Friday, 5 May 2023

LÀM SAO BIẾT ĐƯỢC CON ĐƯỜNG. Chú Giải Tin Mừng CN V PS A (Ga 14,1-12) Lm. JOs. Ph.D.Thạch, SVD

Bản văn và dịch sát nghĩa

 

 

1 “Đừng để lòng anh em bị lung lay! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.

2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều nơi ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, rằng Thầy đi để chuẩn bị nơi ở cho anh em.

3 Nếu Thầy đi và chuẩn bị nơi ở cho anh em, thì Thầy lại đến và sẽ mang anh em theo với Thầy, để nơi mà chính Thầy ở, anh em cũng có thể ở.

4 Và nơi Thầy đi, anh em biết đường rồi.”

Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Ngài! Chúng con không biết nơi mà Ngài đi, làm sao chúng con có thể biết con đường?”

6 Đức Giêsu nói cùng ông: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha, ngoại trừ qua Thầy.

7 Nếu anh em biết Thầy rồi, Cha của Thầy anh em cũng sẽ biết. Từ bây giờ, anh em biết Người và thấy Người rồi.”

8 Ông Philípphê nói: “Thưa Ngài! Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, và điều đó đủ cho chúng con.”

9 Đức Giêsu nói cùng ông: “Thầy ở với anh em thời gian lâu như thế, mà anh vẫn chưa biết Thầy sao, Philípphê ơi? Ai thấy Thầy rồi là thấy Chúa Cha rồi. Sao con lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’?

10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời chính Thầy nói với anh em, Thầy không nói từ chính mình. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, làm những công việc của mình.

11 Anh em hãy tin Thầy rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; Nếu không thì hãy tin qua những công việc ấy.

12 Amen, Amen Thầy nói cùng anh em, người tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những công việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì chính Thầy đi đến cùng Chúa Cha.

1 Μὴ ταρασσέσθω ὑμῶν ἡ καρδία· πιστεύετε εἰς τὸν θεὸν καὶ εἰς ἐμὲ πιστεύετε.

 2  ἐν τῇ οἰκίᾳ τοῦ πατρός μου μοναὶ πολλαί εἰσιν· εἰ δὲ μή, εἶπον ἂν ὑμῖν ὅτι πορεύομαι ἑτοιμάσαι τόπον ὑμῖν;

 3  καὶ ἐὰν πορευθῶ καὶ ἑτοιμάσω τόπον ὑμῖν, πάλιν ἔρχομαι καὶ παραλήμψομαι ὑμᾶς πρὸς ἐμαυτόν, ἵνα ὅπου εἰμὶ ἐγὼ καὶ ὑμεῖς ἦτε.

 4  καὶ ὅπου [ἐγὼ] ὑπάγω οἴδατε τὴν ὁδόν.

 5  Λέγει αὐτῷ Θωμᾶς· κύριε, οὐκ οἴδαμεν ποῦ ὑπάγεις· πῶς δυνάμεθα τὴν ὁδὸν εἰδέναι;

 6  λέγει αὐτῷ [ὁ] Ἰησοῦς· ἐγώ εἰμι ἡ ὁδὸς καὶ ἡ ἀλήθεια καὶ ἡ ζωή· οὐδεὶς ἔρχεται πρὸς τὸν πατέρα εἰ μὴ δι᾽ ἐμοῦ.

 7  εἰ ἐγνώκατέ με, καὶ τὸν πατέρα μου γνώσεσθε. καὶ ἀπ᾽ ἄρτι γινώσκετε αὐτὸν καὶ ἑωράκατε αὐτόν.

 8  Λέγει αὐτῷ Φίλιππος· κύριε, δεῖξον ἡμῖν τὸν πατέρα, καὶ ἀρκεῖ ἡμῖν.

 9  λέγει αὐτῷ ὁ Ἰησοῦς· τοσούτῳ χρόνῳ μεθ᾽ ὑμῶν εἰμι καὶ οὐκ ἔγνωκάς με, Φίλιππε; ὁ ἑωρακὼς ἐμὲ ἑώρακεν τὸν πατέρα· πῶς σὺ λέγεις· δεῖξον ἡμῖν τὸν πατέρα;

 10  οὐ πιστεύεις ὅτι ἐγὼ ἐν τῷ πατρὶ καὶ ὁ πατὴρ ἐν ἐμοί ἐστιν; τὰ ῥήματα ἃ ἐγὼ λέγω ὑμῖν ἀπ᾽ ἐμαυτοῦ οὐ λαλῶ, ὁ δὲ πατὴρ ἐν ἐμοὶ μένων ποιεῖ τὰ ἔργα αὐτοῦ.

 11  πιστεύετέ μοι ὅτι ἐγὼ ἐν τῷ πατρὶ καὶ ὁ πατὴρ ἐν ἐμοί· εἰ δὲ μή, διὰ τὰ ἔργα αὐτὰ πιστεύετε.

 12  Ἀμὴν ἀμὴν λέγω ὑμῖν, ὁ πιστεύων εἰς ἐμὲ τὰ ἔργα ἃ ἐγὼ ποιῶ κἀκεῖνος ποιήσει καὶ μείζονα τούτων ποιήσει, ὅτι ἐγὼ πρὸς τὸν πατέρα πορεύομαι·

 (Jn. 14:1-12 BGT)

Bối cảnh

Ga 14,1-10 nằm trong số loạt bài giảng được gọi là “Diễn Từ Tạm Biệt” bắt đầu từ sau bữa Tiệc Ly cho đến cuối chương 16, trước khi Đức Giêsu bước vào cuộc thương khó. Khác với Tin Mừng Nhất Lãm, nơi Đức Giêsu thường có những khảo luận ngắn, trong Tin Mừng Gioan Đức Giêsu thường có những bài giảng dài (Ga 4 – 5; 6; 8; 10). Có thể nói là “Diễn Từ Tạm Biệt” (Ga 14 – 16) là bài giảng dài nhất của Đức Giêsu trong Gioan. Người dường như dừng lại ở 14,31 nhưng rồi lại tiếp tục cho đến trước lời cầu nguyện trong ch.17.[1] Loạt câu nói bắt đầu bằng cụm từ diễn tả căn tính của Đức Giêsu “Tôi là” nối kết nhiều chỗ trong Tin Mừng: Tôi là bánh sự sống, 6,35; Cf. 8,12; 10,7.9.11.14; 11,25; 14,6; 15,1.5). Chủ đề về nguồn gốc lời dạy của Đức Giêsu là từ Chúa Cha, cũng được tìm thấy nhiều nơi khác trong Gioan (7,16; 8.25-26; 14,10.24). Trong các ch. 13 – 17, Đức Giêsu nói cùng những người đáp trả tích cực lại sứ vụ của Người, trong khi đó trong các ch. 5 -12, Đức Giêsu tranh luận với những Người chống đối và muốn giết chết Người. Các kiểu nói “đi đến cùng Cha”, “đi chuẩn bị nơi ở cho anh em” rõ ràng ám chỉ đến cuộc khổ nạn và Phục Sinh Người sắp trải qua. Các mệnh lệnh “hãy tin” cũng là những mệnh lệnh then chốt trong Tin Mừng thứ tư. Có thể nói đó là mục đích của toàn bộ Tin Mừng thứ tư (Ga 20,28-30).

Cấu trúc

Mệnh lệnh tin: Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.

Trong nhà Cha Thầy, có nhiều nơi ở

Đức Giêsu ra đi để chuẩn bị: Thầy đi để chuẩn bị nơi ở cho anh em.

lại đến và sẽ mang anh em theo với Thầy

để nơi mà chính Thầy ở, anh em cũng ở

Mặc khải về nơi Đức Giêsu đi (4-7): Nơi Thầy đi, anh em biết đường rồi”

Với ông Tôma về con đường: Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống

Không ai đến với Chúa Cha, ngoại trừ qua Thầy

Biết Thầy là biết Cha, thấy Cha rồi

Với ông Philípphê về Chúa Cha: Ai thấy Thầy rồi là thấy Chúa Cha rồi

Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy

Các lời chính Thầy nói với anh em, Thầy không nói từ chính mình

Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, làm những công việc của mình

Mệnh lệnh tin: Hãy tin Thầy rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy

hãy tin qua những công việc ấy

người tin vào Thầy sẽ làm được những công việc Thầy làm

làm những việc lớn hơn nữa

Đức Giêsu ra đi: Chính Thầy đi đến cùng Chúa Cha

Một số điểm chú giải

1.      “Đừng để lòng anh em bị lung lay … hãy tin”: Trước khi bước vào cuộc khổ nạn Đức Giêsu nhìn thấy sự lo lắng và có thể cuộc khủng hoảng của các môn đệ. Cuộc thương khó này được báo trước là sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, bất an cho các môn đệ: “Một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (13,21); và chính ông Phêrô, vị Tông Đồ trưởng lại chối Thầy ba lần (Ga 13,36-38). Động từ “ταράσσω” vừa diễn tả cảm giác lo buồn, lung lay vừa lo lắng, sợ hãi. Động từ này được dùng ở mệnh lệnh cách, dạng phủ định: “Hãy đừng để lòng mình lung lay/hoảng sợ”. Động từ này phải đi kèm với một động từ khác cũng ở mệnh lệnh cách nhưng ở dạng khẳng định: “Hãy tin” (πιστεύετε). Các môn đệ chỉ có thể thoát khỏi nỗi lo sợ bằng cách “tin”. Động từ tin có hai túc từ: “vào Thiên Chúa” (εἰς τὸν θεὸν) và “vào Thầy” (εἰς ἐμὲ). Theo tác giả R. Brown động từ “tin” có gốc trong tiếng Do Thái là “אמן”, có nghĩa là sự vững chắc. Tin vào Thiên Chúa là tham dự vào sự vững chắc của Người.[2] Tin vào Thiên Chúa là niềm tin phổ quát, cụ thể hơn là tin vào chính Đức Giêsu vì sau đó Người sẽ mặc khải chính mình như là Thiên Chúa. Câu nói của Đức Giêsu cũng có thể hiểu như là anh em đã tin vào Thiên Chúa thì cũng hãy tin vào Thầy như vậy.[3] Mệnh lệnh “hãy tin” ở câu này và câu 11 đóng vai trò như là một sự đóng khung cho đoạn văn này, một đoạn văn cổ vũ sự tin tưởng vào Thiên Chúa.

2.     Thầy đi đ chuẩn bị nơi cho anh em…đến và sẽ mang anh em theo với Thầy … đi đến cùng Chúa Cha (Ga 14,1.12): Động từ “đi” (πορεύομαι) với chủ ngữ là Đức Giêsu ở đây kết hợp với cùng động từ và cùng chủ từ ở câu cuối của đoạn văn cũng có vai trò đóng khung cho đoạn văn này, một đoạn văn mặc khải về cuộc ra đi của Đức Giêsu. Nếu như ở câu 1 Đức Giêsu nhấn mạnh đến mục đích của hành động “ra đi” của Đức Giêsu: “Thầy ra đi là để chuẩn bị chỗ ở cho anh em”, thì ở câu 12, Đức Giêsu lại cho biết nơi Người đi: “Đi đến với Chúa Cha”. Dữ liệu về cuộc ra đi của Đức Giêsu đã được tác giả lưu ý trước ở đầu chương 13: “Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến để đi khỏi thế giới này đến cùng Chúa Cha” (Ga 13,1). Trong “Diễn Từ Chia Tay” (13,31 – 16,33), nhiều lần Đức Giêsu bật mí rằng “Người đi đến cùng Chúa Cha”: “Nếu anh em yêu mến Thầy, hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi đến cùng Chúa Cha vì Chúa Cha vĩ đại hơn Thầy” (14,28); “Thầy đến cùng Chúa Cha và anh em không còn thấy Thầy nữa” (16,10.17); “Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đi đến cùng Chúa Cha” (16,28). Cuối cùng, trong lần hiện ra với bà Maria Magđalênê, Đức Giêsu nói rằng: “Đừng níu giữ Thầy vì Thầy chưa đi lên cùng Chúa Cha” (20,17) và bảo bà chuyển lời cùng các môn đệ rằng: “Thầy đi lên cùng Cha Thầy, cũng là Cha của anh em; cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Đó là hành trình thăng thiên sau khi trải qua thương khó – phục sinh. Đức Giêsu hứa là Người ra đi là để chuẩn bị nơi ở cho các môn đệ và sẽ trở lại để đón các ông theo với Người, để nơi Người ở, các ông cũng sẽ ở. Trong 16,16, Đức Giêsu lại cho biết “ít lâu nữa anh em sẽ không còn thấy Thầy, rồi ít lâu nữa anh em lại thấy Thầy”. Nơi mà Đức Giêsu ở có thể là nơi Người “đã ở trước kia” (Ga 6,62), đồng nghĩa với ngồi “bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19; Mt 16,64; Lc 22,69; Cv 7,55.56; Ep 1,20; Cl 3,1; Rm 8,34; Hr 1,3; 1 Pr 3,22). Các tín hữu cũng sẽ được làm cho trỗi dậy và đặt bên hữu Đức Giêsu (2 Cr 4,14). Điều khó giải thích nhất có lẽ là việc Đức Giêsu hứa là Người sẽ trở lại để mang các môn đệ theo với mình. Thời điểm Đức Giêsu trở lại phải được hiểu là sau khi phục sinh? Hay là vào thời sau hết, thời cánh chung? Cả hai cách hiểu đều còn những vấn đề khuất tất. Nếu hiểu thời điểm ấy là sau phục sinh, thì phải giải thích thế nào khi Đức Giêsu gặp lại các môn đệ, nhưng không mang các ông theo? Còn nếu hiểu theo cách thứ hai thì làm sao lời hứa như vậy có thể an ủi các môn đệ khi nó quá xa vời và họ không thấy được? Có lẽ nó nên được hiểu là Đức Giêsu sẽ trở lại sau Phục Sinh và mang các môn đệ theo, theo nghĩa là họ sẽ được hiệp thông với Đức Giêsu và Chúa Cha, họ bắt đầu sống sự sống mới với Đức Giêsu cũng như với Chúa Cha, vì Đức Giêsu ở trong Cha và Cha ở trong Người.[4]

3.     Nơi Thầy đi, anh em biết đường rồikhông biết nơi Thầy đilàm sao có thể biết đường: Nơi chốn mà Đức Giêsu đi cũng là điều mà ông Phêrô đã thắc mắc trước đó, và Đức Giêsu đã trả lời là “nơi Thầy đi bây giờ con không thể đi theo được, nhưng sau đó sẽ đi theo” (Ga 13,36). Con đường ra đi của Đức Giêsu cũng là con đường đi đến cùng Chúa Cha và con đường dẫn đến vinh quang của Người. Tuy nhiên, đó là một con đường đau khổ, khó hiểu, làm cho các Tông Đ không hiểu và không thể đi theo ngay được. Cũng như ông Phêrô, ông Philípphê cũng cho thấy rằng họ thật sự không biết Đức Giêsu đi đâu, mặc dù Đức Giêsu quả quyết là “Nơi Thầy đi, anh em biết đường rồi”.[5] Có lẽ, Đức Giêsu muốn nói là lẽ ra anh em đã biết rồi, vì chính Người là “con đườngnhư Người sẽ mặc khải sau đó. Tuy nhiên, các môn đ có lẽ chưa thể nối kết hai con đường này lại với nhau, và cũng có thể họ chưa thật sự biết rõ Đức Giêsu, nên không biết rằng Người là con đường.

4.     Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”: Đức Giêsu tỏ cho Philipphê cũng như các môn đ còn lại được biết Người không nhữnglà con đườngmà còn là “sự thật và là sự sống”. Tôi là bánh sự sống. Lối nóiTôi là” (ἐγώ εἰμι) lối nói đặc trưng của Tin Mừng thứ tư, mô tả căn tính của Đức Giêsu: ἐγώ εἰμι bánh sự sống (6,35); “ἐγώ εἰμι” ánh sáng thế gian (8,12); “ἐγώ εἰμιcửa của nhưng con chiên (10,7); “ἐγώ εἰμιmục tử tốt lành (10,9.11.14); “ἐγώ εἰμιsự sống lại và là sự sống; “ἐγώ εἰμιcây nho thật (15,1.5). Đức Giêsu là con đường, vì thế nếu đã biết Đức Giêsu thì biết con đường. Con đường này không chỉ đ biết mà đ đi qua mà đến cùng Chúa Cha.

Tác giả R. Brown[6] lấy lại bản tóm lược  của tác giả De la Potterie về nhiều cách giải thích tương quan giữa ba túc từ “đường”, “sự thậtvà “sự sốngtheo hai chiều hướng sau:

(A) Những giải thích trong đó con đường hướng tới một mục tiêu là sự thật và/hoặc sự sống: (1) Hầu hết các Giáo phụ Hy Lạp, Ambrosiô, và Leo Cả [Leo I] đã hiểu con đường và sự thật để dẫn đến sự sống (cuộc sống vĩnh cửu trên thiên đàng). Maldonatus đã sửa đổi điều này, cho rằng sự thật chỉ là một mô tả tính từ về con đường: “Tôi là con đường thực sự để sống.” (2) Clêmentê Alexadria, Augustinô, và hầu hết các Giáo phụ Latinh hiểu rằng con đường dẫn đến cả sự thật và sự sống. Theo cách giải thích này, cả sự thật và sự sống đều là những thực tại cánh chung, thiêng liêng (sự thật là lý trí của Chúa, logos). Thômas Aquinô nắm giữ một hình thức lý thuyết thời trung cổ, trong đó Chúa Kitô là con đường theo nhân tính của Ngài, nhưng là sự thật và sự sống theo thần tính của Ngài. Nhiều học giả hiện đại vẫn cho rằng lý thuyết đã được sửa đổi (3) Các học giả hiện đại khác (W. Bauer, Bultmann, và Dodd) giải thích Gioan dựa trên nền tảng của thuyết nhị nguyên ngộ đạo. Họ nghĩ về sự đi lên của linh hồn dọc theo con đường đến lãnh vực thiên đường của sự thật, ánh sáng và sự sống. Bultmann cho rằng nơi Chúa Giêsu, các môn đ gặp được Đấng Cứu Đ của họ, và con đường không còn bị ngăn cách về mặt không gian với mục tiêu là chân lý và sự sống. Con đường của họ đã là mục tiêu của họ. Sự thật là thực tại thiêng liêng được biểu lộ, và sự sống là thực tại được con người chia sẻ.

(B) Con đường là vị ngữ chính, còn sự thật và cuộc sống chỉ là những lời giải thích về con đường. Chúa Giêsu là đường vì Người là sự thật và là sự sống. Trong số những người ủng hộ quan điểm này có De la Potterie, Bengel, B. Weiss, Schlatter, Strathmann, W. Michaelis, Tillmann, và Van den Bussche. Việc “đường đi” là cụm từ chiếm ưu thế trong câu 6 được gợi ý bởi sự kiện Chúa Giêsu đang tái khẳng định lời tuyên bố của Người về con đường trong câu 4, để trả lời câu hỏi của Tôma về con đường trong câu 5. Hơn nữa, dòng thứ hai của câu 6 bỏ qua một bên sự thật và sự sống, chỉ tập trung vào Chúa Giêsu như con đường: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Quan điểm này có vẻ tốt nhất đối với người viết hiện tại. Nếu ba cụm từ, “con đường”, “sự thật” và “cuộc sống” được nối với nhau bởi “và”, thì kai giữa cụm từ thứ nhất và thứ hai có thể là chú giải hoặc giải thích (= “có nghĩa là”; BDF, §4429).

5.     Không ai đến với Chúa Cha, ngoại trừ qua Thầy: Đại từ bất định mang nghĩa phủ định: “Không có bất cứ ai” (οὐδεὶς) mô tả mức tuyệt đối về vai trò trung gian duy nhất của Đức Giêsu. Người là con đường mà người ta phải đi theo, là sự thật mà người ta phải sống; và là sự sống mà người ta theo đuổi và muốn đạt được. Lối nói này gợi nhớ đến hình ảnh Đức Giêsu là “cổng của những con chiên”, và ai đi vào qua Người thì được cứu đ và sẽ đi vào, đi ra và tìm được đồng cỏ” (Ga 10,9).[7] Đức Giêsu là Đấng Trung Gian và là con đường dẫn các môn đ đến cùng Chúa Cha. Vai trò làmcon đường” được thể hiện qua hai khía cạnh:  (1) Cái chết mang lại ơn cứu chuộc cho con Người (Ga 10,11.15.17.18; 15,13); (2) Lời dạy dẫn đến sự sống đời đời (Ga 6,67-70). Các tín hữu nhờ hiến tế của Đức Giêsu mà hòa giải với Chúa Cha và nhờ sống theo lời của Người chỉ dạy mà hưởng trọn vẹn hiệu quả ơn cứu đ nhờ cái chết và sự phục sinh của Người. Trong Tin Mừng Gioan, có thể hiểu thêm khía cạnh thứ ba, đó là bí tích Thánh Thể: Đức Giêsu là bánh sự sống mang lại sự sống vĩnh cửu cho nhưng ai ăn Người. Tác giả thư thứ nhất gửi ông Timôthê khẳng định rằng: “Chỉ có một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người: Đó là một con người, Đức Giêsu Kitô” (1 Tm 2,5; Cf. Hr 3,1; 8,6; 9,15; 12,24). Ông Phêrô đã khẳng định trước hội Đồng Do Thái rằng: “Ơn cứu đ không nơi một người nào khác, vì không một danh nao khác dưới bầu trời này được ban cho loài Người, mà nhờ danh đó, chúng ta được cứu đ” (Cv 4,12).

6.     Biết Thầy rồisẽ biết Cha của Thầyanh em biết Người và thấy Người rồiAi thấy Thầy rồi là thấy Chúa Cha rồiThầy trong Chúa Cha và Chúa Cha trong Thầy: Nhiều cách nói khác nhau được Đức Giêsu dùng đ giúp cho các môn đ hiểu rằng rằng Người và Chúa Cha là một. Đây là điểm thần học rất quan trọng về thần tính của đức Giêsu. Ngay trong Lời Tựa, tác giả Tin Mừng thứ tư đã diễnt căn tính Thiên Chúa của Đức Giêsu: “Ngôi Lời đã hiện hữu từ lúc khởi đầu, và Ngôi Lời hiện hữu với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1) và chính nhờ Ngôi Lời mà nhân loại có thể biết Thiên Chúa: “Không ai đã từng thấy Thiên Chúa, Thiên Chúa duy nhất, Đấng trong lòng Chúa Cha, Đấng ấy đã tỏ lộ cho biết” (Ga 1,18). Các môn đ, cả ông Philípphê, dĩ nhiên đã thấy Đức Giêsu, và có thể biết Đức Giêsu, tuy chưa trọn vẹn, nhưng vì không bao giờ nghĩ đến Đức Giêsu là Thiên Chúa, nên họ vẫn tách biệt giữa Đức Giêsu và Chúa Cha. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu được giới thiệu là “Con Thiên Chúa” (Mt 3,17; 17,5; Mc 1,11; 9,7; Lc 9,35) và chính Đức Giêsu cũng khẳng định tri thức thần linh của Người về Chúa Cha: “Không ai biết rõ người Con trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27; Lc 10,22). Tuy nhiên, chỉ trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giêsu nhiều lần đồng hóa mình với Chúa Cha: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30; Cf. 17,11.22). Lời tự bạch này đã làm cho những người Do Thái tức giận và ném đá vì họ cho rằng Đức Giêsu là người phàm mà dámtự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,31-33). Lời khẳng định: “Thầy trong Chúa Cha và Chúa Cha trong Thầy” được lặp lại rất nhiều lần (10,38; 14,10.11; 17,21). Riêng trong đoạn văn này, nó được lặp lại hai lần và đều gắn với động từtin”. Lần đầu tiên Đức Giêsu đặt câu hỏi về niềm tin của ông Philípphê: “Con không tin rằng Thầy trong Chúa Cha và Chúa Cha trong Thầy sao?” Lần thứ hai Đức Giêsu khuyên tất cả các môn đ: “Hãy tin rằng Thầy trong Chúa Cha và Chúa Cha trong Thầyvà thêm vàoNếu không, hãy tin vì chính những công việc” [Chúa Cha làm]. Điều đó chứng tỏ rằng kiến thức này không dễ đ các môn đ có thể hiểu và tin

7.     Từ bây giờ (ἀπ᾽ ἄρτι) anh em biết Người và đã thấy Người: Từ bây giờkhông phải là khoảng thời gian cụ thể tại bữa Tiệc Ly nhưng là từgiờmặc khải trải dài từ cuộc thương khó đến lúc lên trời. Điều này có thể thấy rõ hơn trong 16,25: “Giờ đã đến khi Thầy không còn nói với anh em qua những hình ảnh nữa nhưng sẽ nói với anh em về Chúa Cha bằng những lời công khai”.[8]

8.     Chúa Cha làm những công việc của mìnhhãy tin vì những công việc ấy: Đức Giêsu khẳng định những gì Người nói là “từ Chavà chínhChúa Cha làm những cong việc của mình”. Sự nối kết trong cả lời dạy và việc làm của Đức Giêsu được diễn tả rất rõ ràng trong Tin Mừng Gioan: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm thì Người Con cũng làm như vậy” (Ga 5,19); Tôi không tự mình làm điều gì nhưng Chúa Cha đã dạy Tôi thế nào thì tôi nói như vậy (Ga 8,28; Cf. 12,49; 14,24). Đức Giêsu khẳng định với các môn đ rằng: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34; Cf. 9,4). Trong 10,37-38, Đức Giêsu cố gắng chứng minh rằng Người làmcông việc của Cha Ngườivà vì thế, người Do Thái hãy tin những công việc ấy, nếu họ không tin vào Người, đ biết và hiểu rằng Chúa Cha trong Người và Người trong Chúa Cha. Những công việc Đức Giêsu làm, nhất là những dấu lạ, chính là công việc Chúa Cha muốn Người làm, hay nói cách khác, Chúa Cha đang làm qua Người.[9]

9.     Người tin vào Thầylàm được những công việc Thầy làmlàm những việc lớn hơn nữa: Sự tin tưởng vào Đức Giêsu giúp các môn đ có thể làm những công việc Đức Giêsu làm. Công việc Đức Giêsu làm cho đến lúc này là những dấu lạ trong Sách Các Dấu Lạ (ch. 2 – 12).[10] Các Tông Đ thời sơ khai đã làm những phép lạ tương tự như Đức Giêsu làm. Phêrô chữa lành người què Cỗng Đẹp (Cv 3,1-10); Làm cho bà Linh Dương được sống lại (Cv 9,36-42); Phaolô cũng chữa lành người què (14,8-18); Phaolô làm cho cậu bé Eutykhô sống lại (20,8-12). Các môn đ làm những việc này nhân danh Đức Giêsu. Họ không tự động làm những công việc này. Họ được khuyến khích cầu xin nhân danh Đức Giêsu mà xin và chính Đức Giêsu sẽ làm điều ấy.[11]

Bình luận tổng quát

Chỉ trong Tin Mừng thứ tư, người ta mới thấy được mối bận tâm Đức Giêsu dành cho các môn đệ trước lúc chia tay để chịu khổ nạn. Đức Giêsu ra đi một mình, để lại cộng đoàn các môn đệ với bao nhiêu nỗi lo lắng, sợ hãi. Sợ hãi vì vắng Thầy, lo âu, bất an vì không biết nơi Thầy mình đi. Hơn nữa, Đức Giêsu lại công bố những tin tức động trời: “Một người trong anh em sẽ nộp Thầy”, còn ông Phêrô lại chối thấy đến ba lần khi gà chưa kịp gáy. Trong bối cảnh ấy Đức Giêsu dành một khoảng thời gian dài để vừa an ủi, khích lệ, vừa giải thích để các ông có thể bền tâm, vững chí mà vượt qua cơn khủng hoảng trước mắt. “Lòng anh em đừng lung lay (sợ hãi)”. Làm thế nào để giảm bớt lo lắng sợ hãi? Thưa là phải có niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa và vào chính Đức Giêsu. Người ra đi là để chuẩn bị chỗ ở tương lai cho các môn đệ. Chỗ ở ấy cũng được gọi là nhà của Cha Đức Giêsu. Cha của Đức Giêsu cũng là Cha của các môn đệ. Đức Giêsu lìa bỏ thế gian mà đi đến cùng Chúa Cha và cũng là lên nơi đã ở trước kia. Đó là vị trí bên hữu Thiên Chúa sau khi Người phục sinh và lên trời. Làm sao các môn đệ có thể đến cùng Chúa Cha? Thưa chỉ có một cách thức duy nhất là qua Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là con đường và “không ai có thể đến với Cha mà không qua” Người. Người là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài Người. Nhờ cuộc khổ nạn, chết và Phục Sinh của Người mà nhân loại được ơn cứu độ. Nhờ lời Người giảng dạy con người được thánh hóa, được biến đổi, và được hưởng nhờ ơn cứu độ mà Người đã hoàn tất qua cuộc khổ nạn – phục sinh. Di ngôn: “Thầy là con đường, và là sự thật, và là sự sống” có thể được hiểu theo nhiều cách: Người là con đường dẫn đến sự thật và sự sống; hoặc Người là con đường và sự thật để dẫn đến sự sống; Hoặc Người là con đường, nghĩa là sự thật và là sự sống. Dù cách nào đi nữa, người ta cũng phải biết rằng Người thật sự đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1,14.17; 5,33) và Người đến là để làm chứng cho sự thật (18,37). Người cũng chính là sự sống lại và là sự sống (11,25); Người cũng chính là bánh sự sống từ trời xuống; Bất cứ ai ăn Người thì sẽ có sự sống đời đời (Ga 6,54). Sự sống đời đời chính là nhận biết Chúa Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô (Ga 17,3). Nơi con người của Đức Giêsu, người ta có thể tìm thấy lối để đi, được sống theo chân lý và vươn đến sự sống dồi dào và sự sống vĩnh cửu đời sau. Nơi con người của Đức Giêsu, người ta cũng nhận biết và nhìn thấy Thiên Chúa cách sống động và toàn vẹn: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”; “Thầy không nói từ mình, nhưng Chúa Cha ở trong Thầy, chính Người làm những công việc của mình”. Mối hiệp thông “nên một” giữa Đức Giêsu và Chúa Cha cũng được mở rộng ra cho cộng đoàn các môn đệ. Cách môn đệ có thể được nên một với Đức Đức Giêsu là họ “ăn thịt và uống máu” của Người: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Đức Giêsu tha thiết nguyện cầu cùng Chúa Cha cho họ “nên một như chúng ta là một” (Ga 17,12.21.22.23). Tóm lại, để các môn đệ có thể bớt lo lắng sợ hãi, họ phải có niềm tin vững chắc vào Đức Giêsu. Tin rằng Người ra đi để chuẩn bị nơi ở cho họ, nơi ở đó là trong nhà của Cha Người. Muốn tin vững chắc thì các môn đệ phải hiểu biết về nơi và con đường mà Đức Giêsu sẽ đi. Ngoài ra, các môn đệ cần phải biết và thấy Chúa Cha nữa. Muốn biết và thấy Chúa Cha thì họ lại phải tin vào Đức Giêsu, phải tin rằng Đức Giêsu ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Đức Giêsu. Nếu Đức Giêsu không đủ để họ tin tưởng, thì họ còn có thể dựa vào những công việc Đức Giêsu làm để tin. Niềm tin ấy giúp họ có thể tin vào Thiên Chúa, cũng như tin vào Đức Giêsu để có thể vững chắc trước mọi sóng gió của cuộc đời, thậm chí đôi khi phải trải qua những đêm tối đức tin, cảm giác thiếu vắng Chúa hoàn toàn.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD



[1] W. Carter, Telling tales about Jesus. An Introduction to the New Testament Gospels (Minneapolis 2016) 225.

[2] R.E.  BROWN, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes (AnB; New Have – London 2008) 29A, 618.

[3] “John does not mean that the Christian’s faith in Jesus is a criterion of the Christian’s faith in God; rather one and the same faith is involved. The same idea is found in 12:44: “Whoever believes in me is actually believing, not in me, but in Him who sent me”; it is negatively phrased in 1 John 2:23: “Anyone who denies the Son does not possess the Father” (R.E.  BROWN, The Gospel according to John (XIII-XXI), 624-625).

[4] “The variant reading for “in my Father’s house” is “with my Father” (see Note), and that is just the meaning that the phrase may have taken on as it was integrated into the overall Johannine theology of ch. 14. Jesus’ return after the resurrection would be for the purpose of taking the disciples into union with himself and with the Father, without any stress that the union is in heaven—his body is his Father’s house; and wherever the glorified Jesus is, there is the Father.[4]” (R.E.  BROWN, The Gospel according to John (XIII-XXI), 627).

[5] “He seems to want to know precisely where the Father’s house is located and where Jesus is going to prepare a place for them” [G.R. BEASLEY-MURRAY, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 252].

[8] R.E.  BROWN, The Gospel according to John (XIII-XXI), 621.

[9] “The reality is greater than human language can express, but that to which it points is sufficiently clear: in the depths of the being of God there exists a koinonia, a “fellowship,” between the Father and the Son that is beyond all comparison, a unity whereby the speech and action of the Son are that of the Father in him, and the Father’s speech and action come to finality in him” (G.R. BEASLEY-MURRAY, John, 253-254).

[10] “the works that I do,” in v 12a are clearly his miraculous works, the “signs” of the ministry which have featured so largely in the so-called “Book of Signs,” chaps. 2–12” (G.R. BEASLEY-MURRAY, John, 254).

[11]There will be a difference between the works of Jesus done during his ministry and the works of Jesus done after his departure. The departure opens a new era when the works of the disciples surpass those of Jesus, because Jesus will be present in his absence, as the disciples do the works he is doing (v. 12: ha ego poio: present tense) and he will do (vv. 13-14: ego P0leso: future tense) what the disciples request” [F. Moloney, The Gospel of John (Collegeville 1991) 396].


No comments:

Post a Comment