Sunday 28 July 2013

LỜI CẦU NGUYỆN ĐẸP NHẤT

Người Ki-tô hữu chúng ta thường cầu nguyện với Chúa, nhưng phải cầu nguyện như thế nào? phải cầu xin những gì thì không phải ai cũng biết. Hôm này Đức Giê-su sẽ dạy cho chúng ta biết phải cầu nguyện như thế nào cho chính đáng và hợp tình hôp lý, hợp với nhu cầu mỗi người chúng ta.

Sách sáng thế (18,16-33), kể lại một câu chuyện hết sức dễ thương về tổ phụ Áp-bra-ham. Khi thành Sơ-đom bị Thiên Chúa khiển trách và có nguy cơ bị phá hủy, vì tội lỗi quá nặng nề, tổ phụ Áp-ra-ham đã đứng ra để can dán, để xin cùng Thiên Chúa đừng phá hủy thành. Áp-ra-ham mặc cả với Chúa từng ly từng tý.

Ông lý luận chức hết sức hợp lý. Giả như có 50 người thánh thiện trong thành sơ-đôm thì sao? Nếu Chúa phá hủy thành thì “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao?”. Dĩ nhiên, Chúa không bao giờ làm chuyện ấy. 

Tuy nhiên, Áp-ra-ham biết rằng trong thành sơ-đôm không có đủ 50 người thánh thiện, nên ông bắt đầu trả giá với Chúa. Từ 50 người xuống 45, rồi 40, rồi 30, rồi 20 và cuối cùng chỉ còn 10 người, tức là chỉ bằng 1/5 số lược ban đầu ông đưa ra. Vậy mà, Chúa vẫn đồng ý: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm."

Tuy nhiên, quả thực thành Sơ-đôm không có đủ được 10 người lành thánh để khỏi bị phá hủy. Trong thành đó chỉ có ông Lót và hai cô con gái được cứu. Cả thành Sơ-đôm và Gô-mô-ra sau đó đã bị lửa và diêm sinh từ trời phá hủy và chôn vùi vĩnh viễn.

Bài Tin Mừng (Lc 11,2-4) kể lại câu chuyện các môn đệ Chúa Giê-su hỏi Ngài về cách thức cầu nguyện. Các môn đệ thấy Chúa cầu nguyện nhưng không biết Ngài cầu nguyện như thế nào nên mới đến hỏi Ngài rằng: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Trong bối cảnh ấy, Chúa Giê-su đã để lại cho các môn đệ và mỗi người chúng ta một lời cầu nguyện bất hủ. Đó là Kinh Lạy Cha, hay còn gọi là Lời Cầu Nguyện Của Chúa. 

Mỗi người chúng ta đọc Kinh này rất nhiều lần trong ngày nhưng lại ít khi để ý đến ý nghĩa thâm sâu của lời Kinh Tuyệt vời này. Đánh mất ý nghĩa Kinh Lạy Cha chúng ta có nguy cơ cảm thấy nhàm chán và trống rỗng mỗi khi đọc lời kinh này. Thật ra, từ đầu đến cuối, mỗi câu, mỗi chữ của Kinh Lạy Cha đều có một ý nghĩa hết sức sâu sắc cho đời sống đạo của mỗi người chúng ta. Vì không có nhiều giờ, nên trong khuôn khổ bài chia sẻ này con chỉ xin được nói một vài điều mà thôi.

Trước hết, Chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha: Lạy Cha! Đây là tiếng gọi thân thương mà Chúa Giê-su đã gọi dùng để gọi Chúa Cha. Tiếng gọi này không hề có trong Kinh Thánh Cựu Ước. Tổ Phụ Áp-ra-ham dù thân thiết với Chúa như thế nhưng ông cũng chưa bao giờ dám gọi Thiên Chúa là Cha. Người Việt nam chúng ta thường đưa từ “lạy” vào trước từ Cha để tỏ lòng cung kính với Chúa, thế nhưng trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp từ “Pater” ở hô cách, hô ngữ có nghĩa rất đơn giản, rất thân thương, gần gũi: Cha ơi! Có nghĩa là, đó là tiếng gọi thân thương nhất, gần gũi nhất, mà chúng ta dùng để gọi bố, mẹ của mình. 

Khi dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Chúa Giê-su muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta rằng Chúng ta là con của Chúa, chúng ta là người nhà của Thiên Chúa. Tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa là tương quan gia đình, ruột thịt chứ không phải là tương quan chủ-tớ hay vua-tôi. Thiên Chúa không xa cách chúng ta nhưng rất gần gũi. Trong gia đình chúng ta, gần gũi với Cha với Mẹ thế nào thì sự gần gũi với Thiên Chúa còn hơn như thế nữa. Bởi vì cha mẹ chúng ta dù gần gũi đến đầu cũng không thể hiểu hết những điều thầm kín của chúng ta nhưng người Cha là Thiên Chúa thì biết hết và thấu hiểu hết. Giống như lời quảng cáo của của công ty Bảo Hiểm Prudential: “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” mà sau này các bạn trẻ thường chế lại là: “luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu”.

Gọi Thiên Chúa là Cha cũng có nghĩa là tất cả những người Công Giáo chúng ta trở thành anh em, chị em với Chúa Giê-su. Và đồng thời tất cả mọi người chúng ta trở thành anh chị em với nhau. Không thể nào gọi Thiên Chúa là cha cách đích thực, cách thân thương, khi mình không xem những người anh em xung quan là anh chị em của mình.

Sau khi đặt mình trong bối cảnh gia đình, xem Thiên Chúa là Cha, và những người bên cạnh chúng ta là anh chị em, chúng ta bắt đầu thưa lên Cha những lời cầu xin. 

Trong Kinh Lạy Cha có tất cả 7 lời cầu xin.
1.    Xin Danh Cha cả sáng
2.    Nước Cha trị đến
3.    Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời
4.    Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày
5.    Và tha nợ chúng, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con
6.    Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ
7.    Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ

Trong bảy lời cầu xin đó, trước hết, 3 lời cầu xin đầu tiên, chúng ta ưu tiên cầu xin cho Danh Cha được được mọi người biết đến và mến yêu; cầu xin cho Nước Thiên Chúa, Nước trời được hiện trị trên thế gian này; và cầu xin cho thánh ý của Cha được thể hiện trên trần gian này. 3 lời cầu xin này tuy 3 nhưng cũng mang một ý nghĩa chung là xây dựng Nước Chúa trên trần gian này. 

Chúng ta cầu xin Chúa và cộng tác với Chúa làm sao cho Nước Thiên Chúa được khắp mọi nơi nghĩa là có nhiều người gọi Thiên Chúa là Cha và sống theo thánh ý Chúa để lãnh nhận được hạnh phúc đời này và đời sau ”. Đó là triều đại của tình yêu, triều đại có Chúa là vua tình yêu và tất cả mọi người trên thế gian này đều là anh chị em ruột thịt với nhau. Đó là một triều đại mà tất cả mọi người đối xử với nhau dựa trên tiêu chuẩn tình yêu, tình bác ái. Đó là một triều đại thịnh vượng, bình an và hạnh phúc nhất.

Tiếp theo sau đó là 4 lời cầu xin, chúng ta cầu xin cho những nhu cầu của mỗi người chúng ta. Trong đó chỉ có một lời là cầu xin cho lương thực hằng ngày mà thôi, còn những lời còn lại là cầu cho nhu cầu tâm linh. Đó là xin cho được thoát khỏi những cơn cám dỗ. Hằng ngày chúng ta đối diện với biết bao nhiêu cơn cám dỗ có nguy cơ làm cho chúng ta phạm tội, làm mất lòng Chúa, làm mất lòng anh em. 

Vậy nên, chúng ta xin Chúa sự khôn ngoan để nhận ra cơn cám dỗ và ý chí sức mạnh để vượt thắng cơn cám dỗ ấy. Rồi hằng ngày biết bao nhiều lần chúng vướng vào sự dữ, sự xấu, nên chúng ta xin Chúa cứu chúng ta khỏi những sự dữ, sự xấu đó, đặc biệt là trong giờ lâm tử, tức là lúc chúng ta cận kề bên cái chết, để chúng ta luôn sống trong ơn nghĩa Chúa mỗi ngày, đặc biệt là trong giờ sau hết.

Hằng ngày chúng ta làm biết bao nhiêu điều sai lỗi, thiếu xót với Chúa và với tha nhân; nên chúng ta xin Chúa tha thứ cho mình; và nhớ rằng chúng ta “xin Chúa tha cho chúng ta, như chúng ta cũng tha cho người có lỗi với mình”. Nghĩa là chúng ta chỉ đón nhận được ơn tha thứ của Chúa khi chúng ta cũng tha lỗi, bỏ qua những lỗi lầm của người khác, nếu không, chúng ta vẫn không đón nhận được ơn tha thứ.

Nếu chúng ta cầu nguyện với những tâm tình như thế thì chắc chắn lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được Chúa nhận lời, vì đó chính là khuôn mẫu của mọi lời cầu nguyện, mọi cách thức cầu nguyện.

Có nhiều người sẽ thắc mắc rằng sao có nhiều khi chúng ta xin hoài mà Chúa không nhận lời. Thánh Gia-cô-bê nói rằng: Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc”. Thiên Chúa là người cha yêu thương, quảng đại và rất khôn ngoan. Ngài biết chúng ta cần điều gì, điều gì đem lại lợi ích cho chúng ta và điều gì gây nguy hại cho chúng ta. Ví dụ như một người mẹ khi đứa bé đòi lấy một hũ tăm xỉa răng để chơi. Người mẹ chắc chắn không cho vì chị biết cái tăm xỉa răng có thể gây nguy hiểm cho bé, nó có thể nuốt vào bụng hay đâm vào mắt.

Con xin chúc cho quý OBACE luôn đặt niềm tin thác và sự khôn ngoan, tình yêu và lòng quảng đại của Thiên Chúa để rồi chúng ta không khỏi nản chí, sờn lòng trong đời sống cầu nguyện. Và trong những lần chúng ta gặp gỡ, cầu nguyện với Chúa, chúng ta luôn biết dựa trên khuôn mẫu của lời cầu nguyện mà Chúa Giê-su đã dạy.

PHƯỚC AN 7.2013
DUY THẠCH, SVD

No comments:

Post a Comment