Saturday 31 October 2015

PHÚC CHO NHỮNG AI...

“Anh em hãy nên hoàn thiện như cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Đó chính là câu Tin Mừng mà tôi ngẫu nhiên hái được trong ngày đầu năm mới, năm Ất Mùi, 2015. Đó là tài lộc, lộc thánh mà Chúa ban cho tôi nhân ngày đầu năm mới, cũng là năm đầu tiên trong đời linh mục của tôi.
Đó cũng chính là câu kết thúc của chương 5, Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Chương 5 có thể nói là chương quan trọng nhất của Bài Giảng Trên Núi. Trong đó, Hiến Chương Nước Trời (tám mối phúc thật), dĩ nhiên là cốt lõi của Bài Giảng trên núi mà Đức Giêsu muốn công bố.

Hiến chương Nước Trời chính là bộ luật cơ bản, trọng yếu mà Đức Giêsu đã ban cho những ai muốn trở thành công dân của Nước Trời.

Phụng vụ Giáo Hội chọn công bố Hiến Chương Nước Trời trong ngày lễ trọng kính các thánh nam nữ, với ngụ ý rằng: Đây chính là những con người đã trở nên hoàn thiện như Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện, nhờ vào việc yêu mến và sống theo chỉ dẫn của Hiến Chương Nước Trời.

Dĩ nhiên, Thiên Chúa không tạo nên những vị thánh. Người chỉ tạo nên những con người và những con người sống đúng với ơn gọi làm người mà Thiên Chúa mong muốn thì Giáo Hội tuyên gọi là các thánh.

Đoạn sách Khải Huyền (7,2-4.9-14) giới thiệu cho chúng ta biết rằng số lượng các thánh thì “đông vô số, không tài nào đếm được, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9). Sách Khải Huyền cũng cho chúng ta biết lai lịch của đoàn các thánh: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” Kh 7,14).

Quả vậy, mỗi điều luật trong Hiến Chương Nước Trời là một thách thức đối với những người kitô hữu.

Giữa một xã hội đề sao sự sang giàu, hưởng thụ; giữa một xã hội mà đẳng cấp được đo bằng tiền của; thì Đức Giêsu lại dạy: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. Dĩ nhiên, nghèo khó không phải là cái phúc. Cái phúc nằm ở chỗ “Nước trời là của họ”. Cái phúc Nước Trời sẽ thuộc về những ai không vì ham mê của cải trần gian mà lãng quên Thiên Chúa và không tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Nước Trời sẽ thuộc về những con người sống trong cảnh “bần cùng” vẫn không “sinh đạo tặc”

Công dân Nước Trời được mời gọi sẵn sàng đón nhận sự khó nghèo theo kiểu “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Đó là thách thức dám tin tưởng phó thác vào Chúa ngày cả trong những cơn túng nghèo về vật chất. Họ cũng được mời gọi thanh thoát với của cải bằng cách mở lòng ra, chia sẻ với tha nhân. Nước Trời sẽ thuộc về những người giàu có nhưng biết chia sẻ với ích chung và chăm lo cho nhu cầu của người nghèo khổ.
Giữa một xã hội nghiêng chiều về triết lý mạnh được, yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, ăn miếng trả miếng; một xã hội mà người ta quan điểm “một sự nhịn chín sự nhục” thì Đức Giêsu lại dạy: Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp. “Một gia nghiệp là đất hứa” liệu đủ hấp dẫn để người ta chấp nhận sống hiền lành, thiệt thòi? Vùng đất hứa chỉ dành cho những con người hiền lành, nhu mì. Chính vì thế những con người hung dữ sẽ không phù hợp với đất hứa. Họ sẽ trở nên kẻ lạc lõng vì không giống ai.

Giữa một xã hội đề cao sự vui vẻ, sung sướng, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Thì Đức Giêsu lại dạy: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Dĩ nhiên, Đức Giêsu không cổ vũ một đời sống ủ rủ, buồn bã, đau khổ. Người chỉ muốn an ủi khích lệ những ai đang sống trong cảnh khốn cùng, rằng: Thiên Chúa sẽ đoái nhìn đến những người bất hạnh, cùng khổ. Có những khó khăn đau khổ vốn gắn liền với phận người: sinh bệnh lão tử. Thiên Chúa sẽ luôn chúc phúc ủi an, nâng đỡ nếu như con người còn tin tưởng phó thác nơi Người. Và đau khổ đôi khi như là phương tiện để thánh hóa bản thân khỏi những nhục dục của thể xác.

Giữa một xã hội mà người ta luôn ao ước, khao khát biệt thự, xe hơi, du thuyền, tiền đô, tiền êurô; giữa một xã hội mà quyền cao chức trọng đang là mục tiêu mà muôn người thèm muốn, thì Đức Giêsu lại dạy: “Phúc cho ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Chúa cho thỏa chí toại lòng”. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Giữa một xã hội ưa chuộng bạo lực, chiến tranh, giết chóc đang diễn ra khắp nơi thì Đức Giêsu dạy rằng: Phúc cho ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Đức Giêsu chính là hoàng tử hòa bình. Người đến để mang bình an cho nhân loại. Người đến để thiết lập một thời đại thái bình khi: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 4,2).

Giữa một xã hội mà sự ít kỷ, chăm chút cho bản thân, sự dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau của người khác đang tiến triển, Đức Giêsu dạy rằng: Phúc cho ai hay xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Tình yêu, lòng trắc ẩn với người khác chính là thương hiệu của người môn đệ Đức Giêsu. “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của thầy ở điểm này là: anh em thật lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Giữa một xã hội vô cảm với tội lỗi, không còn cảm thức về tội lỗi, Đức Giêsu khuyên rằng: Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Một con người thánh thiện, trong sạch sẽ dễ có cuộc gặp gỡ thần linh với Thiên Chúa. Thánh Gioan trong lá thư thứ nhất mà chúng ta vừa nghe, đã nói đến hai điều kiện để nên giống Chúa Kitô: Thứ nhất là đoạn tuyệt với tội lỗi: “Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch. Thứ hai: “Tuân giữ các điều răn của Người, nhất là sống đức ái trọn hảo”

Và cuối cùng, “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”. Cũng như Đức Giêsu, các môn đệ của Người sẽ bị bách hại vì sống công chính, bị sỉ vả, bị vu khống đủ điều vì Đức Giêsu. Họ sẽ được Đức Giêsu ban thưởng Nước Trời.

Trong những ngày qua diễn đàn thần học Công Giáo nóng lên dữ dội, khi Hàng Giám mục Đức, đứng đầu là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức là Đức Hồng Y, Walter Kasper, một thần học gia lỗi lạc, đã đề xuất và tranh biện cho người li dị tái hôn về mặt dân sự được rước Lễ. Lý do, ngài đưa ra là: “Các kitô hữu trung bình không thể sống các nhân đức một cách anh hùng”. Rồi tiếp theo sau đó, Đức Tổng Giám Mục Blasé Cupich của Tổng Giáo phận Chicago, cũng ủng hộ người ly dị tái, thậm chí các cặp hôn nhân đồng tính được rước lễ. Ngài nói: “Nếu người ta đi đến một quyết định với lương tâm ngay thẳng thì công việc của chúng tôi là giúp họ tiến tới và tôn trọng quyết định đó. Lương tâm là bất khả xâm phạm và chúng ta phải tôn trọng điều đó khi họ quyết định, và tôi đã luôn luôn làm như vậy”.

Cũng nên biết thêm là không chỉ các giám mục Đức hay Đức TGM Cupich, Chicago chủ trương như thế, nhưng có trên dưới 30% nghị phụ của ủng hộ chủ trương này.
Đức Hồng Y Samuel J. Aquila của Denver, đại diện cho lập trường truyền thống của Giáo Hội: Người ly dị tái hôn là ngoại tình công khai, và lâu dài, không được rước lễ. Trong bài viết mang tựa đề: “Chẳng lẽ các thánh Thomas More và John Fisher chết một cách lãng xẹt?”, ngài đề cao các chết của hai thánh Thomas More và John Fisher như những chứng nhân sống động, dám hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ đặc tính một vợ một chồng vĩnh viễn của hôn nhân Công Giáo. Đây là hai vị  thánh đã bị vua Henry VIII, nước Anh, giết hại khi họ cố ngăn cản, không cho vua Henry VIII ly hôn, vì hoàng hậu không thể sinh con trai. Đức Hồng Y Samuel cũng nhấn mạnh: “sự hy sinh anh hùng là yêu cầu được đặt ra cho những ai theo Ngài. Khi ta đọc Phúc Âm với một trái tim rộng mở, một trái tim không đặt thế giới và lịch sử lên trên Tin Mừng và truyền thống, người ta thấy cái giá phải trả để trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu mà mỗi người được mời gọi”.

Hiến Chương Nước Trời mà chúng ta vừa nghe lại trong ngày Lễ các thánh nam nữ hôm nay, cũng nói đến những cái giá mà người môn đệ Chúa phải trả; nói đến một diễn tiến của sự hy sinh anh hùng, mà người môn đệ Chúa phải hoàn thành, trên đường tiến về quê trời.
  


Theo đó, Người môn đệ Chúa phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày theo Chúa, khởi đầu từ việc đón nhận sự khó nghèo cho đến đỉnh điểm là bị bách hại, bị vu khống đủ điều, bị sỉ nhục và bị giết chết vì Đức Kitô. Sự hy sinh anh hùng là điều không thể thiếu trong hành trình tiến về quê trời. Áo trắng tinh tuyền của các vị thánh phải được giặt sạch trong máu của con chiên. Và con đường các vị thánh đi qua luôn là con đường gồ ghề chông gai sỏi đá và đầy chết chóc. Bất cứ ai có ý định cưa ngắn thập giá và giản lược sự hy sinh anh hùng đều không thể làm môn đệ Chúa và không thể bước vào vinh quang với Chúa.

No comments:

Post a Comment