Saturday 7 November 2015

NÔ LỆ ĐỒNG TIỀN

“Tiền là tiên là phật,
Là sức bật lò xo,
Là thước đo lòng người,
Là nụ cười tuổi trẻ,
Là sức khỏe tuổi già,
Là cái đà danh vọng,
Là cái lọng che thân,
Là cán cân công lý,
Tiền. ôi! hết ý. ”

Đó là một bài thơ dí dỏm nói lên sức hút của đồng tiền trong xã hội loài người. Thật lạ lùng! tiền bạc vốn là một phương tiện giao dịch của con người nhưng không biết tự lúc nào nó đã trở nên một mục tiêu tối hậu quan trọng cho hầu hết mọi con người trong xã hội này. Thậm chí, có lúc nó còn trở thành một phần máu thịt của con người đến nỗi người ta có thể nói “đồng tiền liền khúc ruột”. 

Nguy hiểm hơn nữa, là khi người ta biến tiền của thành một vị thần, được tôn thờ ngang hàng với Thiên Chúa. Đức Giê-su cảm nhận được sự nguy hại ấy cho nên Người mới nói: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”.
Đó là một thực tế hết sức đáng sợ. Con người thay vì tôn thờ Thiên Chúa thì lại chạy theo thần tài, tiền của. Thay vì vun đắp, tìm kiếm những giá trị cao quý vĩnh cửu, thì lại hy sinh đời mình cho những giá trị vật chất tạm bợ chóng qua.
Dĩ nhiên không ai muốn làm tôi tiền của cả. Thế nhưng, một khi vì tiền của mà hao tâm tổn sức quá đáng; một khi vì tiền của mà đánh mất giá trị bản thân; một khi vì tiền của mà gây sứt mẻ tình nghĩa anh em trong gia đình và tình chòm xóm; thì chúng ta đang làm nô lệ cho tiền của.
Vì tiền, một cô gái quê trinh trắng hiền lành có thể lấy thân xác mẹ cha tặng ban để làm vốn kiếm ăn. Người ta thường gọi là nghề “bán trôn nuôi miệng”. Thật ra đó không chỉ là công việc kinh doanh trên thân xác mình nhưng là hành vi xóa bỏ nhân phẩm của mình, tự biến mình thành một món hàng rẻ tiền không hơn không kém.
Vì tiền bạc mà những cô gái quê nghèo sẵn sàng được gả bán cho những “thương lái” nước ngoài. Đó cũng là một thứ bán rẻ thân xác và phẩm giá của mình. Gia đình là kết quả mỹ mãn của tình yêu đôi lứa, là mái ấm, tổ ấm cho con người, nhưng vì tiền người ta có thể bán đi tất cả.
Vì tiền mà có nhiều kẻ buôn bán trẻ em, buôn bán phụ nữ, xem con người như một món hàng. Thậm chí, có những người cha người mẹ nhẫn tâm bán con mình cho người khác chỉ vì một chút tiền còm.
Thôi thì, âu cũng vì túng thiếu, thiếu tiền, thiếu nhận thức, thiếu hiểu biết nên người ta có thể bố thí cho những đối tượng trên một lời biện minh gượng ép, hay một chút cảm thông thừa thãi.
Thế còn những con người trí thức, hiểu biết thì sao? Dễ lòng họ không bị đồng tiền chi phối, khuynh đảo và đè đầu cưỡi cổ?
Các lãnh đạo quốc gia có thể bán rẻ lương tâm và nhân phẩm của mình để chiếm dụng của công. Vị tiền, họ không ngừng cổ vũ “văn hóa phong bì” phát triển trong xã hội. Vì tiền, họ sẵn sàng tham nhũng, bẻ cong cán cân công lý dẫn đến nhiều bất công trong xã hội.
Vì tiền, các nhà giáo, những kỹ sư tâm hồn có thể nâng điểm, bán bằng, tạo nên một thị trường buôn bán trong ngành giáo dục.
Vì tiền, vị lợi nhuận các thương gia có thực hiện những phi vụ mờ ám, làm ăn gian dối, để có lời nhiều. Vì tiền người ta có thể cho vay nặng lại, ăn lời trên xương máu, công sức mồ hôi của kẻ khác.
Vì tiền, các nông phu hiền lành cũng sẵn sàng biến chất tạo ra những sản phẩm có thể gây nguy hại đến sức khỏe và mạng sống của con người.
Vì tiền, các bác sĩ có thể đối xử thiếu công bằng với người bệnh nhân. Có một thời người ta nói đến tệ nạn “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn trong bệnh viện”. Đó là hình ảnh xấu xí, khó có thể chấp nhận về các vị “lương y như từ mẫu”.
Kể làm sao hết những hình thức nô lệ của đồng tiền trong xã hội này. Cho nên có nhà thơ bất đắc dĩ đã có những câu thơ rất thú vị như sau:
Độc ác chi mi lắm rứa tiền,
Mi làm nhân loại hóa ra điên,
Mi tô mặt nạ đen thành trắng,
Mi khiến nhân tình thẳng hóa xiên,
Mi đạp luân thường vô một xó,
Mi xua nhân nghĩa dẹp đôi bên
Mi lùa thế giới đâm nhau mãi,
Ác nghiệt chi mi lắm rứa tiền.
“Làm tôi tiền của” sẽ dẫn đưa con người vào sự hư nát đời đời cùng với tiền của. Chỉ có “làm tôi Thiên Chúa”, thì mới mang lại cho con người niềm hạnh phúc vĩnh cửu và sự sống bất diệt.
Xin cho mỗi người chúng ta luôn “làm tôi Thiên Chúa”, biến tiền của làm nô lệ. Xin cho mỗi người chúng ta đừng bao giờ coi trọng tiền của hơn giá trị con người. Xin cho mỗi người chúng ta đừng vì tiền của mà gây đổ vỡ tương quan với anh chị em mình. Ngược lại biết dùng tiền của để tạo lập những mối tương quan tốt đẹp, “tạo lấy bạn bè”, để rồi, chúng ta sẽ được “đón rước vào nơi ở vĩnh cửu” cùng với Chúa và Anh chị em mình. Amen.
fR. Joseph Phạm Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment