Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
13 καὶ οὐδεὶς ἀναβέβηκεν εἰς τὸν οὐρανὸν εἰ μὴ ὁ ἐκ τοῦ οὐρανοῦ καταβάς, ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου. 14 Καὶ καθὼς Μωϋσῆς ὕψωσεν τὸν ὄφιν ἐν τῇ ἐρήμῳ,
οὕτως ὑψωθῆναι δεῖ τὸν υἱὸν τοῦ ἀνθρώπου, 15 ἵνα πᾶς ὁ πιστεύων
ἐν αὐτῷ ἔχῃ ζωὴν αἰώνιον. 16 οὕτως γὰρ ἠγάπησεν ὁ
θεὸς τὸν κόσμον, ὥστε τὸν υἱὸν τὸν μονογενῆ ἔδωκεν,
ἵνα πᾶς ὁ πιστεύων εἰς αὐτὸν μὴ ἀπόληται ἀλλ᾽
ἔχῃ ζωὴν αἰώνιον. 17 οὐ γὰρ ἀπέστειλεν ὁ θεὸς τὸν υἱὸν εἰς τὸν κόσμον ἵνα κρίνῃ τὸν κόσμον, ἀλλ᾽ ἵνα σωθῇ
ὁ κόσμος δι᾽ αὐτοῦ. 18 ὁ πιστεύων εἰς
αὐτὸν οὐ κρίνεται· ὁ δὲ μὴ πιστεύων ἤδη κέκριται,
ὅτι μὴ πεπίστευκεν εἰς τὸ ὄνομα τοῦ μονογενοῦς υἱοῦ τοῦ θεοῦ. 19 αὕτη δέ ἐστιν ἡ κρίσις ὅτι τὸ φῶς ἐλήλυθεν εἰς τὸν κόσμον
καὶ ἠγάπησαν οἱ ἄνθρωποι μᾶλλον τὸ σκότος ἢ τὸ φῶς· ἦν
γὰρ αὐτῶν πονηρὰ τὰ ἔργα. 20 πᾶς γὰρ ὁ φαῦλα πράσσων
μισεῖ τὸ φῶς καὶ οὐκ ἔρχεται πρὸς τὸ φῶς, ἵνα μὴ ἐλεγχθῇ τὰ ἔργα αὐτοῦ· 21 ὁ δὲ ποιῶν τὴν ἀλήθειαν
ἔρχεται πρὸς τὸ φῶς, ἵνα φανερωθῇ αὐτοῦ
τὰ ἔργα ὅτι ἐν θεῷ ἐστιν εἰργασμένα. (Jn. 3:13-21 BGT) |
13 Và
không ai đã đi lên vào trời nếu không phải Người đến từ trời đến, Con Trai của con người (Con Người) 14 Hệt
như ông Môsê đã giương cao con rắn đồng trong sa mạc, Con Trai của con người cũng phải được giương cao như vậy. 15 Để
tất cả những người tin vào Người có thể có
sự sống đời đời 16 vì
theo cách này, Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi
Người đã trao ban Con Một để tất cả những người tin vào Người không bị phá hủy
nhưng có sự sống muôn đời 17 Bởi
vì, Thiên Chúa không sai Người Con vào trong thế gian để kết án thế gian,
nhưng để thế gian có thể được cứu độ nhờ
Người 18 Người tin vào Người không bị kết án nhưng người không tin đã bị kết án rồi, bởi vì người
đã không tin vào danh Con |Một của Thiên
Chúa. 19 Đây
là bản án, rằng ánh sáng đã xuất hiện trong thế
gian và những con người (người ta) đã yêu bóng tối hơn
là ánh sáng vì những việc
làm của họ xấu xa. 20 Vì
tất cả những ai làm sự xấu thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh
sáng, để những công việc của họ không bị đem ra ánh sáng. 21 Những người làm điều thật đến cùng ánh sáng, để những công việc của họ được tỏ lộ vì họ
hành động trong Chúa. |
I.
Bối cảnh bản văn:
Bản văn Ga 3,13-21 được trích ra từ trình thuật
nói về cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô. Nicôđêmô là đại diện cho
giới trí thức và lãnh đạo tinh nhần của Người Do Thái. Ông được gọi là “một thủ
lãnh của người Do Thái” (3,1). Ông cũng là một người Pharisêu (Ga 7,48). Cuối
cùng ông được nhắc đến như là “người đã đến gặp Đức Giêsu” ban đêm (Ga 19,39).
Cuộc đối thoại này là dữ liệu độc quyền của tác giả Tin Mừng thứ tư (thường hiểu
là Tin Mừng Gioan). Ông Nicôđêmô cũng là nhân vật chỉ được nhắc đến trong Tin Mừng
thứ tư. Ông là người rất có thiện cảm với Đức Giêsu và có lẽ cũng âm thầm theo
Đức Giêsu. Cách mà ông xuất hiện cùng với Giuse Arimathêa, “một môn đệ theo Đức
Giêsu, nhưng cách kín đáo” (Ga 19,38). Rồi, cách mà ông đến với Đức Giêsu cũng
có lẽ ám chỉ sự “theo cách kín đáo” của ông: “Ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm”
(Ga 3,1; 19,39). Trong con mắt của Nicôđêmô, Đức Giêsu là một vị “tôn sư được
Thiên Chúa sai đến” (Ga 3,2a). Ông cũng tin rằng Thiên Chúa ở cùng Đức Giêsu.
Nhờ đó, Đức Giêsu mới có thể làm những dấu lạ (Ga 3,2b). Cuộc đối thoại giữa Đức
Giêsu và Nicôđêmô được khởi đầu như thế. Những chủ đề trong cuộc đối thoại này
rõ ràng nối kết cách mật thiết với chủ đề của những đoạn trước đó. Đây là đoạn
văn nằm trong “Sách Các Dấu Lạ” (1,19-12,50).[1] Cụ
thể hơn, nó nằm trong phần hai của “Sách Các Dấu Lạ”: Từ Cana đến Cana (Ga 2,1
– 4,54), vốn được đóng khung bằng 2 dấu lạ.[2] Chủ
đề dấu lạ trong cụm danh từ “những dấu lạ Thầy làm” (3,2b) rõ ràng nối kết với
“dấu lạ đầu tiên trong tiệc cưới Cana” (2,11). Nó cũng nối kết với đoạn văn về
“Thanh Tẩy đền thờ trước đó” khi Người Do Thái đòi đức Giêsu chứng mình Người
có quyền làm điều ấy bằng một dấu lạ (2,18). Rồi, “nhiều người” tin vào danh của
Người vì thấy những dấu lạ Người đã làm (2,23). Chủ đề thứ hai là chủ đề “tin”
cũng xâu chuỗi ba trình thuật
này lại với nhau. Trong trình thuật “Tiệc Cưới Cana” (2,1-12), các môn đệ đã chứng
kiến phép lạ và đã “tin vào Người” (2,11). Trình thuật “Thanh tẩy đền thờ”
(2,13-25), ghi lại niềm tin của các môn đệ sau khi Đức Giêsu sống lại (2,21) và
của “nhiều người”. Đối tượng của niềm tin dĩ nhiên là Đức Giêsu và lời của Người.
Trong trình thuật “cuộc đối thoại giữa Nicôđêmô và Đức Giêsu” (3,1-21), Đức Giêsu
cũng đề cập đến niềm tin vào lời của Người: “Nếu như tôi nói với các ông về những
chuyện dưới đất mà ông không tin thì giả như tôi nói với các ông về những sự
trên trời làm sao các ông tin được?” (3,12). Đoạn văn (3,13-21) tiếp theo ngay
sau câu nói này của Đức Giêsu và một chủ đề khác được nối kết với trình thuật về
“Thanh Tẩy đền thờ” (2,13-25). Đó là chủ đề “giương cao con rắn đồng” // “Con
Người được giương cao”. Chủ đề này rõ ràng ám chỉ đến cái chết của Đức Giêsu
trên thập giá, nơi Người cũng được treo lên. Trong đoạn về “Thanh Tẩy đền thờ”
trước đó, Đức Giêsu nói đến việc “phá hủy đền thờ” là “thân thể Người”. Mặc khải
này cũng ám chỉ đến cái chết của Người. Ngoài ra, chủ đề “Tin vào Người thì được
sống đời đời” (3,15-16) cũng nối kết với toàn bộ Tin Mừng Gioan. Thật vậy, Tin
Mừng Gioan kết bằng việc cho thấy mục đích của toàn bộ Tin Mừng: “Để nhờ tin mà
được sự sống đời đời nhờ danh của Người” (20,31). Chủ đề “danh của Người” trong
câu kết này rõ ràng làm cho người ta nghĩ ngay đến “danh Con Một Thiên Chúa”
trong đoạn này, đoạn chúng ta đang nghiên cứu (3,13-21). Chủ đề “ánh sáng và
bóng tối” trong đoạn này lại đưa độc giả trở về “Lời Tựa của Tin Mừng thứ tư”
(1,1-18), nơi mà Gioan giới thiệu rằng: “điều đã được tạo thành nơi Người là sự
sống, mà sự sống là ánh sáng cho nhân loại; ánh sáng ấy chiếu soi trong bóng tối
và bóng tối ấy không diệt được ánh sáng ấy” (1,3-5). Thêm vào đó, Gioan được
sai đến để làm chứng về “ánh sáng” (1,7-8). Nhất là, xác định quan trọng của
người thuật chuyện: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu
soi mọi người” (1,9). Trong đoạn Tin Mừng này, người thuật chuyện cũng nhấn mạnh
“Ánh sáng đã đến thế gian” (3,19). Trong bối cảnh trực tiếp, đoạn văn này cũng
liên hệ với đoạn sau bằng chủ đề “phép rửa”. Sự kiện Đức Giêsu làm phép rửa và
Gioan làm phép rửa (3,22-23), rồi cuộc tranh luận về phép rửa (3,25-30) // “sinh
ra một lần nữa bởi ơn trên” (3,3). Chủ đề “Đấng từ trên cao mà đến” ở đoạn sau (3,31)
cũng không hề xa lạ với “không ai đã lên trời ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời
xuống” (3,13). Một cách sơ lược về bối cảnh để thấy rằng đoạn Ga 3,13-21, trong
bối cảnh trực tiếp hay bối cảnh rộng hơn, thậm chí là toàn bộ Tin Mừng, đều có
sự liên hệ, nối kết rất mật thiết.
II.
Giới hạn và cấu trúc bản văn:
2.1 Giới hạn: Đoạn văn này được chọn bắt đầu từ 3,13 có vẻ như
không thỏa đáng. Nó cắt mạch dòng những câu nói của Đức Giêsu và Nicôđêmô trước
đó. Rất khó để cho rằng đây là một ngắt đoạn hoàn thiện. Có thể thấy rằng không
có dấu hiệu chuyển đoạn cách rõ ràng. Có lẽ, vì đoạn văn trước đó khá dài nên,
Phụng vụ muốn ngắt ở câu này. Khác với phần mở đầu, phần kết đoạn này khá ổn.
Nó kết thúc câu chuyện đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô. 3,22 là một sự
chuyển mạch rất rõ ràng về thời gian và nơi chốn. Do vậy, 3,21 là một kết thúc
lý tưởng cho đoạn này.
2.2 Cấu trúc: Đoạn 3,13-21 được cấu trúc bởi một chuỗi những hành động
và mục đích của Thiên Chúa, Đức Giêsu và các nhân vật trong đó. Có thể được
chia thành bốn phần. Phần A (3,13-15). Phần này được khởi đầu bằng giới thiệu về
nguồn gốc Con Người (3,13) và tiếp theo bởi cấu trúc “Hành động – mục đích”: Hành
động (Aa: 3,14): “Con Người được giương cao” và mục đích (Ab: 3,15): là để “ai
tin vào Người, có thể có sự sống đời đời”. Phần B (3, 16-17) bắt đầu bằng diễn
tả động lực quan trọng của mọi hành động của Thiên Chúa trên nhân loại ở B (3,16a): “Thiên Chúa yêu thế gian”. Động lực này dẫn đến
hai cặp hành động – mục đích của Thiên Chúa. (1) Hành động trao ban ở B1 (3,16b): “Trao tặng Con Một”. Hành động cao cả này nhằm một
mục đích kép (phủ định và khẳng định) ở B2 (3,16c):
“Để người tin không chết, nhưng có sự sống đời đời”. (2) Hành động mang tính sứ
vụ ở B3 (3,17): “Thiên Chúa sai Người Con”. Hành động này cũng có mục đích kép
(khẳng định và phủ định) ở B4 (3,17b): “Không phải để lên án, nhưng để thế gian
được cứu độ nhờ Người”. Phần C được cấu tạo bởi hai chọn lựa trái ngược và hai
hậu quả trái ngược đi theo hai hành động này C1 (3,18a): “Người tin vào Người
không bị kết án” và C2 (3,18b) “kẻ không tin đã bị kết án rồi”. Ngoài ra, phần
C còn có thêm phần lý giải cho việc bị kết án ở C3 (3,18c): “Vì đã không tin
vào danh Con Một Người”. Phần D dành riêng để nói về nội dung bản án. Phần D bắt
đầu bằng việc công bố bản án (3,19). Tiếp theo sau đó là hai cặp hành động – mục
đích: (1) hành động của “kẻ làm điều xấu”: ghét và không đến cùng ánh sáng ở D1
(3,20a). Mục đích của họ là “để công việc của anh ta không được đưa ra ánh
sáng” ở D2 (3,20b); (2) Hành động của kẻ làm điều chân thật: “Đến cùng ánh
sáng” ở D3 (21a). Mục đích của hành động này là “để công việc của anh ta được tỏ
bày” ở D4 (3,21b). Phần D cũng có thêm phần lý giải cho mục đích “để công việc
anh ta được tỏ lộ” ở D5 (3,21c): “Vì nó được thực hiện trong Chúa”. Lược đồ của
đoạn văn này có thể được phác họa như sau: Hành động – mục đích của Con Người
(viết hoa) bắt nguồn từ động lực – hành động – mục đích của Thiên Chúa mang đến
chọn lựa – hiệu quả - ơn cứu độ hoặc bản án cho “thế gian”.
A. Nguồn
gốc và đích điểm của Con Người: Từ trên xuống và lại lên trời (3,13)
A1.
Hành động: Con Người được giương cao (3,14)
A2.
Mục đích: Để tất cả những ai tin thì có sự sống đời đời (3,15)
B. Động
lực: Thiên Chúa Yêu thế gian (3,16a)
B1.
Hành động: Trao ban Con Một (3,16b)
B2.
Mục đích: Để người tin không
chết nhưng được sống đời đời (3,16c)
B.3
Hành động: Thiên Chúa đã sai Người Con đến (3,17a)
B.4
Mục đích: Không phải để kết án nhưng
để thế gian được cứu độ (3,17b)
C.
Chọn lựa và hiệu quả:
C1. Người
tin không bị kết án (3,18a)
C2. Người
không tin đã bị kết án (3,18b)
C3. Lý do:
vì không tin vào danh Con Một (3,18c)
D. Bản
án: Người ta yêu bóng tối hơn vì những việc làm của họ đều
xấu xa (3,19)
D1.
Hành động: Kẻ làm điều xấu – ghét và không đến cùng ánh sáng
(3,20a)
D2. Mục
đích: Để công việc của họ không bị phơi bày (3,20b)
D3.
Hành động: Kẻ làm điều thật – đến cùng ánh sáng (3,21a)
D4. Mục
đích: Để công việc được tỏ lộ (3,21b)
D5. Lý do: vì
nó được làm trong Thiên Chúa (3,21c)
III.
Một số điểm chú giải
3.1 “Đi lên vào trời” (ἀναβέβηκεν
εἰς τὸν οὐρανὸν): Đức Giêsu bật mí cho ông Nicôđêmô về khả năng của một người duy nhất
trên trần gian này. Đó là Con Người. Chỉ có Con Người mới có khả năng “lên trời”.
Chi tiết này khẳng định nguồn gốc của Người đã từ trời. Không lâu sau đó người
thuật chuyện sẽ cho độc giả biết là làm thế nào Con Người đã đến thế gian. Chúa Cha đã sai Người đến
(3,17a). Động từ “đi lên” được dùng ở thì hoàn thành có vẻ diễn tả rằng Con Người
đã lên trời trong khi nơi bối cảnh này rõ ràng Đức Giêsu vẫn chưa bước vào cuộc
khổ nạn. Chính vì thế mà R. Brown cảm thấy đó là một vấn nạn. Một số chuyên gia
tin rằng, người nói câu này không phải Đức Giêsu mà là tác giả Tin Mừng. Đây
đơn giản là một phản tỉnh về “sự thăng thiên của Đức Giêsu”. Những chuyên gia
khác như là Lagrange và Bernard cho rằng, thì quá khứ ngụ ý đơn giản rằng: cho
đến thời điểm Đức Giêsu nói câu này chưa có ai đã từng lên trời để biết các sự
trên trời, và rằng câu này muốn nhấn mạnh đến sự “đi xuống” của Con Người chứ
không phải” sự “đi lên”.[3] Sự
“đi xuống” được nói đến trong c.13 như là một giả định của sự “đi lên” (qua thập
giá) vì ơn cứu độ cho nhân loại.[4] Kiểu
nói “đi lên” dù là phản tỉnh hay thực tế thì cũng có thể làm cho độc giả nghĩ đến
mầu nhiệm “thăng thiên” và “sự đi xuống” của Con Người. Nó không khỏi làm người
ta nghĩ đến nguồn gốc của Người Con và mầu nhiệm Nhập Thể, được Gioan nói đến
trong Lời Tựa. Trong bối cảnh trực tiếp, nó cũng liên hệ chặt chẽ đến việc “ban
Con Một” và “Sai Người Con xuống thế gian” (3,16-17). 3,13 là một bảo chứng cho
tất cả những lời chứng của Đức Giêsu với ông Nicôđêmô. Người là Đấng có nguồn gốc
từ trời cao, nên Người có thẩm quyền nói về những chuyện thuộc về trời cao, về
sự tái sinh và sự sống đời đời.
3.2 “Con trai của con người” (Con Người) (ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου): Danh xưng này trong tiếng Do Thái là בֶן־אָ֜דָ֗ם nghĩa là “Con trai của
nhân loại” hay “con trai của con người”. Danh xưng này trong Cựu Ước nhiều lần
được dùng để nhấn mạnh sự mong manh (Is 51,12, G 25,6) nhỏ bé của con người trước
Thiên Chúa (Tv 11,4). Đôi khi nó còn được dùng để chỉ thân phận con người tội lỗi
(Tv 14,2t; 31,20) sẽ phải chết (Tv 89,48; 90,3). Danh xưng này còn xuất hiện
trong văn chương khải huyền Do Thái như là nhân vật thần linh đến từ đám mây,
tiến đến trước tòa Thiên Chúa và nhận lãnh vương quyền phổ quát (Đn 7,13).[5] Nó
đơn giản nói về nhân loại cách chung.[6] Danh
xưng này xuất hiện 70 lần trong toàn bộ Tin Mừng. Chỉ có Đức Giêsu dùng danh
xưng này và cho chính Đức Giêsu, ngoại trừ một lần trong Tin Mừng Gioan nơi dân
chúng lặp lại để hỏi Đức Giêsu về sự trường tồn của Đấng Kitô (Ga 12,34). “Con
Người” được sử dụng 13 lần trong toàn bộ Tin Mừng thứ tư (1,51; 3,13.14; 5,27;
6,27.53.62; 8,28; 9,35;12,23; 12,34a.b.; 13,31). Tin Mừng này nói về khía cạnh
vinh quang của Con Người (12,23.28; 13,31.32). Con Thiên Chúa thi hành quyền
phán xét vào ngày sau hết với tư cách là Con Người (5,26-29); Thiên thần lên xuống
trên Con Người (1,51); Người từ trời đến (3,13) và Người sẽ lên nơi Người ngự
trước kia (6,62); Con Người phải trải qua thập giá (9,35). Trong cái nhìn của
Gioan, Thập giá trùng hợp với sự trở về trời để Con Người được vinh thăng: “Con
Người phải được dương cao lên” (3,14; 12,34); vinh hiển của Người là ở chỗ ấy
(12,23; 13,31).[7]
Trong Tin Mừng thứ tư, sự tôn vinh của Con Người cũng được nhấn mạnh (Ga 12,23;
13,31). Ngoài ra, quyền xét xử (5,27); Quyền trao ban sự sống (6,27); Đấng được
đặt niềm tin vào (9,35); Đấng mà thịt Người được ăn (6,35). Trong đoạn văn này
danh xưng “Con Người” được hiểu như là một Đấng từ
“trên đi xuống” và từ “dưới đi lên”. Con Người cũng gắn liền với sự “được
giương cao” (3,14; cf. 8,28) như ông Môsê đã giương cao “con rắn đồng trong sa
mạc”. Danh xưng này cũng được đặt bên cạnh danh xưng “Con Một của Thiên Chúa”.
C. Barett hiểu rằng “chính trong tư cách là Con Người mà Đức Giêsu định dạng sự
nối kết giữa hai không gian trời và đất, sự hiện hữu trần thế của Người là nơi
mà những thực tại trên trời tỏ hiện và cũng là nơi mà những thực tại trên trời
bị nhân loại chối từ”.[8]
3.3 “Con Trai Một” (τὸν υἱὸν τὸν μονογενη): Đây là một danh xưng mang tính Kitô học
khác được dùng trong Tin Mừng này. Chỉ có tác giả Tin Mừng thứ tư sử dụng danh
xưng này cho Đức Giêsu. Luca có dùng một lần trong “Phép lạ chữa lành con trai
của bà góa thành Nain” (Lc 7,11-17). Cậu này cũng là “Con Trai Một”. Xem ra “con
trai một” của Luca cũng liên quan chút ít với Đức Giêsu ở chỗ cậu cũng được làm
cho chỗi dậy. Tuy vậy, hai cách chỗi dậy không hoàn toàn giống nhau. Tác giả
Tin Mừng thứ tư ngay từ đầu “Lời Tựa” đã nói đến danh xưng này : “ Chúng
ta đã được thấy vinh quang của Người, vinh quang như là của Con Một từ Cha, đầy
ân sủng và sự thật” (1,14). Từ vinh quang của “Con Một”, chúng ta đã được thấy vinh quang của Người.
Cũng trong “Lời Tựa”, tác giả cũng cho biết rằng “chính Con Một, là Thiên Chúa,
Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, Đấng đó đã làm mặc khải cho chúng ta” (1,18).
“Con Một” là Đấng mặc khải Chúa Cha cho nhân loại. Trong đoạn Tin Mừng này danh
xưng “Con Một” được dùng hai lần (3,16.18). Người là món quà do Cha ban tặng và
là Đấng mà danh của Người phải được tin vào. Bên cạnh đó danh xưng “Người Con” với
mạo từ xác định, được dùng như một sự rút gọn của danh xưng “Con Một” (1,17).
C. Barrett cho rằng danh xưng này nhấn mạnh tính duy nhất trong tương quan Người
Con đối với Người Cha.[9]
3.4 “Phải” (được treo lên) (δεῖ):
Động từ “δέω” là một động từ không ngôi. Trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “cần
thiết”, “phải” diễn tả “sự bắt buộc” của hành động.[10] Tin
Mừng Gioan sử dụng 9 lần động từ này, trong đó nhiều lần liên kết với sứ vụ bắt
buộc của Đức Giêsu. Đức Giêsu phải “làm công việc của Đấng đã sai Người khi còn ban ngày” (9,4). Đức Giêsu phải mang những
con chiên khác không thuộc đàn này về (10,16). Theo lời Thánh Kinh, Người “phải
chỗi dậy từ cõi chết” (20,9). Động từ nay được sử dụng 2 lần trong đoạn này. Lần
thứ nhất là khi Đức Giêsu nói với Nicôđêmô: “Ông phải sinh được ra một lần nữa’
(3,7). Lần thứ hai, Đức Giêsu nói về chính mình: “Con Người phải được giương
cao” (3,17; Cf. 12,34).
3.5 “Được giương cao, được nâng lên”: Động
từ này đi kèm với động từ không ngôi “δεῖ” diễn tả một sứ vụ bắt buộc của Đức Giêsu vì ơn cứu
độ. Câu văn được cấu trúc bởi hai mệnh đề song song với nhau. Rất nhiều yếu tố
song song được đặt bên cạnh nhau: Môsê// Chúa Cha, tác nhân của động từ bị động;
Con rắn đồng//Đức Giêsu; Nâng lên//được nâng lên. Hình ảnh Môsê giương cao con
rắn đồng trong sa mạc là hình ảnh báo trước cho việc “Con Người phải được giương
cao”. Động từ “ὑψόω” (nâng lên) là một động từ
mang nhãn hiệu Gioan. Tác giả dùng rất nhiều lần động từ này để diễn tả mầu nhiệm
“nâng lên” của Đức Giêsu. Ngoài hai lần trong đoạn Tin Mừng này, còn nhiều lần
khác nữa Đức Giêsu tiền báo về “sự nâng lên này”. Khi Người Do Thái nâng Đức Giêsu
lên, họ sẽ nhận ra là Người “hằng hữu” (ἐγώ εἰμι, tôi là) (Ga 8,28). Đức Giêsu hứa rằng, khi Người được
“nâng lên” khỏi mặt đất Người sẽ “kéo mọi người lên” với Người (12,32.34). Động
từ này rõ ràng ám chỉ đến sự chết, mầu nhiệm tử nạn nhưng cũng ám chỉ đến vinh
quang Phục Sinh. Bởi lẽ, nếu “nâng lên” chỉ nói đến sự chết, thì Đức Giêsu
không kéo mọi người lên theo làm gì. Hơn nữa, làm sao họ nhận ra Người hằng hữu
được nếu “nâng lên” chỉ là tử nạn. Khác với Tin Mừng Máccô, sự đau khổ và sự
vinh quang phân biệt theo thứ tự thời gian: tử nạn – sau ba ngày sẽ sống lại
(Mc 8,31). Gioan dùng một động từ để diễn tả cả hai. “Nâng lên” vừa diễn tả tử
nạn và vừa cho thấy vinh quang.[11] Đức Giêsu
bị treo lên là giá chuộc cho tội lỗi nhân loại. Người không tìm vinh quang cho
mình những là ơn cứu độ cho nhân loại.
3.6 “Sự sống đời đời” – Tin: Mục đích của việc “được nâng lên” là để
ai tin sẽ “có được sự sống đời đời.” Tin Mừng Nhất Lãm đồng loạt kể về một người
đàn ông (người bạn trẻ) có nhiều của cải khao khát đi tìm “sự sống đời đời” (Mt
19,16-22; Mc 10,17-22; Lc 18,18-23). Dù rằng anh ta đã giữ các điều răn, nhưng
anh ta lại không dám “bán tài sản” của mình “đem cho người nghèo” rồi “theo Đức
Giêsu”. Ngược lại, Đức Giêsu hứa “sự sống vĩnh cửu” cho những ai bỏ “nhà cửa,
anh chị em, con cái hay ruộng đất vì danh Người” (Mt 19,29; Mc 10,30; Lc
18,30). Theo tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, sự sống đời đời là gia nghiệp của những
người bỏ mọi sự mà theo Đức Giêsu. Riêng Mátthêu, “sự sống đời đời” là phần thưởng
dành cho “người công chính” (Mt 25,46). Luca có một dụ ngôn nổi tiếng liên quan
đến “sự sống đời đời”. Dụ ngôn “Người Samari nhân hậu” (Lc 10, 29-37) là một chỉ
dẫn nền tảng cho một “nhà thông luật” muốn chất vấn Đức Giêsu về cách thức để đạt
đến “sự sống đời đời.” Như thế, xem ra, theo Luca, những hành vi tử tế dành cho
bất cứ “người thân cận đau khổ nào” người ta gặp trên mọi nẻo đường của cuộc sống
sẽ mang lại cho người ta “sự sống đời đời”. Tin Mừng thứ tư không đề cập đến một
ai tìm cách để đạt đến sự sống đời đời. Nhưng có lẽ đó là niềm khao khát chung
của cả cộng đoàn Gioan. Chính vì thế, Tin Mừng thứ tư là Tin Mừng nói nhiều nhất
về “sự sống đời đời”. Tần xuất của “sự sống đời đời” trong Tin Mừng Gioan nhiều
áp đảo so với Tin Mừng Nhất Lãm (Ga: 17 lần, Mt: 3 lần; Mc: 2 lần; Lc: 3 lần).
Điều này chứng tỏ rằng Gioan rất chú trọng đến chủ đề này. Khác với Tin Mừng Nhất
Lãm, theo Tin Mừng Gioan, muốn có “sự sống đời đời” thì phải tin vào Con Người
(3,15-16; 5,24; 6,40.47; 17,3). Sự nối kết giữa niềm tin vào Đức Giêsu và “sự sống
đời đời” là không thể chối cãi trong Tin Mừng thứ tư. Ngoài ra, “ai ăn thịt và
uống máu” Đức Giêsu cũng sẽ có “sự sống đời đời” (6,54). Tin vào Đức Giêsu và
“có sự sống đời đời” cũng là mục đích của toàn Tin Mừng Gioan (Ga 20,31). Bối cảnh
Cựu Ước của “con rắn đồng” như sau. Dân Ítrael ngày
xưa bị phạt vì chống lại Chúa và Môsê. Đức Chúa gửi rắn độc đến cắn dân chúng
và nhiều người đã chết. Môsê theo lệnh Đức Chúa làm một con rắn đồng treo lên một cái cọc và bất cứ ai bị rắn
cắn mà nhìn lên con rắn này thì được sống (Ds 21,4-9). Con Người cũng sẽ được
treo lên, và không phải bất cứ ai nhìn lên, nhưng bất cứ ai tin vào Người thì
được “sống đời đời”. Nọc đọc của con rắn trong nhân loại chính là tội lỗi, làm
cho con người phải chết. Tuy nhiên, nhờ ơn cứu chuộc của Đức Giêsu, các tín hữu
được “sống đời đời”.
3.7 “Thiên Chúa yêu thế gian – Ban tặng Con
Một”: Ga 3,16 như là lý giải thêm cho mầu nhiệm trung tâm Tử Nạn- Phục Sinh
ở 3,14-15. Mục đích “Tin – được sống muôn đời” một lần nữa được lặp lại. Hành động
“Con Người được nâng lên” diễn tả một động lực, cũng như một kế hoạch của Thiên
Chúa. Động lực thúc đẩy hành động của Thiên Chúa là tình yêu vô bờ bến, yêu ở mức
độ cao nhất. Cấu trúc “οὕτως
… ὥστε” (nhiều … đến nỗi)
dùng để nhấn mạnh thực tại của hiệu quả.[12] Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban tặng
Con Một. Tính từ “duy nhất”, hay “chỉ có một” (τὸν μονογενῆ) nhằm nhấn mạnh hành động trao ban vì yêu
của Thiên Chúa. Ban “Con Một” nghĩa là ban điều quý giá nhất, duy nhất, không
còn gì để ban hơn nữa. R. Brown ghi chú thêm về cách dùng thì của động từ
“yêu”. Động từ yêu được dùng ở thì aorist (đã yêu) ngụ ý một tình yêu cao nhất.
Trong thư 1 Ga, tác giả cũng lặp lại ý tưởng tương tự: “Bằng cách này tình yêu
Thiên Chúa được tỏ bày giữa chúng ta: Thiên Chúa đã sai Con Một của Người vào
thế gian để chúng ta có thể có sự sống qua Người.[13] Sự
trao ban Con Một rõ ràng bao hàm cả nhập thể và cái chết đau thương. Toàn thể sứ
vụ của Người Con được nói đến. G. Murray-Beasley cho rằng đây là tóm tắt nền tảng
của toàn thông điệp của Tin Mừng và nên được xem như là phong nền trên đó phần
còn lại của Tin Mựng được vẽ lên.[14]
3.8 “Thế gian” (τὸν κόσμον): Danh từ thế gian xuất hiện 4 lần trong đoạn văn
này, một tần suất khá lớn
(3,16.17a.b.c.19). Riêng câu 17, hạn từ “thế gian” xuất hiện 3 lần. “Thế gian”
là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa. “Thế gian” là nơi Người Con được sai đến.
“Thế gian” cũng là nơi ánh sáng đi vào. Rõ ràng đây cũng là một cách diễn tả: Đức
Giêsu đi vào thế gian bởi vì Người là “ánh sáng thế gian” (Ga 8,12; 9,15). Hơn
nữa, “thế gian” không phải là đối tượng để lên án nhưng đề cứu độ. “Thế gian”
đã xuất hiện rất sớm, ngay trong “Lời Tựa”, cũng liên quan đến ánh sáng: “Ánh
sáng, chiếu soi cho mọi người, đã đến “thế gian”. Hạn từ này cũng được dùng với
mật độ dày đặc trong Tin Mừng thứ tư. Ngoài 5 lần trong đoạn này, còn hơn 60 lần
nữa được dùng trải dài từ chương 1 đến chương 21. Hạn từ này được dùng với nhiều
nghĩa khác nhau. Trong đoạn này, thuật ngữ này đã có hai tầng nghĩa khác nhau.
(1) thế gian là không gian (vũ trụ): Thiên Chúa sai Người Con vào trong “thế
gian” (3,17a) và ánh sáng “đi vào thế gian” (3,19). (2) “Thế gian” bao gồm những
con người trong thế gian (nhân loại), là đối tượng để yêu thương và cứu độ
(3,16.17b.c.). Ngoài ra, nó còn mang nghĩa khác như: “Thế gian” đối nghịch với
Đức Giêsu, nó có “thủ lãnh của thế gian” (12,31; 14,30; 16,11).[15]
3.9 Bản án: “Yêu bóng tối… ghét ánh sáng”: Thuật ngữ “bản
án” (κρίσις) này được dùng theo nghĩa kép: phân chia và kết án. Đấng Cứu Độ đến mang
theo “ánh sáng” của ơn cứu độ. Nhưng trước “ánh sáng” ấy con người tự phân
chia. Họ hoặc là tiến về nó hoạc là chạy xa nó.[16] Đối
lại với tình yêu của Thiên Chúa dành cho “thế gian” là “sự thù ghét” của những
người làm điều xấu trong thế gian đối với “ánh sáng”. Họ yêu chuộng bóng tối, bằng
chứng là “những việc họ làm đều xấu xa”. Bản án không do Đức Giêsu kết cho bằng
sự chọn lựa của mỗi người. Chính sự chọn lựa của họ sẽ dẫn đến những bản án kèm theo. Hình ảnh đối nghịch giữa “ánh
sáng” và “bóng tối” cũng đã được tác giả nhắc đến trong “Lời Tựa”: “Ánh sáng
chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (1,5). Sứ chiến thắng áp đảo của ánh
sáng là rõ ràng ngay từ đầu. Tuy nhiên, vấn đề là có nhiều “kẻ làm điều xấu” vẫn
yêu “bóng tối” và chọn “bóng tối” hơn là “ánh sáng”. Sở dĩ như thế gian bị tách
xa Thiên Chúa là bởi vì nó chối từ một cách cứng đầu sự trao ban hòa giải mang
tính tự hiến của Chúa.[17]
Ngược lại với “những
kẻ làm điều xấu” là “những người thi hành sự thật”. Những người này sẽ đi về,
tiến lại gần ánh sáng. Theo C. Barrett, di về phía ánh sáng là trở về nguồn gốc
của mình.[18]
Mục đích của họ là để những công việc của họ được tỏ lộ, vì những công việc này
được làm trong Chúa. Động từ “được phơi bày” lại được dùng trong 16,8 để nói về
hoạt động của Đấng Paráclê (Thần Khí), nghĩa là một sự tỏ lộ có tính thuyết phục.[19]
Trong Tin Mừng thứ tư, “sự thật” có một mối liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Nó
là một trong ba đặc tính của Đức Giêsu: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống”
(14,6). Đúng hơn phải nói rằng, chúng không chỉ là những đặc tính nhưng là
chính Chúa. Đức Giêsu là “sự thật”, và bất cứ ai đến với Chúa Cha phải qua Người.
Những ai thờ phượng Chúa cũng phải “thờ phượng trong tinh thần và sự thật” (ἐν
πνεύματι καὶ ἀληθείᾳ). Thần Khí cũng được gọi là Thần Khí sự thật (Ga 14,17;
15,26; 16,13). “Sự thật” cũng liên quan trực tiếp đến ơn cứu độ của con người:
“Sự thật sẽ giải thoát anh chị em” (8,32). Làm chứng cho “chân lý” cũng là mục
đích của Đức Giêsu đến thế gian (18,37). Chỉ có trong Tin Mừng thứ tư độc giả mới nghe
được cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Philatô liên quan đến sự thật. Cuộc thẩm
vấn Đức Giêsu kết thúc bằng thắc mắc của Philatô: “Sự thật là gì” (18,38). Thi
hành, “làm sự thật” là hành động rất quan trọng đối với những người tin. Nó
giúp người ta tự tin đi về phía ánh sáng và được ơn giải thoát.
3.10 “Sai đến”: Đây là động từ diễn tả sứ vụ được sai đi. Tin Mừng
Nhất Lãm nói đến việc Gioan Tẩy Giả được sai đến (Mc 1,2; Lc 7,27; Mt 11,10); rồi
Đức Giêsu sai 12 Tông Đồ đi rao giảng (Mt 10,5.16; Mc 6,7; Lc 10,3); Con Người
sai các thiên sứ của Người tập họp những người được chọn (Mc 13,27; Mt 24,31). Tuy
nhiên, chỉ có trong Tin Mừng thứ tư, ý tưởng Chúa Cha sai Chúa Con được mặc khải
cách rõ ràng. Khởi đầu đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu cho biết nguồn gốc “từ trời
cao” của Con Người. Tiếp theo sau đó Người mặc khải về mầu nhiệm “được nâng
lên”. Nhưng trước khi được “nâng lên” thì Người phải được “sai đến”. Và Đấng có
thể sai (gửi) Người Con không ai khác là chính Thiên Chúa.
Động lực của “sự sai đến này” rõ ràng là vì “Thiên
Chúa yêu thế gian” quá đỗi. Biểu hiện đẹp nhất, tốt nhất của tình yêu là sự
trao ban. Mức độ tình yêu được cân đo bằng giá trị món quà. Người Con Duy Nhất
rõ ràng là món qua “cân” (chấp) tất cả các món quá trên thế giới. “Sai đi” là
hành động Thiên Chúa làm với Người Con nhưng với nhân loại, nó là một sự trao
ban (trao tặng :3,16//3,17: gửi, sai). Mục đích của “việc sai Chúa Con đến” là
vì ơn cứu độ cho “thế gian”. Mệnh đề mục đích để “thế gian được cứu” ở 3,17 rõ
ràng song song với mệnh đề “bất cứ ai tin” thì có “sự sống đời đời” ở 3,15 và 3,16
(thế gian// những người tin; Được cứu độ// có sự sống đời đời). Đó là một kết cấu
chặt chẽ từ động lực, hành động cho đến mục đích của sứ vụ của Đức Giêsu. Mục
tiêu cuối cùng là nhân loại được cứu độ, động nghĩa với việc có sự sống đời
đời.
3.11 Kết án – không tin:
Tin Mừng thứ tư nói đến một bản án tức thời, chứ không phải đời sau hay thời
cánh chung: “Kẻ không tin đã bị kết án rồi”. J. Moloney gọi đây là một thần học
của sự tự kết án, mà Tin Mừng thứ tư đóng góp cho tư tưởng Kitô giáo. Người ta
không cần phải chờ đến thời sau hết khi Con Người trở lại xét xử như trong Mt
25,31-46. Người ta xét xử chính mình qua việc chấp nhận hay từ chối mặc khải của
Chúa trong và qua Đức Giêsu và qua những hành động tốt, xấu đến từ quyết định
chọn lựa của mình.[20] Sự
tức thời của bản án đến ngay sau hành vi chọn lựa tin hoặc không tin của một
người. Tin thì không bị kết án, không tin thì bị kết án. Bản án này cho cá nhân
chọn lựa chứ không do Thiên Chúa công bố. Và biểu hiện của bản án này có lẽ là
sự xa rời Thiên Chúa, xa rời sự thật và làm những sự xấu xa, dẫn đến đau khổ, bất
an và chết.
Bình luận tổng
quát
Tiếp theo chủ đề cuộc Tử Nạn – Phục Sinh, niềm tin
và ơn cứu độ của Chúa Nhật III Mùa Chay năm B, Chúa Nhật IV Mùa Chay, năm B, lại tiếp tục cho các tín hữu hiểu rõ hơn Mầu Nhiệm
Tử Nạn – Phục Sinh, niềm tin và sự sống đời đời này. Đoạn Tin Mừng 3,13-21 được
trích ra từ cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô, một trí thức Do
Thái, “bậc thầy trong dân Ítrael” (3,10). Câu chuyện bắt đầu từ lời mời gọi
“tái sinh bởi nước và Thần Khí” (3,5) hay “sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”
(3,6). Chuyện Đức Giêsu muốn nói với ông Nicôđêmô là chuyện trên trời- dưới đất,
chứ không chỉ là chuyện dưới đất. Đức Giêsu bắt đầu chuyện “trên trời-dưới đất
bằng” cách dùng danh xưng “Con trai của loài người” (Con Người). Đây là một
danh xưng hết sức nhân loại. “Con Người” là thành viên của trái đất. Thế nhưng
“Con Người” này lại “từ trời xuống” rồi “lại lên trời”. Ngay mặc khải này của Đức
Giêsu đã cho thấy sự giao thoa giữa trời và đất. Chuyện trên trời nối kết với
chuyện dưới đất. Biên giới giữa trời cao và đất thấp đã được hủy bỏ. “Con Người”
rất nhân loại bởi Người mặc lại xác phàm và “cắm lều giữa chúng ta” (1,14),
nhưng Người lại là Thiên Chúa hiện hữu tự muôn ngàn đời, đến từ trời cao. “Con
Người” này làm người để rồi lại được “nâng lên”, như Môsê đã giương cao con rắn
đồng trong sa mạc. Con rắn đồng đem lại sự sống tạm thời, có hạn cho những người
bị rắn lửa cắn. “Con Người” mang lại sự sống đời đời, vô hạn cho những người
tin vào Người. Tự con rắn không mang lại sự sống, nhưng quyền năng Thiên Chúa, Đấng
ra lệnh cho Môsê làm con rắn ấy và treo lên, mới mang lại sự sống. Ngược lại
chính Đức Giêsu là nguồn sự sống. Người có thể ban sự sống đời đời cho ai tin
vào Người. Sự sống đời đời do Đức Giêsu ban tặng khác biệt so với sự sống tạm
thời được ban qua dấu chỉ con rắn treo. Sự giương cao con rắn cũng không so
sánh với sự được “nâng cao” của “Con Người”. Bởi sự giương cao con rắn chỉ đơn
thuần là “treo lên”, còn sự “nâng cao” Con Người bao hàm cả sự chết và vinh
quang siêu thăng. Hơn nữa, sự chết của “Con Người” cũng bao hàm một sự cứu chuộc,
đền thay cho mọi người. “Con Người” này sau đó được tôn vinh: “Giờ đã đến để
Con Người được tôn vinh” (12,23); Khi Giuđa đi ra ngoài, Đức Giêsu nói: “Giờ
đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (13,31).
Mầu nhiệm Khổ Nạn-Phục Sinh vinh quang ấy, lại đến từ động lực từ trời cao. Đó
là tình yêu cao vời của Thiên Chúa dành cho “thế gian”. “Con Người” ấy chính là
“Người Con duy nhất” của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban tặng Con Một cho thế
gian, để thế gian nhờ Người mà được cứu thoát. Ai tin vào Người (Con Người) thì
được “sự sống đời đời” (3,15) // ai tin vào Người (Con Một) có thể có “sự sống
đời đời” (3,16)// thế gian được cứu thoát nhờ Người (Con Một). Con Người song
song (//) với Con Một và “sự sống đời đời” (2 lần)// được cứu thoát (3,16c). Cách
thức Thiên Chúa trao tặng Người Con duy nhất cho nhân loại là “sai, gửi” Người
xuống thế gian. Mục đích của Người là để “cứu” thế gian chứ không phải để lên
án nó. Thế nhưng, sự xuất hiện của Người, cùng lúc cũng xuất hiện “bản tự kết
án”. Thế gian tự phân chia, tự chọn lựa, và dẫn đến bản án cho riêng mình. Những
người tin vào “Người Con” sẽ không bị kết án. Những người không tin mang lấy bản
án cho mình. Bản án đó là: “Ánh sáng đã xuất hiện trong thế gian và những con
người (người ta) đã yêu bóng tối hơn là ánh sáng
vì những việc làm của họ xấu xa”. Con Người, Con Một, Ánh Sáng là một. Đức Giêsu
chính là “ánh sáng thế gian” (Ga 8,12; 9,15) và là “Con Người” trong thế gian,
thế nhưng, Người cũng là “Con Một”, là Thiên Chúa, Đấng hằng ở nơi cung lòng
Chúa Cha (1,18). Ánh sáng đến thế gian, chiếu soi vào bóng tối, và dĩ nhiên
bóng tối không bao giờ vượt được ánh sáng (1,5). Chỉ có nơi nào không có ánh
sáng thì bóng tối mới xuất hiện. Ánh sáng này không phải là ánh sáng vật lý của
mặt trời, mặt trăng hay tinh tú nào, nhưng là một ngôi vị. Chọn lựa đi về phía
ánh sáng, là chọn lựa, Con Người, Con Một, Thiên Chúa làm người. Những người
không chọn lựa “ánh sáng” thì tự nhiên có bóng tối nơi mình. Biểu hiện của những
người không chọn lựa ánh sáng là “làm những việc xấu xa”. Người làm những việc
xấu xa thì ưa chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì họ luôn muốn che giấu những việc xấu của mình. Ngược lại những người
chọn lựa ánh sáng là những người làm “sự thật”. Những việc sự thật thì cần phải
được tỏ lộ, một sự tỏ lộ thuyết phục bởi Thánh Thần vì những việc sự thật được
làm trong Chúa. Tuy nhiên, vẫn còn niềm hy vọng cho những người có bản “tự kết
án này”. Đây chưa phải là bản án chung cuộc đời đời. Bởi lẽ, một khi những người
không tin vào Con Người, Con Một, Thiên Chúa trở thành những người tin vào Người;
những người “ghét ánh sáng” trở thành những người “yêu chuộng ánh sáng”; Những
người làm “những việc xấu xa” trở nên những người “làm sự thật, chân lý”, thì
gió sẽ đổi chiều, và cơ hội có “sự sống đời đời” của họ vẫn còn, cơ hội “được cứu
độ” nhờ “Con Một” vẫn còn. Nguyện vọng và sứ vụ của “Đấng đến từ trời cao” (Con
Người) là được “nâng lên” khỏi mặt đất và kéo “mọi người” lên cùng Người (πάντας
ἑλκύσω πρὸς ἐμαυτόν). “Mọi
người”, “tất cả” (πάντας) chứ không phải một số người.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1] R.E. Brown,
The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes (AYB; New
Haven – London 2008) XXIX, cxxxviii.
[2] R.E. Brown,
The Gospel according to John (I–XII) XXIX, 93.
[3] R.E. Brown,
The Gospel according to John (I–XII) XXIX, 132.
[5]
Giáo Hoàng Học Viện Pio X, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh (Tôn Giáo 2016)
“Con Người”, 295-296.
[6] D.L.
Bock, Dictionary of Jesus and the Gospels (ed. J.B. Green) (Downers
Grove 2013) “Son of Man”, 894.
[7]
Giáo Hoàng Học Viện Pio X, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, 299
[8]
C.K. Barrett, The Gospel According to St. John. An Introduction with
Commentary and Notes on Greek Text (Philadelphia 1978) 212.
[9]
C.K. Barrett, The Gospel According to St. John, 216.
[10]
F.W. Danker (ed.), A Greek-English lexicon of the New Testament and
other early Christian literature (Chicago 32000) 214.
[11]
C.K. Barrett, The Gospel According to St. John, 214.
[12] M.
Zerwick – M. Grosvenor, A grammatical
analysis of the Greek New Testament (Rome 1974) 292.
[13] R.E. Brown,
The Gospel according to John (I–XII) XXIX, 133.
[15]
Xem thêm J.Painter, Dictionary of Jesus and the Gospels, “The World”, 1013-1018.
[17]
C. S. Keener, The Gospel of John. A Commentary (Grand Rapids 2003) I,
572.
[18]
C.K. Barrett, The Gospel According to St. John, 218.
[19]
C.K. Barrett, The Gospel According to St. John, 217.
[20]
F.J. Moloney, The Gospel of John (SP; Collegeville 2005) IV, 102.
No comments:
Post a Comment