Tuesday, 21 July 2015

THÁNH MARIA MADALENA LÀ MỘT "CALL GIRL" NỔI TIẾNG?

Năm 2006, hãng phim Sony Pictures của Mỹ đã làm chấn động dư luận thế giới và làm cho thế giới Ki-tô giáo phải một phen hú vía, và bực tức, lo lắng, hoang mang, khi cho trình chiếu bộ phim Mật Mã Da Vinci.
Đó là một bộ phim viễn tượng mang tính chất tôn giáo dựa theo tiểu thuyết viễn tượng cùng tên của tác giả Dan Brown. Tiểu thuyết gia người Mỹ này đã tưởng tượng rằng Mary Madalena là vợ của Chúa Giê-su dựa trên những chi tiết trong bức tranh “tiệc ly” của họa sỹ tài danh Da Vinci mà ông xem đó như là những mật mã cho một bí mật động trời, mà Ki-tô giáo đã cố gắng bưng bít che đậy suốt 2000 năm qua.

Trước đó, đã có lúc truyền thống Giáo Hội, đặc biệt là thánh giáo hoàng Grêgôriô Cả (540-604) cũng đã cho rằng Maria Madalena chính là cô gái điếm đã khóc ướt chân Chúa, lấy tóc mình lau chân Chúa. Thế nhưng, không có một dữ liệu Thánh Kinh nào cho thấy điều đó.

Không có một dữ liệu Thánh Kinh nào cho chúng ta biết về cuộc đời tội lỗi của bà.  Thay vào đó, Thánh Kinh cho chúng ta những dự liệu sau:

-         Thứ nhất, bà là người thành Madalena, là người được Chúa trừ khỏi bảy quỷ (Mc 16,9; Lc 8,2). Trước đây đã từng thường có quan niệm rằng có bảy quỷ nghĩa là có không biết bao nhiêu tội lỗi. Thế nhưng tuyệt nhiên không phải thế. Những người bị quỷ ám gây ra những bệnh tật như động kinh, câm điếc là rất phổ biến dưới thời Đức Giê-su. Thậm chí, chúng ta từng nghe có người bị "một đạo binh thần ô uế ám". Đạo binh quỷ này sau đó đã được Đức Giê-su cho phép nhập vào đàn heo 2000 con. Kết quả là cả đàn heo lao xuống biển và chết ngộp (x.Mc 5,1-20). Nếu người có bảy quỷ đã rất tội lỗi rồi thì người bị đạo binh quỷ ám chắc hẳn là vô vàn tội lỗi, không kể hết.
-         Thứ hai, bà là một trong những phụ nữ đã theo Đức Giê-su trên con đường rao giảng Tin Mừng và lấy của cải của mình mà giúp đỡ các ngài (Lc 8,1-3). Đó hẳn là một con người quảng đại dâng hiến cả thời gian và tài sản của mình cho sứ vụ của Đức Giê-su. Sự quảng đại và nhiệt thành cộng với tình yêu dành cho Đức Giê-su đã làm cho bà trở thành người đầu tiên loan Tin Mừng Phục Sinh.
-         Thứ ba, bà là một trong những phụ nữ hiện diện dưới chân thập giá và trong ngày an táng Chúa (Mt 27,56.61; Mc 15,47;Ga 19,25). Yêu cho đến cùng. Dù cho các môn đệ bỏ trốn hết. Môn đệ Maria Madalena vẫn kiên trì theo Chúa cho đến cùng. Chẳng những bà theo Chúa đến dưới chân cây thập giá mà còn ra đến tận mộ. 
-         Thứ tư, bà là người một trong những phụ nữ đi viếng mộ Chúa sớm nhất, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần (Mt 28,1; Mc 16,1; Lc 24,10; Ga 20,1). Có thể nói rằng, Bà vẫn tiếp tục theo ngôi mộ ấy cho đến khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
-         Và cuối cùng, bà là người đầu tiên được Chúa Giê-su phục sinh hiện ra sau khi Người sống lại (Mc 16,9; Ga 20,18); và bà là người đầu tiên loan báo Tin Mừng phục sinh cho các tông đồ (Ga 20,18)

    Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe (Ga 20, 1-12.11-18) tường thuật lại việc Maria đơn thân độc mã đến mộ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần và cuộc gặp gỡ riêng tư giữa Maria Madalena với Chúa Giê-su phục sinh.

    Maria Madalena là người phụ nữ đạo hạnh, nhiệt thành, đã theo Chúa suốt chặng đường Người giảng Tin Mừng, theo Người đi vào cuộc khổ nạn và được hưởng nếm niềm vui, niềm vinh dự là người đầu tiên đón nhận Tin Mừng Phục Sinh.

    Thế nhưng, Bà cũng có lúc vuột mất Chúa, chìm vào đêm tối đức tin như cái bóng tối của ngày thứ nhất trong tuần. Ngày thứ nhất trong tuần đã bắt đầu. Thế nhưng, trời vẫn còn tối.

    Mặc cho trời tối, mặc cho đêm đen của đức tin, Maria vẫn kiên nhẫn, âm thầm đi đến mộ Chúa. Và niềm tin sự kiên nhẫn, lòng yêu mến là giúp cho bà được gặp lại Chúa, không phải Đức Giê-su bình thường, nhưng là Đức Giê-su phục sinh Đức Giê-su có khả năng lên cùng Chúa cha.

    Cuộc đời Maria Madalena là cuộc đời theo Chúa trọn vẹn, Bà đã hiến dâng tất cả để theo Chúa, cả trong hành trình rao giảng Tin Mừng, cả trong hành trình thập giá, cả trong cái chết, và cả trong niềm vui Chúa phục sinh, để rồi làm chứng cho mọi người rằng: “Tôi đã thấy Chúa”. Thật không quá khi truyền thống gọi bà là "Tông đồ của các Tông Đồ".

Xin thánh Maria Madalena cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta luôn để cho Chúa được đồng hành với hiện diện, hoạt động mọi lúc, mọi nơi, mọi ngỏ ngách của cuộc đời. Xin cho mỗi người chúng ta đừng chỉ theo Chúa theo “thời khóa biểu”; theo Chúa trong khoảng thời ấn định, một khoảng thời gian ít ỏi, vội vàng, và nhiều lúc hời hợt, không trọn vẹn, bởi những mệt mỏi, mơ ngủ, bởi những mải mê suy nghĩ chuyện riêng tư. Có như thế, chúng ta mới có thể xác tín và loan báo với mọi người rằng: “Tôi đã được gặp Chúa”. Mỗi Thánh Lễ dù online hay thực tế thì vẫn là một cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Mỗi khi đọc một trang Thánh Kinh là mỗi khi người ta có thể tiếp xúc với Đấng Phục Sinh. Không phải bên mộ Chúa, nhưng bất cứ nơi đâu, hay vào thời điểm nào người ta cũng có thể gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh thật sự người ta mới có thể mạnh dạn loan báo như Maria Madalena. Amen.

Fr. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD.


No comments:

Post a Comment