Cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều nói đến “Tội phạm thượng,
chống lại Thánh Thần”. Trong đó lời tường thuật của Luca xem ra độc lập và ngắn
gọn nhất: “Lc 12,10: "Bất cứ ai nói
phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ
chẳng được tha.”
Thánh Matthêu nhấn mạnh thêm đến tính “vĩnh viễn” của tội
này: Mátthêu 12,32: “Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm
đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau”.
Thánh Máccô nói chi tiết nhất và rõ ràng hơn cả: Máccô
3,28-30: "Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội
nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được
tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội
muôn đời". Đó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám."
Vậy tội phạm thượng chống lại Thánh Thần là tội gì mà mãi
muôn đời lại không được tha như thế? Phải chăng Thiên Chúa nhân từ vô cùng lại
giữ lại một tội nào mà không tha cho người ta? Đức Giêsu đã dạy Phêrô là phải “tha
đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22) , nghĩa là tha hết, tha mãi. Vậy, sao có tội
nào mà Người không thể tha?
Thánh Máccô xem chừng đã lý giải tội phạm đến Thánh Thần là
tội nào khi ngài đưa ra lý do: “Đó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế
ám." (3,30). Nghĩa là vì “các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống nói rằng Người
bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (Mc 3,22),
nên Đức Giêsu mới tuyên bố về “tội phạm thượng chống lại Thánh Thần”. Làm thế
nào mà nói rằng: Đức Giêsu bị “quỷ Bê-en-dê-bun ám và dựa thế quỷ vương mà trừ
quỷ”, lại là “tội phạm thượng chống lại Thánh Thần”. Đó không phải là tội phạm
thượng chống lại Chúa Giêsu thôi sao? Có liên quan gì đến Thánh Thần đâu?
Tin Mừng thứ tư sẽ soi sáng thêm cho chúng ta về sự nối kết
giữa Đức Giêsu và Thánh Thần. Trong đó, Đức Giêsu đã từng mạc khải: “Chính Thầy
là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”
(Ga 14,6). Người cũng mạc khải “Thánh Thần là Thần Khí sự thật phát xuất từ
Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26).
Thần Khí sự thật này sẽ “dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn”
(Ga 16,13), cho nên chối bỏ Thánh Thần, là chối bỏ cơ may đón nhận chân lý và sẽ
sống trong sự giả dối. Thần Khí Sự Thật mà Thần Khí sự thật sẽ “không tự mình
nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo
cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16,13).
Thánh Thần được mệnh danh là thần chân lý, để làm chứng về Đức
Giêsu là chân lý và dẫn dẫn dắt con người đến sự thật toàn vẹn. Phạm thượng chống
lại Thánh Thần là thái độ đóng kín lòng mình, không cho Thánh Thần có cơ hội
nói lời chân lý trong mình.
Như thế, khía cạnh đầu
tiên của tội phạm thượng chống lại Thánh Thần là sự từ chối sự hướng dẫn của
Thánh Thần, tiếng nói dẫn dắt tội nhân về đường sám hối và đường ngay nẻo
chính.
Nếu như họ xúc phạm, chống lại Đức Giêsu nhân loại (Đức
Giêsu trong thân phận con người) thì họ còn có cơ may hoán cải khi họ đón nhận
Đức Giêsu Thiên Chúa. Còn khi họ chối bỏ chính công việc của Thiên Chúa, cố
tình hiểu theo một chiều hướng tiêu cực, thì vô phương chữa chạy.
Thiên Chúa vẫn luôn luôn vui mừng “vì một một người tội lỗi
sám hối ăn năn”. Người vẫn luôn mong mỏi và tha thiết gọi mời người tội lỗi. Thế
nhưng, một khi người tội lỗi đóng kín cửa lòng thì Người cũng bó tay.
Khía cạnh thứ hai
của tội phạm thượng chống lại Thánh Thần là sự tuyệt vọng, thiếu niềm tin vào
ơn tha thứ của của. Con người này cảm thấy tội lỗi mình quá nặng đến nỗi không
thể lãnh nhận ơn tha thứ, không thể đón nhận ơn tha thứ, không dám tin rằng
Chúa có thể tha thứ cho mình. Giáo hội vẫn không dám khẳng định số phận của
Tông Đồ Giuđa, bởi chỉ có Chúa mới biết Giuđa có được hưởng phúc đời đời hay
không. Thế nhưng, kiểu xử lý, kết liễu đời mình của Giuđa là biểu lộ một sự tuyệt
vọng không lối thoát, chậm tin vào tình thương hải hà của Chúa.
Khía cạnh thứ ba
của tội phạm thượng chống lại Thánh Thần có thể là sự “bất cần ơn tha thứ”. Chúa
có nói Ta tha thứ cho ngươi đó, hãy đón nhận ơn tha thứ đi. Tội nhân sẽ trả lời
rằng: “Tôi có cần ơn tha thứ của Người đâu”.
Sự bất cần ơn tha thứ
có thể diễn ra nơi một con người cao ngạo, không bao giờ thấy mình có lỗi lầm
gì cả. Tôi có lỗi gì đâu mà cần hoán cải, cần ơn tha thứ.
Thánh Tôma Aquinô lý giải rằng “tội này không thể tha vì
trong bản chất của nó, trong chừng mức nó loại trừ các yếu tố mà qua đó, ơn tha
thứ có thể xảy ra”. Sự tha thứ “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22) mà Đức Giêsu muốn
Phêrô làm sẽ diễn ra với một điều kiện duy nhất là: “Dù nó xúc phạm đến anh một
ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh : “Tôi hối hận ', thì anh
cũng phải tha cho nó" (Lc 17,4).
“Hối hận” chính là điều kiện để ơn tha thứ có thể diễn ra.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lý giải như sau: “Nếu Đức Giêsu nói rằng phạm
thượng chống lại Thánh Thần không thể được tha thứ trong thời của Người hay
trong thời kế tiếp, đó là bởi vì “sự không tha thứ này” được liên kết, với nguyên nhân của nó, với “sự không ăn
năn”, nói cách khác với sự chối bỏ triệt để hoán cải. Điều này có nghĩa là sự
chối từ đến với những nguồn ơn cứu độ vẫn “luôn luôn” mở rộng trong nhiệm cục cứu
độ trong đó sứ vụ của Thánh Thần được hoàn tất (Dominum et vivificantem, số 46).
Như thế, một tội nhân cứng lòng, không hối cải cũng là một cách thức “phạm thượng
chống lại Thánh Thần”
Sự bất cần ơn tha thứ
cũng diễn ra khi người ta lợi dụng lòng thương xót của Chúa. Chúa nhân từ, hay
thương xót, chậm bất bình và giàu tình thương. Vậy ta còn sợ gì, cứ sống thoải
mái, cứ sống theo đam mê tội lỗi của mình. Rồi Chúa lại tha thứ thôi. Liệu một
con người không thiện chí như thế, một con người cố tình sống chai lỳ trong tội
như thế? Một con người đến với Chúa với một sự toan tính, mưu mô, lợi dụng như
thế có thể đón nhận được trọn vẹn hồng ân tha thứ từ Thiên Chúa hay chăng?
Sự bất cần ơn tha thứ
cũng có thể đến từ một tâm hồn chai lỳ trong tội lỗi đến độ xem tội lỗi như một
điều bình thường vô thưởng vô phạt.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại và nhấn mạnh lời
Đức Piô XII về “tội thế kỷ” trong thông điệp
“Dominum et vivificantem”. Đó là: “Thiếu cảm giác về tội”. Có nghĩa là
dù người ta có phạm tội tày trời người ta vẫn không thấy mình có tội gì cả. Ví dụ
như, một người mẹ phá thai, tức là giết chết đứa con máu thịt của mình. Thế
nhưng, vì thiếu cảm giác về tội lỗi, người mẹ ấy vẫn cảm thấy đó là điều hết sức
bình thường, giống như là “hút điều hòa”, vậy thôi.
Đó là một tình trạng rất nguy hiểm đến sự sống đời đời của
con người. Nó giống như một người không có cảm xúc về đau đớn. Người ta không
thể tưởng tượng được nếu như con người ta không có cảm xúc đau đớn. Khi ấy, nếu
người ta bị vết thương, người ta sẽ không biết, và máu sẽ chảy cho đến chết.
Cho nên, căn bệnh nội khoa nào mà ít có triệu chứng đau đớn thường dễ dẫn đến tử
vong nhất, bởi người ta khó nhận biết để điều trị kịp thời.
Mất cảm giác về tội, làm cho người ta sống chung với tội, lầy
lội trong tội nhưng lại không nhận biết tình trạng tồi tệ của mình. Giống như
hình ảnh của người bị đổ nước mắm vào mình nhưng lại chẳng cảm thấy hôi hám gì
cả, thậm chí còn thấy thơm nữa. Thế thì, làm sao đón nhận ơn tha thứ? Đó là
tình trạng nguy hiểm nhất của tội nhân.
Như vậy, tội phạm thượng chống lại Thánh Thần, không phải là
xúc phạm, chống lại ngôi vị Thánh Thần, cho bằng thái độ đóng kính trước lượng
từ bi hải hà của Chúa, thái độ từ chối hồng ân tha thứ của Chúa. Chúa tha thứ hết
mọi lỗi lầm nhưng tội nhân loại này lại không đón nhận được ơn tha thứ đó.
Không đón nhận được vì người ấy không muốn hoặc không đủ điều kiện đón nhận. Có
nhiều khía cạnh cản trở việc đón nhận ơn tha thứ này: Từ chối sự hướng dẫn của
Thần Khí sự thật; từ chối tiến trình hoán cải; từ chối đón nhận chính sự tha thứ;
“vô cảm” trước sự xấu xa của tội lỗi. Hồng ân tha thứ luôn được mở ngỏ và tội
nhân luôn được chào đón trở về thế nhưng vẫn có đó những con người “vô cảm” không
còn phân biệt được đâu là tội; biết có tội nhưng cứng lòng không hoán cải; tội
lỗi quá nặng không thể tin rằng mình có thể được tha thứ; biết mình có tội
nhưng bất cần dửng dưng trước ơn tha thứ của Chúa.
Giáo Hội luôn luôn khẩn nài Thiên Chúa ân sủng làm cho tính
toàn vẹn của lương tâm con người không bị mất đi, ân sủng làm cho họ luôn cảm
giác khỏe khoắn, không bị cùn khi xem xét điều tốt và xấu. Sự toàn vẹn và cảm
giác này được nối kết chặt chẽ với hành động đích thực của Thánh Thần Chân Lý.
Trong ánh sáng này các giáo huấn của thánh Phaolô khẳng định cách hùng biện rằng:
“Đừng dập tắt Thánh Thần” “Đừng gây phiền Thánh Thần”. Nhưng trên hết Giáo Hội
luôn luôn khẩn nài với sự tha thiết nhất rằng sẽ không có sự gia tăng trong thế
giới cái tội lỗi mà Thánh Kinh gọi là “Phạm thượng chống lại Thánh Thần”...Giáo
Hội cầu nguyện sao cho tội nguy hiểm chống lại Thánh Thần vẫn trừa đường cho một
sự sẵn sàng thánh để chấp nhận sứ vụ của Người như là Đấng Bào Chữa, khi Người
đến “thuyết phục thế giới tội liên quan và sự công chính và việc xét xử” (Dominum
et vivificantem, số 47).
fR. Joseph Phạm Duy Thạch SVD
No comments:
Post a Comment