Saturday, 13 July 2013

THẦN DƯỢC NÀO CHO SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI?

Tần Thủy Hoàng đế (259-210 BC), Người lập ra nhà Tần và là vị vua đầu tiên thống nhất đất nước Trung Hoa rộng lớn. Ông có niềm tin bệnh hoạn về phương thuốc trường sinh bất lão. Muốn ở mãi trên ngôi cao, vị hoàng đế đầy tài năng nhưng bạo ngược đã lệnh cho đạo sĩ Từ Phúc phải dong thuyền ra biển để tìm bằng được đảo Bồng Lai và lấy thuốc tiên về. Từ Phúc, sau đó, đã đem theo 500 đồng nhi
nam và 500 đồng nhi nữ, với lý do đi tìm thuốc trường sinh bất lão cho vua Tần, rồi trốn đến một đảo ở Nhật Bản rồi tạo lập một ngôi làng mới ở đó. Giấc mộng trường sinh bất lão của Tần Thủy Hoàng cũng chỉ mãi là giấc mộng vì vào năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng đã băng hà, mang theo giấc mộng ấy xuống cõi tuyền đai khi mới 49 tuổi.
Tuy nhiên với mong muốn là sau khi chết, linh hồn mình vẫn là hoàng đế nên ông đã cho xây dựng khu lăng tẩm đồ sộ và hoành tráng với hàng ngàn chiến binh và hàng vạn đồ dùng xa xỉ để ông sử dụng sau khi... chết.
Thật ra, giấc mơ trường sinh bất lão, giấc mơ một cuộc sống đời đời không chỉ là giấc mơ của riêng Tần Thủy Hoàng đế, nhưng là của tất cả mọi người. Ngày hôm nay chúng ta cũng nghe nhà thông luật chất vấn Đức Giê-su về điều kiện, cách thức, hay con đường để được sự sống đời đời: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Chúa Giê-su đã không trả lời trực tiếp nhưng lại gợi ý để cho người thông luật tự mình đưa ra câu trả lời.
Câu trả lời quả thật rất đơn giản, và nhà thông luật tỏ ra rất thành thạo với câu trả lời này: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." Tuy nhiên, điều chính yếu mà nhà thông luật muốn thử thách Đức Giê-su không phải là điều ấy, nhưng vấn đề là: “ai là người thân cận của tôi?”; người thân cận mà tôi phải yêu như chính mình đó, gồm những ai?
Đối với người Do thái, người thân cận gồm những người bà con thân thuộc, làng giềng, hoặc rộng hơn một chút nữa là những người đồng hương Do thái. Dân ngoại không được xem là người thân cận của họ.
Dụ ngôn Người Samari nhân hậu là một dụ ngôn chỉ có trong Tin Mừng thánh Luca, là một dụ ngôn sống động nhất về tình Chúa, tình người. Đó là một dụ ngôn nền tảng, là kim chỉ nam cho đời sống của mỗi người ki-tô hữu chúng ta.
Qua dụ ngôn người Samari nhân hậu Chúa Giê-su đã giải phóng cho đầu óc hẹp hòi của nhà thông luật cũng như người Do thái về khái niệm người thân cận. Chúa Giê-su giúp cho người thông luật hiểu ra rằng câu hỏi của ông đưa ra là một câu hỏi sai. Thay vì hỏi rằng: “Ai là người thân cận của tôi?” thì phải hỏi rằng: “Tôi là người thân cận cảu ai?”, “Tôi xem ai là người thân cận của mình?”, “Tôi tỏ ra mình là người thân cận của ai?”.
Đứng trước người bị nạn đang “dỡ sống, dỡ chết”, người Samari đã “chạnh lòng thương, tạm dừng cuộc hành trình, gác lại những chuyện riêng tư, Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.” Chưa hết, Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." Điều nghịch lý ở đây là: Ông ta là người Samari. Người Samari vốn không hòa hợp với người Do thái và nhiều lúc xem nhau như kẻ thù, nhưng người Samari này lại hết lòng giúp đỡ người Do thái bị nạn.
Trong khí đó, một tư tế, một Lê-vi, là những người đồng hương, là những người hiểu biết lề luật, và có thể họ đang trên đường đi dâng lễ tế trở về. Thế mà, họ lại dửng dưng, tránh qua bên kia mà đi, mặc cho người đàn ông bạc mệnh sống dỡ chết dỡ. Đức Giê-su muốn nói với người thông luật rằng: “Anh phải trở thành người thân cận với hết mọi người, nhất là  những người đang gặp đau khổ, bất hạnh”. Người thân cận là không biên giới, không trừ một ai cả, tất cả mọi người đều là người thân cận của chúng ta.
Trung tuần tháng 10 năm 2011, truyền thông thế giới đã gây ra một cuộc chấn động mạnh khi toàn bộ các báo đài trên thế giới đồng loạt đưa tin về một cô bé tên là Doanh Doanh, 2 tuổi, bị xe tải cán đến 2 lần và bị bỏ mặc nằm vất vưỡng trên một đường phố thuộc tỉnh quảng đông, Trung Quốc.
Theo băng ghi hình thì Người lái xe cán cô bé, ngừng lại rồi nhấn ga đi tiếp và cán qua người đứa trẻ lần thứ hai bằng bánh sau. Cô bé nằm bất động trên đường. Cứ lần lượt từng người đi qua mà không ai để ý đến cô bé đang nằm đó. Có thể đếm được 18 người đã đi qua cô bé: người đi bộ có, người đi xe đạp có, người đi xe hơi có, nhưng họ chỉ liếc nhìn rồi bỏ đi, không một ai đoái hoài đến cô bé. Chỉ đến khi người qua đường thứ 19 bước tới, Doanh Doanh mới được cứu. Bà là Chen Xianmei, 58 tuổi, là một người dọn vệ sinh đường phố. Khi thấy bé, bà ngay lập tức vứt túi rác xuống và chạy nhào tới nâng cô bé dậy. Sau đó đã gọi mẹ của Doanh Doanh tới để đưa đến bệnh viện quân y ở thành phố Quảng Châu. Tiếc thay, Doanh Doanh cũng đã không qua được cơn nguy kịch và đã tử vong sau đó 1 tuần.
Câu chuyện ấy đã làm cho cả thế giới không khỏi giật mình, rùng mình, hoảng sợ, vì sự tàn phá của một cơn bệnh nan y đang bào trùm nhân loại. Đó là bệnh vô cảm. Một căn bệnh hiểm nghèo đang phá nát con tim của con người, làm cho con tim của họ không còn một chút yêu thương, đồng cảm, rung cảm trước nỗi đau của anh chị em xung quanh mình.
 Câu chuyện người Samari nhân hậu không phải là một câu chuyện giả tưởng hay cổ xưa. Nhưng là một câu chuyện rất thời sự. Nó gắn liền với cuộc sống của mỗi người chúng ta hôm nay. Căn bệnh vô cảm đang lây lan rất nhanh và đang tàn phá khắp mọi nơi trong xã hội này, và ngay cả trong giáo xứ này. Khi chúng ta làm ngơ, sợ liên lụy trước tai nạn của người đi đường; Khi chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ trước những đau khổ, thiếu thốn của người hàng xóm, láng giềng; khi chúng ta bỏ mặc, vô tâm để cho con cái mình nên hư hỏng; khi chúng ta thấy anh chị em mình bỏ đạo bỏ nhà thờ, sống đường tội lỗi mà chúng ta không để tâm đến… đó là những triệu chứng của căn bệnh vô cảm đang tàn phá chúng ta.
Quãng đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô giống như quãng đường chúng ta đi từ nhà thờ về đến nhà mình, đi từ Thánh Lễ bước ra cuộc đời, là hành trình tiến về quê trời. Hành trang cần thiết nhất cho quãng đường ấy là gì?  Thưa đó là một trái tim rộng mở, một trái tim biết rung cảm trước nỗi đau của ACE mình. Phải đem lời Chúa ra thực hành như bài đọc I hôm nay nhắn nhủ chúng ta: “Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.” Nếu chúng ta đi lễ, đi nhà thờ mỗi ngày mà trong đời sống chúng ta lại vô cảm trước những nhu cầu, những đau khổ của người xung quanh mình, thì chúng ta chẳng khác gì một thầy tư tế, một thầy Lê-vi trong bài Tin Mừng hôm nay.
Đức Giê-su chính là người Samari nhân hậu. Ngài đã đến để yêu thương, đồng cảm, chăm sóc, chữa lành tất cả những người bệnh tật, tội lỗi Người gặp trên đường. Ước mong rằng mỗi người chúng ta cũng trở thành những người Samari nhân hậu. Càng có nhiều người nhân hậu thì giáo xứ chúng ta, giáo phận chúng ta, và xã hội này ngày càng bớt đi những đau khổ mà ngập tràn hạnh phúc.

Duy Thạch SVD



No comments:

Post a Comment