Bản Văn và dịch sát nghĩa
17 Đừng nghĩ rằng Thầy đến để vô hiệu hóa Luật hoặc các Ngôn Sứ; Thầy không đến để vô hiệu hóa nhưng để hoàn tất. 18 Vì, Amen, Thầy nói với các con, cho đến khi trời và đất qua đi, không một iota (ἰῶτα), không một chấm, từ Luật sẽ qua đi, cho đến khi tất cả được hoàn tất. 19 Vì thế, bất cứ ai nới lỏng một trong những điều răn nhỏ nhất này và dạy người ta như thế, sẽ bị gọi là nhỏ nhất trong Nước Trời, nhưng bất cứ ai thi hành và dạy, người này sẽ được gọi là vĩ đại trong Nước Trời. 20 Vì Thầy nói với các con, nếu sự công chính của các con không vượt quá sự công chính của các Kinh Sư và những người Pharisêu, các con sẽ không thể đi vào trong Nước Trời. 21 “Các con đã nghe rằng người ta nói cùng người ngày xưa, ‘không được giết người; và bất cứ ai phạm tội ấy đều phải bị sự xét xử.’ 22 Nhưng chính Thầy nói với các con rằng tất cả những ai giận dữ với người anh em của mình phải chịu xét xử; bất cứ ai nói người anhem của mình là raka (đầu rỗng), người ấy phải đến Hội Đồng; và bất cứ ai nói ‘hỡi kẻ ngu đần’, người ấy sẽ vào lửa hỏa ngục. 23 Vì vậy, nếu con đang dâng của lễ của con trên bàn thờ nhưng tại đó nhớ rằng người anh em của con có điều gì đó chống lại con, 24 thì hãy để lại của lễ của con ở đó trước bàn thờ và hãy đi giao hòa với người anh em của con, rồi hãy đến và dâng của lễ vật của con. 25 Hãy thỏa thuận nhanh chóng với đối thủ khi còn ở với hắn trên đường, nếu không, đối thủ con trao nộp con cho quan tòa, và quan tòa giao cho lính gác, và con sẽ bị quăng vào tù. 26 Amen, Thầy nói cho con, con sẽ không thể nào ra khỏi đó cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng. 27 “Các con đã nghe điều đã được nói: ‘Không được ngoại tình.’ 28 Nhưng chính Thầy nói với các con tất cả những ai nhìn một người phụ nữ với lòng ham muốn thì đã phạm tội ngoại tình trong lòng với cô ấy rồi. 29 Nếu mắt bên phải của con gây vấp ngã cho con, hãy móc nó ra và ném nó khỏi con. Vì thật có ích cho con rằng một phần thân thể của con bị phá hủy, hơn là toàn thân thể con bị ném vào trong địa ngục. 30 Và nếu tay bên phải của con gây cớ vấp ngã cho con, hãy cắt nó ra và ném nó khỏi con. Vì thật có ích cho con rằng một phần thân thể của con bị phá hủy, hơn là toàn thân thể con bị ném vào trong địa ngục. 31 Người ta cũng đã nói rằng, ‘Bất cứ ai ly dị vợ của mình, người ấy hãy trao cho cô ấy một chứng thư ly dị’ 32 Nhưng chính Thầy nói với các con rằng tất cả những ai bỏ vợ mình, ngoại trừ hoạt động tình dục trái đạo đức, là làm cho cô ấy phạm tội ngoại tình, và tất cả những ai cưới một người phụ nữ bị ly dị cũng phạm tội ngoại tình. 33 “Các con lại nghe điều đã được nói cho người xưa, ‘không được thề dối, nhưng phải thực hiện cho Chúa những lời thề của con.’ 34 Nhưng chính Thầy nói với các con, “hoàn toàn không được thề, trên trời cũng không, vì nó là ngai của Thiên Chúa. 35 dưới đất cũng không, vì nó là bệ của chân Người, hoặc nơi Giêrusalem cũng không, vì nó là thành đô của đại Vương. 36 Cũng không được thề trên đầu con, vì con không thể làm cho một sợi tóc trắng hoặc đen. 37 Hãy để lời của các con là ‘có’ hoặc ‘không’; bất cứ điều gì hơn điều này là đến từ kẻ dữ”. |
Bối cảnh
Đoạn Tin Mừng Mt
5,17-37, được trích ra từ Bài Giảng Trên Núi (Mt 5 – 7), bài giảng đầu tiên trong
năm bài giảng của Đức Giêsu theo cách soạn thảo của tác giả Tin Mừng thứ nhất. Nó
được đặt liền sau trình thuật về Tám Mối Phúc (5,1-12) và lời công bố các môn đệ
là “muối của trái đất và ánh sáng của trần gian” (5,13-16). Chủ đề về “sự công chính”
nối kết Bải Giảng Trên Núi và nhiều bản văn khác trong Tin Mừng Mátthêu (x.
1,19; 3.15; 6,33; 10,41; 13,17.43). Trong Tám Mối Phúc, Đức Giêsu công bố hạnh phúc
dành cho những ai “đói và khát sự công chính” và “những ai chịu bách hại vì sự công
chính”, trong đoạn văn này Đức Giêsu mời gọi các môn đệ một sự công chính vượt trên
sự công chính của các Kinh Sư và những người Pharisêu (5,20). Sự công chính của
các Kinh Sư và những người Pharisêu liên quan đến việc tuân giữ Luật hoặc Các Ngôn
Sứ mà Đức Giêsu nói là Người đến để hoàn tất (5,17). Hai khái niệm “Luật và các
Ngôn Sứ” diễn tả tổng thể các lời dạy của Thiên Chúa trong Sách Thánh Cựu Ước. Hai
phản đề đầu tiên mà Đức Giêsu nhắc đến: Không được giết người (5,21) và không
được ngoại tình (5,27), liên kết cách cụ thể với Thập Điều (Xh 20,13.14; Đnl 5,17.18).
Những điều răn này cũng được Đức Giêsu nhắc lại một lần khác trong Tin Mừng Nhất
Lãm (Mt 19,18; Mc 10,19; Lc 18,20). Lời dạy liên quan đến “ly hôn” được nhắc đến
một lần khác nữa trong Mt 19,1-9. Khi nhắc lại lời dạy “đừng bội thề”, Đức
Giêsu nhắc nhớ đến lời dạy trong sách Ds 30,3. Đoạn Tin Mừng 5,17-37, nối kết với,
5,38-47 (hai cặp phản đề còn lại), cùng với lời mời gọi kết ở 5,48 làm thành một
đoạn văn thống nhất về loạt bài giảng về theo cách thức “phản đề”. Đức Giêsu
công bố (5,17-20) và giải thích (5,21-48) về mối liên hệ giữa Ngài và Lề Luật qua
sáu ví dụ tương phản[1].
Đoạn Tin Mừng này chỉ trích lại bốn trên sáu ví dụ trên.
Cấu
Trúc
Đoan văn Mt 5,17-37 được cấu trúc theo lối diễn dịch, có thể được chia thành ba phần chính. Phần thứ nhất là khẳng định của Đức Giêsu về sự tiếp nối và hoàn tất của Luật và các Ngôn Sứ (5,17-19). Sự hoàn tất Luật và các Ngôn Sứ như là cách thức chứng tỏ sự vượt trội hơn các Kinh Sư và Pharisêu về đức công chính được nói đến trong phần hai (5,20). Phần ba là những minh chứng cụ thể của tiến trình itếp nối và hoàn tất Luật và các Ngôn Sứ (5,21-37).
I. Không vô hiệu hóa nhưng hoàn tất
(17-19) III. Sự công chính vượt hơn các Kinh
Sư và những người Pharisêu (20) III. Bốn minh chứng về sự công chính
vượt trội (21-37) Không được giết
người – không được giận người anh em Không được ngoại
tình – không được nhìn người phụ nữ với lòng ham muốn Được ly dị bằng
văn thư – ly dị có thể dẫn đến ngoại tình Không được thề
dối – hoàn toàn không được thề |
1. Không đến để vô hiệu hóa nhưng để hoàn tất:
Động từ “καταλύω” ở dạng nguyên mẫu đi sau động từ “đến”, nhằm diễn tả mục đích: “Đến để vô hiệu hóa”. Động từ này có nghĩa đen là “phá hủy” đối lại với động từ “xây dựng”. Ở đây nó được hiểu theo nghĩa biểu tượng, áp dụng cho lãnh vực luật, như là làm cho “không có hiệu lực”. Đức Giêsu khẳng định Người đến không phải đề “vô hiệu hóa” Luật và các Ngôn Sứ, nhưng là để “làm cho tròn đầy”. Động từ “πληρόω” (làm cho đầy), cũng được dùng ở dạng nguyên mẫu, diễn tả mục đích. Đồng từ này không đối nghĩa với động từ “làm vô hiệu” nhưng tiếp nối và bổ sung, mở rộng, đến mức thập toàn điều đã được quy định trước đó. Tác giả Grilli đề nghị nhiều cách hiểu động từ “πληρόω” trong 5,17 dựa trên gốc của các động từ tiếng Hípri. Thứ nhất, nó có nhĩa là “làm đầy”, “đem ra thực hành”, hiện thực hóa điều răn bằng lời nói và hành đông. Thứ hai, “hoàn tất”, “làm cho nên hoàn hảo”, làm cho điều răn được hiểu rộng ra, và hoàn thiện hơn. Thứ ba, “chứng thực”, “xác nhận” những điều Luật Cựu Ước.[2]
Động từ này là một động từ đặc trưng của Tin Mừng thứ nhất. Nó được sử dụng hơn 16 lần, chủ yếu để diễn tả sự hoàn tất của lời đã được nói đến trong sách thánh Cựu Ước. Cụm khái niệm “Luật và các Ngôn Sứ” thường được dùng như là tổng thể những gì đã được dạy trong sách thánh Cựu Ước. Sách thánh theo truyền thống Do Thái được chia thành ba nhóm: (1) Sách Torah (sách Luật, sách Môsê); (2) Sách Các Ngôn Sứ; (3) Các văn phẩm (Thánh vịnh, các thi phẩm khôn ngoan khác). Trong các tác giả Tin Mừng, chỉ có tác giả Luca một lần liệt kê đủ ba nhóm này: “Đây là những lời mà Thầy đã nói cùng anh em khi còn ở với anh em, rằng mọi điều được chép về Thầy trong Luật của Môsê, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh phải được hoàn trọn” (Lc 24,44). Khẳng định “không vô hiệu hóa nhưng hoàn trọn” chuẩn bị cho những điều mà Người sẽ giải thích, và mở rộng, dựa trên căn bản của các lời dạy của Cựu Ước, đặc biệt là sáu “phản đề” theo cấu trúc: “Anh em đã nghe người ta nói rằng … còn chính Thầy, nói cùng anh em…” (Mt 5,21-47). Xác nhận của Đức Giêsu cho thấy Người là Môsê mới, nhưng trổi vượt hơn ông Môsê. Người không “vô hiệu hóa” những gì ông Môsê đã dạy nhưng đưa đến đỉnh cao của sự hoàn thiện.
Đức Giêsu cũng cố cho khẳng định của mình bằng cách sử dụng những mệnh đề kết hợp thời gian và không gian như: “Cho đến khi trời và đất qua đi”. Người cũng sử dụng các khái niệm diễn tả mức độ nhở nhất của Luật và Các Ngôn Sứ như là “iota” (ἰῶτα), một chấm (κεραία). “iota” là chữ cái nhỏ nhất trong tiếng Hy Lạp (ι). Nó tương đương với chữ cái nhỏ nhất trong tiếng Aram, và Hípri, gọi là yod (בְּרֵאשִׁ֖ית). Khi kết hợp với các chữ cái khác để thành một từ, nhiều khi chữ “iota” biến đổi thành một cái móc nhỏ nằm phía dưới một từ (ζάω-ζάεις → ζῇς: Bạn sống; α + ει = ᾳ). Tất cả cách nói này ngụ ý những điều nhỏ nhất trong các điều răn. “iota” và “chấm” tương ứng với “một trong những điều răn nhỏ nhất”.
2. Kẻ nhỏ nhất … người vĩ đại: Việc “vô hiệu hóa” và “dạy người ta” sẽ ảnh hưởng đến vị thế của một người trong Nước Trời. Khi “thi hành và dạy người ta” một trong những điều răn nhỏ nhất ấy thì được gọi là người lớn trong Nước Trời, còn “làm vô hiệu và dạy người ta như vậy” thì bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Động từ “λύω”, tương tự động từ “καταλύω”, có nghĩa đen là “tháo cởi”/ “nới lỏng”, nhưng theo nghĩa biểu tượng về mặt luật lệ, có nghĩa là “làm vô hiệu”. Danh xưng “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời” và “người vĩ đại” gợi nhớ đến danh xưng Đức Giêsu dùng khi so sánh “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời” còn “lớn hơn” ông Gioan Tẩy Giả (Mt 11,11; Lc 7,28).
3. Công chính vượt trên công chính của các Kinh Sư và những người Pharisêu: Đức Giêsu nói đến hai loại công chính: (1) Sự công chính của các môn đệ (ὑμῶν ἡ δικαιοσύνη); và sự công chính của các Kinh Sư và những người Pharisêu (τῶν γραμματέων καὶ
Φαρισαίων). Hạn từ “sự công chính” đã được Đức Giêsu nhấn mạnh đến trong Tám Mối Phúc: “Hạnh phúc cho những người đói và khát sự công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”; “Hạnh phúc cho những người bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ”. “Sự công chính” rõ ràng là một điều kiện tiên quyết để được sở hữu Nước Trời. Ở đây, một lần nữa Đức Giêsu lại nối kết “sự công chính” với Nước Trời: “Nếu sự công chính của anh em không trổi vượt hơn của các Kinh Sư và những người Pharisêu, thì anh em không thể nào đi vào Nước Trời”. Sự công chính ở đây trở nên cụ thể khi nó được so sánh với sự công chính của các Kinh Sư và những người Pharisêu. Trước đó, Đức Giêsu đã nói đến nền tảng “Luật và Các Ngôn Sứ” và việc thi hành và dạy một trong những điều răn nhỏ nhất. Người cũng nói đến việc hoàn trọn “Luật và “Các ngôn sứ”. Như thế, có thể hiểu sự công chính của các Kinh Sư và những người Pharisêu ở mức “làm” và “dạy” “Luật và các Ngôn Sứ” theo cách hiểu và cách giải thích của họ. Còn sự công chính của các môn đệ phải vươn đến mức “Luật và các Ngôn Sứ” theo cách hiểu, cách giải thích của Đức Giêsu, nghĩa là, thực thi chúng ở mức hoàn thiện. Cách cụ thể, Đức Giêsu cho thấy tinh thần mới của Luật qua sáu luận đề tiếp theo sau đó: Giết người; Ngoại tình; Ly hôn; Thề thốt; Báo oán; và Yêu đồng loại – ghét kẻ thù. Sau đó, Đức Giêsu cũng diễn tả hai cách thức “cầu nguyện”; “Ăn chay” và “trao tặng từ thiện” giữa những “kẻ giả hình” và “người môn đệ”. Những “kẻ giả hình” trong Tin Mừng Mátthêu được đồng hóa với các Kinh Sư và những người Pharisêu, đặc biệt trong chương 23 (Mt 15,7;
23,13.15.23.25.27.28). Có thể nói rằng, những điều các Kinh Sư làm, có vẻ như là “công chính”, nhưng thực tế lại chỉ là “giả hiệu”. Chính vì thế, các môn đệ được mời gọi phải đề phòng “men Pharisêu và Xađốc” và phải theo đuổi sự công chính chính hiệu, vượt trên sự công chính của họ.
4. Không được giết người … bất cứ ai giận … nói “raka” … nói “hỡi đồ ngốc”: Điều răn căn bản trong loạt sáu phản đề mà Đức Giêsu đề cập đầu tiên là điều răn “không được giết người”. Đây là điều răn được trích là từ Thập Điều được ghi lại trong sách Xuất Hành và Đệ Nhị Luật (Xh 20,13; Đnl 5,18). Mệnh đề “ai phạm tội ấy thì sẽ bị xét xử” là phần Đức Giêsu thêm vào, vốn không có trong Thập Điều. Tuy nhiên, trong một số bản văn của Ngũ Thư, người ta có thể tìm thấy những cách nói tương tự: “Ai đánh một người đàn ông khiến anh ta phải chết thì phải bị xử tử” (Xh 21,11); “Ai đoạt mạng sống của người ta, phải bị xử tử” (Lv 24,17). Mạng đền mạng, là quy định gắt gao của Torah. Đức Giêsu không phủ nhận điều này, nhưng Người nâng cao thêm, mở rộng ra bằng lối nói “nhưng chính Thầy nói cùng các con rằng” (ἐγὼ δὲ λέγω ὑμῖν ὅτι) đối lại với “anh em nghe người ta nói cùng người xưa rằng” (Ἠκούσατε ὅτι ἐρρέθη τοῖς
ἀρχαίοις). Liên từ “δὲ” (nhưng), ở đây không diễn tả sự trái ngược, cho bằng là một sự nâng cao mức độ. Sứ trái ngược, nếu có, ở đây là giữa chủ thể nói: “Đức Giêsu”, đối lại với “người ta” (Người ta nói rằng hay điều đã được nói rằng). Đại từ “ἐγὼ”, vốn không cần thiết khi đã có động từ ngôi thứ nhất số ít “λέγω” (tôi nói), nhưng một khi nó được thêm vào sự nhấn mạnh được nhắm đến: “Chính Thầy nói”. Đây là cách nói được Đức Giêsu dùng cho tất cả 6 cặp phản đề. Những điều của chính Đức Giêsu nói là: “Giận dữ với người anh em; Nói với người anh em là ‘raka’ (đầu rỗng) và nói với người anh em “hỡi kẻ ngu ngốc’” và mức độ xét xử tương ứng là “bị xét xử”; “Bị đưa đến hội đồng” và bị đưa vào gheena lửa (hỏa ngục). Giải pháp phải “bị xét xử” (ἔσται τῇ κρίσει) theo luật xưa, được áp dụng cho tội phạm giết người, nhưng đối với Đức Giêsu, giận dữ với người anh em, cũng phải “bị xét xử”. Đức Giêsu nâng cao và mở rộng hình phạt cho những tội luật xưa xem như không có gì. Người cũng mở rộng ra nhưng tội liên quan đến lời nói. Nói với người anh em “raka” thì chịu xét xử trước Hội Đồng và nghiêm trọng hơn, khi chê người anh em “hỡi kẻ ngu đần” thì phải chịu hình phạt “lửa hỏa ngục”. Đây là hình phạt nghiêm trọng nhất của thời cánh chung. Nó diễn tả tình trạng, số phận của những người không được vào Nước Trời (x. Mt 7,19;
13,40.42.50; 18,8.9; 25,41). Như vậy, Đức Giêsu dường như Đức Giêsu giải thích rộng ra về nhiều mức độ phạm tội đến người khác, và áp dụng mức hình phạt nghiêm trọng hơn. Điều đặc biệt trong cách giải thích của Đức Giêsu là cách dùng danh xưng “người anh em” (ἀδελφός) cùng với đại từ sở hữu “của anh ta”. Hình phạt trở nên nghiêm trọng vì tương quan giữa những đối tượng trong quy định Luật là tương quan gia đình. Họ là anh em của nhau. Họ không thể “giận dữ” với nhau, nói với nhau là “raka” hay “hỡi kẻ ngu đần”.
5. Dâng lễ vật … hòa giải: Đức Giêsu mở rộng ra một tình huống áp dụng cụ thể liên quan đến điều luật “không được giết người”. Nó diễn tả một tình huống cần thiết có tính thực tiễn trong tương quan giữa những người anh em. Dâng lễ vật lên Chúa là một thực hành thánh thiêng, quan trọng trong truyền thống phụng tự của Người Do Thái. Tuy nhiên, việc “dâng lễ vật” cũng phải dừng lại nếu đương sự nhớ là có “người anh em của mình đang có điều gì đó chống lại mình”. Bối cảnh Đức Giêsu đưa ra rất cấp bách. Nơi chốn là “trước bàn thờ”, được
nhấn mạnh thêm với trạng từ nơi chốn
“và ở đó” (κἀκεῖ). Tình huống bất hòa được giản lược đến mức mức thấp hơn: “Người anh em” đang có điều gì đó chống lại người đang dâng lễ vật chứ không phải đương sự có gì đó chống lại người anh em đó. Chỉ cần có người anh em nào đó đang có điều gì đó chống lại mình thì buổi dâng lễ vật cũng không có ý nghĩa gì. Đức Giêsu đã nhắc lại lời Chúa trong sách ngôn sứ Ôsê đến hai lần liên quan đến ý muốn của Thiên Chúa: “Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải lễ tế” (Mt 9,13; 12,7; cf. Os 6,6; 1 Sm 15,22; Cn 16,6).
6. Thỏa thuận với đối phương cách nhanh chóng … không ra khỏi đó cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng: Tình huống cụ thể thứ hai liên quan đến vụ kiện ở tòa án. Cụm từ “cùng anh ta trên đường” (εἶ μετ᾽ αὐτοῦ ἐν τῇ ὁδω) thường được hiểu là “trên đường đi đến tòa án”. Quãng đường ở đây có thể hiểu cách cụ thể là “đường từ nhà đến tòa án”, nhưng cũng có thể hiểu là quãng thời gian trong “tiến trình khiếu kiện”. Đó là quãng đường, khoảng thời gian mà bị cáo phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận với nguyên cáo. Nếu không, tình huống xấu nhất là bị cáo sẽ bị quăng vào ngục và sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng”. Mệnh đề trạng ngữ “cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng” gợi nhớ đến câu chuyện “người đầy tớ không biết xót thương, trong đó, người đầy tớ đã “tống đồng bạn vào ngục cho đến khi trả hết nợ” (Mt 18,23-35).
7. Ngoại tình … nhìn người phụ nữ với lòng thèm muốn: Điều thứ hai trong Thập Điều: “Không được phạm tội ngoại tình” (Xh 20,14; Đnl 5,18). Đức Giêsu không đề cập đến hình thức chế tài (hình thức xử phạt) như trong điều răn liên quan đến giết người. Thập Điều cũng không nói đến chế tài cho tội này. Tuy nhiên, trong nhiều bản văn khác, án phạt dành cho tội này là rất nặng: “Cả hai người phải bị xử tử”. Sách Lêvi quy định: “Nếu một người đàn ông phạm tội ngoại tình với vợ của người thân cận, cả hai người phạm tội phải bị xử tử” (Lv 20,10; Cf. Đnl 22,22-24; Ga 8,5). Đức Giêsu mở rộng giới hạn của tội ngoại tình. Nếu như Thập Điều nói riêng, và Torah nói chung quy định về những trường hợp phạm tội ngoại tình cụ thể, thì Đức Giêsu nói thêm những trường hợp phạm tội ngoại tình trong lòng, theo đó, chỉ cần nhìn ngắm người phụ nữ với lòng ham muốn là đã phạm tội ngoại tình với cô ấy trong tâm (μοίχευσεν αὐτὴν ἐν τῇ
καρδίᾳ αὐτου) rồi. Khi giải thích về luật “thanh sạch và ô uế”, Đức Giêsu đã nói đến nguồn của những điều gây ô uế, trong đó có tà dâm và ngoại tình. Đó là “từ con tim/ từ lòng” của con người: “Từ lòng người phát sinh ra những suy nghĩ xấu xa như giết người, ngoại tình, dâm dục, trộm cướp, chứng gian, phạm thượng” (Mt 15,20; Cf. Mc 7,21-22).
8. Mắt phải … tay phải … cớ vấp ngã … móc … chặt … ném khỏi: Tội ngoại tình phát sinh từ việc nhìn ngắm người phụ nữ được tiếp nối cách hợp lý cớ sa ngã được tạo ra từ đôi mắt: “Nếu mắt phải của con làm cớ cho con vấp ngã”. Giải pháp Đức Giêsu đưa ra là rất nghiêm trọng: Loại bỏ bộ phận dẫn đến phạm tội, cụ thể, ở đây
là tội ngoại tình trong lòng. Các động từ “lấy ra” (móc ra) và “quăng đi khỏi” (βάλε ἀπὸ) ở cách thức mệnh lệnh, là những động từ diễn tả hành động mạnh có tính dứt khoát. Đức Giêsu có lẽ không muốn nhắm đến một hành động tức thời, cho bằng là một lối nói ẩn dụ cho những chọn lựa dứt khoát, mạnh mẽ đối với căn nguyên sa ngã.[3] Tương tự, cùng một cách thức, Đức Giêsu bổ sung bằng giải pháp dành cho cớ vấp phạm là bàn tay phải. Các động từ rất mạnh cũng được sử dụng: “Hãy chặt” và “ném ra khỏi”. Các tác giả khuyên không nên hiểu theo nghĩa đen mệnh lệnh của Đức Giêsu và thêm vào rằng việc
cắt một phần thân thể chưa chắc dứt được cám dỗ vì ham muốn đến từ bên trong con người.[4] Lý do được Đức Giêsu đưa ra cho cả hai giải pháp cho cớ vấp phạm là sự ưu tiên chọn lựa giữa toàn thân thể và một phần thân thể. Sở dĩ phải loại bỏ một phần thân thể vì nó có nguy cơ hủy diện toàn bộ thân thể. Hình phạt “toàn thân bị ném/ hay bị đưa vào gheena (địa ngục)” được hiểu là hình phạt đời đời, tương tự như hình phạt dành cho kẻ nói cùng người anh em là “hỡi kẻ ngu đần” (Mt 5,22). Tác giả Mátthêu còn dành một bản văn riêng để nói về các cớ vấp phạm và giải pháp (Mt 18,5-10; Mc 9,42-48; Lc 17,1-2).
9. Ly dị … trao giấy chứng nhận: Điều luật liên quan đến việc ly dị được tác giả Mátthêu ghi lại hai lần. Đây là lần đầu tiên. Lần thứ hai trong bối cảnh những người Pharisêu muốn thử Đức Giêsu bằng câu hỏi là “có được phép bỏ vợ không?” (Mt 19,1-9).
Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu giải thích lý do ông Môsê cho phép đàn ông bỏ vợ là vì “sự cứng lòng của các ông”, và cũng khẳng
định là “ngoại trừ trường hợp gian dâm, ai bỏ vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình”. Sách Đệ Nhị Luật quy định trường hợp cụ thể: Một người lấy vợ, rồi sau đó thấy nàng không vừa mắt nữa vì anh ta tìm thấy điều khiếm nhã nơi nàng, và anh viết cho nàng một giấy chứng nhận bỏ vợ, đặt vào tay nàng, và đuổi nàng ra khỏi nhà, và nàng đi khỏi nhà anh. Nếu nàng ra đi và trở thành vợ của một người khác. Sau đó, người này lại ghét nàng và viết cho nàng một giấy chứng nhận bỏ nàng, đặt vào tay nàng và đuổi nàng ra khỏi nhà anh, hay nếu người chồng sau của nàng chết, thì người chồng trước không được cưới nàng lại, sau khi
nàng đã bị ô uế, vì đó là điều ghê tởm trước Chúa (Đnl 24,1-4).
Ở đây, Đức Giêsu dường như thừa nhận đã có điều luật cho phép người đàn ông bỏ vợ, nhưng chính Người khẳng định rằng
“ngoại trừ trường hợp gian dâm, ai bỏ vợ là làm cho vợ phạm tội ngoại tình và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình”. Nghĩa là, Đức Giêsu hoàn toàn không chấp nhận điều luật cho phép bỏ vợ được nói đến trong sách Đệ Nhị Luật. Để hiểu thêm lý do tại sao Đức Giêsu không đồng ý với luật cho phép ly dị, cần đọc thêm câu chuyện ở Mt 19,1-9, trong đó Đức Giêsu giải thích rằng “thuở ban đầu, Tạo Hóa đã làm ra con người có nam, có nữ, và Người phán: ‘vì thế. Con người sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương, một thịt. Như thế, họ không còn là hai nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly”. Ông Phaolô cũng nhắc lại khẳng định của Chúa về việc không được ly hôn: “Đối với những người đã lập gia đình, tôi ra lệnh rằng (không phải tôi nhưng là Chúa), người phụ nữ đừng rời xa khỏi chồng, nhưng nếu nàng làm vậy, nàng hãy duy trì tình trạng không lập gia đình hoặc giao hòa với chồng mình và người chồng đừng bỏ vợ mình” (1 Cr 7,10-11).
Điều khó hiểu ở đây là trong cả hai lần, Đức Giêsu cũng đưa ra một luật trừ: “Ngoại trừ vấn đề “porneia’” (παρεκτὸς λόγου πορνείας). Phải hiểu thế nào về “vấn đề porneia”? Nhóm CGKPV hiểu là “hôn nhân bất hợp pháp”; dịch giả NTT hiểu là “dâm bôn”; Bản dịch Anh ngữ có nhiều chọn lựa: “Sexual immortality” (ESV); “The ground of unchastity” (NRS; NEB); “Lewd conduct” (NAB); Bản tiếng Pháp “en cas d’union illégale” (TOB); Tiếng Ý tương tự: “Il caso di unione illegittima” (CEI). Như vậy, có nhiều chọn lựa cách hiểu nghĩa của cụm từ “vấn đề porneia”, nhưng cách hiểu có vẻ hợp lý hơn cả là “hôn nhân bất hợp pháp”.
10. Thề dối … hoàn toàn không được thề: Người ta nói cùng người xưa rằng: “Không được bội thề, hãy thực thi lời thề của ngươi với Chúa”. Trong sách Đệ Nhị Luật, người ta có thể đọc thấy ý tưởng này: “Nếu như ngươi thề với Chúa, Thiên Chúa ngươi, ngươi không được trì hoãn hoàn tất nó, vì Chúa, Thiên Chúa ngươi sẽ chắc chắn đòi hỏi nó, và ngươi sẽ phạm tội” (Đnl 23,21). Bản văn Thập Điều cấm không được dùng danh Chúa cách vô nghĩa (Xh 20,7; Đnl 5,11). Sách Lêvi cấm thề gian nhân danh Chúa vì nó
làm ô danh Chúa (Lc 19,12). Đức Giêsu khẳng định rằng: “Hoàn toàn không được thề”. Trạng ngữ “ὅλως” đi với mệnh đề “không được thề” diễn tả mức độ phủ định tuyệt đối của hành vị thề thốt. Sau đó, Đức Giêsu liệt kê nhiều nơi chốn mà nơi đó người ta thường thề: “Trên trời; Dưới đất; Ở Jêrusalem; trên đầu”.[5] Kiểu nói “trời là ngai tòa Thiên Chúa” và đất là “bệ chân của Người” nối kết gần gũi với Is 66,1: “Trời là ngai Ta và đất là bệ chân Ta, đâu là ngôi nnhà người có thể xây cho Ta, đâu là là nơi cho ta nghỉ ngơi”? Một vài thầy dạy Do Thái dạy rằng lời thề không thành nếu nó được làm nhân danh trời hoặc đất.[6] Đức Giêsu ngụ ý rằng tất cả những nơi chốn mà người ta dựa vào để thề đều liên quan đến Chúa, mà Luật cấm thề vì có thể làm ô danh Chúa. Còn một nơi duy nhất liên quan đến chính đương sự là “đầu” của đương sự, nhưng nó cũng rất mong manh, vì người ta không thể thay đổi gì trên đầu ấy, ví dụ như “lam cho một sợi tóc trắng hay đen”.
Cùng với việc cấm đoàn sự thề thốt, Đức Giêsu khuyến khích để lời của các môn đệ “có có, không không” (ναὶ ναί, οὒ οὔ)[7], điều vượt qua là từ kẻ làm điều xấu.
Bình Luận Tổng Quát
Bài Giảng Trên Núi được tiếp tục với khẳng định về sự nối tiếp và đan xen giữa truyền thống Cựu Ước và giáo huấn tươi mới, hoàn mỹ của Đức Giêsu. Hệ thống mặc khải Cựu Ước được gói gọn bằng hai cụm từ “Luật” và “Các Ngôn Sứ’, nghĩa là Ngũ Thư và Các Sách Ngôn Sứ. Đức Giêsu là một người Do Thái, lớn lên trong cái nôi của Sách Thánh Do Thái, rồi Người giảng cho những người đồng hương Do Thái. Người thừa hiểu đâu là giá trị của những lời hướng dẫn của Chúa qua ông Môsê và qua các ngôn sứ. Dĩ nhiên, những điều Chúa mặc khải qua ông Môsê, những điều được khắc trên những bia đá, và bia lòng của từng người Do Thái, đứng đầu là Thập Điều, là những điều căn bản làm nên linh hồn của dân tộc Do Thái, tôn giáo Do Thái qua muôn ngàn thế hệ. Tuy nhiên, về tư cách, Đức Giêsu không chỉ là một ông Môsê mới, hay một vị ngôn sứ được Chúa sai đến vào thời điểm đặc biệt, Người còn là Đấng Mêsiah của lời hứa và nhất là Người là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Chính vì thế, những điều người ta vốn chưa hiểu đến, chưa thực hành đúng, chưa vươn tới chiều cao và chiều sâu nơi Luật và Ngôn Sứ, Đức Giêsu nhất thiết phải nối tiếp, và kiện toàn. Mục tiêu cuối cùng của các môn đệ và công dân Nước Trời là đi vào Nước Thiên Chúa, điều đã được Đức Giêsu rao giảng ngay từ khởi đầu và nhấn mạnh trong Bát
Phúc. Và muốn đi vào Nước Thiên Chúa thì phải đạt đến mức công chính vượt trên sự công chính của các Kinh Sư và những người Pharisêu. Sự công chính của các Kinh Sư và những người Pharisêu thực ra là một sự công chính giả hiệu vì họ được mô tả như những người giả hình, giả bộ trong cách thức thi hành những lời dạy của Chúa. Đối lại với các Kinh Sư và những người Pharisêu, các môn đệ phải hiểu đúng chiều sâu và chiều cao của Luật và thi hành chúng bằng tình yêu, lòng mến, của những người con đối với Cha trên trời. Họ phải hiểu và thực hành những điều luật ấy trong mối tương quan với người khác như là anh, chị, em trong cùng một gia đình. Khi nhìn nhận tha nhân như là những người bà con thân thuộc, họ không những không được giết người, mà còn không được giận dữ, khinh bỉ người anh em như là “raka”, “những kẻ ngu đần”. Không những thế, người con Chúa phải nối kết chặt chẽ giữa tương quan với Chúa và với anh em đồng loại. Một khi nhớ đến có người anh em nào đang buồn lòng với mình, thì dù có đang dâng của lễ ở bàn thờ, cũng phải để của lễ lại đó mà đi giao hòa với người anh em đó trước đã, bởi vì Chúa muốn lòng thương cảm hơn là của lễ. Là con Chúa, là anh em của nhau, người môn đệ không những không được ăn nằm với vợ của người anh em mà còn không được nhìn người phụ nữ với lòng ham muối ái ân. Sự dứt khoát với những cớ vấp phạm đôi khi đến mức tuyệt đối: Loại bỏ một phần thân thể để cứu lấy toàn thân khỏi rơi vào hỏa ngục. Là con Chúa, họ phải tìm lại giá trị, và sự bền chặt, nên một của mối dây hôn nhân giữa một người nam và một người nữ như Chúa đã thiết định ngay từ đầu. Khi không “bỏ vợ”, đuổi vợ đi bằng một chứng thư, người chồng tránh được nguy cơ làm cho người vợ phạm tội ngoại tình. Là con Chúa, họ không được thực hành thề thốt như những dân tộc chung quanh. Ngược lại, họ được mời gọi đảm bảo tính chân thực trong những lời nói và việc làm của mình: “Lời của anh em phải có có, không không”. Bốn cặp phản đề bắt đầu bằng “còn chính Thầy nói cùng anh em…” cho thấy sự tiến triển, mở rộng, đến mức hoàn thiện của Luật và Các Ngôn Sứ qua lời giải thích và chỉ dẫn của Đức Giêsu. Khi thực thi những điều Đức Giêsu hướng dẫn và dạy người khác như thế, các môn đệ, các tín hữu sẽ vươn đến được sự công chính hơn các Kinh Sư và những người Pharisêu, và được gọi là những người vĩ đại trong Nước Trời.
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
[1]
D.L. TURNER, Baker Exegetical Commentary on the New
Testament (Michigan 2007) 143.
[2] M.
Grilli, Quale Rapporto tra I Due
Testamenti? Reflessionse critica sui modelli ermeneutici classici concernenti
l’unità delle Srtitture (Bologna 2011) 134-141.
[3] “He exaggerates to make his
point, this time by the use of a shocking but well-recognized metaphor of
self-mutilation. In its Marcan context (Mark 9:43–48) and in its fuller
Matthean use (18:8–9) this metaphor does not have a specific reference to
sexual desire. It may be the need to fit it to this more specific purpose that
has led Matthew this time to put the eye first (following the lustful “look” of
v. 28), and to omit the foot as an offending member, since “the feet are not
much used in adultery”[3]
[R.T. France, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand
Rapids 2007) 205].
[4] “Jesus and the NT writers knew
well enough that amputation would scarcely curb the passions since the problem
is not with the body itself but, as Paul put it, with ‘sin that dwells in me’
(Rom 7:17,20” [W.D. Davies– D.C. Allison,
Jr., A critical and exegetical commentary on the Gospel
according to Saint Matthew (ICC; London – New York 2004) I, 524].
[5]
“According to at least one source,
the Jews are known to have taken vows by Jerusalem, though not oaths”
[B.M. Newman – P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew (UBS; New
York 1992) 145].
[6] B.M. Newman – P.C. Stine, A
handbook on the Gospel of Matthew, 144.
[7] “Compare 2 Cor 1:17–18: ‘Was I
vacillating when I wanted to do this? Do I make my plans like a worldly man, ἵνα ᾖ
παρʼ ἐμοὶ τὸ ναὶ ναὶ καὶ τὸ οὓ οὓ;
As surely as God is faithful, our word (λόγος) to you has not been yes and
no’. The meaning of Matthew’s clause seems to be, let your yes be true and your no be true (cf. b. B. Meṣ. 49a) or, let your yes be only
yes (not yes and an oath) and let your no be no (not no and an oath)” (W.D. Davies– D.C. Allison, Jr., The Gospel according to Saint Matthew,
538).
No comments:
Post a Comment