Friday 24 July 2015

NHÌN THẤY CƠN ĐÓI CỦA THA NHÂN

Nhà văn Kim Lân có một tác phẩm rất nổi tiếng mang tựa đề “Vợ Nhặt”. Đó là một bức tranh ảm đạm về nạn đói năm Ất Dậu, 1945 giết chết hơn hai triệu người miền Bắc Việt nam. Người chết như ngã rạ, quạ đen bay vù vù như những đám mây trên bầu trời, xác người chất thành đống, người sống vật vờ như những bóng ma, không khí vẫn thối của mùi rác rưởi và mùi gây của xác người. Trong bối cảnh như thế, một người đàn ông ngụ cư, quá tuổi, xấu xí, nghèo nàn, không lấy được vợ lại nhặt được vợ cách dễ dàng chỉ qua một lời bông đùa. Và cô gái không còn nghĩ gì đến danh giá, nết na, sự xấu hổ để chấp nhận theo trai chỉ mong được một bữa ăn no bụng.

 Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta nghe lại việc Thiên Chúa giải quyết những cơn đói của con người.

Khi nạn đói xảy ra trong vùng Ghin-gan, Thiên Chúa qua bàn tay ngôn sứ Ê-li-sa, đã làm dấu lạ cho 100 người ăn no nê, và vẫn còn dư, với chỉ vọn vẹn 20 chiếc bánh lúa mạch và một ít cốm (2 V 4,42-44).

Đó là một dấu lạ báo trước cho một dấu lạ lớn hơn, quan trọng hơn do chính Đức Giê-su thực hiện trong thời Tân Ước. Với vọn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá, Đức Giê-su đã là phép lạ cho 5000 người ăn no nê, và còn dư đến 12 giỏ đầy bánh vụn (Ga 6,1-15).

Có rất nhiều bài học trong đoạn trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều, thế nhưng trong bài chi sẻ này con xin dừng lại ở hai điểm. Thứ nhất, Đức Giê-su nhìn thấy cơn đói của dân chúng. Thứ hai, “Người biết Người phải làm gì”.

Trong Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca, các môn đệ đến đề nghị với Đức Giê-su là: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." (Mt 14,15; Lc 9,12; Mc 6,35).

Còn trong bài Tin Mừng Gioan mà chúng ta vừa nghe thì chính Đức Giê-su đã nhìn thấy nhu cầu, nhìn thấy cái đói của dân chúng, và ngỏ lời cùng tông đồ Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Nghĩa là chính Đức Giê-su nhìn thấu những nhu cầu thực tế của dân chúng. Người hiểu hoàn cảnh thực tại của họ, giờ đây và lúc này họ cần gì.

Đó là tâm tình và cái nhìn của một vị mục tử, một vị lãnh đạo, một Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn. Họ đến với Người, họ theo Người, vì họ xem Người như một ngôi sao có khả năng làm dấu lạ. Lẽ ra, Người để cho họ cung phụng, tôn vinh người. Thế nhưng, Người lại cho họ thấy rằng họ nên đến với Người vì Người thương yêu họ, Người nhìn thấy nhu cầu thường ngày của họ.

Tuy nhiên, chỉ nhìn thấy nhu cầu của kẻ khác, và cảm động, muội lòng đến rơi nước mắt, xót xa trong lòng, nhưng chẳng biết làm gì cho người ta cả thì cũng vô ích.

Điều quan trọng hơn là “Đức Giê-su biết Người sắp làm gì rồi”. Nghĩa là không chỉ nhìn thấy nhu cầu thực tế của dân chúng mà thôi, xót xa trong lòng, Đức Giê-su còn quyết định sẽ làm hết sức mình, hết cách có thể để làm thỏa lòng cho dân chúng.

Nhưng mà, nếu Đức Giê-su chỉ “biết mình phải làm gì”, nhưng lại không làm, hoặc không có khả năng làm, không bỏ tâm huyết để làm, thì cũng bằng thừa, chẳng ích lợi gì cả.

Hạnh phúc thay, Đức Giê-su đã biến ý muốn, biến việc “biết mình sẽ làm gì” thành hành động. Người đã cho Phi-líp-phê, An-rê, các tông đồ và toàn thể dân chúng thấy, vì tình yêu, Người có thể biến điều không thể thành có thể nhờ niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.

Chỉ sau một lời tạ ơn, thì 5 chiếc bánh đã bỗng nhiên nhân lên thành 5000 ngàn chiếc và cá cũng vậy. Đó chính là lời tạ ơn vì Thiên Chúa đã ban cho nhân loại những chiếc bánh này và tin chắc rằng Người có thế ban gấp ngàn lần vì lòng yêu thương, vì nhu cầu sống còn thật sự của dân Người.

Người ta kể lại rằng: Ngày nọ có một nữ tu rảo qua khu ổ chuột thành Calcutta, bà thấy đó đây những con người khốn khổ, những đứa trẻ lang thang bụi đời, những cụ già bệnh tật, lỡ loét nằm bên vệ đường, những con người đói cơm thiếu áo vật vờ như những bóng ma biết đi…Người nữ tu ấy nhủ lòng rằng: “Tôi phải làm một điều gì mới được”.

Thế rồi bà quyết đình rời khỏi nhà dòng, dồn tất cả tiền bạc của mình thuê một căn nhà cũ ngèo nàn. Ngày hôm sau, bà đi khắp vùng lân cận tìm lũ con trẻ đem về dạy dỗ chúng, đưa những người già neo đơn, bệnh tật về chăm sóc. Rồi bà tiếp tục lập những ngôi nhà gọi là “nhà hấp hối” để giúp cho những người hấp hối bên vệ đường, được chết như một con người.

Thế rồi, phép lạ đã xảy ra? Ngày hôm nay bà đã có hơn 80 trường học trang bị đầy đủ, hơn 300 nhà phát chẩn lưu động hiện đại, hơn 70 bệnh viện cho người cùi, hơn 30 viện chăm sóc người hấp hối, hơn 30 viện chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi và hơn 40.000 nhân viên thiện nguyện khắp thế giới sẵn lòng giúp đỡ bà. Người nữ tu đó không ai khác, chính là Mẹ Têrêxa thành Calcutta, vị sáng lập Dòng Thừa Sai Bác Ái.

Lời Chúa hôm nay luôn mời gọi mỗi người chúng ta hãy suy gẫm để nhìn thấy chính cơn đói của mình. Tôi đang đói gì đây? Đó có thật sự là những cơn đói chính đáng, hợp ý Chúa và ích lợi cho tôi? Tôi có biết mình phải làm gì chưa? Tôi có quyết tâm bắt tay vào việc giải quyết cơn đói của mình hay chưa? Và tôi có làm với tất cả tình yêu và lòng tìn thác hay chưa?

Chúa cũng mời gọi những người cha, người mẹ biết nhìn thấy những cơn đói của những người con; Con tôi đang thật sự đói điều gì? Chúa mời gọi những người vợ những người chồng biết nhận ra những nhu cầu của nhau; mời gọi những người con biết nhìn thấy những ao ước tốt đẹp của cha mẹ; Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy nhìn qua bên nhà hàng xóm, để ý đến những nhu cầu của những con người khốn khổ chung quanh mình.

Nhìn thấy thì chưa đủ, Chúa mời gọi chúng ta hãy “biết mình phải làm” gì và biến sự hiểu biết ấy thành hành động, với quả tim yêu thương và lòng tín thác vào Chúa. Sự quan tâm, những ý tưởng, những hành động chúng ta làm cho người khác với lòng yêu thương sẽ là những điều kiện để Thiên Chúa làm những dấu lạ xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần trên trần gian này.

Fr.Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

No comments:

Post a Comment