Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
19Οὔσης οὖν ὀψίας τῇ ἡμέρᾳ ἐκείνῃ τῇ μιᾷ σαββάτων καὶ τῶν θυρῶν κεκλεισμένων ὅπου ἦσαν οἱ μαθηταὶ διὰ τὸν φόβον τῶν Ἰουδαίων, ἦλθεν ὁ Ἰησοῦς καὶ ἔστη
εἰς τὸ μέσον καὶ λέγει αὐτοῖς· εἰρήνη ὑμῖν. 20καὶ τοῦτο εἰπὼν ἔδειξεν τὰς χεῖρας καὶ τὴν πλευρὰν
αὐτοῖς. ἐχάρησαν οὖν οἱ μαθηταὶ ἰδόντες τὸν κύριον. 21εἶπεν οὖν αὐτοῖς [ὁ Ἰησοῦς] πάλιν· εἰρήνη ὑμῖν· καθὼς ἀπέσταλκέν
με ὁ πατήρ, κἀγὼ πέμπω ὑμᾶς. 22καὶ τοῦτο εἰπὼν ἐνεφύσησεν
καὶ λέγει αὐτοῖς· λάβετε πνεῦμα ἅγιον· 23ἄν τινων ἀφῆτε τὰς ἁμαρτίας
ἀφέωνται αὐτοῖς, ἄν τινων κρατῆτε κεκράτηνται. 24Θωμᾶς δὲ εἷς ἐκ τῶν δώδεκα,
ὁ λεγόμενος Δίδυμος, οὐκ ἦν μετ᾽ αὐτῶν ὅτε ἦλθεν Ἰησοῦς. 25ἔλεγον οὖν αὐτῷ οἱ ἄλλοι μαθηταί· ἑωράκαμεν τὸν κύριον. ὁ δὲ εἶπεν αὐτοῖς· ἐὰν μὴ ἴδω ἐν ταῖς χερσὶν αὐτοῦ τὸν τύπον τῶν ἥλων καὶ βάλω
τὸν δάκτυλόν μου εἰς τὸν τύπον τῶν ἥλων καὶ βάλω μου τὴν χεῖρα εἰς τὴν πλευρὰν
αὐτοῦ, οὐ μὴ πιστεύσω. 26Καὶ μεθ᾽ ἡμέρας ὀκτὼ
πάλιν ἦσαν ἔσω οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ καὶ Θωμᾶς μετ᾽ αὐτῶν.
ἔρχεται ὁ Ἰησοῦς τῶν θυρῶν κεκλεισμένων καὶ ἔστη
εἰς τὸ μέσον καὶ εἶπεν· εἰρήνη ὑμῖν. 27εἶτα λέγει τῷ Θωμᾷ· φέρε τὸν δάκτυλόν σου ὧδε
καὶ ἴδε τὰς χεῖράς μου καὶ φέρε τὴν χεῖρά σου καὶ βάλε εἰς τὴν πλευράν μου,
καὶ μὴ γίνου ἄπιστος ἀλλὰ πιστός. 28ἀπεκρίθη Θωμᾶς καὶ εἶπεν αὐτῷ· ὁ κύριός μου καὶ ὁ θεός μου. 29λέγει αὐτῷ ὁ Ἰησοῦς· ὅτι ἑώρακάς με πεπίστευκας; μακάριοι οἱ μὴ ἰδόντες καὶ πιστεύσαντες. 30Πολλὰ μὲν οὖν καὶ ἄλλα
σημεῖα ἐποίησεν ὁ Ἰησοῦς ἐνώπιον τῶν μαθητῶν [αὐτοῦ], ἃ οὐκ ἔστιν γεγραμμένα ἐν τῷ
βιβλίῳ τούτῳ· 31ταῦτα δὲ γέγραπται ἵνα πιστεύ[σ]ητε ὅτι Ἰησοῦς ἐστιν ὁ χριστὸς ὁ υἱὸς τοῦ θεοῦ, καὶ ἵνα πιστεύοντες ζωὴν ἔχητε ἐν τῷ ὀνόματι αὐτοῦ. (Jn 20:19-31
BGT) |
19 Rồi buổi chiều
ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, cửa
của nơi các môn đệ ở được khóa lại vì nỗi sợ những
người Do Thái, Đức Giêsu đến và đứng giữa và nói với họ: “Bình an cho anh em” 20 Sau khi nói điều này, Người cho họ thấy bàn tay và cạnh sườn.
Các môn đệ vui mừng khi họ thấy Chúa. 21 Đức Giêsu lại nói với họ: “Bình an cho anh em. Như Chúa
Cha đã sai thầy, thầy cũng gửi anh em.” 22 Và sau khi nói điều này Người thở ra và nói cùng họ: “Hãy nhận
lấy Thánh Thần” 23 Anh em tha tội
cho ai thì chúng được tha cho họ, anh em cầm giữ
ai thì chúng bị cầm giữ lại. 24 Nhưng Ông
Thôma, một trong nhóm mười hai, người gọi là Đíđumos, người đã không ở
với họ khi Đức Giêsu đến 25 Các môn đệ khác nói với ông: “chúng tôi đã thấy Chúa”. Ông ta (Ông Thôma) nói với
họ: “Nếu tôi không thấy dấu của những chiếc đinh ở
bàn tay Người, không đặt ngón tay tôi
vào lổ của những cái đinh và đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi chẳng
có tin” 26 Và tám ngày
sau khi các môn đệ lại ở trong (nhà) và Ông
Thôma ở với họ. Đức Giêsu đến khi cửa vẫn đang
khóa kín, Người đứng giữa và nói: “Bình an cho
anh em” 27 Rồi người nói với Ông Thôma: “Hãy lấy
ngón tay anh đặt vào đây và hãy nhìn xem tay thầy và hãy mang bàn tay anh và
đặt vào cạnh sườn của thầy, và đừng không tin nữa
nhưng hãy tin” 28 Ông Thôma đáp trả và nói cùng Người:
“Đức Chúa của tôi và Thiên Chúa của tôi!” 29 Đức Giêsu mới nói cùng ông rằng: “Vì đã thấy thầy nên con đã tin? Phúc cho những người
đã không thấy mà đã tin.” 30 Thực sự, có nhiều
dấu khác Đức Giêsu đã làm trước mặt các môn đệ [của Người], những điều
đã không được ghi trong cuốn sách này. 31 những những điều đã được viết ra là để anh chị
em có thể tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô là
con trai của Thiên Chúa, và để nhờ tin mà anh
chị em có sự sống đời đời nhờ danh Người” |
Bối cảnh
Ga 20,19-31 là một trong những loạt trình thuật kể
về sự Phục Sinh của Đức Kitô. Đoạn văn tiếp theo ngay sau trình thuật về cuộc gặp
gỡ riêng giữa Đức Giêsu Phục Sinh và chị Maria Magđalênê (Ga 20,11-18). Trình
thuật về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Maria Magđalênê phải được diễn ra để kết
thúc hành trình tìm Chúa của chị đã được nói đến ở đầu chương 20 (20,1-2).
Trong trình thuật ấy, tiến trình tìm Chúa, hay hành trình đức tin của Maria Magđalênê
chỉ dừng lại ở việc nhìn thấy “ngôi mộ trống” và chạy về thông tin cho các môn
đệ. Trong trình thuật sau đó (Ga 20,11-18), chị đã được gặp Đức Giêsu Phục Sinh
và kết thúc bằng hành động: “về báo cho các môn đệ” rằng chị đã được “thấy
Chúa” và kể cho các môn đệ nghe về những điều Đức Giêsu đã nói với chị (Ga
20,18). Tiếp theo là hành trình đức tin của các môn đệ còn lại. Mặc dù đã có
“người môn đệ Chúa yêu” đã thấy và đã tin (Ga 20,8), và các môn đệ đã được chị
Maria kể hết mọi sự về cuộc gặp giữa Đức Giêsu Phục Sinh và chị, tuy nhiên
không dễ gì các môn đệ sẽ tin vào lời chứng của chị. Vì vậy, tường thuật về sự
kiện Đức Giêsu hiện ra với các 10 môn đệ (Ga 20,19-31) là rất cần thiết để cải
thiện hành trình đức tin của các môn đệ. Điểm đặc biệt của Gioan trong trình
thuật này là sự vắng bóng của nhân vật Ông Thôma để rồi sau đó ông hiện diện và
xác tín niềm tin đanh thép vào Đức Chúa và Thiên Chúa của ông (Ga 20,28). Tiếp
theo sau đoạn văn này là đoạn kết (được thêm vào sau) của Tin Mừng thứ tư (Ga
21,1-23). Đoạn (20,19-31) nối trực tiếp với đoạn ngôi mộ trống (20,1-10) bởi yếu
tố về thời gian: “vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần”. Cụm trạng từ
“ngày thứ nhất trong tuần” đã được nhắc đến trong trình thuật về ngôi mộ trống.
Nghĩa là hai sự kiện xảy ra cùng ngày. Sự kiện trước xảy ra vào buổi sáng tinh
sương (πρωῒ)
và sự kiện này xảy ra vào buổi chiều tối
(ὀψίας).
Sự kiện Đức Giêsu hiện ra lần này cũng là một bằng chứng rõ ràng, và cần thiết
để bổ sung vào chứng cứ “ngôi mộ trống” để minh chứng cho sự Phục Sinh của Đức Kitô.
Trình thuật này còn ghi nhận lời tuyên xưng rất quan trọng mang tính mang lại cái
kết hoàn mỹ cho Tin Mừng thứ tư, Tin Mừng khởi đầu bằng việc giới thiệu rằng:
“Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Ông Thôma dẫu đến sau, tin muộn nhưng chỉ có niềm tin
của ông mới vươn tối đỉnh điểm của thần tính của Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên
Chúa. Qua lời tuyên xưng huyền thoại: “Lạy Đức Chúa, lạy Thiên Chúa của con” Ông
Thôma đã nối kết đoạn đầu của Tin Mừng với đoạn cuối, và qua đó nâng cao, hoàn
trọn niềm tin của các môn đệ. Ngoài ra, Ga 20,19-31 còn ẩn chứa một chủ đề hết
sức quan trọng bao trùm cả Tin Mừng thứ tư. Đó là chủ đề “tin”. Lời kết của đoạn
này cũng là lời kết của toàn Tin Mừng thứ tư nói về mục đích của toàn bộ những
dấu lạ đã được ghi chép lại trong sách này. Đó là “để anh chị em tin và nhờ tin
và được sự sống nhờ danh” Đức Giêsu. Nội dung của niềm tin là: “Đức Giêsu là Đấng
Kitô, Con Thiên Chúa” (Ga 20,31).
Giới hạn và cấu trúc
Giới hạn:
Đoạn văn được tách biệt khỏi đoạn văn trước đó bằng
dấu hiệu chuyển đổi về thời gian và không gian rất rõ nét: “vào chiều ngày ấy,
ngày thứ nhất trong tuần”. Không gian là nơi các môn đệ đang trú ngụ. Đó là một
không gian khép kín bởi cửa đóng then cài. Ngoài ra, nhân vật cũng được thay đổi.
Maria trong trình thuật trước đã được thay đổi thành “các môn đệ”. Đoạn văn tường
thuật về sự kiện Đức Giêsu hiện ra với 11 môn đệ có thể kết thúc ở lời căn dặn
của Đức Giêsu dành cho Ông Thôma: “vì anh đã thấy thầy nên anh đã tin, phúc cho
những ai đã không thấy mà đã tin” (Ga 20,29). Ga 20,30-31 là đoạn kết thúc của
Tin Mừng thứ tư. Nó có thể là một đoạn riêng với nội dung thống nhất. Tuy
nhiên, nội dung về niềm tin vào Đức Giêsu là con Thiên Chúa cũng không xa lạ với
lời tuyên xưng đức tin của Ông Thôma rằng Đức Giêsu là Đức Chúa và là Thiên
Chúa. Vì thế, cũng có thể đọc đoạn kết này cùng với trình thuật về cuộc hiện ra
với 11 môn đệ.
Cấu trúc:
Ga 20,19-31 gồm hai phần rõ rệt. Phần thứ nhất (A)
nói về hai lần hiện ra của Đức Giêsu với 11 môn đệ. Lần thứ I (A') trước sự chứng
kiến của 10 môn đệ, không có sự hiện diện của Ông Thôma. Lần thứ II (A''), nhóm
môn đệ cùng với sự hiện diện của Ông Thôma. Cả hai lần hiện ra đều có những phần
tương tự và gần như song song với nhau. A1 bối cảnh // A1' bối cảnh; A2.
Đức Giêsu xuất hiện và ban bình an // A2'. Đức Giêsu xuất hiện và ban bình an;
A3. Cho xem tay và cạnh sường // A3'. Cho xem lỗ đinh và mời gọi kiểm chứng;
A4. Cảm xúc của các môn đệ // Phản ứng của Ông Thôma: cứng lòng đến tin; A5.
Ban bình an, Đức Giêsu làm như Chúa Cha // A5'. Đức Giêsu là Đức Chúa và là
Thiên Chúa; A6. Thở hơi và ban Thánh Thần // A6'. Thấy và tin; A7. Trao quyền
tha tội // A7'. Mối phúc: không thấy mà tin. Đoạn kết của cuộc hiện ra thứ nhất
là việc trao ba sứ vụ qua việc trao ban Thánh Thần trong khi đó đoạn kết của lần
hiện ra thứ hai là vấn đề tin, và mời gọi tin ngay cả khi không thấy.
A. Đức
Giêsu hiện ra với 11 môn đệ A'. Hiện
ra lần I: Với mười môn đệ A1. Bối cảnh: Thời gian, không gian
và nhân vật A2. Đức Giêsu xuất hiện và
ban bình an A3. Cho xem tay và cạnh sườn A4. Cảm xúc của các môn đệ:
Vui mừng A5. Ban bình an và sai đi A6. Thở hơi và ban Thánh Thần A7. Ban quyền tha tội A''. Hiện
ra lần II: Mười môn đệ cùng với Ông Thôma A1'. Bối cảnh: nhân vật, thời gian,
không gian A2'. Đức Giêsu xuất hiện và
ban bình an A3'. Cho xem tay và cạnh sườn, mời gọi
kiểm chứng A4'. Cảm xúc Ông Thôma: cứng
lòng đến tin A5'. Tuyên xưng đức tin: Đức Chúa –
Thiên Chúa A6'. Thấy và tin A7'. Mối phúc: Không thấy mà tin B. Kết luận
của Tin Mừng thứ tư B1. Còn nhiều dấu không được viết B2. Mục đích viết: Để tin Đức Giêsu = Đấng
Kitô = Con Thiên Chúa B3. Tin = sự sống đời đời nhờ danh Người |
Một số điểm chú giải
1.
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần:
Cụm trạng ngữ chỉ thời gian “vào chiều ngày ấy” với danh từ ngày có chỉ định từ
xác định và đi kèm theo cụm danh từ giải thích “ngày thứ nhất trong tuần” cho
thấy sự kiện này xảy ra cùng ngày với sự kiện “ngôi mộ trống”. Buổi sáng ngày ấy
bà Maria Magđalênê cùng với các môn đệ đã chứng kiến ngôi mộ trống và người môn
đệ Chúa yêu “đã thấy và đã tin” (Ga 20,1-10). Sau đó, Đức Giêsu lại hiện ra với
riêng bà Maria Magđalênê vào thời gian trong ngày (Ga 20,11-18), rồi vào chiều
tối hôm ấy, Người lại hiện ra với các môn đệ. Đây là chi tiết cho thấy sự nối kết
thống nhất về thời gian của toàn bộ các sự kiện diễn ra trong “ngày thứ nhất
trong tuần” sau khi Đức Giêsu sống lại.[1]
2.
Cửa đóng kín vì sợ người Do Thái. Động
từ “khóa” được dùng ở thể bị động, lối phân từ và thì hoàn thành. Lối phân từ
có thể là cách dùng diễn tả về thời gian: “khi đang bị khóa”. Thì hoàn thành diễn
tả một hành động mà kết quả vẫn còn kéo dài trong hiện tại. Mệnh đề trạng ngữ
chỉ thời gian “khi cửa đã khóa” vừa nhấn mạnh sự xuất hiện cách siêu việt của Đức
Giêsu Phục Sinh. Người có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu và không bị giới hạn bởi
không gian vật chất. Tình trạng “cửa bị khóa” cũng cho thấy tình trạng tâm lý của
các môn đệ: “vì sợ người Do Thái”. “Người Do Thái” được nói đến ở đây không phải
là mọi người Do Thái cho bằng nhóm “người Do Thái” là đối thủ của Đức Giêsu trước
kia và gây ra cái chết cho Người (Ga 5,10.16.18; 6,41.52; 7,1; 9,22). Động từ
“khóa” được dùng đến hai lần trong đoạn này nhấn mạnh đến tình trạng hoảng sợ của
các môn đệ và sự hiện diện vượt không gian của Đức Giêsu. Trong Tin Mừng thứ tư
không chỉ có các môn đệ “sợ những người Do Thái”. Cha mẹ của anh mù từ thuở mới
sinh, đã được Đức Giêsu chữa lành, cũng “sợ những người Do Thái” (Ga 9,22) khi
họ được hỏi về cách thức làm thế nào mà con của họ được sáng mắt. Trong cuộc xử
án Đức Giêsu, Philatô cũng sợ những người Do Thái khi họ nói cùng ông: “Chúng tôi
có luật và theo luật này thì nó phải chết vì nó cho rằng mình là Con Thiên
Chúa” (Ga 19,7-8). Dĩ nhiên, nỗi sợ của các môn đệ trong bối cảnh này còn đáng
sợ hơn vì đó là nổi sợ rằng cái chết tương tự như Thầy, sẽ xảy đến cho họ.
3.
Đức Giêsu đến đứng ở giữa.[2]
Vị trí của Đức Giêsu và cách xuất hiện của Người ở cả hai lần được ghi lại
trong đoạn văn này là giống nhau. Đức Giêsu: “đến, đứng ở giữa”. Những hành động
của Đức Giêsu vừa có tính nhân loại vừa cho thấy tính thần linh. Hành động “đến
và đứng” là hành động của một người bình thường. Tuy nhiên, việc Đức Giêsu đến
trong khi cửa đóng kín cho thấy thân xác phục sinh của Người vượt không gian.
Hành động “đến” cho thấy sự chủ động của Người. Vị trí “ở giữa” vừa biểu lộ một
điểm quy chiếu, trung tâm, linh hồn của nhóm, vừa cho diễn tả sự chứng kiến của
tất cả các môn đệ. Người đến, và hiện diện giữa họ trong bối cảnh lòng họ đang
rối bời hoảng sợ khủng khiếp.
4.
“Bình an cho anh em”: Sự hiện diện của
Người trước hết là ban thông điệp bình an và ổn định tinh thần cho các sứ đồ.
Hai lần Tin Mừng diễn tả những cánh cửa đóng kín, và một lần diễn tả lý do “vì
họ sợ những người Do Thái” là những lý do để Đức Giêsu đưa ra lời chúc bình an.
Thật vậy, chỉ riêng trong đoạn này Đức Giêsu đã chúc đến 3 lần: “Bình an cho
anh em” (Ga 20,19.21.26). Mật độ dày đặc của lời chúc bình an của Đức Giêsu rất
đáng chú ý. Nó làm cho độc giả cảm thấy sự vang vọng của sự bình an mà Đức Giêsu
ban tặng: “bình an cho anh em”; “bình an cho anh em”; “bình an cho anh em”. Các môn đệ rất vui mừng vì được nhìn thấy
Chúa. Họ như quên đi nỗi sợ hãi đang bao trùm. Thế nhưng, sự sợ hãi ấy vẫn chưa
thể chấm dứt. Bằng chứng là trong lần hiện ra thứ hai được nói đến trong đoạn
này, các cánh cửa “vẫn đóng kín”. Họ đã cảm nhận và đã tin vào sự sống lại của
Chúa. Tuy nhiên, để bung cửa bước ra và hiên ngang loan báo tin vui này họ cần
có sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng Paráclê mà Đức Giêsu hứa sẽ đến với họ
(Ga 14,16.26).
5.
Cho xem tay và cạnh sườn: “tay và cạnh sườn” là nơi có những dấu tích của cuộc khổ nạn. Hai bàn tay
là những nơi có những dấu đinh khi Người chịu đóng đinh vào thập giá (Ga
19,18.23). Các chuyên gia cố gắng giải thích, bàn luận về vị trí được đóng đinh
trên tay của Đức Giêsu. Có người cho rằng nếu đóng vào hai bàn tay thì những
mũi đinh đó không đủ để giữ cả thân hình của tội nhân. Thân xác nặng của tội
nhân sẽ xé toạc lỗ đinh. Họ cho rằng, có lẽ những chiếc đinh được đóng vào cánh
tay của tội nhân, vị trí nối giữa bàn tay và cánh tay. Lối lý giải này xem ra hợp
lý. Tuy vậy, từ ngữ thánh Gioan dùng ở đây là “những bàn tay” (τὰς χεῖρας ) chứ không phải là những cánh tay. Cạnh sườn là
nơi bị đâm thủng bởi cây giáo của một tên lính Rô-ma (Ga 19,31-37). Đối với 10
môn đệ kia Đức Giêsu chỉ cho họ xem “những bàn tay và cạnh sườn”, còn đối với Ông
Thôma Đức Giêsu mời gọi “xem những bàn tay” xỏ ngón tay vào những lỗ đinh và đặt
bàn tay vào cạnh sườn, theo điều kiện mà ông đã đặt ra cho 10 môn đệ kia, chứ
không phải cho Đức Giêsu (Ga 20,25). Luca cũng ghi lại lời mời gọi (hãy xem) và
“cho xem” tương tự như như Gioan, nhưng Luca thêm “những bàn chân nữa” thay vì
“cạnh sườn”: “hãy nhìn xem những bàn tay và những bàn chân của Thầy” (Lc
24,39.40). Sự sai lệch chút ít trong dữ liệu của hai tác giả này như bổ sung
cho nhau. Đức Giêsu Phục Sinh mang nơi thân mình cả những dấu đinh nơi những
bàn tay và những bàn chân, cũng như dấu đâm nơi cạnh sườn nữa. Đó là những bằng
chứng sống động cho thấy sự nối kết giữa thân xác khổ nạn và thân xác phục
sinh. Đó rõ ràng là một thân xác nhưng đã được biến đổi vượt không gian và thời
gian. Người có thể hiện diện mọi nơi, mọi lúc.
6.
Sai đi: “Như Chúa Cha
đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”. Lời nói này của Đức Giêsu, liên quan đến
“sự sai đi”, như âm vang lời căn dặn của Đức Giêsu trong đoạn cuối của Tin Mừng
Máccô và Tin Mừng Mat-thêu. Mat-thêu kể rằng: “vậy anh em hãy đi và làm cho
muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và
Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Theo Máccô, Đức Giêsu dặn rằng: “Anh em hãy đi khắp
tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo. Ai tin và chịu Phép
Rửa sẽ được cứu độ; ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16). Như thế các tác
giả sách Tin Mừng đều có ý khép lại những trang Tin Mừng của mình bằng mệnh lệnh
sai đi của Đức Giêsu. Tuy vậy, có thể thấy rằng không có tác giả Tin Mừng nào
cho thấy sự nối kết mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng thứ
tư Đức Giêsu đã nhiều lần mạc khải về tương quan giữa Người với Cha. Người
không làm điều gì bởi chính mình nhưng làm những điều Người thấy Chúa Cha làm
(Ga 5,19); Đức Giêsu nói điều Chúa cha bảo nói (Ga 12,50); Như thể Chúa Cha cho
kẻ chết sống lại thì Người con cũng ban sự sống cho ai mà Người muốn (Ga 5,21);
Cha ở trong Đức Giêsu và Đức Giêsu ở trong cha (Ga 10,38); “ta và Chúa Cha là một”
(10,31). Việc Đức Giêsu sai các môn đệ phát xuất từ ý tưởng sai đi của Chúa Cha
và cùng một cách thức. Trong Tin Mừng thứ tư, vô số lần Đức Giêsu đề cập đến việc
Người được sai đến (Ga 4,34; 5,23.24.30.36.37; 6,38.44.57;
7,16.18.28.29:8,16.18.26.29; 9,4.36...). chính vì thế trong bối cảnh này mệnh lệnh
sai đi cũng được đặt trong tương quan với lệnh sai đi từ Chúa Cha và lan rộng
ra đến các môn đệ.
7.
Thở hơi: hành động
này của Đức Giêsu gợi nhớ đến hành động của Thiên Chúa trong trình thuật về
“Sáng tạo” trong sách Sáng Thế. Thiên Chúa làm ra con người từ bụi đất và thổi
vào lỗ mũi của nó hơi thở sự sống và con người trở thành sinh vật sống (St
2,7).[3] Trong ý
hướng đó, Hồng ân Thánh Thần có thể làm cho các môn đệ được sống động bởi vì họ
đang bất động, khóa kín mình trong nhà. R. Brown ghi nhận ý kiến của một vài
nhà chú giải, những người đã giải thích đoạn văn này của Gioan theo ánh sáng của
niềm tin Cận Đông rằng hơi thở của một người thánh sẽ có năng lực siêu nhiên,
như là khả năng cứu chữa. Vì trong Tin Mừng Gioan, sự thở hơi này liên hệ đến
việc tha thức tội lỗi, năng lực bí tích trong nhiều nền Kitô giáo, một vài
chuyên gia nghĩ rằng ở đây Gioan phản ánh một nghi thức của Kitô hữu sơ khai.[4]
8.
“Hãy nhận lấy Thánh Thần”: Việc trao ban Thánh Thần, được cả Luca và Gioan nói đến cách rõ ràng. Thế
nhưng, theo Luca thì mãi đến Lễ Ngũ Tuần, tức là 50 ngày sau Lễ Vượt Qua, các
môn đệ mới nhận được Thánh Thần một cách long trọng, qua đó họ chính thức ra đi
rao giảng Tin Mừng cho “muôn dân” (Cv 2,1-13). Trước đó vào cuối Tin Mừng Luca,
Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ hãy ở lại trong thành cho đến khi “nhận được
quyền lực từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49). Lời căn dặn này cũng được nhắc lại
một lần nữa vào đầu sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 1,4). Sau đó, Đức Giêsu lại hứa
thêm: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần” (Cv 1,8). Tác phẩm của Luca
gồm có hai phần: Tin Mừng theo Luca và sách Công Vụ Tông Đồ. Lời hứa ban Thánh
Thần vào cuối Tin Mừng cùng với sứ vụ sai đi sẽ được hiện thực hóa và hoàn trọn
trong những tường thuật của sách Công Vụ Tông Đồ. Cũng cần biết thêm, trong ba
Tin Mừng Nhất Lãm, phải nói Luca là tác giả nói nhiều nhất về Chúa Thánh Thần
(Thần Khí). Trong khi từ Thần Khí (πνεύματος ἁγίου) xuất hiện 16 lần trong Tin Mừng Luca, trong Tin
Mừng Máccô 6 lần và Mátthêu 11 lần.[5] Gioan cũng
là tác giả nói rất nhiều về Thần Khí. Ngoài danh xưng “Thần Khí” giống như Tin
Mừng Nhất Lãm, ông còn dùng thêm danh xưng “Paráclê”[6] (thường
được hiểu là Đấng bảo trợ, giúp đỡ) để diễn tả cùng một ngôi vị (Ngôi Ba Thiên
Chúa).[7] Trong Tin
Mừng thứ tư Đức Giêsu hứa sẽ “xin cùng Cha và Người sẽ ban một Đấng Bảo Trợ
Khác” cho các môn đệ, Đấng này sẽ ở cùng họ “đến muôn đời” (Ga 14,16). Đấng Bảo
Trợ này sẽ “dạy các môn đệ mọi điều và sẽ làm cho họ nhớ lại tất cả những điều
Đức Giêsu đã nói với họ” (Ga 14,26). Đấng này cũng chính là Thần Khí sự thật, sẽ
làm chứng về Đức Giêsu. “Thần Khí sự thật này cũng sẽ dẫn các vào tất cả sự thật”
(Ga 16,13). Đấng này đã được Đức Giêsu ban cho các môn đệ trong đoạn văn này
(Ga 20,19-31), với quyền năng tha tội.
9.
Tha tội – cầm giữ: Lời
ban năng quyền tha tội được ban cho tất cả các môn đệ ngay sau khi Đức Giêsu
ban Thánh Thần. Trong Tin Mừng Mátthêu, ngay sau khi Phêrô tuyên xưng “Thầy là
Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” Đức Giêsu liền trao quyền “tháo cởi – cầm
giữ” cho riêng ông: “dưới đất anh trói buộc dưới đất trên trời sẽ được trới buộc,
điều gì anh tháo cởi dưới đất, trên trời sẽ tháo cởi” (Mt 16,19). Có lẽ, Mátthêu
nhấn mạnh hơn đến quyền cai quản nói chung của vị tông đồ trưởng và trong đó có
cả quyền tha tội. Tin Mừng Gioan nói rõ ràng đó là quyền tha thứ tội lỗi và quyền
ấy được trao cho tất cả các tông đồ. Sự khác biệt cũng thể hiện rõ nét ở chỗ là
quyền tha tội đi liền với hồng ân lãnh nhận Thánh Thần.[8] Việc
trao ban “năng quyền tha tội” kết thúc trình thuật về sự tiến trình “sai đi” của
Đức Giêsu. Tiến trình ấy bắt đầu bằng việc ban bình an, giải thích khuôn mẫu của
việc sai đi (như Cha đã sai), trao thở hơi trao ban Thánh Thần và ban ban “năng
quyền tha tội” (Ga 20,21-23).
10.
“Tám ngày sau”: Cụm từ
chỉ thời gian này nối kết chặt chẽ với cụm từ “ngày thứ nhất trong tuần” được
nhắc đến trong cả hai trình thuật trước: trình thuật về “ngôi mộ trống” (Ga
20,1-10) và trình thuật về Đức Giêsu hiện ra với 10 môn đệ (Ga 20,19-23). “Tám ngày
sau” có thể là một tuần sau và hôm ấy lại là “ngày thứ nhất trong tuần” kế tiếp,
các môn đệ lại tụ họp cùng với Ông Thôma và Đức Giêsu lại hiện ra. Tác giả R.
Brown cho rằng kiểu nói này rất có thể ảnh hưởng bởi truyền thống cử hành Thánh
Thể vào ngày thứ nhất trong tuần được nói đến nơi sách Công Vụ Tông Đồ và thư gửi
tín hữu Côrintô (Cv 20,7; 1Cr 16,2). Tác giả Brown còn nhấn mạnh thêm rằng việc
ngày Chúa Nhật có một ý nghĩa trong cộng đoàn Gioan có thể được thấy từ việc định
ngày của thị kiến của “người xem thấy” trong sách Khải Huyền (Kh 1,10), là
“ngày của Chúa”, giả định là Chúa Nhật.[9]
11.
Ông Thôma: Trong Tin
Mừng thứ tư, Ông Thôma là một tông đồ khá đặc biệt. Nếu như trong ba Tin Mừng
Nhất Lãm, Ông Thôma chỉ được nhắc đến duy nhất 1 lần khi các tác giả liệt kê
danh sách cách 12 tông đồ (Mt 10,3; Mc 3,18; Lc 6,15), Tin Mừng thứ tư gọi tên Ông
Thôma đến 7 lần (Ga 11,16; 14,5; 20,24.26.27.28; 21,2). Riêng trong đoạn này
tên gọi Ông Thôma được nhắc đến 4 lần. Có thể nói rằng đây là câu chuyện làm
nên tên tuổi của Ông Thôma đến nỗi các độc giả dường như quên đi những lần xuất
hiện trước đó của Ông Thôma. Trước đó, trong bối cảnh Đức Giêsu muốn trở lại Juđê
vì hay tin Ladarô lâm bệnh. Các môn đệ khác đã can ngăn Đức Giêsu vì trước đó
Người Do Thái đã tìm cách ném đá Đức Giêsu ở Jêrusalem (Ga 10,31.33; 11,8).
Riêng Ông Thôma khuyến khích các môn đệ rằng: “Cả chúng ta nữa, chúng ta hãy
cùng đi để cùng chết với thầy” (Ga 11,16). Trong bối cảnh này rõ ràng Ông Thôma
đóng một vai trò rất quan trọng. Ông dường như thay thế vai trò của Phêrô bởi
vì bình thường Phêrô hay lên tiếng thay cho các tông đồ khác. Hơn nữa, đây là vấn
đề sống – chết chứ chẳng phải chuyện chơi. Ông Thôma cho thấy ông can đảm và dấn
thân đến mức nào trong sứ vụ theo Chúa. Trong một dịp khác, trong diễn từ từ biệt,
khi Đức Giêsu bộc bạch cũng các môn đệ rằng: “thầy đi là để dọn chỗ cho anh em,
để thầy ở đâu thì anh em cũng sẽ ở đó với thầy, thầy đi đâu anh em biết đường rồi”,
Ông Thôma lại thưa: “Thưa Thầy chúng con không biết thầy đi đâu làm sao chúng
con biết được đường?” (Ga 14,5). Nhờ câu hỏi này Đức Giêsu đã mạc khải chính
Người “là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha
mà không qua” Người (Ga 14,6). Ông đã muốn lên Juđê để cùng chết với thầy, giờ
lại muốn tìm con đường để theo thầy. Ông Thôma quả là một con người rất đáng để
ý trong Tin Mừng thứ tư.
12.
“Không tin” - “Tin”: Ông
Thôma đã đi một hành trình tám ngày “không tin” sâu thẳm cho đến “tin” tuyệt đỉnh
ngay khi gặp Đức Giêsu. Trong bài luận ngắn mang tựa đề “giải oan cho Ông Thôma”[10], nổi
oan bị mang tiếng là kém tin, tôi đã phân tích và chứng minh rằng đó là tâm trạng
chung củ tất cả các môn đệ kể cả Phêrô, và Magđalênê. Tất cả đều phải thấy Đức Giêsu
rồi mới tin. Như thế, “Thấy và tin” là một tiến trình bình thường của tất cả
các môn đệ lúc bấy giờ. Bà Maria Magđalênê còn tưởng Đức Giêsu là “người làm vườn”
(Ga 20,15). Hai môn đệ trên đường về Emmaus cũng nói chuyện với Đức Giêsu dọc
đường cả buổi nhưng cũng không nhận ra Chúa mãi đến khi Chúa “bẻ bánh” thì họ mới
nhận ra Chúa (Lc 24,13-35). Chỉ có một môn đệ không thấy Đức Giêsu Phục Sinh và
đã tin. Đó là “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Khi bước vào trong “ngôi mộ
trống”: “ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Cái ông thấy trong “ngôi mộ trống”
dĩ nhiên không phải Đức Giêsu. Cái thấy của ông lúc ấy chỉ là “ngôi mộ trống và
băng vải liệm” nhưng cái tin của ông là vô hạn. Nội dung tin của ông có thể là
Đức Giêsu Phục Sinh; có thể là toàn thể lời Thánh Kinh nói về Người.
13.
“Đức Chúa của tôi, Thiên Chúa của tôi”. Ông
Thôma không cần xỏ ngón tay vào lỗ đinh, cũng không cần đặt bàn tay vào cạnh sườn
như ông đã đòi hỏi trước đó. Ông chỉ cần thấy Chúa là ông đã tin. Có thể nói là
niềm tin của ông vượt trên niềm tin của tất cả các người còn lại ở chỗ ông đã
vươn đến hiểu biết thần tính cao nhất của Đức Giêsu: Thiên Chúa. Lời tuyên xưng
của Ông Thôma quả thực là lời kết quá hoàn hảo cho Tin Mừng thứ tư. Tin Mừng
này khời đầu bằng lời tựa giới thiệu rằng: “Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Kết thúc
Tin Mừng, Ông Thôma tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Lời tuyên xưng của ông
không chỉ đơn giản thừa nhận thực tại của sự Phục Sinh của Đức Giêsu nhưng diễn
tả ý nghĩa cao nhất, long trọng nhất, như mạc khải về Đức Giêsu là ai.[11]
14.
“Không thấy mà tin”: Lời chúc lành này của
Đức Giêsu có thể gợi nhớ đến niềm tin của “Người môn đệ Chúa yêu”, người “đã thấy
và đã tin” trước đó, nhưng trên hết đó là một lời mời gọi và chúc phúc dành cho
đa số thành viên của cộng đoàn Gioan thế kỷ thứ nhất và cho tất cả các tin hữu
qua mọi thời đại, bởi hầu hết họ đều không thấy Đức Giêsu một cách trực tiếp và
họ đã tin vào Chúa qua lời chứng của các môn đệ.
Bình Luận tổng quát
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh (Ga
20,19-31) mô tả hành trình đức tin của tất cả các Tông Đồ, bao gồm hai lần hiện
ra của Đức Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ và đoạn kết của toàn bộ Tin Mừng thứ
tư. Đoạn kết nói đến mục đích của những dấu lạ được ghi lại trong sách Tin Mừng
này là: “Để anh chị em tin Đức Giêsu là Đấng Kitô Con Thiên Chúa”. Niềm tin này
đem lại cho những người tin “sự sống đời đời nhờ danh Người”. Nội dung niềm tin
không chỉ là là Đức Giêsu là Đấng Kitô mà người Do Thái từng mong đợi từ lâu đời
nhưng Người còn là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Người không chỉ là Con Thiên Chúa
mà còn là Thiên Chúa theo như mạc khải của Tin Mừng Gioan ở Lời Tựa (Ga 1,1) và
lời tuyên xưng của Ông Thôma vào cuối Tin Mừng (Ga 20,28). Câu chuyện Tin Mừng
này mô tả hai hành trình đức tin rõ rệt: Thấy và Tin, và không thấy mà vẫn tin.
Hành trình thứ nhất, hành trình “thấy và tin” của Ông Thôma và các môn đệ đã kết
thúc với đỉnh điểm là lời tuyên xưng của Ông Thôma. Hành trình thứ hai là hành
trình của riêng “người môn đệ Chúa yêu” và chung cho các tín hữu sơ khai, cũng
như các tín hữu qua mọi thời đại. Họ là những người được chúc “phúc” vì không
thấy Đức Giêsu Phục Sinh mà vẫn tin. Đó là niềm tin dựa trên lời chứng của các Tông
Đồ qua việc nghiền ngẫm Thánh Kinh, dưới tác động linh hứng và khai sáng của
Chúa Thánh Thần. Đó là niềm tin nhờ sự tác động của Đức Giêsu và Chúa Thánh Linh
qua việc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, tham dự Thánh Lễ (Bí tích Thánh Thể) và các
Bí Tích khác. Họ được mời gọi cảm nhận và tin Đức Giêsu Phục Sinh đang hiện diện
cách vô hình trong từng biến cố của cuộc đời họ dù cho họ không thấy Người bằng
xương bằng thịt. Chính niềm tin ấy mới làm cho Giáo Hội được tồn tại, sống động
và lan rộng ngày một hơn.
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
[1] “The following events take place “on the evening of that day (ouses
oun opsias te hemera ekeine)” (v. 19). As Mary went from the tomb to
announce Jesus' message to the disciples (v. 18a), the place is now “where
the disciples were (hopou esan hoi mathetai)” (v. 19a). Thus Mary's
presence at the tomb ends (v. 18) where the following scene begins (v. 19):
with the characters to whom Mary announced Jesus' message. The day, place, and
characters involved in the events of vv. 19-23 were already part of the closing
moments of the immediately previous scene reported in VV. 11-18” [F.J.
Moloney, The Gospel of John (SP 4;
Collegeville 1998) 530].
[2] “This implies that Jesus'
coming to the disciples in v. 19 is not his definitive return. His absence will
be filled with the presence of the Paraclete”
(F.J.
Moloney, The Gospel of John, 534).
[3] “Most commentators point to
the parallel use of "he breathed on" (enephusesen) in I.XX Cen
2:7 (d. also
LXXEzek 37:9-10; Wis 15:11), making the gift of the Spirit the beginning of the
new creation” (F.J. Moloney, The Gospel of John, 534).
[4]
R.E. Brown,
The Gospel according to John (XIII-XXI): Introduction,
translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 29A,
1023.
[5]
Mt 1,18.20; 3,11.16; 4,1; 12, 18.28.31.32; 22,43; 28,19; Mc 1,8.10.12; 3,29;
12,36; 13,11; Lc 1,15.35.41.67; 2,25.26.27; 3,16.22; 4,1.14.18; 10,21; 11,13;
12,10.12
[6]
Xem thêm Lê Minh Thông, “Đấng Paráclê là ai?” tại Tin
Mừng Gio-an (Ga), Évangile de Jean (Jn), Gospel of John (Jn): Đấng Paráclê là
ai? (TM Gio-an) (leminhthongtinmunggioan.blogspot.com) (truy cập
09/04/2021).
[7] Ga
14,16.26; 15,26; 16,7.
[8] “The difficulties involved in understanding what is meant by the
disciples' mission to forgive and retain sin are eased by the association of
these actions with the mission of the Paraclete to “lay bare” the goodness and
evil of the world (d. 16:7-1” (F.J. Moloney, The
Gospel of John, 536).
[9]
R.E. Brown,
The Gospel according to John (XIII-XXI):
Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London
2008) 29A, 1019.
[10]
HORIZON
MISSIONARY: GIẢI OAN CHO THÁNH ÔNG THÔMA! (josephpham-horizon.blogspot.com)
(truy cập 09/04/2021)
No comments:
Post a Comment