn của Chúa (Xh 33,11).
[13]
Ba lần còn lại: Gioan Tẩy Giả dùng danh xưng “Bạn của chàng rể” để diễn tả
tương quan giữa ông và Đức Giêsu (3,29); Ladarô là “bạn” của Đức Giêsu và các
môn đệ (11,11); và “bạn của hoàng đế Xêda”: Nếu ông tha cho người này, ông
không phải là bạn của Xêda (Ga 19,12).
[14]
5,20; 11,3.36; 12,25; 15,19; 16,27a.27b; 20,2; 21,15.16.17a.17b.17c.
[15]
Lê Minh Thông, “Đề tài tình yêu và tình bạn (TM Gioan)”, Tin
Mừng Gio-an, Évangile de Jean, Gospel of John: Đề tài tình yêu và tình bạn (TM
Gio-an) (leminhthongtinmunggioan.blogspot.com) (truy cập 04/05/2021).
[16]
R. Brown dịch từ “φίλος” là “those he
loves” [R.E. Brown, The Gospel
according to John (XIII-XXI), 664]. Ông cũng cho rằng “những người
thân thương” của Đức Giê-su là tất cả các tín hữu (R.E. Brown, The Gospel
according to John, 682).
[17]
C.K. Barrett, The Gospel According to St. John, 477.
[18]
Cũng nên biết thêm là vấn đề phân chia các chương của các sách Tân Ước chỉ có từ
thế kỷ thứ 13 (1226), do Linh mục Stephen Langton, sau này là Tổng Giám Mục
Canterbury (Anh); và sự phân chia các câu chỉ có từ thế kỷ thứ 16 (1551), do ông
Robert Estienne (Pháp), chuyên về nghề in [Lm. Thê-ô-phi-lô Ngô Hoàn Cầu, SVD, Ngưỡng
Cửa Vào Sách Tin Mừng. Ki-tô hữu đọc sách Thánh (Hà Nội 2020) 72].
[19] R.
Brown lưu ý về sự phân rẻ giữa các nhà chú giải liên quan đến hai “mệnh đề mục
đích” [R.E. Brown, The Gospel
according to John (XIII-XXI), 665].
[20]
C. Keener chọn giải pháp này (C.S. Keener, The Gospel of John, 1016); C.
Barrett có cùng suy nghĩ với Keener, (C.K. Barrett, The Gospel According to
St. John, 478).
[21]
Xem thêm, Joseph Phạm Duy Thạch, “Cây Nho Giê-su, Cành Nho Môn Đệ và Vinh Quang
của Chúa Cha”, HORIZON
MISSIONARY: CÂY NHO GIÊ-SU, CÀNH NHO MÔN ĐỆ, VÀ VINH QUANG CỦA CHÚA CHA
(josephpham-horizon.blogspot.com) (truy cập 04/05/2021).
No comments:
Post a Comment