Saturday 30 May 2015

TÌNH YÊU BA TRONG MỘT

Thiên Chúa là Tình yêu. Đó là bản chất và nét đẹp của Thiên Chúa. Không có Thiên Chúa không tình yêu và không có tình yêu thật sự nào mà không có Thiên CHúa. Thiên Chúa và tình yêu là một, chứ không phải tình yêu là một thuộc tính của Thiên Chúa. KHông phải Thiên Chúa có tình yêu nhưng Thiên Chúa là tình yêu.

Tình yêu nơi Thiên CHúa được diễn tả thế nào?

Tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả qua những gì mà con người có thể quan sát và cảm nghiệm được, nhưng trên hết là những gì mà con người không thể tưởng tượng được.

Những điều con người có thể quan sát và cảm nghiệm được.
Công trình sáng tạo: 

Vũ trụ và con người. Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ vạn vật không phải để thỏa mãn bản thân; không phải để khoe tài, không phải để chứng tỏ bản thân; cũng không phải để vũ trụ vạn vật làm bạn với Ngài. Thiên CHúa không xem vạn vật như là những đồ vật để giải trí và tiêu khiển. Ngài dựng nên chúng vì Ngài yêu thương chúng và để yêu thương và làm cho vũ trụ vạn vật được hạnh phúc. Vũ trụ vạn vật chính là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa và cũng chính là hoa trái của Tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu đòi hỏi sự chia sẻ và trao ban.
Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài. Thiên Chúa không có hình tượng thì làm sao con người giống hình ảnh Ngài được. Giống hình ảnh Thiên Chúa là giống thế nào? Dĩ nhiên cụm từ "hình ảnh Thiên Chúa" không thể được hiểu theo nghĩa vật chất. Con người giống hình ảnh Thiên Chúa ở 2 điểm chính. 

Thứ nhất: Con người được sống bằng sinh khí của Thiên CHúa. Con người được Thiên CHúa chia sẻ, trao ban chính sinh khí của mình. Khi Thiên Chúa dựng nên Ađam, Ađam chỉ là một tượng đất sét. Ađam chỉ thật sự thành người sống động khi Thiên CHúa thổi sinh khí vào lỗ mũi. Thiên Chúa khai nguồn sự sống, trao ban chính sự sống mình cho con người.

Thứ hai: Con người có trái tim yêu. Trái tim yêu đó chính là nguồn tình yêu mà Thiên CHúa trao ban cho con người. Thiên CHúa yêu thương không ngần ngại trao cho con người chính nguồn tình yêu của mình. Con người giống Thiên Chúa ở khả năng yêu thương và dâng hiến. Đó cũng chính là nét đẹp quan trọng nhất mà Thiên CHúa trao ban cho con người.

Như thế Thiên Chúa Tình Yêu đã trao tặng hai viên ngọc quý báu nhất cho con người. Viên Ngọc sự sống và viên ngọc tình yêu.

Điều đó cũng ngụ ý rằng. Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa: với nguồn sự sống của Thiên CHúa và Tình yêu của Thiên CHúa. Con người cũng phải biết sống và yêu thương như Chúa. Hơi thở, sinh khí, sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người là để yêu thương người khác và vạn vật. Và chỉ khi nào duy trì được như thế thì con người mới được bình an và hạnh phúc.

Công trình cứu chuộc:

Tình yêu Thiên Chúa còn được diễn tả cách đặc biệt trong công trình cứu độ, "Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống" (1Ga 4,9). Thiên Chúa đã yêu thương con người tội lỗi đến độ trao ban chính Con một của Người là Đức Giêsu Kitô, đến trần gian để cứu chuộc con người. Và mầu nhiệm tự hạ vì yêu của Đức Giêsu được thánh Phaolô tóm tắt trong thư gửi giáo đoàn Philíphê:          "Đức Giê-su Ki-tô 
vốn dĩ là Thiên Chúa 
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì 
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang 
mặc lấy thân nô lệ, 
trở nên giống phàm nhân 
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình, 
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, 
chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người 
và tặng ban danh hiệu 
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, 
cả trên trời dưới đất 
và trong nơi âm phủ, 
muôn vật phải bái quỳ ;
  và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, 
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : 
"Đức Giê-su Ki-tô là Chúa". (Pl 2, 6-11)
Đó là tình yêu ngoại tại của Thiên Chúa mà con người có thể cảm nghiệm bằng giác quan và tri giác. Thế nhưng còn tình yêu nội tại của Thiên Chúa là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của con người. Các thần học gia đã cố gắng suy tư và diễn tả dựa trên những mạc khải của Đức Giêsu trong Thánh Kinh. Đó là tín điều và thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đức Giêsu nói về một mối tương quan giữa Người với Chúa Cha, và sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần, sau khi Người phục sinh và về trời. Người nói về một sự gắn bó nên một giữa Người với Cha Người. Người tự xưng là "Đấng hằng ở nơi cung lòng CHúa Cha" và "Ta và cha ta là một" (Ga 10,30). Và Thánh Thần như là hơi thở của Đức Giêsu: "Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần." (Ga 20,20). Thánh Thần đó là Đấng Bảo Trợ Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Đức Giêsu, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Đức Giêsu đã nói với các môn đệ" (Ga 14,26).
Thiên Chúa có Ba Ngôi: Cha, Con, và Thánh Thần, nhưng không phải là ba Chúa nhưng vẫn là một Chúa. Đó là điều vượt khỏi trí khôn của con người. Đó là cảnh giới cao nhất của mầu nhiệm Thiên Chúa tình yêu. Tình yêu đã khiến 3 trở thành một, một nhưng vẫn là 3. Đó không giống như mối tình tay ba trong nhân loại, vì mối tình tay ba thường là oan tình, không có kết quả tốt.

Dáng dấp của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa được bộc lộ phần nào nơi tình yêu đôi lứa và tình yêu vợ chồng. Hai người yêu nhau thật sự đều muốn trở nên một với nhau, một lòng, một ý, một sở thích, một giấc mơ, một mái nhà, con chung, của chung, nhất là hợp hơn thân xác. Con người bi cản trở thân xác nên họ không thể thành một người được, nhưng họ vẫn có thể "thành một xương một thịt" theo kiểu diễn tả của Thánh Kinh. Nghĩa là họ làm mọi cách tốt nhất có thể để trở nên một với nhau và đôi vợ chồng nào càng nên một thì càng nên giống Thiên Chúa, càng phát huy tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thì càng tìm được hạnh phúc cho mình và mang lại hạnh phúc cho nhau.
Ý Nghĩa cho cuộc đời ta:

Tình yêu Ba Ngôi chính là nguồn cội, cũng là gương mẫu cho tình yêu nhân loại. Nếu con người nhận ra và phát huy tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa đặt để trong mình để rồi yêu thương người khác theo kiểu mà Thiên Chúa đã yêu thương con người, một tình yêu vô vị lợi, thì con người càng tiến lại gần hơn với hình ảnh Thiên Chúa nơi mình. Càng giống Thiên Chúa thì con người càng cảm thấy niềm vui hạnh phúc trong cuộc đời làm người. Ngược lại càng chạy theo tình yêu vị kỷ thì con người càng thấy thiếu thốn và bất hạnh vì con người đang rời xa chính mình.

No comments:

Post a Comment