Tuesday 21 February 2023

CHÚT TRO BỤI NHẮC NHỚ PHẬN BỤI TRO, Lm. Jos. Ph.D. Thạch, SVD

 Chuyện kể rằng: Có hai anh ở giáo xứ nọ đi lưới chim cu. Họ cẩn thận đặt bẫy, đặt chim cu mồi rồi vào trong bụi ngồi chờ. Chẳng bao lâu có một đàn cu đất xà xuống uống nước. thế là hôm đó họ được một mẻ lưới đầy chim cu. Họ thích thú vì được nhiều chim, nhưng không hài lòng lắm về những con chim bắt được, vì không hiểu sao những con chim bắt được hôm ấy lại không được mập. Một anh nói: “Ai mà mua những con chim gầy nhom thế này”.

 Anh bạn gật đầu: “Chỉ cần đầu tư một số lúa và trong ít ngày chúng ta sẽ được những con chim xinh đẹp và bụ bẫm”.

Hàng ngày, hai người cho chim ăn uống và chúng ăn ngấu nghiến. Chúng lớn dần mỗi ngày. Chỉ duy một con không chịu ăn. Khi những con khác béo mập, con chim ngoan cố này trở nên gầy nhom, nhưng vẫn vùng vẫy tìm lối thoát.

Đến ngày bầy chim được mang ra chợ bán, con chim không chịu ăn cố vùng vẫy, xoay sở lọt qua lưới và bay đi. Một mình nó được tự do.[1]


Phụng vụ ngày đầu của Mùa Chay Thánh bắt đầu bằng việc hy sinh hãm mình. Có nghĩa là Giáo Hội muốn nhắc nhở con cái mình rằng, mỗi người phải làm bé, làm nhỏ cái bụng, làm nhỏ thân xác, của mình lại để cho trái tim mình được lớn lên. Hãy dám chiến đấu và chiến thắng thân xác yếu hèn hay nghiêng chiều về sự tội sự xấu. và dám chiến đấu và chiến tháng thói ít kỷ trong con người mình để sẻ chia với những người đói rách quanh mình.

Mùa chay này là dịp để mỗi người chúng ta từ bỏ, sửa chữa một vài tật xấu cụ thể trong cuộc sống cá nhân cũng như trong gia đình của mình, dám chấp nhận một cuộc canh tân lột xác trong đau đớn, thực hiện liên lỉ các việc đạo đức: Cầu nguyện, chay tịnh và bác ái, hay nói như Thánh Phaolô trong bài đọc hai hôm nay: “Anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu, mùa chay nay này có thể là mùa chay cuối cùng, là cơ hội cuối cùng Chúa cho ta để làm lại cuộc đời, đừng bỏ lỡ cơ hội này và đừng để mùa chay qua đi cách uống phí mà không sinh hoa trái”

Thứ tư lễ tro là ngày khởi đầu cho một mùa sám hối, trở về với Cha trên trời. Như dân thành Ninivê xưa xức tro lên đầu, ăn năn khóc lóc vì những lỗi lầm xúc phạm đến Thiên Chúa. Ngày nay, người Kitô hữu cũng thú nhận thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình qua việc lãnh nhận tro bụi. Những hạt tro nhắc nhớ thân phận con người được Thiên Chúa nắn tạo từ bụi đất. Tên Adam trong tiếng Do Thái có nghĩa là đất. Chính vì thế, khi kết thúc cuộc đời này, con người cũng phải trở về bụi tro mà thôi.

Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Nghi thức này bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái. Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ bày tỏ sự đau buồn trước một biến cố tang thương, nhất là tỏ lòng ăn năn hối cải trước những lỗi lầm to lớn của mình, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra. 

Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi. Tội nhân tự nhận mình không xứng đáng được kính trọng, chỉ xứng đáng với tro bụi nhơ bẩn, với áo rách tồi, hoang tàn như đóng đổ nát, đáng bị khinh miệt, bị chà đạp như cát bụi bên đường.

 Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích. Cuộc đời giống như manh áo, hôm qua còn mới còn đẹp, hôm nay đã cũ kỹ xấu xí, hôm qua còn lành lặn, hôm nay đã sờn rách.

Giáo hội khai mạc Mùa Chay bằng một nghi thức lâu đời đó là việc lãnh nhận nhúm tro được bỏ trên đầu, kèm theo lời nhắc nhở: Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về tro bụi hoặc lời mời gọi: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Lời thứ nhất nhắc cho chúng ta nhớ đến thân phận con người mỏng manh của mình được Thiên Chúa tạo dựng từ tro bụi, rồi tất cả sẽ trở về với tro bụi (hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, rồi một mai tôi trở về làm cát bụi). Nhắc như thế giúp mỗi người biết xác định lại mục đích cuối cùng của cuộc đời mình, đâu là chính yếu đâu là tùy phụ, đâu là mau qua, đâu là bền vững. Thân xác này dù có đẹp đẽ đến mấy, đẹp như lực sỹ hay hoa hậu, người mẫu, rồi cũng sẽ phải tàn tạ và chết đi trở về cát bụi, cuộc sống trần gian này dù sang trọng, dù nghèo hèn thì cũng sẽ qua đi, chỉ có Thiên Chúa mới là bền vững; cùng đích cuộc đời của mỗi con người là hạnh phúc Nước Trời và ơn cứu rỗi mới là quan trọng còn những cái chỗ nhất chỗ nhì, những cái vinh quang, tiền của, phần thưởng của thế gian này chỉ là phù du,… vì thế đừng lo chạy đua tranh giành cho được tiếng tăm hoặc chỗ nhất chỗ nhì hay vinh dự trần thế, mà linh hồn không được ơn cứu rỗi thì điều đó chẳng có ý nghĩa gì cho cuộc đời mình. 

Qua ngôn sứ Giôel, Thiên Chúa mời gọi tha thiết: Hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, khóc lóc và than van. Hãy xé lòng, chứ đừng xé áo, hãy trở về cùng Thiên Chúa là Chúa của anh em. Một sự đau đớn bên trong, hối hận bên trong thật sự chứ không chỉ là hình thức bên ngoài.

Tin Mừng của ngày lễ tro hôm nay nói về sự công chính của người Do Thái qua ba hành động cụ thể: Trao ban, cầu nguyện và ăn chay.

Bố thí (trao ban): Thánh Matthêu nói đến cách cư xử chúng ta cần phải có khi thực thi tinh thần bác ái, giúp đỡ anh em trong cảnh gian nan, khốn khổ: “Khi làm việc lành phúc đức... chớ phô trương... khua chiêng, đánh trống...”. Làm từ thiện là một công việc tốt, cần làm đối với tha nhân. Chúa Giêsu không đả phá hay công kích việc làm từ hiện, nhưng Ngài cảnh giác về thái độ mà người người ta cần phải có khi thực hiện việc bác ái này. Ngài khẳng định những phô trương, khoe mẽ ầm ĩ là “cốt để người ta khen” (c.2) và như vậy là đã được người đời thưởng rồi, còn cần chi Thiên Chúa thưởng nữa. Bên cạnh đó, Ngài chỉ cho một cách bố thí “đừng để tay trái biết việc tay phải làm” (c. 3) nghĩa là cần khiêm tốn, âm thầm hết sức có thể, không tìm tự mãn, tự hãnh diện về công viêc mình làm ngay ở trong lòng, trong chính con người của mình. Chỉ như thế. Thiên Chúa mới trả công cho ta được.

Cầu nguyện là hơi thở và là sức sống của kẻ có đạo, và hơn thế nữa cầu nguyện là thể hiện tư cách là con cái Chúa, là cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, vì vậy Chúa muốn mỗi người hãy vào phòng đóng cửa lại để cầu nguyện, tức là hãy vào trong sự thinh lặng của tâm hồn, là để tâm hồn thật thanh thản nhẹ nhàng mỗi khi gặp gỡ Chúa. Như vậy, vào phòng đóng cửa lại để cầu nguyện có nghĩa là trò chuyện riêng tư với Chúa ở ngay trong tâm hồn, và như thế chúng ta có thể gặp gỡ và cầu nguyện với Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào: Ở nhà thờ, ở nơi làm việc, khi đi đường, lúc ở nhà, ở phòng riêng. Một cám dỗ rất lớn ngày hôm nay đối với nhiều người, đó là lười cầu nguyện. Tâm hồn không cầu nguyện là một tâm hồn không có sức sống. Không cầu nguyện còn là dấu chỉ của một tâm hồn kiêu căng không biết cậy dựa vào Thiên Chúa; là một thái độ sống vô ơn trước những ơn lành của Thiên Chúa. Bắt đầu từ Mùa Chay này mỗi người hãy dành nhiều giờ hơn cho việc cầu nguyện gặp gỡ Chúa mỗi ngày, hãy tổ chức lại giờ kinh, giờ cầu nguyện mỗi tối ở nơi gia đình, vì khi tụ họp lại bên nhau trước mặt Chúa, Chúa sẽ hiện diện và biến đổi mỗi thành viên trong gia đình nên tốt hơn, Chúa sẽ bảo vệ hạnh phúc và sự êm ấm của các gia đình. Hãy đến với phòng chầu Thánh Thể nhiều hơn, đến với Thánh Lễ nhiều hơn, để Chúa có thể lập đầy những khoảng trống trong tâm hồn mình bằng tình yêu và sự thánh thiện của Người.

 Chay tịnh không có nghĩa là hà tiện, nhưng là tiết chế tật mê ăn uốn, ai chơi, và tiêu xài, hưởng thụ. Giảm bớt những chi tiêu để có thể chia sẻ với người khác; không để mình mất quá nhiều thời giờ vào việc ăn uống cùng, các thứ hưởng thụ đến nghiện ngập, nhưng biết dành những thời giờ đó để đến gặp gỡ với Thiên Chúa và chia sẻ với anh chị em. Hơn nữa qua việc làn chủ bản thân, dành thời giờ đến với Chúa và đến với anh em, việc chay tịnh có thể chữa lành được những vết thương trong tâm hồn, xoá đi những lối sống đơn điệu nhàm chán và làm cho cuộc sống của chúng ta đầy tràn tình yêu thương hơn.

 Xin Chúa cho mỗi người chúng ta trong suốt Mùa Chay này luôn ý thức thân phận bụi tro của mình, rồi tôi đang trên hành trình về Quê Trời, và có một mùa chay đầy hoa trái bằng việc hy sinh hãm mình, đền tội và rộng tay chia sẻ thời gian và công sức với những công việc chung và chia sẻ với người nghèo, người bệnh tật chung quanh mình. Amen.

 Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

 

 

No comments:

Post a Comment