Saturday, 18 July 2015

"HIỆP THÔNG LÀ CHÓP ĐỈNH CỦA LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI"

Ngày 24 tháng ba năm 1980, đức cha Oscar Romero, tổng giám mục giáo phận thủ đô San Salvador, Nước El Salvador, đã bị ám sát chết ngay tại bàn thờ, khi đang cử hành Thánh Lễ, lúc ngài đang dơ cao chén máu thánh Chúa. Ngài bị bắn xuyên tim và gục ngã ngay dưới chân bàn thờ. Giám mục Oscar Romero là một tiếng nói bất khuất chống lại bất công xã hội. Ngài không ngừng đứng bên cạnh người nghèo, lên tiếng bênh vực họ và không ngần ngại chết vì đoàn chiên của mình.

Và ngày 23 tháng 5 vửa rồi Đức Hồng Y Angelo Amato, bộ trưởng bộ phong thánh, đặc sứ của đức thánh cha Phanxico đã chủ sự Thánh Lễ và nghi thức tôn phong đức cha Oscar Romero lên hàng á thánh.

 Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức hồng y Amato đã nói vỀ Đức Cha Romero như sau: “Lòng bác ái của ngài còn vươn đến cả những kẻ bách hại mình và ngài kêu gọi họ cải hoá và làm điều thiện. Và như thế ngài không phải là biểu tượng của chia rẽ, mà là biểu tượng của bình an, của hòa hợp và tình huynh đệ”.

Bài trích sách ngôn sứ Giêrêmia ghi lại việc Đức Chúa lên án các mục tử, bởi lẽ họ làm cho đàn chiên tan tác và thất lạc bằng cách xua đuổi và chẳng lưu tâm đến chúng. Qua đó, Đức Chúa cũng hứa sẽ đích thân quy tụ đoàn chiên còn sót lại và giao cho những mục tử để lãnh đạo và chăn dắt chúng. Đoàn chiên sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa.

Vị mục tử tuyệt vời được dự báo sẽ là chồi non của nhà Đa-vít, một vị vua khôn ngoan, tài giỏi và thi hành điều chính trực công minh. Danh hiệu của vua ấy sẽ là: “Đức Chúa, sự công chính của chúng ta”. Vị mục tử ấy chính là Đức Giê-su Ki-tô.
Những tố chất của vị mục tử Giê-su được thánh Phao-lô diễn tả rất tuyệt vời: Người là bình an của chúng ta. Người loan Tin Mừng bình an. Người xây dựng sự bình an bằng cách phá bỏ bức tường ngăn cách của sự thù ghét. Lòng hận thù làm ngăn cách con người, làm cho con người mất đi sự bình an.

Và cái giá mà Ngài đã bỏ ra để xóa bỏ sự thù ghét và  nối kết đôi bên thành một ấy chính là chính mạng sống của mình. Nghĩa là Ngài chấp nhận đánh đổi tất cả, chấp nhận hy sinh tất cả những gì mình có. Không chỉ là hy sinh, thời giờ, sức khỏe, tiền bạc, tuổi xuân, tài năng,…nhưng là tất cả.

Mục tử Giê-su không những quy tụ các con chiên về chung một đàn, nhưng là quy tụ tất cả thành một thân thể duy nhất. Một biểu tượng cho thấy sự nối kết hữu cơ giữa các thành viên ki-tô hữu với Đức Ki-tô và với nhau.

Đoàn chiên Chúa phải là đoàn chiên sẵn sàng nên một với nhau. Đó là một đàn chiên cùng hướng về một hướng, cùng tháp vào một cây để nhờ đó, Họ nên một với nhau. Đó là đoàn chiên mà Đức Giê-su muốn quy tụ, đó là cộng đoàn mà Đức Giê-su muốn thiết lập: “một người mới duy nhất nơi chính bản thân người”

Tin Mừng Mác-cô hôm nay phác họa một đàn chiên sống động, đông đúc, khắp các thành chạy theo, đón đường Đức Giê-su và các môn đệ. Họ cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Họ cần Chúa, họ khao khát được nghe lời của Chúa. Lời Chúa như là một loại lương thực dồi dào đủ khỏa lấp tâm hồn họ. Mục tử Giê-su đã chạnh lòng thương và dạy dỗ họ nhiều điều.

Đức Thánh Cha Phanxico trong Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến đã ví sự hiệp thông như là “chóp đỉnh của lịch sử loài người theo hoạch định của Thiên Chúa.” Là chóp đỉnh, có nghĩa là sự hiệp thông, hiệp nhất là giá trị cao nhất mà Thiên Chúa muốn loài người vươn đến và đạt được.

Để được hiệp nhất nên một thì mọi mục tử và mọi con chiên Chúa phải có niềm khao khát tìm kiếm Chúa, kết hiệp với Chúa và nhờ kết hợp với Chúa họ trở nên một với nhau.

Khao khát tìm kiếm Chúa bằng cách để cho Tin mừng chất vấn; chọn lựa Tin mừng phải làm “kim chỉ nam” cho cuộc sống hằng ngày và cho những lựa chọn của mình; phải sống Tin Mừng cách triệt để.

Đức Thánh Cha cũng mời gọi chúng ta hãy tự hỏi: “Chúa Giêsu có còn là tình yêu thứ nhất và độc nhất, như chúng ta đã quyết tâm khi tuyên khấn không? Chỉ khi nào được như vậy, thì chúng ta mới có thể và buộc phải thương yêu trong sự thật và lòng lân tuất hết mọi người mà ta gặp trên đường, bởi vì chúng ta đã học biết nơi Người tình yêu là gì và yêu như thế nào: chúng ta sẽ biết yêu bởi vì chúng ta có chính trái tim của Người.”

Một cộng đoàn, một gia đình có những con tim yêu Chúa và thương người như thế sẽ là một cộng đoàn nên một. Một thế giới có nhiều con tim tỏ lòng trắc ẩn như thế sẽ là một thế giới hiệp thông huynh đệ. Đó là chóp đỉnh của lịch sử loài người. Và chỉ khi nào đạt đến chóp đỉnh ấy con người mới đạt đến sự bình an và hạn phúc đích thực.

Fr. Joseph Phạm Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment