Thursday, 18 March 2021

SỰ CÔNG CHÍNH CỦA THÁNH GIUSE. Chú Giải Mt 1,19

 SỰ CÔNG CHÍNH CỦA THÁNH GIUSE. Chú Giải Mt 1,19

Hy lạp

Việt

Ἰωσὴφ δὲ ὁ ἀνὴρ αὐτῆς, δίκαιος ὢν καὶ μὴ θέλων αὐτὴν δειγματίσαι, ἐβουλήθη λάθρᾳ ἀπολῦσαι αὐτήν.

Giuse chồng của cô, dù là một người công chính, nhưng không muốn làm mất mặt cô, định tâm để cô ra đi[1] một cách kín đáo.

 

I.      Bối cảnh

Mt 1,19 nằm trong tường thuật về mầu nhiệm thụ thai của Đức Giê-su Mt 1,18-25. Đây là câu bình giải của người thuật chuyện về phản ứng của thánh Giuse trước biến cố lạ lùng trọng đại xảy ra cho hiền thê đính hôn của mình. Trước đó độc giả đã biết là Đức Maria đã đính hôn với thánh Giuse. Họ chưa chung sống với nhau vì theo tục lệ thì năm đính hôn hai người vẫn ở hai nhà khác nhau. Rồi, thình lình Đức Maria đã mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Biết vậy, thánh Giuse đã nghĩ là sẽ để cho Đức Maria được tự do một cách kín đáo. Chuyện xảy ra sau đó thì độc giả cũng đã biết: sứ thần can thiệp, thánh Giuse đã nghĩ lại, và làm theo lời sứ thần hướng dẫn. Trong khuôn khổ bài viết này tác giả chỉ muốn bàn về sự “công chính” của thánh Giuse mà thôi.

II.   Cấu trúc:

A. Tương quan của Giuse với Maria: Chồng

B. Phẩm tính của Giuse: Một người công chính

C. Hai hành động của thánh Giuse:

C.1 Không muốn làm mất mặt cô cách công khai

C.2 Muốn để Đức Maria ra đi một cách kín đáo.

III. Một số điểm chú giải

1.     ὁ ἀνὴρ αὐτῆς (chồng của cô): Theo nghĩa đen, cụm danh từ này là “người đàn ông của cô ấy”. Thánh Giuse được giới thiệu trong sự ràng buộc với Đức Maria. Trước đó, tác giả đã cho biết Đức Maria đã đính hôn với thánh Giuse (1,18) (μνηστευθείσης). Nơi đây, tác giả gọi Giuse là “người đàn ông của” Đức Maria. Nghĩa là, dầu mới đính hôn nhưng ông cũng được gọi là chồng rồi. Nên nhớ thêm, đây là câu chuyện về Đức Giê-su. Đức Giê-su mới là nhân vật chính. Giuse và Maria chỉ là những “kép phụ” mà thôi. Đức Maria cũng được giới thiệu trong tư thế phụ thuộc vào Đức Giê-su. Chúng ta thấy rõ điều đó trong câu giới thiệu: “sau đây là sự sinh hạ (hay là gốc tích) của Đức Giê-su”. Đức Maria được giới thiệu là “Maria, Mẹ của Người”. Maria gắn với Đức Giê-su, Đấng Ki-tô (Giê-su Ki-tô). Giu-se không được phúc gắn kết trực tiếp với Đức Giê-su. Ông phải được gắn kết với Đức Giê-su thì mới được đưa tên vô đây. Và ông được gắn kết với Đức Giê-su nhờ vào thế giá hoàng gia của ông. Ông là “con cháu vua Đavít” (1,20). Tại sao thế giá hoàng gia “hết thời” này lại có giá như thế? Thưa! Vì Đức Giê-su, Đấng Ki-tô phải được sinh ra trong hoàng tộc vua Đa-vít. Sách Samuel quyển thứ 2, chương 7 (bài đọc I, Lễ Thánh Giuse) đã nhắc lại điều ấy. Vậy là đã rõ, Giuse phải là cha nuôi của Đức Giê-su. Nhưng phải gắn kết theo đường nào đây. Thưa! Ông gắn kết với Đức Giê-su qua Đức Maria. Điều này đã được Mát-thêu xếp đặt trong trình thuật về “gia phả của Đức Giê-su, Đấng Ki-tô”: “Gia-cóp là cha của Giuse, chồng của Maria, Mẹ của Đức Giê-su, được gọi là Đấng Ki-tô” (1,16). Gia-cóp này nếu truy nguồn gốc sẽ về đến vua Đa-vít. Rồi, Maria nối kết với Giê-su với vai trò làm Mẹ, thánh Giuse nối kết với Đức Giê-su qua vai trò là chồng của Đức Maria. Ông trở thành cha nuôi của Đức Giê-su và làm cho Đức Giê-su thuộc “dòng dõi” hoàng tộc Đa-vít.

2.     δίκαιος ὢν καὶ (vì là một người công chính nên… dẫu là một người công chính nhưng…): liên từ “καὶ” (nhưng, và) và động từ eimi ở thể hiện tại phân từ “ὢν” (being) là hai yếu tố mấu chốt trong việc chú giải về “sự công chính” của thánh Giuse. Nếu chúng ta hiểu “καὶ” là “nhưng” thì “δίκαιος” (sự công chính) của thánh Giuse là công chính theo lối giữ Lề Luật. Luca cho chúng ta biết rằng: Cả Da-ca-ria và bà Anna, “đều là người công chính trước mặt Chúa, sống đúng với mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì” (Lc 1,6). Như thế công chính là sống đúng với điều răn và lề luật Chúa. Vậy, sự công chính của Giuse là phải giữ Lề Luật phải tố cáo, đưa vụ việc ra xét xử theo Luật Cựu Ước (Đnl 22,20-21), “nhưng” ông không muốn làm mất mặt cô. Và khi đó cụm động tính từ “δίκαιος ὢν” có thể được dịch rằng: “dẫu/tuy là người công chính”. Cả câu sẽ là: “dẫu/tuy là người công chính… nhưng ông không muốn làm mất mặt cô”. Trong trường hợp này, chúng ta thấy được, quyết định của thánh Giuse vượt quá sự công chính theo lối “giữa Lề Luật”. Quyết định không tố giác người bạn đời biểu lộ lòng xót thương và sự hiền lành trong con người của thánh Giuse. Sự công chính này nên được soi trong ánh sáng lời mời gọi của Đức Giê-su dành cho các môn đệ: “nếu anh em không ăn ở công chính hơn những người kinh sư và những người Pha-ri-sêu thì chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Sự công chính của các kinh sư và những người Pha-ri-sêu có thể là sự công chính của những người “giữ Lề Luật” một cách cứng nhắc, nhưng lại sống “giả hình” (Mt 23,1-32). Sự công chính của thánh Giuse rõ ràng đạt đến cảnh giới Đức Giê-su mời gọi và là gương mẫu lý tưởng cho các môn đệ. Trường hợp thứ hai, liên từ “καὶ” được hiểu là “và”. Khi đó, sự công chính của thánh Giuse được định hình, quy định theo hành động phía sau đó. Trong trường hợp này, cụm tính từ “δίκαιος ὢν” có thể dịch theo nghĩa nguyên nhân (vì là một người công chính). Cả câu sẽ trở thành: “ Giuse, chồng của cô, là người công chính, nên ông không muốn làm mất mặt cô, mà quyết định để cô ra đi một cách âm thầm”. Như thế, sự “công chính” của thánh Giuse là biểu hiện của lòng thương người, lo lắng cho người bạn đời của mình. Cũng có thể, thánh Giuse tin tưởng vào Đức Maria và ngầm hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa đang thực hiện trên cuộc đời cô, nên ông đành rút lui. Có thể, Đức Maria đã có dịp tâm sự với thánh Giuse về mầu nhiệm này. Vợ chồng tâm sự những chuyện trọng đại như thế với nhau là chuyện thường. Sự công chính này còn là sự công chính của lòng tin và tôn trọng ý định của Thiên Chúa. Khi sứ thần gặp thánh Giuse “trong giấc mơ” có khích lệ rằng: “Giuse con vua Đa-vít, đừng sợ đón Maria, vợ ông về”. “Nỗi sợ này” có thể là nỗi kính sợ “mầu nhiệm của Chúa” trên cuộc đời vị nương tử yêu dấu.

3.     μὴ θέλων αὐτὴν δειγματίσαι (không muốn làm mất mặt một cách công khai): Ở đây, độc giả lại đối diện với một cách dùng hiện tại phân từ khác của động từ “muốn” (desiring, wishing). Đây là một mệnh đề phụ, mệnh đề gồm một hiện tại phân từ và một động từ nguyên mẫu (muốn + làm mất mặt). Mệnh đề này có thể được hiểu là mệnh đề chỉ nguyên nhân: “vì ông không muốn làm mất mặt cô một cách công khai”. Mệnh đề chính sẽ là “nên ông đã muốn để cho cô ấy ra đi một cách kín đáo”.

4.     ἐβουλήθη λάθρᾳ ἀπολῦσαι αὐτήν (ông đã ao ước để cô ra đi một cách kín đáo): Mệnh đề chính này gồm một động từ chính và một động từ nguyên mẫu (mong ước/quyết định + để cô ấy ra đi). Chúng ta thấy cấu trúc của câu này rất chặt chẽ và tương tự nhau. Một mệnh đề phụ được nói đến ở phần (3.) và mệnh đề chính đang nói ở đây. Cả hai mệnh đề đều có một động từ muốn (ao ước) và một động từ nguyên mẫu. Chưa hết, nếu động từ nguyên mẫu ở mệnh đề phụ (δειγματίσαι) có ẩn chứa sự công khai (làm mất mặt cách công khai), thì động từ nguyên mẫu của mệnh đề chính lại đi kèm một trạng từ chỉ sự “bí mật” (λάθρᾳ):

      ông không muốn làm mất mặt cô một cách công khai

nên ông muốn để cô ra đi một cách kín đáo”.

      Hai hành động, một khẳng định và một phủ định, bắt nguồn từ một động từ chỉ ý muốn, ao ước, diễn tả sự công chính của thánh Giuse một cách rõ ràng chặt chẽ. Ông “không muốn” để rồi “ông muốn”. Ông thay hành động “không muốn” làm tổn thương người khác bằng hành động “ông muốn” mang lại tự do cho người bạn đời. Nói cao hơn một tý, ông “không muốn” thực hiện theo cảm xúc, toan tính của riêng ông, để rồi ông “muốn” hoàn toàn theo ý Chúa.


IV. Bình luận

Thánh Giuse bước vào cuộc đời Đức Giê-su qua trung gian người bạn đời là Đức Maria. Dòng máu hoàng tộc của Người quả là cần thiết để người con nuôi của ông, Đức Giê-su Ki-tô, có nguồn gốc hoàng tộc Đa-vít. Bỡi lẽ, “lời của Chúa” trong sách Samuel (2 Sm 7) đã loan tin là từ “một người do chính ngươi sinh ra, ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền… đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con… nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ bền vững muôn đến muôn đời, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời”. Do vậy, sự kết nối của Đức Giê-su với thánh Giuse là rất cần thiết. Tuy nhiên, thánh Giuse cũng cho thấy rằng ông không chỉ là có danh “thuộc hoàng tộc vua Đa-vít” thuộc kiểu ăn ké danh hiệu CÔCC. Ông chứng tỏ rằng ông xứng đáng cho sứ vụ này. Có vô vàn phẩm tính không thể kể hết của thánh Giuse. Riêng trong Tông Thư “Patris Corde”, được ban nhân dịp mở năm thánh kính thánh Giuse (08/12/2020 – 08/12/2021), người ta đã tìm thấy ít nhất 7 phẩm tính của ông:[2] (1) Người cha yêu dấu; (2) Người cha ân cần; (3) Người cha vâng phục; (4) Người cha đón rước; (5) Người cha can đảm sáng tạo; (6) Người cha lao động; (7) Người cha bóng mát. Trong đoạn Tin Mừng Mt 1,18-25, nói về nguồn gốc sinh hạ của Đức Giê-su, độc giả cũng dễ nhìn thấy nhiều phẩm tính như: Người đàn chồng trong sạch, hiền lành, cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa, can đảm dấn thân, vâng phục. Đặc biệt, trong Mt 1,19 chúng ta đã khám phá ra nét đẹp của sự công chính của ông. Đó là một sự công chính lý tưởng “vượt trên sự công chính của những kinh sư và những người Pha-ri-sêu”. Nghĩa là, một sự công chính đầy lòng thương xót và sự linh động chứ không chỉ cứng nhắc của Lề Luật. Đó là sự công chính của một người luôn biết nghĩ cho người khác, tôn trọng người khác. Đó còn là sự công chính của một người hiền lành, điềm tĩnh. Đó cũng có thể là sự công chính của người đọc thấy ý Chúa, tôn trọng kế hoạch của Chúa trên người bạn đời của mình. Sự công chính của thánh Giuse trong bối cảnh Mt 1,18-25, có thể là tổng hợp của các đặc tính trước, trong và sau câu Mt 1,19. Nghĩa là, sự công chính ấy bao gồm sự khiết trinh thể hiện trong việc không đụng chạm xác thịt với người bạn đời xinh đẹp cả trước khi về chung sống và sau khi về chung sống. Đó là một sự khiết trinh tuyệt đối và trọn vẹn. Sự công chính này cũng không loại trừ lòng can đảm, dám đón nhận Đức Maria trong tình trạng như thế, và cưu mang cả cuộc đời. Sự can đảm ấy khởi sự trong quyết định ở đây nhưng được kéo dài đến cuối cuộc đời. Sự công chính công chính ấy còn bao hàm cả việc “lắng nghe Lời Chúa” và “đem ra thực hành”, “thi hành ý muốn Chúa Cha” (Lc 11,27-27; Mt 7,21). Có thể nói rằng, thánh Giuse trở thành người thân, cha của Đức Giê-su không chỉ nhờ vào tương quan phu thê với Đức Maria nhưng trên hết là nhờ vào khả năng “lắng nghe” và “thực hiện” Lời Chúa. Ông có khả năng “nghe” Chúa nói ngay cả lúc đang ngủ và nhất là dám hiện thực hóa những lời nghe được từ giấc mơ ấy, không những một lần nhưng rất nhiều lần (Mt 1,20; 2,12.13.19.22). Điều đó thể hiện sự công chính của một con người cầu nguyện, gắn bó, thắt chặt đời sống mình với Chúa một cách trọn vẹn.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD.



[1] ἀπολῦσαι thường được dịch là “li dị” theo ngôn ngữ hiện đại (ESV), hay là “bỏ” ai đó (CGKPV). Theo nghĩa Hy Lạp nó là:  để cho ai được tự do khỏi ràng buộc gì đó. Động từ này được ghép từ một giới từ (apo: ra khỏi) và một động từ (lú-ồ: tháo cởi, để tự do). Tác giả quyết định dịch là “để cho ai đó ra đi”.

No comments:

Post a Comment