Người ta kể lại
rằng: Vào cuối năm 1965, trên chuyến phi cơ chở các Giám Mục Hoa Kỳ trở về từ Rô-ma
sau Công đồng Vatican. II, có một vị Tổng Giám Mục,thánh thiện, đạo đức, cứ
nhìn chằm chằm vào nữ tiếp viên hàng không rất xinh đẹp. Cô gái rất lấy làm khó
chịu trước cái nhìn khiếm nhã của vị TGM suốt chuyến bay ấy.
Thật kỳ quái, khi chiếc phi cơ hạ cánh, vị Giám Mục già không chịu xuống máy bay ngay, mà nán lại thủ thỉ vào tai cô tiếp viên hàng không rằng:
Một tuần sau, Cô gái đến gặp vị TGM và thưa rằng: “Kính thưa Đức Cha, điều Đức Cha nói đã làm con băn khoăn nhiều. Cũng chính vì điều đó mà hôm nay con đến gặp Đức Cha. Vậy, theo ý Đức Cha, con phải làm gì để tạ ơn Chúa?”. Vị TGM đề nghị rằng: “Con có muốn cảm tạ Chúa bằng cách thử một lần đến trại phong Di Linh, Lâm Đồng và ở lại với anh chị em bệnh phong khoảng sáu tháng không?”. Cô gái không nói một lời và lặng lẽ khuất dạng trước ánh mắt nhìn theo của vị TGM.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 1966, người ta đọc thấy một bản tin trên các phương tiện truyền thông của Sài Gòn và của Việt Nam về một nữ tiếp viên hàng không rất trẻ, rất đẹp của một hãng hàng không Hoa Kỳ đã xin nghỉ nghề làm tiếp viên hàng không, để đến trại phong Di Linh, Lâm Đồng, tình nguyện chăm sóc các bệnh nhân phong.
Cho đến thời của Chúa Giê-su bệnh phong hủi là một trong
những cơn bệnh nan y quái ác và đáng sợ nhất. Có thể nói bất cứ ai mắc bệnh
phong hủi thì giống như mang nơi mình một bản án tử hình. Họ phải gánh chịu
những cơn đau đớn từng ngày khi từng bộ phận của thân thể cứ lần lượt rụng
xuống. Đáng sợ nhất là họ bị người đời, thậm chí là cả người thân, ruồng bỏ;
phải sống cách ly trong những nơi xa xôi, hẻo lánh. Họ bị đẩy ra bên ngoài lề
xã hội cho đến chết. Chính
vì thế, họ đến với Chúa Giê-su để tìm kiếm chút lòng thương cảm của Người: “Lạy
Thầy Giê-su, xin dũ lòng thương xót chúng tôi”.
Dĩ nhiên, Đức Giê-su, Thiên Chúa làm người luôn nhạy cảm trước nỗi đau của con người. Khởi đầu, chúng ta nghe thánh Luca kể rằng “trên hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Ga-li-lê và Samari” và gặp những người phong hủi tại đó. Đó là vùng đất của những người Samari. Người Samari và người Do thái vốn thù ghét nhau và không chung đụng. Lạ lùng thay, nơi đây lại là chốn dung thân cho 10 người phong hủi, trong đó có đến 9 người là người Do thái. Họ bị đẩy ra khỏi biên giới và dân tộc của họ. Và trong lúc cùng khổ như vậy, người ta mới thấy được một hình ảnh đẹp: người Do thái sống chung với người Samari.
Nghe qua có vẻ là Đức Giê-su tình cờ gặp họ. Nhưng không! Đó là cuộc gặp gỡ không thể thiếu trong hành trình lên Giê-ru-sa-lem của Người. Cuộc gặp gỡ của vị sứ giả của lòng xót thương và những người cùng khổ. Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem làm gì, nếu như Ngài không có một trái tim yêu thương, một sự rung cảm trước nỗi đau của con người? Có thể nói rằng, trước khi họ gọi đến tên Người thì Người đã nhớ đến họ. Người đến đây là vì họ.
Tuy nhiên,
chúng ta lại thấy ngạc nhiên khi Đức Giê-su không chữa họ ngay, nhưng lại bảo họ
đi trình diện các tư tế. Tại sao vậy? Thưa vì theo sách Luật Lê-vi, thì các tư
tế là những người có thẩm quyền xác định ai là người bị bệnh phong hủi phải
cách ly ra và xác nhận ai đã khỏi bệnh, được gia nhập vào cộng đoàn. Khi bảo họ
đi trình diện với các tư tế, Đức Giê-su đã khơi dậy nơi họ một niềm tin được chữa
lành. Và quả thực nhờ niềm tin ấy mà đang khi đi thì họ đã được chữa lành. Dĩ
nhiên là cả 10 người đều được khỏi bệnh.
Tuy nhiên, Đức Giê-su đã tỏ ra thất vọng, tiếc nuối khi thấy chỉ có duy nhất một người quay trở lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Đức Giê-su. Tại sao Đức Giê-su lại lại thất vọng như vậy? Phải chăng Người cần một lời cám ơn, hay những món quà tạ lễ? Thưa không! Đức Giê-su không cần họ quay lại cám ơn Người. Điều Người muốn là họ nên “tôn vinh Thiên Chúa” kìa. Nhưng nói như vậy, chẳng lẽ Thiên Chúa lại thèm muốn một lời tôn vinh, chúc tụng của những người cùng khổ này hay sao? Thưa cũng không! Thiên Chúa dĩ nhiên không cần họ tạ ơn, hay chúc tụng Ngài. Trong lời Kinh Tiền tụng số 4, Sách Lễ Rô-ma, Hội thánh xác tin rằng: “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ”.
Như thế nào gọi là “những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ”? Đức Giê-su thực sự mong đợi điều gì nơi 10 người phong hủi đã khỏi bệnh này? Xin thưa là Đức Giê-su mong muốn chữa tận căn cơn bệnh của họ.
Cơn bệnh
phong hủi tuy đáng sợ nhưng cũng chỉ là một căn bệnh về thể lý. Người muốn chữa
lành căn bệnh tâm linh của họ nữa. Hành động quay lại, lớn tiếng tạ ơn Thiên
Chúa minh chứng cho một đức tin thật sự vào Thiên Chúa. Người ngoại bang ấy đã
thiết lập một mối tương quan với Chúa, Đấng là nguồn cội mọi sự chữa lành và chỉ
có một mình anh được khỏi bệnh hoàn toàn và có thể được ơn cứu độ.
Trong sách Các Vua quyển thứ hai, chúng ta cũng đọc được câu chuyện Ông Na-a-man (2V 5,1-27, một người phong cùi được chữa lành. Ông cũng là một người ngoại (Tướng chỉ huy quân đội người Aram). Sau khi được sạch bệnh, Ông cũng quay trở lại tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và tuyên bố rằng: “Tôi sẽ không dâng hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa”. Đó cũng có thể được xem là đỉnh cao của sự chữa lành. Câu chuyện này cũng đã được Đức Giê-su nhắc lại khi rao giảng tại quê nhà Na-gia-rét: “Tôi nói cho các ông hay: Thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi" (Lc 4,27).
Chúa Giê-su cảm thấy tiếc nuối vì số người được chữa lành tận căn quá ít. Chúa Giê-su tiếc cho 9 người Do thái không được ơn chữa lành cách trọn vẹn.
Trong cuộc đời, mỗi người chúng ta cũng nhiều lần lãnh nhận được ơn chữa lành phần xác, là các bệnh tật nặng cũng như nhẹ; ơn chữa lành phần hồn như là được lãnh nhận ơn tha thứ mỗi khi chúng ta xưng tội. Những sự chữa lành ấy, sẽ không có ý nghĩa thực sự cho cuộc đời chúng ta, nếu như sau những ơn khỏi bệnh ấy, đức tin của chúng ta không triển nở thêm chút nào, sự nối kết của chúng ta với Chúa chẳng khăng khít thêm bao nhiêu.
“Việc tôn vinh Thiên Chúa” sau những lần chúng ta lãnh nhận những ơn lành, không đơn giản chỉ là một đức tính nhân bản, nhưng là một biểu lộ của đức tin. Đức Giê-su đã nói cùng người Samari rằng: “Hãy đứng dậy, và hãy đi (poreúô)! Lòng tin của anh đã cứu anh”. Mười người phong hủi nhờ tin vào lời Đức Giêsu, nên đã được chữa lành; nhưng chỉ có người Samaria mới xem ơn chữa lành như một cơ hội để tiến tới. Một đức tin sâu sắc hơn, một đức tin sẽ mang lại cho anh một kết quả hoàn toàn khác, đó là ơn cứu độ.
Nguyện Xin Chúa Giê-su, qua lời cầu bầu của Mẹ Mân Côi, giúp chúng ta nhận ra tình thương của Chúa trong mỗi biến cố của cuộc đời, để chúng ta luôn gắn bó mật thiết với Ngài, tin tưởng vào Ngài và và nhất là đáp trả bằng cách dấn thân vào mối tương quan thực sự với Đức Giêsu. Bởi lẽ, chỉ có Đức tin được bộc lộ bằng một thái độ lên đường, dấn thân trọn vẹn cho chương trình của Thiên Chúa mới là đức tin có khả năng mang lại cho chúng ta ơn cứu độ vĩnh cửu. Amen!
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
No comments:
Post a Comment