Wednesday, 31 March 2021

TỪ BẤT ĐỘNG ĐẾN CHUYỂN ĐỘNG, TỪ TỐI ĐẾN SÁNG, TỪ KHÔNG TIN ĐẾN TIN. Chú giải Ga 20,1-10

 CHÚA NHẬT PHỤC SINH (Ga 20,1-9)

Hy Lạp

Việt

Τῇ δὲ μιᾷ τῶν σαββάτων Μαρία Μαγδαληνὴ ἔρχεται πρωῒ σκοτίας ἔτι οὔσης εἰς τὸ μνημεῖον καὶ βλέπει τὸν λίθον ἠρμένον ἐκ τοῦ μνημείου.

 2  τρέχει οὖν καὶ ἔρχεται πρὸς Σίμωνα Πέτρον καὶ πρὸς τὸν ἄλλον μαθητὴν ὃν ἐφίλει Ἰησοῦς καὶ λέγει αὐτοῖς· ἦραν τὸν κύριον ἐκ τοῦ μνημείου καὶ οὐκ οἴδαμεν ποῦ ἔθηκαν αὐτόν.

 3  Ἐξῆλθεν οὖν Πέτρος καὶ ἄλλος μαθητὴς καὶ ἤρχοντο εἰς τὸ μνημεῖον.

 4  ἔτρεχον δὲ οἱ δύο ὁμοῦ· καὶ ἄλλος μαθητὴς προέδραμεν τάχιον τοῦ Πέτρου καὶ ἦλθεν πρῶτος εἰς τὸ μνημεῖον,

 5  καὶ παρακύψας βλέπει κείμενα τὰ ὀθόνια, οὐ μέντοι εἰσῆλθεν.

 6  ἔρχεται οὖν καὶ Σίμων Πέτρος ἀκολουθῶν αὐτῷ καὶ εἰσῆλθεν εἰς τὸ μνημεῖον, καὶ θεωρεῖ τὰ ὀθόνια κείμενα,

 7  καὶ τὸ σουδάριον, ἦν ἐπὶ τῆς κεφαλῆς αὐτοῦ, οὐ μετὰ τῶν ὀθονίων κείμενον ἀλλὰ χωρὶς ἐντετυλιγμένον εἰς ἕνα τόπον.

 8  τότε οὖν εἰσῆλθεν καὶ ἄλλος μαθητὴς ἐλθὼν πρῶτος εἰς τὸ μνημεῖον καὶ εἶδεν καὶ ἐπίστευσεν·

 9  οὐδέπω γὰρ ᾔδεισαν τὴν γραφὴν ὅτι δεῖ αὐτὸν ἐκ νεκρῶν ἀναστῆναι.

ἀπῆλθον οὖν πάλιν πρὸς αὐτοὺς οἱ μαθηταί. (Jn 20:1-10 BGT)

1 Vào ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mag-đa-lê-nê đến vào trong mộ vào buổi sáng tinh sương, lúc trời còn tối và chị thấy tảng đá đã được lấy khỏi ngôi mộ.

2 rồi, chị chạy và đến cùng Si-môn Phê-rô và một môn đệ khác người được Đức Giê-su yêu và nói cùng họ: “Người ta đã lấy Chúa ra khỏi mồ và chúng tôi không biết họ đã đặt Người ở đâu”.

3 rồi, Phê-rô cùng với môn đệ kia đi ra và họ đi đến ngôi mộ

4 cả hai người đều chạy với nhau, nhưng người môn đệ kia chạy trước cách nhanh chóng hơn Phê-rô và anh ta đến ngôi mộ trước.

5 Sau khi cúi xuống nhìn vào, anh ta thấy băng vải liệm được đặt nằm đó, nhưng chưa đi vào trong.

6 Rồi, Simon Phê-rô cũng đến, theo sau anh ta, đi vào trong mộ, và anh ta nhìn băng vải đặt nằm đó.

7 và khăn mặt, cái mà ở trên đầu của Người, không đặt nằm chung với những băng vải, nhưng không được cuộn lại ở một nơi.

8 rồi, vào lúc đó, người môn đệ kia, người đã đến trước cũng đi vào trong mộ và anh đã thấy và đã tin,

9 vì họ chưa hiểu biết Thánh Kinh rằng Người phải chỗi dậy từ cõi chết.

10 rồi, các môn đệ lại đi về nhà mình

 

Bối cảnh bản văn

Bản văn Ga 20,1-9 là trình thuật đầu tiên về biến cố Phục Sinh trong Tin Mừng thứ tư. Trước đó là cảnh Đức Giê-su được mai táng trong một ngôi mộ mới (19,38-42). Sau đoạn này là trình thuật về sự hiện ra của Đức Giê-su với bà Ma-ri-a Mag-đa-lê-nê (Ga 20,11-18). Rõ ràng đoạn Ga 20,1-9 nối kết chặt chẽ với đoạn trước đó bởi từ ngữ và ý tưởng: ngôi mộ và chôn cất. Hình ảnh “ngôi mộ mới” ở 19,41.42 được lặp lại trong 20,1-9 đến 7 lần (Ga 20,12.2.3.4.6.8.) với mạo từ xác định, ngụ ý đến ngôi mộ đã được đề cập trước đó. Ngôi mộ này cũng được nhắc đến hai lần nữa trong trình thuật sau đó (20,112). Hình ảnh Đức Giê-su đã được chôn trong mồ ở đoạn trước (19,42) nối kết với việc Maria giờ đây không thấy xác Chúa ở trong ngôi mộ ấy. Cô Maria này lại cũng xuất hiện trong đoạn sau (20,11-18) trong bộ dạng “đang đứng khóc ở bên ngoài ngôi mộ” (20,11). Ngôi mộ trống trong đoạn này chắc chắn có sự nối kết chặt chẽ với trình thuật những lần hiện ra của Đức Giê-su sau đó (20,11-18; 20,19-29 và 21, 1-23) để làm lên một hệ thống chứng từ đầy đủ cho Mầu Nhiệm Phục Sinh của cộng đoàn Gioan. Chủ đề “chỗi dậy từ cõi chết” (20,9) rõ ràng là một chủ đề rất quan trọng trong mạc khải và mầu nhiệm cứu độ của Đức Giê-su. Chủ đề này đã được tác giả Tin Mừng thứ tư nhắc đến rất sớm, ngay trong trình thuật về “Thanh Tẩy Đền Thờ” (Ga 2,13-22). Ý tưởng “xây lại đền thờ trong ba ngày” Đức Giê-su nhắc đến trong trình thuật ấy rõ ràng là nói đến “sự phục sinh” của thân xác Đức Giê-su. Ông La-za-rô được Đức Giê-su làm cho sống lại từ cõi chết (Ga 12,1.9.17), là một trình thuật độc quyền của Gioan về sự Phục Sinh. Chủ đề này lại được nhắc lại trong chương cuối cùng (được cho là thêm vào sau) của Tin Mừng Gioan: “Đó là lần thứ ba Đức Giê-su hiện ra cho các môn đệ sau khi từ cõi chết chỗi dậy” (21,14). Động từ “chỗi dậy” (ἀναστῆναι) cũng là động từ được dùng trong Tin Mừng Nhất Lãm khi tường thuật về nhưng lần tiền báo về mầu nhiệm “Khổ nạn và Phục Sinh” của Đức Giê-su” (Mc 8,31; 9,9.10.31; 10,34; Lc 10,33; 24,7.46). Chủ để “Phục Sinh” là một trong những chủ đề quan trọng nhất của toàn bộ các sách Tân Ước, chứ không riêng gì các sách Tin Mừng. Ngoài hai nhân vật Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến, Maria Mag-đa-lê-nê nối kết chặt chẽ với biến cố Thương Khó. Bà là một trong những người phụ nữ hiện diện dưới chân thập giá cùng với Mẹ Maria (Ga 19,25). Một cái nhìn thoáng qua để thấy rằng đoạn văn này là một phần trong tổng thể của toàn bộ Tin Mừng thứ tư, đặc biệt là sự liên kết với những đoạn văn lân cận.

Giới hạn và cấu trúc

Giới hạn: Ga 1,1-9 bắt đầu bằng dấu hiệu chuyển đoạn khá rõ ràng: Có một sự thay đổi về thời gian và cả nhân vật so với đoạn trước đó. Thời gian là: “vào ngày đầu tiên trong tuần”. Nhân vật mới là Maria Mag-đa-lê-nê, cùng với Simon Phê-rô và “Người môn đệ Chúa yêu” được nói đến sau đó. Nơi chốn là “ngôi mộ” và thời gian là “vào sáng tinh sương” lúc trời còn tối. Đoạn văn nên kết thúc ở 20,10 vì nó đóng khung câu chuyện bởi không gian là nhà của các môn đệ: “họ đi từ nhà ra mộ 20,2 và lại “trở về nhà của họ” (20,10), kết thúc hành trình viếng thăm “ngôi mộ” của hai môn đệ. Ga 20,11 là một câu chuyện mới của riêng Maria và Đức Giê-su Phục Sinh.

Cấu trúc: Sự chuyển động của câu chuyện này có thể được định dạng theo nhiều chiều kích khác nhau. Theo không gian: Đi ra khỏi nhà – đến ngôi mộ – trở về nhà. Theo vận động của các nhân vật: Đi ra – chạy – dừng xem – đi về; theo thời gian: Từ tối – đến sáng; theo nhân vật: từ Maria – hai môn đệ; theo cảm nghiệm thiêng liêng: từ nghi ngờ – tin. Bản văn được cấu trúc hóa bởi hai câu chuyện: (A) Chuyện của Maria Mag-đa-lê-nê (20,1-2). Phần này có thể được xem là bối cảnh cho phần (B). Tuy vậy, nó cũng có đầy đủ các yếu tố của một câu chuyện với 2 thành phần: A1. Đi ra mộ // (A1’) Chạy về từ mộ và (A2) Thấy tảng đã đã bị lấy đi // (A2’) Báo tin. Vai trò của Maria Mag-đa-lê-nê ở đây chỉ dừng lại ở mức độ thông tin, nhưng cũng có thể ngụ ý cho một hành trình đức tin dang dở của  chị sẽ được hoàn tất ở trình thuật sau (20,11-18). Câu chuyện của riêng chị với Đấng Phục Sinh, sẽ được tiếp tục sau khi câu chuyện của hai môn đệ kết thúc bằng việc “trở về nhà”.  Phần (B) Chuyện của hai môn đệ (20,3-10). Phần này có cấu trúc được gọi là inclusio. Câu chuyện được đóng khung bằng không gian “ngôi nhà” của hai môn đệ. Họ đi ra (khỏi nhà) đến với “ngôi mộ” rồi lại trở về “ngôi nhà” (B1//B1’). Phần chi tiết của câu chuyện của “hai người môn đệ” được kết nên bằng nhiều yếu tố song song. (B2) Người chạy trước// (B2’) người chạy sau; (B3) Người đến trước nhưng chưa vào trong// (B3’) Người đến sau, đi vào trong// (B3’’) Người đến trước đi vào trong; (B4) Người đến trước thấy băng vải đặt nằm đó// (B4’) Người đến sau nhìn băng vải đặt nằm đó + khăn che đầu không lẫn vào băng vải// (B4’’) Người đến trước thấy // (B4’’’) và Anh ta đã tin. Ngoài ra, bản văn còn có lời ghi chú quan trọng của người thuật chuyện (B5): Họ chưa hiểu lời Thánh Kinh rằng: Người phải chỗi dậy.

A.  Chuyện của người phụ nữ (20,1-2):

A1. Đi ra mộ: Đi trong bóng đêm

A2. Thấy tảng đá đã được lấy đi

A1’. Trở về: Chạy trong bóng đêm

A2’. Báo tin

B.  Chuyện của hai môn đệ (20,3-10):

B1. Ra khỏi nhà:

B2. Người chạy trước

B2’. Kẻ chạy sau

B3. Người đến trước, chưa vào trong

B4. Thấy: Băng vải đặt nằm đó

B3’. Kẻ đến sau, đi vào trong

B4’. Nhìn: Băng vải đặt nằm đó, khăn che mặt không lẫn vởi băng vải

B3’’. Người đến trước đi vào trong

B4’’. Thấy: (Băng vải đặt nằm đó, khăn che mặt không lẫn với băng vải)

B4’’’. Tin:

B5. Nhận xét của người thuật chuyện: Chưa hiểu Thánh Kinh: Người phải chỗi dậy

B1’. Trở về nhà (20,10)

Một số điểm chú giải

1.     Maria Mag-đa-lê-nê[1] (Μαρία Μαγδαληνὴ): Maria Mag-đa-lê-nê là một nhân vật được cả bốn tác giả sách Tin Mừng nhắc đến trong biến cố Thương Khó – Phục Sinh của Đức Giê-su. Mát-thêu ghi lại có nhiều phụ nữ hiện diện xa xa dưới chân thập giá Đức Giê-su. Họ theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Trong số họ có Maria Mag-đa-lê-nê và Maria mẹ của Gia-cô-bê và Giu-se và mẹ của những người con trai của ông Dê-bê-đê (Mt 27,55-56; Cf. Mc 12,40). Maria Mag-đa-lê-nê và một bà Maria khác ngồi đối diện với ngôi mộ sau khi đã cửa mồ đã đóng (Mt 27,61). Mác-cô cho biết rằng Maria Mag-đa-lê-nê và Maria, mẹ của Giô-xét nhìn nơi đặt thi hài Đức Giê-su (Mc 15,47). Cả 4 tác giả Tin Mừng đều ghi lại cảnh Maria Mag-đa-lê-nê đi đến mồ Chúa (Mt 28,1; Mc 16,1; Lc 24,10; Ga 20,1). Ngoài cảnh Maria Mag-đa-lê-nê đi đến mộ Chúa, Gioan còn ghi lại cuộc gặp gỡ riêng ly kỳ của cô với Đức Giê-su Phục Sinh (Ga 20,11-18). Sau đó cô đã đi thông báo cho các môn đệ: “tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18; Cf. Mc 16,9). Luca cho biết thêm căn tính của Maria Mag-đa-lê-nê. Cô là người được thoát khỏi bảy quỷ (Lc 8,2). Cô là một trong những người phụ nữ cung cấp cho Đức Giê-su và các môn đệ từ tài chính của họ. Mác-cô cho độc giả biết rằng: Họ rong ruổi theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem (Mc 15,41; Cf. Lc 23,49). Quan trọng hơn cả Maria Mag-đa-lê-nê và các bà đã theo chân Chúa đến dưới chân thập tự. Phải nói là họ là những môn đệ đích thực, những người không ngại khổ, không ngại khó để theo Chúa cho đến cùng. Động từ Maria dùng sau đó “chúng tôi (số nhiều) không biết, người ta đặt Người ở đâu” (20,2) khiến cho các chuyên gia phải suy nghĩ bàn luận không biết là Maria đã đi một mình hay với ai đó. Nếu đi một mình thì sao lại xưng là “chúng tôi”. Buttman cho rằng đây là “số nhiều” được dùng để diễn tả sự long trọng. Hoặc có thể là Gioan có trong đầu câu chuyện của các Tin Mừng Nhất Lãm, nơi mà đã tường thuật bà Maria đi với một vài bà khác.[2] Số nhiều này cũng có thể có ý nghĩa xác thực cho lời chứng của cô. Lời chứng thực phải có từ 2 người trở lên.

2.     Vừa tảng sáng, lúc trời còn tối (πρωῒ σκοτίας ἔτι οὔσης): Khoảng thời gian tảng sáng để cho thấy rằng người ta có thể đã kết thúc ngày hưu Lễ và có thể khởi đầu của một ngày mới. Và đó là khoảnh khắc mà Maria Mag-đa-lê-nê đã chờ đợi từ lúc chôn Chúa cho đến giây phút được phép viếng thăm mồ Chúa. Mệnh đề “khi trời còn tối” trước hết cho thấy sự vội vã, háo hức của Maria. Cô đã chờ đợi được viếng mồ Chúa khá lâu và không muốn chờ thêm giây phút nào. Tuy nhiên, “trời tối” trong bối cảnh này còn diễn tả một ý nghĩa ẩn dụ. Đó là “bóng tối” của sự chết, của sự thất vọng, buồn sầu, đau khổ vì vắng bóng Chúa mấy ngày qua. J. Moloney hiểu rằng bóng tối là bối cảnh của sự “không tin”.[3] Lối hiểu này có vẻ hợp lý khi câu chuyện được kết thúc bằng niềm tin của “người môn đệ Chúa yêu”. Nên nhớ rằng, các Tin Mừng Nhất Lãm dường như đồng ý với nhau là trời đã sáng. Lc 24,1 nói về “bình mình đầu tiên”. Mc 16,1-2 nói rằng các bà đến mộ vào sáng Chúa Nhật “rất sớm … khi mặt trời đã mọc”. Mt 28,1: “sau ngày Sa-bát khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng”.

3.     Đi ra vào mộ: Gioan không cụ thể lý do tại sao cô Maria đi ra mộ. Mác-cô và Luca cho rằng các phục nữ mang “thuốc thơm” và đến để xức dầu cho xác Chúa. Mát-thêu nói rằng họ đến để thăm ngôi mồ. Có lẽ, trong Tin Mừng Gioan, Maria cũng có ý này khi đi ra mộ vì trước đó Gioan đã tường thuật về việc ướp xác Đức Giê-su trước khi đi chôn (Ga 19,39-40).

4.     Chạy: Maria không nhìn vào mộ. Bà chỉ thấy tảng đá che cửa mồ bị lấy đi thì lập tức “chạy”. Dĩ nhiên, Gioan ngụ ý rằng tảng đá lấp cửa mộ đã được lấy đi bởi quyền lực thần thiêng, nhưng Maria thì suy đoán một ai đó đã lấy đi. Sự suy đoán của Maria về sự biến mất của xác Đức Giê-su là một suy đoán hết sức tự nhiên.[4]  Những bước đi bình thường của bà lập tức đã chuyển thành những bước chạy thoăn thoắt. Tâm trạng của bà lúc bấy giờ hẳn trộn lẫn sự lo âu và hoảng sợ bởi vì bà nghĩ rằng ai đó đã lấy xác của Đức Giê-su. Xác Đức Giê-su lúc bấy giờ là niềm an ủi còn lại duy nhất của cô. Thế mà, giờ đây cô đã không thấy nữa. Thông tin từ cái nhìn và suy nghĩ của cô, dẫu không hoàn toàn chính xác, cũng đủ làm cho các môn đệ thân tín của Đức Giê-su hoảng hốt. Họ cũng bị cuốn hút để rồi từ bất động và bị động, họ chủ động đứng lên và hành động. J. Moloney gọi phản ứng của các môn đệ là “một khởi đầu mới”.[5] Đó là khởi đầu cho hành trình tìm kiếm đức tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh.

5.     Simon Phê-rô và Người môn đệ Đức Giê-su thương mến: Cặp hai môn đệ này chỉ xuất hiện trong Tin Mừng thứ tư kể từ chương 13, tức là trong bối cảnh Bữa Tiệc Ly, nơi kỷ niệm việc Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ. Trong bữa tiệc hôm ấy chỉ có người môn đệ được gọi là, “người môn đệ Đức Giê-su yêu”, ngồi “trong lòng của Đức Giê-su”. Tự tên gọi này đã cho thấy vị trí ưu việt của ông trong tương quan với Đức Giê-su so với các môn đệ còn lại. Nhân vật này chỉ xuất hiện trong Tin Mừng Gioan và vị trí của ông dường như trội vượt hơn cả Phê-rô nữa. Ông “ngồi trong lòng Chúa” còn Phê-rô thì ngồi xa. Khi Đức Giê-su tiền báo rằng có một người trong Nhóm Mười Hai sẽ nộp Người, Phê-rô phải ra dấu, làm hiệu cho người môn đệ này hỏi Đức Giê-su xem Người có ý nói về ai. Và qua ông này Đức Giê-su cũng bật mí người sẽ nộp Người. Đó là người mà Đức Giê-su chấm miếng bánh và trao cho (Ga 13,23-26). Cặp môn đệ này lại cùng nhau xuất hiện trong chương cuối cùng của Tin Mừng thứ tư. Trong trình thuật ấy, chính “người môn đệ được Chúa yêu” lại phát hiện ra Đấng Phục Sinh trước Phê-rô. Chỉ đến lúc người môn đệ này nói với Phê-rô rằng “Chúa đó!” thì Phê-rô mới chợt nhận ra. Ông mặc áo lại, nhảy xuống biển để bơi vào bờ (Ga 21,7). Nếu như trong Tin Mừng Mát-thêu, Phê-rô được trao quyền lãnh đạo Giáo Hội ngay từ chương 16 (16,9), thì theo Gioan, Phê-rô chỉ được trao quyền “chăm sóc những con chiên” của Đức Giê-su vào đoạn cuối cùng của chương cuối cùng mà thôi. Người môn đệ này cũng là người môn đệ duy nhất hiện diện dưới chân thập giá của Đức Giê-su cùng với Đức Maria và được Đức Giê-su long trọng trao gửi thân mẫu của Người (Ga 19,26-27). Trong trình thuật này rồi độc giả sẽ thấy sự trội vượt của người môn đệ này so với Phê-rô.

6.     Đi ra khỏi… đi đến mộ…Chạy: Gioan dùng 3 động từ khác nhau để diễn tả sự thay đổi trạng thái của các môn đệ từ tĩnh sang động trước tin báo của cô Maria Ma-đa-lê-nê. Trước nhất họ đang ở trong căn nhà cửa phòng đóng kín, nên họ phải đi ra, và mục đích họ đi ra là để đi về ngôi mộ, hướng thẳng tiến về ngôi mộ. Động từ đi đến ngôi mộ được Gioan dùng ở thì “vị hoàn” (chưa hoàn thành) (ἤρχοντο), diễn tả một hành động kéo dài và chưa chấm dứt. Hành trình đi đến mộ của họ đã bắt đầu nhưng chưa hoàn thành. Nó vẫn đang tiếp diễn. Tiếp theo, họ thay đổi tốc độ của hành trình này, từ “đi” chuyển qua “chạy”. Tin báo của Maria rõ ràng đã làm các ông trở nên năng động vội vã hẳn lên. Họ không thể ngồi ở nhà, cũng không thể bước đi thư thả được. Họ phải chạy. Cả hai cùng chạy. Động từ “chạy” lại được dùng ở thì “vị hoàn”, diễn tả một hành động kéo dài. Những bước chạy thoăn thoắt chắc chắn sẽ làm cho hành trình bớt thời gian nhưng nó vẫn chưa kết thúc, vẫn kéo dài.

7.     Môn đệ kia chạy trước một cách nhanh chóng: Sự tách biệt đã diễn ra. Người môn đệ “được Chúa yêu” chạy trước, một cách nhanh chóng so với Phê-rô. Một số tác giả cho rằng có lẽ Phê-rô tuổi già sức yếu nên thể lực kém hơn so với “người môn đệ Chúa yêu” còn trai trẻ. Thế nhưng, chẳng có đoạn Tin Mừng nào nói rõ về sự già nua tuổi tác của Phê-rô hay sự trẻ trung phong độ của người môn đệ này. Thiết nghĩ Gioan không có ý nói về thể lực cho bằng nói về hành trình tình yêu và Đức Tin. Như đã nói trên, người môn đệ này được diễn tả trội vượt hơn Phê-rô trong tương quan với Đức Giê-su. Ông chạy trước và nhanh hơn vì ông háo lức, lo lắng hơn cho xác của Chúa, vì ông đã yêu Chúa nhiều hơn. Hành trình đức tin của người môn đệ này sớm đến đích hơn Phê-rô như sẽ thấy sau. Lc 24,12a cũng kể rằng Phê-rô chạy ra mộ, nhưng một mình thì phải, không có ai chạy nhanh hơn ông.

8.     Đến trước… cúi xuống nhìn… thấy … nhưng chưa vào. Chạy nhanh hơn dĩ nhiên là đến sớm hơn. Việc người môn đệ này thấy khăn liệm từ ngoài mộ cho thấy trời đã bắt đầu sáng và đủ để cho ông thấy bên trong. Người Do Thái chôn nhiều người trong một hóc đá được đục sẵn. Cách diễn tả của tác giả Tin Mừng cho thấy dường như là chỉ có một mình Đức Giê-su chôn trong hóc huyệt đá mới này. Họ có thể nhìn thấy từ ngoài vào, chỉ cần cúi xuống một tý. Sự chờ đợi, không vào bên trong trước của người môn đệ này cho thấy ông vẫn tôn trọng vị trí tông đồ trưởng của Phê-rô. Theo J. Moloney, tác giả Tin Mừng thứ tư muốn phác họa hai hình ảnh: Một là của người được Đức Giê-su yêu cách đặc biệt và một là của thẩm quyền của các môn đệ.[6] Hành động “thấy” của người môn đệ này ở đây chỉ là khởi đầu cho hành động “thấy” sau đó khi ông đã bước vào trong.

9.     Đến theo sau … đi vào … nhìn: Phê-rô đến sau, nhưng ông đi vào ngay bên trong và quan sát. Động từ dùng để diễn tả hành động của Phê-rô khác với động từ dùng cho hành động của “người môn đệ Chúa yêu”. Người môn đệ này “nhìn” (βλέπει) thấy trong khi Phê-rô “nhìn” (θεωρεῖ) có tính cách quan sát, nhận thức. Phê-rô nhìn thấy nhiều thứ hơn: “băng vải đặt nằm ở đó” và “khăn che mặt” để riêng ra một nơi. “Băng vải liệm và khăn che mặt” này nối kết với hình ảnh sống lại của La-za-rô. Trong khi anh ta đi ra khỏi mồ với băng vải còn quấn đầy mình và Đức Giê-su phải ra lệnh tháo băng vải cho anh, thì nơi ngôi mộ của Đức Giê-su các môn đệ chỉ thấy băng vải mà thôi.[7]

10.  Thấy và tin: Sau khi đi vào, người môn đệ ấy cũng “thấy”, nhưng động từ lại không giống với “cái thấy” lúc ông ta nhìn từ bên ngoài và cũng không giống động từ “thấy” dùng cho Phê-rô. Động từ “εἶδεν” (aorist của động từ hô-ra-ô) có nghĩa là “thấy và nhận ra” sau khi đã trải nghiệm. “Cái thấy” của ông giờ đây chắc chắn khác “cái thấy” của ông Phê-rô. Hành động “thấy” của ông không có túc từ. Có nghĩa là ông không chỉ “thấy” băng vải liệm và khăn che đầu được đặt nằm riêng ra, nhưng ông thấy tất cả. Ông nhận thức được toàn cảnh những gì đã và đang xảy ra cho thầy yêu dấu của mình. Sự hiểu biết rộng rãi thấu đáo của ông đã dẫn đến niềm tin của ông. Song song với hành động “thấy” không giới hạn túc từ, hành động “tin” của ông cũng mở rộng ra vô hạn. Nó không cụ thể cái gì nhưng lại mở ra vô tận. Ông tin vào Đức Giê-su, căn tính Chúa Con của Người, tin vào những gì Người nói và làm. Niềm tin của ông bao trùm tất cả niềm tin của các môn đệ. Khi họ thấy dấu lạ tại Tiệc Cưới Cana, họ đã tin vào Người (Ga 2,11). Khi Người mạc khải về khả năng người sẽ “khôi phục lại đền thở bị phá hủy” trong vòng 3 ngày, “họ tin vào Thánh Kinh và tin vào Người” sau khi Người từ cõi chết chỗi dậy (Ga 2,22). Có thể nói rằng, niềm tin của người môn đệ này đạt đến mục đích của toàn thể Tin Mừng: “còn những gì chép ở đây là để anh chị em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống đời đời nhờ danh Người” (Ga 20,31).

11.  Lời Thánh Kinh (τὴν γραφὴν): Mệnh đề chỉ lý do bắt đầu bằng liên từ “γὰρ” được đặt ngay sau mệnh đề “ông đã thấy và đã tin”, chứng tỏ rằng đây chính là lý do cho hành động thấy và tin của người môn đệ này. Trong mệnh đề lý do này có nhắc đến Thánh Kinh và mạc khải của Thánh Kinh về tính bắt buộc của của việc Đức Giê-su phải chỗi dậy từ cõi chết. Mệnh đề “chỗi dậy từ cõi chết” được nhấn mạnh bởi động từ không ngôi “δεῖ” (phải), diễn tả sự bắt buộc trong sứ vụ thần linh của Đức Giê-su. Lời Thánh Kinh nào nói đến điều này đây? Đó có thể là lối diễn tả chung chung về việc hoàn tất lời Thánh Kinh, như được nói đến trong thư thứ nhât Cô-rin-tô: “rằng Người được chôn, được chỗi dậy vào ngày thứ ba theo như lời Thánh Kinh (1 Cr 15:4). Những đoạn cụ thể có thế nhắc đến trong Cựu Ước là Tv 16,10; Hs 6,2; Gn 1,16; 2,2. Lý Do này giải thích cho niềm tin của “người môn đệ Chúa yêu” bao hàm niềm tin vào sự sống lại của Đức Giê-su và điều mà ông “đã thấy”, hay là “đã nhận ra”, đó là lời được viết trong Thánh Kinh. Có thể diễn tả nôm na thế này: trước kia chưa “thấy” (chưa nhận ra, chưa hiểu) lời Thánh Kinh nên ông chưa tin vào biến cố Phục Sinh, nay, sau khi “đã thấy” (đã hiểu) lời Thánh Kinh về Sự Phục Sinh nên ông đã “tin” vào mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giê-su. Câu lý giải của người thuật chuyện giúp độc giả phần nào hiểu được túc từ còn bỏ ngỏ của cả hai động từ “đã thấy” và “đã tin” của “người môn đệ Chúa yêu”. Thánh Kinh vẫn là phương tiện cần thiết cho việc giải thích mầu nhiệm và chứng từ.[8]


Bình luận

Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh hướng chúng ta về Ngôi Mộ, nơi đã an táng Đức Giê-su vào chiều Thứ Sáu tưởng niệm cuộc Thương Khó. Hành trình đi đến mộ đã bắt đầu từ những bước chân âm thầm có phần nặng nề của Maria Mag-đa-lê-nê. Đó là một trong những người phụ nữ đã từng theo Chúa từ Ga-li-lê và lên đến trên đồi Golgotha vào lúc Đức Giê-su chịu tử nạn. Cô cũng đã theo Đức Giê-su cho đến lúc Người được mai táng trong mộ. Hy vọng có lẽ chẳng còn đối với cô vì thầy đã chết, nhưng tình thương cô dành cho Chúa thì vẫn còn nguyên vẹn. Khung cảnh thời gian buổi sáng tinh sương, lúc trời còn tối vừa là biểu tượng cho sự tối mờ trong khoảng thời gian đau thương của cô, vừa cho thấy sự háo hức đi viếng mộ thầy Giê-su ngay sau khi kết thúc kỳ Lễ. Cô không thể chờ thêm phút giây nào. Thế nhưng, niềm an ủi duy nhất của cô dường như cũng tan biến khi cô thấy tảng đá đóng ngôi mộ đã bị ai đó lấy đi. Những bước đi âm thầm lập tức trở thành những bước chạy thoăn thoắt hoảng loạn: “Người ta đã lấy Chúa ra khỏi mồ” và “chúng tôi không biết họ đã đặt Chúa ở đâu”. Cách Maria dùng từ thật là tinh tế. Dù Đức Giê-su đã chết, đã được chôn, thế nhưng cô vẫn gọi đó là “Chúa” (τὸν κύριον) chứ không phải xác chết của Chúa. Đối với cô dù chết hay là sống thì Đức Giê-su vẫn mãi là Chúa của cô. Cách dùng đại từ ngôi thứ nhất số nhiều “chúng tôi” mở đường cho nhiều cách hiểu. Đó có thể là kiểu nói long trọng, khi dùng chúng tôi, thay vì tôi. Đó cũng có thể ngụ ý rằng cô đã đi chung với những bà khác như Tin Mừng Nhất Lãm hiểu.[9] Đó cũng có thể là đại từ dùng bao hàm cô và hai môn đệ. Theo tiếng Việt có thể dịch là: “chúng ta” (tôi và các ông) không biết họ để Người ở đâu. Cách hiểu nào cũng có khả năng. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là sự tác động của thông tin giật gân mà cô mang lại. Nó đã khuấy động lòng các môn đệ. Họ đã chuyển từ trạng thái bất động sang trạng thái chuyển động. Từ trong nhà, họ đã đi ra khỏi và đến ngôi mộ. Từ “đi” họ chuyển qua chạy. Cũng như cô Maria. Họ không thể không chạy trước một thông tin liên quan đến xác của thầy mình bị mất. Hành động “đi” và “chạy” của họ đều là những hành động kéo dài, bởi vì cả hai động từ đều được dùng ở thì vị hoàn (chưa hoàn thành). Họ chạy cùng nhau cùng điểm xuất phát nhưng tốc độ không giống nhau. Người chạy trước kẻ chạy sau dẫn đến người đến trước kẻ đến sau. Cái mà họ thấy cũng hơi khác nhau, khi các động từ Gioan dùng để diễn tả hành động “thấy” của cả hai người, trong tiếng Hy Lạp, cũng khác nhau. “Người môn đệ Chúa yêu” chạy trước, chạy nhanh hơn và đã đến mộ trước. Đó không phải là nhờ vào sức mạnh thể lý và cơ bắp cho bằng sức khỏe tâm linh và tình yêu ông dành cho Đức Giê-su. Sự trổi vượt về đức tin và mối tương quan giữa ông và Đức Giê-su là không cần bàn cãi. Ngay cả cái tên đã cho thấy điều đó. Ngoài ra, ông là người duy nhất đã tựa đầu vào lòng Đức Giê-su trong đêm Tiệc Ly (Ga 13,23). Người môn đệ duy nhất đi cùng Chúa đến tận dưới chân thập giá. Ông cũng là người được Đức Giê-su tin tưởng trao gửi mẹ của mình trong buổi lâm chung (Ga 19,25-27). Người đầu tiên nhận ra Chúa Phục Sinh trên bờ hồ Ti-be-ria (Ga 21,7) cũng chính là ông. Tất cả những dẫn chứng ấy cho thấy ông chạy nhanh hơn Phê-rô vì ông có động lực lớn hơn, có mối tương quan gần gũi hơn với thầy Giê-su. Sự nhanh nhẹn tuyệt vời nhất của ông trong đoạn Tin Mừng này là “ông đã thấy và đã tin” trong khi cái “nhìn thấy” của Phê-rô chỉ dừng lại ở những băng vải liệm và khăn che đầu được để riêng ra. Maria Mag-đa-lê-nê cũng thấy “ngôi mộ trống” như hai môn đệ Phê-rô và “người môn đệ Chúa yêu” nhưng cô vẫn chưa tin. Có thể nói rằng, cái nhìn thấy của “người môn đệ Chúa yêu” khác biệt vì nó được mở rộng ra vô tận. Ông nhìn thấy và hồi tưởng lại tất cả những điều Đức Giê-su dạy, những dấu lạ Người làm cho dân, đặc biệt là biến cố tử nạn. Từ sự “nhìn thấy” và hiểu biết vô tận ấy ông vươn đến đức tin vô hạn, ông tin vào mầu nhiệm Phục Sinh, tin vào con người và giáo huấn của Đức Giê-su. C. Barrette gọi đó là niềm tin siêu việt.[10] Đức tin của “người môn đệ Chúa yêu” chính là nền tảng cho đức tin của các ki-tô hữu sơ khai và cho mỗi ki-tô hữu qua mọi thời đại. Rồi đây, ở trình thuật sau, Đức Giê-su sẽ nói cùng Tô-ma rằng: “vì anh đã thấy Thầy, nên anh đã tin, phúc cho những ai đã không thấy (Thầy) mà tin” (Ga 20,29). “Người môn đệ Chúa yêu” chính là người đầu tiên không thấy Đức Giê-su Phục Sinh và đã tin. Vô số tín hữu thời sơ khai đã không thấy Chúa Phục Sinh và đã tin, và hầu hết các tín hữu qua các thời đại đã không thấy Chúa mà tin. Thật là phúc cho họ.

Bài Tin Mừng ngày Lễ Phục Sinh (Ga 20,1-9) này dẫn chúng ta đi từ đêm tối đến sáng ngày; từ bóng đêm đến ánh sáng; từ bóng đêm của thất vọng đến ánh sáng của niềm hy vọng; từ bóng tối của đau buồn, sầu khổ đến ánh quang của niềm vui sướng, hân hoan. Bà Maria Mag-đa-lê-nê bước ra khỏi cửa nhà khi trời còn tối. Đó không chỉ là bóng tối của thời gian, của không gian, nhưng là bóng tối của sự đau buồn thất vọng, bóng tối của sự thiếu niềm tin. Buồn đau thất vọng vì thiếu ánh sáng của Đức Kitô. Bà đến thăm mộ Chúa với cõi lòng nặng trĩu, bước chân nặng nề, lê bước, có khi vừa đi vừa khóc. Thế rồi Tin Mừng cho chúng ta biết khi thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ, bà bắt đầu chạy về báo tin, những bước chạy vội vã, hối hả, tất tưởi. Rồi những bước chạy của bà, tin báo của bà đã kéo theo những bước chạy của Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Đó là một cuộc chạy đua mà chúng ta thấy có kẻ trước người sau. Phêrô dường như là người thất thế trong cuộc chay đua này. Người ta đoán là Phêrô chắc là vì tuổi già sức yếu nên chạy chậm hơn. Có thể là thế. Nhưng theo tôi, sự thua kém của Phêrô so với người môn đệ Đức Giêsu thương mến không đơn giản chỉ là thua kém về thề chất, thể lý nhưng sâu xa hơn là sự thua kém trong mối tương quan gần gũi với Đức Giêsu, một sự thua kém về tình yêu, tình thầy trò. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ông là người chạy nhanh hơn, đến mộ trước (Ga 20,4), nhưng quan trọng nhất vẫn là ‘Ông đã thấy và đã tin’ (20,8).  Niềm tin ấy là điểm sáng rực nhất trong bài Tin Mừng hôm nay khởi đầu bằng đêm tối. Ông đã thấy gì vậy? Thưa là ‘Ngôi mộ trống’. Trên thực tế điều ông thấy cũng giống hệt như điều Maria Mag-đa-lê-nê và Phêrô thấy: Một ngôi mộ trống, băng vải và khăn che đầu của Đức Giêsu. Sự khác biệt ở chỗ là ‘ông đã thấy và đã tin.’ Niềm tin mãnh liệt ấy vượt mọi không gian thời gian, vượt qua bao nhiêu chướng ngại vật để loan truyền cho không biết bao nhiêu người, qua biết bao thế hệ và cho cả chúng ta ngày nay.

Bất động sản “ngôi mộ trống” ấy, chứng cứ niềm tin của sự Phục Sinh ấy vẫn còn đứng vững hơn 2000 năm nay giữa trung tâm của Kinh Thành Giêrusalem cho đến ngày nay. Đó chỉ là một ngôi mộ trống, một hóc đá bất động nhưng lại sống động, lung linh hơn bất cứ thứ gì khác trên thế gian này. Hằng ngày có hàng ngàn người từ khắp nơi trên toàn thế giới đến xếp hàng để được nhìn thấy, được chạm vào Ngôi mộ trống ấy. Chúng tôi, các linh mục đến đó, nếu muốn dâng Lễ ở đó phải đăng ký trước ba tháng. Từng phút từng giây trong ngày đều có người đứng xếp hàng ở đó. Và biết bao nhiêu tín hữu trên thế giới ao ước được một lần đến đó và chạm vào đó. Đó là bằng chứng mãnh liệt, xác thực rằng Đức Kitô Phuc Sinh đang sống. Ngôi mộ trống nhưng lại chứa đựng tròn đầy hình tượng Đức Kitô Phuc Sinh. Ngôi mộ trống nhưng chứa đựng niềm tin vô hạn của Kitô giáo, của mỗi người chúng ta.

Mừng vui lên! Chúa sống lại rồi. Mừng Lễ Phục sinh chúng ta được mời gọi hãy vui mừng, loan tin vui khắp nơi. Chúng ta được mời gọi nhận ra Đức Kitô Phục Sinh đang sống quanh ta và ngay trong tâm hồn mỗi người. Ngài đã hiện ra với nhiều người nhưng không phải ai cũng đã được nhìn thấy Chúa. Niềm tin của chúng ta, căn bản, nền tảng vẫn là niềm tin dựa vào chứng cứ “ngôi mộ trống”. Chúng ta dược mời gọi tin ngay cả khi mình không thấy Chúa. Cầu chúc và ước mong rằng tất cả các tín hữu có thể nhận ra Đức Kitô Phục Sinh hiện diện và đang sống trong gia đình, nơi hàng quán, nơi công sở, nơi học đường. Ước mong rằng niềm tin vào Chúa Phục Sinh, sự sống đời sau sẽ thay đổi triệt để cách sống, cách kiếm tiền, cách cư xử của mỗi người chúng ta. Cũng là mưu sinh kiếm tiền, nhưng tôi nguyện mưu sinh kiếm tiền cách lương thiện theo lời Chúa dạy, không mua gian, bán lận, lừa lọc. Cũng là yêu thương nhưng tôi chọn yêu thương theo cách của Đức Kito, cho đi tất cả và hiến thân vì người khác, không ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình. Cũng có nhà cửa hàng quán, công sở, nhưng tôi được mời gọi nhận ra, nhìn thấy những nơi ấy như những không gian của ngôi mộ trống thánh, nơi đó Đức Kitô Phục Sinh hằng hiện trị, hướng dẫn và ban ơn cho mỗi người chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

 



[1] Tên gọi được phiên âm theo tiếng Hy Lạp. Tiếng Việt: Mác-đa-la, (NTT, CGKPV), tiếng Anh: Magdalene (ESV), tiếng Pháp: Magdala (TOB), tiếng Ý: Màgđala (CEI).

[2] C.S Keener, The Gospel of John. A Commentary (Peabody 2003) II, 1178.

[4] C.S Keener, The Gospel of John, 1179.

[5] F.J. Moloney, The Gospel of John, 519.

[6] F.J. Moloney, The Gospel of John, 519.

[7] C.S Keener, The Gospel of John, 1182.

[8] C.S Keener, The Gospel of John, 1184.

[9] C.K. Barrett, The Gospel According to St. John. An Introduction with Commentary and Notes on Greek Text (Philadelphia 1978) 563.

[10] C.K. Barrett, The Gospel According to St. John, 561.