Sunday, 28 July 2013

CHO VỪA LÒNG CHÚA

Mới đây, trong một bữa ăn sáng, Cha xứ Phao-lô của chúng ta tâm sự với con rằng: “Khi Đức Cha đưa mình về nhận xứ. Nhìn mảnh đất trống trơn mà cảm thấy rất lo âu và một chút sợ hãi, bởi vì trong đầu óc của mình không có lấy một ý tưởng nào, một đường hướng nào để đi cả, mình không biết phải bắt đầu từ đâu và phải làm thế nào.
Thế là mình dành ra một tuần để cầu nguyện liên lỉ, và sau đó mình đã tìm thấy sự bình an, khi cảm nhận được Chúa đang đồng hành với mình trên mảnh đất trống này.
Và hôm nay, những gì mình làm được trên mảnh đất trống này đều do Chúa đã nắm lấy bàn tay mình và dẫn dắt từng ngày. Ngài kết luận rằng: “Quả thật chưa khi nào mình cảm nhận được giá trị của sự cầu nguyện cách sâu sắc như lúc này”.
Đó là kinh nghiệm hết sức thực tế và sống động về ý nghĩa của việc cầu nguyện của Cha xứ chúng ta. Còn Đức Thánh Cha Benêđictô XVI, trong thong điệp “được cứu rỗi trong hy vọng – Spe Salvi”, đã nói về cầu nguyện như sau: Nếu không còn ai lắng nghe tôi nữa, thì vẫn còn Chúa lắng nghe tôi. Nếu tôi không còn có thể nói chuyện với ai, nếu tôi không còn có thể kêu cầu đến bất cứ người nào, tôi vẫn luôn có thể thưa chuyện cùng Chúa. Nếu không còn ai giúp đỡ, khi nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng hy vọng của con người, thì Thiên Chúa vẫn có thể giúp tôi” (Thông điệp Spe salvi, số 32).
Quả thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã khẳng định rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”. Dẫn chứng mà Đức Giê-su đã đưa cho lời đảm bảo của mình là: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?”. Nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta; nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Đấng tốt lành hết mực, quảng đại hết mực và yêu thương con cái hết mực, thì không có lý do gì mà chúng ta không vào tin lời bảo đảm của Chúa Giê-su.
Phụng vụ Lời Chúa hôm này đưa chúng ta về khung cảnh của một gia đình, một gia đình thật sự thân thương và rất đỗi bền vững. Thế nhưng nhiều lúc chúng ta chưa cảm nhận được, và rất dễ lãnh quên. Đó là gia đình nhân loại. Gia đình ấy hết sức đặc biệt. Gia đình ấy đặc biệt bởi lẽ trong gia đình ấy người cha không phải là một con người nhưng là một Thiên Chúa. Người Cha ấy hết mực yêu thương con cái, rất thấu hiểu con cái, và nhạy cảm trước những nhu cầu của con cái. Gia đình ấy đặc biệt bởi lẽ số lượng anh chị em trong gia đình ấy là vô hạn, không giới hạn, mầu da sắc tộc, người đẹp người xấu, kẻ giàu sang hay kẻ cơ bần nhưng tất cả đều là anh em với nhau. tiêu chuẩn chỉ có một. Đó là cùng gọi Thiên Chúa là Cha: Lạy Cha chúng con, ở trên trời.
Chúa Giê-su dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha nghĩa là Ngài mời gọi chúng ta, hãy trở về với bầu khí gia đình đích thực, đừng xa cách Thiên Chúa, đừng sợ hãi Thiên Chúa, đừng để Ngài ở vị trí xa đến nỗi chúng ta không thể với tới, đến nỗi chúng ta phải khúm núm sợ hãi khi gặp Chúa, nói chuyện với Chúa. Gọi Thiên Chúa là cha cũng đồng nghĩa với việc phải xem tất cả mọi người trong giáo xứ, trong giáo phận, và toàn thế giới là anh chị em của mình.
Khi đặt mình trong địa vị là một người con, chúng ta cần phải cầu nguyện như thế nào, và cầu xin những gì đây?
Xin thưa! Tất cả đã được gói gọn trong lời cầu nguyện mà Chúa Giê-su đã dạy cho các môn đệ ngày xưa và cho mỗi người chúng ta ngày nay. Đó là Kinh Lạy Cha.
Là một người con, trước hết chúng ta phải quan tâm đến việc làm cho Danh của Cha được cả sáng. Nghĩa là làm sao cho nhiều người biết đến Chúa là Cha nhân lành để họ cùng tin tưởng, yêu mến Ngài như chúng ta.
Là một người con hiếu thảo phải làm sao để mở rộng Nước Cha, Nước Trời, Vương Quốc của Cha, làm cho Nước Cha ngự trị trên trần gian này. Đó là vương quốc hiệp nhất, hòa bình và yêu thương.
Là một người con hiếu thảo chúng ta cũng phải để ý đến đâu là thánh ý Chúa Cha. Ngài muốn làm gì, cho chúng ta và cho mọi người, trên trời cũng như dưới đất. Chính Đức Giê-su đến trần gian này cũng là để thi hành thánh ý Chúa Cha. Trong Vườn Cây Dầu Đức Giê-su đã cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha." Tại sao việc thi hành ý Cha lại quan trọng đến thế? Thưa! Vì thi hành thánh ý Cha là phương cách duy nhất để đạt đến ơn cứu độ. Chúa Giê-su đã khẳng định điều ấy: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : "Lạy Chúa ! lạy Chúa !" là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”
Có người đặt vấn đề rằng: sao Chúa Cha lại độc tài vậy? bắt người ta phải thi hành ý của mình mới được vào nước trời? Thưa không! Ý của Cha chính là muốn cho tất cả mọi người đều được hưởng sự sống đời đời. Mà con đường để đạt đến sự sống ấy chỉ có Chúa Cha mới biết và Ngài dẫn đường cho chúng ta đi. Cái mà chúng ta gọi là thánh ý Chúa Cha thực ra là những lời chỉ bảo để chúng ta sống tốt, đi đúng con đường để về quê trời với Ngài.
Như vậy, chỉ khi đặt mình trong vị trí là con Chúa, là công dân của Nước Thiên Chúa, chúng ta mới cảm nhận được điều cần thiết nhất mà chúng ta phải cầu xin là: xây dựng Nước Chúa ở trần gian này, làm sao để chính mỗi người chúng ta luôn sống tốt, luôn sống hiếu thảo với Chúa; đồng thời giúp cho người khác cũng nhận ra bổn phận làm người, làm con Chúa là quan trọng nhất, và mục đích cuối cùng của đời người là đạt được ơn cứu độ; được hưởng hạnh phúc Thiên đàng với Chúa Cha. Và chúng ta làm tất cả vì mục đích ấy mà thôi.
Tất cả 4 lời cầu xin còn lại của Kinh Lạy Cha: Xin lương thực hằng ngày; xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; rồi xin đừng để chúng con sa vào chước cám dỗ; và xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Tất cả những lời cầu xin này đều nhằm vào mục đích duy nhất trên kia. Đó là làm theo thánh ý Chúa Cha để đạt được sự sống đời đời, hay là được vào Thiên đàng.
Chúng ta cần lương thực hằng ngày để sống địa vị làm con cái Chúa cho tốt chứ không phải chúng ta sống chỉ để tìm kiếm lương thực hay những tiện nghi vật chất khác. Chúng ta cần đón nhận ơn tha thứ của Chúa để giao hòa với Ngài sau những lỗi lầm thiếu xót; đồng thời chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác để giao hòa với họ. Trong thân phận yếu đuối dễ sa ngã, chúng ta xin Cha gìn giữ, bảo vệ chúng mỗi ngày thoát khỏi những mưu mô chước độc của ma quỷ, thế gian, và xác thịt, đặc biệt trong giờ phút thập tử nhất sinh.
Nếu như có một lời cầu nguyện nào ngắn gọn nhất, xúc tích nhất và đầy đủ ý nghĩa nhất, thì đó chính là Kinh Lạy Cha. Xin chúc cho tất cả quý OBACE luôn cảm nghiệm được sự thân thương gần gũi của tình Chúa, tình người trong cuộc sống hằng ngày để rồi trong khung cảnh gia đình nhân loại chúng ta có thể thưa lên với Chúa Cha lời Kinh mà Chúa Giê-su đã dạy. Hiệu quả của lời Kinh ấy chính là ơn cứu độ, niềm hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta và mọi người xung quanh chúng ta nữa. Amen!
PHƯỚC AN 07.2013

DUY THẠCH, SVD

No comments:

Post a Comment