Thursday, 30 November 2023

HÃY CANH THỨC. Chú Giải Tin Mừng CN I MV B (Mc 13,33-37); Lm. Jos. Ph.D. Thạch, SVD

Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

33“Hãy cảnh giác, hãy canh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.

34 Cũng như một người đàn ông xa nhà, để nhà của mình lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, trao công việc của mình cho mỗi người, và ra lệnh cho người giữ cửa để anh ta có thể canh thức.

35 Vậy, anh em hãy canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc đầu hôm hay nửa đêm, lúc gà gáy hay sáng sớm.

36 Để dù đến bất ngờ, ông không bắt gặp anh em đang ngủ.

37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với tất cả mọi người là: Hãy canh thức!”

 

33 Βλέπετε, ἀγρυπνεῖτε· οὐκ οἴδατε γὰρ πότε ὁ καιρός ἐστιν.

 34 Ὡς ἄνθρωπος ἀπόδημος ἀφεὶς τὴν οἰκίαν αὐτοῦ καὶ δοὺς τοῖς δούλοις αὐτοῦ τὴν ἐξουσίαν ἑκάστῳ τὸ ἔργον αὐτοῦ καὶ τῷ θυρωρῷ ἐνετείλατο ἵνα γρηγορῇ.

 35 γρηγορεῖτε οὖν· οὐκ οἴδατε γὰρ πότε ὁ κύριος τῆς οἰκίας ἔρχεται, ἢ ὀψὲ ἢ μεσονύκτιον ἢ ἀλεκτοροφωνίας ἢ πρωΐ,

 36 μὴ ἐλθὼν ἐξαίφνης εὕρῃ ὑμᾶς καθεύδοντας.

 37 ὃ δὲ ὑμῖν λέγω πᾶσιν λέγω, γρηγορεῖτε.  (Mk. 13:33-37 BGT)

Bối cảnh phụng vụ: Đoạn Tin Mừng hôm nay được chọn làm chủ đề cho Chúa Nhật đầu tiên của năm phụng vụ. Chúng ta vừa kết thúc năm phụng vụ với tuần 34 mùa thường niên năm A. Cũng nên nhớ lại, năm phụng vụ bắt đầu bằng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng và kết thúc bằng Chúa Nhật thứ 34 mùa thường niên. Chúa Nhật 34 thường niên luôn luôn là lễ trọng mừng Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ. Tuy vậy, đỉnh cao của năm phụng vụ không phải là ngày mừng Lễ Chúa Kitô Vua, nhưng là Tam Nhật Thánh: Mừng mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh của Đức Giêsu. Năm Phụng Vụ năm nay là năm B. Tin Mừng Chúa Nhật được chọn trong suốt năm nay là Tin Mừng theo thánh Máccô (Năm A: Tin Mừng theo Thánh Mátthêu và năm C: Tin Mừng theo thánh Luca).[1] Phụng vụ Lời Chúa của Mùa Vọng luôn nhấn mạnh đến sự chờ mong. Mùa Vọng thường là để chuẩn bị mừng đại Lễ Giáng Sinh, nên cái mong chờ gần của người tín hữu có thể được xem là niềm mong chờ đại Lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, quan trọng hơn, Mùa Vọng cũng là thời gian chuẩn bị để đón mừng Đức Giêsu đến lần thứ hai “để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Hay nói đúng hơn Mùa Vọng có mục đích kép: Đón mừng Đại Lễ Giáng Sinh và đón Chúa đến lần thứ hai. Hai mục đích này không tách biệt nhau. Sự chuẩn bị để mừng sinh nhật Đấng Cứu Thế, không khác biệt với sự chuẩn bị mừng Chúa đến lần thứ hai. Đón Chúa vào nhà mình, đón Chúa vào lòng mình, đón Chúa quang lâm đều cần cùng một sự chuẩn bị sẵn sàng như nhau. Chủ đề Lời Chúa của những ngày đầu năm Phụng vụ tiếp nối chủ đề của những ngày cuối năm Phụng vụ. Nó cũng nói về việc chờ đợi, và sẵn sàng luôn luôn.

Bối cảnh đoạn Tin Mừng: Đoạn Tin Mừng này là đoạn cuối cùng trong những bài giảng về thời cánh chung của Tin Mừng theo thánh Máccô. Cũng như các Tin Mừng Nhất Lãm khác (Luca và Mátthêu), Tin Mừng Máccô cũng kết thúc những bài giảng của Đức Giêsu bằng những bài giảng về thời cánh chung. Hay nói đúng hơn, Mátthêu, và Luca, là những Tin Mừng được soạn sau, nên thường theo mẫu thức của Tin Mừng Máccô. Tuy Mátthêu thêm khá nhiều dụ ngôn khác, ông vẫn lấy lại nhiều tư liệu tương tự như Máccô. Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng năm B (Mc 13,33-37) cũng được Mátthêu (Mt 25,13-14)  lấy lại phần đầu, nhưng phần sau được thay bằng dụ ngôn những talanton. Mátthêu kết thúc loạt bài giảng về thời cánh chung bằng dụ ngôn “chiên và dê” (hay cuộc phán xét) (Mt 25,31-46), trong khi đó Máccô kết thúc nó bằng lời mời gọi “hãy tỉnh thức và sẵn sàng” (Mc 13,33-37). Đây có thể là đỉnh cao giáo huấn về thời cánh chung của Đức Giêsu theo Máccô, hay là lời đúc kết cho các bài giảng về thời sau hết.


Cấu trúc

Bản văn được xây dựng xoay quanh sự lặp lại bốn lần mệnh lệnh “hãy canh thức” và một lần “đang ngủ”.

33“Hãy cảnh giác, hãy canh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.

34 Người đàn ông xa nhà, truyền lệnh cho người giữ cửa để anh ta có thể canh thức

35 Hãy canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến

36 Ông không bắt gặp anh em đang ngủ.

37 Thầy cũng nói với tất cả mọi người là: Hãy canh thức!”

Một vài điểm chú giải

(1)     Phải ý thức, để ý (βλέπω): Động từ này “blepo” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa chính yếu là nhìn, xem, nhưng trong bối cảnh này nó được dùng ở thể mệnh lệnh với nghĩa cảnh báo: Hãy coi chừng, hãy cảnh giác (βλέπετε). Nói theo ngôn ngữ bình dân là: “Hãy liệu hồn”. Trong tất cả các tác giả sách Tin Mừng, Máccô là tác giả sử dụng nhiều nhất động từ này ở mệnh lệnh cách, ngôi thứ hai số nhiều (các anh hãy nhìn, hay là cách anh hãy coi chừng). Máccô dùng tất cả tám lần (Mc 4,24; 8,15.18; 12,38; 13,5.9.23.33) trong khi đó Mátthêu (Mt 11,4; 13,17; 24,2.4) và Luca (Lc 8,18; 10,23; 10,24; 21,8) cùng dùng bốn lần. Vì lẽ đó, đây có thể được xem là động từ đặc trưng của Máccô. Trong tám lần xuất hiện trong Tin Mừng Máccô, thì có đến bảy lần động từ này được dùng dưới dạng mệnh lệnh cách mang tính cảnh báo cao độ. Trong khi đó, Mátthêu dùng bốn lần thì chỉ có một lần ở dạng mệnh lệnh cách. Luca sử dụng hai lần động từ này ở mệnh lệnh cách. Thật ngạc nhiên không biết tại sao Đức Giêsu của Máccô lại sử dụng nhiều lời cảnh báo “hãy coi chừng” như vậy. Trong số bảy lần cảnh báo “hãy coi chừng”, thì chương 13 chiếm đến bốn lần. Nghĩa là, trong bài giảng về thời cánh chung, lời cảnh báo này trở nên khẩn thiết đến dồn dập. Khi đọc chương 13 người ta cứ nghe nhắc đi, nhắc lại như điệp khúc: “Hãy đề cao cảnh giác”, “hãy cảnh giác đề cao”, “hãy hết sức coi chừng” và “hãy coi chừng hết sức”… chúng ta hãy thử lược lại những cảnh báo đi theo động từ này trong Tin Mừng Máccô. Thứ nhất, “hãy hết sức để ý đến điều mà anh em nghe, vì với mức độ anh dùng, nó sẽ được đong lại cho anh và còn được thêm nhiều hơn cho anh” (Mc 4,24). Thứ hai, Đức Giêsu dặn các môn đệ là “hãy hết sức coi chừng, ý tứ đến men Pharisêu và Hêrôđê” (Mc 8,15). Thứ ba, Đức Giêsu lại cảnh báo các môn đệ về nhóm lãnh đạo khác, nhóm kinh sư: “Hãy hết sức coi chừng các kinh sư, những kẻ thích dạo bộ vòng vòng với bộ áo dài thích được chào hỏi nơi chợ búa” (Mc 12,38). Thứ tư, “hãy cảnh giác, để không ai dẫn anh em lạc đường” (Mc 13,5). Thứ năm, “hãy lưu tâm vì họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng và anh em sẽ bị đánh đập trong các hội đường” (Mc 13,9). Thứ sáu, hãy cảnh giác trước những Kitô giả, ngôn sứ giả, những kẻ làm những dấu lạ và dẫn các môn đệ lạc đường (Mc 13,23). Và cuối cùng, chính là trong đoạn Tin Mừng này, “hãy hết sức coi chừng vì anh em không biết khi nào thời gian ấn định sẽ đến” (Mc 13,33). Đây là lời cảnh báo hết sức quan trọng trong Tin Mừng Máccô nói chung và đặc biệt trong trình thuật về cánh chung.

(2)     Phải canh thức (ἀγρυπνέω, γρηγορέω): Mệnh lệnh “hãy tỉnh thức” (hãy canh thức) được lặp lại bốn lần trong đoạn văn chỉ vọn vẹn năm câu. Đó cũng không phải là một nhịp độ bình thường. Do vậy, “hãy tỉnh thức” cũng là một mệnh lệnh hết sức khẩn thiết và dồn dập. Mệnh lệnh này đóng khung đoạn văn này. Nghĩa là đoạn văn bắt đầu bằng câu có mệnh lệnh này (Mc 13,33) và kết thúc cũng bằng chính mệnh lệnh ấy (13,37). Cấu trúc này thường được gọi là cấu trúc incluso. Có thể thấy chủ đề nổi bật nhất của đoạn Tin Mừng này là mệnh lệnh “hãy canh thức”. Mệnh lệnh này được lặp lại bốn lần bởi hai động từ khác nhau “ἀγρυπνέω” và “γρηγορέω” có nghĩa tương tự. Động từ “ἀγρυπνέω” được sử dụng duy nhất một lần trong đoạn văn này, trong khi đó ba lần còn lại thuộc về động từ “γρηγορέω”. Động từ “ἀγρυπνέω” được các bản dịch Việt Ngữ (CGKPV), bản dịch Anh Ngữ (ESV), bản dịch Pháp Ngữ (TOB), và bản dịch Ý Ngữ (CEI), đồng loạt hiểu là “hãy tỉnh thức” (không ngủ). Thật ra, động từ này được đặt ngay sau động từ “hãy coi chừng” (βλέπω,13,33), và nó cũng có nghĩa là “hãy coi chừng”. Có thể nó được dùng để tăng thêm mệnh lệnh của động từ βλέπω, bởi vì cùng với động từ blepo nó làm thành một mệnh lệnh kép. Nhiều bản viết tay khác như là א C L W[2] và nhiều bản viết tay muộn hơn có thêm mệnh lệnh “hãy cầu nguyện” vào ngay sau hai mệnh lệnh này. Nghĩa là, câu mở đầu của đoạn văn này thành “hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và hãy cầu nguyện” thay vì, “hãy coi chừng và hãy tỉnh thức”. J. Donahue – D. Harrington cho rằng việc thêm vào mệnh lệnh cầu nguyện ở đây là do ảnh hưởng bởi mệnh lệnh của Đức Giêsu trong vườn Ghéthsêmani (Mc 14,38).[3] Trong các tác giả Tân Ước, chỉ có Máccô và Luca (Lc 21,36) sử dụng động từ này ở mệnh lệnh cách với cùng ý nghĩa. Máccô sử dụng thường xuyên hơn động từ “γρηγορέω”. Động từ này được Máccô sử dụng tất cả bốn lần ở thể mệnh lệnh cách, ngôi thứ hai số nhiều. Hai lần trong đoạn văn này (Mc 13,35.37) và hai lần còn lại dành cho các môn đệ trong Vườn Cây Dầu (14,34.38). Rõ ràng, động từ này nối kết trình thuật về cánh chung với trình thuật về cuộc thương khó. Trong cả hai trường hợp, các môn đệ, hoặc rộng hơn là các tín hữu đều được mời gọi “hãy canh thức”. Động từ “γρηγορέω” đôi khi còn được dùng ẩn dụ với nghĩa là còn sống, đối lại với việc đã chết như trong thứ thứ nhất Thexalonica (1Tx 5,10).

(3)  Vì không biết khi nào là thời điểm đã được ấn định ( καιρός). Mệnh đề được bắt đầu bằng một liên từ chỉ lý do (γὰρ) nhằm lý giải cho mệnh lệnh “phải coi chừng”, “phải canh thức”. Danh từ thời điểm được xác định bởi mạo từ cho thấy nó diễn tả một thời điểm rõ ràng chứ không phải bất cứ loại thời điểm nào. Ngoài lần này, Máccô còn sử dụng hai lần khác danh từ này với mạo từ xác định (ho kairos, thời điểm). Lần thứ nhất, ngay từ đầu Tin Mừng, Đức Giêsu cho biết là thời kỳ đã mãn, và Nước Trời đã đến gần bên (Mc 1,15). Và tiếp theo sau đó là lời mời gọi hết sức long trọng: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”. Đó là thời điểm của Đức Giêsu, của Đấng Mêsia, hay thời điểm Chúa hoàn thành lời hứa ban Đấng Mêsia cho dân Người. Một lần khác, trong dụ ngôn cây vả không ra trái, danh từ này được dùng để chỉ về thời điểm mùa vả. Trong bối cảnh này, bối cảnh mà Đức Giêsu tiền báo về việc “Con Người đầy quyền năng và vinh quang đến trong đám mây” (Mc 13,26), “Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi” (Mc 13,28), thì “thời điểm ấn định, ho cairos, (thời điểm)” rất có thể ám chỉ đến thời điểm xuất hiện của Con Người.[4] Thời điểm này là bí mật, nói theo kiểu các nhà nho là “thiên cơ bất khả lộ”. Đức Giêsu chốt hạ tính bí mật của nó: “Không ai có thể biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Con Người. Chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32).

Điệp khúc: “Không ai biết”, “vì anh em không biết” (Mc 13,32.33.25) cho thấy lý do rõ ràng mạnh mẽ của lời mời gọi “hãy coi chừng” và “hãy canh thức”. Vì không biết lúc nào cho nên phải luôn luôn canh thức.

(4)  Như một người đi phương xa (ἀπόδημος): Người này được định nghĩa bằng tính từ apodemos, nghĩa là người ở xa quê hương, người đang ở trong chuyến hành trình xa quê hương. Cũng cùng một cách diễn tả như Mátthêu (Mt 25,14) trong dụ ngôn những talanton (những nén bạc). Tuy nhiên, Mátthêu dùng động từ “đi xa” ở dạng phân từ, chứ không phải tính từ như Máccô. Thế nhưng, ý nghĩa của nó có lẽ cũng như nhau. Sự vắng mặt của chủ nhà để lại một không gian tự do và trách nhiệm cho từng người đầy tớ. Mức độ trưởng thành của từng người đầy tớ sẽ được kiểm chứng. Không có mặt ông chủ, người đầy tớ sẽ hành động một cách chuyên nghiệp, hành động với lương tâm, với tình yêu và trách nhiệm chứ không phải vì ông chủ đang nhìn. Một người đầy tớ trưởng thành và trách nhiệm là rất đáng quý, nhưng những người đầy tớ đích thực như thế thường không có nhiều. Trong bậc sống tu trì hay trong bậc sống giữa đời, người ta thường gặp những tu sĩ hay những nhân viên chỉ làm việc chăm chỉ, tích cực trước mặt bề trên hay cấp trên. Vắng mặt bề trên, cấp trên, những bề dưới và thuộc cấp thiếu trưởng thành và thiếu trách nhiệm, thường làm việc lơ là, gian dối và kém hiệu quả hơn. Thiên Chúa dường như vắng mặt trong cuộc đời mỗi người tín hữu, Ngài trao lại không gian hoạt động hoàn toàn cho họ và mong chờ họ hành động một cách trách nhiệm, tín thành và trưởng thành. A. Collins – H. Attridge cho rằng người đàn ông đi xa chính là Đức Giêsu Phục Sinh và những người đầy tớ chính là cộng đoàn môn đệ sau Phục Sinh.[5] Cộng đoàn này có thể mở rộng ra cho tất cả những tín hữu qua mọi thời đại.

Liên từ “như là” (ὡς) có chức năng nối liền với lời cảnh báo “phải coi chừng”, “phải canh thức” và lý do của mệnh lệnh ấy. Mệnh đề bắt đầu bằng liên từ này nhằm minh họa, làm rõ, cho mệnh lệnh và lý do phía trước. Mệnh lệnh “hãy canh thức” của Đức Giêsu sẽ được minh họa bằng mệnh lệnh tương tự của chủ nhà dành cho người giữ cửa. Lý do “vì không biết khi nào thời điểm ấn định” được minh họa bằng việc những người đầy tớ và người giữ cổng sẽ không biết lúc nào chủ nhà về.

(5)  Trao quyền cho các đầy tớ của mình (δοὺς τοῖς δούλοις αὐτοῦ τὴν ἐξουσίαν): Khác với ông chủ trong dụ ngôn những talanton (Mt 25,14-30) hay dụ ngôn mười nén bạc (Lc 19,11-27), ông chủ của Máccô không trao talanton hay những nén bạc, cái mà ông trao cho họ là quyền, công việc của mình cho mỗi người. Danh từ quyền (ἐξουσίαν), với chức năng túc từ trực tiếp, được Máccô sử dụng bảy lần (Mc 1,22.27; 2,10; 3,15; 6,7; 11,28; 13,34). Bốn lần được dùng để diễn tả quyền của Đức Giêsu: người ta ngạc nhiên vì Đức Giêsu giảng dạy như một đấng có uy quyền (Mc 1,22.27), Đức Giêsu xác nhận rằng Con Người có quyền tha tội (Mc 2,10), Đức Giêsu bị chất vấn về quyền thanh tẩy đền thờ (Mc 11,28). Có hai lần quyền này được Đức Giêsu trao cho các môn đệ: Nhóm Mười Hai được chỉ định và sai đi rao giảng, có quyền trừ quỷ (Mc 3,15; 6,7). Như thế, các người đầy tớ được trao quyền ở trong bối cảnh này có thể liên quan đến các môn đệ, hay cộng đoàn của Máccô, hay rộng hơn là tất cả các độc giả qua mọi thời đại.[6] A. Collins – H. Attridge cho rằng hình ảnh người giữ cửa cũng ám chỉ đến một hình ảnh khác. Chức năng của người giữ cửa là bảo vệ tài sản của chủ nhà. Họ còn cho rằng “nhiệm vụ” được giao ở đây rất có thể ứng với những cảnh báo coi chừng các ngôn sứ và Mêsia giả đã đề cập trước trong các câu 5b-6 và 21-23, nơi mà cảnh báo “hãy coi chừng”, cùng với mệnh lệnh “hãy canh thức” trong câu 34 đồng thời xảy ra.[7] Tuy nhiên, công việc, phận vụ ở đây có thể ám chỉ đến bất cứ phận vụ nào thường ngày của người đầy tớ. Đó cũng là phận vụ đức tin của các tín hữu đối với Chúa và với tha nhân. Ông chủ, Chúa đã trao toàn quyền xử lý công việc cho từng con dân của Chúa. Họ phải dùng tất cả những tài năng Chúa ban hết khả năng của mình để biểu tỏ tình yêu với Chúa và tha nhân hay là qua tha nhân. 

Quyền và công việc là hai thuật ngữ tượng trưng cho sự chọn lựa tự do và hành động của mỗi con người trong cuộc đời mình. Giống như nguyện tổ Ađam và Eva được đặt trước cây biết lành biết dữ để họ có thể chọn lựa tự do và hành động. Khi đã chọn lựa tự do và hành động, con người sẽ được phần thưởng là sự sống hạnh phúc vì những hành động tốt lành đúng đắn của mình, hay phải chịu trách nhiệm và gánh lấy hậu quả cho từng chọn lựa và hành động xấu xa sai lầm của mình. Chúa ban cho con người "nhân quyền" đầy đủ. Quyền suy nghĩ, chọn lựa, phát ngôn, và hành động. Ngài để không gian đầy đủ để họ có thể làm tất cả với tất cả các món quà lý trí, ý chí, và tự do. Ngài chỉ hướng dẫn, chỉ dạy, và ban ơn trợ giúp để người ta làm điều tốt, và chỉ dạy cần thiết để người ta tránh điều xấu, nhưng tuyệt đối Ngài không lấy đi tự do của con người.

(6)     Đầu hôm ( ὀψὲ) … nửa đêm ( μεσονύκτιον) … gà gáy ( ἀλεκτοροφωνίας) … tảng sáng ( πρωι) … thình lình (ἐξαίφνης). Bốn loại thời gian khác nhau được đề cập trong câu này rất có thể ám chỉ đến bốn canh của một đêm (từ 6.00 tối đến 6.00 sáng) theo cách phân chia của người Rôma. Mỗi canh kéo dài khoảng ba tiếng đồng hồ.[8] Bốn canh được phân chia tương ứng với số như sau: Canh thứ nhất (6.00-9.00); Canh thứ hai (9.00-12.00); Canh thứ ba (12.00-3.00); Canh thứ bốn (3.00-6.00).[9] Tất cả các thời điểm được nhắc đến là cách nói bao quát diễn tả tất cả khoảnh khắc của một đêm. Từ khoảnh khắc bình thường là lúc đầu hôm (canh một) cho đến khoảnh khắc bất thường nhất là lúc nửa đêm và cuối đêm (canh cuối). Người giữ cửa phải canh thức suốt, không được lơ là một khoảnh khắc nào. Danh từ “canh” (φυλακή) trong Hy ngữ, cũng có nghĩa là canh gác, canh chừng, hay nhà tù, là nơi người ta cũng nhốt và canh chừng các tù nhân. Danh từ tiếng gà gáy ( ἀλεκτοροφωνίας) được ghép bởi danh từ “con gà trống” (ἀλέκτωρ) và danh từ “tiếng gọi” (φωνῆς). Con gà kêu, con gà gáy gợi nhớ đến trình thuật về cuộc thương khó trong đó sự kiện gà gáy được nhắc đến hai lần (Mc 14,30.72). Lần thứ nhất là lời cảnh báo hết sức nghiêm túc của Đức Giêsu đối với Phêrô. Lời cảnh báo được bắt đầu bằng từ Amen: “Quả thật, thầy nói với anh, ngay đêm nay, trước khi gà gáy lần thứ hai, anh đã chối thầy đến ba lần” (Mc 14,30). Và lần thứ hai, chính là lúc lời cảnh báo của Đức Giêsu ứng nghiệm (Mc 14,72). Phêrô đã quá tự tin vào sức riêng của mình. Ông đã khẳng định rằng: dù tất cả có bỏ thầy thì ông cũng không bỏ thầy (Mc 14,29), và dù có phải chết ông cũng không chối thầy mình (Mc 14,31). Đó là lời khẳng định kép. Nó đóng khung lời cảnh báo của Đức Giêsu. Không ai có thể tin rằng, những lời khẳng định ấy lại bị bẻ gãy tan tành như thế. Có lẽ, chính Phêrô cũng không thể tin nổi. Tuy nhiên, nó đã xảy ra như Đức Giêsu cảnh báo.

(7)     Đang ngủ (καθεύδοντας): Động từ ngủ “καθεύδω” được dùng ở dạng phân từ[10] (καθεύδοντας) làm túc từ cho động từ tìm thấy, phát hiện ra (εὑρίσκω), được sử dụng nhiều nhất trong Tin Mừng Máccô, (ba lần: 13,36; 14,37.40), so với Mátthêu (hai lần: 26,40.43). Các tác giả Luca và Gioan không có cách dùng này. Ngoài dụ ngôn này ra, Máccô dùng hai lần khác nữa, đều để diễn tả cảnh Đức Giêsu và các môn đệ trong trình thuật về cuộc thương khó. Cấu trúc ý chang là: Một ai đó tìm thấy một ai đó đang ngủ. Trong dụ ngôn này: Chủ nhà tìm thấy anh em (đại từ ngôi thứ hai số nhiều) đang ngủ. Chủ nhà có thể là Đức Giêsu, hoặc là Thiên Chúa, và anh em, rất có thể là các môn đệ, hay những người đang nghe Đức Giêsu giảng, và thậm chí tất cả những ai đọc Tin Mừng. Trong bối cảnh cuộc thương khó, Đức Giêsu đã đến và tìm thấy các Phêrô, Giacôbê và Gioan đang ngủ. Nói thế không có nghĩa là những môn đệ còn lại đều thức. Những môn đệ còn lại chắc còn ngủ say hơn vì không bị Đức Giêsu quấy rầy. Ba ông này được đem đi xa hơn, gần Đức Giêsu hơn mà vẫn bị phát hiện là “đang ngủ” đến ba lần chứ không phải một lần (Mc 14,37.40.41). “Đang ngủ” trong bối cảnh ấy được đặt đối lại với “không thể canh thức một giờ”: “Anh em không thể canh thức một giờ hay sao?” (Mc 14,37) Ngoài cấu trúc Người tìm thấy các ông đang ngủ thì Máccô còn thêm một lần nữa Đức Giêsu khám phá ra họ vẫn đang ngủ qua câu hỏi của Đức Giêsu: “Anh em vẫn ngủ sao?” Lý do họ ngủ được đưa ra là “vì mắt họ nặng nề” (Mc14,40). Hành động “ngủ” li bì của các môn đệ cứ đi kèm với mệnh lệnh “hãy canh thức” (14,34.37) và “hãy canh thức và cầu nguyện” (14,38) của Đức Giêsu. Ngủ là một nhu cầu hết sức bình thường của một con người. Ai cũng cần phải ngủ và Đức Giêsu cũng từng ngủ trên thuyền (Mt 8,24; Mc 4,38). Tuy nhiên, ngủ khi được cảnh báo là phải tỉnh thức là một thái độ lỳ lợm, sơ sài, sai sai sao ấy.[11] Ngủ khi có trách nhiệm phải thức như những người canh cổng, lính gác, bảo vệ… là thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ. Chắc chắn động từ ngủ ở đây không chỉ có nghĩa về mặt thể lý nhưng là một giấc ngủ về mặt đức tin. Ngủ cũng có nghĩa là chết. Trong trình thuật về Ladarô, Đức Giêsu nói rằng Ladarô đang ngủ, ám chỉ đến cái chết của anh, nhưng các môn đệ lại tưởng là Thầy mình nói về giấc ngủ tự nhiên (Ga 11,13). Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thesalonica cũng diễn tả cái chết bằng động từ ngủ (1 Tx 4,13: “Hỡi các anh em! Chúng tôi không muốn anh em không ý thức về những người đã ‘ngủ’, để anh em khỏi phải khóc lóc như những người còn lại, người không có hy vọng”). Như thế, ngủ ám chỉ đến cái chết, sự bất động về mặt đức tin. Nó đối nghịch lại với sự tỉnh thức, một sự sống và năng động về mặt đức tin. Đức Giêsu mong các môn đệ canh thức, tỉnh ngủ nhưng các ông lại ngủ li bì. Vì lẽ đó, các ông đã gục ngã, chạy tán loạn, khi Thầy bị bắt. Kẻ bỏ Thầy, kẻ bán Thầy, kẻ chối Thầy. Tất cả đều là hậu quả trực tiếp của việc thiếu tỉnh thức.

(8)  Hết thảy mọi người (πᾶσιν): Như đã nói trên, Đức Giêsu cẩn thận chốt lại mệnh lệnh “hãy canh thức” của mình và mở rộng đối tượng được mời gọi phải thi hành mệnh lệnh này. Lời cảnh báo ấy không còn dành riêng cho bốn tông đồ Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê, những người đã hỏi riêng Đức Giêsu (Mc 13,3).[12] Lời Đức Giêsu dành cho “tất cả.” “Tất cả” là lối diễn tả không biên giới. Trước nhất là cho những người nghe trực tiếp Đức Giêsu giảng, tiếp đến là tất cả các môn đệ, rồi cộng đoàn thánh Máccô, rồi cộng đoàn Kitô hữu thế kỷ thứ nhất, rồi tất các các tín hữu qua mọi thời đại, rồi tất cả những ai có duyên nghe Tin Mừng. “Tất cả” nói lên tính phổ quát và bình đẳng trong lời mời gọi của Tin Mừng Đức Giêsu.

Bình Luận Tổng Quát

Đoạn Tin Mừng Mc 13,33-37 được lấy ra từ đoạn cuối cùng của chương 13 Tin Mừng Máccô. Chương 13 Tin Mừng Máccô thường được các chuyên gia gọi là bài khảo luận về cánh chung (vì nó nói về những sự cuối cùng), hay là Ôliu khảo luận (vì nó diễn ra ở núi Ôliu), hoặc là Tiểu Khải Huyền (vì nó bao hàm những yếu tố mang tính khải huyền).[13] Mỗi tên gọi chỉ nói lên được một khía cạnh nào đó của bản văn mà thôi, hoặc là một phần nội dung, hoặc là đặc tính văn chương, hoặc là vị trí nơi bài giảng được trình bày. Người ta không thể nào chối từ hoàn toàn được ba tên gọi này. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng bản văn tự nó vượt lên tất cả mọi tên gọi được gán cho nó. Ý thức như vậy, độc giả không bao giờ được phép đóng khung bản văn vào bất cứ một chủ đề nào. Chỉ có thể nói rằng một chủ đề nào đó xem ra nổi bật, rõ hơn các chủ đề còn lại. Trong đoạn văn này, dường như mệnh lệnh “hãy canh thức” (tỉnh thức) là nổi trội hơn cả, bởi vì có đến 2 động từ được dùng để diễn tả mệnh lệnh này. Và tần suất xuất hiện của mệnh lệnh này cũng rất đáng chú ý: bốn lần trong một bản văn chỉ có năm câu. Hơn nữa, mệnh lệnh “hãy canh thức” cũng là khung sườn của bản văn vì nó xuất hiện ngay câu đầu (13,33), ở câu giữa và lại xuất hiện ở câu cuối (13,37). Khung sườn của bản văn có thể được phác họa như sau: “Hãy coi chừng, hãy canh thức vì” (13,33) … “để mà người giữ cổng canh thức” (13,34)… “vì vậy, hãy canh thức vì” (13,35)… và “hãy canh thức” (13,37). Năm câu văn đều có mệnh lệnh “canh thức”. Chỉ có câu ba mươi sáu là câu duy nhất đề cập đến điều ngược lại với “canh thức”. Đó là “tìm thấy đang ngủ”. Lý do chắc nịch, rõ ràng dành cho mệnh lệnh dồn dập này là: “Vì anh em không biết khi nào” (là giờ ấn định, là lúc chủ nhà trở về). Lý do này nối kết với câu trước 13,32, để làm thành một điệp khúc về lý do phải tỉnh thức: “Vì anh em, không biết ngày nào giờ nào”. Thời điểm mà chủ nhà có thể đến được diễn tả bằng lối nói thời gian bao quát: “Lúc đầu đêm, lúc nửa đêm, lúc gà gáy, lúc rạng sáng). Tính bí mật của “thời điểm” này còn được Đức Giêsu chốt lại chắc nịch nằng: “Thậm chí các thiên sứ, ngay cả Người Con cũng không, ngoại trừ Người Cha mà thôi”. Như vậy, là vô phương cho những ai tìm cách muốn biết ngày tận thế, ngày Quang Lâm của con người. Lời mời gọi “tỉnh thức” dồn dập ấy là lời mời gọi giúp cho con người ý thức trách nhiệm làm người của mình mọi phút giây trong cuộc đời cho đến khi tắt thở. Sở dĩ phải mời gọi dồn dập như vậy là vì có những con người “sống mà như đã chết” và không có nhiều người “chết rồi nhưng vẫn như còn đang sống”. Có nghĩa là có những người sống mà không thật sự đang sống. Sự hiện diện của họ không thêm hương vị gì cho cuộc đời này. Chưa nói đến, có những con người toàn đem đến cho người khác, cho đời những vị mặn chát, cay đắng, đớn đau. Ngược lại, có những con người chỉ sống hơn chục năm trên dương gian, nhưng lại đem đến cho đời bao nhiêu hương vị cuộc sống. Một ví dụ điển hình nhất là cậu Á Thánh Carlo Acutis (1991-2006), người Ý, vừa được phong chân phước, tại Assisi, ngày 10 tháng 10 năm 2020. Thật là một ngày đẹp, đẹp như cuộc đời của cậu bé vậy (sáu số 10 tròn trịa, 10-10-10-10, 20=10+10). Dù sống chỉ vọn vẹn 15 năm thế nhưng cậu đã trở thành bổn mạng của giới trẻ, của sinh viên, của các lập trình viên internet. Cậu đã trở thành một biểu tượng của cách sống đời thường cách thánh thiện, thân thiện, sẻ chia, giản dị, đáng yêu của tất cả mọi người trên toàn thế giới. Còn đối với mẹ cậu, cậu là đấng cứu độ của bà (như bà đã chia sẽ nhiều lần). Cuộc sống gương mẫu, hương thơm thánh thiện của cậu đã ướp mặn đời sống đạo nhạt nhẽo của chính bà. Bây giờ, bà trở thành sứ giả Tin Mừng của chính con mình. Bà đã được nhiều người, nhiều tổ chức mời đến để chia sẻ về cuộc đời cậu. Nguyễn Du trong tác phẩm Truyện Kiều từng viết rằng: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Giống như ta nói "chỉ có xác chết, hồn thì vẫn còn". Ý nói rằng những bậc tài hoa chỉ có cái xác chết chứ hồn thì sống hoài [Lê Văn Hòe, Truyện Kiều Chú Giải (Sài gòn 1965) footnote 95, tr.34]. Cái tinh anh, linh hồn sẽ còn tồn tại mãi sau khi thể xác một người chết đi khi người đó dám sống cho người khác cho đến chết, cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Lời cảnh báo, mệnh lệnh, lời gọi mời “hãy tỉnh thức”, hãy sống cho ra người của Đức Giêsu vẫn vang vọng hơn hai ngàn năm, cho tất cả mọi người, không trừ một ai. Đó chắc chắn không chỉ là lời mời gọi của Mùa Vọng nhưng là lời mời gọi mỗi ngày trong đời người. Hay nói cách khác, đời người là một Mùa Vọng. Từ lúc con người sinh ra cho đến lúc họ trở về với Chúa là một Mùa Vọng. Mùa Vọng là Mùa ta mong Chúa, nhưng lại là mùa Chúa đợi ta. Bởi lẽ, chỉ có ta mới xa Chúa và phải trở về chứ Chúa thì vẫn luôn ở đó, mãi đợi chờ ta.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1] Xem thêm Antôn Nguyễn Đức Khiết, “Lời Chúa trong Phụng Vụ Thánh Lễ, phần B: ‘Chu Kỳ Các Bài Đọc’” [Lời Chúa Trong Phụng Vụ Thánh Lễ (simonhoadalat.com), truy cập ngày 23-11-2020].

[2] Nên hiểu thêm rằng, có khoảng hơn 4000 (bây giờ đã trên 5000) bản thảo Kinh Thánh Tân Ước được tìm thấy. Các chuyên gia Kinh Thánh, qua lịch sử lâu dài đã chọn ra một bản Thánh Kinh Tân Ước tiếng Hy Lạp. Đó là bản của Nestle-Aland. Riêng bản Nestle-Aland cũng được hiệu đính rất nhiều lần và bản mới nhất đã là NA28. Trong đó, ngoài phần bản văn chính, các chuyên gia c gắng liệt kê những ghi chú thêm những khác biệt được nhiểu bản thảo khác đồng ý. Những ghi chú này được đặt phần dưới của sách Tân Ước Tiếng Hy Lạp.

[3] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 377.

[4] R. France tin rằng cụm từ “ngày đó hay giờ đó” trong Mc 13,22 được thay bằng cụm từ “thời gian ấn định” trong Mc 13,33, sự ám chỉ là giống nhau, về thời gian bí mật của cuộc trở lại của Đức Giêsu [R.T. France, The Gospel of Mark. A Commentary on the Greek Text (NIGTC; Grand Rapids 2002) 544]; “‘the time’: here, of course, as an eschatological term, it refers to the last time, the time of crisis” [R.G. Bratcher – E.A. Nida, A handbook on the Gospel of Mark (New York 1993, c1961) 421].

[5] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 618.

[6] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC 34B; Dallas 2002) 341; A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 618.

[7] Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 618.

[8] R.T. France, The Gospel of Mark. A Commentary on the Greek Text (NIGTC; Grand Rapids 2002) 546; C.A. Evans, Mark 8:27-16:20, 341.

[9] R.G. Bratcher – E.A. Nida, A handbook on the Gospel of Mark , 423.

[10] Đây là cách chia của động từ thường được dịch qua Việt ngữ như một hành động kéo dài: đang.

[11]To be discovered sleeping is to be caught at having failed to heed the master’s orders; it is dereliction of duty at the very least and may also indicate disloyality. Embarrassingly, the disciples will be caught sleeping while Jesus prays in the Garden of Gethsemane (14:32–39). Despite being admonished to “watch and pray” (14:34, 38), the disciples three times drift off to sleep (14:37, 40, 41). The narrative does not say so, but the reader will wonder if the disciples’ pathetic behavior when Jesus is arrested (14:43–52) is not due to their failure to watch and pray, as Jesus earlier had enjoined them. Instead of being alert and watchful, they doze. When the danger suddenly comes upon them, they panic and desert their master. Thus the disciples provide a mindful lesson for Mark’s readers, a lesson that well illustrates the concluding teaching and justifies fully the repeated admonitions to be alert and watchful” [C.A. Evans, Mark 8:27-16:20, 341].

[12] R.T. France, The Gospel of Mark, 546.

[13] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20, 289.