Việt |
Hy Lạp |
25
Vào lúc ấy, Đức Giêsu đáp trả, nói rằng: Cha ơi!
Con chúc tụng Cha, Chúa của trời và đất, vì
Cha đã giấu những điều này khỏi những người khôn
ngoan và thông minh, và mặc khải chúng cho những
đứa trẻ. 26
Vâng! Thưa Cha, vì như thế, đó là niềm vui trước mặt Cha. 27
Tất cả đã được Cha tôi trao ban cho tôi, và
không ai có thể biết được Con ngoại trừ Cha, không ai có thể biết Cha,
ngoại trừ Con và kẻ mà Con muốn mặc khải cho. 28
Hãy đến cùng tôi tất cả những người mệt mỏi và những
người bị đè nặng, chính tôi sẽ cho anh em nghỉ
ngơi. 29
Hãy mang ách của tôi trên anh em, và hãy học từ tôi, vì tôi tử tế
và khiêm hạ trong lòng, và anh em sẽ tìm được sự nghỉ ngơi cho tâm hồn của anh em. 30
Vì ách tôi dễ dàng và gánh tôi nhẹ nhàng. |
25 Ἐν ἐκείνῳ τῷ καιρῷ ἀποκριθεὶς ὁ Ἰησοῦς εἶπεν· ἐξομολογοῦμαί σοι, πάτερ, κύριε τοῦ οὐρανοῦ καὶ τῆς γῆς, ὅτι ἔκρυψας ταῦτα ἀπὸ σοφῶν καὶ συνετῶν καὶ ἀπεκάλυψας αὐτὰ νηπίοις· 26 ναὶ ὁ πατήρ, ὅτι οὕτως εὐδοκία ἐγένετο ἔμπροσθέν σου. 27 Πάντα μοι παρεδόθη ὑπὸ τοῦ πατρός μου,
καὶ οὐδεὶς ἐπιγινώσκει τὸν υἱὸν εἰ μὴ ὁ πατήρ,
οὐδὲ τὸν πατέρα τις ἐπιγινώσκει εἰ μὴ ὁ υἱὸς καὶ ᾧ ἐὰν βούληται ὁ υἱὸς ἀποκαλύψαι. 28 Δεῦτε πρός με πάντες οἱ κοπιῶντες καὶ πεφορτισμένοι, κἀγὼ ἀναπαύσω ὑμᾶς. 29 ἄρατε τὸν ζυγόν μου ἐφ᾽ ὑμᾶς καὶ μάθετε ἀπ᾽ ἐμοῦ, ὅτι πραΰς εἰμι καὶ ταπεινὸς τῇ καρδίᾳ, καὶ εὑρήσετε ἀνάπαυσιν ταῖς ψυχαῖς ὑμῶν· 30 ὁ γὰρ ζυγός μου χρηστὸς καὶ τὸ φορτίον μου ἐλαφρόν ἐστιν. (Matt.
11:25-30 BGT) |
Bối cảnh
Mt 11,25-30 là đoạn cuối cùng trong chương 11, thuộc phần kể chuyện thứ ba
(Mt 11 – 12), được sắp xếp trước bài giảng thứ ba, thường được gọi là bài giảng bằng dụ ngôn (Mt 13). Trong bối cảnh trực tiếp đoạn văn này là đoạn kết của một
loạt trình thuật diễn tả thực tế những người đương thời nghi ngờ, thắc mắc và chối từ căn tính của Đức
Giêsu. Chương 11 khởi đầu bằng sự kiện ông Gioan,
lúc ấy đang ở trong tù, sai các môn đệ đến để hỏi Đức Giêsu là: “Thưa Thầy! Thầy
có phải là Đấng phải đến hay không, hay chúng tôi phải đợi một ai khác?” (Mt
11,3). Tiếp đó, Đức Giêsu cho biết thực tế về thế hệ này. Họ chối từ cả Đức
Giêsu, một người đến, vẫn ăn và uống như người khác, và ông Gioan Tẩy Giả, một
người không ăn, không uống (Mt 11,18-19). Rồi, Người khiển trách các thành đã
chứng kiến những phép lạ Người làm mà không hoán cải (Mt 11,20-24). Và cuối
cùng, Đức Giêsu cho biết những người bé nhỏ mới có ơn đón nhận mặc khải của
Chúa Cha (Mt 11,25-27) và mời gọi tất cả những ai mang gánh nặng nề, đến với
Người, để được nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,28). Nơi chương 12, chủ đề về sự chối
từ cũng được tiếp tục. Tranh luận về việc giữ luật ngày Sabát (12,1-14); nhóm
Pharisêu cho rằng Đức Giêsu trừ quỷ dựa trên thế quỷ vương Beelzebul
(12,22-28). Chính những tranh luận này làm lộ rõ hai điều: (i) "ách" của Đức Giêsu dễ dàng, phù hợp thế nào cho những người nhỏ bé và (ii) ai là những người khôn ngoan, thông thái không thể đón nhận mặc khải của Cha.
Cấu trúc
Một vài điểm chú giải
1.
Cha
…Chúa của trời và đất: Trong Tin Mừng Nhất Lãm, có hai lần, Thiên Chúa công
bố long trọng Đức Giêsu là Con: “Đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3,17; 17,5). Đó
là dịp Đức Giêsu chịu dìm trong sông Giorđan (Mt 3,13-17; Mc 1,9-11; Lc
3,21-22) và dịp Người biến hình trên núi cao (Mt 17,1-8; Mc 9,2-8; Lc 9,28-36).
Địa vị “Con Thiên Chúa” của Đức Giêsu còn được nhiều loại nhân vật khác nhau
nhìn nhận: Quỷ: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông” (Mt
8,29); Những người trong thuyền chứng kiến Đức Giêsu dẹp yên sóng gió: “Quả thật
người này là Con Thiên Chúa” (Mt 14,33); Ông Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16); Người đại đội trưởng và những người canh giữ
Đức Giêsu: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54; Mc 15,39). Trong Tin Mừng Mátthêu, đặc biệt trong Bài giảng
trên núi (Mt 5 – 7), rất nhiều lần Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha. Có ít nhất
mười bảy lần trong bài giảng này, danh xưng Cha được lặp lại. Danh xưng Cha được
phân biệt giữa các đại từ sở hữu: Cha của anh em (số nhiều) được lặp lại mười
ba lần; Cha của anh (số ít) được dùng năm lần; Cha của chúng tôi được dùng một
lần. Đức Giêsu gọi Chúa là “Cha Tôi” được lặp lại mười sáu lần. Mặc dù cùng một
đối tượng là Cha, nhưng Đức Giêsu không bao giờ dùng “Cha của chúng ta” (bao
hàm cả Đức Giêsu và các môn đệ). Điều này cho thấy Người có vị thế đặc biệt nhất
trong tương quan với Cha, so với tương quan giữa các môn đệ và Cha. Có thể nói
rằng tương quan Cha-Con của Đức Giêsu và Cha là cội nguồn và nền tảng cho tương
quan Cha-Con của cộng đoàn môn đệ và Cha. Ga 20,17 là một ngoại lệ trong các
sách Tin Mừng, khi Đức Giêsu đồng hóa: “Thầy đi lên cùng Cha của Thầy cũng là
cha của anh em; cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga
20,17). Tin Mừng Gioan cũng cho thấy người Do Thái muốn giết Đức Giêsu vì Người
dám nói Thiên Chúa là Cha của mình. Bởi lẽ, họ cho rằng khi nói như thế, Đức
Giêsu tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (Ga 5,18; Ga 10,33). Trong đoạn văn
này, Đức Giêsu mặc khải hai điểm thần học rất quan trọng về Thiên Chúa: Thiên
Chúa là Cha của Người và là Chúa của trời và đất (κύριε τοῦ οὐρανοῦ
καὶ τῆς γῆς). Nghĩa là, Người vốn là chủ tể của toàn cõi vũ hoàn, nhưng
Người cũng là Cha trong tương quang với Đức Giêsu. Trong bối cảnh này, Cha và
chủ của trời đất, nắm toàn bộ quyền năng mặc khải. Người mặc khải cho ai tùy ý
Người. Ý niệm này, nhìn rộng hơn, có thể gợi nhớ đến quyền năng sáng tạo được
nói đến trong St 1,1 – 2,4a. Sách Ester diễn tả Chúa là chủ tể của mọi loài (Et
8,12r).
2.
Giấu
“những điều này”: Đức Giêsu dùng đại từ số nhiều “những điều này” (ταῦτα)
để diễn tả nội dung mặc khải của Cha. “Những điều này” trong bối cảnh này, trước
hết, có thể là chính căn tính Mêsia của Đức Giêsu. Đó là căn tính mà ông Gioan
Tẩy Giả, đang ở trong tù, đã sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu rằng: “Ngài có phải
là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải chờ ai khác?” (Mt 11,3). “Những
điều này” cũng có thể là tất cả những phép lạ Đức Giêsu làm và dạy để bày tỏ
căn tính của Người: “Người mù thấy được, người què đi được, người cùi được sạch,
người điếc nghe được và người chết được trỗi dậy, người nghèo được nghe Tin Mừng”
(Mt 11,5).[1]
Ngay sau khi ông Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”,
Đức Giêsu liền cho biết: “Anh thật có phúc vì không phải xác và máu mặc khải
cho anh nhưng là Cha của Thầy, Đấng ở trên trời” (Mt 16,17).
3.
Những
người khôn ngoan và thông minh[2]: Những người khôn
ngoan và những người thông minh là những người bị Cha giấu mặc khải. Quay lại
những đoạn văn trước đó những người không hiểu biết chính Đức Giêsu và sứ vụ của
Người trước hết có thể kể đến là ông Gioan Tẩy Giả (Mt 11,2-6). Tuy nhiên, ông
Gioan chỉ phân vân và đã sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu, nên ông có thể biết
nhận ra căn tính Mêsia của Đức Giêsu. Tiếp theo sau đó là các thành phần không
nhận biết Đức Giêsu. “Thế hệ này” không đón nhận cả Đức Giêsu và ông Gioan Tẩy
Giả (Mt 11,18-19). Thành Khoradin, Bếtsaiđa và Caphácnaoum đều bị khiển trách nặng
nề vì không hoán cải khi chứng kiến các phép lạ Đức Giêsu làm (Mt 11,20-24). Những
người khôn ngoan và những người thông minh cũng có thể là nhóm người cụ thể như
nhóm Pharisêu và nhóm Kinh Sư.[3]
Nhóm Pharisêu không ngừng chất vấn Đức Giêsu về luật giữ ngày Sabát, và bàn bạc
để tìm cách giết Người (Mt 12,1-8.9-13). Họ xuyên tạc nhằm hạ uy tín của Đức
Giêsu rằng: “Ông này không trừ được quỷ nếu không với sự trợ giúp của
Beelzebul, tướng của các quỷ” (Mt 12,24; Cf. 9,34). Họ phản đối khi Đức Giêsu đến
ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi (Mt 9,10-13) Nhóm Kinh
Sư cùng với nhóm Pharisêu chất vấn Đức Giêsu về truyền thống thanh tẩy tay trước
khi ăn (Mt 15,1-9). Những nhóm người gây đau khổ và kết án Đức Giêsu là “các kỳ
mục, các thượng tế, và kinh sư” (Mt 16,21; Cf. 20,18; 21,15; 26,57; 27,41).[4]
Khi Đức Giêsu nói rằng Cha đã giấu “những điều này khỏi những người khôn ngoan
và những người thông thái”, có thể hiểu theo hai khía cạnh. Thứ nhất, Cha là chủ
thể tối cao của mặc khải thần linh. Thứ hai, thái độ tỏ ra mình hiểu biết hoặc
cứng lòng của những người này làm cho họ không thể đón nhận mặc khải mà Cha
trao.[5]
Thái độ đó được Đức Giêsu mô tả trong bài giảng bằng dụ ngôn: “Nếu Thầy dùng dụ
ngôn mà nói với họ là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu”
(Mt 13,13). Đó là ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: “Các ngươi sẽ nghe chăm chú mà
không hiểu, sẽ nhìn kỹ càng mà không thấy, vì lòng của dân này trở nên đần độn,
với đôi tai của họ, họ nghe rất khó và mắt họ nhắm lại, kẻo họ thấy bằng mắt và
nghe bằng tai và hiểu bằng tim và quay trở lại và Ta chữa lành họ” (Mt
13,14-15).
4.
Những
đứa trẻ … những người mệt mỏi và những người bị đè nặng: Đối tượng được Cha
mặc khải là “những đứa trẻ”. Danh từ “νηπίοις” là những đứa trẻ, những
người ngây thơ, những người không có kinh nghiệm, những người đơn giản. Những đứa
trẻ là những người trong mắt của thế gian, thì yếu đuối và giản đơn, nhưng trước
Chúa, họ là những người được chọn.[6]
Trước đó, trong bài giảng về sứ vụ, các môn đệ được đồng hóa với những người bẻ
nhỏ: “Ai cho một trong những người nhỏ bé này chỉ một chén nước lạnh vì danh
nghĩa của người môn đệ, amen, Thầy bảo anh em, người ấy không thể mất phần thưởng
của mình” (Mt 10,42). Trong bài giảng bằng các dụ ngôn, Đức Giêsu cho thấy các
môn đệ được cho biết các bí mật của Nước Trời, nhưng họ thì không (Mt 13,11). Chính vì thế, "những đứa trẻ" trong bối cảnh này có thể hiểu là các môn đệ, và những người tin
vào Đức Giêsu.[7] Những người có thể đón nhận
Đức Giêsu và giáo huấn của Người, nghĩa là, đón nhận mặc khải của Cha, có thể
được xem như là những đứa trẻ. Danh xưng này không mô tả về thể lý cho bằng mô
tả về tinh thần. Đó là những con người đơn sơ, không cậy vào kiến thức của
mình, và mở lòng ra với mặc khải của Chúa. Hình ảnh những đứa trẻ trong đoạn
này song đối với hình ảnh những người mệt mỏi và những người bị đè nặng. Nhóm
người này được mời gọi đến với Đức Giêsu để học từ nơi Người và tin nhận Người.
5.
“Cái
ách”[8] và “gánh nặng”: Những người mệt mỏi và
bị đè nặng, nối kết với “cái ách” cho thấy rằng vật thể làm cho họ mệt mỏi và bị
đè nặng là “cái ách”. “Cái ách” (τὸν ζυγόν) nghĩa đen là một dụng
cụ nối hai con vật với nhau để chúng có thể làm việc cùng nhau. Tuy nhiên,
trong Thánh Kinh, danh từ này thường được dùng theo nghĩa ẩn dụ để diễn tả những
đòi hỏi nghiêm khắc, những quy tắc nặng nề.[9]
Tác giả Phaolô thường nói về “ách nô lệ”: “Vì sự tự do Đức Kitô đã làm giải
thoát chúng ta; vì thế, hãy đứng vững và đừng khuất phục ách nô lệ nữa” (Gl
5,1; 1 Tm 6,1). Trong bài giảng tại Công Đồng Jêrusalem, ông Phêrô đã nhấn mạnh
đến sự nặng nề của lề luật: “Vì vậy, giờ đây tại sao anh em lại thử thách Thiên
Chúa bằng cách đặt lên cổ của các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta và
chúng ta không thể mang nổi” (Cv 15,10). “Cái ách” được đặt song song với “gánh
nặng”. Đức Giêsu mô tả “ách của Người dễ dàng và gánh nặng của Người thì nhẹ
nhàng”. Tính từ “χρηστὸς” thường được chuyển ngữ là “êm ái” (CGKPV;
NTT). Tính từ này trong tiếng Hy Lạp có nhiều nghĩa: Tốt, dễ dàng, thoải mái,
phù hợp, hữu ích. “Êm ái” xem ra phù hợp với danh từ “cái ách”, nhưng lại không
sát nghĩa. “Dễ dàng” hay “thoải mái” có thể là cách hiểu phù hợp hơn một khi
“cái ách” được hiểu theo nghĩa biểu tượng là lề luật, quy tắc. “Gánh nặng nhẹ
nhàng” của Đức Giêsu là giải pháp cho “những người đang bị đè nặng” mà Người
kêu mời đến cùng Người. Tính từ “nhẹ nhàng” (ἐλαφρόν), là giải pháp cho danh từ “những người bị đè nặng”,
có lẽ ngụ ý là dễ mang, vừa sức, có thể mang được. Đức Giêsu không giảm thiểu
Luật, hay đòi hỏi thấp hơn, nhưng Người làm cho nó hợp tình, hợp lý, và có hồn
hơn, và nhất là Người cùng mang gánh với “những người mệt mỏi và bị đè nặng”.[10] “Gánh
nặng nhẹ nhàng” của Đức Giêsu, trong bối cảnh Tin Mừng Mátthêu, có thể đối lại
với “gánh nặng nặng nề” (φορτία βαρέα) của các Kinh Sư và những người
Pharisêu: “Họ bó những gánh nặng nặng nề và đặt lên vai người ta, nhưng chính họ
lại không muốn di chuyển chúng bằng những ngón tay của họ” (Mt 23,4). Đức Giêsu
của tác giả Luca mô tả rõ ràng hơn về gánh nặng mà các nhà thông luật, đặt lên
vai người khác: “Các ngươi chất lên người ta gánh nặng khó có thể mang, còn các
ngươi không đụng vào những gánh nặng ấy dù bằng một ngón tay” (Lc 11,46). Những
gánh nặng nặng nề này của các Kinh Sư và những người Pharisêu, trong bối cảnh
trực tiếp, được minh họa cụ thể bằng những cuộc tranh luận cụ thể đầu chương
12: Các môn đệ bứt lúa ăn vào ngày sabát và bị những người Pharisêu chỉ trích
là “làm điều không được làm trong ngày sabát” (Mt 12,1-8); Tranh luận về việc
có được phép chữa bệnh trong ngày sabát không (Mt 12,9-14). Đó là hai trong số
nhiều cuộc tranh luận về Luật mà nhóm Kinh Sư và những người Pharisêu chất vấn
Đức Giêsu. Theo cách lý giải của Đức Giêsu, rõ ràng, “ách” (cách áp dụng luật)
của Đức Giêsu dễ chấp nhận và có ý nghĩa hơn. Người cho thấy vua Đavít trong
lúc đói đã vào đền thờ và ăn bánh mà chỉ có các tư tế được ăn (12,3-4). Nếu người
ta không do dự kéo con chiên bị sa xuống hố lên trong ngày sabát thì người ta
càng phải cứu chữa bệnh tật cho con người (12,11-12).
6.
Tất cả
đã được Cha Tôi trao ban cho Tôi: Lời khẳng định “tất cả đã được ban cho
tôi”, đi theo sau mặc khải về căn tính “Chúa trời và đất” của Cha, cho thấy rằng
một trong những điều Cha ban cho là quyền năng “tỏ lộ” hay “che giấu” của Chúa
Cha. Lời khẳng định này còn cho thấy Đức Giêsu có đầy đủ quyền năng của Thiên
Chúa để giảng dạy (Mt 5,21-46) cũng như làm những phép lạ (4,23; 8,3.13-17; 9,22);
tha thứ tội lỗi (9,1-8).[11]
Sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu công bố cùng các môn đệ “Thầy đã được ban tất cả
quyền trên trời và dưới đất, vì vậy hãy đi và làm cho muôn nước thành các môn đệ,
làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Linh” (Mt 28,18-19). Đức
Giêsu có toàn quyền mặc khải (rao giảng và làm phép lạ), Người trao ban quyền ấy
cho các môn đệ sau Phục Sinh để họ cũng tiếp nối sứ vụ của Người.
7.
Chỉ
Cha biết Con … chỉ Con biết Cha… kẻ mà Người Con muốn mặc khải: Lời này cho
thấy kiến thức độc nhất vô nhị của Đức Giêsu về Cha. Đức Giêsu chính là mặc khải
trọn vẹn và đầy đủ của Chúa Cha. Khi khẳng định tương quan Cha-Con với Thiên Chúa, Đức
Giêsu cho biết căn tính thần linh của Người. Người không chỉ là Đấng Mêsia
vương đế mà dân Israel hằng mong chờ, mà còn là Con Thiên Chúa, và là Thiên
Chúa. Thần học Tin Mừng thứ tư, được soạn thảo muộn thời hơn các Tin Mừng Nhất
Lãm, đã khẳng định rõ ràng trong Lời Tựa: “Thiên Chúa, chưa ai thấy bao giờ,
nhưng Con Một, vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở trong lòng Cha, Đấng ấy đã tỏ
lộ ra” (Ga 1,18). Đức Giêsu chính là hiện thân của Cha, đối tượng duy nhất mà
người ta phải “đến cùng” và “học từ”. Chỉ có những người mà Con muốn mặc khải
cho thì mới có thể hiểu biết Cha. Đức Giêsu của tác giả Gioan còn khẳng định rằng:
“Tôi là con đường là sự thật và là sự sống, không ai có thể đến với Cha, trừ
khi qua Tôi” (Ga 14,6). Đức Giêsu, Con, muốn mặc khải cho ai tùy ý, nhưng trong
bối cảnh này, đối tượng mà Người mặc khải có lẽ cùng một đối tượng với Cha. Đó
là “các trẻ em” (những người đơn giản). Đó cũng có thể là tất cả những ai đang
mệt mỏi, và những người bị đè nặng, mà Người sẽ mời gọi ngay sau đó. Từ chối,
không đón nhận Đức Giêsu cũng có nghĩa là không thể biết rõ Thiên Chúa.
8.
Hãy đến
…hãy mang ách … hãy học: Đó là những mệnh lệnh mà Đức Giêsu mời gọi những đối
tượng là “tất cả những người đang mệt mỏi” và “những người đang bị đè nặng”.
Sau khi công bố rằng mình được Cha ban tất cả và khẳng định chỉ một mình Người
(Con) biết Cha, Đức Giêsu mời gọi những người mà Người muốn mặc khải đến cùng
Người. Cụm giới từ “cùng tôi” (hãy đến cùng tôi), tính từ sở hữu “của tôi” (ách
của tôi, gánh nặng của tôi), “từ nơi tôi” (hãy học từ nơi tôi), chủ từ nhấn mạnh
“chính tôi” (κἀγὼ), tất cả nhằm trung tâm hóa Đức Giêsu trong
những hoạt động này. “Đến cùng” là hành động đầu tiên, tiếp theo là hành động “mang ách của tôi” đi song song với hành động “học từ nơi tôi”.[12] Nếu
hiểu cái ách theo nghĩa biểu tượng là Luật, hay lời chỉ dẫn, thì hành động “học
từ nơi tôi” không thể tách rời khỏi hành động “mang ách của tôi”. Nói cách
khác, “mang ách”, đồng nghĩa với việc “học từ nơi” Đức Giêsu, để hiểu và đón nhận
những chỉ dẫn của Người. Cặp động từ song song này diễn tả mục đích của việc “đến
cùng”. Nếu như hành động “đến cùng” không được tiếp nối bằng hai hành động bổ
túc cho nhau (mang ách và học từ), thì không mang lại bất cứ một kết quả tích cực
nào. trên thực tế, có nhiều người đến cùng Đức Giêsu, nhưng không phải tất cả đều tin nhận Người. Chỉ có những ai “mang ách” của Người
và “học từ” Người mới thành môn đệ.[13] Lời
mời gọi của Đức Giêsu họa theo lời dạy khôn ngoan của sách Huấn Ca: “Hãy tra cổ
vào ách, và đón nhận giáo huấn vào tâm hồn; giáo huấn này, các bạn có thể tìm
thấy ngay ở bên cạnh mình. Hãy đưa mắt nhìn rằng tôi mệt mỏi chút ít, và chính
tôi tìm thấy nghỉ ngơi dồi dào” (Hc 51,26-27).[14]
9.
Chính
tôi làm cho anh em phục hồi sinh lực …tìm được sự nghỉ ngơi cho linh hồn:
Nhìn vào cấu trúc, chúng ta có thể thấy xen lẫn giữa những hành động “đến cùng
tôi”, “mang ách của tôi”, và “học từ tôi”, được xen lẫn bởi hiệu quả tích cực:
“Chính tôi sẽ làm cho anh em phục hồi sinh lực” // “anh em sẽ tìm được sự phục
hồi sinh lực cho tâm hồn anh em”. Động từ
“ἀναπαύω” vừa có
nghĩa là “nghỉ ngơi” vừa có nghĩa là “hồi phục sinh lực”, “làm tươi mới” con
người nhờ được nghỉ ngơi. “Làm cho nghỉ ngơi”, hay “làm cho hồi phục sinh lực”
là giải pháp tốt nhất dành cho “những người đang mệt mỏi”. Đức Giêsu làm cho họ
được nghỉ ngơi, và họ tìm được sự nghỉ ngơi, phục hồi sinh lực cho tâm hồn. Sự
nghỉ ngơi và phục hồi sinh lực ở đây có lẽ không phải về thể lý, đúng hơn, đó
là một sự phục hồi về sức sống tinh thần, một sức sống của người sống theo
Torah của Đức Giêsu, Torah kiện toàn, hoàn thiện Torah của ông Môsê (x. Mt
5,21-46). “Mang ách” và “học từ nơi Giêsu” giúp người ta nên hoàn thiện như Cha
trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48), và vươn đến sự công chính vượt hơn sự
công chính của các Kinh Sư và những người Pharisêu (Mt 5,20). Sự nghỉ ngơi đích
thực là sự nghỉ ngơi bên Chúa trong Nước Trời.[15]
10. Tôi hiền lành (πραΰς) và khiêm hạ (ταπεινὸς) trong lòng: Mệnh đề phụ chỉ lý do, được
bắt đầu bằng liên từ “ὅτι” (bởi vì), giải thích lý do tại sao các môn đệ
phải “mang ách của” Đức Giêsu và “học từ nơi” Người. Ông Môsê được mô tả là
“người đàn ông rất khiêm nhường, hơn tất cả mọi người trên mặt đất” (Ds 12,3).
Ngôn sứ Dacaria nói đến hình ảnh một Đấng Mêsia vương đế “đang đến, công chính
và cứu độ, Người khiêm nhường và cưỡi trên một con lừa, và một con lừa con”
(Dcr 9,9). Hình ảnh này được tác giả Mátthêu áp dụng cho Đức Giêsu (Mt 21,5).
Tính từ “πραΰς” có nhiều nghĩa: Tử tế, tốt lành, hiền lành. Trong "các mối phúc" có một mối phúc dành riêng cho đặc tính hiền lành. Người hiền lành được chúc phúc vì họ sẽ được “thừa kế đất”: Phúc cho những người
hiền lành vì họ sẽ được thừa kế miền đất (Mt 5,4). Học được sự hiền lành của Đức
Giêsu cũng có nghĩa là sống mối phúc mà Người dạy và được thừa hưởng miền đất
Nước Trời.
Bình luận tổng quát
Giữa bối cảnh những
xung đột và chống đối từ nhiều thành phần, đặc biệt là giới lãnh đạo Do Thái như nhóm Kinh Sư và
những người Pharisêu, Đức Giêsu cất lên lời cảm tạ và diễn tả thực tế của hai
thái độ khác nhau của thính giả trước sứ vụ của rao giảng của Người: Đón nhận
và chối từ. Đón nhận hay chối từ đều tùy thuộc vào trong uy quyền mặc khải của
Cha. Cha đã giấu những chân lý về Cha, cũng như căn tính của Đấng Mêsia, được
thể hiện qua những lời giảng dạy và phép lạ của Người; nhưng Cha lại mặc khải
cho những người được gọi là “các trẻ em”. Cha là chủ tể, là Chúa của trời và đất,
và Cha cũng là Cha của Đức Giêsu. Tương quan Cha-Con của Đức Giêsu và Cha là nền
tảng cho tương quan Cha-con giữa Thiên Chúa và các môn đệ nói riêng, hay các
tín hữu nói chung. Đức Giêsu không chỉ là Đấng Mêsia vương đế như là người
Israel hằng mong đợi. Người bật mí rằng không ai biết Người ngoại trừ Cha và
không ai biết Cha ngoại trừ Người và kẻ mà Người muốn tỏ lộ cho. Đó là mặc khải
quan trọng về căn tính thần linh của Người. Người cũng khẳng định rằng Cha đã
trao ban tất cả cho Người, bao gồm quyền năng mặc khải, quyền năng giảng dạy,
chữa lành, và cứu độ. Chính vì thế, Người có đủ thẩm quyền để mời gọi những ai
“mệt mỏi” và “những ai bị đè nặng” đến với Người. Khi đến với Người, người ta sẽ
được nghỉ ngơi và phục hồi sinh lực, sinh lực của người con Chúa đích thực. Những
ai mệt mỏi và bị đè nặng bởi hệ thống Lề Luật được các lãnh đạo Do Thái áp dụng
thì họ cần phải mang lấy “ách của Đức Giêsu”, cách thức áp dụng Lề Luật của Người
và “học từ Người”, một đức vua hiền lành, tử tế, tốt lành và khiêm hạ. “Ách dễ dàng” của Đức Giêsu, lối giải thích
Luật mới mẻ của Đức Giêsu được minh học bằng hai ví dụ đầu chương 12. Theo Đức
Giêsu, Luật sẽ không cấm đoán người ta chữa bệnh trong ngày sabát; Luật cũng có
thể cho các môn đệ bứt lúa ăn khi họ đang đói. Đức Giêsu giúp cho người ta vươn
đến mức độ hoàn hảo nhờ đi vào tương quan cha-con với Chúa chứ không phải chỉ
giữ những nguyên tắc luật lệ cách hình thức. “Gánh nặng nhẹ nhàng” của Đức
Giêsu sẽ phù hợp với những người đang bị đè nặng. Người không những dạy cho người
ta những điều hợp lý, thấu tình, đạt lý, mà Người còn ghé vai vác gánh nặng với
con người. Điều mà Đức Giêsu hứa ban cho những “trẻ em”, “những người mệt mỏi”
và “những người đang bị đè nặng” không phải là sức khỏe về thể lý, nhưng là sức
sống về tâm linh. Sự nghỉ ngơi trọn vẹn là sự nghỉ ngơi với Chúa trong Nước Trời;
Sự phục hồi sức sống đúng nghĩa là làm cho người ta sống xứng đáng là còn cái
Chúa. Những người sống đúng nghĩa, nói theo ngôn ngữ của Đức Giêsu trong “Bài
giảng trên núi” là những người “có sự công chính vượt hơn sự công chính của các
Kinh Sư và những người Pharisêu” hay “trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng
hoàn thiện”.
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch,
SVD
[1] “The very unspecific term
“these things” must be understood in context of the whole revelatory process of
Jesus’ ministry, both the truths he has taught and the truth about who he
himself is” [R.T. FRANCE, The Gospel of
Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 443].
[2] “The ‘wise’ of Jesus’ day
had careful rules for interpreting the Bible and often rested in the security
of the academic consensus of their circle; they prided themselves on their
knowledge of traditional interpretations and sayings of the wise who had gone
before them; they also emphasized practical piety” [C.S. KEENER, The Gospel of Matthew. A
Socio-Rhetorical Commentary (Grand Rapids – Cambridge 2009) 346].
[3] W.D. DAVIES – D.C.
ALLISON, A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint
Matthew (ICC; London – New York 2004) II, 275.
[4] “The phrase most clearly refers to
scribes and Pharisees who reject Jesus. But given the context (Matthew 11-13)
in which the rejection of Jesus is the major theme, it could also include
others (as, for example, the inhabitants of the unrepentant cities in Matt
11:20-24). What God has hidden &om them is the significance of Jesus’ deeds
and the presence of God’s kingdom in his ministry (11:1-19)” [D.J. Harrington, The Gospel of Matthew (SP1; Collegeville
1997) 167].
[5] “The basis of this
division is not an arbitrary selection, but the fundamental principle of divine
revelation, that it comes to those who are open to it, but finds no response
with those who think they know better; with the “wise and intelligent” it is
wasted like seed sown beside the path (13:4, 19)” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 443).
[6] “The ‘babes’ are those
who, in the eyes of the world, are weak and simple, but before God they are the
elect” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Matthew,
275)
[7] “Those who
receive the revelation are described as nepioi (“infants”), which seems to be a way of
referring to the disciples of Jesus both during his earthly ministry and in the
Matthean community. They are contrasted with “the wise and understanding” (D.J.
Harrington, The Gospel of Matthew,
169).
[8] “In Biblical and Jewish
tradition, a yoke is often a metaphor for religious instruction. In some cases,
the yoke represents for the commandments of the Torah that define what it means
to live in a covenant relationship with the Lord (Acts 15:10; Gl 5:1). In
others, it represents the counsel of Divine Wisdom that guide men and women
toward pious and prosperous living (Sir 6:25;51:26)” [C. Mitch – E. Sri, The Gospel of Matthew (CCSS; Grand
Rapids 2010) 161]; D.J. Harrington, The
Gospel of Matthew, 168.
[9] “In 23:4 ‘heavy,
cumbersome burdens on people’s shoulders’ is a metaphor for the legal and
ethical demands made by the scribes and Pharisees. The metaphor of a yoke,
which in the OT commonly denoted social or political oppression (Gen 27:40;
Exod 6:6–7; 1 Kgs 12:4–14; Isa 58:6, 9; Jer 28:2–14, etc.) and had a strongly
pejorative sense, came to be used in later Jewish literature for the demands of
the law upon people’s obedience, usually understood in a positive sense, an
obligation freely accepted by “putting on the yoke of the Torah” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 448).
[10] “Jesus’ yoke is not
lighter because he demands less (5:20), but because he bears more of the load
with the burdened (23:4; cf. 1 Jn 5:3). In contrast to unconcerned religious
teachers who prided themselves on their own position (23:4–7; 24:49), Jesus was
going to lay down his life for the sheep (20:25–28)” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 349).
[11] C. Mitch – E. Sri, The Gospel of Matthew, 160.
[12] “The only requirement is
that those who come to him must recognize their need for help and be willing to
accept his yoke and learn from him. This is an invitation which the ‘wise and
intelligent’ may well choose to ignore, while the ‘little children’ come
willingly” (R.T. FRANCE, The Gospel of
Matthew, 448).
[13] “This is a call to
discipleship, to submit oneself to the instruction of the Messiah” (C. Mitch –
E. Sri, The Gospel of Matthew, 161).
[14] “Jesus as, in Matthew’s
view, himself taking the place of the personified divine Wisdom, hidden from
human cleverness, but able to communicate to those who seek her the truth about
God which she alone truly understands. As the focus moves in vv. 28–30 from
knowing the truth to finding rest, the echoes of Wisdom literature become even
clearer. The most obvious source25 for Jesus’ language here is Sir
51:23–27 (cf. Sir 6:23–30), in which the sage invites the unlearned to come
near to him to find Wisdom, to put their necks under Wisdom’s yoke so that
their souls receive instruction, and informs them that in this way he himself,
having toiled only a little, has found much rest. The echoes of the Greek text
are clear: the words for “to me,” “toil,” “yoke,” “find,” “rest” and “soul” are
all the same” (R.T. FRANCE, The Gospel of
Matthew, 447).
[15] “This is a more than a promise of everlasting
repose in the life to come. It also a promise of inner peace in this life, the
kind of peace that quiets the mind and heart and surpasses human understanding
(Phl 4:7)” (C. Mitch – E. Sri, The Gospel
of Matthew, 160-161).
No comments:
Post a Comment