Friday, 29 March 2013

ĐIỂM SÁNG TRONG "TAM CHỐI" CỦA PHÊ-RÔ


Cả bốn Tin Mừng đều ghi lại ba lần chối thầy của vị tông đồ trưởng Phê-rô. Chỉ có Luca ghi lại trình thuật lien tục, còn ba tác giả kia chia ba lần “chối” của Phê-rô thành hai hoặc ba tiểu đoạn, trong suốt cuộc xét xử Đức Giê-su. Điều đó cho thấy đây là một chi tiết không thể thiếu được trong trình thuật về cuộc Khổ nạn – Phục sinh của Đức Giê-su. Mọi người đều nhìn vào Phê-rô như một tên tội đồ, một kẻ phản bội trơ trẽn, để rồi gợi lên bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn tức tối, giận hờn, buồn bã, thương cảm và cả yêu mến.
Không ai phủ nhận đây là một lỗi lầm nghiêm trọng không đáng có, không nên lặp lại. Đó là điều đã rõ. Tuy nhiên, cũng nên có một cái nhìn lạc quan
cho “Tam Chối” của Phê-rô chứ! Trong bài suy tư này xin được bày tỏ một cái nhìn, một lối suy tích cực hơn cho lỗi lầm của Phê-rô.

Khác với các tác giả khác, tác giả Tin Mừng thứ tư (Tin Mừng Gioan) khéo léo đóng khung việc Đức Giê-su bị điệu ra trước ông Khanan bằng hai cảnh dành cho vị tông đồ trưởng. Ông diễn tả cuộc thẩm vấn Đức Giê-su với một tình tiết nghịch lý vừa gây cười vừa làm cho lòng người chua chát trước sự thật bẽ bàng. Khi Đức Giê-su bị Thượng tế Khana chất vấn về các môn đệ và giáo huấn của Ngài trong tư dinh vị Thượng tế,  “Đức Giê-su trả lời: ‘Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do-thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì" (Ga 18,20-21). Nghịch lý thay, cũng chính lúc ấy ngoài sân dinh của vị Thượng tế, Phê-rô đã chối dứt khoát rằng ông không phải là môn đệ của Đức Giê-su đến 3 lần (Ga 18,17.25.26). Tôi đâu phải thuộc nhóm đó! Đức Giê-su đề nghị vị thượng tế là hãy “hỏi những người đã nghe tôi, chính họ biết tôi đã nói gì.” Bên ngoài dinh tổng trấn họ hỏi Phê-rô 3 lần nhưng cả 3 lần ông đều làm lơ với mối tương quan thân tình với Đức Giê-su, người mà ông từng thề trong đêm tiệc ly "con sẽ thí mạng con vì Thầy 13,37".

Phải rồi, trong lúc này ai dám nhận là đã từng nghe Đức Giê-su nói đây? Chính Phê-rô, môn đệ thân tín, người đã thề sống chết với Thầy, cũng đã chối từ tương quan với Người. Phê-rô đang chối bỏ thân phận môn đệ của mình, chối bỏ tương quan mật thiết bấy lâu giữa ông với Đức Giê-su. Tuy nhiên, đó lại là lúc Phê-rô nói thật nhất về mối tương quan giữa ông cũng như tất cả các môn đệ khác với Thầy mình: Ông cũng như tất cả mọi môn đệ khác thật sự không biết Đức Giê-su là ai. Đức Giê-su trong tư thế người bị nạn không phải là Thầy uy lực quyền năng của các ông. Ông đã cản bước Thầy khi Thầy tiền báo cuộc thương khó lần thứ nhất (Mt 16,22-23) và đến bây giờ tâm trạng ông vẫn vậy. Các môn đệ khác thì tranh chấp quyền lực (ngồi bên hữu hay bên tả) (Mc 10,37), bàn luận xem ai là người lớn nhất (Lc 9,46; 22,24). Ngài không phải là vị vua như các ông mong đợi. Việc họ bỏ rơi Ngài, chối từ Ngài chính là biểu lộ cảm xúc thật của lòng mình. Đó không phải chỉ là lời chối từ của một kẻ hoảng sợ liên lụy trong một vụ án, nhưng là một phát biểu chính thức từ đáy lòng của Phê-rô cũng như các môn đệ khác về mối tương quan giữa họ với Thầy mình (Xem thêm bài: Kẻ Cô Đơn Trên Con Đường Thập Tự, http://dongngoiloi.blogspot.com/2012/11/ke-co-on-tren-con-uong-thap-tu.html ).

Một lúc đối diện với lòng mình, Phê-rô bỗng nhận ra rằng bấy lâu nay Đức Giê-su trân trọng ông, xem ông như là môn đệ thân tín, nhưng ông lại không xem Đức Giê-su như là thầy của mình. Nói như vậy có vẻ hơi cường điệu hóa quá, phải nói là ông đã từng gọi Đức Giê-su là Thầy nhưng hình như người Thầy ông vẽ ra trong suy nghĩ của ông chứ không phải con người thực của Đức Giê-su. Nói theo ngôn ngữ triết học: Ông chỉ nhận Đức Giê-su là thầy như ông muốn chứ không phải như Đức Giê-su là. Ông muốn một người Thầy uy phong lẫy lừng, làm nhiều phép lạ, được nhiều người tung hô khi vào Thành Thánh, thiết lập một Vương Quốc trần gian không đối thủ nào có thể xâm phạm. Giấc mơ quyền lực bao trùm lên ông cũng như các môn đệ khác làm cho ông không thể nhận ra dung mạo thật của một Đức Giê-su chịu khổ nạn.  Các ông vẫn vậy. Chỉ trách cho Chúa Giê-su thay đổi 180 độ. Từ người có thể trừ quỷ, chữa lành mọi thứ bệnh hooạn tật nguyền, hóa bánh cho hơn 5000 ngời ăn trong chốc lát bỗng biến thành kẻ chịu nạn cách vô lý.

Ba lần “chối”, một “ánh mắt”, một “tiếng gà”, một trận “mưa lệ” thảm thiết đã giúp cho Phê-rô chợt tỉnh cơn mê. Chính lúc ấy Phê-rô mới nhận ra tương quan mà ông cần có giữa ông và Thầy mình. Nhiều nhà chú giải dựa vào bản văn để cho rằng Phê-rô chưa một lần nói lời sám hối. Không có bản văn nào nói đến động từ “sám hối” dành cho Phê-rô. Tuy nhiên, phải giải thích sao với hành vi “ra ngoài và khóc lóc thảm thiết” (Mt 26,75) sau khi ông bắt gặp ánh mắt của Đức Giê-su? đó hẳn là một sự hối hận không lời nào diễn tả được. Tuy không thể phủ nhận rằng, Phê-rô chỉ thật sự mạnh mẽ rao giảng về Đức Giê-su khi được nhận Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,14-41), nhưng cũng phải thừa nhận rằng “cột mốc” của sự hoán cải của ông chính là khoảnh khắc ông chối Thầy. Chính lúc ông nhận ra dung mạo đích thực của Đức Giê-su, Người tôi tớ đau khổ, ông đã bắt đầu hành trình “chịu chết với Thầy”. Hành trình ấy hoàn tất khi ông chịu đóng đinh ngược tại Rô-ma vào khoảng năm 67. Ông đã không khoác lác khi tuyên bố: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy! " (Ga 13,37). Tuy nhiên, chính Đức Giê-su đã hiểu ông hơn chính ông hiểu mình khi nói: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư ? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần (Ga 13,38) . Đúng là Phê-rô sẽ trung thành với Thầy cho đến chết nhưng không phải lúc này (lúc Đức Giê-su chịu chết) mà chỉ sau khi đã “chối” Thầy ba lần. Ông tưởng rằng mình có thể trọn lời "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy" (Mt 26,35; Mc 14,31). Thực tế Phê-rô cuối cùng nên khiêm tốn nhìn nhận rằng “Dầu có chối Thầy, cuối cùng con cũng phải chết với Thầy” (câu này do tác giả suy diễn).

Như vậy, “Tam Chối” của Phê-rô dù có là lỗi lầm to tướng đến mấy đi nữa thì đến cuối cùng nó cũng là bước ngoặc rất cần thiết cho cuộc đời tông đồ của ông. Bởi lẽ, nhờ đó: ông có thể bừng tĩnh mà hiểu thấu lòng mình; nhận ra tương quan đích thực của mình với Đức Giê-su; có thể đón nhận dung mạo của Đấng Mê-si-a chịu đóng đinh qua đôi mắt ngấn lệ; có thể có một cuộc hoán cải, đổi đời, đổi lối suy, chuẩn bị cho hành trình rao giảng Tin Mừng Phục Sinh và “chịu chết với Thầy” sau đó. Đó là điểm sáng lóe lên trong “Tam Chối” của Phê-rô. Sau này, Phao-lô, một vị tông đồ cột trụ khác cũng trải qua một kinh nghiệm hoán cải tương tự, để rồi cùng sánh bước với Phê-rô trên con đường rao giảng Tin Mừng và đổ máu đào làm chứng cho Đức Ki-tô Phục Sinh.

Suy nghiệm về “Tam Chối” là cơ hội rất tốt cho tất cả mọi người “thực tế hóa” hành trình đức tin của mình. Con người không tránh khỏi những lỗi lầm trong tương quan với Chúa và với người khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là tìm ra “điểm sáng” trong những “ngõ tối” của những lỗi lầm ấy. Người ta thường nói rằng: “không có chữ khôn nào mà không bắt đầu bằng chữ khờ (KH)” hay là “ai nên khôn mà chẳng dại bao lần”. Lẽ dĩ nhiên, chẳng ai cố tình đi gây lỗi lầm để rồi học được một bài học hoán cải. Tuy vậy, lỗi lầm vẫn là một thực tại xảy ra hoài hoài trong con người và mỗi lỗi lầm vẫn có những giá trị nhất định của nó trên hành trình đức tin của mỗi người. Đức Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận đã nói một câu rất chí lý rằng: Thánh nhân nào cũng có một quá khứ. Tội nhân nào cũng có một tương lai”. Dĩ nhiên quá khứ ngài muốn nói đến là quá khứ lỗi lầm chứ không phải quá khứ suông. Đó là thực tế mà không ai có thể chối cãi được. Trong suốt chiều dài lịch sử dân thánh thời Cựu Ước người ta thấy một “tiến trình” luôn luôn tồn tại: Tội – Phạt – Hối – Cứu. Dân thánh phạm tội – Thiên  Chúa trừng phạt – Dân hối lỗi – Chúa lại cứu. Đó cũng là “tiến trình” của lịch sử của nhân loại nói chung và của mọi người nói riêng. Nếu tôi là thánh nhân, quá khứ của tôi là gì? Nếu tôi là tội nhân, đâu là tương lai của tôi? 

Tất cả đều phụ thuộc vào khoảnh khắc đối diện với chất vấn của đối phương về tương quan của tôi với Đức Giê-su; đối diện với ánh mắt thân thương của Người; lắng nghe “tiếng gà” để nhớ lại lời Người; để rồi đáp lại bằng những dòng nước mắt hối hận không muộn màng nhưng đầy ắp hy vọng vào một tương lai tươi sang hơn.

Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
Tam Nhật Thánh 2013

No comments:

Post a Comment