Bản văn và bản dịch
Ga 15, 26-27 |
Việt ngữ |
26 Ὅταν ἔλθῃ ὁ παράκλητος ὃν
ἐγὼ πέμψω ὑμῖν παρὰ τοῦ πατρός, τὸ πνεῦμα τῆς ἀληθείας
ὃ παρὰ τοῦ πατρὸς ἐκπορεύεται, ἐκεῖνος μαρτυρήσει
περὶ ἐμοῦ· 27 καὶ ὑμεῖς δὲ μαρτυρεῖτε, ὅτι ἀπ᾽ ἀρχῆς μετ᾽ ἐμοῦ ἐστε.
|
26 Khi Đấng Paráclêtos[1]
đến, Đấng mà tôi sẽ gửi đến cho anh em từ Chúa Cha, “Pnêuma”
của sự thật, Đấng đến từ Cha, Đấng đó sẽ làm chứng về tôi. 27 và Anh em cũng
làm chứng về tôi, vì anh em đã ở với tôi ngay từ đầu. |
Ga 16, 12-15 |
Việt ngữ |
12 Ἔτι πολλὰ ἔχω
ὑμῖν λέγειν, ἀλλ᾽ οὐ δύνασθε βαστάζειν ἄρτι· 13 ὅταν δὲ ἔλθῃ ἐκεῖνος, τὸ πνεῦμα τῆς ἀληθείας, ὁδηγήσει ὑμᾶς ἐν τῇ ἀληθείᾳ πάσῃ· οὐ γὰρ λαλήσει ἀφ᾽ ἑαυτοῦ, ἀλλ᾽
ὅσα ἀκούσει λαλήσει καὶ τὰ ἐρχόμενα ἀναγγελεῖ ὑμῖν. 14 ἐκεῖνος ἐμὲ δοξάσει, ὅτι ἐκ τοῦ ἐμοῦ λήμψεται καὶ ἀναγγελεῖ ὑμῖν. 15 πάντα ὅσα ἔχει ὁ πατὴρ
ἐμά ἐστιν· διὰ τοῦτο εἶπον ὅτι ἐκ τοῦ ἐμοῦ λαμβάνει καὶ ἀναγγελεῖ ὑμῖν. |
12 Tôi có nhiều điều nữa để nói cùng anh
em, nhưng bây giờ anh em không thể chịu nổi. 13 Khi Đấng ấy đến, “Pnêuma” của sự thật, sẽ dạy
(dẫn) anh em trong sự thật toàn vẹn,
vì Người sẽ không nói từ Người, những điều Người nghe Người sẽ nói, những điều
sắp xảy ra, Người sẽ loan báo cho anh em. 14 Đấng ấy sẽ tôn
vinh tôi, vì Người sẽ lấy từ tôi mà loan
báo cho anh em. 15 Tất cả những cái Cha có là của tôi vì
thế, tôi nói rằng Người lấy từ tôi và loan báo cho
anh em.
|
Bối cảnh
Cả hai bản văn Ga 15,26-27 và Ga 16,13-15 đều nằm trong phần thứ ba của Tin
Mừng thứ tư có tên gọi là “Sách của sự Tôn Vinh” (Ga 13,1 – 20,31).[2] Trong
bối cảnh hẹp hơn, hai đoạn văn này nằm trong số những “lời dạy của Đức Giêsu”
dành cho các môn đệ từ sau trình thuật Rửa Chân cho đến trước trình thuật về cuộc
Thương Khó (Từ 13,1 – 17, 26). Trong gần 5 chương, Gioan ghi lại rất nhiều điều
Đức Giêsu căn dặn các môn đệ trước Cuộc Thương Khó. Một trong những giáo huấn
quan trọng là sự mạc khải về Đấng “Paráclêtos”. Đề tài về Đấng này trải dài
trong cả 3 chương 14,15 và 16. Đây là đoạn thứ ba và thứ năm trong số 5 đoạn
văn nói về sứ vụ và vai trò của Đấng Paráclêtos trong Tin Mừng thứ tư (Ga 14,15-17;
14,25-26; 15;26-27; 16,7-11; 16,12-15).[3]
Tên gọi Paráclêtos và những đoạn văn nói về sứ vụ và vai trò của Đấng này là
tài liệu độc quyền của Gioan. Có rất nhiều vai trò của Đấng Paráclêtos được đề
cập trong những đoạn này như là “dạy” và “làm nhớ lại”; “ở lại với các môn đệ”;
“chứng minh sự sai lầm của thế gian”; “dẫn đường (dạy)”, “loan báo” và “tôn
vinh”. Một trong những cách diễn giải danh xưng Paráclêtos được chính Đức Giêsu
đưa ra là “Pnêuma của sự thật” (τὸ πνεῦμα τῆς ἀληθείας). Rất khó để dịch nghĩa danh từ “τὸ
πνεῦμα” trong tiếng Hy Lạp.
Tiếng Anh dịch nghĩa là “the Spirit”, Tiếng Ý và Tiếng Pháp tương ứng là “lo
Spirito” và “l’Esprit”. Tiếng Việt dịch là “Thần Khí sự thật” (CGKPV, NTT). “πνεῦμα” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “gió”,
“hơi thở”, “sinh khí”, “tinh thần”, “linh hồn”, đôi khi là “hồn ma” nữa (Lc
24,37.39). Rõ ràng, không có chút “thần” nào trong từ ngữ này cả, nên dịch là
“Thần Khí” có vẻ không diễn tả được rõ nghĩa của danh xưng này. Có lẽ nên gọi
theo lối chuyển tự là “Pnêuma”. Danh xưng “Pnêuma”, đã xuất hiện trong lời chứng
của Gioan Tẩy Giả: “Tôi đã thấy ‘Pnêuma’ đi xuống từ trời như một con bồ câu và
ở lại trên Người” (Ga 1,32-33). Trong cuộc thảo luận với Nicôđêmô, Đức Giêsu
cũng đã đề cấp đến “Pnêuma” đối lại với xác thịt: “cái được sinh ra từ ‘Pnêuma’
là tinh thần, cái được sinh ra từ xác thịt là xác thịt” (Ga 3,6.8). Khi ghi chú
về “nước hằng sống”, người thuật chuyện của Tin Mừng thứ tư đã cho rằng: “Người
nói về ‘Pnêuma’, Đấng mà các tín hữu phải lãnh nhận; bởi vì chưa có “Pnêuma” vì
Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7,39). Trong bối cảnh chương 14,15, và 16,
tác giả nói đến “Pnêuma sự thật” 3 lần: “đây là “Pnêuma sự thật”, Đấng mà thế
giới không thể đón nhận, bởi vì nó không thấy và cũng không biết Người” (Ga
14,17); “Pnêuma sự thật” Đấng đến từ Cha, Người sẽ làm chứng thay cho Thầy” (Ga
15,26); “khi ‘Pnêuma sự thật đến’, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toan vẹn”
(Ga 16,13). Trong bối cảnh này “Pnêuma” được đặc tính hóa là sự thật. Đề tài
“tôn vinh” được nói đến trong 16,14 (Đấng ấy sẽ tôn vinh tôi) là một đề tài hết
sức quen thuộc trong phần thứ III của Tin Mừng Gioan: “Sách của sự Tôn Vinh”. Sự
tôn vinh dành cho cả Người Con và Cha. Sự tôn vinh ấy được Đức Giêsu nhắc đến
ngày sau khi Giu-đa ra khỏi phòng Tiệc Ly: “giờ đây Con Người được tôn vinh và
Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31-32). Đức Giêsu đã hứa là tất
cả những điều các môn đệ xin nhân danh Người thì Người sẽ làm để Chúa Cha được
tôn vinh nơi Người Con” (Ga 14,13). Điều mà Cha được tôn vinh là: “Anh em sinh
nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8). Khi “giờ đến” Đức Giêsu cầu xin Cha tôn vinh
mình: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha”
(Ga 17,1.5). Chủ đề làm chứng: “Đấng ấy làm chứng về tôi và anh em cũng làm chứng
về tôi” (Ga 15,26-27), cũng là một chủ đề nổi bật trong Tin Mừng thứ tư. Gioan
Tẩy Giả làm chứng về Đức Giêsu (Ga 1,15.32; 3,26). Gioan cũng đến với mục đích
“làm chứng và làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,7-8). Chúa Cha cũng làm chứng cho Đức
Giêsu (Ga 5,37). Sách Thánh cũng làm chứng cho Đức Giêsu (5,39). Đức Giêsu cũng
làm chứng cho chính mình (Ga 8,18). Đám đông cũng làm chứng cho Đức Giêsu khi Đức
Giêsu “gọi anh La-da-rô ra khỏi mồ và làm cho anh trỗi dậy từ cõi chết” (Ga
12,17). Đức Giêsu “sinh ra và đến thế gian nhằm làm chứng cho sự thật” (Ga
18,37).
Giới hạn bản
văn: Có 2 bản văn riêng
biệt. Mỗi bản văn sẽ có giới hạn riêng của nó
Ga 15,26-27 Nằm cuối chương 15 khởi đầu bằng hình ảnh Đức Giêsu
là cây nho thật (15,1). Đoạn văn này có nội dung thống nhất và khác biệt so với
đoạn văn trước đó. Thứ nhất, đây là đoạn văn duy nhất nói về Đấng Paráclêtos
trong chương 15. Thứ hai, chủ đề như “làm chứng” cũng là chủ đề được nói đến một
lần trong toàn chương 15. Đoạn trước đó (15,18-25) nói về mối tương quan giữa
“thế gian và các môn đệ”. Thế gian ghét các môn đệ vì các môn đệ không thuộc về
thế gian. Đoạn này (15,26-27) có thế nói là về chủ đề “Đấng Paráclêtos và các
môn đệ”. Hai đoạn này có thế nối kết với nhau bởi nhân vật là “các môn đệ” và
“đối tượng” mà cả Đấng Paráclêtos và các môn đệ nhắm đến khi làm chứng được giả
định là: “trước thế gian”. Đoạn 15,26-27 có dấu hiệu thay đổi về mặt thời gian
và nhân vật rõ nét: “Οταν” là liên từ bổ trợ chỉ thời gian (khi, bất cứ khi nào); Nhân vật mới: Đấng
Paráclêtos.
Ga 16,12-15
Đoạn 16,12-15 và đoạn trước đó (16,5-11) đều nói đến Đấng Paráclêtos (16,7
và 16,13). Tuy nhiên, vai trò của Đấng này trong hai đoạn là khác nhau. Trong
16,5-11, Đấng Paráclêtos sẽ luận tội thế gian về “tội lỗi”, về “sự công chính”
và “việc xét xử” trong khi đó, trong 16,12-15, Đấng Paráclêtos, mệnh danh là “Pnêuma”
của sự thật “sẽ dạy các tông đồ toàn bộ sự thật” (16,13). Ngoài ra, Đấng Paráclêtos
ở 16,12-15 cũng sẽ “tôn vinh” Đức Giêsu và “loan báo” cho các môn đệ. Như vậy,
đoạn văn 16,12-15 vừa nối kết với đoạn trước đó (16,5-11) bởi nhân vật Paráclêtos,
vừa tách biệt với đoạn văn trước bởi các vai trò khác nhau của Đấng này. Hơn nữa,
câu khởi đầu của đoạn văn cũng mang tính giới thiệu cho một đoạn mới: “Tôi còn
nhiều điều phải nói với anh em”
(Ga 16,12). Câu cuối đoạn văn (16,15) với cụm trạng từ chỉ nguyên nhân “vì thế,
vì vậy” (διὰ τοῦτο) là dấu hiệu sự kết thúc cho đoạn văn.
Cấu trúc bản
văn
1. Ga 15,26-27:
Cấu trúc này gồm có hai
căp thành phần song song. Phần trọng tâm là hành động làm chứng: (B) Đấng
Đấng Paráclêtos làm chứng // Các môn đệ cũng làm chứng (B’). Phần (A) Nguồn
gốc của Đấng Paráclêtos: đến từ Cha // Nguồn gốc các môn đệ: ở với Đức Giêsu
ngay từ đầu (A’).
(A)
Đấng Paráclêtos đến từ Cha (15,26a), “Pnêuma” của sự thật (B)
Đấng Paráclêtos làm chứng về Đức Giêsu
(15,26b) (B’) Các môn đệ cũng làm chứng
về Đức Giêsu (15,27a) (A’)
Các môn đệ đã ở với Đức Giêsu ngay từ đầu (Ga 15,27b) |
2. Ga 16,12-15:
Cấu trúc này hơi phức tạp
hơn. Nó gồm 3 thành phần chính yếu song song với nhau. Thành phần (A) nhiều điều
Đức Giêsu muốn nói nhưng không nói // Thành phần (A’) “Pnêuma” của sự thật sẽ dạy
tất cả sự thật // thành phần (A’’) “Pnêuma” của sự thật sẽ tôn
vinh Đức Giêsu.
(A) Đức
Giêsu còn nhiều điều để nói nhưng anh em không thể chịu nổi (16,12) (A’) “Pnêuma”
của sự thật sẽ dạy tất cả sự thật (16,13a) (A’1) Lý do: Vì Người không nói từ chính
mình, (16,13b) (A’2) Những điều Người sẽ nói: Những điều
Người Nghe (A’3) Những điều Người loan báo: Những
điều sẽ xảy ra (16,13c) (A’’) Đấng ấy tôn vinh Đức Giêsu (16,14a) (A’’1) Lý do tôn vinh: vì Người sẽ lấy từ
tôi mà loan báo cho anh em (16,14b) (A’’2) Giải thích lý do: Tất cả những
cái cha có là của tôi (16,15)
|
Một số điểm chú giải
1.
Đấng Paráclêtos: Danh
xưng này xuất hiện 4 lần trong Tin Mừng thứ tư.
Lần thứ nhất, Đức Giêsu cho biết rằng Người sẽ xin cùng Chúa Cha và Ngài
sẽ ban cho các môn đệ một “Paráclêtos” khác đến ở cùng các ông luôn mãi (Ga
14,16). Sở dĩ, Đấng “Paráclêtos” được gọi là “khác” bởi vì Đức Giêsu cũng là một
“Paráclêtos”. Thư thứ nhất của thánh Gioan khuyên rằng: “Các con bé nhỏ của ta,
ta viết những điều này cho các con để các con đừng phạm tội, nhưng nếu có ai phạm
tôi, thì chúng ta có một “Paráclêtos” (bào chữa), Đức Giêsu Kitô, Đấng Công
Chính” (1Ga 1,1) với Chúa Cha. Lần thứ hai, Đấng “Paráclêtos” được nhắc đến với
vai trò là “dạy các môn đệ mọi điều” và làm cho các ông nhớ lại tất cả mọi điều
Đức Giêsu đã nói (Ga 14,26). Lần thứ ba, Đấng “Paráclêtos” sẽ đến trong vai trò
làm chứng thay cho Đức Giêsu (Ga 15,16). Lần thứ tư, Đức Giêsu nói đến sự cần
thiết của việc Người ra đi đối với việc đến của Đấng “Paráclêtos”: “Nếu Thầy
không đi, “Paráclêtos” sẽ không đến với anh em” (Ga 16,7). Trong bốn lần này,
có hai lần Đấng “Paráclêtos” được định nghĩa bằng hai danh xưng tương đương:
(1) Đấng Pnêuma thánh (Thánh Thần, Holy Spirit) (14,26); (2) Pnêuma sự thật (thường
dịch là Thần Khí Sự Thật) (15,26). Danh xưng “Pnêuma sự thật” còn được dùng hai
lần khác để thay cho Đấng “Paráclêtos”: “Đây là Pnêuma sự thật, Đấng mà thế
gian không thể đón nhận” (14,17) và “khi Pnêuma sự thật đến, Người sẽ dẫn anh
em đến chân lý toàn vẹn”. Danh xưng “Pnêuma thánh” được Gioan sử dụng hai lần
khác nữa. Lần thứ nhất, trong bối cảnh Gioan làm chứng về Đức Giêsu, ông nhắc đến
“Đấng làm Phép Rửa” trong “Pnêuma thánh” và lần còn lại trong bối cảnh Đức Giêsu
trao ban “Pnêuma thánh” cho các Tông Đồ sau khi Người Phục Sinh: “Hãy nhận lấy
“Pnêuma thánh” (Ga 20,22). Danh xưng “Paráclêtos” được ghép bởi tiếp đầu ngữ “παρά” (para) và tính từ “κλητός” (kletos). Tính từ “kletos” có nghĩa là “được mời, được
gọi,” có cùng gốc với động từ “καλέω” (gọi). Tiếp đầu ngữ “para” là một giới từ
thường có nghĩa là “từ, nguồn gốc từ”. Giới từ này được dùng để diễn tả nguồn gốc
của Đấng “Paráclêtos”: “Đấng mà tôi sẽ gửi đến từ Cha, “Pnêuma sự thật”, Đấng
phát xuất từ Cha, Đấng ấy sẽ làm chứng về tôi” (15,26). Tuy vậy, “Paráclêtos” lại có nghĩa chẳng liên
quan gì đến sự mời gọi, nhưng có lẽ danh xưng có liên quan đến nguồn gốc: “Từ Cha”.
Danh từ “Paráclêtos” có nhiều nghĩa khác nhau: “Người giúp đỡ”; “người an ủi”,
“người bào chữa”, “người bảo vệ”, “người trung gian”. Chính vì thế, dịch theo
nghĩa nào cũng không thỏa đáng. Trong bối cảnh hai đoạn văn này, Đấng “Paráclêtos”
được định nghĩa là “Pnêuma sự thật” và được giải thích bằng chính vai trò của
Người.[4]
2.
Đấng mà Thầy sẽ gửi đến: Chủ thể gửi Đấng “Paráclêtos” đến là Đức Giêsu và nguồn gốc của Đấng “Paráclêtos”
là “từ Cha”. Ở 16,7 Đức Giêsu cũng hứa sẽ gửi Đấng “Paráclêtos” đến với các môn
đệ. Chính Đức Giêsu đã trao ban Đấng “Paráclêtos” cho các Tông Đồ sau ngày Phục
Sinh: “Hãy nhận lấy “Pnêuma thánh” (Ga 20,22). Tuy nhiên, có lúc Đức Giêsu lại
nói là chính Cha sẽ gửi Đấng “Paráclêtos” đến nhân danh Đức Giêsu (14,26). Đức Giêsu
cũng hứa là sẽ xin Chúa Cha, và Ngài sẽ ban cho các môn đệ “Đấng “Paráclêtos”
khác (14,16). Theo sách Công Vụ Tông Đồ, “Pnêuma thánh” ngự xuống trên từng Người
trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3-4), không rõ là Cha hay Đức Giêsu gửi. Tuy
Nhiên, dù Cha gửi hay Đức Giêsu gửi thì Đấng “Paráclêtos” đều có nguồn gốc từ
Cha. Cha có gửi Đấng “Paráclêtos” thì cũng “nhân danh” Đức Giêsu. Có lẽ, nên hiểu
là mọi quyền gửi đi đều xuất phát từ Cha (Đức Giêsu cũng được Cha gửi đến),
nhưng Đức Giêsu giao tiếp trực tiếp với các môn đệ nên Người chính là cầu nối gửi
Đấng “Paráclêtos” đến cho các môn đệ và nhân loại. Theo nghĩa này, có thể hiểu
Đức Giêsu trong vai trò ‘một người vận chuyển’ hoặc theo ngôn ngữ hiện đại là một
“grabber”. Cũng có thể hiểu Cha gửi “Pnêuma thánh” đồng nghĩa với Đức Giêsu gửi
“Pnêuma thánh” vì Đức Giêsu và Cha là một. Giống như cách Đức Giêsu giải thích
tại sao Người nói rằng “Pnêuma sự thật” lấy từ Người (Đức Giêsu) mà loan báo
cho anh em. Lý do là vì “những gì Cha có đều là của Đức Giêsu” (Ga 16,15).
3.
Pnêuma của sự thật (τὸ πνεῦμα τῆς ἀληθείας): Danh từ “sự thật” ở thuộc cách (của)
trong tiếng Hy Lạp có thể có hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất là cách hiểu
mang tính giải thích. Nghĩa là Pnêuma đồng nghĩa với sự thật. Cách hiểu thứ hai
là cách hiểu vị ngữ. Nghĩa là Pnêuma làm sự thật, thực thi sự thật. Trong bối cảnh
này, cách hiểu thứ hai có vẻ phù hợp vì tiếp theo sau đó Đức Giêsu cho biết là
“Đấng ấy sẽ dẫn (dạy) các môn đệ đến sự thật toàn vẹn (toàn bộ sự thật”
(16,13). Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Người là chính sự thật. Đấng “Paráclêtos”
được định nghĩa là “Pnêuma sự thật”. Danh từ “Pnêuma” lại được định tính là “sự
thật”. Nghĩa là Người không phải bất cứ một Đấng “Pnêuma” nào nhưng là “Pnêuma
của sự thật”. Theo C. Barrett, Gioan muốn ngụ ý rằng “Pnêuma nói sự thật”.[5] Phẩm
tính sự thật cũng gắn liền với Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là “Con Một đầy tràn
ân sủng mà sự thật” (Ga 1,14) (πλήρης χάριτος καὶ ἀληθείας). “Ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô
mà có” (Ga 1,17). Đức Giêsu đã khẳng định rằng: “Tôi là đường, là sự thật và là
sự sống” (Ga 14,6). Như thế, không chỉ Pnêuma là sự thật và dạy sự thật mà
chính Đức Giêsu cũng là sự thật và dạy sự thật. Sự thật chính là đặc tính chung
của Đức Giêsu và Pnêuma.
4.
Dạy toàn bộ sự thật/ dẫn đến sự thật toàn vẹn (ὁδηγήσει ὑμᾶς ἐν τῇ ἀληθείᾳ
πάσῃ): Động từ “ὁδ-ηγήσει” được ghép bởi danh từ “ὁδός”
(con đường) và động từ “ἡγέοµαι” (dẫn dắt, lead). Như vậy, động từ này có nghĩa gốc là dẫn đường.[6] Từ
đó phát sinh ra nhiều nghĩa khác như là: “hướng dẫn, dạy dỗ”. Trong bối cảnh có
thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là Pnêuma sự thật sẽ dẫn dắt các môn đệ
đến sự thật toàn vẹn. Nghĩa thứ hai, Pnêuma sự thật sẽ dạy các môn đệ với toàn
bộ sự thật. Tính từ bất định “πάσῃ” đi kèm với danh từ “sự thật” cũng có hai nghĩa:
“Tất cả” và “đầy đủ” (tất cả sự thật hoặc là sự thật toàn vẹn). Để hiểu rõ ngôn
từ Gioan dùng trong Tin Mừng thứ tư thật không dễ tý nào. Như thế, hiểu là “sự
thật toàn vẹn”, hay “toàn bộ sự thật”, “dẫn dắt đến”, hoặc là “dạy dỗ với/bằng”
đều có khả năng. Có một điều chắc chắn là “còn nhiều điều” mà Đức Giêsu chưa
nói với các môn đệ, vì các ông không có sức chịu nổi. Pnêuma có vai trò làm đầy,
làm trọn, những điều Đức Giêsu chưa nói. Trong bối cảnh này, điều mà Pnêuma bổ
khuyết là sự thật. Sự thật này trước nhất là chính con người Đức Giêsu. Kế đến
là những điều Người rao giảng. Trong bối cảnh trước cuộc Thương Khó, bối cảnh
mà Đức Giêsu hứa ban Pnêuma, các môn đệ chắc chắn chưa hiểu rõ con người và sứ
mạng của Đức Giêsu. Họ càng không hiểu lời dạy của Người về biến cố tử nạn và
Phục Sinh của Người.[7]
Chính vì thế mà Pnêuma sẽ làm cho các môn đệ “nhớ lại” tất cả những điều Đức Giêsu
đã nói với họ (Ga 14,26). Sự thật đó cũng có thể là đối lại với “ma quỷ” vì “quỷ
là kẻ dối trá và cha của những kẻ nói dối” (Ga 8,44). Pnêuma sẽ giúp các môn đệ
nhận ra và chấp nhận con người và sứ mạng của Đức Giêsu. “Chân lý” (sự thật) là
một trong những đề tài chính yếu của Tin Mừng Gioan. Đức Giêsu cũng dạy rằng sẽ
đến giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ Phượng Chúa Cha trong tinh thần
và chân lý (sự thật) (Ga 4,23-24). Gioan Tẩy Giả làm chứng cho sự thật (Ga
5,33). Sự thật sẽ mang đến ơn giải phóng cho con người: “Các ông sẽ biết sự thật
và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,32). Sự thật ở đây có thể là đạo lý về
Thiên Chúa (Ga 8,40), Nước Trời hay là chính Đức Giêsu. Đức Giêsu luôn nói sự
thật (Ga 8,45-46). Lời của Cha là sự thật (Ga 17,17). Trước quan tòa Philatô, Đức
Giêsu sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật, ai đứng về
sự thật thì nghe tiếng Đức Giêsu (18,37).
5.
Làm chứng: Theo
cấu trúc của 15,26-27, chủ đề làm chứng chính là phần trung tâm của cấu trúc. Động
từ làm chứng (μαρτυρήσειρέω)[8] được
sử dụng hai lần với hai chủ từ khác nhau. Lần thứ nhất, chủ từ là “Pnêuma sự thật”
và lần thứ hai chủ từ lác “các môn đệ” xuất hiện với đại từ ngôi thứ hai (anh
em). Đối tượng mà “Pnêuma sự thật” và các môn đệ phải làm chứng là Đức Giêsu.
Lý do mà các môn đệ phải làm chứng là vì họ đã ở với Đức Giêsu ngay từ lúc khởi
đầu. Khởi đầu ở đây có thể hiểu là từ lúc Đức Giêsu chịu Phép Rửa và khai mạc sứ
vụ công khai. Đây là điều kiện hết sức cần thiết để có thể làm chứng. Độc giả
cũng không quên trong cuộc tuyển chọn một thành viên để thay vào vị trí Giuđa
Ítcariốt, Người đã treo cổ tự tử (Mt 27,5), ứng viên phải thỏa mãn điều kiện
là: “Đi theo Đức Giêsu trong suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ
ngày Người được ông Gioan làm Phép Rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được
rước lên trời” (Cv 1,21-22). Nội dung của lời chứng của các môn đệ là: Đức Giêsu
đã Phục Sinh. Sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại sự tác động của “Pnêuma sự thật”
trên mọi hoạt động làm chứng của các Tông Đồ.[9]
Đây chính là sự làm chứng song đôi mà Đức Giêsu nói trước trong đoạn Ga
15,26-27. Nếu như các môn đệ hiện diện với Đức Giêsu trong suốt qua trình Người
rao giảng, thì “Pnêuma sự thật” hiện diện còn lâu hơn nữa. “Pnêuma sự thật” đến
từ Cha và chắc hẳn hiện diện với Đức Giêsu từ muôn thuở trước khi có đất trời. Nguồn
gốc của Pnêuma và các môn đệ là điều kiện cần và đủ đề họ làm chứng về Đức Giêsu.
Đề tài “làm chứng” cũng là một đề tài được nói đến nhiều trong Tin Mừng thứ tư.
Ngay từ đầu, Gioan Tẩy Giả đã làm chứng về Đức Giêsu (Ga 1,7-8.15.32; 5,33). Đức
Giêsu làm chứng về những điều Người đã thấy và đã nghe (Ga 3,32). Chúa Cha cũng
làm chứng về Đức Giêsu: “Có Đấng khác làm chứng về tôi và tôi biết, lời Người
làm chứng về tôi là lời chứng thật” (5,32; Cf. 5,37; 8,18). Sách Thánh cũng làm
chứng về Đức Giêsu (5,39). Trong bối cảnh này, trọng tâm đặt ở lời chứng mang
tính ngôn sứ cho thế gian. C. Keener cho rằng “bằng chứng” ở đây xuất hiện theo
một nghĩa về pháp lý liên quan đến truyền thống nói đến trong Mc 13: Các tín hữu
được đưa đến trước các quan quyền để làm chứng cho họ (Mc 13,9). Trong giờ đó
các môn đệ được khuyên là “Đừng lo phải nói gì … vì không phải anh em nói mà
Pnêu-mà thánh nói” (Mc 13,11).[10]
Cách hiểu này có vẻ hợp lý vì trước đó Đức Giêsu đã cảnh báo về sự thù ghét và
bắt bớ của thế gian (Ga 15,18-25). Các môn đệ và “Pnêuma sự thật” phải làm chứng
cho Đức Giêsu trước thế gian thù ghét. F. Moloney hiểu cc.26-27 diễn tả sự an ủi
của “Pnêuma sự thật”, Đấng được gửi từ Cha, bằng những chứng từ của mình.[11]
6.
Không có sức chịu nổi: R. Brown cho rằng ý nghĩa chính yếu của “sự không chịu nổi” ở đây là giống
với “không thể hiểu nổi” nhưng cũng tồn tại vấn đề “không chịu” nổi vì sự bắt bớ
của thế gian được bao hàm trong đó.[12] Cách hiểu này có thể chấp nhận được vì trước
đó ít lâu đức Giêsu không ngừng nói đến việc thế gian “ghét” các môn đệ và
“ghét” Đức Giêsu (Ga 15,18). Hơn nữa, thế gian cũng “bắt bớ” Đức Giêsu và các
môn đệ (Ga 15,20).
7.
Không nói từ chính mình: Vai trò trung gian của Đức Giêsu là duy nhất, và mạc khải của Chúa Cha nơi
Đức Giêsu đã trọn vẹn như Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi đã mạc khải cho anh em
mọi thứ tôi đã nghe từ Cha” (Ga 15,15).[13] Vấn
đề là các môn đệ không có sức mang nổi, không có sức chịu nổi và cũng không hiểu
rõ con người và sứ vụ của Đức Giêsu. “Pnêuma sự thật” sẽ làm cho mọi mạc khải của
Đức Giêsu nên rõ ràng và trọn vẹn.
8.
Nói những điều Người nghe và loan báo những gì sẽ xảy ra: “Những điều sẽ xảy ra” (τὰ ἐρχόμενα) trong bối cảnh gần có thể là biến cố
Thương Khó – Phục sinh của Đức Giêsu. Đó là một ám chỉ đến một bối cảnh mà các
môn đệ sẽ chia sẻ “giờ” đau khổ của Đức Giêsu nhưng họ không thể chịu đựng được
cho đến khi Đấng “Pnêuma sự thật” đến. Theo nghĩa này, “điều sẽ xảy đến” ăn khớp
với “điều sẽ xảy đến” mà Đức Giêsu biết được trong 18:4: “Đức Giêsu biết điều sẽ
xảy đến cho mình nên Người tiến ra và hỏi: ‘Các anh tìm ai?’”. Hơn nữa, theo
nghĩa rộng hơn, “Pnêuma sự thật” cũng sẽ mạc khải cho cộng đoàn biết những tình
huống khó khăn mà cộng đoàn sẽ phải đối diện hoặc là những giải pháp cho những
tình huống khó khăn này.[14]
C. Barrett cũng đề xuất hai cấp độ nghĩa của “những điều sẽ xảy đến”. Cấp độ 1
là những sự kiện của cuộc Thương Khó, bao gồm cả khổ nan và Phục Sinh. Cấp độ 2
là những sự kiện mang tính cánh chung. Sự kiến cánh chung là vén màn về tội lỗi
và sự công chính, rồi sự xét xử.[15]
9.
Tôn vinh: Trong đoạn
16,12-15, ngoài vai trò “dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn” hay “dạy các môn
đệ với toàn bộ sự thật”, Đấng “Pnêuma sự thật” còn có vai trò tôn vinh Đức Giêsu.
Lý do được đưa ra là: “Vì Người sẽ lấy từ tôi và sẽ loan báo cho anh em”. Nội
dung của động từ “lấy” không được chỉ rõ, động từ “loan báo” cũng không có túc
từ trực tiếp. Lấy điều gì và loan báo điều gì mà làm cho Đức Giêsu được tôn
vinh? Động từ loan báo trong 16,13 có túc từ là “những điều sắp xảy ra”, liệu nội
dung loan báo ở đây cũng là nội dung ấy? Dù sao di nữa, chủ đề tôn vinh cũng là
chủ đề thiết yếu của phần thứ ba của Tin Mừng thứ tư có tên gọi là “Sách của sự
tôn vinh”. Sự tôn vinh trong bối cảnh này là của Pnêuma dành cho Đức Giêsu. Tuy
nhiên, ở nơi khác thì có thêm sự tôn vinh của Con dành cho Cha và Cha dành cho
Con. Chỉ có điều là không có sự tôn vinh nào của Cha và Con dành cho Pnêuma
thánh. Đức Giêsu “không cần người đời tôn vinh” (Ga 5,41). Đức Giêsu cũng không
tôn vinh chính mình. Đấng tôn vinh Người chính là Cha của Người (Ga 8,54). Khi
những Người Hy Lạp mong muốn gặp Đức Giêsu qua Anrê và Philípphê, Đức Giêsu đã
nói rằng: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Giờ tôn vinh của Đức Giêsu ở
đây chính là giờ trải qua Thương Khó và Phục Sinh.[16]
Khi Giuđa đi rồi Đức Giêsu nói: “Giờ đây Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa
cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31-32). Đây cũng có thể là sự tôn vinh mà
“Pnêuma sự thật” dành cho Đức Giêsu trong bối cảnh này. Việc các môn đệ sinh
nhiều hoa trái cũng làm cho Cha được tôn vinh (Ga 15,8). Trong lời cầu nguyện
trước lúc bước vào cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đã xin cùng Chúa Cha rằng: “Xin
Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1). Rõ ràng, Đức Giêsu
không cầu vinh quang cho riêng mình nhưng cầu vinh quang cho Cha. Vinh quang của
Người cũng là vinh quang của Cha và ngược lại. Đức Giêsu đã tôn vinh Cha ở dưới
đất khi Người “hoàn tất công trình mà Cha đã giao cho Người làm” (Ga 17,4). Cuối
cùng, Người xin Cha tôn vinh Người bên Cha: “Xin ban cho con vinh quang mà con
vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,5).
10.
Mọi sự Cha có đều là của Thầy: Không chỉ là Đức Giêsu nhận mọi sự từ Cha (5,19.30), mà còn mọi sự của Cha
đều là của Người. Kiểu nói này âm vang tính hiệp nhất nên một giữa Đức Giêsu và
Chúa Cha. Đức Giêsu đã khẳng định rằng: “Tôi và Cha là một” (10,30); “Vinh
quang mà Cha đã ban cho Con, Con cũng ban cho họ, để họ được nên một như chúng
ta là một” (Ga 17,22). Người cũng dùng nhiều cách khác để diễn tả “tính hiệp nhất
nên một” giữa Người và Cha Người: “Cha ở trong Tôi và Tôi ở trong Cha” (Ga
10,38; 17,21); “Ai thấy tôi là thấy Cha”, “Anh không tin rằng Thầy ở trong Cha
và Cha ở trong Thầy sao?” (Ga 14,9-11.20). Theo J. Moloney, tính “duy nhất” giữa
Cha và Đức Giêsu hoàn hảo đến độ cái gì của Cha cũng là của Con. Như thế Đức Giêsu
là mạc khải hoàn hảo của Cha và không có gì của Cha còn bị che dấu, khi Giêsu sở
hữu mọi thứ của Cha.[17]
Cách giải thích của Đức Giêsu: “Mọi sự Cha có đều là là của tôi, vì thế tôi nói
là Người lấy từ tôi và loan báo cho anh em” (16,15), ám chỉ rằng, “Pnêuma sự thật”
thực ra lấy từ Cha, nhưng Đức Giêsu nói là lấy từ Người vì lấy từ Đức Giêsu hay
Cha thì đều như nhau. Vấn đề rõ ràng là Pnêuma không mạc khải những mầu nhiệm từ
chính mình nhưng từ Cha và Con.
Bình luận tổng quát
Phụng vụ Lời Chúa Lễ Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện
xuống bắt đầu bằng bản văn huyền thoại kể về sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần
trong sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 2,1-13). Theo Sách Công Vụ, Chúa Thánh Thần hiện
xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, tức là 50 ngày sau khi Chúa Phục Sinh. Thánh Thần
hiện xuống trong bối cảnh “có tiếng động mạnh”, có “gió mạnh ùa vào đầy cả căn
phòng, nơi họ ở”. Họ thấy những “hình lưỡi giống như hình lưỡi lửa tản ra đậu
xuống trên từng người một” và ai nấy đều được đầy tràn Thánh Thần. Tác giả Tin
Mừng Gioan cho biết rằng chính Đức Giêsu đã trao ban Thánh Thần cho các môn đệ
ngay chiều ngày thứ nhất trong tuần, ngay sau khi Người Phục Sinh. Người trao
ban Thánh Thần bằng cách “thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy
Thánh Thần. Tiếp theo sau đó Người ban quyền tha tội và cầm giữ cho các Tông Đồ
(Ga 20,22-23). Như vậy, cách Chúa Thánh Thần được trao ban và thời gian cũng
khác nhau giữa truyền thống Luca (sách Công Vụ) và truyền thống Gioan (Tin Mừng
Gioan). Đâu là truyền thống đúng với lịch sử hơn? Câu trả lời chắc không bao giờ
thỏa đáng. Tuy nhiên, có một điều lý thú hơn và đáng tìm hiểu hơn là câu hỏi kiểu
như thế. Đó là những dữ liệu về vai trò của Thánh Thần được tác giả Gioan ghi lại.
Như đã nói trên, trong Tin Mừng Gioan, có đến 5 đoạn đặc biệt nói về Thánh Thần
(Ga 14,15-17; 14,25-26; 15;26-27; 16,7-11; 16,12-15). Cách ông gọi Đấng này
cũng đã làm cho các học giả bối rối: Đấng Paráclêtos. Đấng Paráclêtos là danh
xưng chỉ có một mình tác giả Gioan sử dụng. Vì Paráclêtos có rất nhiều nghĩa
(người giúp đỡ, người bảo hộ, người an ủi, người bào chữa…) nên chọn cách dịch nào
cũng không diễn tả được hết nghĩa. Chính vì thế, mà nhiều tác giả chọn cách chuyển
tự, thay vì dịch nghĩa, để giữ nguyên tên gọi ấy. Trong hai đoạn, mà Phụng Vụ
chọn đọc ngày Lễ này, Đấng Paráclêtos được gọi với danh từ diễn nghĩa là “Thần
Khí Sự Thật” (Pnêuma tês alêtheias). Ngay cả danh từ “Pnêuma” cũng là một danh
từ có nhiều nghĩa (gió, hơi thở, khí, tinh thần, linh hồn…) và rất khó có cách
dịch Việt Ngữ nào diễn tả được trọn vẹn. Chính vì thế mà trong suốt bài nghiên
cứu này tác giả mãn phép dùng lối chuyển tự: “Pnêuma sự thật” (thường hiểu là
Thần Khí Sự Thật) hay là “Pnêuma thánh” (Thánh Thần). Một chút lưu ý để thấy sự
khó khăn, phức tạp trong việc hiểu một bản văn Thánh Kinh được viết bằng cổ ngữ
Hy Lạp cách đây hơn kém 2000
năm. Tuy nhiên, đó cũng là nét đẹp, sự kỳ diệu của các bản văn thánh.
Trong đoạn Ga 15,26-27, chủ đề trung tâm hẳn là vai
trò làm chứng của Đấng Paráclêtos. “Pnêuma sự thật” làm chứng cho Đức Giêsu và
các môn đệ cũng được mời gọi làm chứng cho Đức Giêsu. Trong bối cảnh đoạn văn
được đặt ngay sau đoạn văn Đức Giêsu nói về “thế gian thù ghét và bắt bớ các
môn đệ”, lời chứng này rất có thể là lời chứng trước thế gian thù ghét. Liên
quan đến vai trò làm chứng này, một vai trò của Đấng Paráclêtos được nhắc đến sau
đó là: “Chứng minh thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và về việc xét
xử” (Ga 16,8). Trong bối cảnh của những “lời từ biệt” trước khi Đức Giêsu bước
vào cuộc Thương khó, lời chứng của Đấng Paráclêtos cũng có thể là lời chứng về
biến cố Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giêsu. Hơn nữa nếu đọc lời chứng này
trong bối cảnh tương lai của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, có thể hiểu sự làm
chứng song đôi của các môn đệ với Đấng Paráclêtos là thực tế của những hoạt động
của các tông đồ được ghi lại trong Sách Công Vụ, nơi mà các hoạt động rao giảng
của các Tông đồ đều được “Pnêuma thánh” hướng dẫn và khích lệ.
Đoạn 16,12-15 nói đến hai vai trò khác của Đấng Paráclêtos:
(1) Dẫn dắt các môn đệ đến sự thật toàn vẹn; hoặc dạy các môn đệ tất cả sự thật;
(2) Tôn vinh Đức Giêsu. Đấng Paráclêtos sẽ bổ khuyết những điều Đức Giêsu muốn
nói nhưng các môn đệ không có sức chịu nỗi. Sự thật đó có thể là chính Đức Giêsu,
Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống”. Đó có thể là sự thật về Thương Khó –
Phục Sinh mà các môn đệ vốn không hiểu và không muốn chấp nhận. Thực tế là các
ông đã bỏ trốn hết khi đối diện với biến cố Thương Khó. Hơn nữa, Sự Phục Sinh của
Đức Giêsu là một điều ngạc nhiên, là điều không thể tin nổi đối với các ông, dù
cho Đức Giêsu không ngừng nhắc đi nhắc lại trước đó ít nhất 3 lần. Đó có thể là
sự thật về “thế gian thù ghét và bắt bớ” các môn đệ. “Pnêuma sự thật” sẽ giúp
cho các ông nhận ra con người của Đức Giêsu, lời dạy của Người và sứ mạng
Messiah chịu đóng đinh của Người. Nhờ đó, họ có thể hiểu, đón nhận, tin và rao
giảng. Sứ vụ tôn vinh của Đấng Paráclêtos không nằm ngoài ý định của Cha, Đấng
tôn vinh Đức Giêsu theo như thỉnh cầu của Người. Vinh quang của Đức Giêsu có
không phải là vinh quang cho riêng Người, Người được tôn vinh chính là Cha được
tôn vinh, bởi Người chính là mạc khải trọn vẹn của Cha. Chính Đức Giêsu đã cầu
nguyện rằng: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh
Cha” (Ga 17,1).
Cùng với Đấng Paráclêtos, các tín hữu được mời gọi:
(1) Làm chứng cho Đức Giêsu Kitô; (2) Vươn đến sự thật toàn vẹn là chính Đức Giêsu:
Con Người, những hành động, và lời dạy của Người, đặc biệt mà Mầu Nhiệm Tử Nạn-Phục
Sinh; (3) Tôn vinh Đức Giêsu bằng những “hoa thơm trái ngọt” của đời sống chứng
nhân hằng ngày.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1]
Nhóm CGKPV chọn dịch danh xưng này là “Đấng Bảo Trợ”, và dịch giả Nguyễn Thế
Thuấn dịch là “Đấng Bầu Chữa”, Bản Tiếng Anh dịch là “the Helper” (ESV), “the
Advocate” (NRSV); Bản Tiếng Pháp chọn lối chuyển tự “le Paraclet” (TOB); bàn tiếng
Ý tương tự “Paràclito”. Trong tiếng Hy Lạp danh từ “παράκλητος” mang rất nhiều
nghĩa như là: “người giúp đỡ”, “người bào chữa”, “người cố vấn” “người bênh vực”,
“trạng sư”… vì thế chọn dịch bất kỳ một lối dịch nghĩa nào cũng không diễn tả đầy
đủ nghĩa của danh xưng này. Tốt hơn nên chuyển tự cho dễ đọc mà thôi.
[2]
Xem thêm cấu trúc của Tin Mừng thứ tư trong, Joseph Phạm Duy Thạch, “Cây Nho
Giê-su, Cành Nho Môn Đê và Vinh Quang của Chúa Cha”, HORIZON
MISSIONARY: CÂY NHO GIÊ-SU, CÀNH NHO MÔN ĐỆ, VÀ VINH QUANG CỦA CHÚA CHA
(josephpham-horizon.blogspot.com) (truy cập ngày 04/05/2021).
[3] 1.
Ga 14,15-17. Ở lại mãi mãi với các môn đệ; 2. Ga 14,25-26, “Dạy” và “làm nhớ lại”;
3. Ga 15,26-27. Làm chứng trước và trong các môn đệ; 4. Ga 16,7-11. Chứng minh thế gian sai lầm; 5. 16,12-15. Dẫn
đường, loan báo, tôn vinh (X. Giuse Lê Minh Thông, “Đấng Pa-rác-lê là ai? (TM
Gio-an)” (Tin
Mừng Gio-an, Évangile de Jean, Gospel of John: Đấng Pa-rác-lê là ai? (TM
Gio-an) (leminhthongtinmunggioan.blogspot.com) (truy cập 17/05/2021).
[4]
Tác giả Lê Minh Thông đề xuất tìm hiểu danh từ “Pa-rác-lê-tos” trong văn chương
Hy Lạp. Trong văn chương Hy lạp nó có nghĩa là “người bênh vực” hay là “luật
sư”, người có vai trò pháp lý trong vụ kiện. Có thể dịch nghĩa là “trạng sư”,
“luật sư”, “người bào chữa”, “người bênh vực”. Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý rằng
những nghĩa này không phải là cách hiểu của tác giả Tin Mừng thứ tư. (X. Giuse
Lê Minh Thông, tài liệu đã dẫn)
[5]
C.K. Barrett, The Gospel According to St. John. An Introduction with
Commentary and Notes on the Greek Text (Philadelphia 1978) 463.
[6] R.
Brown dịch động từ này là “hướng dẫn bạn đi trên đường” (guide you along the
way). ông còn ghi chú động từ này bao gồm một danh từ là “con đường” (hodos), Đức
Giê-su là con đường (14,16) [R.E. Brown, The Gospel
according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and
notes (AYB; New Haven – London 2008) 29A,707].
[7]R.
Beasley-Murray cho rằng “the task of the Paraclete will be to lead them that
they may comprehend the depths and heights of the revelation as yet unperceived
by them” [G.R. Beasley-Murray, John
(WBC; Dallas 1999) XXXVI, 283].
[8]
Cũng cần nói thêm là danh từ “martyr”, mà ta thường dịch là “thánh tử đạo” có
nguồn gốc từ động từ “làm chứng” trong tiếng Hy Lạp. Đây là người làm chứng cho
Đức Ki-tô bằng máu và mạng sống của mình.
[9] Tác giả Lê Minh Thông cho rằng “thế gian không thấy,
không biết, không đón nhận Đấng Pa-rác-lê, nên Đấng Pa-rác-lê không làm chứng
cho Đức Giê-su trước thế gian. Mạch văn cho phép hiểu Đấng Pa-rác-lê, sẽ làm chứng
về Đức Giê-su trước và trong các môn đệ.” (Giuse Lê Minh
Thông, tài liệu đã dẫn) Tuy nhiên, mạch văn với cấu trúc “καὶ …δὲ” (và …cũng) cho phép hiểu hành động làm chứng của các
mộn đệ song hành với hành động của Pnêu-ma. Hay nói đúng hơn, P-nêu-ma sẽ đồng
hành và tác động trên các môn đệ trong khi họ làm chứng như sách Công Vụ diễn tả.
[Cf. C.F.D. Moule, “The Holy Spirit in the Scriptures,” Forgiveness and
Reconciliation: Biblical and Theological Essays (SPCK; London 1998) 128.
[10]
C.S. Keener, The Gospel of John. A Commentary (Grand Rapids 2012) I,
1022.
[11]
F.J. Moloney, “John”, The Paulist Biblical Commentary (Ed., J.E.A. Chiu
et als) (New York 2018) 1164; G. Beasley-Murray phủ nhận việc Pnêu-ma sự thật
đưa ra những bằng chứng chống lại thế gian thù ghét. Ông xem chứng từ của
Pnêu-ma sự thật cũng như của các môn đệ là đem ra ánh sáng những mạc khải của Đức
Giê-su trong lời nói và hành động, chết và phục sinh của Người. [G.R. Beasley-Murray,
John
(WBC; Dallas 1999) XXXVI, 277].
[12] R.E. Brown,
The Gospel
according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and
notes (AYB; New Haven – London 2008) 29A,707. Brown nói thêm: “More
likely vs. 12 means that only after Jesus’ resurrection will there be full
understanding of what happened and was said during the ministry, a theme that
is familiar in John” (R.E. Brown, 714)
[13] R.E. Brown,
The Gospel
according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and
notes, 714.
[14]
C.S. Keener, The Gospel of John. A Commentary (Grand Rapids 2012) I,
1040-1041.
[15]
C.K. Barrett, The Gospel According to St. John. An Introduction with
Commentary and Notes on the Greek Text (Philadelphia 1978) 490.
[16] X.
Kinh Thánh ấn bản 2011 (CGKPV biên tập) (Hà Nội 2011) Chú thích k),
2379.
No comments:
Post a Comment