Friday 3 July 2015

"BỤT CHÙA NHÀ KHÔNG THIÊNG"

RABINDRANATH TAGORE là một thi sĩ nổi tiếng người Ấn độ; là người Châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel. Ông bắt đầu làm thơ khi mới 8 tuổi.

Một hôm, cậu bé Tagore làm một bài thơ và đưa lên cho cha xem. Cha cậu lắc đầu

- Thơ mày là thơ thẩn! rồi quăng ngay vào sọt rác.

Tagore bèn chép bài thơ của mình thật cận thận và đề xuất xứ là trích trong một cuốn thơ cổ, rồi đưa cho cha mình.
Cha cậu vừa đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen: “Tuyệt, tuyệt”. Rồi đem khoe tíu tít với đứa con trai lớn của ông, hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học. Ông nói :

- Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này.

Người anh đọc xong cũng xoa tay khen là hay đáo để, và muốn trích đăng lên  mặt tờ báo văn học của ông.

Ông anh mới hỏi Tagore về cuốn thơ cổ mà Tagore đã trích bài thơ này để ông còn trích xuất xứ khi đăng lên báo.

Tagore mới nói rằng: thật ra đó chẳng phải là bài thơ cổ gì cả. Đó chính là bài thơ của Em mà ba đã vứt vào sọt rác sáng nay.

Người ta thường nói: “Bụt chùa nhà thì không thiêng”. Đức Giê-su dẫu làm rất nhiều dấu lạ chữa lành, trừ quỷ và thậm chí phục sinh kẻ chết khi Ngài làm cho con gái ông Giaia sống lại. Thế nhưng, đó chỉ là những dấu lạ ở những nơi nào khác, còn nơi quê hương Nagia-rét thì không.

Ấn tượng mà Đức Giê-su để lại trong lòng những người đồng hương chỉ là những câu hỏi hoài nghi, ngờ vực: bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ con bà Maria, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giê-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm của chúng ta sao? Và hậu quả nặng nề của những hoài nghi, ngờ vực đó là: Họ vấp ngã vì người.

Người không thể làm được phép lạ nào tại đó, bởi lẽ phép lạ chỉ dành cho người có đức tin và phép lạ nhằm để dẫn đến đức tin. Ngài đã nhiều lần nói cùng những người được chữa lành rằng: “Đức tin của con đã chữa con” hay “ Con tin thế nào thì được như vậy”.

Làm sao Đức Giê-su có thể làm dấu lạ nếu như họ không tin và làm dấu lạ làm gì khi họ không muốn tin vào Ngài. Dấu lạ dẫu có làm được cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Bởi lẽ, đức Giê-su đến thế gian không phải để làm những dấu lạ chữa lành hay trừ quỷ. Ngài không phải là một bác sĩ đơn thuần. Ngài là Đấng cứu độ. Nhiệm vụ của Ngài cao cả hơn nhiều. Ngài đến thế gian để gieo mầm đức tin. Chỉ có đức tin mới mang đến cho người ta ơn cứu độ và sự sống bất diệt” “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Như thế, việc chối từ Đức Giê-su không chỉ là đánh mất ân phúc từ những dấu lạ chữa lành mà thôi nhưng là đánh mất sự sống đích thực, sự sống đời đời, đánh mất cả đời người.

Nguồn gốc xuất thân tầm thường, nghề nghiệp bình thường, một lối sống nghèo hèn của một vị Thiên Chúa làm người đã làm cho những người đồng hương Nagiaret và đa số người Do Thái vấp ngã. Họ không thể tưởng tượng được là Đấng Thiên Sai mà họ mong chờ bấy lâu lại giáng sinh trong một máng cỏ nghèo nàn, lớn lên trong một làng quê nghèo Nagiaret, và làm nghề thợ mộc. Họ không muốn tin, không muốn nhìn nhận, không muốn đón nhận một Đấng Thiên Sai như thế. Và đó thực sự là một tấn bi kịch, là một thảm kịch.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại niềm tin của mình một cách nghiêm túc. Chắc chắn rằng không ai trong chúng ta nghi ngờ Đức Giê-su là con Thiên Chúa làm người. Thế nhưng, chúng ta đã thực sự tin tưởng và phó thác đời mình cho Ngài hay chưa?

Người Do thái đã không tin nhận một Đức Giê-su đơn nghèo, giản dị, bình thường và thân quen. Còn mỗi người chúng ta thì sao? Trong một xã hội phát triển, người ta xem những giá trị vật chất như là những bảo đảm tất yếu của mạng sống con người. Trong một xã hội mà các địa vị đại gia, phú gia và mỹ nhân là đối tượng cho sự thèm muốn của con người.

Trong một xã hội mà tiền tài, danh vọng là mục tiêu, là mối lợi mà người ta bất chấp mọi sự để đạt đến. Trong một thời đại mà mọi thứ đều quy ra thóc, mọi mối tương quan đều được nối kết bằng hiện vật và hiện kim. Trong những xã hội như thế, thì một Đức Ki-tô không tiền tài, không danh vọng, không địa vị, không sắc đẹp ở chỗ nào trong lòng mỗi người chúng ta?

Chúng ta có dám đặt trọn niềm tin vào lời hứa của Ngài về một sự bình an đích thực, một sự sống dồi dào, sự sống bất diệt ngay cả khi chúng ta lâm vào tình trạng túng nghèo, phá sản; ngay cả khi gia đình chúng ta gặp nghịch cảnh; ngay cả khi chính bản thân chúng ta lâm trọng bệnh hết đường cứu chữa? Đó mới là niềm tin đích thực và đủ để cho dấu lạ được xảy ra trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Xin cho mỗi người chúng ta luôn có được niềm tín thác nơi Đức Ki-tô, Đấng yêu thương luôn hiện diện bên đời chúng ta, để rồi dù cuộc sống có thăng hay trầm chúng ta vẫn có được sự bình an đích thực. Amen.

No comments:

Post a Comment