Friday 4 October 2013

"HÃY NĂNG LẦN HẠT MÂN CÔI" Lc 1,26-38



Năm sự vui, thứ nhất thì gẫm Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường. Đó chính là một trong những mầu nhiệm Kinh Mân Côi, thân thương, quen thuộc, gần gũi, gắn liền với đời sống cầu nguyện của hầu hết mọi người ki-tô hữu chúng ta. Mầu nhiệm này được đặt trên nền tảng của đoạn Tin Mừng theo thánh Luca mà chúng ta vừa nghe. Đó thật sự là một mầu nhiệm vui vì nó chứa đựng một tin vui trọng đại cho toàn thể nhân loại chúng ta.
Thánh Luca bật mí cho chúng ta biết sứ thần Thiên Chúa đến gặp thiếu nữ Maria trong một ngôi làng xa xôi hẻo lánh để công bố một tin vui: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.” Tin vui ấy không chỉ là tin vui cho riêng thiếu nữ Maria nhưng là tin hạnh phúc cho toàn thể nhân loại. Đó là một thông điệp có sức lay động cả đất trời.
Cuộc gặp gỡ ấy đã được thi sĩ Hàn Mạc Tử dệt thành những vần thơ thật tuyệt diệu: Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel, Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ, Người có nghe xôn xao muôn tinh tú? Người có nghe náo động cả muôn trời? Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời? Để ca tụng, - bằng hương hoa sáng láng, Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng, Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?
       Tuy nhiên, thông điệp ấy dù có trọng đại đến mấy thì nhân loại cũng không thể được hưởng nhờ nếu như không có một thiếu nữ tinh tuyền đón nhận. Rất may là sứ thần Gabriel đã không đến lộn nhà và Thiên Chúa đã không lầm khi chọn thiếu nữ Maria đảm nhận chức vụ làm mẹ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã “chọn mặt gửi vàng” và đã ban cho mẹ nhiều đặc ân làm cho mẹ trở nên xứng hợp với sứ vụ.
Qua lời Chào của sứ thần Gabriel chúng ta có thể nhận ra được nhiều đặc ân mà Thiên Chúa ban cho mẹ. Thứ nhất, Mẹ được gọi là “đấng đầy ân sủng”. Thứ hai, Mẹ được Đức Chúa ở cùng.
Đức Chúa ở cùng nên Mẹ mới tràn đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng thì Mẹ mới dám can đảm đón nhận sứ mạng và Đức Chúa ở cùng thì Mẹ mới đủ sức cho sứ mạng tương lai. Đức Giê-su được mệnh danh là Đấng Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Đó là phúc phận của nhân loại mà Mẹ Maria là thành viên đầu tiên được diễm phúc ây, được Thiên Chúa ngự trị trong cung lòng mình.
Thứ ba, Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa, vừa lòng Thiên Chúa hay Thiên Chúa ưng ý về Mẹ. Đức Maria thực sự đẹp lòng Thiên Chúa không phải do chính công đức của Mẹ nhưng trên hết là do ân sủng mà Thiên Chúa ban cho. Thiên Chúa đã chọn lựa và đã làm cho Mẹ trở nên xứng đáng để mang thai Con Thiên Chúa làm người. Mẹ sống ân sủng Chúa ban trong cung cách lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa một cách triệt để.
Trước sự tín nhiệm và đặc ân của Thiên Chúa, Mẹ Maria cũng biểu lộ một tấm lòng rộng mở sẵn sàng cho sứ vụ. Trước hết, Mẹ tự xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa. Truyền thống Giáo Hội dựa vào điểm này để tôn vinh sự khiêm hạ của Mẹ Maria hay nói đúng hơn là Mẹ đã nhìn nhận đúng thân phận và vị trí của mình. Trong “năm mầu nhiệm vui” của Kinh Mân côi, khi suy gẫm mầu nhiệm thứ nhất: “thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai” chúng ta cầu xin “cho được ở khiêm nhường”. Giáo Hội đã thừa nhận sự khiêm nhường của Đức Maria trong lời bộc bạch: “Này Tôi là tôi tớ Chúa” và đã lấy đó làm mẫu gương cho đời sống khiêm nhường của mình.
Sau khi nhìn nhận mình là “tôi tớ”, là nữ tỳ, Đức Maria đã thưa lên cùng Chúa: “Xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Đây là đoạn kết tuyệt vời nhất của trình thuật về biến cố “truyền tin”. Đức Mẹ khiêm tốn xin Thiên Chúa thi hành thánh ý Ngài trên cuộc đời Mẹ. Đó là ưu phẩm tuyệt vời nhất của Đức Mẹ. Ưu phẩm ấy có tên là “Xin Vâng”. Ngoài Đức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa là cội nguồn và kiểu mẫu duy nhất cho sự vâng lời khi Ngài vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá thì chỉ có Đức Maria, thụ tạo duy nhất có được bản “copy” vâng lời giống với bản chính, rõ ràng, sáng sủa nhất.
Sự xin vâng của Mẹ Maria có ý nghĩa đặc biệt không phải cho riêng cuộc đời Mẹ nhưng khi đặt trong viễn ảnh Nhiệm Cục Cứu Độ. Chính sự xin vâng ấy đã khởi đầu cho hành trình làm người của Con Thiên Chúa. Qua đó, Thiên Chúa thực hiện lời hứa, biểu lộ lòng thành tín của Ngài, thực thi công trình cứu độ của Ngài trên nhân loại.
Mẹ xin vâng không phải vì chính Mẹ, nhưng mang lấy vận mạng của toàn nhân loại. Lời tiên báo của ngôn sứ Simeon “gươm sắt sẽ thâu qua lòng bà” ngày nào, đã được ứng nghiệm trên hành trình xin vâng theo thánh ý Chúa cho đến trọn đời. Mẹ đã gắn bó cả cuộc đời với Chúa Giê-su và bước theo Chúa trên con đường thập tự cho đến giây phút cuối cùng.
 Mừng Lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay chúng ta cùng chung vui với Mẹ, cảm tạ Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài ban cho chúng ta qua lời chuyển cầu của Mẹ. Đồng thời chúng ta cũng hay noi gương, bắt chước Mẹ hiến dâng cuộc đời mình để cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa.
Trong những lần hiện ra tại Fatima và Lộ Đức, Mẹ Maria luôn nhắc nhở mỗi người chúng ta là: “Hãy siêng năng lần hạt mân côi”. Đó là cách thức cầu nguyện đơn sơ, giản dị, dễ dàng, gần gũi và không kém phần hiệu quả cho đời sống cầu nguyện của mỗi ki-tô hữu chúng ta.
Khi đọc Kinh Mân côi chúng ta cùng với Mẹ suy niệm về những mầu nhiệm của Thiên Chúa, tìm thánh ý Chúa, xin vâng theo thánh ý Chúa, cũng như cầu nguyện cho thế giới được bình an, hạnh phúc. Mẹ Maria sẽ gói gém những lời cầu nguyện của chúng ta để dâng lên Thiên Chúa. Mẹ sẽ nắm lấy tay chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.
Cuộc sống mưu sinh, gánh nặng cơm áo gạo tiền làm cho chúng ta không có thời gian đến nhà thờ cầu nguyện. Những lúc như thế chúng ta hãy nhớ đến Chúa qua Kinh Mân Côi. Chúng ta có thể lần hạt trên đường đến công sở, trường học. Chúng ta có thể lần hạt trong lúc chờ xe buýt, trong lúc đi chợ, nấu ăn, quét nhà. Tôi có thói quen, ngoài những giờ lần hạt chung trong nhà dòng, tôi thường lần hạt khi đi đường.
Hiện nay có một số giáo xứ hay một số hội đoàn còn phát động phong trào chuỗi mân côi sống. Cách thức này do cô Pauline Jaricot thành lập vào năm 1826 tại Lyon, pháp. Mỗi người, mỗi ngày, chỉ đọc mười kinh Kính Mừng, rồi suy niệm về một mầu nhiệm. 5 người như thế sẽ được năm mầu nhiệm và 20 người như thế thì chúng ta được một chuỗi 200 kinh gồm tất cả: 5 Sự vui, 5 sự thương, 5 sự mừng, 5 sự sáng. Đó cũng là cách thức hay: làm riêng, làm ít nhưng lại được hưởng lợi rất nhiều, vừa có tính cộng đoàn nữa.

Nguyện xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Mân Côi, ban cho chúng ta lòng yêu mến, siêng năng suy gẫm mầu nhiệm Thiên Chúa qua Kinh Mân Côi mỗi ngày, để chúng ta có thể sống trọn cuộc đời xin vâng như Mẹ và được hưởng hạnh phúc Thiên đàng như Mẹ. Amen.

No comments:

Post a Comment