Tuesday 2 July 2013

GIẢI OAN CHO THÁNH THÔMA, Lm. Jos. Ph.D.Thạch SVD


Trong bốn sách Tin Mừng, Tin Mừng Gioan nói nhiều nhất về ông Thôma Tông đồ. Tin Mừng Gioan nhắc đến Thôma trong 4 dịp quan trọng. Lần thứ nhất, khi Đức Giêsu chuẩn bị lên Giuđê, để làm cho Ladarô sống lại. Các môn đệ khác can ngăn vì người Do thái đang tìm giết Đức Giêsu: “Thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao? Chỉ có “Ông Thôma, gọi là Điđymô, nói với các bạn đồng môn rằng: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy !” (Ga 11,16). 

Lần thứ hai, trong diễn từ từ biệt, khi Đức Giêsu nói cùng các môn đệ rằng, “thầy đi là để dọn chỗ cho các con, và thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó, thầy đi đâu anh em biết đường rồi”, ông Thôma thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14,5). 

Lần thứ ba, chính là câu chuyện trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, trong đó ông Thôma tuyên xưng một câu rất nổi tiếng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” và Đức Giêsu cũng ban một mối phúc rất tuyệt vời, cho các tín hữu thời khai cũng như qua muôn ngàn thế hệ: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Và lần cuối cùng, ông Thôma được nhắc đến trong câu chuyện các môn đệ gặp lại Đức Giêsu trên bờ biển Tibêria như sau: “Ông Simôn Phêrô, ông Thôma gọi là Điđymô, ông Nathanael người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau” (Ga 21,2).

Được nhắc đến nhiều lần như vậy, nhưng Ông Thôma thường được người ta nhớ đến như là một người kém tin, hay nghi ngờ. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, Thôma không phải là người duy nhất phải thấy rồi mới tin. Công bằng mà nói, tâm trạng của Thôma cũng là tâm trạng chung của tất cả các môn đệ lúc bấy giờ. Ông Phêrô cũng phải thấy Chúa rồi mới tin, hai môn đệ trên đường về Emmaus cũng phải gặp Chúa, nói chuyện cả buổi, rồi đến lúc Chúa bẻ bánh mới nhận ra Chúa; bà Maria Mađalêna thì tưởng Chúa là người làm vườn, chỉ đến khi Chúa gọi tên bà: “Maria!”, bà mới nhận ra Chúa. Thế đó! Đứng trước cái chết của Đức Giêsu, ai cũng đang ở trong tâm trạng như vậy hết: Sợ hãi, nghi ngờ, không tin. Đối với các ông, Chúa chết là hết rồi, mộng vàng tan thành mây khói rồi, còn hy vọng gì nữa.

Có thể nói, ông Thôma chỉ là người thay lời, nói lên tâm trạng nghi ngờ chung của tất cả các môn đệ: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Họ đã trở thành những chứng nhân chứng kiến tận mắt Đức Kitô Phục Sinh.

Nếu Phêrô không thấy Chúa, Phêrô cũng không tin, nếu Maria Mađalêna không thấy Chúa, bà cũng không tin, nếu hai môn đệ trên đường Emmaus không thấy Chúa khi Người bẻ bánh họ cũng không tin, nếu Chúa không hiện ra với các môn đệ thì các môn đệ cũng không tin…bằng chứng là: Sau khi gặp Chúa Giêsu, Bà Maria đã đi báo tin cho “những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc” (Mc 16,10). Nhưng mà, “nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin” (Mc 16,11). Rồi, hai người trên đường về Emmaus, sau khi đã thấy Chúa, cũng “trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này” (Mc 16,11-12). 

Câu nói của ông Thôma có thể hiểu theo một cách tích cực khác nữa. Đó là biểu hiện của một tông đồ khao khát muốn nhìn thấy Chúa, muốn gặp lại Chúa. Ông cảm thấy mình thiệt thòi. Sao mà mười môn đệ kia, ai cũng thấy Chúa còn mình thì không. Câu nói của ngài có phần hờn dỗi, tự ái nhưng trên hết là niềm khao khát của kẻ muốn nhìn thấy Chúa. Chỉ cần thấy Chúa thôi, không cần xỏ ngón tay vào lỗ đinh, hay đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa. Ông Thôma dạy cho chúng ta một bài học về nỗi khao khát cháy bỗng được gặp gỡ Đức Giêsu phục sinh là như thế nào.

Ngày nay, một trong những bức tranh nổi tiếng người ta thường thấy về ông Thôma, là bức tranh của họa sĩ, điêu khắc gia lẫy lừng người ý tên là Caravaggio. Bức tranh được gọi là “sự không tin của Thôma” (Incredulità di San Tommaso, niên đại 1602). Đó là bức tranh ngài đang xỏ ngón tay vào cạnh sườn Đức Giêsu. Thực ra, ông Thôma chưa từng xỏ ngón tay vào cạnh sườn, hay lỗ đinh trên bàn tay Chúa. Khi gặp Chúa, ngài đã tin và tuyên xưng ngay: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Và chính ngài, chứ không phải ai khác, là tông đồ duy nhất tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa.

Trong bối cảnh Đức Giêsu mới chịu khổ nạn và chịu chết, việc Đức Giêsu sống lại là một điều gì đó quá sức tưởng tượng đối với tất cả các môn đệ. Vì họ không hiểu hoặc là sự hoảng sợ, thất vọng làm cho họ quên đi những lời Đức Giêsu tiên báo về cái chết và sự phục sinh của Ngài trước đó. Vì thế họ ao ước được thấy Người bằng xương bằng thịt thì họ mới tin là điều rất dễ hiểu.

Hình ảnh, tâm trạng của ông Thôma rất gần gũi với mỗi người chúng ta ngày nay. Làm sao tin? Làm sao cảm nhận được Đức Giêsu Phục Sinh đang hiện diện trong đời mình đây? Ngài vô hình. Chúng ta không thấy ngài bao giờ. Hồi còn nhỏ, tôi cũng thường hay xin Chúa làm sao cho tôi được thấy Chúa một lần trong đời. Nhưng mãi cho đến bây giờ tôi vẫn chưa một lần thấy Chúa. Có thể nhiều người trong chúng ta không ao ước thấy Chúa, nhưng cũng rất hay cầu xin Chúa cho mình thấy dấu lạ, thấy phép lạ để biết rằng Chúa đang hiện diện thật. Chính vì thế mà người ta hay đi tìm dấu lạ. Nghe ở đâu có Đức Mẹ hiện ra là đến cho bằng được. Tuy nhiên, dấu lạ thì không có nhiều và không phải ai cũng thấy được dấu lạ. Thế thì, làm sao mà tin đây?

Đức Giêsu khuyên mỗi người chúng ta: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” và Ngài cũng chúc phúc cho mỗi người chúng ta: “Phúc cho những người không thấy mà tin”. Thực tế là Chúa vô hình và chúng ta hiếm khi thấy Chúa bằng xương bằng thịt. Đức Cố Giám mục Vũ Duy Thống nói rằng: “Muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy; và lẽ dĩ nhiên, một khi tin điều mình không thấy thì sẽ được thấy điều mình tin.

Trong số các môn đệ, chỉ có duy nhất một môn đệ không thấy Chúa mà tin. Môn đệ nào vậy? Thưa! Đó là người môn đệ đức Giêsu yêu mến”. Khi thấy ngôi mộ trống, không thấy xác Chúa, chỉ thấy băng vải, và khăn che đầu được cuộn lại xếp riêng ra một bên, Ông đã tin. Đó là người đầu tiên hưởng lời chúc phúc của Đức Giêsu và chúng ta cũng sẽ được hưởng hạnh phúc ấy nếu chúng ta dám tin nhận Đức Giêsu phục sinh đang hiện diện qua từng biến cố buồn vui trong cuộc đời mình. Tin rằng Đức Giêsu đang hiện diện nơi những người cùng khổ.

Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã kể lại như sau:

Một hôm, có một cô thiếu nữ đã tìm đến xin gia nhập dòng Thừa Sai Bác Ái, một dòng chuyên đi lượm những người hấp hối về chăm sóc và giúp cho họ được chết một cách an bình.

Nhà dòng có một quy luật, theo đó, ngày đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống trong dòng, cũng đều được mời sang nhà hấp hối, tức là nhà đón tiếp những người sắp chết. Do đó, Mẹ 

Têrêxa đã nói với thiếu nữ đó như sau:

“Con đã nhìn thấy vị linh mục dâng Ông lễ. Con đã thấy Ngài sờ đến Ông Thể cách chăm chú và yêu thương là dường nào. Con cũng hãy đi và làm như thế tại nhà Hấp Hối, bởi vì con sẽ thấy Chúa Giêsu trong suốt ba tiếng đồng hồ”.

Sau 3 giờ đồng hồ, Mẹ Têrêxa hỏi lại cô thiếu nữ xem sự thể đã diễn ra như thế nào, cô ta đáp như sau: “Con vừa đến nhà Hấp Hối thì người ta mang đến một người vừa té xuống một hố sâu. Mình mẩy của người đó đầy những vết thương và bùn nhơ hôi thối... Con đã đến và đã tắm rửa cho anh ta. Con biết rằng làm như thế là chạm đến Thân Thể của Ðức Kitô”.

Đó là cách thức mà Mẹ Têrêxa và các nữ tu dòng Thừa Sai Bác ái nhận ra Chúa đang hiện diện trong cuộc đời. Đó cũng là cách thức tốt nhất để mỗi người chúng ta cảm nghiệm được Chúa đang hiện diện và giúp cho người khác thấy rằng Chúa Phục Sinh đang sống. Ngài đang sống qua những nghĩa cử yêu thương mà chúng ta làm cho những anh chỉ em nghèo khổ, bất hạnh.

Ông Tôma tông đồ đã muốn lên Giuđê để cùng chết với Đức Giêsu. Ngài đã tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa của ngài; và ngài cũng đã miệt mài tìm kiếm và đi con đường Đức Giêsu phục sinh đã đi một cách trọn vẹn. Theo truyền thống, sau biến cố Hiện Xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đirao giảng khắp nơi và ông Tôma đã loan truyền Tin Mừng cho người Parthi, Medes, Ba Tư. Sau cùng ngài đến Ấn Độ và được phúc tử đạo tại đó.

“Phúc cho những người đã không thấy mà tin”. Các kitô hữu thế kỷ thứ nhất đã không thấy Chúa và đã tin; chúng ta cũng không thấy Chúa và cũng đã tin. Đó là một hồng phúc. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là chúng ta thực hiện niềm tin ấy như thế nào. Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết thể hiện hồng ân đức tin ấy bằng một con tim yêu thương rộng mở đối với những đau thương, những bất hạnh của những người chung quanh mình; xin cho chúng ta luôn sẵn sàng can đảm sống và chết đi cho niềm tin của mình đề chúng ta cùng được phục sinh với Chúa. Amen!


Lễ
thánh Thôma tông đồ 2013

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD


No comments:

Post a Comment