Bản văn và dịch sát nghĩa
Việt |
Hy Lạp |
38
Anh em đã nghe người ta nói rằng: “Một mắt đền
cho một mắt và một răng đền cho một răng” 39
Còn chính Thầy nói cùng anh em là: Đừng chống
lại kẻ xấu, nhưng ai vả anh ở má bên phải, hãy chuyển má kia cho người ấy. 40
Nếu người ta muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, hãy để lại cho người ấy
chiếc choàng ngoài nữa. 41
Ai ép anh đi một dặm, hãy đi với người ấy hai dặm. 42
Hãy cho người xin anh, người muốn vay mượn từ anh, đừng ngoảnh đi. 43
Anh em nghe người ta nói rằng: Hãy yêu người thân cận của mình và hãy ghét kẻ thù. 44
Còn chính Thầy nói cùng anh em là: “Hãy yêu kẻ thù và hãy cầu
nguyện cho những người bắt bớ anh em.” 45
Như thế, anh em mới có thể trở thành những người con
của Cha anh em trên trời, vì Người làm cho mặt trời chiếu sáng trên những
kẻ xấu cũng như những người tốt, làm cho mưa xuống trên những người công
chính và những người bất chính. 46
Vì nếu anh em yêu những người yêu anh em, phần thưởng anh em có là gì? Không
phải những người thu
thuế cũng làm điều đó sao? 47
Nếu anh em chỉ chào những người anh em của mình,
thì anh em làm gì vượt trội hơn? Không phải những người ngoại
cũng làm điều đó hay sao?” 48
Vậy, chính anh em phải nên hoàn hảo như Cha anh
em trên trời hoàn hảo. |
38 Ἠκούσατε ὅτι ἐρρέθη· ὀφθαλμὸν ἀντὶ ὀφθαλμοῦ καὶ ὀδόντα ἀντὶ ὀδόντος. 39 ἐγὼ δὲ λέγω ὑμῖν μὴ ἀντιστῆναι τῷ πονηρῷ· ἀλλ᾽ ὅστις σε ῥαπίζει εἰς τὴν δεξιὰν σιαγόνα [σου], στρέψον αὐτῷ καὶ τὴν ἄλλην· 40 καὶ τῷ θέλοντί σοι κριθῆναι καὶ τὸν χιτῶνά σου λαβεῖν, ἄφες αὐτῷ καὶ τὸ ἱμάτιον· 41 καὶ ὅστις σε ἀγγαρεύσει μίλιον ἕν, ὕπαγε μετ᾽ αὐτοῦ δύο. 42 τῷ αἰτοῦντί σε δός, καὶ τὸν θέλοντα ἀπὸ σοῦ δανίσασθαι μὴ ἀποστραφῇς. 43 Ἠκούσατε ὅτι ἐρρέθη· ἀγαπήσεις τὸν πλησίον σου καὶ μισήσεις τὸν ἐχθρόν σου. 44 ἐγὼ δὲ λέγω ὑμῖν· ἀγαπᾶτε τοὺς ἐχθροὺς ὑμῶν καὶ προσεύχεσθε ὑπὲρ τῶν διωκόντων ὑμᾶς, 45 ὅπως γένησθε υἱοὶ τοῦ πατρὸς ὑμῶν τοῦ ἐν οὐρανοῖς, ὅτι τὸν ἥλιον αὐτοῦ ἀνατέλλει ἐπὶ πονηροὺς καὶ ἀγαθοὺς καὶ βρέχει ἐπὶ δικαίους καὶ ἀδίκους. 46 ἐὰν γὰρ ἀγαπήσητε τοὺς ἀγαπῶντας ὑμᾶς, τίνα μισθὸν ἔχετε; οὐχὶ καὶ οἱ τελῶναι τὸ αὐτὸ ποιοῦσιν; 47καὶ ἐὰν ἀσπάσησθε τοὺς ἀδελφοὺς ὑμῶν μόνον, τί περισσὸν ποιεῖτε; οὐχὶ καὶ οἱ ἐθνικοὶ τὸ αὐτὸ ποιοῦσιν; 48 ἔσεσθε οὖν ὑμεῖς τέλειοι ὡς ὁ πατὴρ ὑμῶν ὁ οὐράνιος τέλειός ἐστιν. (Matt.
5:38-48 BGT) |
Bối cảnh
Đoạn Tin Mừng 5,38-48 là đoạn kết của
một loạt sáu “phản đề” Đức Giêsu đưa ra (5,21-47) nhằm diễn giải cho sự công chính vượt
trội, mà Người đã mời gọi các môn đệ trước đó (Mt 5,20). Đồng thời, đoạn văn
này cũng góp phần làm rõ khẳng định của Đức Giêsu “không đến để vô hiệu hóa Luật
và các Ngôn Sứ, nhưng là để hoàn thiện” (Mt 5,17-19). Trước đó, Đức Giêsu đã
trưng dẫn bốn phản đề liên quan đến các điều luật: “Không được giết người”
(5,22-26); “Không được ngoại tình” (5,27-30); “Ai bỏ vợ thì phải trao chứng nhận
ly dị” (5,31-32); và “không được thề gian” (5,33-36). Hai “phản đề” cuối cùng
liên quan đến việc trả thù “mắt đền cho mắt, răng đền cho răng” (5,38-42); và
“yêu đồng loại và ghét kẻ thù” (5,43-47). Những phản đề này có liên hệ chặt chẽ
với những quy định trong sách Luật (Torah) Cựu Ước. Trong bối cảnh của Bài Giảng
Trên Núi, lời dạy không được trả thù, liên quan đến mối phúc “cho người xây dựng
hòa bình” (5,9) và “phúc cho những ai hiền lành” (5,4). Luận đề “cầu nguyện cho
những người bắt bớ” có liên hệ với mối phúc “cho những người chịu bách hại vì sự
công chính” (5,10-11). Tư tưởng không nên đáp trả lại cái xấu bằng một hành động
xấu cũng được tìm thấy trong thư của Phaolô (1 Tx 5,15; Rm 12,9-21). Cách nói
“con cái của Cha anh em” mô tả tình huynh đệ đại đồng, được đề cập xuyên suốt
Bài Giảng Trên Núi, đặc biệt là “Lời cầu nguyện của Chúa” (6,7-14). Điều răn
“Hãy yêu người thân cận” được trích dẫn cùng với điều răn “yêu Chúa”, như là
hai điều răn trọng nhất trong Luật và các Ngôn Sứ, theo quan điểm của Đức Giêsu
(Mt 22,34-40; Mc 12,28-34) và người thông luật (Lc 10,25-28). Điều răn này gợi
nhớ đến quy định của sách Lêvi (Lv 19,18). Tư tưởng “ghét kẻ thù” liên hệ với
hành động tiêu diệt kẻ thù trong thời Cựu Ước.
Cấu trúc
Mt 5,38-48 Gồm hai phản đề: Phản đề
I (38-42) và phản đề II (43-47). Cuối cùng là câu kết luận tổng thể (48) cho loạt
sáu phản đề, nói riêng và cho toàn chương năm, nói chung.
Phản đề I: Luật xưa: “Một mắt đền cho một mắt và một răng đền cho một răng” (38) Đức
Giêsu: Đừng chống lại kẻ xấu, vả anh ở má bên phải … chuyển má kia kiện anh để lấy trong … để lại chiếc áo
choàng nữa; ép anh đi một dặm … hãy đi hai dặm (39-41) cho người xin và người vay mượn (42) Phản đề II: Luật xưa: “Hãy yêu người thân cận…hãy ghét kẻ thù” (43) Đức
Giêsu: “Hãy
yêu kẻ thù … cầu nguyện cho những người bắt bớ anh em” (44) Hệ quả: Trở thành
những người con của Cha anh em trên trời cho mặt trời chiếu
sáng trên những kẻ xấu và những người tốt mưa xuống trên
những người công chính và những người bất chính (45) Tình yêu vượt
hơn “những người thu thuế” và “những người ngoại” (47-47) Tổng kết: Chính anh em sẽ
nên hoàn hảo như Cha
anh em trên trời hoàn hảo |
Một số điểm chú giải
1.
“Một
mắt đền cho một mắt và một răng đền cho một răng”: Đây là một điều luật được
trích ra từ sách Xuất Hành, quy định về chế tài cho các loại tội phạm: “Một mắt
thay cho một mắt; Một răng thay cho một răng; Một tay thay cho một tay; Một bàn
chân thay cho một bàn chân; Một sự đốt cháy thay cho một sự đốt cháy; Một vết
thương thay cho một vết thương; Một roi thay cho một roi” (Xh 21,24-25; Lv
24,20: Một sự gãy xương thay cho một sự gãy xương; Một mắt thay cho một mắt; Một
răng thay cho một răng; Đnl 19,21: Đừng thương xót. Một mạng thay cho một mạng;
Một mắt thay cho một mắt; Một bàn tay thay cho một bàn tay và một bàn chân thay
cho một bàn chân”. Vào thời mà dân Israel còn là một dân du mục sống rày đây
mai đó, đời sống đạo đức chưa được nâng cao, thì những quy định pháp luật về những
hình thức chế tài kiểu như thế đã được xem là tiến bộ. Thay vì người ta trả thù
mạnh tay hơn, thì một sự đền trả tương xứng được xem như là giải pháp tốt hơn
và hợp công bằng hơn. Mục tiêu của điều luật này là giữ sự báo thù ở một mức hạn
chế nhất và tránh bạo lực leo thang. Những hình thức này xác nhận trách nhiệm
cá nhân cho hành động của mỗi người, sự công bằng của mỗi người trước luật lệ
và sự cân xứng giữa tội ác và hình phạt.[1]
2.
Đừng
phản kháng kẻ xấu: Đức Giêsu đi ra khỏi bối cảnh hình thức chế tài của luật.[2]
Trong Tin Mừng thứ nhất, danh xưng “kẻ xấu” được hiểu theo nhiều nghĩa khác
nhau. Người dường như muốn nhắm đến những cách ứng xử thường ngày khi đối diện
với “kẻ xấu”. “Kẻ xấu” có thể hiểu như là con người nói chung, đối lại với Cha
trên trời, là Thiên Chúa tốt lành: “Anh em là những người xấu mà còn biết cho
con cái những món quà tốt lành, thì Cha anh em trên trời càng ban nhiều điều tốt
lành hơn nữa cho những người kêu xin Người” (Mt 7,11; Lc 11,13). “Kẻ xấu” cũng
có thể là ác thần, con cái ác thần, nói chung, đối lại con người, con cái Vương
Quốc: “Hạt giống tốt là con cái của Vương Quốc. Những hạt giống xấu thuộc về ác
thần” (Mt 13,38). “Kẻ xấu" còn là những người có hành vi và lời nói xấu xa:
“Các ngươi là những con cái của loài rắn, làm thế nào các ngươi có thể nói tốt
khi các ngươi xấu?” (Mt 12,34; Cf. 5,37; 12,35). “Kẻ xấu” đối lại với “người tốt:
“Người tốt làm nảy sinh điều tốt lành từ kho tàng tốt của mình; Kẻ xấu làm nảy
sinh điều xấu từ kho tàng xấu của mình” (Mt 12,35; Lc 6,45). “Những kẻ xấu” ở
đây có thể đồng hóa với “những người làm điều xấu” chống lại người khác. Đức
Giêsu mời gọi người môn đệ đừng kháng cự lại những kẻ làm điều xấu cho họ.[3]
3.
Ai vả
anh ở má bên phải … chuyển má kia nữa…Kiện để lấy áo choàng … ép đi một dặm:
Đức Giêsu dẫn chứng ba loại hành động khác nhau của “những kẻ xấu” và mời gọi
các môn đệ có những phản ứng tích cực. Khi người ta vả vào má bên phải thì quay
qua má bên kia cho người ta luôn.[4]
Đây không phải là phản ứng của người thách thức đối phương. Trong vùng Cận Đông
thời Đức Giêsu và ngày nay, đòn xúc phạm nặng nề nhất mà người ta gây ra cho
người khác là tát vào má phải bằng mu của bàn tay.[5]
Có thể đó là cách nói nhằm tuyệt đối hóa thái độ không phản kháng cách tiêu cực:
Thậm chí đưa cả má bên kia cũng nên làm; Thà đưa cả má bên kia luôn, chứ không
phản kháng. Tác giả W. Davies – D. Allison, hiểu đây là một “tính cách vị tha,
khiêm tốn tột bậc, một ý chí chịu đau khổ khi đánh mất quyền của mình”. Đức Giêsu dạy
lấy thiện báo ác.[6] “Vả
má bên phải” thường là vả bằng mu bàn tay và nó ảnh hưởng về tâm lý, tức là
mang tính sỉ nhục, hơn là đau đớn về thể lý.[7]
Tương tự, khi người ta muốn kiện để lấy áo trong (τὸν χιτῶνά),
thì cũng có thể trao luôn cả áo khoác ngoài (τὸ ἱμάτιον); và người ta
ép buộc đi một dặm thì cũng có thể đi gấp đôi với họ. Người Do Thái thường mặc
hai áo: Một áo dài bên trong và một áo choàng bên ngoài lớn hơn, dày hơn. Tuy
người ta có thể kiện để lấy áo trong, nhưng không thể lấy áo ngoài, vì áo này vốn
dùng để giữ ấm cho cơ thể. Luật Cựu Ước quy định rằng nếu một người giữ áo
choàng của người khác làm đồ cầm cố, thì phải trả lại cho người ta trước khi mặt
trời lặn, vì cái áo đó dùng để đắp, che thân để ngủ vào ban đêm” (Xh 22,25-26;
Đnl 24,12-13). Anh mù thành Jêrikhô, sau khi được Đức Giêsu gọi, đã vứt chiếc
áo choàng lại, nhảy lên và đến cùng Đức Giêsu” (Mc 10,50). Bỏ áo choàng đi là một
hành động táo bạo. Ở đây, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ cũng mạnh dạn bỏ lại cả
chiếc áo choàng, như là một thiện chí của người không phản kháng. Liên quan đến
đòi hỏi “đi một dặm”, lính Rôma thường ép các công dân mang dụng cụ của mình đi
xa đến một dặm. Ông Simôn Kyrênê bị bắt ép vác thập giá cho Đức Giêsu (Mt
27,32). Simôn đã không phản kháng. Thay vì phản kháng, Đức Giêsu đề xuất làm gấp
đôi công việc phục vụ.[8]
Không những không trả thù, trả đũa, cho những hành động xấu, người môn đệ còn sẵn
sàng phản ứng cách bình thản và đón nhận cách tích cực. Đó có thể được xem như
là những người hiền lành và mưu cầu hòa bình được nói đến trong các mối phúc. Đức
Giêsu, trong cuộc xử án, đã thực hành chính lời dạy của Người cách cụ thể. Người
bị khạc nhổ vào mặt và đấm đánh, tát túi bụi, vả (Mt 26,67; Mc 14,65; Cf. Ga
18,22,19,3). Áo choàng của Người cũng bị các lý hình lột và bắt thăm chia nhau
(Mt 27,32). Người đón nhận tất cả như con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt,
không kêu la tiếng nào; Như cừu câm nín khi bị xén lông. Các môn đệ có lẽ được
mời gọi bước vào cuộc thương khó như Người mà không phản kháng kêu la.[9]
4.
Người
xin … người vay: Từ những hành động
không báo thù, Đức Giêsu mở rộng ra đến lòng quảng đại: Sẵn sàng cho đi khi có
ai xin và sẵn sàng cho vay khi có ai mượn. Đức Giêsu của tác giả Luca ghép các
lời dạy “hãy yêu kẻ thù”, “làm phúc cho những người ghét mình” với “cho vay mà
không hy vọng được đền trả” (Lc 6,35). Như vậy, người môn đệ không những cho
vay mà khi đã cho người ta vay mượn rồi, thì không mong được trả lại. Như vậy,
cho vay ở đây có cùng ý nghĩa với “cho luôn”. Lời khuyên của Đức Giêsu phản ánh
sự hào phóng đáng chú ý trong quy định của Đệ Nhị Luật: “Nếu giữa ngươi, một
trong những anh em ngươi trở nên nghèo, trong tất cả các thành, trong đất mà
Chúa, Thiên Chúa ngươi sẽ ban cho ngươi, ngươi không được vô cảm hay nắm tay lại
chống lại người anh em nghèo của ngươi, nhưng ngươi phải mở bàn tay ra mà cho
anh ta mượn đủ số anh cần, bất kể bao nhiêu … vì sẽ không có người nghèo trên đất
ngươi. Vì thế, Ta truyền cho người, phải mở rộng bàn tay ngươi cho người anh em
của ngươi, đối với người túng thiếu và với người nghèo trong đất của ngươi”
(Đnl 15,7-8.11)
5.
Hãy
yêu người thân cận … ghét kẻ thù …yêu kẻ thù …cầu nguyện cho những người bắt bớ:
Phản đề cuối cùng đi vào trọng tâm của tình yêu tương quan người trong dân
tộc Israel. Lời dạy “hãy yêu người thân cận (người láng giềng)” được trích ra từ
sách Lêvi: “Ngươi không được báo thù hay nuôi thù chống lại con cái của dân
ngươi, nhưng phải yêu người thân cận như chính ngươi” (Lv 19,18), được trích lại
trong Mt 19,19 và 22,39, như là một trong những điều răng đứng đầu. Vế thứ hai: “Phải ghét kẻ thù”, được Đức Giêsu thêm
vào, không tìm thấy cụ thể nơi nào trong sách Luật. Có lẽ nó tượng trưng cho
khuynh hướng chung của con người được xem như là đặc tính của mệnh lệnh cũ.[10]
Trên thực tế, rải rác trong Torah, độc giả cũng tìm thấy những quy định trừng
phạt kẻ thù: “Phải quyét sạch các quốc gia phía trước ngươi … phải hủy giệt
chúng hoàn toàn. Không được thỏa hiệp với chúng và không được động lòng trắc ẩn”
(Đnl 7,1-6; 20,16-18). Khái niệm “người
thân cận”, vốn được hiểu là những người cùng chủng tộc Israel, nhưng được Đức
Giêsu mở rộng ra vô tận, không trừ một ai (x. Lc 10,30-37). Ở đây, Đức Giêsu nhấn
mạnh đến khuynh hướng thù ghét đối với kẻ thù và chỉ yêu thương những người dễ
thương, và nhất là những người thương mình. Người mở rộng biên độ của hành vi
yêu thương, đối tượng yêu thương ra vô tận và xóa bỏ hoàn toàn thái độ thù
ghét. Phải yêu cả những kẻ thù của mình và cầu nguyện cho những người bách hại.[11]
Thực ra, trong quy định của Torah vẫn có những điều luật dạy phải đối xử tử tế
công bằng với kẻ thù: “Nếu ngươi gặp con bò hay con lừa của kẻ thù ngươi đi lạc,
thì hãy đưa nó về” (Xh 23,4-5); Đừng vui mừng khi kẻ thù ngươi té ngã, và đừng
để lòng ngươi mừng thầm khi nó lảo đảo” (Cn 24,17); “Nếu kẻ thù ngươi đói, hãy
cho chúng thức ăn, nếu chúng khát, hãy cung cấp nước uống” (Cn 25,21). Đức
Giêsu truyền bằng một động từ, cùng với động từ dành cho “người thân cận”: “Hãy
yêu kẻ thù” và thêm nữa “hãy cầu nguyện cho những người bách hại anh em”. Trong
mối phúc cuối cùng, Đức Giêsu đã dùng hai lần động từ “bách hại” (5,10.11) để
mô tả mối phúc dành cho những người “chịu bách hại vì sự công chính”. Đức Giêsu
nhiều lần báo trước về sự bách hại dành cho các môn đệ (Mt 5,10-12; 10,16-39;
10,17.21; 13,21; 16,24-26; 23,34-36; 24,9-13). Chính Người đã cầu nguyện cùng
Chúa Cha cho những người bách hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết
việc họ làm” (Lc 23,34). Thánh Stephano, vị tử đạo tiên khởi cũng lặp lại hành động này,
khi bị hành hình bằng cách ném đá (Cv 7,60). Các môn đệ được mời gọi yêu kẻ thù
và những người bách hại không chỉ qua hành vi tha thứ, mà còn cầu xin cho họ được
ơn tha thứ, ơn hoán cải để được cứu độ như họ. Một khi có thể yêu thương kẻ
thù, các môn đệ xóa bỏ khái niệm “kẻ thù”, vì họ đã biến đổi nó thành “người được
yêu thương”. Họ nâng tình yêu của mình lên gần nhất với tình yêu của Đức Kitô,
tình yêu tuyệt hảo.[12]
6.
Trở thành
những người con của Cha anh em (υἱοὶ τοῦ πατρὸς ὑμῶν) trên trời: Mục đích của những hành vi
vượt trội khác thường này là nhằm trở nên con của Cha trên trời. Sách Đệ Nhị Luật
công bố con cái Israel là “những người con của Chúa, Thiên Chúa” (Đnl 14,1). Đức
Giêsu đổi danh xưng Chúa Thiên Chúa, thành “Cha anh em trên trời”. Danh xưng
“Cha của anh em trên trời” (υἱοὶ τοῦ πατρὸς ὑμῶν) được lặp lại hai lần
trong đoạn văn này: “Trở thành những người con của Cha anh em trên trời” (5,45)
và “Cha anh em trên trời thì hoàn hảo” (5,48). Danh xưng “Cha của anh em” (số
nhiều) được lặp lại 13 lần và “Cha của anh” (số ít) được lặp lại 5 lần, trong
Tin Mừng Mátthêu, nhưng không có lần nào trong Luca và Máccô. Khác với Mátthêu,
trong Luca, các môn đệ làm những điều này thì sẽ được gọi là “con của Đấng Tối
Cao” (Lc 6,35), không phải là “những người con của Cha anh em trên trời”. Danh
xưng này kéo các môn đệ lại gần với Thiên Chúa nhất có thể. Thiên Chúa là cha của
họ. Ở đây, Đức Giêsu còn nói rõ rằng họ là những người con của Cha trên trời.
Danh xưng này đồng thời kéo các môn đệ lại gần với nhau nhất có thể. Họ là anh
chị em với nhau, vì cùng gọi Thiên Chúa là cha. Tình huynh đệ đại đồng chính là
yếu tố mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngừng nhắc lại trong nhiệm kỳ giáo hoàng của
ngài, đặc biệt là trong thông điệp “Fratelli Tutti” (tất cả là anh em). Thật
ra, mối tương quan huynh đệ đại đồng cơ hữu giữa các cá thể trên thế giới đã được
bản văn Sáng Thế truyền tải, khi mô tả tất cả nhân loại trên thế giới này đều
xuất phát từ một Nguyên Tổ (Ađam và Eva). Chính Evà cũng xuất phát từ Ađam và
là xương bởi xương Ađam, thịt bởi thịt Ađam. Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu
Cơ của Việt Nam cũng cho thấy rằng dân tộc Việt vốn có chung một Tổ Phụ - Tổ Mẫu.
Tin Mừng Mátthêu, nhất là Bài Giảng Trên Núi (Mt 5 – 7), đặc biệt nhấn mạnh đến
mối tương quan gia đình nhân loại, trong đó Chúa là Cha và mọi người là anh chị
em với nhau.[13] Trước
đó, trong lời công bố về căn tính người môn đệ - “là ánh sáng của thế giới”- Đức
Giêsu mời gọi ánh sáng của họ phải chiếu sáng thế giới, để người ta thấy những
công việc tốt đẹp của họ làm, mà tôn vinh Cha của anh em Đấng ở trên trời (Mt
5,16). Càng làm việc tốt lành, càng yêu thương tất cả mọi người, các môn đệ
càng chứng tỏ căn tính người con của Chúa.
7.
Trên những kẻ xấu – những người tốt … người
công chính – người bất chính: Đặc
điểm, tính cách của người Cha bao dung, hào phóng trong tình yêu trao ban được
Đức Giêsu diễn tả qua những cặp khái niệm và cấu trúc song song:
Làm cho mặt trời chiếu sáng trên những
người xấu cũng như những người tốt
Làm cho mưa tưới xuống trên người công chính cũng như người
bất chính
Đây
là cách nói đơn giản, dễ hiểu, nhưng diễn tả chắc nịch sự quảng đại của tình
yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Rõ ràng, ánh sáng mặt trời không phân biệt bất
cứ loại người nào, và nước mưa cũng vậy. Con cái Chúa cũng phải vươn tới được tấm
lòng quảng đại như Chúa. Nếu hiểu “người xấu”, “người bất chính” là những người
tội lỗi và những người thu thuế, thì người ta có thể thấy rõ ánh sáng của Đức
Giêsu luôn sẵn sàng chiếu sáng trên họ và cho họ một cơ hội để đổi thay. Người
không ngần ngại đồng bàn với những người vốn bị xem là “xấu” và “bất chính” (Mt
9,11; Mc 2,16; Lc 5,30; 15,2). Người không sợ ô uế khi dám để người tội lỗi chạm
vào mình (Lc 7,36-50). Có thể nói rằng, chính nhờ tình yêu quảng đại bao dung
như vậy mà Đức Giêsu đã chinh phục được những con cá lớn như tông đồ Mátthêu, tông
đồ Phêrô, tông đồ Phaolô, người thủ lãnh thu thuế giàu có Dakêu. Yêu thương tất
cả mọi người, kể cả kẻ thù, người xấu, người tốt vừa giúp cho các môn đệ chứng
tỏ căn tính “người con” của mình, vừa trao ban cho người khác cơ hội để đến gần
Chúa hơn, và làm gia tăng thành viên gia đình Thiên Chúa.
8.
Yêu
thương người yêu thương mình … chào … Những người thu thuế … những người ngoại:
Cũng với những hình ảnh và cấu trúc song song, Đức Giêsu mô tả sự tầm thường
của mình, tình yêu theo kiểu “có qua – có lại” (yêu người yêu thương mình) hay
“xã giao” (chào). Những người thu thuế và những Người Ngoại trong bối cảnh này,
dường như được đánh giá thấp hơn những người “con của Cha trên trời”. Dĩ nhiên,
Đức Giêsu không có ý coi thường những người thu thuế và những Người Ngoại, vì
Người yêu thương họ và luôn muốn mang Tin Mừng đến cho họ. Người chỉ dựa trên
quan niệm, suy nghĩ của người đương thời, trong đó có cả các môn đệ về sự thấp
kém của những nhóm người này, để cho thấy mức độ tầm thường của những hành vi đối
đãi với nhau thường ngày của những người môn đệ. Trong suy nghĩ của đa phần người
Do Thái đương thời, những Người Ngoại và những người thu thuế không được đánh
giá cao về phẩm giá và đạo đức. “Những người thu thuế” được ghép chung với “những
Người Ngoại” trong Mt 18,17, và với “những người tội lỗi” (9,10) và “gái điếm”
(21,31-32). Họ tạo thành một nhóm người đầy tai tiếng trong dân Israel.[14]
Vì thế, cách họ đối xử với người khác cũng ở mức bình thường. Ở đây, “họ yêu
thương những người yêu thương họ” và “chào” những người anh em của họ. Đây là
tình yêu ở mức đáp trả qua – lại, chưa vươn đến mức quảng đại, bao dung. Tiếng
“chào” chỉ dừng lại ở mức xã giao lịch sự thường ngày. Người môn đệ, người con
Cha trên trời, phải có trái tim và con mắt của Cha, để nhìn rộng ra, yêu rộng
hơn cho đến vô tận.
Chào người anh em của mình
Người thu thuế cũng làm vậy
Yêu người yêu thương mình
Những Người Ngoại cũng làm như thế
9.
Vượt
trội: Câu hỏi “anh em làm điều gì vượt trội?” được đặt sau mệnh đề “nếu anh
em chỉ chào những người anh em của mình”.[15]
Và câu trả lời giả định cho câu hỏi này hầu như chắc chắn là phủ định: “Không!
Chúng tôi chẳng làm gì vượt trội cả”, bởi vì những Người Ngoại cũng thường làm
như vậy. Tính từ vượt trội (περισσός) có cùng gốc với động từ vượt trội
(περισσεύω) được dùng
trong lời mời gọi của Đức Giêsu liên quan đến sự công chính: “Nếu sự công chính
của anh em không trổi vượt hơn sự công chính của các Kinh Sư và những người
Pharisêu, thì anh em sẽ không được bước vào Nước Trời” (Mt 5,20). Sự công chính
vượt trội ở đây có thể nói là làm điều gì đó tốt hơn những Người Ngoại và những
người thu thuế, cụ thể là: “Yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại”.
10. Hoàn hảo: “Anh em phải hoàn hảo như Cha
anh em trên trời thì hoàn hảo”. Đây có thể là điều luật tổng thể cho toàn bộ
sau phản đề bắt đầu từ 5,21. Tuy nhiên, nó cũng có thể là câu kết cho toàn bộ
chương 5, bắt đầu từ Tám Mối Phúc. Tính từ “hoàn hảo” trong bối cảnh trực tiếp
có thể hiểu như là “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại”. Trong bối
cảnh rộng hơn, “hoàn hảo” thực thi cách tốt nhất lời dạy của Đức Giêsu trong
sau cặp phản đề, bao gồm không giận dữ với người anh em, không khinh dễ, nói với
người anh em là “hỡi kẻ ngu ngốc”, luôn hòa giải với người anh em trước khi
dâng của lễ (phản đề I); Không được ngoại tình ngay cả trong tư tưởng, trong
lòng (phản đề II); Không được bỏ vợ ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp
(phản đề III); Không được thề thốt (IV); Không được báo thù (phản đề V) và cuối
cùng, không những yêu người thân cận mà còn phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho
những người bách hại. “Hoàn hảo” có thể được xem như là “công chính vượt trội
hơn sự công chính của các Kinh Sư và những người Pharisêu”.[16]
Sự “hoàn hảo” của các môn đệ có thể bao hàm cả việc sống các Mối Phúc cách tốt
nhất. Lời mời gọi tổng kết này có âm hưởng rất giống với mệnh lệnh của Thiên
Chúa lặp đi lặp lại trong sách Lêvi: “Các ngươi phải thánh hiến chính mình và trở
nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,44.45; 19,2; 20,26; 21,8; Cf. 1 Pr
1,16). “Thánh” của Luật Cựu Ước, trở thành “hoàn hảo” trong lời dạy của Đức
Giêsu.[17]
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu giới thiệu thêm một cách thức để trở nên hoàn hảo:
“Nếu anh muốn nên hoàn hảo, hãy đi, bán tất cả tài sản của mình, và phân phát
cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời; Rồi đến, theo tôi” (Lc
19,21).
Bình luận tổng quát
Trở nên những người con của Cha
trên trời là mục tiêu mà Đức Giêsu mời gọi các môn đệ nhắm đến. Trước đó, Người
đã mời gọi ánh sáng của các môn đệ phải chiếu tỏa trước mặt người ta, để mọi
người nhìn thấy những công việc tốt đẹp của họ mà tôn vinh Cha của họ, Đấng ngự
trên trời. Nơi đây, Người chỉ cho họ cách để trở thành những người con của Cha.
Trở thành những người con của Cha cũng đồng nghĩa với việc họ nhìn nhận tất cả
mọi người trên trái đất này đều là anh chị em với nhau, vì họ cùng gọi Thiên
Chúa là Cha. Đó là một lý tưởng của tình huynh đệ đại đồng mà Đức Giêsu muốn mặc
khải. Giá trị Tin Mừng của một tình huynh đệ đại đồng đã bắt đầu ngay từ trình
thuật của sách Sáng Thế. Nhân loại được Chúa làm nên từ một cặp ông bà nguyên tổ.
Evà, con người thứ hai cũng được tạo nên từ Adam, con người đầu tiên. Họ vốn
thuộc về nhau. Người này là xương của người kia và người kia là thịt của người
này. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lấy lại ý tưởng của thánh Phanxicô Assisi để
khơi gợi lại tình huynh đệ đại đồng qua thông điệp mang tên “Fratelli tutti” (tất
cả đều là anh em) công bố vào ngày 03/10/2020.[18]
Thông điệp bao gồm tám chương: I. Bóng đen của một thế giới đóng kín; II. Một
người xa lạ bên đường; III. Dự phóng và kiến tạo thế giới mở; IV. Một trái tim
mở ra cho thế giới; V. Một nền chính trị tốt đẹp hơn; VI. Đối thoại và tình bằng
hữu xã hội; VII. Những lộ trình gặp gỡ; VIII. Các tôn giáo phục vụ tình huynh đệ
trong thế giới chúng ta. Một khi các môn đệ, các kitô hữu, ý thức thật sự căn
tính ‘những người con’, ‘những anh chị em” của nhau, thì họ mới có thể cảm nghiệm
được tính khả thi, tính chính đáng, tính cần thiết của những điều Đức Giêsu dạy
trong các phản đề, nhất là hai phản đề cuối cùng. Thay vì đòi hỏi “một mắt đền
cho một mắt, một bàn tay đền cho một bàn tay, một bàn chân đền cho một bàn chân,
theo như công bằng của luật pháp xưa, họ được mời gọi đừng có ý tưởng báo thù,
đừng lấy ác báo ác. Là những người anh em của nhau, họ được mời gọi mở lòng, mở
kho, mở túi ra cho những người anh em của mình khi họ xin hay họ vay mượn. Yêu
thương người thân cận và ghét kẻ thù, tiêu diệt kẻ thù, là những hành vi bình
thường thời xưa, nay được Đức Giêsu nâng cao hơn nữa. Là những người anh em trong
một gia đình Thiên Chúa, các tín hữu môn đệ được mời gọi mở rộng đối tượng yêu
thương ra đến vô hạn, bất cứ ai, kể cả những kẻ thù hay những người bắt bớ. Nói
khác đi, không có khái niệm kẻ thù trong lòng người con Chúa, vì tất cả đều là
anh chị em với nhau. Một khi có thể yêu thương kẻ thù, người môn đệ chứng tỏ
mình giống với Cha trên trời, Đấng ban ơn cho người công chính cũng như người bất
chính; Thi ân cho người xấu cũng như người tốt. Hơn nữa, khi yêu thương kẻ thù
và cầu nguyện cho những người bắt bớ, các môn đệ tín hữu còn có thể cảm hóa người
khác và mở rộng gia đình Thiên Chúa. Đức Giêsu là mẫu gương yêu thương kẻ thù
và cầu nguyện cho những người bách hại. Người không những không chống cự những
kẻ bắt Người, đánh dập, sỉ nhục, và đóng đinh Người mà còn tha thiết xin Chúa
Cha tha tội cho họ. Thánh Stephano, vị tử đạo tiên khởi cũng nối tiếp gương Đức
Giêsu, sắn sáng cầu xin Cha đừng chấp tội những kẻ ném đá mình. Các thánh Tông Đồ tử đạo, các thánh tử đạo
nói chung qua các thế hệ cũng vậy. Giữa một thế giới ưa chuộng bạo lực, xem trả
thù là điều bình thường, giá trị Tin Mừng về một tình huynh đệ phổ quát, không
trả thù, trả đũa, dám yêu kẻ thù, và cầu nguyện cho những người bách hại là những
điều cần thiết hơn bao giờ hết. Sự “hoàn thiện” mà các môn đệ phải vươn đến là
sự hoàn thiện của Chúa, vì họ là những người con của Chúa. Nói theo ngôn ngữ của
Torah là “phải thánh hiến chính ngươi, và trở nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh”.
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
[1]
D.J. Harrington, The Gospel of Matthew
(SP1; Collegeville 1991) 88.
[2]
“Jesus, to repeat, does not overthrow the principle of equivalent compensation
on an institutional level that question is just not addressed—but declares it
illegitimate for his followers to apply it to their private disputes” [W.D. DAVIES
– D.C. ALLISON JR., A critical and
exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (ICC; London
– New York 2004) I, 542].
[3] “The issue, then, is not whether one should stand up
for good in principle (or as it affects other people), but whether one should
stand up for oneself when under threat” [R.T.
France, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand
Rapids 2007) 220].
[4] “It is possible that “the other” is a misunderstanding of “back” in Aramaic
and that the idea is that, when insulted by a slap on the cheek, you should
simply turn away and not retaliate” (D.J.
Harrington, The Gospel of Matthew, 88).
[5]
B.M. Newman – P.C. Stine, A handbook on
the Gospel of Matthew (UBS; New York 1992) 149.
[6]
W.D. DAVIES – D.C. ALLISON JR., commentary
on the Gospel according to Saint Matthew, 541.
[7]
R.T. France, The Gospel of Matthew, 220.
[8] D.J. Harrington, The
Gospel of Matthew, 89; “Should anyone press you into service for one
mile refers to a Roman soldier’s right under Roman rule to
force someone to carry his equipment for up to one mile. Jesus calls his
disciples to be willing to go with him for two miles” [C. Mitch – E. Sri,
The Gospel of Matthew (Grand Rapids 2010) 100].
[9]
“Is not the imitation of Christ implicit in 5:39–40? Jesus himself was struck
and slapped (26:67: ῥαπίζω),
and his garments (27:35: ἱμάτια)
were taken from him. If his followers then turn the other cheek and let the
enemy have their clothes, will they not be remembering their Lord, especially
in his passion?” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON JR., commentary on the Gospel according to Saint Matthew, 546).
[10] B. Byrne, “Matthew”, The Paulist Biblical Commentary (New York 2018) 921; “It cannot be found as a quotation, nor can it be considered as a fair
interpretation of Jewish ethics of the time. But although the command is not
specifically mentioned in the Old Testament, there are many passages which not
only permit but even encourage hatred and revenge against one’s enemies” (B.M. Newman – P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew 152).
[11] “His demand here goes even beyond v. 39: not only are
they not to retaliate, nor even to resist, but even positively to seek the good
of their persecutors and to pray for them” (R.T.
France, The Gospel of Matthew, 225-226); “The effect of Jesus' teaching is
to break through limitations imposed on the object of one's love. It relates
back to the fifth antithesis with its emphasis on breaking the cycle of hatred
and violence” (D.J. Harrington, The Gospel of Matthew,, 89).
[12]
Xem thêm về chủ đề “yêu kẻ thù” trong LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: NHỮNG HÀNH ĐỘNG NGƯỢC ĐỜI CỦA NHỮNG
NGƯỜI MÔN ĐỆ. Chú Giải Tin Mừng CN VII TN C (Lc 6,27-38)
(josephpham-horizon.blogspot.com)
[13]
Xem thêm về danh xưng “Cha Trên Trời” trong LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: CĂN TÍNH CỦA NGƯỜI CON. Chú Giải Tin Mừng
CN V TN A (Mt 5,13-16); Lm. Jos. Ph.D.Thạch (josephpham-horizon.blogspot.com)
[14]
D.J. Harrington, The Gospel of Matthew,
89
[15]
“Underlying the form of these questions is the assumption first that the life
of the disciple is meant to be different, special, extraordinary, and secondly
that there is a reward for a life lived by this higher standard of love.” (R.T. France,
The Gospel of Matthew, 227).
[16]
“its comprehensive phrasing serves also to sum up the nature of the whole new
way of living which the six examples have together illustrated, and thus to put
into a neat epigram the essential nature of the “greater righteousness”
introduced in v. 20” (R.T. France, The Gospel of Matthew, 228).
[17]
“The wording of this summary recalls the repeated formula of Leviticus, “You
are to be holy, for I the Lord your God am holy” (Lev 19:2; cf. 11:44, 45;
20:26). God’s people were to reflect his character, and the same is now true
for those who are subjects of the kingdom of heaven” (Ibid.).
No comments:
Post a Comment