Saturday 10 October 2015

THÌ RA MUỐN TRƯỜNG SINH THÌ PHẢI THẾ NÀY ĐÂY...

Chuyện kể rằng: Vào thời chiến quốc, một hôm, có người đến dâng cho vua nước Sở một vị thuốc quí có thể giúp người ta trường sinh bất lão.
Viên quan cận thần chận lại hỏi :
- Vị thuốc này có ăn được không ?
- Thưa, ăn được.
Tức thì viên quan ấy giựt lấy bỏ vào miệng. Truyện đến tai vua, ngài đùng đùng nổi giận:
- Đem mà chặt đầu nó đi.
Viên quan chắp tay vái :
- Nghe người dâng thuốc nói là thuốc bất tử lại ăn được, thần mới dám ăn. Thuốc bất tử nghĩa là ăn vào rồi thì không còn có thể chết được. Thế mà vừa nuốt khỏi miệng, thần đã sắp phải chết. Như vậy là thuốc tử. Tại sao người ta lại gọi là thuốc bất tử được ?
Vua Sở, lúc bấy giờ, mới ngộ ra là mình bị lừa liền cho chém đầu người dâng thuốc.

Trường Sinh bất lão là giấc mơ của hầu hết con người trên thế gian này. Tuy nhiên, làm thế nào để có được nó thì không ai biết được. Phụng vụ Lời Chúa CN 28TN năm B sẽ chỉ cho chúng ta cách thức làm thế nào để đạt được sự sống vĩnh cửu.

1.      Hai bước cần thiết để có sự sống đời đời làm gia nghiệp

Trước thái độ cung kính và thành tâm của một người khao khát muốn “có được sự sống đời đời làm gia nghiệp”, Đức Giêsu đã không dấu diếm. Ngài từng bước chỉ dẫn cho anh ta biết là phải làm như thế nào. Quá trình này cụ thể đối với cá nhân người này gồm 2 bước:

Bước thứ nhất: Người này phải giữ những điều răn như: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ." Bước này xem ra không là vấn đề với người ấy. Anh đã làm từ lúc còn nhỏ. Điều đó làm cho Đức Giêsu cảm thấy có cảm tình. Ngài nhìn người ấy với ánh mắt trìu mến và “đem lòng yêu mến”.

Bước thứ hai: Người ấy đã đi một bước dài khá tốt. Tuy nhiên, hãy còn một bước quyết định để  có thể có được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Bước này lại gồm ba hành động: (1) “Đi bán những gì anh có”; (2) “Cho người nghèo”; (3) “Đến theo tôi."

Muốn được sự sống đời đời làm gia nghiệp, tức là ở trên quê trời với Chúa, thì phải có kho tàng trên trời cộng với việc “đến theo” Đức Giêsu. Kho tàng trên trời được mua bằng tất cả những gì người ấy đang có và một lòng trắc ẩn đối với người nghèo.

Thật ra, trong bước thứ nhất, Đức Giêsu đã cố tình không nêu hết mười điều răn của Chúa. Hầu hết những điều răn anh ta giữ từ nhỏ đều mang tính thụ động. Ngoại trừ một điều răn mang tính chủ động: “hãy thờ kính cha mẹ”, cũng chỉ mang tính nội bộ, gia đình. Theo tác giả William Barclay, những hành vi của người ấy có thể được diễn giải thế này: “Trong cuộc đời tôi chưa hề làm điều gì hại ai”. Thế nhưng câu hỏi thật sự quan trọng hơn là: “Anh đã làm điều gì tốt cho ai với những gì anh đã được lãnh nhận?”.

Người ấy chỉ thiếu một điều nhưng dường như là thiếu tất cả. Nếu đặt điều người ấy thiếu dưới ánh sáng của dụ ngôn “Ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khổ” (Lc 16,19-31) thì sẽ thấy điều anh ta thiếu lớn đến mức nào. Nó có khả năng hủy diệt anh ta mãi mãi. Giống như ông nhà giàu ngày ngày yến tiệc linh đình, nhưng lại chẳng buồn để ý đến một anh nhà nghèo Lazarô ngày ngày nằm ngay trước cổng nhà mình. Cả hai cùng chết và số phận đã đảo ngược: Ông nhà giàu xuống hỏa ngục thẳng cẳng, còn anh Lazarô thì được vào Thiên Đàng vinh phúc.

Bước thứ hai này đòi hỏi người ấy phải thoát ly khỏi những gì mình có. Sẵn sàng từ bỏ mọi sở hữu vật chất trần thế. Hơn nữa người ấy phải chạm đến nỗi đau của người nghèo, phải làm gì đó cho người nghèo. Và cuối cùng là “theo” Đức Giêsu. Với tư cách là môn đệ, người ấy sẽ làm việc của một công dân nước trời, vương quốc sự sống vĩnh cửu. Những hành động này diễn tả một sự nối kết tuyệt đối chặt chẽ với Chúa và với tha nhân, đặc biệt là những người nghèo khổ. Đó là đòi hỏi nền tảng trong lời rao giảng khai mạc của Đức Giêsu: “hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

Dĩ nhiên, người ấy đã không có được sự sống đời đời làm gia nghiệp bởi lẽ người ấy vẫn yêu mến cuộc sống tạm bợ; người ấy không muốn rời bỏ khối tài sản kết xù của mình.

2.      Trở ngại của người giàu trên hành trình vươn đến “sự sống đời đời”

Trước tình cảnh như thế, Đức Giêsu đã nói lên một thực tế lắm phủ phàng: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!". Dĩ nhiên, ai cũng biết là Đức Giêsu không khinh chê sự giàu sang, sung túc. Ngài càng không muốn đả phá lòng tin của người Do Thái về hồng ân được sống sung túc. Thực vậy, người Do Thái tin rằng: Người giàu sang là người được Chúa chúc phúc. Điều Đức Giêsu muốn nói đến là sức hút của của cải, tiền bạc. Chúng  có khả năng làm cho người ta không còn nghĩ đến Chúa và không cần nghĩ đến tha nhân. Thỏa mãn với những giá trị vật chất người ta không buồn nghĩ đến sự sống đời đời. Coi trọng tiền của, người ta có thể coi nhẹ chân lý, công lý, nhân nghĩa và tha nhân.

Niềm tin vào hồng ân sung túc làm cho các môn đệ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi Đức Giêsu nói như than vãn: người giàu có vào nước Thiên Chúa còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim. Đây là một lối nói ngoa dụ với ẩn ý rằng: Người giàu hầu như không thể vào Nước Thiên Chúa được. Các môn đệ có niềm tin vào sự chúc phúc của Thiên Chúa trên những người giàu sang và kẻ nghèo khó, bệnh tật thiếu sự chúc lành của Chúa. Hơn nữa, người giàu mới có những lễ phẩm tốt đẹp dâng lên Thiên Chúa và có khả năng làm phúc. Với những điều kiện tốt như thế mà khó vào Nước Thiên Chúa thì còn ai có thể được vào?

Mấu chốt, chìa khóa Nước Trời nằm ở nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa có khả năng biến điều không thể thành có thể miễn là con người biết “hoán cải và tin vào Tin Mừng”. Bằng chứng là Đức Giêsu đã công bố ơn cứu độ nhãn tiền cho Giakêu, một thủ lãnh của người thu thuế giàu sụ và là người tội lỗi. Giakêu đã biết dâng của cải của mình cho người nghèo và bồi thường cho những thiệt hại do mình gây ra và quan trọng hơn là ông đã mạnh dạn tìm kiếm và đón tiếp Đức Giêsu vào nhà mình, vào lòng mình.

3.      Viễn ảnh của sự sống đời đời

Trước nghi vấn của thánh Phêrô cùng các môn đệ, Đức Giêsu như mở ra một viễn ảnh của sự sống đời đời mà người ấy muốn nhắm đến. Người ấy đã không bán tất cả những gì mình có mà cho người nghèo và theo Đức Giêsu, nên người ấy sẽ không được nếm trải viễn ảnh của một sự sống đời đời. Còn tất cả những ai dám “bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng” thì ngay đời này sẽ “nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

Cụm từ “cùng với sự ngược đãi” được xen vào viễn ảnh tươi sáng của một đời sống vĩnh cửu là một lối diễn tả hoàn cảnh thực tế và hiện tại của người môn đệ Chúa Kitô. Hội Thánh thế kỷ thứ nhất đang chịu sự bách hại và các tín hữu qua mọi thời cũng không tránh khỏi những cơn bách hại, ngược đãi như thế.


Dĩ nhiên, không thể hiểu rằng những người dám từ bỏ mọi sự để theo Chúa thì sẽ được giàu sang, phú quý hơn; được sở hữu nhiều nhà cửa ruộng vườn hơn người khác. Viễn ảnh Nước Trời, viễn ảnh của một sự sống vĩnh cửu là viễn ảnh của tình yêu, tình gia đình. Con dân Nước Trời không coi trọng của cải, sẵn sàng bỏ mọi sự làm của chung (Cv 2,44). Biên giới gia đình không còn giới hạn trong tương quan máu huyết, nhưng được mở rộng ra đến vô tận. 

Những thành viên của Giáo Hội sơ khai xem tất cả mọi người là anh chị em của nhau. Thánh Phaolô gọi Ônêximô là con của mình (Plm10). Ngài xem các công việc ngài thực hiện ở giữa những người Thêsalônica như là người y tá chăm sóc trẻ thơ và người cha khích lệ con mình (1Tx 2,7-12). Ngài gọi mẹ của anh Ru-phô là mẹ của mình (Rm 16,13). Xem người khác như người nhà và đến bất kỳ nơi đâu cũng được đón tiếp như người nhà, là viễn ảnh tươi đẹp của cuộc sống người môn đệ Chúa Giêsu. Một lối sống gần Chúa và gần tha nhân nhất là hiện tại bình an và tương lai tươi sáng cho những ai mơ ước “sự sống đời đời làm gia nghiệp”.

fR. Joseph Phạm Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment