Bản văn và bản dịch
Hy lạp |
Việt |
14 Ὕστερον [δὲ] ἀνακειμένοις αὐτοῖς τοῖς ἕνδεκα ἐφανερώθη καὶ ὠνείδισεν τὴν ἀπιστίαν αὐτῶν
καὶ σκληροκαρδίαν ὅτι τοῖς θεασαμένοις αὐτὸν
ἐγηγερμένον οὐκ ἐπίστευσαν. 15 καὶ εἶπεν αὐτοῖς· πορευθέντες εἰς τὸν κόσμον ἅπαντα κηρύξατε τὸ εὐαγγέλιον πάσῃ τῇ κτίσει. 16 ὁ πιστεύσας καὶ βαπτισθεὶς σωθήσεται, ὁ δὲ ἀπιστήσας κατακριθήσεται. 17 σημεῖα δὲ
τοῖς πιστεύσασιν ταῦτα παρακολουθήσει· ἐν τῷ ὀνόματί μου δαιμόνια ἐκβαλοῦσιν,
γλώσσαις λαλήσουσιν καιναῖς, 18 [καὶ ἐν ταῖς
χερσὶν] ὄφεις ἀροῦσιν κἂν θανάσιμόν τι πίωσιν οὐ μὴ αὐτοὺς βλάψῃ, ἐπὶ ἀρρώστους
χεῖρας ἐπιθήσουσιν καὶ καλῶς ἕξουσιν. 19 Ὁ μὲν οὖν
κύριος Ἰησοῦς μετὰ τὸ λαλῆσαι αὐτοῖς ἀνελήμφθη εἰς τὸν
οὐρανὸν καὶ ἐκάθισεν ἐκ δεξιῶν τοῦ θεοῦ. 20 ἐκεῖνοι δὲ
ἐξελθόντες ἐκήρυξαν πανταχοῦ, τοῦ κυρίου συνεργοῦντος καὶ τὸν λόγον βεβαιοῦντος
διὰ τῶν ἐπακολουθούντων σημείων.]] (Mk. 16:15-20 BGT) |
14 Cuối cùng, Người tỏ mình ra cho nhóm Mười Một trong khi họ đang dùng bữa và Người
trách mắng về sự không tin và sự cứng lòng của họ vì họ không tin vào những người đã thấy Người đã chỗi dậy. 15 và Người nói cùng họ: Khi đi vào khắp thế giới,
anh em hãy loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin và được chịu Phép
Rửa sẽ được cứu độ, ai không tin sẽ bị kết án. 17 Những dấu lạ này sẽ đi theo những người tin.
Nhân danh Tôi, họ sẽ trục xuất được những con quỷ, họ sẽ nói được những ngôn
ngữ mới. 18 [và trong tay] họ sẽ bắt được những con rắn,
thậm chí họ uống được chất độc (chất gây chết) mà không nguy hại đến họ; họ
có thể đặt tay trên những bệnh nhân và họ (bệnh nhân) trở nên khỏe khoắn. 19 Sau khi Đức Giêsu nói những điều này với họ, Người được cất lên trời và ngồi bên hữu Thiên Chúa. 20 Rồi, khi những người này ra đi, họ rao giảng khắp
mọi nơi, trong khi Đức Chúa cùng hoạt động và chứng thực cho lời (của họ) bằng
những dấu lạ đi kèm theo. |
Bối cảnh bản văn
Đoạn văn (16,14-20) nằm trong đoạn kết thứ hai,
thường gọi là đoạn kết dài (Mc 16,9-20) của Tin Mừng thứ hai (TM Máccô). Đoạn kết
thứ nhất của Tin Mừng này là 16,1-8. Phần chú thích về các bản thảo của Tin Mừng
này trong tiếng tiếng Hy Lạp (ngôn ngữ gốc của các sách tân ước) ấn bản của
Nestle Aland 28 (NA 28) cho thấy rằng trong những bản văn chép tay cổ hơn không
hề có đoạn kết dài (16,9-20) như là B (Vaticanus) và א (Sinaiticus).
Đây là hai bản chép tay rất quan trọng và chủ yếu, hầu như trọn bộ Tân Ước, có
niên đại rất xưa (vào thế kỷ thứ 4 C.E.). Đoạn kết dài này chỉ có trong các bản
chép tay có niên đại muộn hơn như là A (Alexandrinus, thế kỷ thứ 5), C
(Ephraeim, thế kỷ thứ 5), D (Bezae, thế kỷ thứ 5), W (Washingtonianus, thế kỷ
thứ 5), Θ (Coridethianus, thế kỷ thứ 9). Điều này
làm cho nhiều nhà phê bình tin rằng đoạn kết dài đã được thêm vào sau đó.[1] Lý do phải thêm vào đoạn kết dài là vì đoạn kết ngắn (Mc
16,1-8) có kết thúc có vẻ như không tích cực: “Ra khỏi mồ, các bà liền tẩu
thoát, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà không nói gì với ai vì quá sợ hãi”
(16,8). Đây là những ghi chú đáng quý và lý thú về việc phê bình bản văn
khá lý thú.[2]
Tuy nhiên, ở đây, tôi sẽ đọc đoạn (16,15-20) như đã được chọn là một phần kết của
Máccô bởi nhiều cộng đoàn từ thế kỷ V. Tôi sẽ chú trọng nhiều hơn đến bối cảnh
của đoạn văn trong trong bối cảnh rộng và hẹp của Tin Mừng thứ hai và các Tin Mừng
khác. Trong bối cảnh chung của cả bốn Tin Mừng và sách Công Vụ Tông Đồ, đoạn Mc
15,15-20 tường thuật về những lần hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh (Mt 28,9-20;
Lc 24,11-23; Cv 1,6-11). Trong một trong những lần hiện ra đó, đối với Máccô là
lần cuối, Đức Giêsu trao ban sứ vụ cũng như lệnh truyền: “Khi đi ra khắp muôn
phương, anh em hãy loan báo Tin Mừng cho khắp mọi loài thụ tạo”. Thánh Luca
cũng ghi lại mệnh lệnh tương tự: “Phải rao giảng Phép Rửa tỏ lòng sám hối để được
ơn tha thứ nhờ danh Người” (Lc 24,47). Thánh Mátthêu nói đến mệnh lệnh làm cho
mọi người trở thành môn đệ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành
môn đệ” (Mt 28,19). Thánh Gioan không khi mệnh lệnh cụ thể nhưng vẫn không thiếu
sự sai đi: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Sách Công Vụ
Tông Đồ, nói đến nhiệm vụ chứng nhân: “Bấy giờ anh em sẽ là những chứng nhân của
Thầy tại Jêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất”
(Cv 1,8). Đặc tính thứ hai của mệnh lệnh này là “Phép Rửa”. Máccô nói đến việc
“ai tin và chịu Phép Rửa” sẽ được cứu độ” (16,16a). Mátthêu có công thức làm
Phép Rửa nổi tiếng nhân danh Ba Ngôi, được Giáo Hội áp dụng cho đến ngày nay:
“Làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt
28,19). Luca không đề cập đến làm “Phép Rửa”. Tuy vậy, Sách Công Vụ Tông đồ,
cũng do Luca viết, kể lại rất nhiều hoạt động làm Phép Rửa của các Tông Đồ (Cv
2,41; 8,12-13.38). Phaolô cũng chịu Phép Rửa khi trở lại (Cv 9,18). Công vụ
Tông Đồ còn nói đến một Phép Rửa Nhân Danh Đức Giêsu (Cv 8,16). Chủ đề Phép Rửa
trong mệnh lệnh của Đức Giêsu làm độc giả không thể không nghĩ đến Phép Rửa của
Gioan Tẩy Giả. Gioan rao giảng “Phép Rửa của lòng sám hối” (Mt 3,11; Mc 1,4;).
Ông làm Phép Rửa cho nhiều người (Mt 3,6-7; Mc 1,5; Lc 3,12; Lc 7,29; Ga 1,25;
3,23.26). Chính Đức Giêsu cũng chịu Phép Rửa bởi Gioan Tẩy Giả (Mt 3,13.16). Theo
Tin Mừng Gioan, chính Đức Giêsu cũng làm Phép Rửa (“sau đó Đức Giêsu và các môn
đã đi tới miền Giuđê, Người ở lại đó với các ông và làm Phép Rửa”: Ga 3,22; Ga
4,1). Các Tin Mừng còn nhắc đến việc Đức Giêsu được Gioan Tẩy Giả giới thiệu
như là Đấng làm Phép Rửa trong Thánh Thần (Mt 3,11; Mc 1,8; Lc 3,16; Ga 1,33;
Mt và Lc thêm vào “và lửa”). Trong Sách Công Vụ, chính Đức Giêsu đã hứa rằng
các Tông Đồ sẽ được “Rửa trong Thánh Thần” (Cv1,5; 11,16). Biến cố Ngũ Tuần
trong Cv 2,1-12, là hiện thực hóa lời hứa này. Sự kiện Đức Giêsu lên trời: “Đức
Giêsu được đưa lên trời và ngồi bên hữu Thiên Chúa” (16,19) cũng được Luca nói
đến. Luca không nói đến vị trí của Đức Giêsu: “Đang khi chúc lành, Người rời khỏi
các ông và được đưa lên trời” (Lc 24,50). Luca còn đề cập sự kiện Đức Giêsu lên
trời một lần nữa trong sách Công Vụ Tông Đồ: “Người được cất lên ngay trước mắt
các ông và có đám mây quyện lấy Người” (Cv 1,9). Mátthêu không đề cập đến sự kiện
“lên trời” của Đức Giêsu. Ngược lại ông là tác giả duy nhất ghi lại lời hứa “ở
cùng” của Đức Giêsu: “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19).
Gioan cũng không tường thuật sự kiên Đức Giêsu lên trời nhưng ông có nhiều kiểu
diễn tả tương đương: “Con Người lên nơi đã ở trước kia” (Ga 6,26); “Thầy đi về
cùng Chúa Cha” (13,1; 14,28); “Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14,3); “Thầy đến
cùng Đấng đã sai Thầy” (Ga 16,5); “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em” (Ga 16,7).
Chủ đề “tin … được cứu độ” – “không tin … bị kết án” cũng âm vang những lời giảng
của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan: “Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết
nhưng được sống muôn đời … ai tin vào con của Người thì không bị kết án, ai
không tin thì đã bị kết án rồi vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa” (Ga
3,16.18); “Ai tin vào Người thì có thể có sự sống đời đời” (Ga 3,15.36;
6,40.47). Ngoài ra, tin vào Tin Mừng các Tông Đồ rao giảng cũng phảng phất
thông điệp đầu tiên trong lời rao giảng của Đức Giêsu cũng liên quan đến tin
vào Tin Mừng: “Hãy hoán cải và Tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Giới hạn
Đoạn 16,15-20, khởi đầu bằng lời giới thiệu “và
Người nói cùng họ” không có dấu hiệu chuyển đoạn. 16,5 rõ ràng không phải là một
tách đoạn lý tưởng. Đoạn văn này nên được kéo dài về phía trước đến 16,14.
16,14 có một sự chuyển đoạn khá rõ rệt. Nó bắt đầu bằng một trạng ngữ chỉ thời
gian “sau cùng, sau đó” (Υστερος). Trạng ngữ này giúp độc giả hiểu rằng đây là trình thuật về lần cuối cùng
Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ. Đoạn văn kết thúc bằng 16,20, là câu cuối
cùng của toàn bộ trình thuật cũng như toàn bộ Tin Mừng Máccô. Vì thế, không có
gì bàn cãi về phần kết thúc của bản văn. Đoạn Mc 16,15-20 có sự thống nhất rất
chặt chẽ về mặt nội dung: Sự hiện ra, mệnh lệnh rao giảng và sự việc Đức Giêsu
lên trời.
Cấu trúc Mc 16,14-20
Như đã nói trong phần giới hạn, đoạn văn nên được kéo dài về phía trước đến
16,14 thì mới trọn vẹn. Đoạn văn mới sẽ là Mc 16,14-20, không giống như bản văn
mà những người soạn thảo Phụng Vụ & bài đọc đã đề xuất (Mc 16,15-20). Đoạn
Mc 16,14-20 có thể được định dạng bởi hai phần, với ba cặp thành phần song
song. Thành phần (A) Tỏ mình ra và trách Nhóm Mười Một // (A’) Lên Trời và ngồi
bên hữu Thiên Chúa. (B) Mệnh lệnh & hiệu quả tiềm tàng của mệnh lệnh
(16,15-16)// (B’) Hiện thực hóa mệnh lệnh rao giảng (16,20a). Phần (C) Những dấu
lạ đi theo các tín hữu // (C’) Đức Giêsu làm những dấu lạ để minh chứng cho lời
họ rao giảng.
(I) Tỏ
mình và trao ban sứ vụ (A)Tỏ
mình ra & Trách Nhóm Mười Một: Không tin và cứng lòng (16,14) (B) Mệnh lệnh & hiệu quả: Đi vào thế giới và loan tin Mừng (16,15-16) (C) Những
dấu lạ: Trục xuất
quỷ, nói được những ngôn ngữ mới Bắt
được rắn, miễn nhiễm khỏi chất độc, chữa bệnh (16,17-18) (II) Lên
trời và các Tông Đồ thi hành sứ vụ (A’)
Lên trời & Ngồi bên hữu Thiên Chúa (16,19) (B') Hiện thực hóa mệnh lệnh: Đi ra và loan Tin Mừng (16,20a) (C') Chứng
thực bằng những dấu lạ (16,20b) |
Một số điểm chú
giải
1. Người tỏ mình ra: Như thường lệ, Máccô dùng ngôn ngữ rất ngắn gọn
để diễn tả sự hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh. Theo Máccô, có tất cả 3 lần Đức Giêsu
hiện ra. Lần thứ nhất, Người hiện ra với bà Maria Mácđala, là kẻ được Người trừ
khỏi bảy quỷ (Mc 16,9-11). Động từ được dùng để diễn tả sự hiện ra trong lần
này là “φαίνω”
(show, tỏ ra, làm cho thấy). Lần hiện ra thứ nhất tương tự như trình thuật của
Mt 18,9-10 và Ga 20,11-18. Lần thứ hai, Đức Giêsu hiện ra với hai người “trong
nhóm các ông, khi họ đang trên đường về quê” (Mc 16,12). Luca dường như cũng
nói đến lần hiện ra này bằng một câu chuyện sống động, câu chuyện “hai môn đệ
trở về Emmaus” (Lc 24,13-35). Động từ được Máccô sử dụng lần này không giống với
lần thứ nhất. Đó là động từ “φανερόω”, có nghĩa là “tỏ ra”, “mạc khải”. Lần thứ ba,
chính là lần này, Đức Giêsu hiện ra cùng với nhóm Mười Một (không có Giuđa).
Trong Tin Mừng Gioan, có đến hai lần Đức Giêsu hiện ra với nhóm Mười Một. Lần
thứ nhất, không có ông Tôma (Ga 20,19-23) và lần thứ hai, có cả ông Tôma. Lần
thứ hai được kết thúc bằng một mối phúc dành cho toàn thể các tín hữu qua muôn
thế hệ: “Phúc cho những người không thấy mà tin” (Ga 20,29). Luca cũng có trình
thuật rất lý thú về sự kiện Đức Giêsu hiện ra mới Nhóm Mười Một: họ tưởng Người
là ma; Người cho họ sờ; rồi ăn cá nướng… (Lc 24,36-43). Mátthêu nhấn mạnh đến
cuộc hẹn ở Galilê và theo ông, Đức Giêsu đã gặp nhóm Mười Một tại đó (Mt
28,16-20). Động từ được Máccô dùng trong lần này cũng giống như lần thứ hai, động
từ “φανερόω” (mạc khải, làm cho biết). Hình như, Máccô có ý dùng động từ khác nhau khi
ông diễn tả sự xuất hiện của Đức Giêsu cho bà Maria và các môn đệ. Nhìn lại
trình thuật về 3 lần hiện ra của Đức Giêsu theo Máccô, người ta có cảm giác dường
như đây là một bản tổng hợp giữa các trình thuật liên quan đến sự kiện “hiện
ra” của cả ba Tin Mừng còn lại.[3] Lần thứ
nhất, được Tin Mừng Mt và Ga nói đến (Mt 18,9-10 và Ga 20,11-18). Lần thứ hai
và thứ ba rất giống với Luca: hiện ra với hai môn đệ Emmaus, rồi nhóm Mười Một
(Lc 24,13-35; Lc 24,36-43). Lần thứ ba được cả 3 Tin Mừng nói đến. Còn lần thứ
hai, chỉ có Luca nói đến cách chi tiết và Máccô tường thuật ngắn gọn. Như vậy,
cũng là sự kiện Đức Giêsu hiện ra, nhưng số lần và cách thức cách tác giả Tin Mừng
thể hiện ít nhiều khác nhau, tùy theo chủ ý thần học và thói quen kể chuyện của
các ông. Chính những sự khác biệt này làm nên sự phong phú, đa dạng và lý thú
trong mỗi bản văn.
2. Lần cuối: Trạng từ thời gian “Υστερον” (husteron), được bản Anh Ngữ (ESV) dịch là
“Afterward” (sau đó), và bản Pháp Ngữ (TOB) dịch là “Ensuit” (sau đó), bản Ý Ngữ
(CEI) dịch là “Alla fine” (cuối cùng), bản Việt Ngữ (CGKPV) có cùng cách dịch với
bản Ý Ngữ, “cuối cùng”. Thật ra, trạng ngữ này có thể hiểu theo hai nghĩa đó,
nhưng trong bối cảnh này, “cuối cùng” là chọn lựa hợp lý hơn, bởi vì sau lần hiện
ra này Máccô không còn nói đến lần hiện ra nào khác nữa. Hơn nữa, khi tường thuật
lần hiện ra thứ hai, Máccô đã dùng trạng ngữ mang ý nghĩa “sau đó” rồi: “Μετὰ δὲ
ταῦτα” (16,12): Sau lần đó,
nghĩa là sau lần hiện ra với bà Maria Mácđala. Vì vậy, đây là trạng ngữ Máccô
dùng để kết thúc những trình thuật liên quan đến sự “hiện ra” và nhấn mạnh đến
các chi tiết thông điệp trong trình thuật về lần thứ ba này.
3. Không tin và cứng lòng: Đức Giêsu tỏ mình cho nhóm Mười Một và
quở trách các ông vì các không không tin và cứng lòng. Đây là logic hết sức
bình thường của trình thuật. Nếu độc giả đọc trình thuật về hai lần hiện ra trước
đó của Đức Giêsu thì sẽ rõ “sự cứng lòng và không tin của các ông”. Khi bà
Maria Mácđala nói với các ông rằng “Người đang sống và bà đã thấy Người, các
ông vẫn không tin” (Mc 16,11). Đây có thể được xem là sự “không tin” lần thứ nhất.
Khi hai người “trong nhóm các ông” được gặp Đức Giêsu khi họ đang trên đường về
quê. Họ quay trở lại báo tin cho các ông khác, “nhưng các ông này cũng không
tin hai người này” (Mc 16,13). Lần thứ hai, liên từ mang nghĩa phủ định “οὐδὲ” (cũng không) được sử dụng để nhấn mạnh sự
không tin của các ông, vì đây là “không tin” lần hai. Không tin hai lần như thế
thì quả là cứng lòng (σκληροκαρδίαν). Tuy nhiên, sự không tin hai lần của nhóm Mười Một cũng là cơ may để cho
họ thấy Đức Giêsu lần này, cũng là lần đầu tiên tất cả gặp Đức Giêsu. Sự không
tin và sự cứng lòng của họ được giải quyết trong lần hiện ra này của Đức Giêsu.
Thiết nghĩ, đòi hỏi, mong mỏi được gặp Chúa Phục Sinh là một mong ước chính
đáng và cần thiết cho các môn đệ thời bấy giờ. Khi nhóm Mười Một thấy Chúa Phục
Sinh, sự không tin và cứng lòng của họ biến mất và họ sẵn sàng cho sứ vụ loan
báo Tin Mừng.[4]
4. Những người đã thấy (τοῖς
θεασαμένοις): Máccô còn mở ra một mệnh đề chỉ nguyên
nhân bắt đầu bằng liên từ bổ trợ “bởi vì, bởi lẽ” (ὅτι) để lý giải cho sự “không tin” và “cứng lòng” của
họ: “Bởi vì họ đã không tin những Người đã thấy Người
sống lại”. Cụm danh từ “những người đã chứng kiến” rõ ràng nói đến Maria
Mađalenna và hai môn đệ trên đường về quê. Cả ba người này đều cố gắng thông
tin về sự phục sinh của Đức Giêsu nhưng sự cứng lòng của nhóm Mười Một đã vô hiệu
hóa những nỗ lực làm chứng của họ.
5. Đi vào toàn thể thế giới: Động từ “πορεύομαι” (ra đi, hành trình) được dùng ở lối hiện
tại phân từ, thuộc mệnh đề phụ. Nó có thể được hiểu như một mệnh đề chỉ thời
gian “Trong khi gieo bước hành trình”. Cụm giới từ bắt đầu bằng giới từ “εἰς” (vào trong) cho biết nơi chốn mà các
Tông Đồ phải đi đến. Đó là một nơi chốn không biên giới. Có thể nói là đến tận “chân
trời và góc biển”. Tính từ “ἅπας” (tất cả, toàn thể) bổ nghĩa cho danh từ
“thế giới, thế gian” (κόσμος) để làm cho danh từ này trở thành không biên giới. Cụm giới từ “vào trong
toàn thể thế giới” gợi nhớ đến một công bố long trọng của Đức Giêsu dành cho
người phụ nữ trong trình thuật được gọi là “xức dầu tại Bêtania”: “Thật tôi bảo
thật anh em, bất cứ nơi đâu, Tin Mừng được rao giảng vào trong toàn thể thế giới,
điều mà chị ta đã làm sẽ được kể để nhớ đến chị ta” (Mc 14,9). Có thể nói rằng,
theo Máccô không gian rao giảng của các môn đệ là “khắp thế giới”. Mátthêu cũng
nói đến việc “Tin Mừng về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới” (ἐν ὅλῃ τῇ
οἰκουμένῃ) (Mt 24,14), nhưng
đó không phải là bối cảnh trao ban sứ vụ. Danh từ “οἰκουμένῃ” (oikumene) chỉ nơi cư ngụ trên trái đất hoặc là
cư dân trên mặt đất. Theo Friberg et al., “οἰκουμένῃ” có thể được hiểu theo nghĩa chặt là Đế Quốc Rôma
và cư dân của nó.[5]
Luca 2,1 đã cho biết Caesar Augustus, hoàng đế Rôma, đã từng ra lệnh một cuộc
kiểm tra dân số trên toàn thế giới. Thế giới thuộc quyền cai trị của Rôma. Có
thể danh từ này của Mt mang nghĩa hẹp hơn với danh từ “κόσμος” (thế gian) mà Máccô sử dụng ở đây.
6. Loan báo Tin Mừng: Động từ chính trong mệnh lệnh của Đức Giêsu
là “rao giảng (loan báo)”. Động từ rao giảng được dùng ở lối mệnh lệnh “Hãy rao
giảng (Hãy loan báo)” (κηρύξατε). Động từ này ở lối mệnh lệnh, ngôi thứ hai số nhiều chỉ được sử dụng đúng
3 lần trong toàn bộ Tân Ước. Ngoài bối cảnh này, trong Tin Mừng Mátthêu Đức Giêsu
cũng đã truyền cho các môn đệ công bố ra ánh sáng điều mà họ nghe trong đêm tối:
“Điều mà Tôi nói với anh em trong bóng tối, hãy nói ra ngoài ánh sáng, và điều
anh em nghe thì thầm, hãy công bố trên mái nhà” (Mt 10,27). Đức Giêsu cũng dặn
các môn đệ về thông điệp mà các ông phải rao giảng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng:
“Nước Trời đã đến gần” (10,7). Điều này cho thấy rằng mệnh lệnh này khá đặc biệt
trong bối cảnh của đoạn Tin Mừng này. Động từ “rao giảng” (κηρύσσω) nói chung được dùng rất nhiều lần trong
toàn bộ Tân Ước với nhiều chủ ngữ khác nhau. Chủ ngữ có thể là Gioan Tẩy Giả:
“Ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê” (Mt 3,1; Cf. Mc
1,4.7.14; Lc 3,3;). Chủ ngữ đó cũng có thể là Đức Giêsu: “Từ lúc đó, Đức Giêsu
bắt đầu rao giảng và nói rằng: ‘Anh em hãy hoán cải vì Nước Trời đã đến gần’”
(Mt 4,17; Cf. 4,23; 9,35; 11,1; Mc 1,38-39; Lc 3,23; 4,44; 8,1). Động từ này
cũng có chủ ngữ là các môn đệ. Ngoài hai lần vừa đề cập theo lối mệnh lệnh cách
ở trên (Mt 10,7.27), nhiều lần khác Tân Ước nói về hoạt động rao giảng của các
môn đệ. Họ được chọn để ở với Đức Giêsu và được sai đi rao giảng (Mc 3,14;
6,12; 13,10; 16,20; Lc 9,2; 24,47). Trong đoạn này Máccô sử dụng 2 lần động từ
“rao giảng”: Một lần ở lối mệnh lệnh cách: “Anh em hãy rao giảng” (16,15) và lần
còn lại là các môn đệ thực thi mệnh lênh này: “Trong khi gieo bước hành trình,
họ rao giảng khắp mọi nơi” (Mc 16,20).
Nôi dung của hành động rao giảng cũng khác nhau
tùy theo chủ ngữ. Gioan Tẩy Giả rao giảng về Phép Rửa của lòng hoán cải để được
ơn tha thứ (Mt 3,1-2; Mc 1,4); hoặc rao giảng về Đức Giêsu là Đấng quyền thế
hơn ông đang đến (Mc 1,7). Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng về Nước Trời: “Nước Trời
đã đến gần” (Mt 4,17.23.27; 10,7; 13,19); “Tin Mừng Nước Thiên Chúa” (Lc 8,1;
9,2); hoặc là “Tin Mừng của Thiên Chúa” (Mc 1,14). Khi sinh thời, Đức Giêsu
cũng sai các môn đệ đi rao giảng cùng nội dung rao giảng tương tự như Người: “Dọc
đường hãy rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã đến gần” (Mt 10,7). Nội dung mà Đức Giêsu
truyền cho các môn đệ phải rao giảng trong đoạn này là “Tin Vui, Tin Mừng” (τὸ
εὐαγγέλιον). Tin Mừng cũng là
một từ ngữ rất tổng quát. Nội dung Tin Mừng này là gì? Trong bối cảnh này rất
có thể nền tảng của Tin Mừng chính là mầu nhiệm Đức Giêsu Phục Sinh. Nhắc đến Đức
Giêsu Phục Sinh thì không thể không nhắc đến mầu nhiệm Khổ-Tử-Nạn của Người. Muốn
biết nội dung Tin Mừng mà các Tông Đồ rao giảng không thể không đọc Sách Công Vụ
Tông Đồ. Dựa trên nền tảng, và Tin Mừng Phục Sinh, các Tông Đồ chứng minh cho
dân Do Thái thấy rằng Đức Giêsu, chính là Đấng Kitô mà dân Do Thái hằng mong đợi
(Cv 3,12-26). Danh xưng Giêsu đã dần trở thành “Giêsu Kitô”. Một tên gọi bình
thường đã trờ thành tên gọi ghép chung với vai trò, sứ vụ và căn tính Mêsia, Đấng
được xức dầu, có sứ vụ giải phóng bằng cái chết của Người. Đức Giêsu Kitô không
mang đến cho họ một sự giải phóng về chính trị, quân sự hay vật chất, nhưng là
một cuộc giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Sự sống lại của Người chính là bằng
chứng hùng hồn về Tin Mừng Cứu Độ ấy. Sách Công Vụ còn nhiều lần nói đến nội
dung của lời loan báo của các Tông Đồ như là: “Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô” (Cv
5,42); “Rao giảng Đức Kitô” (Cv 8,5) “Tin Mừng Đức Giêsu” (Cv 8,35; 11,20);
“Tin Mừng về Nước Thiên Chúa và về danh Đức Giêsu Kitô” (Cv 8,12); “Rao giảng Đức
Giêsu trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa” (Cv 9,2); “Chính Đức Giêsu
là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Cv 10,42);
“rao giảng Lời Chúa” (Cv 11,19; 14,25; 16,6; 15,35); “Tin Mừng về Đức Giêsu và
về sự Phục Sinh” (Cv 17,18); “đạo Thiên Chúa” (Cv 18,26); “Rao giảng, thảo luận
về Nước Thiên Chúa” (Cv 19,8; 20,25; 28,31); “Tin Mừng về ân sủng của Thiên
Chúa”; “rao giảng tất cả những ý định của
Thiên Chúa” (Cv 20,27). Máccô giới thiệu sách Tin Mừng do ông soạn thảo bằng
câu: “Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Rõ ràng, đây là
Tin Mừng về con người và sứ vụ của Đức Giêsu. Người là Đấng Kitô và là Con
Thiên Chúa. Đây là thông điệp Tin Mừng mà thế hệ Kitô hữu đầu tiên muốn lưu
truyền cho hậu thế.
7. Mọi loài thụ tạo (πάσῃ τῇ
κτίσει): Tính từ bất định “tất cả, toàn bộ” (πάσῃ) cùng với danh từ “loài thụ tạo, vật được
tạo thành” (τῇ κτίσει) đã mở giới hạn đối tượng mà các Tông đồ phải rao giảng Tin Mừng ra đến vô
tận, không hạn chế một ai hay thậm chí một loài nào. Trước đó, tác giả đã dùng
một tính từ bất định khác cũng mang nghĩa “tất cả, toàn bộ” để bổ nghĩa cho
danh từ “thế giới”. Như vậy các môn đệ sẽ đi đến tận chân trời góc biển, và
loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi loài thụ tạo. Cả không gian và đối tượng đều
vô hạn. Tác giả như muốn nhấn mạnh đến tính phổ quát và rộng khắp của Tin Mừng.
8. Trục xuất quỷ: Đức Giêsu đã nhiều lần trục xuất quỷ.[6] Người
cũng đã ban cho các Tông Đồ quyền trừ quỷ khi Người sai họ đi rao giảng (Mt
10,8; 12,22; Mc 3,15; 6,7; 7,25-30). Vì thế, quyền năng trừ quỷ sẽ không thể
thiếu được trong lần ra đi rao giảng này. Công vụ Tông Đồ đã ghi lại sự kiện
Phaolô trừ quỷ tại Philípphê (Cv 16,16-18).
9. Nói ngôn ngữ mới: Biến cố trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi mọi người “đầy
tràn Thánh Thần, họ bắt đầu nói những ngôn ngữ khác theo như Thần Khí ban cho họ
công bố” (Cv 2,4). Tất cả những người Do Thái trở về từ các quốc gia khác
(Pacthia, Mêđi, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Cáppađônia, Pontô, Axia, Phyghia, Pamphylia,
Aicập, Rôma) đều nghe họ nói tiếng của từng vùng mà “loan báo kỳ công của Thiên
Chúa” (Cv 2,5-11). Cv 10,46 cũng ghi lại sự kiện Thánh Thần ngự xuống trên dân
ngoại đang khi họ nghe Phêrô rao giảng. Những người này cũng nói các thứ tiếng
và tán dương Thiên Chúa. Phaolô cũng đã từng đặt tay trên nhóm 12 môn đệ của
Gioan Tẩy Giả. Sau khi Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ đã “nói tiếng lạ và nói
tiên tri” (Cv 19,6). Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Phaolô cũng liệt
kê các đặc sủng của Thần Khí, trong đó có ơn “nói tiếng lạ” và “giải thích tiếng
lạ” (1 Cr 12,10; 12,28.30; 13,8; 14,13). Xem ra ơn nói những ngôn ngữ mới này
là một đặc ân Thánh Thần ban cho các nhà loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô.
10. Bắt được rắn: Thánh Luca ghi lại Đức Giêsu hứa ban quyền năng
cho các môn đệ: “Thầy ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết bọ cạp và mọi
thế lực của kẻ thù mà chẳng có gì làm hại được anh em” (Lc 10,19). Ngòai ra, sách
Công Vụ cũng ghi lại một biến cố sống động liên quan đến đề tài này. “Trên chuyến
hành trình từ Xêdarê qua Rôma, Phaolô và các bạn tù bị đắm tàu tại đảo Manta.
Ông và các bạn tù được cứu và được “dân địa phương tiếp đón một cách nhân đạo”.
Họ đốt một đóng lửa to và tiếp đón Phaolô và những người đồng thuyền vì trời
mưa và lạnh. Phaolô vơ một mớ cành khô và cho vào lửa. Khi ông đang bỏ vào lửa
thì một con rắn độc bị nóng, bò ra và cuộn vào tay ông. Người dân địa phương
nghĩ rằng “chắc chắn ông là một tên sát nhân” và con rắn, họ gọi là Thần Công
Lý, sẽ cắn chết ông ngay lập tức. Tuy nhiên, Phaolô đã giũ con vật vào lửa mà
không hề hấn gì (x. Cv 28,1-6). Hình ảnh cầm được rắn trong bối cảnh này cũng
có thể có liên hệ với ý tưởng rao giảng Tin Mừng cho “mọi loài thụ tạo” đã được
nói trước đó. Tin Mừng có khả năng biến đổi tất cả mọi loài vật nguy hại đến
nhà loan Tin Mừng. Đã có mối thù giữa con rắn và người đàn bà; giữa dòng giống
con rắn và dòng giống của người đàn bà; dòng giống người đàn bà sẽ đánh vào đầu
con rắn và con rắn sẽ cắt vào gót chân chúng (St 3,15). Hình ảnh con rắn cũng gợi
nhớ đến con rắn độc đã cắn dân vì dân đã oán trách Đức Chúa (Ds 21,6) và qua
hình ảnh con rắn đồng được treo lên Chúa lại cứu họ khỏi chết vì rắn cắn (Ds
21,9). Sự hòa bình giữa đứa bé và rắn độc là hình ảnh đẹp của thời Mêsia: “Bé
thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục; trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ
rắn hổ mang” (Is 11,8). Vịnh gia của Thánh Vịnh 91 cũng xác tín rằng, nhờ thiên
sứ giữ gìn: “Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng, rắn độc; đạp nát đầu sư tử, khủng
long” (Tv 91,13)
11. Chữa bệnh: Chữa lành bệnh tật cũng là một trong những dấu lạ
đặc trưng của Đức Giêsu. Có ít nhất 16 phép lạ chữa lành bệnh tật do Đức Giêsu được
ghi lại trong các sách Tin Mừng. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những phép
lạ chữa lành bệnh tật mà Đức Giêsu đã làm. Đức Giêsu “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc
đủ thứ bệnh tật” (Mc 1,34; Lc 5,17; 6,18). Các Tông Đồ cũng được Đức Giêsu ban
cho quyền phép để chữa lành các bệnh tật (Lc 9,1). Sách Công Vụ cũng ghi lại khả
năng chữa bệnh phi thường của Phaolô: “Thiên Chúa dùng tay ông Phaolô mà làm những
phép lạ phi thường đến nỗi người ta lấy cả khăn cả áo đã chạm đến da thịt của Phaolô
mà đặt trên bệnh nhân, và bệnh tật biến mất, tà thần cũng phải xuất (Cv
19,11-12). Ông Phêrô làm cho bà Tabitha ở Giaphô được sống lại (Cv 9,36-43); Chữa
lành một người tê bại ở Lốt (Cv 9,32-35); chữa lành một người què ở Cửa Đẹp. Phêrô
có khả năng chữa bệnh đến độ “người ra khiêng những kẻ đau ốm ra đặt trên giường
chõng, để khi Phêrô đi qua thì ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh
nhân nào đó. Nhiều người từ các thành chung quanh Jêrusalem cũng lũ lượt kéo đến,
đem theo những kẻ ốm đau và những kẻ bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa
lành” (Cv 5,15-16).
12. Tin – Chịu Phép Rửa[7]
– Được Cứu Độ: Đây là sự
đáp trả và hiệu quả kèm theo cho sự đáp trả của người nghe. Tiến trình
này được thể hiện trong sứ vụ của các Tông Đồ được ghi lại trong sách Công Vụ
Tông Đồ. Phép Rửa này là Phép Rửa trong Thánh Thần. Niềm tin căn bản là tin vào
sứ điệp Tin Mừng mà các Tông Đồ rao giảng: Đức Giêsu là Đấng Kitô mà Cựu Ước đã
nói đến; Người đã chết và Phục Sinh để mang lại sự sống vĩnh cửu cho những người
tin. Phép Rửa này chính là Phép Rửa mà Gioan Tẩy Giả đã từng báo trước khi ông
rao giảng Phép Rửa của lòng sám hối. Gioan đã rao giảng rằng sẽ có một Phép Rửa
trong Thánh Thần và lửa (Mt 3,11; Mc 1,8; Lc 3,16). Chính Đức Giêsu cũng nhắc lại
Phép Rửa của Gioan và hứa Phép Rửa trong Thánh Thần cho các môn đệ (Cv 1,5; Cf.
11,16). Như tác động của Thánh Thần trên cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu, sứ vụ
của các Tông Đồ cũng không thể sinh hoa trái nếu không có Thánh Thần. Phép Rửa
trong Thánh Thần này được ban cho các Tông Đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv
2,1-13). Sau biến cố Ngũ Tuần, Phêrô đã rao giảng và kêu gọi: “Anh em hãy sám hối
và mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và
anh em sẽ nhận được ân huệ của Thánh Thần” (Cv 2,38). Phép Rửa này được làm
nhân danh Đức Giêsu và thụ nhân sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Philípphê
rao giảng và làm Phép Rửa cho người Samari (Cv 8,12); sau đó Phêrô và Gioan đến
cầu nguyện cho họ để họ nhận được Thánh Thần (Cv 8,15-16). Phaolô đã làm Phép Rửa
nhân danh Đức Giêsu cho nhóm 12 môn đệ của Gioan Tầy Giả và đặt tay ban Thánh
Thần cho họ (Cv 19,1-7).
Mệnh đề “Tin …được cứu độ… không tin… bị kết
án” phảng phất thần học của Tin Mừng thứ tư. Gioan đã ghi chú rằng: “Thiên Chúa
sai Con của mình đến thế gian, không phải để lên án thế gian nhưng để thế gian
nhờ Con của Người mà được cứu độ…ai tin vào Con của Người thì không bị lên án,
những kẻ không tin thì đã bị lên án rồi vì đã không tin vào danh của Con Một
Thiên Chúa” (Ga 3,17-18). Mục đích của toàn thể Tin Mừng thứ tư là để: “anh chị
em tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, để nhờ tin mà được cứu độ nhờ
danh Người” (Ga 20,31). Mục đích của Đức Giêsu là để cứu độ chứ không phải kết
án, nhưng bản án có đó vì chọn lựa tự do của mỗi cá nhân.[8]
13. Lên trời: Trong bốn tác giả Sách Tin Mừng chỉ có Máccô và
Luca ghi lại sự kiện Đức Giêsu lên trời. Theo Luca, Đức Giêsu lên trời trong
khi đang chúc cho các môn đệ tại một nơi gần Bêtania (Lc 24,50-51). Truyền thống
Giáo Hội sơ khai tôn kính Đức Giêsu lên trời tại địa điểm trên Núi Ôliu gần Bêtania.
Hiện nay, vẫn còn một thánh tích của đền thờ nhỏ mái vòm. Bên trong không gian ấy
có một tảng đá ghi dấu nơi Đức Giêsu về trời. Sách Công Vụ Tông Đồ còn ghi lại
việc Đức Giêsu lưu lại với các Tông Đồ bốn mươi ngày để dạy dỗ các ông về “Nước
Thiên Chúa” (Cv 1,3). Sau đó Người được “cất lên trời ngay trước mắt các ông,
và có đám mây quyển lấy Người khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1,9).
Một vài bản chép tay không có phần nói về biến cố Thăng Thiên nơi Lc 24,50-51.
Các chuyên gia đoán lý do là bởi vì nó khó dung hòa với trình thuật Thăng Thiên
của Cv 1,3-11, nơi đặt biến cố Thăng Thiên bốn mươi ngày sau khi Chúa Phục
Sinh. Tuy vậy, việc dung hòa giữa hai trình thuật Thăng Thiên của Luca và Công
Vụ Tông Đồ có thể hiểu được khi ta hiểu rằng nơi Luca, tác giả muốn nhấn mạnh rằng:
biến cố Phục Sinh không thể tách rời khỏi biến cố Thăng Thiên; còn nơi CVTĐ,
tác giả muốn xem “sự Thăng Thiên” như là đỉnh điểm của những lần hiện ra của Đức
Giêsu, đồng thời như là khởi điểm của sứ vụ các Tông Đồ.[9] Tin Mừng
Máccô cũng cho biết Đức Giêsu về trời sau khi công bố mệnh lệnh “hảy rao giảng
Tin Mừng”. Máccô không bận tâm đến nơi chốn Đức Giêsu lên trời.[10] Máccô
dùng động từ “nâng lên, mang đi”, ở thể bị động (ἀνελήμφθη). Tác nhân của động từ bị động này rất có thể là
Thiên Chúa, bởi ngoài Thiên Chúa không ai có thể nâng Đức Giêsu lên. Nơi mà Đức
Giêsu được được đưa lên là “vào trong bầu trời” (εἰς τὸν οὐρανὸν). “Trời” là đối lại với đất. Đây là nơi ở
của Chúa (Mt 5,16), các thiên thần (Mt 22,30) và người chết công chính (2 Cr
5,1.2).[11] Thánh
Gioan không có tường thuật về việc Đức Giêsu lên trời, nhưng ông thường ghi lại
nhiều lời của Đức Giêsu liên quan đến sự kiện này: “Thầy lên cùng Cha của Thầy
cũng là cha của anh em, lên cùng Chúa của Thầy cũng là Chúa của anh em” (Ga 20,17); “nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn
anh em vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha” (Ga 14,28); “Thầy đến cùng Chúa
Cha và anh em không còn thấy Thầy nữa” (Ga 16,10); “Thầy lại bỏ thế gian mà đến
cùng Chúa Cha” (Ga 16,18); “Con Người lên nơi đã ở trước kia” (Ga 6,26).
14. Ngồi bên hữu Thiên Chúa: Thiên Chúa là Thần Khí (Ga 4,24), nên nơi
Thiên Chúa không có bên hữu bên tả. Nói bên hữu bên tả là cách nói của những
người ở thế giới vật chất. Đức Giêsu “ngồi” hay “ngự” cũng là cách nói mang
tính biểu tượng. Có thể cách nói này diễn tả sự đăng quang, vinh quang của Đức Giêsu
như một vị vua cõi trời, đồng vị trí với Chúa Cha. Nói “ngồi bên hữu” nghĩa là
Đức Giêsu Kitô, bao gồm nhân loại tính của Người, nhận một phần phúc Nước Trời
mãi mãi, có địa vị ngang bằng với Chúa Cha. Người nhận một vị trí vinh dự cao
nhất bên cạnh Cha trong khả năng nhân loại của Người.[12] Ý tưởng
“Ngồi bên hữu” phảng phất giáo huấn của Đức Giêsu khi Người trích Tv 109,1 để
giải thích về căn tính của mình: “Chính vua Đavít được Thánh Thần soi sáng đã
nói: ‘Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây con lên ngự trị, để rồi
ta sẽ đặt tất cả các địch thù làm bệ dưới chân Con” (Mc 12,36). Trong cuộc thẩm
vấn Đức Giêsu cũng mạc khải rằng: “Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng
Toàn Năng và đến với mây trời” (Mc 14,62). Thêm vào đó, trong thị kiến của
thánh Stêphanô Đức Giêsu cũng được diễn tả “đang đứng bên hữu Thiên Chúa” (Cv
7,55). Đó thật sự là một vị trí của Đức Giêsu Phục Sinh.
15.
Đi ra và rao giảng: Câu
19 và câu 20 nối kết với nhau bằng một cấu trúc (μὲν…
δὲ) hết sự chặt chẽ diễn
tả hai hoạt động song song của Thầy (Đức Giêsu) và trò (nhóm Mười Một): “Đức
Chúa Giêsu thì lên trời… còn những người này thì trong khi đi ra, họ rao giảng…”
(19 Ὁ μὲν οὖν κύριος Ἰησοῦς
μετὰ τὸ λαλῆσαι αὐτοῖς ἀνελήμφθη εἰς τὸν οὐρανὸν καὶ ἐκάθισεν ἐκ δεξιῶν τοῦ
θεοῦ. 20 ἐκεῖνοι δὲ ἐξελθόντες ἐκήρυξαν
πανταχοῦ). Động từ “đi ra” được
dùng ở lối phân từ, diễn tả về thời gian “trong khi đi ra” (ἐξελθόντες), tương tự như cách dùng của động từ “ra đi vào
khắp thế giới” (πορευθέντες) trong mệnh lệnh của Đức Giêsu trước đó. Động từ
“đi ra” ở 16,19 là đáp lại cho động từ “ra đi, gieo bước hành trình” ở 16,15.
Cả hai động từ này đều là động từ của mệnh đề phụ cho động từ chính: “Rao
giảng”. Hành vi “rao giảng khắp nơi” (16,19) tương ứng với mệnh lệnh “hãy rao
giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (16,15). Đó là một trình thuật khép kín
trọn vẹn: Đức Giêsu ra mệnh lệnh và các Tông Đồ thi hành y chang mệnh lệnh. Hơn
nữa, hành động “đi ra và loan báo” của các Tông đồ còn bổ khuyết và sửa chữa
cho hành động những người phụ nữ ở đoạn kết ngắn: “Khi đi ra khỏi mộ, các bà
chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai vì sợ hãi” (Mc 16,8), mặc dù trước đó các bà đã nhận được mệnh lệnh là:
“Hãy nói với các môn đệ Người và Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê
trước các ông” (Mc 16,7).
16. Chúa cùng làm việc: Động từ “cùng hoạt động, làm việc” (συνεργέω), với chủ từ là Đức Chúa được dùng ở lối hiện tại phân từ diễn tả sự kéo
dài của hành động “cùng làm việc của Chúa” với các Tông Đồ. Đức Giêsu đã lên trời,
nhưng Người không “đem con bỏ chợ”. Người vẫn đồng hành cùng các môn đệ của Người
trên mọi nẻo đường sứ vụ vì “không có” Đức Giêsu các môn đệ “không làm gì được”
(Ga 15,5).
17.
Dấu lạ kèm theo: Hành
động của Đức Giêsu chính là chứng thực “các công việc/ lời rao giảng” của
các môn đệ bằng những dấu lạ đi kèm. Những dấu lạ này có thể là những dấu lạ đã
được hứa trước trong khi Người trao ban sứ vụ: “Họ sẽ trục xuất được những con quỷ, họ sẽ nói được những ngôn ngữ mới. [và
trong tay] họ sẽ bắt được những con rắn, thậm chí họ uống được chất độc (chất
gây chết) mà không nguy hại đến họ; họ có thể đặt tay trên những bệnh nhân và họ
trở nên khỏe khoắn.” (Mc 16,17-18). Ngoài ra còn có những dấu lạ khác nữa nếu cần
thiết, như dấu lạ phục sinh kẻ chết mà Phêrô đã làm cho bà Tabitha ở Giaphô (Cv
9,36-43). Những dấu lạ này vừa cho thấy sự hiện diện của Chúa vừa là sức mạnh
niềm tin cho những người rao giảng và những thụ nhân. Các Tông Đồ tự tin và xác
tín phép lạ từ quyền năng của Chúa. Bằng chứng là khi Phêrô chữa người bại liệt
tai Cửa Đẹp của Đền Thờ, ông đã nói: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô
người Nadarét, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,6). Khi
người ta ngạc nhiên về khả năng làm phép lạ của ông, ông đã giải thích: “Sao lại nhìn chằm chăm vào chúng tôi như thể là chúng tôi đã làm cho người
này đi lại đươc nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi? ... Thiên
Chúa của cha ông chúng ta đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu” (Cv
3,13).
Bình luận tổng
quát
Đoạn Tin Mừng trong ngày mừng kính Đức Giêsu Thăng
Thiên gồm hai phần song song và nối kết một cách chặt chẽ. Phần I bắt đầu bằng
(A) ghi lại sự hiện ra của Đức Giêsu lần thứ ba và cũng là lần cuối theo Tin Mừng
Máccô. Trong lần hiện ra cuối cùng này mọi nghi ngại của nhóm Mười Một Được đả
thông. Một khi tư tưởng nghi ngại, bối rối, lo sợ được thông suốt thì họ sẵn
sàng cho sứ vụ. Sứ vụ mà Người trao cho các ông là “loan báo Tin Mừng cho mọi
loài thọ tạo”. Nghĩa là, đối tượng mà các ông phải loan báo là vô giới hạn,
không trừ một ai, một loài nào. Ngày hôm nay, với thông điệp Laudato Sí,[13] về việc
Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung, được ban hành ngay 24/05/2015, Đức Giáo hoàng đã gióng
lên tiếng chuông cảnh tỉnh thế giới về sự cần thiết phải quan tâm bảo về trái đất
và muôn vật trong đó. Đó là giá trị Tin Mừng mà thế giới ngày nay phải cảnh tỉnh
và lưu tâm sau một thời gian dài tàn phá trái đất vô tội vạ, vô ý thức. Đức Kitô
Phục Sinh thực sự mang lại cho nhân loại này niềm hy vọng vào một cuộc sống đời
sau vĩnh viễn. Thế nhưng, hy vọng và chờ đợi cuộc sống mai sau không có nghĩa
là chê ghét và trù dập những gì thuộc về sự sống đời này. Ngược lại, sự sống đời
sau phải được xây dựng và chắp nối bằng cách sống hay, sống đẹp ngay từ đời
này. Biên giới của hành trình của các môn đệ cũng phải được mở ra vô tận, tận
chân trời góc biển. Dĩ nhiên, đó không phải là công việc của một cá nhân, bởi mấy
ai có thể đặt chân đến mọi ngõ ngách của thế giới này. Đó là công việc của một
tập thể môn đệ Chúa Kitô. Đó cũng không phải là công việc của một thế hệ, nhưng
là của nhiều thế hệ Kitô hữu nối tiếp nhau. Thông điệp Tin Mừng mà họ phải loan
báo trước tiên là Đức Giêsu là Đấng Kitô Con Thiên Chúa; Người đã chết mà nay vẫn
sống. Thông điệp đó hiểu rộng ra cũng là toàn bộ các sách Tin Mừng, toàn bộ
Thánh Kinh, gọi chung lại là Lời Chúa. Đó Mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Thiên
Chúa, được hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô và được các Tông Đồ rao giảng và làm chứng.
Cuộc đời Đức Giêsu có một kết cục bi thương nhưng không bi đát. Sự kiện Người
đã sống lại là một điểm sáng cho đêm tối của sự đau khổ và sự chết. Người đã Phục
Sinh và đã hiện ra ít nhất ba lần cho các môn đệ (Ga 21,14), và “Sự hoán cải để
được ơn tha thứ nhờ danh Người phải được loan báo cho muôn dân, bắt đầu từ Jêrusalem”
(Lc 24,47). Phần II (A’) là phần tóm kết việc các Tông Đồ thi hành đúng như sứ vụ mà Đức Giêsu đã giao cho họ, sau khi Người lên trời. Người lên
trời, là “lên nơi đã ở trước kia” (Ga 6,26). Người được lãnh nhận “vinh quang
mà Cha đã ban cho Người” (Ga 17,22). “Ngự bên hữu hay ngồi bên hữu là một vị thế
độc nhất vô nhị, ngang hàng với Chúa Cha, bởi Người và Cha là một (Ga 10,30).
Tuy nhiên, “lên trời” không có nghĩa là Người bỏ mặc các môn đệ của Người thi
hành sứ vụ một mình. Người vẫn hiện diện với họ cách vô hình và “cùng làm việc
với” họ cũng như “chứng nhận” lời họ rao giảng bằng những dấu lạ mà Người đã hứa
đi theo những ai có lòng tin (Mc 16,17-18). Niềm tin và tình yêu là mối dây
liên kết giữa Người với họ và niềm tin là món quà rất cần thiết cho những dấu lạ
được tỏ hiện trong sứ vụ các Tông Đồ. Sứ vụ, hoạt động cụ thể của các Tông Đồ với
sự đồng hành của Chúa đã được ghi lại khá chi tiết trong Sách Công Vụ Tông Đồ.
Sứ vụ này đã và đang được các Kitô hữu qua muôn thế hệ viết tiếp mỗi ngày.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch,
SVD
[1]
J. Marcus, Mark 8 – 16. A New Translation with Introduction and
Commentary (AYBC; New Haven – London 2008) 27A, 1088.
[2]
Xem thêm E.J. Goodspeed, “The Original Conclusion of the Gospel of Mark” (AJT
9/3; 1905) 484-490.
[3]
J. Marcus cho rằng trình thuật về sự hiện trong Mc 16,9-20 có một ấn tượng về một
“sự tiêu hóa xúc tích” của những lần xuất hiện của sự Phục Sinh được nói đến
trong các Tin Mừng kia [J. Marcus, Mark 8 – 16, 1090].
[4]
A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark
(Hermeneia; Minneapolis 2007) 809.
[5]
T. Friberg – B. Friberg – N.F. Miller, Analytical Lexicon of Greek New
Testament (Grand Rapids 2000) “οἰκουμένῃ”.
[6]
Mt 8,16; 8,28-34; 9,32-34; 15,21-28; Mt 17,18; Mc 1,32-34.39; 5,1-17; 7,24-30.
[7]
Sự nối kết giữa niềm tin và chịu Phép Rửa phản ánh những thực hành rộng rãi của
cộng đoàn những người tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia hoặc là Đấng Cứu Độ (A.Y.
Collins – H.W. Attridge, Mark, 810).
[8]
Xem thêm đề tài “bản án” trong Joseph Phạm Duy Thạch, SVD, “Chuyện Trên Trời Dưới
Đất. Chú giải Tin Mừng Chúa Nhất IV MC Năm B (Ga 3,13-21)”, HORIZON
MISSIONARY: CHUYỆN TRÊN TRỜI DƯỚI ĐẤT (josephpham-horizon.blogspot.com)
(truy cập 13/05/2021)
[9]
X. Kinh Thánh, ấn bản 2011 (nhóm CGKPV dịch và chú thích) (Hà Nội 2011)
chú thích b), 2342.
[10]
A.Y. Collins – H.W. Attridge cho rằng trạng ngữ chỉ thời gian “sau đó” để ngõ
khả năng lần hiện ra này là ở Ga-li-lê. Ông cho thấy liên hệ giữa Mc 16,14-20 với
Mt 28,16-20 vì cả hai cũng nói đến Nhóm Mười Một [A.Y.
Collins – H.W. Attridge, Mark, 325].
[11]
X. T. Friberg – B. Friberg – N.F. Miller, Analytical Lexicon of Greek New
Testament, “οὐρανὸς”
[12]
The Navarre Bible, Gospels & Acts. Texts and Commentaries (New Jork 2002)
325.
[13]
Bản Tiếng Anh tại Laudato
si' (24 May 2015) | Francis (vatican.va) (truy cập 13/05/2021).
No comments:
Post a Comment