Saturday, 26 October 2013

TÁC HẠI CỦA SỰ "CHÉM GIÓ" TRƯỚC MẶT CHÚA

Nhạc sĩ Võ Như Lân có một ca khúc sinh hoạt khá nổi tiếng về thói tự kiêu, tự mãn như sau:

“Kiêu căng tôi sắc sảo, tôi thành tôi sắc tối.
Huyênh hoang tôi huyền hoặc, tôi thành tôi huyền tồi.
Tự ái tôi nặng nề, tôi thành tôi nặng tội.
Khiêm tốn tôi mỉm cười, đơn giản tờ-ôi tôi.”

Trong Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 18,9-14), thánh Luca cho chúng ta nghe lại dụ ngôn mà Chúa Giê-su kể cho “một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê kẻ khác.”
Thánh Luca nhấn mạnh những người “tự cho mình là công chính” chứ không phải thật sự là công chính.
Đại diện cho những người này chính là nhân vật Pha-ri-sêu trong dụ ngôn mà Chúa Giê-su kể. Ông ta đứng thẳng và nguyện thầm. Tư thế đứng thẳng là tư thế của một người tự tin, hãnh diện, nhưng đó cũng là tư thế của một kẻ cao ngạo.

Chữ “nguyện thầm” theo nguyên ngữ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “nói với chính mình”. Ông thưa chuyện với Chúa nhưng thực ra là ông đang độc thoại một mình. Ông lên đền thờ cầu nguyện nhưng thực ra là để khoe khoang thành tích. Ông "tạ ơn Chúa" nhưng thực ra là ông muốn Chúa hãy biết ơn ông.

Quả thật, bảng liệt kê công trạng của ông không có gì sai. Những điều luật cấm ông không dám làm, những điều luật buộc thì ông còn làm hơn mức qui định. Ông thật là con người đúng mực, một con người hoàn hảo, không có gì để chê trách, một tín đồ trung thành với lề luật, một mẫu gương tuyệt vời. Chỉ tiếc có một điều là ông quá tự mãn, tự kiêu, nên bao việc lành phúc đức của ông theo "cái tôi" bọt bèo của mình mà trôi ra sông ra biển hết sạch.
Cái tôi của ông quá to, đến nỗi ông chỉ nhìn thấy mình mà không thấy Chúa; công trạng của ông quá nhiều đến nỗi, ông chỉ nhìn thấy nó là đức độ của ông, chứ không phải là do ơn Chúa; cái tự mãn của ông quá lớn, cho nên ông thẳng thừng khinh miệt anh em. Ông vừa bẻ gãy mối tương quan với Chúa vừa cắt đứt mối tương quan với anh chị em mình. cuối cùng, ông chỉ còn lại mình ông bơ vơ, lẻ loi với đống công trạng của mình.

Sai lầm trầm trọng của ông Pharisêu bắt đầu từ câu này : "Vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc, như tên thu thuế kia" (Lc, 8,11). Giá như ông đừng so sánh cuộc sống của ông với người khác, mà biết đem cuộc sống của mình đối chiếu với sự thánh thiện của Đức Kitô, thì ông sẽ nhận ra mình còn thiếu sót biết là bao nhiêu, mình còn bất toàn biết là dường nào.

Chính khi đó, ông mới cần đến lòng nhân từ xót thương của Chúa, cần đến sự tha thứ và khoan dung của Người. Chính lúc đó, ông mới biết cầu nguyện bằng những lời lẽ chân thành và khiêm tốn của người thu thuế : "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18,13).

Trong Thánh Lễ chào đón Đức tân TGM phó Phao-lô Bùi Văn Đọc ngày 19/10/2013 vừa rồi, Đức tân TGM phó Phao-lô đã nhìn nhận rằng: “Tôi thấy mình là kẻ có tội, luôn cần đến lòng thương xót và ơn tha tội của Thiên Chúa. Chưa bao giờ tôi nhận thấy mình vô tội, nhưng lúc nào tôi cũng nhận thấy Chúa thương xót và nhận lời kẻ có tội.”

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về Rô-ma, cuối tháng 7 năm 2013, khi được hỏi tại sao ngài cứ năn nỉ xin người ta cầu nguyện cho mình, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã trả lời rằng: “Tôi luôn luôn xin điều đó. Lúc còn là một linh mục, tôi đã xin như thế rồi... Tôi bắt đầu xin điều ấy nhiều hơn khi làm giám mục, …

Tôi biết mình có nhiều hạn chế, có rất nhiều vấn đề, và tôi, một kẻ tội lỗi, như qúi vị thấy đấy! Nên tôi phải xin điều ấy... Nó phát xuất từ bên trong. Tôi cũng xin Đức Mẹ cầu cùng Chúa cho tôi nữa. Đây là một thói quen, nhưng là một thói quen phát xuất từ trái tim tôi và cũng là một nhu cầu thực sự nữa do công việc của tôi.”

Đó quả thực là những mẫu gương khiêm nhường để cho mỗi người chúng noi theo, để khỏa lấp bản tính tự kiêu tự mãn của vốn có nơi mỗi người. Nói đúng ra, việc nhìn nhận mình là tội nhân trước mặt Chúa là một điều hiển nhiên chứ cũng chẳng có gì để gọi là khiêm tốn. Tv 130 nói rằng: “Ôi lạy CHÚA, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130,3). Như vậy, việc nhìn nhận mình là tội nhân trước mặt Chúa chính là nhìn nhận đúng thân phận của mình mà thôi.

Người ta kể lại rằng:
Một ngày kia, Chúa Giêsu đã hiện ra cho thánh Giêrônimô và hỏi:
- Này Giêrônimô, hôm nay con có gì để dâng cho Ta không?
Thánh Giêrônimô đáp:
- Con dâng cho Chúa tất cả những bộ sách con đã viết và nhất là bộ Kinh Thánh con vừa mới dịch xong.
Chúa Giêsu mỉm cười chấp nhận nhưng chưa hoàn toàn thỏa mãn, Ngài hỏi thêm:
- Con còn có gì nữa để dâng cho Ta không?
Thánh Giêrônimô không chút do dự trả lời:
- Con dâng cho Chúa tất cả những hy sinh, khổ cực con gặp thường ngày từ trước tới giờ. Con dâng cho Chúa trọn cả cuộc đời thánh hiến của con đây.
Chúa Giêsu chấp nhận nhưng vẫn chưa mãn nguyện, Ngài lại hỏi lần thứ ba:
- Con còn có gì để dâng cho Ta nữa không?
Lần này, thánh Giêrônimô tỏ vẻ phân vân và nhỏ nhẹ thưa cùng Chúa:
- Thì con đã dâng cho Chúa tất cả những gì tốt đẹp rồi, con còn gì dâng cho Chúa nữa đâu.
Chúa Giêsu nhìn Giêrônimô với đôi mắt nhân từ, tràn đầy yêu thương và phán:
- Giêrônimô, tại sao con không dâng cho Ta những tội lỗi, những tật xấu của con? Con giữ nó làm gì? Ta đã xuống thế, chịu chết trên thập giá là để đền tội lỗi con mà.


Chúa Giê-su đã công bố rằng “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cầnTôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn" (Lc 5,32). Nếu không có tội nhân thì chắc Con Thiên Chúa đã không phải xuống thế làm ngươi để làm gì. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn nhận ra thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình để không còn huênh hoang, tự mãn về những việc mình làm; để chúng ta có lòng thương cảm với những người lầm lỗi; đặc biệt là để chúng ta có thể đón nhận được ơn hòa giải của Chúa. Bởi chỉ có tin vào Chúa, đón nhận lòng thương xót của Chúa, thì chúng ta mới được nên công chính mà thôi. Amen.

No comments:

Post a Comment