Saturday 1 August 2015

LƯƠNG THỰC THƯỜNG TỒN


Có một cụ già đạo đức đến hỏi tôi rằng: Cha sẽ trả lời thế nào khi có một người lương giáo hỏi cha rằng: Thiên Chúa nhân từ và quyền năng, thế tại sao lại có những con người đói kém không có đủ cơm ăn áo mặc, trong lúc lại có những người giàu sụ tiền của không biết bỏ đâu cho hết?” “Thiên Chúa quyền năng không thể nào giải quyết cơn đói cho con người hay sao?” “Hay là Thiên Chúa dửng dưng không quan tâm cho nên nhiều người lâm vào cảnh cùng khốn như thế?”
 
 Chúng ta phải khẳng định rằng: Thiên Chúa quyền năng có thể làm từ không ra có. Người có thể ban manna từ trời xuống để nuôi dân suốt 40 năm họ đi trong sa mạc (Xh 16,35). Người khiến nước từ tảng đá chảy ra giải quyết cơn khát của dân (Xh 17,1-7). Đức Giê-su cũng có thể cho hơn 5000 người ăn no nê chỉ với vọn vẹn 5 chiếc bánh và hai con cá (Ga 6,5-15). Đó là những dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa quyền năng và yêu thương. Người có khả năng giải quyết mọi cơn đói cơn khát của dân.

Thế nhưng, đó không phải là điều tiên quyết, quyết định đến vận mạng của đời họ. Đức Giê-su xuống thế làm người không phải để thỏa mãn những nhu cầu thể xác của con người. Người có thể và đã làm nhiều dấu lạ chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người cũng đã cho họ ăn bánh và cá no nê. Tuy nhiên, nếu như họ chỉ dừng lại ở những khát mong khỏi bệnh và thỏa mãn cơn đói cơm bánh mà thôi, thì những dấu lạ Đức Giê-su làm không mang những hiệu quả và giá trị đích thực.

Đức Giê-su hẳn muốn họ phải vươn tầm nhìn ra xa hơn những nhu cầu cơm bánh hằng ngày. Ông bà ta nói “ăn để sống chứ không phải sống để ăn”. Cái ăn cái mặc là nhu cầu tối thiểu để cho con người không phải chết về thể xác. Thế còn, vấn đề quan trọng hơn, lớn hơn là con người phải học cho biết cách sống thế nào. Đâu là chân lý và cùng đích mà con người phải theo đuổi? Cùng đích của con người không phải là những cái ăn cái mặc, là tích tụ của cải để đảm bảo cuộc sống sung sướng thể xác mà không buồn nghĩ đến những phương cách, những lối sống, lẽ sống nhằm nâng cao giá trị con người.

Ai cũng biết rằng giá trị con người không nằm ở chỗ cái áo anh mặc, cái xe anh đi, cái điện thoại anh xài, cái nhà anh ở, cái biệt thự anh xây… ấy vậy mà nhiều người, rất nhiều người cứ mãi mê theo đuổi những giá trị vật chất đến nỗi quên đi việc nâng cao giá trị thực của một con người. Hoặc tệ hại hơn là sẵn sàng chà đạp người khác để tiến bước trên đà danh vọng.

Cái ăn cái mặc, cái ở lẽ ra chỉ nên là những nhu cầu tối thiểu để duy trì mạng sống cho con người thì lại trở nên mục tiêu chính yếu để con người theo đuổi cả đời. Để chi vậy? không những nhiều người tích tụ của cải cho mình, rồi còn để lại cho con cháu mai sau, để chúng nó thoát khổ và sống sung sướng.

Cụ già ấy hỏi tiếp tôi rằng: tại sao con chim, con chồn, và các con vật không con nào xây tổ, để tổ, để nhà, để hang lại cho con nó cả. Mọi con vật trưởng thành đều phải tự xây tổ, đào hang cho mình thì tại sao con người lại để nhà cửa lại cho con, cho cháu của mình? Tại sao họ không thể dạy cho con, cho cháu họ cách thức, khả năng tự chăm sóc, tự kiếm sống, tự xây nhà cho mình? Liệu những gì họ vất cả cả đời để tích tụ cho con cháu được thừa kế có làm cho con cháu của họ được thăng tiến hơn trong hành trình làm người hay không? Đó là những câu hỏi rất đáng để suy gẫm.

Đức Giê-su đã nói thẳng với với đám đông đi tìm kiếm Người rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận."

Đức Giê-su không muốn đám đông dân chúng chỉ theo Người chỉ vì “được ăn bánh no nê”. Dĩ nhiên, Người có thể cho họ ăn bánh no nê mỗi ngày như thế cũng như Thiên Chúa đã từng nuôi dân Do Thái trong sa mạc suốt 40 năm bằng một thứ bánh mà không ai biết đó là bánh gì. Đức Chúa đã làm như thế vì nếu trong sa mạc nếu Người không nuôi họ thì họ sẽ chết, nhưng điều quan trọng hơn là Đức Chúa muốn dân tin vào Người và trung thành với gia ước họ đã lập với Người. Đức Giê-su đã không làm thế, bởi với đôi tay và khối óc của họ, họ có thể nuôi sống mình. Quan trọng hơn, Người muốn họ phải nhận ra rằng không phải cả cuộc đời con người chỉ có lao nhọc vì cơm bánh mà thôi.

Họ phải đến với Người vì “đã nhìn thấy dấu lạ”. Nghĩa là họ nhìn thấy nơi người dung mạo của một Thiên Chúa quyền năng và yêu thương, một Thiên Chúa mà họ có thể tin cậy, dám trao thân gởi phận và qua đó sẵn sàng sống theo đường lối của Người. Lương thực mà Đức Giê-su muốn ban cho họ chính là “lương thực thường tồn” chứ không chỉ là cơm bánh “mau hư nát”. Chỉ có lương thực thường tồn mới làm cho con người có được “phúc trường sinh”. Trước đó, Đức Giê-su cũng hứa cùng người phụ nữ: “Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời" (Ga 4,14).

Lương thực thường tồn mà Đức Giê-su muốn nói đến là gì? Đó là chính Đức Giê-su như Người đã khẳng định: “Đức Giê-su bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35). Đó là lời chân lý là sự thật. Thế nhưng đó cũng là một thách đố cho dân Do Thái ngày xưa cũng như cho con người ngày nay. Họ có dám tin vào chính Đức Giê-su, tin vào lời Người nói, tin vào Bí Tích Thánh Thể, để rồi họa theo lối sống của Người, làm theo chỉ dẫn của Người: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Lấy việc thi hành thánh ý Chúa làm lương thực cho mình: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của cha Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Mà thánh ý của Chúa Cha là cho tất cả mọi người được ơn cứu độ: “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết"(Ga 6,40).

Chuyện kể rằng:

Có một thương nhân người Mỹ ngồi trên bến tàu của một làng chài nhỏ trên bờ biển Mexico, xem một ngư dân Mexico đang chèo chiếc thuyền nhỏ cập bến. Trên chiếc thuyền nhỏ có một vài chiếc đuôi cá Đại Hoàng và vây Cá Ngừ. Vị thương nhân người Mỹ này khen ngợi người ngư dân Mexico bắt được loại cá có giá trị cao như thế.

Ông hỏi người ngư dân: “Anh đã mất bao nhiêu lâu để bắt được số cá đó?”

Người ngư dân Mexico trả lời:”Chỉ một lát là bắt được từng đó rồi“.

Vị thương nhân người Mỹ lại hỏi: “Anh tại sao lại không nán lại lâu hơn một chút để bắt được thật nhiều cá hơn?”

Người ngư dân Mexico cảm thấy không cần làm như thế liền nói: “Số cá này là đã đủ cho người nhà tôi dùng rồi”.

Vị thương nhân người Mỹ hỏi: “Như thế thì thời gian trong ngày của anh còn rất nhiều, anh làm những việc gì?”

Người ngư dân Mexico giải thích: “Tôi à? Tôi mỗi ngày ngủ đến lúc hết buồn ngủ mới dậy, ra biển đánh bắt mấy con cá, sau đó trở về nhà chơi cùng các con, rồi ngủ trưa cùng vợ, lúc hoàng hôn đến, cùng với anh em uống chút rượu, chơi đàn ghi ta. Cuộc sống của tôi trôi qua vô cùng tốt đẹp”.

Thương nhân người Mỹ cho rằng như thế là không tốt liền nghĩ kế giúp người ngư dân, ông ta nói: “Tôi là thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường Đại học Harvard tôi có thể giúp anh bận rộn hơn, mỗi ngày anh hãy dành nhiều thời gian đi bắt cá hơn, đến khi đó anh sẽ có tiền để mua một chiếc thuyền to hơn một chút, đương nhiên anh sẽ bắt được nhiều cá hơn nữa, anh lại mua được một chiếc thuyền to hơn nữa, sau đó anh có thể có được cả một đoàn thuyền đánh cá”

Ông nói tiếp: “Đến lúc đó anh không cần phải mang cá đi bán cho người buôn cá, mà trực tiếp bán cho cơ sở chế biến cá, sau nữa anh có thể mở một nhà máy chế biến đồ hộp, như thế anh có thể kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất, gia công, tiêu thụ. Sau đó anh có thể từ bỏ làng chài nhỏ này, chuyển đến Mexico, lại chuyển đến Los Angeles, cuối cùng là đến New York, ở đó xí nghiệp kinh doanh của anh sẽ không ngừng phát triển mở rộng”.

Người ngư dân Mexico hỏi: “Điều này phải mất bao nhiêu thời gian đây?”

Vị thương nhân người Mỹ trả lời: “15 đến 20 năm”

Người ngư dân Mexico hỏi: “Vậy còn sau đó thì sao?”

Vị thương nhân người Mỹ cười lớn và nói: “Sau đó thì anh có thể ở nhà làm Hoàng đế. Thời cơ thích hợp đến, anh có thể đưa cổ phiếu ra thị trường, bán cổ phần của Công ty anh cho dân chúng, đến lúc đó anh sẽ giàu có đấy, anh có thể có vài tỷ, vài tỷ đô la tiền lợi nhuận”.

“Tiếp sau đó nữa thì sao?”

Vị người Mỹ nói: “Cho đến lúc đó anh có thể nghỉ hưu, anh có thể đến bờ biển của làng chài nhỏ mà sinh sống, mỗi ngày ngủ đến tỉnh ngủ mới dậy, ra bờ biển bắt vài con cá, chơi cùng các con, lại cùng vợ ngủ trưa, lúc hoàng hôn, lại cùng anh em trong thôn uống chút rượu và chơi đàn ghi- ta.”

Người ngư dân Mexico nghi ngại nói: “Tôi hiện tại chẳng đúng là đang như thế sao?”

Gia đình hòa thuận, cuộc sống yên bình, chẳng phải đã là một loại thành công và hạnh phúc sao?

Hạnh phúc của cả đời người chẳng phải là sống thân tình với Chúa và chan hòa gần gũi với anh chị em mình đó sao?

Fr. Joseph Phạm Duy Thạch SVD



No comments:

Post a Comment