Friday, 12 May 2023

YÊU VÀ GIỮ. Chú Giải Tin Mừng CN VI PS A (Ga 14,15-24); Jos.Ph.D. Thạch, SVD

Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

15 Nếu anh em yêu Thầy, thì những điều răn của Thầy, anh em sẽ giữ.

16 và chính Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Paráclêtos khác để ở với anh em luôn mãi.

17 Thần Khí sự thật ấy, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Chính anh em biết Người, vì Người ở lại giữa anh em và sẽ ở trong anh em.

18 Thầy sẽ không để anh em thành những người bị bỏ rơi.[1] Thầy đến cùng anh em.

19 Ít lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Nhưng anh em sẽ thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống.

20 Trong ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.

21 Người có và giữ các điều răn của Thầy, là người yêu Thầy. Mà người yêu Thầy, sẽ được Cha của Thầy yêu. Thầy sẽ yêu người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

22 Ông Giuđa, không phải Giuđa Ítcariốt, nói với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, tại sao Ngài sẽ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?”

23 Đức Giêsu trả lời và nói: “Nếu Người nào yêu Thầy, thì người ấy sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu người ấy. Và chúng tôi sẽ đến cùng người ấy và làm chỗ ở bên cạnh người ấy.

24 Người không yêu Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

 

15  Ἐὰν ἀγαπᾶτέ με, τὰς ἐντολὰς τὰς ἐμὰς τηρήσετε·

 16  κἀγὼ ἐρωτήσω τὸν πατέρα καὶ ἄλλον παράκλητον δώσει ὑμῖν, ἵνα μεθ᾽ ὑμῶν εἰς τὸν αἰῶνα ᾖ,

 17 τὸ πνεῦμα τῆς ἀληθείας, ὃ ὁ κόσμος οὐ δύναται λαβεῖν, ὅτι οὐ θεωρεῖ αὐτὸ οὐδὲ γινώσκει· ὑμεῖς γινώσκετε αὐτό, ὅτι παρ᾽ ὑμῖν μένει καὶ ἐν ὑμῖν ἔσται.

 18 Οὐκ ἀφήσω ὑμᾶς ὀρφανούς, ἔρχομαι πρὸς ὑμᾶς.

 19 ἔτι μικρὸν καὶ ὁ κόσμος με οὐκέτι θεωρεῖ, ὑμεῖς δὲ θεωρεῖτέ με, ὅτι ἐγὼ ζῶ καὶ ὑμεῖς ζήσετε.

 20 ἐν ἐκείνῃ τῇ ἡμέρᾳ γνώσεσθε ὑμεῖς ὅτι ἐγὼ ἐν τῷ πατρί μου καὶ ὑμεῖς ἐν ἐμοὶ κἀγὼ ἐν ὑμῖν.

 21 ὁ ἔχων τὰς ἐντολάς μου καὶ τηρῶν αὐτὰς ἐκεῖνός ἐστιν ὁ ἀγαπῶν με· ὁ δὲ ἀγαπῶν με ἀγαπηθήσεται ὑπὸ τοῦ πατρός μου, κἀγὼ ἀγαπήσω αὐτὸν καὶ ἐμφανίσω αὐτῷ ἐμαυτόν.

 22 Λέγει αὐτῷ Ἰούδας, οὐχ ὁ Ἰσκαριώτης· κύριε, [καὶ] τί γέγονεν ὅτι ἡμῖν μέλλεις ἐμφανίζειν σεαυτὸν καὶ οὐχὶ τῷ κόσμῳ;

 23 ἀπεκρίθη Ἰησοῦς καὶ εἶπεν αὐτῷ· ἐάν τις ἀγαπᾷ με τὸν λόγον μου τηρήσει, καὶ ὁ πατήρ μου ἀγαπήσει αὐτὸν καὶ πρὸς αὐτὸν ἐλευσόμεθα καὶ μονὴν παρ᾽ αὐτῷ ποιησόμεθα.

 24 μὴ ἀγαπῶν με τοὺς λόγους μου οὐ τηρεῖ· καὶ ὁ λόγος ὃν ἀκούετε οὐκ ἔστιν ἐμὸς ἀλλὰ τοῦ πέμψαντός με πατρός. (Jn. 14:15-24 BGT)


Bối cảnh

Đoạn văn nên mở rộng ra đến câu 24 (14,15-24) thay vì 14,15-21, như là Phụng Vụ đã chọn. Khi mở ra như vậy, đoạn văn sẽ có một kết cấu chặt chẽ hơn về mặt văn chương. Mệnh đề điều kiện “nếu anh em yêu Thầy” (14,15) mở ra đoạn văn và sẽ được đóng lại bằng các danh từ “người yêu Thầy” (14,23) và “người không yêu Thầy” (14,24). Cụm động từ “giữ các điều răn” (14,15) cũng được đóng lại bằng cụm từ “giữ lời/ những lời Thầy” (14,23.24). Trong bối cảnh rộng, 14,15-24 nằm trong phần thứ ba của Tin Mừng Gioan thường được gọi là “Sách của sự vinh quang” (13,1 – 20,29).[2] Trong bối cảnh hẹp hơn, Ga 14,15-24 vẫn còn nằm trong “diễn từ chia tay” của Đức Giêsu dành cho các môn đệ (Ga 13 – 16). Đây là những đoạn văn của riêng tác giả Gioan. Tác giả thấy cần thiết phải để cho Đức Giêsu căn dặn, ủi an các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Trong bối cảnh trực tiếp, đoạn văn này có nhiều ý tưởng liên hệ đến đoạn văn trước đó. Mệnh đề “ít lâu nữa anh em sẽ không còn thấy Thầy” nhắc nhớ đến mặc khải về sự ra đi của Đức Giêsu trong 14,2-3 và 14,12. Lối nói “Thầy ở trong Cha Thầy” (14,20), lặp lại ý tưởng Đức Giêsu cùng ông Philípphê trước đó: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,10). Từ vựng “nơi ở” (μονὴν) trong mệnh đề “chúng tôi sẽ làm nơi ở bên cạnh anh em”, gợi nhớ đến “nơi ở trong nhà Cha của Đức Giêsu, và Đức Giêsu ra đi để “chuẩn bị nơi ở” cho các môn đệ (14,2.3). Mặc khải về “Đấng Paráclêtos, liên hệ chặt chẽ với những bản văn nói về Đấng này trong Tin Mừng thứ tư (Ga 14,15-17; 14,25-26; 15,26-27; 16,7-11; 16,12-15).

Cấu trúc

Yêu và giữ điều răn (15)

Đấng Paráclêtos (16-17)

Đức Giêsu xin – Chúa Cha ban

để ở với anh em luôn mãi.

Thần Khí sự thật,

Thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người.

anh em biết Người, vì Người ở lại giữa anh em và sẽ ở trong anh em.

Đức Giêsu – Cha – các môn đệ (19-20):

Thầy sẽ không để anh em thành những người bị bỏ rơi.

Thầy đến cùng anh em.

Ít lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy.

Nhưng em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống.

Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.

Yêu và giữ điều răn (21)

Người yêu – có và giữ điều răn

Người yêu thầy – được Cha yêu

Thầy sẽ yêu và tỏ mình cho

Yêu và giữ lời (22-24)

Lý do tỏ mình

Người yêu – giữ lời

Cha sẽ yêu người ấy

Chúng tôi sẽ đến và làm chỗ ở bên cạnh người ấy

Người không yêu – không giữ lời Thầy

Lời của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy

Một số điểm chú giải

1.     Yêu Thầy và giữ điều răn của Thầy (ἀγαπᾶτέ μετὰς ἐντολὰς τὰς ἐμὰς τηρήσετε): Ý tưởng này xuất hiện từ đầu, xuyên suốt giữa và kết ở cuối đoạn văn. Có thể nói đây là ý tưởng chủ đạo trong đoạn văn này. Nó đóng vai trò như là khung sườn của cả đoạn văn. Có ít nhất bốn lần cặp động từ này được lặp lại: Ba lần theo cấu trúc khẳng định và một lần theo cấu trúc phủ định. Trong mỗi lần lặp lại, Đức Giêsu diễn tả một ý nghĩa riêng của mối tương quan “yêu – giữ” này. Có hai vị ngữ được dùng cho động từ giữ: “Điều răn của Thầy” (τὰς ἐντολὰς τὰς ἐμὰς) được dùng hai lần và “lời của Thầy” (τὸν λόγον/ τοὺς λόγους μου) được dùng hai lần. Cách dùng thay đổi này cho thấy “điều răn” và “lời” dường như là đồng nghĩa: Giữ điều răn, cũng có nghĩa là giữ lời. Hạn từ “điều răn” có thể làm người ta liên tưởng đến “điều răn mới” mà Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ trong đêm Tiệc Ly: “Hãy yêu thương nhau” (13,34; 15,12).[3] “Điều răn” ở số nhiều có thể nối kết với “Mười Điều Răn” (Mt 19,17; 1 Cr 7,19), cũng như tất cả những lời dạy của Chúa trong Torah.[4] Hạn từ “lời” có thể có nghĩa rất rộng. Nó có thể bao hàm cả “các điều răn” và tất cả những điều Đức Giêsu đã dạy. Việc sử dụng thay đổi giữa “các điều răn của Thầy” với “lời của Thầy” và “những lời của Thầy” cho thấy rằng chúng bao gồm trọn vẹn phạm vi mặc khải từ Chúa Cha, không đơn thuần chỉ là những chỉ dạy về luân lý (cf. Ga 8,31-32; 12,47-49; 17,6); Người yêu của Đức Giêsu sẽ sống trong ánh sáng các chỉ dẫn về những mặc khải của Đức Giêsu.[5]

-        Lần thứ nhất (14,15): Cặp động từ “yêu và giữ” được đặt trong cấu trúc câu điều kiện và chủ ngữ của động từ là ngôi thứ hai số nhiều, ngụ ý là các môn đệ. Động từ “yêu” ở mệnh đề if (nếu) - ở thì hiện tại, thể giả định và động từ “giữ” ở mệnh đề chính, thì tương lai. Đây là loại câu điều kiện diễn tả một tương lai rõ ràng, hợp lý. Hành động trong mệnh đề điều kiện xảy ra, thì hành động trong mệnh đề chính cũng phải xảy ra (vd. nếu tôi tìm thấy nó, tôi sẽ cho anh biết). Hành động “yêu Thầy” phải kéo theo hành động “giữ các điều răn của Thầy”. Vị ngữ “các điều răn được đảo ra phía trước động từ “giữ” như để nhấn mạnh: “τὰς ἐντολὰς τὰς ἐμὰς τηρήσετε: Điều răn của Thầy anh em sẽ giữ”. Hiệu quả kéo theo hành động kép “yêu và giữ các điều răn của Thầy” là Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Paraclêtos khác, đến để ở cùng anh em luôn mãi.[6]

-        Lần thứ hai (14,21): Cặp động từ “yêu và giữ” được dùng ở dạng phân từ có mạo từ để diễn tả căn tính của hai loại người: “Người yêu” và “người giữ”. Đó không phải là một giả định nữa, nhưng là một thực tế: Người có các điều răn của Thầy và giữ chúng, người đó là người yêu Thầy”. Đức Giêsu thêm động từ “có” vào trước danh từ các điều răn. Tác giả R. Brown cho rằng không có sự khác biệt thực sự nào giữa “có các điều răn” và “giữ chúng”, dù tác giả Bernard và Augustinô đã xem “giữ các điều răn” như là một bước xa hơn.[7] Tác giả B. Newman – E. Nida cũng chia sẻ cùng quan điểm với R. Brown và hiểu cặp động từ đó như là một loại song song.[8] Tôi nghĩ rằng nếu như động từ “có” không thêm ý nghĩa gì, thì Đức Giêsu đã không dùng. Động từ “có” ở đây có thể hiểu như là “đón nhận”, “lãnh nhận”: Người đón nhận/ lãnh nhận những điều răn của Thầy và tuân giữ chúng, người ấy là người yêu Thầy”. Hiệu quả kép dành “người yêu Thầy” là sẽ được Cha của Thầy yêu và chính Thầy yêu và tỏ mình cho người ấy. Tình yêu mà các môn đệ dành cho Đức Giêsu kéo họ lại gần với Đức Giêsu và Chúa Cha. Tình yêu của các môn đệ đối với Đức Giêsu không phải là điều kiện để Chúa Cha yêu thương họ, vì Chúa Cha yêu thương họ cách vô điều kiện. Đúng hơn, nên hiểu cách nói “Chúa Cha sẽ yêu mến người ấy” như là sự cảm nghiệm của “người ấy” về tình yêu và sự hiện diện của Đức Giêsu. Nghĩa là, khi người ta yêu Đức Giêsu, người ta ở lại trong tình yêu của Người và cũng cảm nghiệm được tình yêu Chúa Cha dành cho mình.[9]

-        Lần thứ ba (14,23): Cặp động từ “yêu-giữ” được dùng theo cấu trúc câu điều kiện giả định tương lai rõ ràng, giống trường hợp thứ nhất, nhưng chủ từ ở đây không còn là ngôi thứ hai số nhiều mà là một đại từ bất định, ngôi thứ ba, số ít: “Nếu ai yêu Thầy, thì sẽ giữ lời của Thầy”. Hiệu quả dành cho người yêu Thầy trong trường hợp này, giống với hiệu quả của lần thứ hai: Cha của Thầy sẽ yêu người ấy, và thêm một điều quan trọng là: Chúng tôi sẽ đến cùng người ấy và làm nơi ở bên cạnh người ấy. Câu nói này được đặt trong bối cảnh Đức Giêsu trả lời cho câu hỏi của ông Giuđa: “Tại sao Thầy sẽ tỏ mình cho chúng con mà không cho thế gian?” Điều này có thể ngụ ý rằng Đức Giêsu không có ý tỏ mình ra cho riêng các môn đệ, và không cho thế gian, nhưng chỉ có những người yêu Đức Giêsu và giữ lời của Người, mới được Cha yêu. Đó là con đường mà họ đón nhận sự tỏ mình của Đức Giêsu.

-        Lần thứ bốn (14,24): “Ai không yêu Thầy, thì những lời của Thầy, sẽ không giữ”. Đây là lần duy nhất cấu trúc phủ định được dùng và cũng tiếp nối bối cảnh trả lời cho câu hỏi của ông Giuđa. Lần này không có hiệu quả kèm theo nhưng bù lại là một lời giải thích về nguồn gốc của “lời”: “Lời mà anh em nghe không phải là của Thầy, nhưng là của Đấng đã sai Thầy, Người Cha”. Lời của Đức Giêsu cũng là “lời” của Chúa Cha. Chính vì thế, có thể nói rằng “giữ lời” của Đức Giêsu cũng là giữ lời của Chúa Cha và ngược lại. Nhiều lần Đức Giêsu chứng tỏ rằng lời của Người nói là của Chúa Cha: “Tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói” (Ga 8,26); “Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, tôi nói như vậy” (Ga 8,28); “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thấy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 14,10-11). Hơn nữa, nhiều lần Đức Giêsu khẳng định Người và Chúa Cha là một: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” (Ga 14,10); “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30); “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22).

2.     Đấng Paráclêtos[10] khác …Thần Khí sự thật: Danh xưng “Paráclêtos” được ghép bởi tiếp đầu ngữ “παρά” (para) và tính từ “κλητός” (kletos).  Tính từ “kletos” có nghĩa là “được mời, được gọi,” có cùng gốc với động từ “καλέω” (gọi). Tiếp đầu ngữ “para” là một giới từ thường có nghĩa là “từ, nguồn gốc từ”. Giới từ này được dùng để diễn tả nguồn gốc của Đấng “Paráclêtos”: “Đấng mà tôi sẽ gửi đến từ Cha, “Pnêuma sự thật”, Đấng phát xuất từ Cha, Đấng ấy sẽ làm chứng về tôi” (15,26).  Tuy vậy, “Paráclêtos” lại có nghĩa chẳng liên quan gì đến sự mời gọi, nhưng có lẽ danh xưng có liên quan đến nguồn gốc: “Từ Cha”. Danh từ “Paráclêtos” có nhiều nghĩa khác nhau: “người giúp đỡ”; “người an ủi”, “người bào chữa”, “người bảo vệ”, “người trung gian”. Chính vì thế, dịch theo nghĩa nào cũng không thỏa đáng.[11] Đấng Paraclêtos khác (ἄλλον παράκλητον) trong tương quan so sánh với chính Đức Giêsu. Đức Giêsu được xem như là một Đấng Paraclêtos. Tác giả thư thứ nhất Gioan gọi Đức Giêsu Kitô là “một Đấng Paráclêtos”: “Nếu người nào đó phạm tội, thì chúng ta đã có một Đấng Paraclêtos cùng Chúa Cha, Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính” (1 Ga 2,1). Tác giả Tin Mừng thứ tư có nhiều dữ liệu về Đấng Paraclêtos. Trong bối cảnh này, Đức Giêsu cho biết về nguồn gốc của Người: Người là quà tặng Chúa Cha sẽ ban cho các môn đệ, theo lời cầu xin của Đức Giêsu (δώσει). Lời cầu xin này là hiệu quả của việc các môn đệ “yêu và giữ” các điều răn của Người. Sau đó ít lâu Đức Giêsu dùng cách khác để cùng nguồn gốc của Đấng này: “Đấng Cha sẽ gửi đến nhân danh Thầy” (Ga 14,26). Trong 15,26, Đức Giêsu lại nói là “Đấng Paraclêtos, Đấng mà chính Thầy sẽ gửi đến từ Cha”. Danh xưng của Người là Thần Khí sự thật. Đức Giêsu tự bạch rằng: “Tôi là con đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Trong năm bản văn về Đấng Paráclêtos (Ga 14,15-17; 14,25-26; 15, 26-27; 16,7-11; 16,12-15)[12], có hai lần Đấng “Paráclêtos” được định nghĩa bằng hai danh xưng tương đương: (1) Đấng Pnêuma thánh (τὸ πνεῦμα τὸ ἅγιον, thường được dịch là Thánh Thần, Holy Spirit: 14,26); (2) Pnêuma sự thật (τὸ πνεῦμα τῆς ἀληθείας, thường dịch là Thần Khí Sự Thật: 15,26; Cf. 16,13). Thần Khí sự thật có thể được diễn giải bằng vai trò “dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn” (16,13).

3.     Ở cùng luôn mãi … ở lại giữa … ở trong: Vai trò của Đấng Paraclêtos là “ở cùng” (μεθ᾽ ὑμῶν ) và thời hạn là “mãi mãi” (εἰς τὸν αἰῶνα).[13] Đức Giêsu tuyên bố Người sẽ ra đi, nên việc có một Đấng Paráclêtos khác đến và ở cùng các môn đệ luôn mãi là rất cần thiết. Trên thực tế, theo Tin Mừng thứ tư, sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu đã trở lại gặp các môn đệ. Sau khi chào chúc bình an cho các môn đệ, Người đã thổi hơi và trao ban Thần Khí (Ga 20,19-23). Theo truyền thống Luca, Thánh Linh ngự xuống trên các Tông Đồ và mọi người đang tụ họp vào Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-13). Dù hình thức khác nhau, nhưng có lẽ cả hai tác giả đều muốn diễn tả sự hiện thực hóa lời hứa của Đức Giêsu liên quan đến món quà Thần Khí. Sư hiện diện của Thánh Linh với các môn đệ được diễn tả bằng nhiều cách nói khác nhau: “Ở cùng anh em luôn mãi” … “Ở lại giữa anh em” và “ở trong anh em”, một vị trí gần gũi nhất có thể.

4.     Biết … đón nhận: Có sự đối lập giữa thế gian và các môn đệ trong tương quan với Đấng Paráclêtos. Thế gian không thể đón nhận, vì nó không thấy Người và cũng không biết Người, trong khi đó, các môn đệ biết Người, vì Người ở lại với họ và ở trong họ. Các môn đệ biết Đấng Paráclêtos vì Người ở lại giữa họ và ở trong họ. Tác giả R. Brown nghĩ rằng đây không thực sự là một lý do hay nguyên nhân: Sự ở lại và nhận biết là kết hợp với nhau như tác giả Bengel đã diễn tả là “sự thiếu nhận biết loại trừ sự ở lại, trong khi sự ở lại là nền tảng cho sự nhận biết.[14]

5.     Thầy đến cùng anh em: Đức Giêsu hứa không để các môn đệ bơ vơ một mình (Οὐκ ἀφήσω ὑμᾶς ὀρφανούς) và hứa là “đến cùng anh em”. Ngôn ngữ “người mồ côi” không xa lạ gì:  Các môn đệ của các Rabbi được gọi là bị mồ côi sau khi các Rabbi chết (StB, II, 562), giống như tình trạng của các môn đệ của triết gia Socrates, khi ông qua đời.[15] Lời hứa này có thể dựa trên hai cơ sở: (1) Xin Chúa Cha gửi một Đấng Parácletos khác, đến để ở cùng họ hoài; (2) Đức Giêsu đến cùng họ. Có thể hiểu Đức Giêsu đến cùng các môn đệ sau Phục Sinh và sau đó Người hiện diện gián tiếp trong Đấng Paráclêtos.[16]

6.     Thầy sống và anh em cũng sẽ sống: Khi Đức Giêsu trở lại gặp các môn đệ sau Phục Sinh Người cho thấy rằng Người đang sống và các môn đệ cũng sống một chiều kích mới nhờ sự sống lại của Chúa.[17] Trong trình thuật về phép lạ phục sinh anh Ladarô, Đức Giêsu đã mặc khải cho cô Martha rằng: “Người là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Người thì dù có chết cũng sẽ sống và ai sống mà tin vào Người sẽ không chết mãi mãi” (Ga 11,25-26). Trong bối cảnh này, Đức Giêsu bật mí về sự ra đi của Người và thế gian “không còn thấy” Người nữa, nhưng các môn đệ vẫn thấy Đức Giêsu, bởi lẽ Đức Giêsu vẫn sống và các môn đệ sẽ sống. Thế gian không thấy Đức Giêsu về mặt thể lý, và cũng không thấy Người về mặt tâm linh, vì họ chối từ Đức Giêsu. Các môn đệ không thấy Đức Giêsu về mặt thể lý trong một khoảng thời gian, nhưng họ sẽ gặp lại Đức Giêsu Phục Sinh. Họ sẽ có kinh nghiệm rằng Đức Giêsu vẫn sống và họ chia sẻ sự sống ấy của Người.[18] Đức Giêsu diễn tả nhiều cách khác nhau về cuộc gặp lại này: “Nếu Thầy đi chuẩn bị chỗ ở cho anh em, thì Thầy sẽ đến mang anh em theo với Thầy, để nơi Thầy ở, anh em cũng có thể ở” (14,3); “Thầy đến cùng anh em” (Ga 14,18); “Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy, ít lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy” (Ga 16,16). Tác giả F. Moloney tin rằng “sự sống” của các môn đệ liên kết với món quà Đấng Paráclêtos. Họ là những tác nhân thừa kế của công việc Đức Giêsu và là những người mang trong mình sự hiện diện của Cha và Con. Đức Giêsu đến với các môn đệ trong cộng đoàn thờ phượng nhờ vào sự hiện diện của Thánh Linh. Hơn nữa, nhờ phép rửa và bí tích Thánh Thể, cộng đoàn Gioan tượng trưng cho sự hiện diện của Đấng vắng mặt.[19]

7.     Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em: Một tương quan gần gũi giữa Đức Đức Giêsu và Chúa Cha đến mức nên một được Đức Giêsu nhắc đến nhiều lần trong Tin Mừng thứ tư: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” (Ga 10,38; Cf. 14,10.11; 17,21); Ta và Chúa Cha là một” (Ga 10,30; 17,11.22). Trong phần cuối của đoạn văn, Đức Giêsu lại mô tả tương quan này nơi mặc khải về nguồn gốc của “lời”: Lời của Đức Giêsu, lời mà các môn đệ nghe không phải của Đức Giêsu nhưng của Đấng đã gửi Người đến, tức là Chúa Cha (14,24). Ở đây, Đức Giêsu mô tả mối tương quan nên một giữa Người và các môn đệ: “Chính anh em ở trong Thầy và chính Thầy ở trong anh em” mối tương quan này được nối tiếp liền mạch với mối tương quan trong nhau giữa Đức Giêsu với Chúa Cha. Như thế, một cách gián tiếp các môn đệ được ở trong Chúa Cha qua trung gian Đức Giêsu. Tất cả những mối tương quan ấy là kiến thức của các môn đệ trong “ngày ấy” (ἐν ἐκείνῃ τῇ ἡμέρᾳ). “Ngày ấy” là ngày nào? Trạng ngữ thời gian “trong ngày ấy” liên quan trực tiếp đến trạng ngữ “ít lâu nữa”. Ngày ấy có nghĩa là sau khoảng “ít lâu nữa”. Trạng ngữ “vào ngày ấy” xảy ra ba lần trong Tin Mừng Gioan:  14,20; 16,23.26. Theo truyền thống Cựu Ước “ngày ấy” là cách thức diễn tả thời gian can thiệp cuối cùng của Chúa (x. Mc 13,32). Tuy nhiên, trong suy nghĩ Gioan, thuật ngữ này dường như áp dụng cho khoảng thời gian tồn tại của Kitô giáo được hiện thực bởi “giờ” của Đức Giêsu.[20] Theo tác giả F. Moloney, hầu hết các học giả hiểu “giờ ấy” như là biến cố Phục Sinh.[21]

8.     Và chúng tôi sẽ đến và làm chỗ ở bên cạnh người ấy: Lối diễn tả này khá lạ lùng. Động từ ngôi thứ nhất số nhiều “chúng tôi” ngụ ý là cả Cha và Đức Giêsu. Câu nói này liền mạch sau câu “Chúa Cha sẽ yêu” người yêu Đức Giêsu và giữ lời Người. Trước đó, Đức Giêsu đã diễn tả mối tương quan nên một giữa Người với các môn đệ: “Anh em ở trong Thầy và chính Thầy ở trong anh em”, qua đó gián tiếp nhìn nhận tương quan nên một giữa các môn đệ với Chúa Cha, vì “Chính Thầy ở trong Chúa Cha” (14,20). Ở đây, cách nói “chúng tôi sẽ đến làm nơi ở bên cạnh người ấy” cũng diễn tả sự ở lại với bất cứ “ai yêu và giữ lời” của Đức Giêsu. Danh từ “nơi ở” trong 14,2 là nơi ở trong nhà Cha và nơi mà Đức Giêsu mang các môn đệ vào, ở đây, nó là nơi ở của Người Con và Chúa Cha với các người tin.[22]

Bình luận tổng quát

Nằm trong loạt những lời di chúc của Đức Giêsu, Ga 14,15-24 vì thế trở thành những chỉ dẫn hết sức cần thiết cho các môn đệ khi Đức Giêsu vắng bóng. Cặp hành động hỗ tương: “Yêu và giữ” với đối tượng là “các điều răn” và “những lời” của Đức Giêsu làm thành đường biên đóng khung đoạn văn và cũng là sợi chỉ xuyên suốt đoạn văn. Nó được lặp lại ít nhất ba lần và mỗi lần thực hiện hai hành động ấy Đức Giêsu lại hứa hẹn những hiệu quả tích cực kèm theo. Trong lần thứ nhất, lời hứa là Người sẽ xin Chúa Cha gửi Đấng Paraclêtos khác. Trong bầu khí các môn đệ cảm thấy buồn sầu, khủng hoảng vì vắng bóng Đức Giêsu, lời hứa gửi một Đấng Paraclêtos khác đến ở lại luôn mãi, ở giữa và ở trong các môn đệ là rất cần thiết. Người là “Thần Khí sự thật”, cũng giống như Đức Giêsu là “con đường là sự thật và là sự sống”, sẽ dẫn các môn đệ đến sự thật trọn vẹn. Điều quan trọng là các môn đệ biết Người, vì Người ở lại giữa các môn đệ, và ngược lại vì Người ở lại với các môn đệ nên họ biết Người trong khi thế gian không thấy và không biết Người. Cùng với sự mặc khải về Đấng Paraclêtos, Đức Giêsu cũng bảo đảm rằng Người không để các môn đệ trở thành những người bị bỏ rơi. Người đến cùng họ sau khi phục sinh và Người hiện diện với họ trong hình ảnh “Đấng Paraclêtos khác”. Khi Người đi vào cuộc khổ nạn và phục sinh, thế gian sẽ không còn thấy Người nữa, vì Người thật sự vắng mặt về thể lý và thế gian không tin rằng đó là con đường đi đến vinh quang. Các môn đệ vẫn thấy Đức Giêsu vì họ sẽ gặp lại Người sau phục sinh. Họ thấy rằng Người vẫn sống và họ được chia sẻ sự sống lại, cũng là sự sống vĩnh cửu với Người. Khi cảm nghiệm được sự sống phục sinh, các môn đệ cũng được chia sẻ kiến thức về mối hiệp thông nên một giữa Đức Giêsu và Chúa Cha. Hơn nữa, họ cũng được gián tiếp hiệp thông nên một với Chúa Cha, qua sự hiệp thông với Đức Giêsu: Đức Giêsu ở trong Chúa Cha, Chúa Cha ở trong Người, còn các môn đệ ở trong Đức Giêsu và Người ở trong họ. Lần thứ hai, người chấp nhận và giữ các điều răn của Đức Giêsu mới thực là người yêu Chúa. Người ấy sẽ được sống trong tương quan tình yêu với Chúa Cha và với Đức Giêsu, khi họ được chính Chúa Cha yêu và Đức Giêsu cũng yêu và tỏ mình cho. Lần thứ ba, để trả lời cho câu hỏi của ông Giuđa – vì sao Người sẽ tỏ mình cho chúng con mà không cho thế gian? – Đức Giêsu lại nói về tương quan giữa yêu và giữ lời của Người. Người yêu và giữ lời của Đức Giêsu, giống như lần thứ hai, sẽ được Chúa Cha yêu và hơn nữa Chúa Cha và Đức Giêsu sẽ đến cùng và “làm chỗ ở” bên cạnh người ấy. Điều này ngụ ý rằng sở dĩ Đức Giêsu tỏ mình cho “người yêu mình” mà không cho thế gian, vì thế gian không yêu và không giữ lời của Người. Sự tỏ mình cho “người yêu và giữ lời” Đức Giêsu được diễn tả như là “Chúa Cha yêu” và “cả Cha và Con đến cùng và ở với người ấy”. Đối lại với ba lần yêu và giữ là một lần “không yêu và không giữ những lời của Đức Giêsu”. Không giữ lời của Đức Giêsu cũng có nghĩa là không giữ lời của Chúa Cha vì “lời anh em nghe đây không phải là của Thầy nhưng là của Đấng đã sai Thầy, tức là Chúa Cha”. Các môn đệ dù ở trong giai đoạn khủng hoảng nhất của cuộc đời sẽ được an ủi vì có sự hiệp thông với Đấng Paraclêtos khác, với chính Đức Giêsu và với Chúa Cha. Muốn duy trì được mối hiệp thông ấy, họ được mời gọi phải chứng tỏ tình yêu của mình với Đức Giêsu bằng cách “tuân giữ các điều răn và lời dạy” của Người. Điều răn quan trọng nhất là điều răn mới “hãy yêu nhau, như Thầy đã yêu anh em”. Lời của Người bao gồm tất cả những gì Người đã nói trong suốt thời gian rao giảng công khai, đặc biệt là trong “diễn từ chia tay” này.

Các môn đệ người Do Thái cùng các tín hữu quen với truyền thống Cựu Ước, có thể cảm nhận được tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và dân người: "Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, phải yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết hồn, hết trí khôn, hết sức lực". Dân Giao Ước phải yêu mến và giữ các mệnh lệnh của Chúa. Dân mới, phải yêu Đức Giêsu và tuân giữ các điều răn của Người. Mối quan hệ hỗ tương giữa yêu mến và tuân giữ thắt chặt mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân Người, mối tương quan giữa Đức Giêsu và dân Người.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD



[1]Alone is literally “orphans” (JB), but the more general meaning of “one left without anyone to care for him” is perhaps better in the context” [B.M. Newman – E.A. Nida, A handbook on the Gospel of John (New York 1993) 469].

[2] Tin Mừng thứ tư được chia thành bốn phần chính; (1) Lời Tựa (1,1-18); (2) Sách các dấu (1,19 – 12,50); (3) Sách của sự vinh quang (13,1 – 20,29); (4) Phần kết (21,1-25 [F.J. Moloney, “John”, The Paulist Biblical Commentary (ed. J.E.A. Chiu e al.) (New York, 2008) 1110-1111].

[3] Xem thêm về “Điều răn mới” trong J.P.D.Thạch, “Điều Răn Mới Có Gì Mới? Chú Giải Tin Mừng CN V PS C” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: “ĐIỀU RĂN MỚI” CÓ GÌ MỚI? Chú Giải Tin Mừng CN V PS C (Ga 13,31-35) (josephpham-horizon.blogspot.com)]

[4] R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 29A, 638.

[5] G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 256.

[6]One result of the disciples’ love for Jesus will be their obedience to his commandments, and the other will be his sending them another Helper” (B.M. Newman – E.A. Nida, A handbook on the Gospel of John, 466).

[7] R.E. BROWN, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 29A, 640.

[8] B.M. Newman – E.A. Nida, A handbook on the Gospel of John, 471.

[10]NAB recognizes the difficulty of translating paraklētos, and so settles for a transliteration (“Paraclete”). In their footnote the translators point out that none of the terms generally used (such as “defense attorney,” “spokesman,” or “intercessor”) precisely fits the use in John. According to this Gospel, the Spirit is a teacher, a witness to Jesus, and a prosecutor of the world. Since these elements cannot all be gathered into any one term, the translators settle for a transliteration, which amounts to a zero term for most readers” (B.M. Newman – E.A. Nida, A handbook on the Gospel of John, 466); “The term παράκλητος is a verbal adjective with a passive sense and has the same meaning as ὁ παρακεκλημένος, “one called alongside.” In secular Greek it was used especially of one called to help another in court, but it never became a technical term (unlike the Latin advocatus, meaning a professional legal adviser and representative). Behm summarized the linguistic evidence as follows: “The history of the term in the whole sphere of known Greek and Hellenistic usage outside the NT yields the clear picture of a legal adviser or helper or advocate in the relevant court. The passive form does not rule out the idea of the παράκλητος as an active speaker ‘on behalf of someone before someone,’ nor is there any need of recourse to the active of παρακαλέω in this connection” (TDNT 5:803)” [G.R. BEASLEY-MURRAY, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 256].

[11] Tác giả Lê Minh Thông đề xuất tìm hiểu danh từ “Pa-rác-lê-tos” trong văn chương Hy Lạp. Trong văn chương Hy lạp nó có nghĩa là “người bênh vực” hay là “luật sư”, người có vai trò pháp lý trong vụ kiện. Có thể dịch nghĩa là “trạng sư”, “luật sư”, “người bào chữa”, “người bênh vực”. Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý rằng những nghĩa này không phải là cách hiểu của tác giả Tin Mừng thứ tư. (X. Lê Minh Thông, Tin Mừng Gio-an, Évangile de Jean, Gospel of John: Đấng Pa-rác-lê là ai? (TM Gio-an) (leminhthongtinmunggioan.blogspot.com)

[12] 1. Ga 14,15-17. Ở lại mãi mãi với các môn đệ; 2. Ga 14,25-26, “Dạy” và “làm nhớ lại”; 3. Ga 15,26-27. Làm chứng trước và trong các môn đệ; 4. Ga 16,7-11.  Chứng minh thế gian sai lầm; 5. 16,12-15. Dẫn đường, loan báo, tôn vinh (X. Giuse Lê Minh Thông, “Đấng Pa-rác-lê là ai? (TM Gio-an)” (Tin Mừng Gio-an, Évangile de Jean, Gospel of John: Đấng Pa-rác-lê là ai? (TM Gio-an) (leminhthongtinmunggioan.blogspot.com) (truy cập 17/05/2021).

[13]Who will stay with you forever is literally “in order that he might be with you into the age.” “Age” (Greek aiōn) is an expression for endless future time, and so “into the age” means “to eternity” or “eternally.” In some languages who will stay with you forever may be expressed as “who will remain with you always.” In other languages it is more natural to employ a negative, for example, “in order that he will never leave you” (B.M. Newman – E.A. Nida, A handbook on the Gospel of John, 467).

[14] R.E. BROWN, The Gospel according to John, 639.

[15] R.E. BROWN, The Gospel according to John, 640.

[16] “The Paraclete is the presence of Jesus while Jesus is absent, so that the “I am coming back to you” in 18 is no contradiction to the idea that the Paraclete is being sent. And since the Father and Jesus are one, the presence of the Father and Jesus (23) is not really different from the presence of Jesus in the Paraclete” (R.E. BROWN, The Gospel according to John, 643); “The time reference may be either the resurrection appearances or Jesus’ return in the person of the Holy Spirit, and both find support from the context” (B.M. Newman – E.A. Nida, A handbook on the Gospel of John, 469).

[17] “When Jesus so appears to his disciples they will “see” him with eyes of faith quickened into new perception. This they will do because Jesus “lives”—after his execution—and they will live in a new dimension by virtue of the resurrection life of their Lord” (G.R. BEASLEY-MURRAY, John, 258).

[18]The departure ends all physical ‘sight’ of Jesus' revelation of the truth to the world. As Jesus warned ‘the Jews’: ‘The light is with you for a little while (eti mikron). Walk while you have the light, lest the darkness overtake you’ (12:35).That "little while" (14:19a) is now coming to an end for the world that has rejected Jesus, as Jesus will definitively depart, but the disciples, the ones who believe in him, love him, and keep his commandments (d. vv. 1, 11, 12, 15), are promised the sight of the departed Jesus and a life that will flow from the fact that he lives beyond the departure of his physical experience of death (v. 19b)” [F. J. Moloney, The Gospel of John (SP 4; Collegeville 1993) 407].

[19] F. J. Moloney, The Gospel of John, 407.

[20] “Although in the OT “that day” is a traditional formula to describe the time of God’s final intervention (also in Mark 13:32), in the final form of Johannine thought the term seems to be applied to the period of Christian existence made possible by “the hour” of Jesus. Compare “on the last day” in 6:39, 40, 44, 54” (R.E. BROWN, The Gospel according to John (XIII-XXI), 640).

[21] F. J. Moloney, The Gospel of John, 408.

[22] “In 2 we found the word “dwelling place” (monē) used for the heavenly abode with the Father to which Jesus would take his disciples; here it is used for the indwelling of the Father and the Son with the believer” (R.E. BROWN, The Gospel according to John, 648).

No comments:

Post a Comment