Bản văn và dịch sát nghĩa
Việt |
Hy Lạp |
1
Trong ngày ấy, sau khi ra khỏi nhà, Đức Giêsu ngồi bên
biển. 2
Nhiều đám đông tập trung đến cùng Người, vì thế, Người phải lên một chiếc thuyền để ngồi, và toàn thể đám đông đứng trên
bờ biển. 3
Và Người nói nhiều điều cho họ bằng các dụ ngôn
rằng: Kìa người gieo hạt giống đi ra để gieo. 4
Trong khi anh ta gieo, có hạt rơi dọc đường,
và những con chim đến ăn hết chúng. 5
hạt khác rơi xuống trên đá, nơi không có nhiều đất, và ngay lập tức nó mọc lên, vì không có đất sâu. 6
khi mặt trời mọc lên nó bị thiêu đốt, và vì không có rễ, nên nó bị khô
héo. 7
Hạt khác rơi trên những bụi gai, những cây gai mọc lên và bóp
nghẹt nó. 8
Hạt khác rơi trên đất tốt và cho hoa trái, hạt
được một trăm, hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi. 9 Ai có tai, hãy
nghe. |
1 Ἐν τῇ ἡμέρᾳ ἐκείνῃ ἐξελθὼν ὁ Ἰησοῦς τῆς οἰκίας ἐκάθητο παρὰ τὴν θάλασσαν· 2 καὶ συνήχθησαν πρὸς αὐτὸν ὄχλοι πολλοί, ὥστε αὐτὸν εἰς πλοῖον ἐμβάντα καθῆσθαι, καὶ πᾶς ὁ ὄχλος ἐπὶ τὸν αἰγιαλὸν εἱστήκει. 3 Καὶ ἐλάλησεν αὐτοῖς πολλὰ ἐν παραβολαῖς λέγων· ἰδοὺ ἐξῆλθεν ὁ σπείρων τοῦ σπείρειν. 4 καὶ ἐν τῷ σπείρειν αὐτὸν ἃ μὲν ἔπεσεν παρὰ τὴν ὁδόν, καὶ ἐλθόντα τὰ πετεινὰ κατέφαγεν αὐτά. 5 ἄλλα δὲ ἔπεσεν ἐπὶ τὰ πετρώδη ὅπου οὐκ εἶχεν γῆν πολλήν, καὶ εὐθέως ἐξανέτειλεν διὰ τὸ μὴ ἔχειν βάθος γῆς· 6 ἡλίου δὲ ἀνατείλαντος ἐκαυματίσθη καὶ διὰ τὸ μὴ ἔχειν ῥίζαν ἐξηράνθη. 7 ἄλλα δὲ ἔπεσεν ἐπὶ τὰς ἀκάνθας, καὶ ἀνέβησαν αἱ ἄκανθαι καὶ ἔπνιξαν αὐτά. 8 ἄλλα δὲ ἔπεσεν ἐπὶ τὴν γῆν τὴν καλὴν καὶ ἐδίδου καρπόν, ὃ μὲν ἑκατόν, ὃ δὲ ἑξήκοντα, ὃ δὲ τριάκοντα. 9 ὁ ἔχων ὦτα ἀκουέτω. (Mt 13:1-9 BGT) |
Bối cảnh
Mt 13,1-9 là phần đầu tiên, của trong bài giảng thứ ba trong
số năm bài giảng của Đức Giêsu theo bố trí của tác giả Tin Mừng Mátthêu, thường
được gọi là là “Bài Giảng bằng dụ ngôn”. Dụ ngôn trong Mt 13,4-8, thường được gọi
là dụ ngôn “người gieo giống”, là dụ ngôn đầu tiên trong số sáu dụ ngôn được kể
lại trong chương này. Tiếp theo sau dụ ngôn này là năm dụ ngôn khác: Dụ ngôn cỏ
lùng và lúa (Mt 13,24-30); dụ ngôn hạt cải (Mt 13,31-32; Mc 4,30-32; Lc
13,18-19); Dụ ngôn men trong bột (Mt 13,33; Lc 13,20-21); Dụ ngôn kho báu và ngọc
quý (Mt 13,46); Dụ ngôn chiếc lưới (Mt 13,47-50). Dụ ngôn “người gieo giống” được
kèm theo phần giải nghĩa chi tiết (Mt 13,18-23; Mc 4,13-20; Lc 8,11-15). Ý tưởng
các loại đất khác nhau tiếp nhận hạt giống và dẫn đến hiệu quả khác nhau, tiếp
tục ý tưởng “chối từ” và “đón nhận” Đức Giêsu và thông điệp của Người, được trình
bày trong hai chương 11 và 12 trước đó.[1]
Ngay trước câu chuyện này là tuyên bố của Đức Giêsu về căn tính những người
thân yêu ruột thịt của Người. Đó là bất cứ ai thi hành ý muốn của Cha, Đấng ngự
trên trời. Ý muốn của Cha là những “hạt giống lời” được gieo trong ruộng thế
gian. Ngay sau dụ ngôn “người gieo giống” và trước phần giải nghĩa dụ ngôn là
phần lý giải lý do vì sao Đức Giêsu phải dùng dụ ngôn, đó là vì “họ nhìn mà
không nhìn, nghe mà không nghe, cũng không hiểu” (Mt 13,13). Kết thúc loạt dụ
ngôn này là trình thuật về sự kiện Đức Giêsu về thăm quê và giảng dạy dân chúng
trong hội đường. Người ta đã ngạc nhiên và đặt vấn đề về nguồn gốc bình thường
của Người, so với những lời giảng khôn ngoan và những phép lạ Người làm. Kết quả
là họ vấp ngã vì Người (Mt 13,53-58).
Cấu trúc
Bối
cảnh (cc.1-3): -
Bên bờ biển, từ trên chiếc thuyền -
Nhân vật: Đức Giêsu, đám đông -
Hoạt động: Dạy bằng dụ ngôn Dụ
ngôn người đi gieo hạt giống (cc.4-8) -
Hạt rơi dọc đường, … chim đến ăn hết chúng. -
Hạt khác rơi trên đá… không có nhiều đất …
ngay lập tức nó mọc lên… vì không có đất sâu… khi mặt trời mọc lên nó bị đốt
cháy … không có rễ, … bị khô héo. -
Hạt khác rơi trên những bụi gai… cây gai mọc
lên và bóp nghẹt nó. -
Hạt khác rơi trên đất tốt …cho hoa trái, hạt
được một trăm, hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi. Mời gọi (9): Ai có tai, hãy nghe. |
Một số điểm chú giải
1.
Ra khỏi
nhà … ngồi bên biển… phải lên một chiếc thuyền:
Trong loạt bài giảng trước đó, ít ra là từ 12,46-50, đoạn văn kể về việc Mẹ và anh
em đến tìm cách nói chuyện với Người, Đức Giêsu dường như ở trong nhà. Trước
đó, Người giảng trong hội đường (Mt 12,9). Giờ đây, Người đi ra khỏi nhà và ngồi
bên biển, nhưng vì nhiều đám đông tụ tập đến, nên Người buộc phải lên một chiếc
thuyền mà ngồi. “Thuyền” là một trong những nơi chốn giảng dạy quen thuộc của Đức
Giêsu. Người đang giảng dạy trong vùng Galilê, và bờ biển hồ là một trong những
địa điểm thuận tiện cho việc giảng dạy. Chiếc thuyền trở thành một chiếc bục giảng
lý tưởng. Từ trên chiếc thuyền, Người vừa có thể tránh khỏi đám đông chen lấn,
vừa có thể quan sát người nghe, cũng như người nghe có thể thấy Người cách rõ
ràng, tương tự như hình ảnh Người ngồi trên núi (đồi) và đám đông bao quanh (Mt
5,1). Hướng gió biển xuôi chiều về phía đất liền cũng là một điểm thuận lợi cho
thuyết trình viên đưa lời giang đến tai người nghe cách dễ dàng hơn. Động từ
“ngồi” được lặp lại hai lần liên tục (ngồi bên biển, ngồi trên thuyền) nhấn mạnh
đến vị thế giảng dạy của thầy Giêsu. Tương tự như tư thế “ngồi” trên núi khi
Người bắt đầu bài giảng trên núi.
2.
Dụ
ngôn hay Phúng dụ[2] (Parable or
Allegory): Có hai loại hình rất giống nhau mà các thầy dạy vùng Cận Đông cổ xưa
thường dùng để dạy các bài học đạo đức cho dân chúng. Dụ ngôn, thường được hiểu
là một câu chuyện, mà toàn bộ nội dung của nọ chỉ đế diễn tả một bài học nhất định
nào đó. Danh từ parabole trong tiếng Hy Lạp có nghĩa rộng hơn so với “parable”
trong tiếng Anh (dụ ngôn, trong tiếng Việt). Đó có thể là một câu nói mang tính
so sánh có ẩn ý cổ vũ lối sống: “Thầy thuốc ơi, hãy cứu chữa chính mình” (Lc
4,23); Một câu đố: “Làm thế nào Xatan lại trục xuất Xatan được?” (Mc 3,23); Một
sự so sánh: “Nước trời như nắm men…” (Mt 13,33); Một sự đối nghịch: Dụ ngôn quan
tòa bất lương (Lc 18,1-8); Những câu chuyện đơn giản (Dụ ngôn cây vả: Lc
13,6-9), hay những câu chuyển phức hợp (Khách mời xin kiếu: Mt 22,1-14). Phúng
dụ (allegory, một loại dụ ngôn riêng biệt), cũng là một câu chuyện, nhưng từng
chi tiết trong câu chuyện đó có thể tượng trưng cho điều gì đó. Nó được định
nghĩa như là một loạt các phép ẩn dụ có tương quan với nhau và dụ ngôn “người
gieo giống” là một ví dụ rõ ràng.[3]
Dụ ngôn này đi kèm theo phần giải nghĩa dụ ngôn (Mt 13,18-23), diễn giải ý
nghĩa của nhiều chi tiết trong câu chuyện.
3.
Nhiều đám đông tập trung đến cùng Người,… toàn thể đám đông
đứng trên bờ biển: Danh từ đám đông, số
nhiều, được bổ nghĩa bởi tính từ nhiều (ὄχλοι πολλοί), có thể được hiểu như là “đám đông lớn” hoặc “nhiều nhóm
người” tụ họp lại với nhau. Động từ “tập họp với nhau” được dùng ở thể bị động,
với một tác nhân được hiểu ngầm. Có thể là “bị động thần linh” trong đó, Thiên
Chúa là tác nhân quy tụ nhiều nhóm người lại với nhau nhằm mục đích giảng dạy.
Giới từ “về phía/ với” (πρὸς)
đi theo động từ tụ họp, được đặt trước đại từ “ông ta” (chỉ Đức Giêsu) cho thấy
đối tượng thu hút sự tụ tập của đám đông là Đức Giêsu. Đám đông tụ họp hướng về
Đức Giêsu và Đức Giêsu trong tư thế ngồi, tạo nên một cảnh tượng giảng dạy và học
hỏi, khác với cảnh tưởng du lịch, và thưởng ngoạn cảnh đẹp.
4.
Nói nhiều điều cho họ bằng các dụ ngôn: Sau khi sắp xếp bối cảnh, tác giả giới thiệu về nội dung
của buổi gặp gỡ. “Nhiều điều” là một lời dẫn tổng quát bào hàm tất cả những điều
mà diễn giả Giêsu nói sau đó. Cụm giới từ “bằng dụ ngôn” (ἐν παραβολαῖς), diễn tả hình thức, hay phương tiện mà Đức Giêsu dùng để
diễn giải “nhiều điểu” cùng thính giả “đám đông lớn”. Sau đó, các môn đệ hỏi Đức
Giêsu về lý do vì sao Người phải dùng dụ ngôn để nói. Đức Giêsu đưa ra hai lý
do. Lý do thứ nhất là vì các môn đệ được ban cho sự hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời,
còn những người khác không được ban cho (Mt 13,11). Cách nói này nhấn mạnh đến
quyền năng mặc khải của Thiên Chúa và ân sủng riêng của các môn đệ. Lý do thứ
hai liên quan đến ý chí và tự do chọn lựa của cá nhân: Vì họ nhìn nhưng không
nhìn, và nghe nhưng không nghe, cũng không hiểu (Mt 13,13). Những người hiểu mầu
nhiệm Nước Trời qua dụ ngôn là một ân ban, nhưng không loại trừ yếu tố tự do chọn
lựa của từng cá nhân trong việc đón nhận lời giảng của Đức Giêsu.
5. Người gieo hạt giống
…đi ra (ὁ σπείρων τοῦ σπείρειν … ἐξῆλθεν):
Người gieo giống có thể là một người nông dân bình thường trong vùng quê Galilê.
Tuy nhiên, hành động “đi ra” (ἐξέρχομαι) của ông cũng chính là hành động Đức Giêsu “đi ra” (khỏi nhà) trước đó, chỉ
khác ở chỗ là, người gieo giống đi ra để gieo giống, còn Đức Giêsu đi ra để nói với họ “nhiều điều”. Thế nhưng, nếu đọc thêm phần giải nghĩa dụ ngôn phía dưới, người ta có thể nhận ra “người gieo giống” này rất giống với Đức Giêsu, bởi vì nội dung mà người ta nghe đồng nghĩa với “lời về Vương Quốc” và lời này khi đi vào người nghe được gọi là “điều đã được gieo trong lòng người ấy”. Người gieo giống “đi ra để gieo giống” chính là hình ảnh Đức Giêsu “đi ra” để nói với đám đông “nhiều điều”. Đức Giêsu của Máccô nói rõ hơn: “Người gieo giống gieo lời” (Mc 4,14) và trong Luca Đức Giêsu nói: “Hạ giống là lời” (Lc 8,13).
6. Có hạt rơi dọc đường (παρὰ τὴν ὁδόν): Có bốn nơi được người gieo giống vãi hạt giống xuống. “Dọc đường” là nơi đầu tiên. Xem ra, đây không phải là nơi lý tưởng để gieo hạt giống, nhưng là lộ trình của người đi gieo thì đúng hơn. Dường như vừa ra khỏi nhà, người gieo giống đã lập tức gieo hạt. Hạt giống chưa kịp mọc lên thì đã bị những con chim ăn mất. Hạt giống được ví như “lời về Nước Trời” (τὸν λόγον τῆς βασιλείας). Nơi chốn “dọc đường” là hình ảnh tượng trưng cho không gian “trong lòng người” (ἐν τῇ
καρδίᾳ). Những con chim tượng trưng cho “kẻ xấu” (quỷ). “Lời về Vương Quốc” (Nước Trời) vừa được gieo vào lòng người, liền bị quỷ lấy mất. Lý do quỷ lấy mất lời được lý giải là vì “nghe lời, nhưng không hiểu” (Mt 13,19), đối lại với hạt giống rơi trên đất tốt, là những người “nghe và hiểu lời”.
7. Hạt khác rơi xuống trên đá: Không gian gieo thứ hai là “trên đá”. Đây cũng không phải là nơi lý tưởng để gieo giống. Đó là nơi không có nhiều đất. Nếu như hạt giống rơi bên đường, không kịp mọc lên, thì hạt giống lập tức mọc lên. Vấn đề là vì không có đất sâu, khi mặt trời mọc lên, nó bị thiêu đốt, và vì không có rễ, nên nó bị khô héo. Hạt rơi trên đá được mô tả khá nhiều chi tiết, nhưng kết quả cuối cùng không khả quan, vì cây mới mọc lên đã chết khô. Hình ảnh hạt giống sớm mọc lên được ví như người đã nghe “lời và liền vui vẻ đón nhận”. Vấn đề là “nó không có rễ trong chính mình, mà chỉ tạm bợ”. Chính vì thế, khi thử thách và bách hại xảy đến, nó đã bị lung lay, sa ngã. Đây là thực tế nghiệt ngã của đời sống các tín hữu, đã được Đức Giêsu nhắc đến trong “bài giảng về sứ vụ” (Mt 10,1-39). “Bị nộp”, “bị đánh đập”, “bị dẫn ra trước mặt quan quyền”, “bị bách hại”, “bị giết thân xác” là những thử thách, đau khổ mà các môn đệ phải trải qua trên hành trình đức tin của mình. Có nhiều người đã đứng vững đến cùng, nhưng cũng không ít người phải tháo lui, bỏ cuộc. Động từ “σκανδαλίζω” mô tả sự sa ngã dẫn đến phạm tội. Những áp lực từ phía những người chống đối, bách hại có thể làm cho những người tin chối bỏ đức tin của mình một cách trực tiếp, cụ thể như trường hợp của ông Phêrô. Một số người lại chối bỏ đức tin của mình bằng cách thoả hiệp, giảm thiểu những giá trị Tin Mừng để tìm lối sống dễ dãi hơn. Một số khác lại sống trái với những giá trị Tin Mừng, phạm tội, làm đổ vỡ tương quan với Chúa và tha nhân.
8. Hạt khác rơi trên những bụi gai: Không gian thứ ba là “trên những bụi gai”. Dường như hạt giống cũng mọc lên nhưng không lớn lên được vì bị những cây gai bóp nghẹt. “Nỗi lo lắng thời này”, “cám dỗ về sự giàu có” là hai điều tượng trưng cho những cây gai bóp nghẹt lời và khiến nó không sinh hoa trái. Nỗi lo lắng về cuộc sống thường ngày như ăn gì, uống gì, hay mặc gì, là những nỗi lo lắng mà dân ngoại vẫn bận tâm. Nó có thể làm cho người ta bỏ quên mục tiêu quan trọng hơn. Đó là “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6,33). Còn về những cám dỗ của sự giàu có, Người dạy các môn đệ: “Đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi” (Mt 6,19). Đó là lời căn dặn nghiêm túc của Đức Giêsu dành cho các môn đệ trong “bài giảng trên núi”. Bởi lẽ, Đức Giêsu cũng cảnh báo rằng: “Người giàu có khó vào Nước Trời, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19,24; Mc 10,25; Lc 18,25). Người cũng nhấn mạnh rằng: “Anh em không thể phục vụ hai ông chủ, vì hoặc sẽ ghét ông này mà yêu ông kia, hoặc sẽ tận tâm với ông này mà khinh thường ông kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24; Lc 16,13). Mátthêu là tác giả duy nhất nhấn mạnh đến lý do tài chính khiến ông Giuđa nộp thầy Giêsu. Có ít nhất ba lần tác giả nhắc đến số tiền “ba mươi đồng”, cái giá mà Giuđa đã nộp thầy (Mt 26,15; 27,3.9). Chính ông Giuđa đã ngả giá cho cuộc nộp thầy: “Tôi nộp ông ấy cho các ông thì các ông muốn cho tôi bao nhiêu? Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc” (Mt 27,15). Khác với các tác giả khác, tác giả Mátthêu dường như muốn nhấn mạnh đến yếu tố tiền bạc trong sự tha hoá của Tông Đồ Giuđa.
9.
Hạt khác rơi trên đất tốt: Không gian thứ năm là “đất tốt” (τὴν γῆν τὴν καλὴν). Đây là loại đất thật sự lý tưởng cho việc gieo giống. Một cách tự nhiên, nó sinh hoa trái. Số lượng hoa trái sinh ra được liệt kê giảm dần từ cao đến thấp: Một trăm, sáu mươi và ba mươi. Tin Mừng Máccô liệt kê theo chiều hướng tăng dần: Ba mươi – sáu mươi – một trăm (Mc 4,8), trong khi đó tác giả Luca không đề cập đến ba mươi hay sáu mươi nhưng chỉ nói chung là “trăm lần” (ἑκατονταπλασίονα).[4]
Hạt gieo trên đất tốt được ví như tình huống của người nghe lời và hiểu (Mt 13,23). “Nghe và hiểu”, tượng trưng cho hạt giống rơi trên đất tốt, đối lại với “nghe lời của Vương Quốc nhưng không hiểu” (Mt 13,19), tượng trưng cho hạt giống rơi bên đường. Hiệu quả “sinh hoa trái” của hạt giống rơi trên đất tốt, đối lại với tình trạng “không sinh trái” của hạt giống rơi trên bụi gai (Mt 13,22). Động từ “sinh trái” được chia ở thì “chưa hoàn thành” (vị hoàn) trong tiếng Hy Lạp diễn tả sự “liên tục” (cứ sinh trái, liên tục sinh trái). Những người “nghe và hiểu lời” trong bối cảnh này là các môn đệ, bởi lẽ sau khi kết thúc loạt dụ ngôn, Đức Giêsu hỏi các môn đệ rằng: “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?’ Họ đáp là: ‘Thưa hiểu’”. Sau khi “nghe” và “hiểu”, họ sẽ sinh hoa trái và làm được, người thì một trăm, người thì sau mươi, người thì ba mươi. Số lượng hoa trái rõ ràng là tuy theo khả năng của mỗi người. Sinh hoa trái có thể là hiểu như là làm “những việc tốt đẹp” (Mt 5,16). Tác giả Luca ghi lại lời ông Gioan Tẩy Giả kêu gọi “sinh hoa trái” xứng với lòng hoán cải (Lc 3,8). Sau đó, ông chỉ cho từng nhóm người cách thức sinh hoa trái: Đám đông: Chia cơm, sẻ áo cho những người thiếu thốn (Lc 3,10-11); Những người thu thuế: Đừng thu thêm ngoài mức đã được ấn định (Lc 3,12-13); Những quân nhân: Không đàn áp, tống tiền, an phận với số lương của mình” (Lc 3,14). Trong bối cảnh phần trình thuật trước đó (Mt 11 – 12), nhiều thành đã bị Đức Giêsu quở trách vì đã không hoán cải khi nghe lời giảng của Đức Giêsu và chứng kiền những việc là lùng Người thực hiện. Đó là các thành Khoradin, Bếtsaiđa, Caphácnaoum (Mt 11,21-24). Trong bối cảnh rộng, “sinh hoa trái” là sống theo lối sống của Đức Giêsu, thực hiện những lời dạy của Người để trở nên “hoàn thiện như Cha trên trời là đấng hoàn thiện” (Mt 5,48), “có được sự công chính vượt trội hơn các Kinh Sư và những người Pharisêu” (Mt 5,20). Nền phụng tự của đền thờ Jêrusalem được Đức Giêsu ám chỉ như là một cây vả không sinh hoa trái. Sự kiện cây vả không có trái bị Đức Giêsu làm cho chết khô ngay lập tức (Mt 21,18-20), được đặt ngay sau sự kiện Người thanh tẩy đền thờ (Mt 21,12-13) cho thấy điều ấy.
10. Ai có tai, hãy nghe: Đây là lời cổ vũ quen thuộc của diễn giả Giêsu. Đức Giêsu lặp lại ba lần lời này trong Mátthêu. Ngoài một lần khác trong 11,15, bối cảnh nói về căn tính cũng như các đặc tính của ông Gioan Tẩy Giả, hai lần còn lại đều nằm trong bối cảnh “bài giảng bằng dụ ngôn” (Mt 13,9.43). Sự lặp lại này, đặc biệt trong bối cảnh bài giảng bằng dụ ngôn cho thấy mức độ cần thiết cú lời mời gọi này. Thật vậy, khi giải thích lý do dùng dụ ngôn Đức Giêsu hé lộ một nhóm người “nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, và không hiểu” (Mt 13,13). Điều này được lý giải như là sự hoàn tất lời ngôn sứ Isaia: “Lòng dân này ra chai đá: Chúng đã bịt tai, nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành”.[5]
Ngược lại, các môn đệ được chúc phúc: “Phúc cho mắt anh em vì chúng thấy được, và cho tai anh em vì nghe được” (Mt 13,16). Dĩ nhiên, ân sủng mặc khải là từ Chúa, nhưng để nghe được và thấy được, các môn đệ phải là những “đứa trẻ” (Mt 11,25), biết khiêm nhường mở tai để lắng nghe tiếng Chúa, và mở mắt để nhìn thấy các dấu lạ Đức Giêsu làm.
Bình luận tổng quát
Trong Tin Mừng theo tác giả Mátthêu, Đức Giêsu được giới thiệu
như một Đấng Mêsia vương đế, xuất thân từ dòng dõi trần thế của vua Đavít, nhưng
Người cũng chứng tỏ Người là một vị vua vượt ra khỏi không gian trái đất. Người
giới thiệu cho người ta về một vương quốc, không giới hạn trong trần gian. Đó là
Nước Trời (Nước Thiên Chúa, theo Luca và Máccô): “Hãy hoán cải vì Nước Trời đã đến
gần” (Mt 4,17; Cf. Mt 3,2). Sau khi công bố Hiến Chương Nước Trời (Mt 5 – 7), Đức
Giêsu tiếp tục với bài giảng về sứ vụ Nước Trời (Mt 10), và chương 13 là loạt bài
giảng diễn giải về Nước Trời bằng các dụ ngôn. Khởi đầu cho các bài diễn giải này
là phần giới thiệu tổng thể về các cách thức đón nhận lời của Vương Quốc, được lồng
vào trong một dụ ngôn, thường được gọi là “dụ ngôn người gieo giống”. Dụ ngôn “người
gieo giống”, sau đó, được diễn giải một cách rõ ràng. Bối cảnh Đức Giêsu đi ra,
ngồi trên bờ biển, rồi ngồi trên chiếc thuyền, nói cùng đám đông lớn đứng trên
bờ, rất giống với bối cảnh người gieo giống đi ra, gieo giống. Hạt giống là hình
ảnh ẩn dụ của “lời về Vương Quốc” được Đức Giêsu công bố. Trong bối cảnh này, lời
về Vương Quốc là các dụ ngôn về Nước Trời. Trong bối cảnh rộng hơn, lời ấy là
toàn thể các bài giảng của Đức Giêsu: Bài giảng trên núi (Mt 5 – 7); Bài giảng
về sứ vụ (Mt 10); Bài giảng bằng các dụ ngôn (Mt 13); Bài giảng về cộng đoàn Giáo
Hội (Mt 18) và bài giảng về cánh chung (Mt 24 – 25), rộng hơn nữa là toàn thể
thông điệp của Đức Giêsu rải rác trong các sách Tin Mừng…những không gian (dọc đường,
nơi bụi gai, trên đá, trên đất tốt), nơi những hạt giống rơi xuống là hình ảnh ẩn
dụ tượng trưng cho lòng con người. Dĩ nhiên, trên thực tế, không người nông dân
nào lại gieo giống bừa bãi như thế. Tuy nhiên, trên thực tế của hành trình sứ vụ,
Đức Giêsu lại không phân biệt một loại người nào. Người giảng cho toàn thể đám đông
lớn đủ mọi thành phần, từ người trí thức cho đến giới bình dân, từ những người đạo
đức đến những người tội lỗi. Vấn đề nằm ở chỗ lòng người. Có những người nghe lời
về Vương Quốc, nhưng không hiểu nên bị quỷ lấy đi. Có những người khác nghe và đón
nhận nhưng không đủ sâu sắc, xác tín, nên những thử thách và bách hại làm cho họ
sa ngã, chối bỏ đức tin của mình, hoặc không trung thành với những giá trị Tin Mừng.
Những người khác cũng nghe lời, nhưng những lo lắng thế gian, và sự ham mê giàu
có bóp nghẹt lời và nó không thể sinh hoa trái. Cuối cùng, cũng có những người
nghe lời và hiểu nó, nhờ đó sinh hoa trái tuỳ theo khả năng của mỗi người. Người
thì được một trăm, người thì được sáu mươi, người thì được ba mươi. Lời về Vương
Quốc dĩ nhiên là tốt và có khả năng mọc lên, trổ hoa và sinh trái, và người
gieo (Đức Giêsu) cũng ao ước cho tất cả mọi người nghe đều có thể hiểu lời và
sinh hoa trái tốt lành, nhưng trên thực tế không phải ai cũng có thể nghe và hiểu
lời. Thậm chí, trong số các môn đệ của Đức Giêsu cũng có những người đã từng sa
ngã vì sự khắc nghiệt của cuộc bách hại. Tuy nhiên, qua mọi thời đại vẫn có rất
nhiều môn đệ xác tín vào lời và sinh nhiều hoa trái nhân đức, thậm chí sẵn sàng
đổ máu đào để mang lại mùa lúa dồi dào.
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
[1] “Matthew also has several passages
demonstrating resistance to the message of Jesus: 11:16-19 (uncooperative
children in the marketplace); 11:20-23 (woes on unrepentant cities); 12:1-8
(picking grain on the Sabbath: “If you knew . . . you would not have condemned
the innocent”); 12:9-14 (the desire to accuse and then destroy Jesus over
healing on the Sabbath); 12:22-32 (the Beelzebul controversy); 12:38-42 (the
only sign granted is the sign of Jonah, and the Ninevites who repented at
preaching will judge this generation). Matthew, unlike Mark and Luke, brackets
his parables discourse with scenes concerning Jesus’ family: 12:46-50 indicates
that his true family are those who do the will of the Father, and 13:53-58
shows that Jesus — likeall prophets — is rejected by his own” [K.R. Snodgrass, Stories
with Intent. A Comprehensive Guide to the Parables of Jesus (Grand Rapids
2018) 129].
[2]
Cách dịch của tác giả F.X. Vũ Phan Long, x. F.X. Vũ Phan Long, Nền Văn Chương Khôn Ngoan (Hà Nội 2013)
24.
[3]
K.R. Snodgrass, Stories with Intent.
A Comprehensive Guide to the Parables of Jesus, 28.
[4] “While some uncertainty exists, two
factors indicate that a bountiful harvest, not an eschatological one, is in
mind. First, in Gen 26:12 we are told that Isaac’s field yielded 100-fold, a
bountiful harvest showing God’s blessing. A miraculous yield is not intended.
Second, in other texts where reference is to harvests in the eschaton the
numbers are clearly phenomenal — 1000-fold, or even 1,500,000-fold” (K.R. Snodgrass, Stories
with Intent, 130).
[5] Mệnh đề “kẻo chúng thấy… chữa chúng cho lành” là một
trong những vấn đề hóc búa cho các nhà chú giải, tác giả K. Snodgrass, sau một
thảo luận dài, chỉ xác định những điều sau: “Four
things are obvious: (1) the harsh language of Isa 6:9-10 is a prophetic
instrument for warning and challenge; (2) it expresses the certainty of God’s
coming judgment for a people who are past hearing; (3) the words of Isa 6:9
became the classic expression to speak of the people’s hardness of heart; and
(4) theproclamation still expects and seeks some to hear and follow” (K.R. Snodgrass, Stories
with Intent, 134).
No comments:
Post a Comment