Monday, 22 March 2021

CHÚA CHA ĐÃ BỎ RƠI CON MÌNH?! Chú Giải Mc 15,34

Chúa Nhật Lễ Lá năm B (Mc 14,1 – 15,47)

CHÚA CHA ĐÃ BỎ RƠI CON MÌNH?! Chú Giải Mc 15,34

Hy lạp

Việt

34  καὶ τῇ ἐνάτῃ ὥρᾳ ἐβόησεν ὁ Ἰησοῦς φωνῇ μεγάλῃ· ελωι ελωι λεμα σαβαχθανι; ὅ ἐστιν μεθερμηνευόμενον· ὁ θεός μου ὁ θεός μου, εἰς τί ἐγκατέλιπές με; (Mk. 15:34 BGT)

Và vào giờ thứ chín, Đức Giê-su hét lên với một tiếng lớn (kêu lớn tiếng): Ê-lo-i, Ê-lô-i, lê-ma sa-bác-ta-ni; điều có nghĩa là: “Chúa tôi, Chúa tôi, tại sao Ngài bỏ rơi tôi”

 

I.      Bối cảnh: Đây là câu nói của Đức Giê-su được trích ra từ trình thuật về cái chết của Đức Giê-su (Mc 15,33-39). Trước đó là cảnh Đức Giê-su bị những người qua lại nhục mạ, mỉa mai (Mc 15,29-32) và sau đó là cảnh những người phụ nữ hiện diện tại đồi Golgotha (bà Maria Mác-đa-la, Maria mẹ của Gia-cô-bê hậu và Giô-xét, và bà Sa-lô-mê Mc 15,40-41). Trong bối cảnh trực tiếp Mc 15,34 được dẫn đầu bởi sự giới thiệu về thời gian: Giờ thứ sau đến giờ thứ chín; và tình trạng của không gian: “bóng tối bao phủ quanh mặt đất”. Tiếp theo ngay sau Mc 15,34 là phản ứng có tính “hiểu lầm” của dân chúng; rồi, tiếp theo Đức Giê-su kêu lớn tiếng rồi tắt thở. Trình thuật về cái chết của Đức Giê-su được kết thúc bằng lời tuyên xưng của một viên đại đội trưởng: “quả thật người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,13-39).

II.   Cấu trúc: Câu văn tuy ngắn nhưng cũng bao gồm phần bối cảnh và phần cốt truyện. Bối cảnh giới thiệu về thời gian sự kiện. Cốt truyện chính là hành động “la lớn” (B1) và nội dung của lời “la lớn” ấy (B1’), cùng với câu chuyển dịch của lời “la lớn” (B1’’).

A. Bối cảnh thời gian: Giờ thứ chín

B. Cốt truyện:

B1. Hành động: La lớn tiếng

B1’. Nội dung câu la

B1’’. Giải thích câu la

III. Một số điểm chú giải:

3.1  Giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (12:00-03:00): Bóng tối bao phủ[1]: Câu văn bắt đầu bằng cụm trạng ngữ chỉ thời gian “vào giờ thứ chín” hay “tại giờ thứ chín”, nhưng giờ thứ chín này có nối kết chặt chẽ với giờ thứ sáu (Mc 15,33), và thậm chí là giờ thứ ba (Mc 15,25) được nói trước đó. Đó là một bối cảnh liên tục diễn tả khoảng thời gian Đức Giê-su ở trên thánh giá. Giờ thứ ba (khoảng 9h00) là giờ Đức Giê-su bị đóng đinh vào thập giá. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (12:00-03:00), “bóng tối” bao phủ toàn mặt đất. “ἐφ᾽ ὅλην (Mc 15:33) diễn tả một sự đen tối hoàn toàn, không còn một nơi nào có ánh sáng. Tính từ “ὅλην” có nghĩa là toàn thể, tất cả, hoàn toàn. “τὴν γῆν” là mặt đất, đối lại với trời cao (xem Mc 2,10; 9,3; 13,27.31). J.Donahue – D. Harrington cho rằng cách dùng “bóng tối” này của Mác-cô được soi sáng bởi sách ngôn sứ Amos: “trong ngày ấy ta sẽ làm cho mặt trời lặn xuống vào giữa trưa làm cho bóng tối trên mặt đất giữa lúc ngày đang sáng… ta sẽ làm cho đất này chịu tang như người ta chịu tang đứa con một và kết cục của nó như một ngày cay đắng” (Am 8,9-10).[2] Hay bóng tối này cũng có thể ám chỉ đến “ngày của Đức Chúa” đã được nói trong sách Joel: “ngày của Đức Chúa đang đến, một ngày của bóng tối và u ám, một ngày của những đám mây và bóng tối” (Ge 2,1-2).[3] Đây cũng có thể là thời điểm của bóng tối. Bóng tối cũng là một trong những biểu tượng của sự hổn mang của thế giới vào buổi tạo dựng. Khởi đầu của buổi tạo dựng, “bóng tối bao trùm vực thẳm” (St 1,2). Điều mà Thiên Chúa tạo dựng đầu tiên là ánh sáng. Thiên Chúa phán: “hãy có ánh sáng và liền có như vậy” và Thiên Chúa thấy “ánh sáng tốt đẹp” (St 1,3). Bóng tối đang bao trùm toàn thể mặt địa cầu đối lại với hoàng tử của ánh sáng đang bị treo trên thập giá. Tác giả Tin Mừng thứ tư cho chúng ta biết Đức Ki-tô là ánh sáng thế gian (Ga 8,12; 9,5). Người là ánh sáng thật chiếu soi mọi người (Ga 1,9; 3,19). Ánh sáng tượng trưng cho sự sống (Ga 1,4). Ngược lại, bóng tối là nơi diễn ra hình phạt chung cuộc: nơi những người “không mang y phục cưới” (Mt 22,13); và những kẻ lẽ ra được thừa kế nước trời, bị “quẳng ra ngoài và phải khóc lóc, nghiến răng” (Mt 8,12). Những kẻ bắt Đức Giê-su có giờ của họ và có “quyền lực của bóng tối” (Lc 22,53). Có sự nối kết giữa sự hấp hối của Đức Giê-su và bóng tối. Bóng tối bao phủ vì là giờ của quyền lực bóng tối. Hoàng tử ánh sáng, là Đức Giê-su sắp tắt thở nhưng bóng tối này sẽ không diệt được ánh sáng, như sẽ thấy vào đoạn kết của trình thuật này. Sự nối kết cái chết Đức Giê-su vào giờ thứ chín hay trong khoảng từ giờ thứ sau đến giờ thứ chín có thể là một ngôn ngữ biểu tượng. A.Collins – H. Attridge giải thích rằng, đây là thời gian của buổi chiều Tamid, sự hiến tế con chiên lần thứ hai hằng ngày trong đền thờ.[4] Như thế, cái chết của Đức Giê-su bao hàm một sự sát tế. J. Marcus còn ghi chú tính biểu tượng của bóng tối như là “bóng mờ” hay là cảnh vũ trụ bất trường trước cái chết của những con người vĩ đại như là Ju-li-a Xê-da. Hoặc nó như là cảnh Thiên Chúa hay là thiên nhiên đang khóc thương người tử nạn. Bóng tối siêu nhiên, vì thế, có thể là một trong những lý do mà vị đại đội trưởng thừa nhận Đức Giê-su là Con Chúa.[5]

3.2  Kêu lớn tiếng (ἐβόησεν ὁ Ἰησοῦς φωνῇ μεγάλῃ): Cách diễn tả này của Mác-cô thật lạ thường. Mác-cô dùng một động từ diễn tả sự nói lớn, hét to (βοάω). Chưa đủ, Mác-cô còn thêm một cụm từ dùng ở tặng cách, rất có thể là chỉ cách thức: “với một giọng to” (tiếng to). Mác-cô như muốn nhấn mạnh hành động này của Đức Giê-su hoặc muốn giải thích động từ “hét lên” có nghĩa là gì. Dù nghĩa nào đi nữa, hét to với một “giọng lớn” chắc chắn khiến cho không những những người chứng kiến mà còn độc giả phải chú ý. Tất cả họ sẽ bị cuốn vào lời “kêu lên” của Đức Giê-su. “Cụm từ” lớn tiếng này sẽ được lặp lại một lần nữa trước khi Đức Giê-su tắt thở (Mc 15,37)

3.3  “Chúa tôi, Chúa tôi”: Đức Giê-su kêu lên trong tiếng Aram,[6] là ngôn ngữ được sử dụng rộng khắp vùng đất Palestine thời đó. Đức Giê-su cũng nói tiếng Aram. Rất nhiều lần trong Tin Mừng, Mác-cô ghi lại Đức Giê-su dùng tiếng Aram (5,41; 7,34; 11,9.10; 14,36; 15,22). Những từ phổ biến như là: Ép-pha-ta, Áp-ba, Gôn-gô-tha. Mác-cô thường giải nghĩa bằng tiếng Hy Lạp ngay sau đó (Ép-pha-ta: Hãy mở ra, Áp-ba: Cha ơi!, Gôn-gô-tha: Cái sọ). Điều này chứng tỏ rằng, độc giả của Mác-cô có thể rành tiếng Hy-lạp hơn là tiếng Aram. Cách gọi “Thiên Chúa của tôi, Thiên Chúa của tôi” chỉ xuất hiện một lần trong toàn bộ các sách Tin Mừng nếu không kể đến Mt 27,46 trong cùng một tường thuật tương tự. Trong Tân Ước, cách gọi này chỉ dùng cho Đức Giê-su. Thế nhưng, đây là cách gọi phổ biến của các vịnh gia trong Cựu Ước khi cầu nguyện với các Thánh Vịnh (Tv 3,7; 4,1; 5,3.10; 7,2.4…).

4.4  “Bỏ Rơi”. Động từ “bỏ rơ” được dùng ở thì aorist (ἐγκατέλιπές) diễn tả một hành động đã diễn ra. Hành động bỏ rơi đã diễn ra, cho thấy Đức Giê-su đã cảm nghiệm sự bỏ rơi này có lẽ là bắt đầu từ lúc Người bị bắt. Động từ này cũng được dùng một lần duy nhất trong toàn thể Tân Ước với chủ ngữ là Thiên Chúa. Trong 2 Cr 4,9, thánh Phao-lô nói rằng: chúng tôi bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi. Động từ này ở thể thụ động có thể tác nhân của nó là Thiên Chúa. Hành động “bỏ rơi” đã xảy ra và Đức Giê-su muốn hỏi là tại sao? (εἰς τί). Câu hỏi này giống như một lời oán trách hơn là tìm hiểu lý do. Trước đó, Mác-cô đã cho biết một cuộc “bỏ rơi toàn tập” của các môn đệ: “Tất cả họ đều bỏ rơi Người và tẩu thoát”. Ly kỳ hơn, có một cậu thanh niên, theo Đức Giê-su, khi bị túm áo, cậu bỏ áo và chạy trần truồng” (Mc 14,50-52). Nơi đây, chính là đỉnh điểm của sự bỏ rơi.

Bình luận

Trong 3 tác giả Tin Mừng Nhất Lãm chỉ có Mác-cô và Mát-thêu ghi lại lời nói này của Đức Giê-su trước khi tắt thở: “Chúa tôi, Chúa tôi, tại sao Ngài bỏ rơi tôi”. Trong Tin Mừng Luca, người ta nghe Đức Giê-su nói rằng: “Lạy Cha! Con xin phó thác linh hồn con trong tay cha” (Lc 23,46). Đây là một thái độ vô cùng thanh thản và tích cực của Đức Giê-su khi đối diện với cái chết. Người gọi Thiên Chúa là cha và tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Một người con trao gửi linh hồn của mình cho người cha. Đoạn kết của cuộc khổ nạn, tức là lúc Đức Giê-su trút linh hồn của Lu-ca xem ra rất tích cực, dễ nhận thấy. Điều này có thế bắt nguồn từ cái nhìn của Luca về cuộc khổ nạn và mô hình mà ông đã chọn lựa để mô tả Đức Giê-su. Bắt đầu từ buổi cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu, Đức Giê-su dù đã cầu nguyện thống thiết đến mức đổ mồ hôi máu, nhưng Người đã có “một thiên thần từ trời đến để tăng sức cho Người” (Lc 22,43). Chi tiết này không hề có trong cùng một trình thuật của Mát-thêu và Mác-cô. Nơi trình thuật của Lu-ca người ta tìm thấy đến 2 lần Phi-la-tô “không tìm thấy bằng chứng nào để kết tội Đức Giê-su” (Lc 23,4.14). Hơn nữa, Phi-la-tô cũng xác nhận rằng vua Hê-rô-đê cũng không tìm thấy tội gì để kết án Đức Giê-su (Lc 23,15). Phi-la-tô dự định đánh đòn và thả Đức Giê-su ra (Lc 23,16). Nghĩa là Phi-la-tô muốn tuyên bố rằng Đức Giê-su vô tội trước sự kết án cay nghiệt của các thượng tế và lãnh đạo Do Thái. Chưa hết, ngay cả một tên tội phạm, kẻ bị đóng đinh cùng với Đức Giê-su cũng nhận ra Người vô tội và lên tiếng biện hộ cho Người trước tên tội phạm còn lại: “chúng ta xứng đáng như vậy, vì chúng ta nhận án phạt xứng với những việc chúng ta làm, còn ông này không làm gì sai cả” (Lc 23,41). Còn nữa, sau khi Đức Giê-su tắt thở rồi, viên đại đội trưởng, một người ngoại giáo, lại tuyên xưng, xác nhận rằng: “chắc chắn người đàn ông này là một người công chính” (Lc 23,47). Tất cả những chi tiết này chỉ có trong Tin Mừng Lu-ca. Điều đó cho thấy rằng Luca xây dựng một mô hình hành trình thương khó của một vị ngôn sứ vô tội. Vị ngôn sứ này được hầu như tất cả mọi thành phần dân chúng minh chứng cho sự vô tội của mình, từ vua Chúa quan quyền, cho đến dân ngoại, ngay cả Thiên Chúa cũng gửi sứ thần đến để tăng sức cho Người. Có lẽ chính vì thế mà chặng cuối của con đường Thương Khó này phải được kết thúc trong niềm tin tưởng phó thác vào Chúa Cha: “lạy Cha! Con xin phó linh hồn con trong tay cha”. Theo mô hình của Luca, Đức Giê-su dường như bị xử oan, bị kết án oan, nhưng tất cả các độc giả, cùng với Phi-la-tô, Hê-rô-đê, và viên đại đội trưởng đều hiểu rằng: Đức Giê-su vô tội. Người được minh chứng là vô tội trước khi chết và sau khi chết. cái chết của Người chỉ là một kết cục của một chọn lựa yêu thương, và mang giá trị cứu chuộc: “chén này là Giao Ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20).

Vấn đề đặt ra là tại sao Mác-cô và Mát-thêu lại ghi lại lời kêu than của Đức Giê-su như thế. Người không xưng với Thiên Chúa là cha mà cũng không có một sự tín thác nào vào tay Chúa Cha như Lu-ca ghi lại. Người hấp hối bằng hai tiếng kêu lớn. Tiếng kêu thứ hai vang lên ngay trước lúc Người tắt thở và tiếng kêu đầu tiên như một lời oánh trách sự bỏ rơi của Chúa Cha. Phải hiểu thế nào về lời kêu lớn tiếng này. Đức Giê-su oán trách Chúa Cha?

Để hiểu “lời oán trách” này của Đức Giê-su ta lại phải đọc lại, rà lại một mô hình phác họa Đấng Mê-si-ah của Mác-cô, và (có thể cũng là của Mát-thêu). Đó là một Đấng Mê-si-a không tìm vinh quang và sự an ủi nơi những người trần thế. Các chuyên gia Thánh Kinh thường nói đến đặc tính “bí mật Mê-si-a” trong Tin Mừng Mác-cô.[7] Ví dụ rõ nét nhất và quan trọng nhất về bí mật mê-si-a là lệnh “im lặng”, được ban ra ngay sau lời tuyên xưng của Phê-rô trong 8,30: “Nhưng Người cấm các ông không được nói với ai về Người”. Trước đó, nhiều lần lệnh cấm tiết lộ căn tính cũng được Đức Giê-su đưa ra dành cho quỷ (Mc 1,25.34; 3,12). Cũng thế, Người thường cấm những người được chữa lành tiết lộ về Người và phép lạ: người phong cùi (Mc 1,44); nhưng người chứng kiến phép lạ chữa lành con gái ông Giai-rô (Mc 7,36). Người cũng cấm 3 môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan tiết lộ về “cuộc biến hình” trước khi Người sống lại (Mc 9,9). Tin Mừng Mác-cô cũng ghi lại nhiều lần Đức Giê-su lánh khỏi đám đông khi họ bị thu hút bởi dấu lạ (6,31; 7,24; 9,30). Có nhiều hướng lý giải cho bí mật Mê-si-a này. Tuy nhiên, một trong những cách lý giải không thể thiếu, đó là, Đức Giê-su không muốn dân chúng biết đến Người chỉ ở “khía cạnh vinh quang” mà thôi. Ngoài bí mật Mê-si-a, độc giả lại không thể bỏ qua “sự ngược ngạo, tréo nghoe” trong cách các môn đệ đón nhận mầu nhiệm Khổ Nạn. Tin Mừng Mác-cô ghi lại đến 3 lần, trong 3 chương liên tục, sự kiện Đức Giê-su loan báo về cuộc Khổ Nạn của Người: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31). Nghịch lý thay, cứ sau mỗi lần Đức Giê-su tiền báo như thế là một phản ứng ngược đời của các môn đệ được kể lại. Sau lần tiền báo thứ nhất (Mc 8,31), Phê-rô liền kéo Người ra và bắt đầu trách Người. Đức Giê-su buộc lòng phải gọi Phê-rô là: “Xa-tan, lùi lại đằng sau Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33). Vị tông đồ trưởng không sao “nuốt trôi” được thông tin Thầy sẽ bị giết. Sau lần tiền báo lần thứ hai (Mc 9,31), Mác-cô ghi chú rằng “nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người” (Mc 9,32). Không những thế, các ông lại chỉ bận tâm tranh cãi với nhau xem, “ai là người lớn nhất” (Mc 9,34). Thầy thì nói về cái chết của Thầy, trò thì bàn về địa vị và chức tước. Sau lần tiền báo thứ ba (10,33-34), hai người con của ông Dê-bê-đê là Gioan và Gia-cô-bê, đến xin “một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10,36). Thầy thì nói về sự tự hạ và cái chết, trò thì nghĩ đến chiếc ghế quyền lực. Trong tâm thế, tâm thức như thế, các môn đệ đã chuẩn bị cho “cuộc bỏ chạy toàn tập” khi Đức Giê-su, thầy của họ bị bắt (Mc 14,50-52). Xem ra, Mác-cô đang xây dựng mô hình một vị ngôn sự bị bỏ rơi, bị hiểu lầm. Ngay cả những môn đệ thân tín của Người cũng không hiểu Người và hiểu lầm về Mầu Nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh của Người.[8] Trong dòng tư tưởng đó, độc giả có thể hiểu tại sao Mác-cô lại kết thúc cuộc Khổ Nạn của Đức Giê-su bằng hai tiếng kêu và một lời than vãn như thế. Đó có phải là một lời than trách, phàn nàn? Lời kêu lên này có biểu lộ một sự tuyệt vọng? Có chăng một sự tín thác trong lời cầu nguyện này? Những câu trả lời cho các câu hỏi tương ứng là: Câu hỏi thứ nhất: Có; Câu hỏi thứ hai: Không; Câu hỏi thứ ba: Có (tóm lại: Có – không – có). Câu trả lời thứ nhất là “có” vì rõ ràng trong lời nói của Đức Giê-su ẩn chứa một sự phàn nàn. Đừng ngạc nhiên! Bởi đây chính là cung cách cầu nguyện rất bình thường của người Do Thái. Trong bộ 150 Thánh Vịnh và có một loại Thánh Vịnh được gọi là Thánh Vịnh “phàn nàn” (kêu trách ỉ ôi). Và lời kêu than của Đức Giê-su được trích ra từ Thánh Vịnh 22. Chính xác là đoạn đầu tiên của của câu đầu tiên trong Thánh Vịnh này. Theo ý kiến của W. Brueggeman – W.Bellingger, đây là một thánh vịnh “phàn nàn” nổi tiếng nhất đối với các ki-tô hữu.[9] Thánh Vịnh này ghi lại lời cầu nguyện của những người công chính cách riêng, và toàn dân Ít-ra-en nói chung, trong cơn bách hại. Rõ ràng, không thể chối từ rằng Đức Giê-su trong giây phút cùng cực nhất của cuộc đời mình đã kêu lên cùng Thiên Chúa cha, lời cầu nguyện mà dân Người đã quen sử dụng. Tuy nhiên phàn nàn không có nghĩa là tuyệt vọng, bởi nếu tuyệt vọng thì Người đã không còn cầu nguyện nữa. Người không gọi “Cha” mà gọi Chúa, bởi đó là lời nguyên văn của Thánh Vịnh 22 mà có lẽ Người đã thuộc từ thuở nhỏ. Lời cầu nguyện ấy bắt đầu thế này: “Chúa tôi ơi! Chúa tôi ơi, sao Ngài đành bỏ tôi? Sao Ngài ở xa khỏi sự cứu độ tôi, xa khỏi lời tôi than vãn” (Tv 22,1). Thánh Vịnh này rất gần gũi với bối cảnh của cuộc Thương Khó. Vịnh gia cũng bộc lộ sự chê cười của người khác: “thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dễ duôi, thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu môi buông lời mĩa mai”; “nó cậy Chúa, mặc Người cứu nó, Người có thương, giải gỡ đi nào” (Tv 22,7-9). Những tư tưởng này rất giống với cảnh Đức Giê-su bị người qua kẻ lại nhục mạ, mĩa mai trên cây thập tự (Mt 27,37-44; Mc 15,26-32; Lc 23,35-38). Khi cầu nguyện với Thánh Vịnh này Đức Giê-su, phía sau lời phàn nàn, Đức Giê-su cho thấy một niềm tín thác một cách tuyệt đối vào Thiên Chúa. Quả thế, Thánh Vịnh này được kết thúc bằng những lời ca tụng và tín thác vào Chúa: “Chúa là sức mạnh con nương náu, cứu mau, lạy Chúa, … hỡi những người kính sợ Chúa, hãy tụng ca danh Người,… bởi Chúa chẳng coi thường, chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ, cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ nhưng đã thương nghe lời cầu cứu… con cháu tôi sẽ phụng sự Người, Thiên hạ sẽ nói về Đức Chúa cho thế hệ tương lai, truyền tụng cho con cháu đức công chính của Người, rằng: “Đức Chúa làm như vậy” (Tv 22.20-32). W. Brueggeman - W. Bellingger đề nghị đọc cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giê-su với toàn bộ Thánh Vịnh này trong đó Tv 22,1-21a (phần than vãn) như là toàn cảnh của sự thương khó – đóng đinh và Tv 22, 21b-31 (phần tín thác và ca tụng) như là sự chuyển dịch từ “bị kịch” đến sự phục sinh của Đức Giê-su.[10] Mô hình “người công chính chịu đau khổ và bị giết” trong truyền thống Thánh Vịnh đã phần nào khắc họa hình ảnh cầu nguyện có vẻ tuyệt vọng của Đức Giê-su. A.Y. Collins – H.W. Attridge  cho rằng người tuyệt vọng sẽ không nói gì nữa, trong khi Đức Giê-su nói. Dầu cho lời nói của Người đau đớn, kêu than, nó vẫn là một lời kêu cầu trợ giúp.[11] Thực ra, Người không hề tuyệt vọng, nhưng người cho thấy một sự tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Qua tiếng kêu ấy, độc giả cảm nhận được rằng, Người thật sự đau khổ đến tột cùng, đau đớn đến tột cùng. Bởi lẽ, còn nỗi đau nào hơn nỗi đau khi cảm giác mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Nhưng niềm tin tưởng phó thác, đã giúp Người tiếp tục nguyện cầu cho đến hơi thở cuối cùng. Người chấp nhận đi cuối con đường thập tự, khổ giá mà Người đã tiền báo 3 lần trước đó với các môn đệ. Người chấp nhận ngay cả khi phải đi một mình. 

Trình thuật về cảnh cái chết trên thập giá của Đức Giê-su, hay cái chết của Đức Giê-su trong lời kêu van như thế, đã đưa đến một kết quả mỹ mãn. Kết quả mỹ mãn đó thể hiện quan hai dấu hiệu: (1) Bức màn trong Đền Thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới (Mc 15,38); (2) Lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng (Mc 15,39). Bức màn này có thể là bức màn nơi ngăn cách giữa "nơi cực thánh" với bên ngoài. Nơi Cực Thánh là nơi có Hòm Bia Thiên Chúa, nơi mà chỉ có vị thượng tế mới được bước vào mỗi năm một lần để dâng của Lễ đền tội cho dân chúng. Từ nay, bức màn ấy đã được xé ra, sự ngăn cách đã được dỡ bỏ và tất cả mọi thành phần dân chúng đều có thể đến với Chúa. Đức Giê-su chính là vị thượng tế cao cả đã dâng máu mình để nối kết đất với trời. Cây thập giá nơi treo thân xác của Người đã nối Chúa với dân của Người. Mọi thành phần dân chúng từ đây đều có thể đến với Chúa nhờ cái chết của Đức Giê-su. Bằng chứng đầu tiên là người dân ngoại tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng: “quả thật Người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39) quả thật là cái kết đẹp cho hành trình Thương Khó của vị ngôn sứ đau khổ, Đức Giê-su. Nếu như trình thuật về cái chết của Đức Giê-su trong Tin Mừng Luca chỉ dừng lại ở lời chứng nhận: “quả thật người đàn ông này là một người công chính” (Lc 23, 47), Mác-cô và Mát-thêu vươn đến việc xác định thần tính của Đức Giê-su: “Con Thiên Chúa”. Đây là một cái nhìn có chiều sâu trên cả tuyệt vời. Trong bóng tối dày đặc của “bóng tối bao phủ khắp mặt đất” vẫn có một người dân ngoại, kẻ đã góp phần hành hình Đức Giê-su, nhìn thấy một ánh sáng thật, ánh sáng Con Thiên Chúa. A.Y. Collins – H.W. Attridge bình luận rằng: “Nhóm những người đứng đó, những người nghĩ rằng Đức Giê-su gọi ông Ê-li-a, thấy và nghe, nhưng không phải với “bên trong”, trong khi đó “người đại đội trưởng, thấy và nghe “bên trong”, đi vào ý nghĩa của sự đau khổ và căn tính của Đức Giê-su.[12] “Bóng tối”, trong đó Đức Giê-su đã chết là biểu tượng cho cảnh hỗn mang của buổi tạo dựng và từ đó Đức Chúa sẽ thực hiện một cuộc tạo thành mới khi cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết. J. Marcus cho rằng “bóng tối” cho thấy rằng cái chết của Đức Giê-su là một điểm chuyển trong lịch sử cứu độ. Marcus muốn nói đến khía cạnh cánh chung của bóng tối đã nói đến trong Mc 13,24, hay trong sách Khải Huyền (8,12; 9,2; 16,10). Cách giải thích mang tính cánh chung ấy được hỗ trợ bằng những bản văn Cựu Ước (Am 8,9-10).[13] Bóng tối như thế, cũng là lúc Thiên Chúa xét xử thế gian và mang lại sự hồi sinh cho những người sống tốt lành.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Thánh Vịnh 22[14]

Gặp đau khổ, người lành cầu cứu, và ĐỨC CHÚA đã nhậm lời

1 Phần nhạc trưởng. Điệu “Con nai hừng đông” Thánh vịnh. Của vua Đa-vít.

2 Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời!

3 Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên.

4 Thế nhưng Chúa ngự nơi đền, vinh quang của Ít-ra-en là Ngài.

5 Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa, họ cậy trông, Ngài đã độ trì,

6 van nài liền được cứu nguy, đã không thất vọng mỗi khi cậy Ngài.

7 Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi,

8 thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai:

9 “Nó cậy CHÚA, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!”

10 Đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn.

11 Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh.

12 Xa con Ngài đứng sao đành, nguy hiểm bên mình không kẻ giúp cho.

13 Quanh con cả đàn bò bao kín, thú Ba-san ùa đến bủa vây:

14 Há mồm đe dọa gớm thay, khác nào sư tử xé thây vang gầm.

15 Tưởng mình như tan dần ra nước, toàn thân con xương cốt rã rời, con tim đau đớn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan.

16 Nghe cổ họng khô ran như ngói, lưỡi với hàm dính lại cùng nhau, chốn tử vong Chúa đặt vào;

17 quanh con bầy chó đã bao chặt rồi. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay,

18 xương con đếm được vắn dài; chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem.

19 Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn.

20 Chúa là sức mạnh con nương, cứu mau, lạy CHÚA, xin đừng đứng xa.

21 Xin cứu mạng khỏi sa lưỡi kiếm, gỡ thân con thoát miệng chó rừng,

22 khỏi nanh sư tử hãi hùng, phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên.

23 Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương.

24 Hỡi những ai kính sợ ĐỨC CHÚA, hãy ca tụng Người đi! Hỡi toàn thể giống nòi Gia-cóp, nào hãy tôn vinh Người! Dòng dõi Ít-ra-en tất cả, nào một dạ khiếp oai!

25 Bởi vì Chúa đã chẳng coi thường, chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ, cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng đã thương nghe lời cầu cứu.

26 Chịu ơn Người, tôi dâng lời ca tụng, ngày đại hội toàn dân. Điều khấn nguyền, tôi xin giữ trọn trước mặt những ai kính sợ Người.

27 Kẻ nghèo hèn được ăn uống thỏa thuê, người tìm CHÚA sẽ dâng lời ca tụng. Cầu chúc họ vui sống ngàn đời.

28 Toàn thế giới, muôn người nhớ lại và trở về cùng CHÚA. Mọi dân tộc dưới trần phủ phục trước Tôn Nhan.

29 Bởi vì CHÚA nắm quyền vương đế, Người thống trị chư dân.

30 Mọi kẻ ngủ yên trong lòng đất sẽ đều bái lạy một mình Người, phàm những ai trở về cát bụi sẽ cùng phủ phục trước Thánh Nhan. Phần tôi, nguyện sẽ sống cho Chúa,

31 con cháu tôi sẽ phụng sự Người. Thiên hạ sẽ nói về ĐỨC CHÚA cho thế hệ tương lai,

32 truyền tụng cho hậu sinh đức công chính của Người, rằng: “ĐỨC CHÚA đã làm như vậy!”



[1] Tường thuật của Mác-cô về cuộc khổ nạn được chia “làm tiến trình 3 giờ”: Đức Giê-su trước quan tòa Phi-la-tô vào lúc tảng sáng khoảng 6:00 (Mc 15,1); Đức Giê-su bị đóng đinh vào giờ thứ ba, khoảng 9:00 (Mc 15,25); vào giờ thứ sáu tức là giữa trưa (12:00), bóng tối bao phủ khắp mặt đất; vào lúc 3:00 Đức Giê-su chết (Mc 15,34); và vào lúc 6:00 chiều, Đức Giê-su được mai tang (Mc 15,42) [J.R.Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 442, 447].

[2] Ibid.

[3] J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) 27A, 1054.

[4] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 752.

[5] J. Marcus, Mark 1–8,1061.

[6] אֱלָהִי אֱלָהִי לְמָה שְׁבַקְתַּנִי

 [7] Xem J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 27-29.

[8] Xem thêm, Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, “Kẻ Cô Đơn trên Con Đường Thập Tự”, http://josephpham-horizon.blogspot.com/2013/03/ke-co-on-tren-conuong-thap-tu-jos.html (truy cập 23/03/2021).

[9]W. BRUEGGEMANN – W. H. BELLINGER, Psalms (NCBC; New York 2014) 113.

[10] W. BRUEGGEMANN – W. H. BELLINGER, Psalms, 121.

[11] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 755.

[12] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 766.

[13] J. Marcus, Mark 1–8,1062.

[14] Bản Việt Ngữ của nhóm CGKPV

 


 

No comments:

Post a Comment