Thursday, 18 March 2021

TÔN VINH – CHẾT – NÂNG LÊN – CHẾT. Chú Giải Tin Mừng CN V MC B (Ga 12,20-33); Lm. Jos. Ph.D.Thạch, SVD

Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp

Việt

20  Ἦσαν δὲ Ἕλληνές τινες ἐκ τῶν ἀναβαινόντων ἵνα προσκυνήσωσιν ἐν τῇ ἑορτῇ·

 21  οὗτοι οὖν προσῆλθον Φιλίππῳ τῷ ἀπὸ Βηθσαϊδὰ τῆς Γαλιλαίας καὶ ἠρώτων αὐτὸν λέγοντες· κύριε, θέλομεν τὸν Ἰησοῦν ἰδεῖν.

 22  ἔρχεται ὁ Φίλιππος καὶ λέγει τῷ Ἀνδρέᾳ, ἔρχεται Ἀνδρέας καὶ Φίλιππος καὶ λέγουσιν τῷ Ἰησοῦ.

 23  Ὁ δὲ Ἰησοῦς ἀποκρίνεται αὐτοῖς λέγων· ἐλήλυθεν ἡ ὥρα ἵνα δοξασθῇ ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου.

 24  ἀμὴν ἀμὴν λέγω ὑμῖν, ἐὰν μὴ ὁ κόκκος τοῦ σίτου πεσὼν εἰς τὴν γῆν ἀποθάνῃ, αὐτὸς μόνος μένει· ἐὰν δὲ ἀποθάνῃ, πολὺν καρπὸν φέρει.

 25  ὁ φιλῶν τὴν ψυχὴν αὐτοῦ ἀπολλύει αὐτήν, καὶ ὁ μισῶν τὴν ψυχὴν αὐτοῦ ἐν τῷ κόσμῳ τούτῳ εἰς ζωὴν αἰώνιον φυλάξει αὐτήν.

 26  ἐὰν ἐμοί τις διακονῇ, ἐμοὶ ἀκολουθείτω, καὶ ὅπου εἰμὶ ἐγὼ ἐκεῖ καὶ ὁ διάκονος ὁ ἐμὸς ἔσται· ἐάν τις ἐμοὶ διακονῇ τιμήσει αὐτὸν ὁ πατήρ.

 27  Νῦν ἡ ψυχή μου τετάρακται, καὶ τί εἴπω; πάτερ, σῶσόν με ἐκ τῆς ὥρας ταύτης; ἀλλὰ διὰ τοῦτο ἦλθον εἰς τὴν ὥραν ταύτην.

 28  πάτερ, δόξασόν σου τὸ ὄνομα. ἦλθεν οὖν φωνὴ ἐκ τοῦ οὐρανοῦ· καὶ ἐδόξασα καὶ πάλιν δοξάσω.

 29  ὁ οὖν ὄχλος ὁ ἑστὼς καὶ ἀκούσας ἔλεγεν βροντὴν γεγονέναι, ἄλλοι ἔλεγον· ἄγγελος αὐτῷ λελάληκεν.

 30  ἀπεκρίθη Ἰησοῦς καὶ εἶπεν· οὐ δι᾽ ἐμὲ ἡ φωνὴ αὕτη γέγονεν ἀλλὰ δι᾽ ὑμᾶς.

 31  νῦν κρίσις ἐστὶν τοῦ κόσμου τούτου, νῦν ὁ ἄρχων τοῦ κόσμου τούτου ἐκβληθήσεται ἔξω·

 32  κἀγὼ ἐὰν ὑψωθῶ ἐκ τῆς γῆς, πάντας ἑλκύσω πρὸς ἐμαυτόν.

 33  τοῦτο δὲ ἔλεγεν σημαίνων ποίῳ θανάτῳ ἤμελλεν ἀποθνῄσκειν. (Jn. 12:20-33 BGT)

20 Có một vài người Hy Lạp trong số những người đi lên để thờ phượng vào dịp lễ

21 Họ đến cùng Philípphê, người đến từ Bếtsaiđa, vùng Galilê và sau khi gặp anh ta, họ nói: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Giêsu.”

22 Anh Philípphê đến và nói cùng Anrê, Anrê đến cùng với Philípphê, và họ nói cùng Đức Giêsu.

23 Đức Giêsu trả lời họ, nói rằng: “Giờ đã đến để Con Người được tôn vinh”

24 Amen, Amen, Thầy nói cùng anh em, nếu hạt lúa mì, hạt mà rơi xuống đất không chết đi[1] nó tồn tại một mình, nhưng nếu chết đi nó sẽ mang nhiều hoa trái.

25 Người yêu mạng sống[2] của mình Thầy thì sẽ phá hủy nó, còn người ghét mạng sống của mình ở thế giới này sẽ bảo toàn được nó vào sự sống đời đời.

26 Nếu ai phục vụ Thầy, hãy đi theo Thầy, và Thầy ở đâu người phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Nếu ai phục vụ Thầy, Người Cha sẽ vinh danh anh ấy.

27 Bây giờ linh hồn Thầy đã kinh sợ. Thầy nói bây giờ? Cha ơi! hãy cứu con khỏi giờ này? Nhưng vì điều này con đã đến vào giờ này.

28 Cha ơi, hãy tôn vinh danh của Cha. Có tiếng đến từ trời: “Ta đã tôn vinh và sẽ lại tôn vinh.”

29 Đám đông, những người đang đứng và nghe nói rằng: “Đó là tiếng sấm”, những người khác nói: “Một thiên thần đã nói với ông ấy”

30 Đức Giêsu trả lời rằng: “Không phải vì tôi tiếng ấy đã đến nhưng vì anh chị em”

31 “Bây giờ là bản án của thế gian này. Giờ đây thủ lãnh của thế gian sẽ bị trục xuất ra ngoài.

32 Nếu Thầy được nâng lên khỏi mặt đất, Thầy sẽ kéo tất cả lên cùng Thầy.”

33 Người nói điều này để nói trước loại cái chết mà Người sẽ chết.

Bối cảnh bản văn

Đoạn 12,20-33 được trích ra từ phần cuối của “Sách Các Dấu” (lạ) có thể được gọi là phần “Đức Giêsu di chuyển về phía giờ chết và tôn vinh (11 – 12).[3] Chương 12 khởi đầu bằng sự kiện Đức Giêsu được xức dầu tại Bêtania. Theo giải thích của Đức Giêsu, hành động xức dầu của cô Maria là để chuẩn bị cho ngày mai táng (12,7). Chủ đề mai táng này dĩ nhiên là có liên hệ mật thiết với lời dạy của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng này về cái chết tự nhiên của hạt lúa mì được gieo vào lòng đất (12,24). Nó cũng không xa lạ với chủ đề “nâng cao khỏi mặt đất” (12,32).  Chủ đề “nâng cao” liên kết với 3,1-36, nơi mà Đức Giêsu mặc khải rằng: “Con Người sẽ được nâng cao, để ai tin vào Người thì có sự sống đời đời” (3,14). Công bố này sẽ được những người Do Thái nhắc lại ngay sau đoạn này để chất vấn Đức Giêsu về sự trường tồn của Đấng Kitô (12,34). “Nâng cao lên khỏi mặt đất” vừa là chủ đề Khổ Nạn vừa bao hàm cả chủ đề “tôn vinh”. Chủ đề tôn vinh được nhấn mạnh trong đoạn trước đó bằng lời bình chú của tác giả: “Sau khi Đức Giêsu được tôn vinh, các ông nhớ lại lời Thánh Kinh đã chép những điều đó về Người” (12,16). Trong đoạn văn này, Đức Giêsu nói đến “đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (12,23). Người cũng cầu xin Chúa Cha “tôn vinh danh” của Chúa Cha (12,28). Lời đáp trả từ trời khẳng định sự tôn vinh danh Chúa Cha: “Thầy đã tôn vinh, Thầy sẽ còn tôn vinh nữa”. Chủ đề “tôn vinh” cũng sẽ được lặp lại nơi đoạn cuối của chương 12: “Ngôn sứ Isaia đã thấy ‘vinh quang’ của Đức Giêsu và đã nói về Người” (12,41); Các lãnh đạo Do Thái “chuộng ‘vinh quang’ của phàm nhân hơn ‘vinh quang’ của Thiên Chúa” (12,43). Chủ đề “tôn vinh” cũng là chủ đề của nửa còn lại của Tin Mừng thứ tư.  Quả vậy, phần 13,1 – 20,31 được gọi là “Sách Của Sự Tôn Vinh”.[4] Nói đến “tôn vinh”, “nâng cao” thì không thể không nói đến mầu nhiệm Phục Sinh. Chủ đề Phục Sinh dĩ nhiên là chủ đề quan trọng nhất của toàn bộ các sách Tin Mừng, không riêng gì Tin Mừng thứ tư. Trong bối cảnh trực tiếp chủ đề Phục Sinh trong đoạn văn này gợi nhớ đến “sự sống lại” của La-za-rô được nhắc đến hai lần trong đoạn trước đó (12,9.17). Chủ đề bản án, “sự xét xử” (12,31) cũng là chủ đề nối kết nhiều đoạn trong Tin Mừng thứ tư, đặc biệt là trong chương 5 (3,19; 5,22.24.27.30; 7,24; 8,16 ;9,39). Sự nối kết giữa “thủ lãnh thế gian” và “sự xét xử” trong đoạn này cũng sẽ được lặp lại trong 16,11, nơi mà “thủ lãnh thế gian đã bị kết án”. Một cái nhìn sơ lược về bối cảnh để thấy rằng đoạn văn Ga 12,20-33 nối kết với những đoạn trước và sau nó trong bối cảnh trực tiếp nhưng còn nối kết với nhiều đoạn khác trong Tin Mừng và với toàn bộ Tin Mừng thứ tư, cũng như các Tin Mừng khác.

Giới hạn và cấu trúc bản văn

Giới hạn 

Ga 12,20-33 được bắt đầu bằng dấu hiệu chuyển đoạn khá rõ nét. Đó là cách thức giới thiệu nhân vật mới: “một vài người Hy Lạp” (12,20). Phần giới thiệu về nơi chốn cũng được đề cập. Sự xuất hiện những nhân vật mới bên cạnh hai môn đệ được nêu tên cách đích danh: Philípphê và Anrê. Đây là những nhân vật chính cho câu chuyện này. Đoạn văn được ngắt nơi 12,33: “Đức Giêsu ám chỉ đến loại cái chết mà Người sẽ chết”, tiếp theo sau công bố của Đức Giêsu: “Phần tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo tất cả lên với tôi” (12,32). Phần ngắt đoạn này xem ra không thỏa đáng vì ngay sau câu nói của Người, dân chúng sẽ đặt câu hỏi là: “Chúng tôi đã học biết trong sách Luật rằng : Đấng Kitô phải trường tồn mãi mãi, thế sao ông lại nói ‘Con Người phải được giương cao’ ? (12,34). Nghĩa là câu chuyện vẫn được tiếp tục với cùng chủ đề mà Đức Giêsu đã mở ra. Trình thuật này nên kết thúc ở 12,36, bằng dấu hiệu chuyển đoạn rõ rệt : “Nói thế xong, Đức Giêsu rời khỏi nơi đó và lánh đi, không cho họ thấy”.

Cấu trúc

Đoạn Tin Mừng này có thể được định dạng bởi bốn phần: phần A (cc.20-22) là phần giới thiệu bối cảnh bao gồm nhân vật và nơi chốn. Phần B (cc.23-26) là phần diễn từ của Đức Giêsu. Nhân dịp có mấy người Hy Lạp đến gặp Đức Giêsu, Người đưa ra diễn từ. Diễn từ này có thể cấu trúc hóa thành một cấu trúc quy tâm với hai cặp thành phần song song với nhau. Phần B1 nói về giờ Con Người được tôn vinh // B’1 cũng nói về sự vinh danh của những người phục vụ Đức Giêsu. Phần B2 là dụ ngôn, tạm gọi là “hạt lúa mì” // B’2 là phần áp dụng dụ ngôn này. Phần C ghi lại phản ứng của Đức Giêsu qua những lời độc thoại và chọn lựa của Người ở C1. Lời cầu xin Chúa Cha “hãy tôn vinh danh Người” và lời đáp trả của “tiếng từ trời” (C2). Kết thúc phần C là phản ứng của đám đông trước “tiếng từ trời”. Bản án dành cho thế gian là phần tiếp theo của cấu trúc bản văn (D). Phần cuối cùng là mạc khải của Đức Giêsu về mầu nhiệm “được nâng lên” và hiệu quả của mầu nhiệm này (E). Họa đồ của đoạn văn này có thể được phác họa ngắn gọn như sau: sự tôn vinh – cái chết – sự nâng lên – cái chết.

A. Giới thiệu Bối cảnh : Nhân vật và nơi chốn (cc.20-22)

B. Diễn từ của Đức Giêsu: Sự tôn vinh và cách thức tôn vinh (cc.23-26)

B1. Giờ Con Người được tôn vinh

B2. Dụ ngôn hạt lúa mì

B’2. Áp dụng dụ ngôn hạt lúa mì

B’1. Phục vụ - theo – vinh danh

C. Phản ứng và lời cầu nguyện của Đức Giêsu (cc.27-29)

C1. Phản ứng và chọn lựa

C2. Lời cầu xin tôn vinh và đáp trả

C3. Phản ứng của đám đông

D. Bản án thế gian: Thủ lãnh thế gian bị trục xuất (c.31)

E. Nâng lên và hiệu quả (cc.32-33)

E1. Nâng lên

E2. Cái chết

Một số điểm chú giải

1. Một vài người Hy Lạp : Người Thầy có thể cho rằng đây là những người Hy Lạp gốc Do Thái sống trong miền đất nào đó ngoài Do Thái. Tuy vậy, có lẽ tác giả Gioan muốn nói những người Hy Lạp thật sự, thuộc thế giới dân ngoại.[5] Ngay trước sự kiện này là lời trách cứ của nhóm Pharisêu: “Các ông chẳng làm nên trò trống gì hết ! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết” (12,19). Những người Hy Lạp này có thể được xem là bằng chứng, chứng minh cho lời phàn nàn của nhóm Pharisêu (thiên hạ theo ông ấy hết). Những người Hy Lạp này là hoa trái đầu tiên của thế giới dân ngoại.[6] Họ muốn gặp gỡ Đức Giêsu với một sự tôn kính đặc biệt. Họ gọi Philípphê, một môn đệ của Đức Giêsu, bằng một ngôn từ rất trịnh trọng: (κύριε). Danh từ này trong Tiếng Hy Lạp mang theo một cách gọi rất lịch sự, trịnh trọng : “Thưa ngài !” (thưa ông) hoặc “thưa thầy”. Nó cũng có nghĩa là “thưa Đức Chúa” thưa “Ông chủ”. Trong bối cảnh này, nghĩa đầu tiên có vẻ hợp lý hơn. Tuy nhiên, cách gọi người môn đệ của Đức Giêsu như thế đủ cho thấy những người Hy Lạp này trân trọng Đức Giêsu đến thế nào. Sự dè dặt trong cách họ tiếp cận Đức Giêsu có thể cho thấy họ còn ngần ngại không biết Đức Giêsu có muốn tiếp cận với dân ngoại hay không. Sự tìm gặp của một vài người Hy Lạp là bối cảnh trực tiếp để Đức Giêsu nói về “giờ tôn vinh”.

2. Philípphê và Anrê: Trong danh sách 12 tông đồ của Tin Mừng Máccô, tên Philípphê được đặt ngay sau tên Anrê. Máccô đặt bộ ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan vào đầu danh sách, sau đó mới đến Anrê và Philípphê và các môn đệ khác.[7] Mátthêu xếp tên của Anrê ngay sau tên Phêrô và Philípphê sau tên của hai anh em Giacôbê và Gioan. Luca cũng liệt kê tương tự Mátthêu. Tin Mừng Gioan không nói đến danh sách 12 Tông Đồ. Theo tác giả, Anrê và một môn đệ vô danh là hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Họ đã nghe Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Đức Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Rồi, họ đã “đến, xem chỗ Người ở và ở lại” với Đức Giêsu một ngày (Ga 1,39). Chính Anrê, sau khi trở về từ chỗ Đức Giêsu ở đã giới thiệu và dẫn em mình là Phêrô đến với Đức Giêsu (1,41-42). Tiếp theo sau đó, Đức Giêsu gặp và gọi ông Philípphê: “Anh hãy theo tôi” (1,43). Theo Gioan, hình như Philípphê được gọi trước cả Giacôbê và Gioan. Theo Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu gọi liền hai cặp anh em: Phêrô – Anrê, rồi Giacôbê – Gioan (Mt 4,18-22 ; Lc 5,1-11 ; Mc 1,16-20).[8] Philípphê được giới thiệu là ở Bếtsaiđa, cùng quê với hai anh em Phêrô và Anrê. Đây là dữ liệu của riêng tác giả Tin Mừng thứ tư. Theo Tin Mừng Nhất Lãm, Phêrô có một ngôi nhà ở Caphácnaoum, một thành phố ngay bên bờ, đầu hồ Galilê, phía Bắc (Mc 1,29-31 ; Mt 8,14-15 ; Lc 4,38-39). Theo Mátthêu và Luca, Bếtsaiđa là một trong những thành phố bị Đức Giêsu nguyền rủa, vì đã không sám hối (Mt 11,21; Lc 10,13-15). Đây cũng là thành phố Đức Giêsu lánh vào sau phép lạ “hóa bánh ra nhiều” (Mc 6,45 ; Lc 9,10) và chữa lành một người mù (Mc 8,22-26). Việc Philípphê đến gặp Anrê có thể giải thích ở góc độ thân thích: hai người là đồng hương; nhưng lý do quan trọng hơn có thể là vì Anrê là môn đệ đầu tiên được gọi. Thế giá của Anrê, có thể là cao hơn Phêrô, vì ông được gọi trước và là người giới thiệu Phêrô cho Đức Giêsu. Sự xuất hiện sóng đôi của Philípphê và Anrê trong Tin Mừng Gioan, cũng được ghi nhận trong phép lạ hóa bành ra nhiều. Lúc đó, Đức Giêsu đã hỏi ông Philípphê là: “Thầy mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Ông Philípphê đáp lại: “Thưa ! có mua đến hai trăm quan tiền cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6,5.7). Sau câu trả lời của Philípphê là lời giới thiệu của Anrê:  “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu” (Ga 6,8-9). Theo R. Schnackenburg, sự “đi cặp” của hai môn đệ này cũng có thể ám chỉ sứ vụ của họ giữa những Người Hy Lạp.[9] Có lẽ vì thế mà những người Hy Lạp tìm đến Philípphê.

3. Con Người:[10] Danh xưng Con Người được dùng rất phổ biến trong Tin Mừng thứ tư. Trong tiếng Hy Lạp : ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου (Con trai của loài người). Danh xưng này trong tiếng Do Thái là בֶן־אָ֜דָ֗ם  nghĩa là “Con trai của nhân loại” hay “con trai của loài người”. Danh xưng này trong Cựu Ước nhiều lần được dùng để nhấn mạnh sự mong manh (Is 51,12, G 25,6) nhỏ bé của con người trước Thiên Chúa (Tv 11,4). Đôi khi nó còn được dùng để chỉ thân phận con người tội lỗi (Tv 14,2t; 31,20) sẽ phải chết (Tv 89,48; 90,3). Danh xưng này còn xuất hiện trong văn chương khải huyền Do Thái như là nhân vật thần linh đến từ đám mây, tiến đến trước tòa Thiên Chúa và nhận lãnh vương quyền phổ quát (Đn 7,13).[11] Nó đơn giản nói về nhân loại cách chung.[12] Danh xưng này xuất hiện 70 lần trong toàn bộ Tin Mừng. Chỉ có Đức Giêsu dùng danh xưng này và cho chính Đức Giêsu, ngoại trừ một lần trong Tin Mừng Gioan nơi dân chúng lặp lại để hỏi Đức Giêsu về sự trường tồn của Đấng Kitô (Ga 12,34). “Con Người” được sử dụng 13 lần trong toàn bộ Tin Mừng thứ tư (1,51; 3,13.14; 5,27; 6,27.53.62; 8,28; 9,35;12,23; 12,34a.b.; 13,31). Tin Mừng này nói về khía cạnh vinh quang của Con Người (12,23.28; 13,31.32). Con Thiên Chúa thi hành quyền phán xét vào ngày sau hết với tư cách là Con Người (5,26-29); Thiên thần lên xuống trên Con Người (1,51); Người từ trời đến (3,13) và Người sẽ lên nơi Người ngự trước kia (6,62); Con Người phải trải qua thập giá (9,35). Trong cái nhìn của Gioan, Thập giá trùng hợp với sự trở về trời để Con Người được vinh thăng: “Con Người phải được treo lên” (3,14; 12,34); vinh hiển của Người là ở chỗ ấy (12,23; 13,31).[13] Trong Tin Mừng thứ tư, sự tôn vinh của Con Người cũng được nhấn mạnh (Ga 12,23; 13,31). Ngoài ra, quyền xét xử (5,27); Quyền trao ban sự sống (6,27); Đấng được đặt niềm tin vào (9,35); Đấng mà thịt Người được ăn (6,35) Trong đoạn văn này danh xưng “Con Người” được dùng như là một đấng từ “trên đi xuống” và từ “dưới đi lên”. Con Người cũng gắn liền với sự “được giương cao" (3,14; cf. 8,28) như ông Môsê đã giương cao “con rắn đồng trong sa mạc”. Danh xưng này cũng được đặt bên cạnh danh xưng “Con Một của Thiên Chúa”. C. Barrett hiểu rằng “chính trong tư cách là Con Người mà Đức Giêsu định dạng sự nối kết giữa hai không gian trời và đất, sự hiện hữu trần thế của Người là nơi mà những thực tại trên trời tỏ hiện và cũng là nơi mà những thực tại trên trời bị nhân loại chối từ”.[14]

4. Tôn vinh Danh Cha: Ý tưởng “tôn vinh” được lặp lại đến 4 lần trong riêng đoạn văn này: Con Người được tôn vinh (12,23); xin tôn vinh Danh Cha (12,28a); “Thầy đã tôn vinh, Thầy sẽ còn tôn vinh nữa” (12,28b). Động từ “tôn vinh” dùng ở thể bị động, thì aorist, (δοξασθῇ) có tác nhân được hiểu ngầm là Chúa Cha. Cách dùng “bị động” của động từ này gợi nhớ đến Is 66,5, nơi lời Đức Chúa nói cùng những người kính sợ lời Người: “Những anh em của ngươi, những kẻ ghét ngươi và đuổi ngươi ra ngoài vì danh Thầy đã nói: ‘Hãy để Đức Chúa được tôn vinh, để chúng tôi thấy niềm vui của các bạn’”. Trước căn bệnh của Ladarô Đức Giêsu cũng nói rằng: “bệnh này không chết nhưng vì sự tôn vinh của Thiên Chúa, để Người Con của Chúa có thể được tôn vinh nhờ nó” (11,4).  Chúa Cha sẽ được tôn vinh nhờ người Con mỗi khi thực hiện những điều các môn đệ yêu cầu nhân danh Đức Giêsu (14,13). Đức Giêsu cầu xin Cha tôn vinh danh của Chúa Cha. Tiếng từ trời khẳng định rằng: “Đã tôn vinh” và “sẽ tôn vinh nữa”. Tin Mừng thứ tư nói đến hai loại danh (tên) “τὸ ὄνομα”: Danh Đức Giêsu và Danh Chúa Cha. Người tin vào danh Đức Giêsu sẽ được trao “quyền trở thành Con Thiên Chúa” (1,12). Danh của Đức Giêsu được nhiều người tin (2,23). Người nào không tin vào danh của Con Một Chúa thì đã bị kết án rồi (3,18). Ai cầu xin điều gì nhân Danh của Đức Giêsu thì Người sẽ làm (14,13-14; 15,16.21; 16,23). Đức Giêsu đến vì danh của Chúa Cha (5,43). Việc Đức Giêsu làm nhân danh của Chúa Cha (10,25) làm chứng cho Người. Chủ đề tôn vinh được nhắc đến ở chương 12 như là một giới thiệu cần thiết cho “Sách của sự tôn vinh” bắt đầu từ chương 13 (13,1 – 20,31).

5. “Giờ đã đến” (ἡ ὥρα): Kiểu nói giờ + động từ “đến” rất đặc trưng, mang nhãn hiệu độc quyền của Tin Mừng Gioan. Nó được dùng ít nhất 14 lần trong Tin Mừng này (2,4; 4,21.23; 5,25.28; 7,30; 8,20; 12,23; 16,2.4.21.25.32; 17,1). Cách dùng này diễn tả nhiều chiều kích khác nhau. Lần đầu tiên cụm từ này xuất hiện nơi tiệc cưới Cana, nơi đó Đức Giêsu đã nói cùng Mẹ Người: “Việc đó có vấn đề gì với con và với mẹ? Giờ của con chưa đến” (2,4). Trong câu chuyện “Người phụ nữ Samaria” (4,1-42), Đức Giêsu dùng hai lần mệnh đề này để nói đến nơi mà những người thờ phượng đích thực sẽ phải thờ phượng Chúa Cha. Đó là “trong tinh thần và chân lý” (4,21.23). Trong cuộc tranh luận với những người Do Thái, Đức Giêsu nói: “Giờ sẽ đến”, khi những kẻ chết, những kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng của Con Chúa và được sống (5,25.28). Hai lần cấu trúc này được áp dụng cho “những kẻ giết” các môn đệ, nhưng nghĩ rằng họ phục vụ Thiên Chúa (16,2.4). Đức Giêsu nói trước khi “giờ đó đến” các môn đệ nhớ là Người đã nói với các môn đệ rồi. Một lần áp dụng cho giờ của “người phụ nữ sinh con”. Khi giờ ấy đến thì cô lo lắng nhưng sinh con rồi thì cô không còn nhớ đến đau khổ nữa. Đây là ví dụ tương tự cho sự đau khổ buồn phiền của các môn đệ rồi sẽ chuyển thành niềm vui (16,20). Đó là giờ mà các môn đệ “sẽ bị phân tán và để” Đức Giêsu một mình (16,32). Đức Giêsu rất có thể nói đến cuộc phân tán khi Người bị bắt (Mc 14,50-52; Mt 26,56; Ga 18,8). Trong 12,23 động từ “đến” được dùng ở thì “hoàn thành” diễn tả một hành động đã xảy ra và hiệu quả vẫn còn trong hiện tại.[15] Giờ ấy đã đến và những điều xảy ra trong giờ ấy vẫn đang tiếp diễn. Giờ Đức Giêsu muốn nói trong bối cảnh này có thể hiểu là giờ chết, giống như hạt lúa mì rơi xuống đất phải thối đi. Giờ đó cũng là giờ Phục Sinh, giờ sinh bông hạt với những ơn ích đi kèm với sự Phục Sinh. Trong 17,1, khi Đức Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha, động từ này, ở thì hoàn thành cũng được sử dụng: “giờ đã đến, xin tôn vinh Con Cha, để Người Con cũng tôn vinh Cha”. Nơi đây có sự kết hợp giữa “tôn vinh” và “giờ đã đến” giống y hệt trong đoạn này. “Giờ đã đến” này liên quan gần gũi với “giờ của Người chưa đến” được nói đến 2 lần để diễn tả lý do trì hoãn của những kẻ bắt Người: Họ muốn bắt Người nhưng “giờ của Người chưa đến” (7,30; 8,20). “Giờ đã đến” cũng là thời gian đặc biệt ấn định lúc Đức Giêsu rời bỏ thế gian để đến cùng Chúa Cha (13,1).

6. “Hạt lúa mì gieo vào lòng đất” : Dụ ngôn này được bắt đầu bằng cách nói rất trịnh trọng “Amen, Amen” (quả thật, quả thật). Cách dùng gấp đôi hai chữ “Amen” trước mệnh đề “tôi nói cùng các ngươi” (ἀμὴν ἀμὴν λέγω ὑμῖν) cũng là đặc trưng của Tin Mừng thứ tư. Tin Mừng Nhất Lãm có dùng lối diễn tả này trước những câu nói của Đức Giêsu nhưng chỉ có một chữ Amen được dùng (ἀμὴν λέγω ὑμῖν). Và tần suất của cách dùng này trong Tin Mừng thứ tư cũng áp đảo so với Tin Mừng Nhất Lãm. Mátthêu là tác giả dùng nhiều lần mệnh đề này hơn cả (31 lần, Mc: 14 lần; Lc: 6 lần), trong khi đó mệnh đề này (với Amen được gấp đôi) được Gioan sử dụng đến 50 lần. Cách nói này, rõ ràng nhấn mạnh tính chắc chắn của logic trong dụ ngôn này. Đức Giêsu dùng kinh nghiệm thông thường của người nông dân trồng lúa. Hạt lúa muốn nẩy mầm thì phải ngấm nước và thối đi. Và cho đến khi lên cây, hạt lúa giống hoàn toàn Thầyn biến. Các vùng quê Việt nam có nhiều nơi trồng lúa bằng lối cấy. Họ dùng mạ để cấy. Thế nhưng, để có mạ thì cũng phải gieo hạt lúa vào lòng đất. Và tiến trình hạt lúa giống phân hủy cũng như Đức Giêsu diễn tả. Trên thực tế, có nhiều hạt giống gieo xuống, nó không chịu nảy mầm. Nó cứ trơ ra vậy. Dầu cho các hạt giống được tuyển chọn rất kỹ, vẫn không bảo đảm được một trăm phần trăm số hạt gieo xuống đều nẩy mầm. Nhưng hạt nào nẩy mầm thành cây thì hạt ấy phải hư đi.

7. Chết: Như đã nói trên, không phải một trăm phần trăm số hạt gieo xuống đều nẩy mầm. Tuy nhiên, khi cây đã lớn và sinh hoa trái thì chắc chắn hạt giống của nó đã chết đi và Thầyn biến vào lòng đất. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến hành động “chết”.[16] Động từ “chết” (ἀποθνῄσκω) được dùng ba lần trong đoạn này. Hai lần được dùng cho hạt lúa mì (12,14a.24b.) và một lần được dùng cho Đức Giêsu. Trong câu giải thích về mc khải của Đức Giêsu về mầu nhiệm “được nâng lên khỏi mặt đất”, người thuật chuyện đã cho biết là Đức Giêsu muốn nói trước về cái chết mà Người sẽ chết (12,33). Rõ ràng, có mối liên hệ giữa hạt lúa mì được gieo vào lòng đất và Đức Giêsu. Mệnh đề “loại cái chết nào, Người sẽ chết” (ποίῳ θανάτῳ ἤμελλεν ἀποθνῄσκειν) sẽ được lặp lại trong biến cố Khổ Nạn, khi Philatô trao quyền xét xử Đức Giêsu cho dân Do Thái và họ đáp rằng: “Chúng tôi không có quyền lên án xử tử ai” (Ga 18,32). Đức Giêsu cũng được thượng tế Caipha nói tiên tri là sẽ chết thay cho quốc gia (Ga 11,50-51; 18,14). Cuối cùng, Người bị những người Do Thái kết án phải chết theo luật của họ (Ga 19,7).

8. Yêu quý mạng sống – phá hủy – Ghét mạng sống ở thế gian này – bảo toàn. Tác giả sử dụng cấu trúc song song với những hình ảnh trái ngược nhau: yêu˃˂ ghét; phá hủy ˃˂ bảo toàn. Dụ ngôn hạt lúa mì chết đi này trước nhất áp dụng cho Đức Giêsu qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Người. Luật Con Người đưa ra được áp dụng chung chung cho tất cả mọi người:[17] “yêu – phá hủy”, “ghét – bảo tồn, duy trì”. Kiểu nói này bàng bạc với kiểu nói trong Tin Mừng Nhất Lãm: “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống vì Thầy và vì Tin Mừng, sẽ cứu được nó” (Mc 8,35; Mt 10,39; Lc 9,24). Danh từ mạng sống “τὴν ψυχὴν”, cũng có nghĩa là linh hồn, phần bên trong của con người khác với thể xác. Gioan có thể có ý muốn nói ở đây chỉ là thể xác. Yêu “mạng sống” và “ghét mạng sống ở thế gian” có thể chỉ nói về “sự sống” tạm bợ của thể xác. Thể xác của bất cứ ai rồi cũng sẽ chết. Ai yêu quý chăm chút cho thể xác này ở đời này rồi cũng chết. Mục đích của những người theo Chúa là sự sống đời đời (ζωὴν αἰώνιον). Đức Giêsu có thể đang nói về sự tử đạo của các Kitô hữu.[18] Giống như các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, Gioan cũng nhấn mạnh sự hy sinh trong đời sống của các tín hữu. Đức Giêsu sẽ bước vào cuộc Khổ Nạn, trải qua sự chết rồi mới phục sinh vinh hiển. Những người tin theo Chúa cũng vậy họ cũng phải trải qua quá trình này như quy luật tự nhiên phân hủy của hạt lúa mì.

9. Phục vụ - Hãy theo: Phía sau mc khải về mầu nhiệm chết để sinh nhiều bông hạt của hạt lúa mì và ghét mạng sống thể lý đời này để bảo tồn cho sự sống trường tồn, là một lời mời gọi: “Hãy theo Thầy!”. Đây là động từ diễn tả tương quan sư - đồ (thầy – trò). Trong Tin Mừng Nhất Lãm, đây chính là động từ diễn tả sự “đi theo” của bốn môn đệ đầu tiên (Mt 4,20.22). Trong Tin Mừng Gioan, hai môn đệ của Gioan (Tẩy Giả) cũng “đi theo” Đức Giêsu sau khi nghe Gioan giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (1,37). Đây cũng là động từ Đức Giêsu dùng để gọi môn đệ Philípphê: “Hãy theo thầy” (1,43). Đức Giêsu cũng dùng hai lần động từ này để mời gọi Phêrô sau khi Người đã Phục Sinh (Ga 21,19.22). Tương tự, trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu gọi Lêvi (Mc 2,14; Mt 9,9; Lc 5,27) và người thanh niên giàu có (Mt 19,21; Mc 10,21; Lc 18,22) cũng cùng một mệnh lệnh, cùng một động từ. Theo Đức Giêsu đồng nghĩa với việc từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình mà theo (Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23). Lời mời gọi này tiếp theo ngay sau lời công bố: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng vì Thầy sẽ cứu được nó” (Lc 9,24; Mt 16,25; Mc 8,35). Mô hình này của Tin Mừng Nhất Lãm có vẻ đi song song với mô hình của người môn đệ mà Đức Giêsu đặt ra trong đoạn này. Lời mời gọi “đi theo” của Đức Giêsu dành cho những “người phục vụ” đi theo ngay sau lời ai yêu mạng sống thì phá hủy, còn ai ghét mạng sống ở đời này thì bảo toàn. Trong bối cảnh này, “phục vụ” không còn là những phụ giúp những công tác tông đồ thường ngày nhưng là dấn thân với Đức Kitô trong mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh. “Theo Chúa” không chỉ là đi theo nhưng là học lấy bài học và rập khuôn theo gương mẫu của Đấng sẵn sàng chết đi cho người khác. “Theo Chúa” là vác thập tự lên đồi Golgotha với Người. Phần thưởng dành cho những người “phục vụ” Đức Giêsu là được Chúa Cha ban vinh dự. Gioan dùng nhiều lần động từ này với đối tượng được vinh dự là Chúa Cha và Người Con: “Tất cả có thể vinh danh Người Con hệt như họ vinh danh Chúa Cha; ai không vinh danh Người Con thì không vinh danh Chúa Cha” (5,23; Cf. 8,49). Một lần duy nhất động từ ban vinh dự có chủ ngữ là Chúa Cha và đối tượng lãnh nhận vinh dự được ngầm hiểu là “người phục vụ” Đức Giêsu. Sự “theo” Đức Giêsu không dừng lại ở cái chết nhưng còn tiến tới sự vinh quang và hoàn hảo của Người.[19]

10. Kinh sợ (ταράσσω): Lời tự bạch của Đức Giêsu trước biến cố Tử Nạn cho thấy cảm xúc và sự chiến đấu nội tâm của Người. Tin Mừng Nhất Lãm diễn tả cảm xúc lo sợ của Đức Giêsu trong buổi cầu nguyện nơi Vườn Cây Dầu. Tác giả Gioan thì cho biết Đức Giêsu đi vào khu vườn bên kia suối Kítrôn với các môn đệ (Ga 18,1), nhưng không tường thuật chi tiết buổi cầu nguyện như Tin Mừng Nhất Lãm. Trong buổi cầu nguyện ấy, các Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi lại cảm xúc, buồn sầu, lo sợ của Đức Giêsu. Riêng Luca còn ghi lại cảnh Đức Giêsu “đổ mồ hôi máu” (Lc 22,44).[20] Đức Giêsu cầu nguyện xin Cha “cất chén này xa” Người, nhưng cũng bày tỏ sự quyết quyết liệt là “xin đừng làm theo ý Con mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42; Cf. Mt 14,36; Mt 26,39). Khác với Tin Mừng Nhất Lãm, Tin Mừng Gioan cho biết Đức Giêsu “ταράσσω”. Động từ này trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “lo lắng” (troubled) hoặc “kinh sợ” (terrified). Đây là động từ Mátthêu dùng để diễn tả sự “kinh sợ” và la lên của các môn đệ khi thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển (Mt 14,26). Tâm trạng lo lắng của vua Hêrôđê khi nghe tin Đức Giêsu mới sinh cũng được ghi lại bằng động từ này (Mt 2,3). Động từ này được dùng ở thì hoàn thành diễn tả nỗi lo lắng của Đức Giêsu đã diễn ra và hậu quả của nó vẫn còn hiển hiện. Tâm hồn của Đức Giêsu cũng cảm thấy “phiền não” trước “sự trao nộp của Giuđa Ítcariốt (13,21). Hai lần Người an ủi các môn đệ rằng: “Lòng anh em đừng “buồn phiền” hãy tin vào Chúa và tin vào Thầy (14,1); “Đừng để lòng anh em lo lắng và đừng để chúng sợ sệt” (14,27). Sự kinh sợ của Đức Giêsu sẽ trải dài từ đây đến hết Cuộc Khổ Nạn và sự buồn sầu lo lắng của các môn đệ cũng sẽ xuất hiện và kéo dài khi thầy Giêsu đi vào Cuộc Khổ Nạn như thế.

11. Cứu khỏi giờ này: Khác với Tin Mừng Nhất Lãm, nơi Đức Giêsu cầu xin Cha “hãy cất chén này khỏi” Người. Ở đây Đức Giêsu tự hỏi và không phải “cất chén” mà là “cứu thoát khỏi giờ này”. Đức Giêsu muốn nói đến một thời điểm, một khoảng thời gian trong đó tất cả biến cố Khổ Nạn sẽ diễn ra. Người tự vấn và cũng tự trả lời. Cũng như trong Tin Mừng Nhất Lãm, Người tự xin nhưng Người cũng tự quyết. Đức Giêsu xác định rõ mục đích của sứ vụ của Người: “Vì mục đích này (ἀλλὰ διὰ τοῦτο) mà Con đã đến trong giờ này” (12,27).  Vì mục đích này (διὰ τοῦτο) theo C. Barrett là “Tôi sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình”.[21] Điều này phù hợp với logic của dụ ngôn “hạt lúa mì” mà Đức Giêsu tâm đắc. Tương tự như trong Tin Mừng Nhất Lãm, Người sẵn sàng đón nhận “chén” theo ý Chúa Cha chứ không theo cảm xúc, ý muốn của riêng mình.

12. Thủ lãnh thế gian: Giây phút Đức Giêsu được tôn vinh cũng là giây phút thế gian bị kết án: Thủ lãnh thế gian bị tống ra ngoài.[22] Thế gian” ở đây có thể hiểu là thế gian chống đối và chối bỏ Đức Giêsu chứ không phải là thế gian toàn nhân loại. Dĩ nhiên, Đây không phải là bản án do Đức Giêsu kết án nhưng là một bản “tự kết án”. Đức Giêsu đến không phải để lên án và kết án thế gian, nhưng để thế gian được cứu độ nhờ Người (Ga 3,17). J. Moloney nói đến một thần học của sự tự kết án, mà Tin Mừng thứ tư đóng góp cho tư tưởng Kitô giáo. Người Thầy không cần phải chờ đến thời sau hết khi Con Người trở lại xét xử như trong Mt 25,31-46. Người Thầy xét xử chính mình qua việc chấp nhận hay từ chối mc khải của Chúa trong và qua Đức Giêsu và qua những hành động tốt, xấu đến từ quyết định chọn lựa của mình.[23]

13. Được nâng lên khỏi mặt đất: Động từ “ὑψόω” (nâng lên) là một động từ mang nhãn hiệu Gioan. Tác giả dùng rất nhiều lần động từ này để diễn tả mầu nhiệm “nâng lên” của Đức Giêsu. Ngoài hai lần trong đoạn Tin Mừng này, còn nhiều lần khác nữa Đức Giêsu tiền báo về “sự nâng lên này”. Khi Người Do Thái nâng Đức Giêsu lên, họ sẽ nhận ra là Người “hằng hữu” (ἐγώ εἰμι) (Ga 8,28). Đức Giêsu hứa rằng, khi Người được “nâng lên” khỏi mặt đất Người sẽ “kéo mọi người lên” với Người (12,32.34). Động từ nâng lên dùng ở “thể bị động thần linh” có tác nhân là chính Thiên Chúa. Cỏ thể diễn tả rằng, Đức Giêsu bị những người Do Thái “treo lên” nhưng lại được “Thiên Chúa “nâng lên”. Động từ này rõ ràng ám chỉ đến sự chết, mầu nhiệm Tử Nạn nhưng cũng ám chỉ đến vinh quang Phục Sinh. Bởi lẽ, nếu “nâng lên” chỉ nói đến sự chết, thì Đức Giêsu không kéo mọi người lên theo làm gì. Hơn nữa, làm sao họ nhận ra Người hằng hữu được nếu “nâng lên” chỉ là tử nạn. Khác với Tin Mừng Máccô, sự đau khổ và sự vinh quang phân biệt theo thứ tự thời gian: tử nạn – sau ba ngày sẽ sống lại (Mc 8,31). Gioan dùng một động từ để diễn tả cả hai. “Nâng lên” vừa diễn tả Tử Nạn và vừa cho thấy vinh quang.[24] Đức Giêsu bị treo lên là giá chuộc cho tội lỗi nhân loại. Người không tìm vinh quang cho mình những là ơn cứu độ cho nhân loại. Hiệu quả cứu độ của “sự được nâng lên” của Người có tính phổ quát. Tính từ bất định, số nhiều “πάντας” (tất cả) mở rộng biên giới cứu độ ra vô tận, không giới hạn một nhóm người nào. Như R. Schnackenburg đã nhận định: “Đặc tính tích cực quan trọng hơn của giờ của Đức Giêsu hệ tại nơi sự cứu độ của các tín hửu và cụ thể ở nơi chiều kích phổ quát.”[25]

14. Cái chết mà Người sẽ chết: Nhờ người thuật chuyện, có thể là chính tác giả, độc giả hiểu rằng: “Được nâng lên” chính là cái chết mà Đức Giêsu sẽ chết. Như đã nói ở trên, động từ chết ở đây đồng nghĩa với động từ chết diễn tả hạt lúa mì. Chi tiết này cũng phản ảnh niềm tin và cách hiểu của cộng đoàn Gioan đối với mầu nhiệm “được nâng lên”. Được “nâng lên khỏi mặt đất” có nghĩa là cái chết “treo trên thập giá”, nhưng cũng là “được nâng lên” cõi trời cao, được tôn vinh, vinh thăng qua mầu nhiệm Phục Sinh.

Bình luận tổng quát

Phụng Vụ Chúa Nhật V Mùa Chay tiếp tục quảng diễn về mầu nhiệm Khổ Nạn – Phục Sinh. Mầu nhiệm này được Đức Giêsu giới thiệu như là “giờ Con Người được tôn vinh”. Nhân dịp có những người ngoại giáo Hy Lạp đến tìm, những người có thiện cảm với Đức Giêsu cũng như các môn đệ của Người. Đức Giêsu không ra gặp Người Hy Lạp mà giới thiệu cho họ toàn bộ mầu nhiệm cao cả nhất của cuộc đời Ngài. Đó là hình ảnh mà Đức Giêsu muốn họ gặp gỡ. Đức Giêsu mạc khải cho họ về “sự tôn vinh” của Người. Ngạc nhiên thay, sự tôn vinh ấy lại được mạc khải qua một dụ ngôn diễn tả một quy luật tất yếu của đời thường. Ai cũng biết, một hạt lúa muốn nẩy mầm rồi sinh hoa trái thì hạt lúa ấy phải tiêu hủy và Thầyn biến hoàn toàn. Động từ “chết” được dùng cho hạt lúa mì, cũng là động từ được dùng cho Đức Giêsu. Đức Giêsu cũng sẽ chết đi để mang lại hoa trái ơn cứu độ cho Con Người. Đó là một điều tất yếu. Dụ ngôn hạt lúa mì với quy luật tự nhiên tất yếu đó lại được áp dụng cho tất cả phận người, không riêng gì ai. Nó đáng lưu tâm cho ai muốn có “sự sống đời đời”. Ai yêu mạng sống mình thì sẽ giết chết nó, còn ai ghét mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Quy luật này tương tự như quy luật được nói đến trong Tin Mừng Nhất Lãm: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất”, còn “ai liều mất mạng sống mình” vì Đức Giêsu và “vì Tin Mừng” thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Đức Giêsu muốn nói đến ơn gọi tử đạo của các tín hữu. Tử đạo không chỉ bằng cái chết, sự bách hại, nhưng còn bằng những hy sinh trong đời sống hằng ngày vì tình yêu dành cho Chúa và anh chị em đồng loại. Cái chết, cái mất mà Đức Giêsu muốn nói là cái chết của thân xác thể lý. Nhưng cái chết này có thể dẫn tới cái chết đời đời nếu người Thầy “tham sống sợ chết” mà làm trái đạo lý làm người, trái những điều Chúa dạy và không tin vào Đức Giêsu. Ngược lại, sự chết ấy sẽ mang lại sự sống đời đời cho cả thân xác thể lý và linh hồn bất tử nếu người Thầy dám hy sinh nó vì tình yêu và nguyên tắc làm người, làm con Chúa. Nói đến sự sống đời đời không chỉ nói đến sự bất tử cho bằng là chất lượng cuộc sống đời đời. Đó là hạnh phúc viên mãn với Chúa và với những người khác, trong đó có người thân bạn hữu. Trong thực tế lịch sử, khi đối diện với cuộc Khổ Nạn và cái chết Đức Giêsu cũng đã từng bồi hồi, xao xuyến và kinh sợ đến đổ mồ hôi máu.[26] Nếu như trong Tin Mừng Nhất Lãm Người xin Chúa Cha “cất chén này xa Người thì trong Tin Mừng Gioan, Người tự vấn rằng liệu Người có nên xin Chúa Cha “cứu” Người khỏi giờ này. Tuy nhiên, chọn lựa là như nhau. Cuối cùng Đức Giêsu đã chọn lựa thánh ý của Chúa Cha hơn là ý riêng mình, vì đó chính là “mục đích” mà Người đã đến thế gian. Lời cầu nguyện, cảm xúc lo sợ, ý Chúa Cha được thể hiện, tất cả đã diễn ra trong cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu. Sự vâng lời tuyệt đối cho đến chết và chết trên thập tự giá cũng là con đường đến sự tôn vinh của Đức Giêsu.[27] Nhiều nơi khác trong Tân Ước sự vinh quang vượt trên quyền lực thù ghét liên quan đến cái chết của Đức Kitô trên thâp giá (Cl 1,20 ; 2,14).[28] Sự tôn vinh của Đức Giêsu theo cách ấy cũng là sự tôn vinh dành cho Chúa Cha. Chúa Cha được tôn vinh nhờ vào sự vâng phục của Chúa Con. Nói cách khác, Chúa Cha đã không bị mất mặt khi đặt trọn tín thác sứ vụ cứu độ vào Thầyy Chúa Con. Sự tôn vinh của Chúa Con theo cách ấy cũng mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Khi Đức Giêsu được “nâng lên” thì “tất cả” được kéo lên cùng Người. Không phải Người kéo họ lên cây thập giá với Người nhưng đưa họ vào vinh quang với Người. Và muốn vào hưởng vinh quang với Người thì họ không thể tránh khỏi con đường thập tự, như cách Đức Giêsu áp dụng dụ ngôn “hạt lúa mì”: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ huy diệt nó, ai ghét mạng sống mình ở đời này thì bảo toàn được nó cho sự sống đời đời”. Dụ ngôn được áp dụng cụ thể cho người phục vụ Đức Giêsu. Người phục vụ Đức Giêsu được mời gọi “đi theo” Người. “Đi theo” có nghĩa thông thường là “làm môn đệ”. Tuy nhiên, trong bối cảnh trực tiếp này (ngay sau dụ ngôn hạt lúa mì), “đi theo” có nghĩa là đi vào cuộc khổ nạn với Đức Giêsu. Hành trình cuộc khổ nạn sẽ được kết thúc bằng sự tôn vinh. Mệnh đề “Thầy ở đâu, kẻ đi theo thầy cũng sẽ ở đó” diễn tả cả hai thực tại: (i) kẻ phục vụ Người sẽ ở trong cuộc khổ nạn với Người; (ii) kẻ phục vụ Người sẽ ở trong vinh quang với Người. Diễn từ của Đức Giêsu được bắt đầu bằng “sự tôn vinh” và kết thúc bằng “sự nâng lên” nhưng sự “nâng lên ấy” được tác giả giải thích là chết. Lúc Đức Giêsu được tôn vinh theo cách ấy cũng là lúc thế gian bị “tự xét xử”. “Thủ lãnh thế gian” bị trục xuất ra ngoài vì họ không tin vào Con Một Thiên Chúa. Thế gian ở đây gói gọn trong số những người chống đối và chối bỏ Đức Giêsu và con đường cứu độ của Người. Sự quy nhóm này cũng do sự chọn lựa của họ bởi lẽ ơn cứu độ của Con Người là ơn cứu độ phổ quát, dành cho tất cả mọi người, không chỉ riêng ai.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD.

 



[1] Động từ ἀποθνῄσκω có nghĩa là: hư đi, thối đi, khô đi (Cây cỏ); chết đi ngược lại với sống (người và động vật).

[2] ψυχή, ῆς trong tiếng Hy Lạp nghĩa là linh hồn bất tử, phần bên trong của thân xác. Nó cũng có nghĩa là sự sống mạng sống [F.W. Danker (ed.), A Greek-English lexicon of the New Testament and other early Christian literature (Chicago 32000) 1099].

[3] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes (AYB; New Haven – London 2008) XXIX, cxli.

[4] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII), XXIX, cxxxviii.

[5] R.W. Haenchen – R. W. Funk – U. Busse,  John. A commentary on the Gospel of John (Hermeneia CHCB; Philadelphia 1984) 96: R. Schnackenburg, Il Vangelo di Giovanni (seconda parte). Testo Greco e Traduzione, Commento au capp.5-12 di Rudolf Schnackenburg (CTNT: Brescia 1977) 634.

[6] G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 211.

[7] Danh sách 12 Tông đồ theo Tin Mừng Nhất Lãm. Mát-thêu: “đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người” (10,2-4) ; Mác-cô: “Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi, rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người” (3,16-19); Luca: “đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người” (6,2-4).

[8] Luca không nhắc đến tên An-rê trong nhóm các môn đệ đầu tiên, và câu chuyện Đức Giê-su gọi Phê-rô – Gio-cô-bê – Gioan cũng thú vị và kịch tính hơn hai tác giả còn lại.

[9] R. Schnackenburg, Il Vangelo di Giovanni, 634-635.

[10] Xem Joseph Phạm Duy Thạch, SVD, “Con trai của con người” trong HORIZON MISSIONARY: CHUYỆN TRÊN TRỜI DƯỚI ĐẤT (josephpham-horizon.blogspot.com) (truy cập ngày 16/03/2021).

[11] Giáo Hoàng Học Viện Pio X, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh (Tôn Giáo 2016) “Con Người”, 295-296.

[12] D.L. Bock, Dictionary of Jesus and the Gospels (ed. J.B. Green) (Downers Grove 2013) “Son of Man”, 894.

[13] Giáo Hoàng Học Viện Pio X, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, 299

[14] C.K. Barrett, The Gospel According to St. John. An Introduction with Commentary and Notes on Greek Text (Philadelphia 1978) 212.

[15] D.B. Wallace, Greek Grammar beyond the basics. An Exegetical syntax of the New Testament (Grand Rapids 1996) 573.

[17] G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 211.

[18] R.W. Haenchen – R. W. Funk – U. Busse,  John, 97.

[19] R. Schnackenburg, Il Vangelo di Giovanni, 641.

[20] Cả Mátthêu và Máccô đều cho biết là Đức Giê-su “buồn rầu xao xuyến”. Người tâm sự cùng với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26,37-38; Mc 14,33-34); Luca cũng ghi lại Đức Giê-su lâm vào cơn xao xuyến nhưng thêm vào cảnh Đức Giê-su đổ mồ hôi máu (Lc 22,44).

[21] C.K. Barrett, The Gospel According to St. John, 425.

[22] R.W. Haenchen – R. W. Funk – U. Busse, John. 98.

[23] F.J. Moloney, The Gospel of John (SP; Collegeville 2005) IV, 102.

[24] C.K. Barrett, The Gospel According to St. John, 214.

[25] R. Schnackenburg, Il Vangelo di Giovanni, 652.

[26] Xem thêm Lm. Jos Duy Thạch, « Điều Gì Làm Cho Đức Giê-su Đổ Mồ Hôi Máu ? » HORIZON MISSIONARY: ĐIỀU GÌ LÀM CHO ĐỨC GIÊ-SU “ĐỔ MỒ HÔI MÁU”? (josephpham-horizon.blogspot.com) (truy cập 18/03/2021).

[27] R. Schnackenburg, Il Vangelo di Giovanni, 652.

[28] H. Ridderbos, The Gospel of John. A Theological Commmentary (Grand Rapids 1991) 440.

No comments:

Post a Comment