Bản văn và dịch sát nghĩa
Việt |
Hy Lạp |
13
Chính anh em là muối của trái đất, nhưng nếu muối bị mất vị, bằng cách nào nó có thể được làm mặn
lại; Nó không còn có ích cho cái gì, ngoại trừ nó bị
quăng ra ngoài, và bị người ta chà đạp. 14
Chính anh em là ánh sáng của thế giới. Một thành được
thiết lập trên núi không bị che khuất. 15
Không ai thắp đèn rồi lại đặt dưới thùng[1],
nhưng trên giá đèn và nó chiếu sáng cho cả nhà. 16
Cũng vậy, ánh sáng của anh em hãy chiếu sáng trước mặt
người ta, để người ta có thể thấy những việc tốt
lành của anh em mà tôn vinh cha của anh
em, Đấng ở trên trời. |
13 Ὑμεῖς ἐστε τὸ ἅλας τῆς γῆς· ἐὰν δὲ τὸ ἅλας μωρανθῇ,
ἐν τίνι ἁλισθήσεται; εἰς οὐδὲν ἰσχύει ἔτι εἰ μὴ βληθὲν ἔξω καταπατεῖσθαι ὑπὸ τῶν ἀνθρώπων. 14 Ὑμεῖς ἐστε τὸ φῶς τοῦ κόσμου. οὐ δύναται πόλις κρυβῆναι ἐπάνω ὄρους κειμένη· 15 οὐδὲ καίουσιν λύχνον καὶ τιθέασιν αὐτὸν ὑπὸ τὸν μόδιον ἀλλ᾽ ἐπὶ τὴν λυχνίαν, καὶ λάμπει πᾶσιν τοῖς ἐν τῇ οἰκίᾳ. 16 οὕτως λαμψάτω τὸ φῶς ὑμῶν ἔμπροσθεν τῶν ἀνθρώπων, ὅπως ἴδωσιν ὑμῶν τὰ καλὰ ἔργα καὶ δοξάσωσιν τὸν πατέρα ὑμῶν τὸν ἐν τοῖς οὐρανοῖς. (Matt. 5:13-16 BGT) |
Bối cảnh
Mt 5,13-16 được đặt ngay sau Tám Mối Phúc, thường được xem
là Hiến Chương Nước Trời. Những hành động trong Bát Phúc, có thể là những biểu
hiện của căn tính “là muối của trái đất và là ánh sáng của thế giới”. Tiếp theo
sau đoạn văn này là lời công bố về việc “hoàn thiện” Luật Môsê và các ngôn sứ.
Hoàn thiện Luật và lời các ngôn sứ cũng có thể là những hoạt động duy trì căn
tính “là muối và là ánh sáng” của các môn đệ. Dữ liệu liên quan đến “muối”, tác
giả Mátthêu chia sẻ cùng Máccô và Luca, với nhiều thay đổi, và phần liên quan đến
“chiếc đèn” cũng có trong Luca và Máccô, nhưng bối cảnh khác nhau và ý nghĩa
khác nhau.[2]
Riêng tác giả Luca đề cập đến “chiếc đèn” trong hai bối cảnh khác nhau. Khái niệm
ánh sáng liên kết chặt chẽ với đoạn văn trước đó giới thiệu về bối cảnh Đức
Giêsu khai mạc sứ vụ rao giảng, trong Người được mô tả như là “ánh sáng huy
hoàng” (Mt 4,16). Khái niệm này cũng không xa lạ gì với lời tự bạch của Đức
Giêsu trong Tin Mừng thứ tư: “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12; 9,5; 12,46; Cf.
Ga 1,5: 1,9; 3,19-21; 12,35-36).
Mt 5,13 |
Mc 9,50 |
Lc 14,34-35 |
Chính anh em là muối của trái đất, nhưng nếu muối bị mất vị, bằng
cách nào làm cho nó có thể được làm mặn lại; Nó không còn có nghĩa cho
cái gì, ngoại trừ nó bị quăng ra ngoài, và
bị người ta chà đạp. |
“Muối, thì tốt. Nhưng nếu muối
trở nên mất vị, thì bằng cách nào anh em làm cho nó mặn?” “Hãy
có muối nơi mình và hãy mang bình an đến cho nhau”. |
“Ðã hẳn muối thì tốt.
Nhưng nếu muối bị mất vị, thì bằng cách nào nó có thể được làm mặn lại? Bỏ vào đất hay bỏ vào phân cũng đều không có ích gì;
Người ta đành quăng nó ra ngoài. Người có
tai để nghe, hãy nghe!” |
Mt 5,15 |
Mc 4,21-22 |
Lc 8,16; 11,33 |
Không
ai thắp đèn rồi lại đặt dưới thùng, nhưng trên
giá đèn và nó chiếu
sáng cho cả nhà. |
“Ðèn mang đến phải chăng là để đặt
dưới thùng hay dưới giường? Lại không là để đặt trên giá đèn sao? Bởi lẽ,
không có gì ẩn dấu mà lại không bị phơi bày, không có gì kín đáo mà không đến
lúc lộ ra.” |
“Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy bình
che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì
nhìn thấy ánh sáng” (8,16) “Chẳng có ai đốt
đèn lên rồi đặt vào chỗ khuất hoặc dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, để những
ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng” (11,33). |
Cấu trúc
Mt 5,13-16 gồm có hai phần nhỏ: Phần I nói về căn tính “là
muối” của các môn đệ. Căn tính ấy bị biến đổi theo chiều hướng tiêu cực: Muối –
mất vị – không còn ý nghĩa gì – bị quăng ra ngoài – bị chà đạp. Phần II mô tả
căn tính “là ánh sáng” của các môn đệ. Phần này biến đổi theo chiều hướng tích
cực và đạt đến vinh quang của Cha: Thành được đặt trên núi – không bị che khuất
– đèn được đặt trên giá đèn – chiếu sáng cả nhà – ánh sáng người môn đệ – chiếu
sáng – người ta thấy việc tốt đẹp – tôn vinh Cha của các môn đệ.
(I) Là muối
của trái đất, muối mất vị, không còn có nghĩa cho cái gì bị quăng ra ngoài để bị người ta chà đạp (13) (II) Là ánh
sáng cho thế giới Thành trên núi không bị che khuất (14) Đèn trên giá đèn chiếu sáng cho cả nhà (15) Ánh sáng của anh em Hãy chiếu sáng trước mặt người ta, thấy những việc tốt lành của anh em mà tôn vinh Cha của anh em (16) |
Một số điểm chú giải
1.
Là muối:
Khác với các mối phúc, nơi mà các động từ ngôi thứ ba được sử dụng, trong
đoạn văn này, động từ ngôi thứ hai số nhiều được sử dụng – anh em – như muốn nhắm
đến các môn đệ. Động từ trạng thái “eimi” (ἐστε: anh em là…), mô tả căn tính đích thực của
các môn đệ. Họ “là” muối chứ không phải họ có muối, có chất muối, hay đặc tính
muối. Các môn đệ = bằng muối. Cả con người các môn đệ là “muối”, chứ không phải
chỉ một phần nào đó. Cả cuộc đời các môn
đệ là “muối” chứ không phải chỉ là một khoảnh khắc nào hay một giai đoạn nào. Truyền
thống Cựu Ước nói đến nhiều tác dụng tích cực của muối trong đời sống thường
ngày và phụng vụ. Thứ nhất, muối dùng cho việc tế lễ: “Các của Lễ của ngươi,
ngươi sẽ lấy muối ướp chúng, ngươi không được để muối của Giao Ước với Thiên
Chúa ngươi bị mất, cùng với tất cả các lễ phẩm của ngươi, ngươi sẽ dâng muối”
(Lv 2,13; Cf. Er 6,9; Ed 43,24; Xh 30,35) và dùng vào việc thanh tẩy (2 V
2,20-21). Muối có thể dùng vào mục đích y học: “Còn việc sinh ra của ngươi: vào
ngày ngươi mới sinh, không ai cắt dây rốn, không tắm sạch ngươi bằng nước,
không sát muối ngươi, cũng không bọc tả ngươi” (Ed 16,4). Sách Dân Số nói đến
“giao ước muối”, trong đó muối được dùng trong bữa ăn hiệp thông như dấu chỉ của
Giao Ước, có lẽ nhằm bảo tồn, duy trì Giao Ước (Ds 18,19). Sách Công Vụ dùng động
từ “συναλίζομαι” (ở với, gặp gỡ) để diễn
tả sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh với các môn đệ trong khoảng thời gian
dài, sau khi Người sống lại từ cõi chết (Cv 1,3). Động từ này còn có nghĩa đặc
biệt là “ăn muối với”, có lẽ nhằm diễn tả sự hiệp thông Giao Ước giữa Đấng Phục
Sinh với các môn đệ. Ngoài ra, chức năng thông thường của muối là bảo tồn thực phẩm (Tb 6,5; Br 6,27), thêm vị cho thức ăn (G 6,6; Is 30,24).[3] Muối được sách Huấn Ca xem như là một trong những yếu tố cần thiết cho sự sống: “Nước, lửa, sắt, muối, bột lúa miến và sữa và mật, nước nho và dầu và vải” (Hc 39,26). Muối là phương tiện để thanh luyện (Mc 9,49). Cách chung, có thể xem muối như là hình ảnh ẩn dụ cho sự quan trọng cần thiết cho sự sống hằng ngày của thế giới. Các môn đệ có vai trò làm cho thế giới được sống và sống dồi dào như thầy Giêsu vậy.[4]
Đức Giêsu của Máccô và Luca đều nói về đặc tính tốt (καλὸν) của muối: “Muối thì tốt” (Mc 9,50, Lc 14,34) trong khi đó, Đức Giêsu của tác giả Mátthêu không nói gì đến đặc tính của muối, nhưng công bố “anh em là muối của trái đất”. Các môn đệ “là muối” nghĩa là họ phải mang trong mình tất cả những phẩm chất tốt của muối: Mang lại hương vị, chữa lành, thanh tẩy, lễ vật, thánh hóa, bảo tồn và duy trì trái đất cùng con người sống trong đó.[5]
Muối cũng là biểu tượng cho sự tự hủy, bởi vì nó phải tan đi, thấm nhập vào nước, hoặc thực phẩm mới có tác dụng thực sự.
2. Là ánh sáng: Tương tự, cấu trúc động từ “eimi” + danh từ “ánh sáng” (Υμεῖς ἐστε τὸ ἅλας) mô tả căn tính của các môn đệ. Họ “là ánh sáng” toàn phần, toàn thời gian, chứ không phải một phần, và bán thời gian. Thiên Chúa là ánh sáng (1 Ga 1,5; Cf. Is 60,19-20; Kh 21,10-11). Sách Sáng Thế mô tả Thiên Chúa đã tạo dựng điều đầu tiên là “ánh sáng”: “Thiên Chúa phán: ‘Ánh sáng hãy hiện hữu’ và ánh sáng liền hiện hữu” (St 1,3: εἶπεν ὁ θεός γενηθήτω φῶς καὶ ἐγένετο
φῶς). Bản văn của truyền thống Tư Tế (P) cho thấy tầm quan trọng của “ánh sáng” trên địa cầu này. Sau đó, tác giả còn mô tả những vật sáng cụ thể: “Thiên Chúa làm ra hai vật chiếu sáng lớn (τοὺς
δύο φωστῆρας μεγάλους), vật chiếu sáng lớn hơn trở thành chủ ban ngày, và vật chiếu sáng nhỏ hơn thành chủ ban đêm và các vì sao” (St 1,16). Vịnh gia Đavid ca tụng Chúa là “ánh sáng và ơn cứu độ” (φωτισμός μου καὶ σωτήρ μου) của ông (Tv 27,1). “Lời của Chúa là ngọn đèn và là ánh sáng chỉ đường” cho dân Người (Tv 119,105; Cf. Cn 6,23). Sách Isaiah mô tả Jêrusalem ngày phục hưng như là ánh sáng cho tất cả mọi dân: “Các dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, các vua hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60,1-3). Sứ vụ của dân Israel là “ánh sáng cho dân ngoại” (Cf. Is 60,4-5). Đức Giêsu được giới thiệu như là ánh sáng bừng lên giữa nơi tối tăm mà ngôn sứ Isaiah đã nói đến (Mt 4,16; Is 9,1). Người là ánh sáng soi đường cho dân ngoại (Lc 2,32). Tác giả Tin Mừng thứ tư đã giới thiệu ngay từ đầu: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế giới và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9) Ý tưởng “Đức Giêsu là “ánh sáng thế gian” đã được Đức Giêsu khẳng định nhiều lần trong Tin Mừng thứ tư: “Tôi là ánh sáng của thế giới” (8,12; 9,5); “Tôi là ánh sáng đến trong thế giới” (12,46), cùng với vô số lần ám chỉ khác nữa (Ga 3,19-21; 12,35-36). Như thế, ánh sáng nối kết với Thiên Chúa, Đấng Mêsiah của Người, dân Người, Luật, đền thờ, Jêrusalem.[6]
Cấu trúc động từ eimi + “τὸ φῶς τοῦ κόσμου”, cũng chính là cấu trúc Đức Giêsu dùng để
mô tả các môn đệ trong đoạn văn này. Các môn đệ nên một với Đức Giêsu khi họ chia sẻ cùng một căn tính với Người. Ánh sáng trong truyền thống Thánh Kinh là sự hiện diện và cứu độ của Thiên Chúa (Tv 27,1; 36,9; Is 60,19). Cùng với Đức Giêsu, các môn đệ là chứng nhân cho sự hiện diện mang ơn cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới.
3.
Trái đất (τῆς γῆς) … thế giới (κόσμος): Danh từ “ghêsh” (τῆς
γῆς), có nghĩa là “phần đất liền” đối lại với “đại dương, biển cả”; và cũng là “trái đất”, nơi con người và muôn vật trú ngụ, đối lại với “trời” là nơi của thế giới thần linh. “Đất” cũng có thể diễn tả tất cả những người sống trên trái đất (St 11,1; 19,35; Mt 10,34). Danh từ “kosmos” (κόσμος) có nghĩa là “vũ trụ”, thế giới, hành tinh nơi con ngươi cư ngụ; và cũng là tổng thể loài người[7]; Thế gian cách xa Thiên Chúa (1 Ga 5,19). Danh từ “ghêsh” có khuynh hướng ý nghĩa nghiêng về không gian nhiều hơn, trong khi danh từ “kosmos” vừa mô tả không gian, vừa diễn tả con người sống trong đó. Danh từ “ghêsh” đi kèm với “căn tính muối” của các môn đệ và danh từ “kosmos” đi kèm với căn tính “ánh sáng” của các môn đệ, không có ý tách rời hai thực thể khác nhau cho bằng, diễn tả cách tròn đầy toàn thể thế giới, trái đất và con người, cũng như vạn vật trên cư ngụ trong đó.
4. Mất vị … quăng ra ngoài … chà đạp: Như đã nói trong phần bối cảnh. Đức Giêsu không mô tả đặc tính tốt của muối, Người nhấn mạnh đến sự trầm trọng của việc muối mất chất. Một khi “mất chất” hay “mất vị mặn”, thì không có cách gì nó có thể có lại được vị mặn nữa. Về mặt hóa học, nếu nói muối bị mất vị thì không hợp lý vì tính mặn bền vững của muối. Có tác giả đề nghị cách hiểu là muối ở đây có thể được lấy từ Biển Chết bằng cách làm bốc hơi, phần còn lại của nó chứa các tinh thể của một khoáng chất khác (thạch cao) có thể bị nhầm lẫn với muối, vì thế được xem là mất đi vị mặn.[8]
Động từ “μωραίνω” (môrainô) có gốc trong tiếng Do Thái là “תפל, tpl” có nghĩa là làm cho nên “ngu xuẩn/ ngốc”. Các môn đệ “mất chất” là những người trở thành ngu xuẩn, ngốc nghếch trong sứ vụ làm chứng nhân. Cách nói “với cái gì, nó có thể được làm cho có vị lại” (ἐν τίνι ἁλισθήσεται), kèm theo lối nói “Nó không có ích cho bất cứ việc gì” (εἰς οὐδὲν ἰσχύει ἔτι), cho thấy sự vô phương phục hồi và vô dụng toàn tập, biến chất hoàn toàn của muối. Tác giả Luca mô tả bằng hình ảnh cụ thể hơn: “bỏ vào đất hay bỏ vào phân cũng đều không có ích gì” (Lc 14,34). Muối thường được biết đến như là chất làm phì nhiêu cho đất trồng. Tuy nhiên, muối mất chất cũng không thể có tác dụng gì.[9]
Cụm liên từ kép “ngoại trừ” (εἰ μὴ) tưởng chừng mang lại giải pháp cho “muối mất chất”. Tuy nhiên, giải pháp cuối cùng cho loại muối này là “không giải pháp”: Bị quăng ra ngoài để bị người ta giẫm đạp lên. Đức Giêsu dùng hai động từ rất mạnh “quăng/ném ra ngoài”, và “giẫm đạp” để mô tả số phận của “muối mất chất”. Số phận các môn đệ là như vậy, nếu như họ đánh mất chất muối của mình.
5. Thành đặt trên núi … đèn trên giá: Một thành được đặt trên núi, khi đọc trong truyền thống Do Thái, người ta dễ mường tượng đến thành thánh Jêrusalem thời hậu lưu đày. Như đã đề cập trong phần “là ánh sáng”. Thành Jêrusalem được đặt ở vùng đất cao nhất trong miền Đất Palestine và nơi đó có đền thờ được xây lại, sẽ trở thành “ánh sáng” cho muôn dân. Những ý tưởng này được ngôn sứ Isaiah mô tả rất sống động và rõ ràng: “Vào những ngày cuối cùng, núi của Chúa và nhà của Thiên Chúa sẽ tỏ lộ trên hết các ngọn núi và được nâng cao trên hết các ngọn đồi, và tất cả các nước sẽ đến trên nó, và nhiều dân sẽ đến và nói rằng: “Hãy đến, chúng ta đi lên núi của Chúa, đến nhà của Thiên Chúa của Jacóp, để Người có thể dạy chúng ta những đường lối của Người và để chúng ta có thể bước đi theo lối của Người, vì từ Sion, Luật được
ban ra và Lời của Chúa đến từ Jêrusalem” (Is 2,2-3).[10]
Ngôn sứ Mikha cũng lặp lại ý tưởng tương tự như thế (Mk 4,1). Trong bối cảnh này, có thể hiểu “thành” theo ý nghĩa chung chung, bất cứ một thành nào, khi được đặt trên núi, thì không bị che khuất. Hình ảnh “một thành trên núi” được đặt song song với hình ảnh “một chiếc đèn trên giá”. Một chiếc đèn, một cách tự nhiên, thường được đặt trên giá đèn giữa nhà để có thể chiếu sáng cho tất cả mọi thứ trong nhà.[11]
Cụm động từ “không thể che giấu” của “thành trên núi”, tương đương với cụm động từ “chiếu sáng cho tất cả trong nhà” của “chiếc đèn”. Sự hiển nhiên của “chiếc đèn trên giá” còn được nhấn mạnh bằng lối diễn tả “người ta không thắp đèn lên rồi đặt nó dưới cái thùng”. Sự hiển nhiên nơi vị trí và tỏ lộ của “thành trên núi” và “đèn trên giá” là sự hiển nhiên cho vị trí của người môn đệ trong thế giới này. Đèn dầu ôliu, cụ thể là tim đèn, cũng tượng trưng cho sự tiêu hao và hy sinh. Các môn đệ cũng phải hy sinh chính bản thân mình, tiêu hao đi để chiếu sáng cho nhân loại.
6. Chiếu sáng: Động từ chiếu sáng được sử dụng hai lần trong đoạn văn này. Lần thứ nhất nó được dùng cho chiếc đèn; Và lần thứ hai là cho ánh sáng của người môn đệ. Trạng từ “như thế, cùng một cách thức” (οὕτως), nối kết sự tỏ lộ cách hiển nhiên của “thành trên núi” và sự chiếu sáng tự nhiên của “chiếc đèn trên giá” với sự “chiếu sáng” của ánh sáng của người môn đệ. Nếu như chiếc đèn chỉ chiếu sáng “tất cả trong nhà”, thì ánh sáng của các môn đệ “chiếu sáng trước mặt người ta” (ἔμπροσθεν τῶν ἀνθρώπων). Đối tượng chiếu sáng của các môn đệ rõ ràng là con người nói chung, không phân biệt một ai.
7. Việc tốt lành “τὰ καλὰ ἔργα”: Liên từ chỉ mục đích “ὅπως” được đặt ngay trước mệnh đề “để họ thấy những việc tốt lành của anh em”, cho thấy hai điều: (1) Sự nối kết và đồng hóa giữa mệnh đề “Ánh sáng của anh em chiếu sáng” với “những công việc tốt lành”. Chủ từ ngôi thứ ba số nhiều của động từ “nhìn thấy” dĩ nhiên là “con người” (thiên hạ) trong cụm từ “trước mặt người ta” (trước mặt thiên hạ). Như vậy, “chiếu sáng” đồng nghĩa với “làm những việc tốt lành”. Trong bối cảnh của bản văn này, làm những việc “tốt lành” là bao hàm việc sống các mối phúc được Đức Giêsu dạy trước đó.[12]
Đó là sống khó nghèo trong tinh thần; hiền lành (tử tế); Sầu khổ; Có lòng thương xót; Xây dựng hòa bình; Đói và khát sự công chính; Chịu bách hại vì sống công chính; Chịu mọi đau khổ vì Đức Giêsu. Hơn nữa, “làm những việc tốt lành” cũng mở rộng ra đến việc thực thi Luật Môsê và các ngôn sứ được Đức Giêsu hoàn thiện (Mt 5,17-19). Đó là trở nên “công chính hơn các Kinh Sư và những người Pharisêu” (Mt 5,20), qua việc thực thi những điều Đức Giêsu hướng dẫn trong các “cặp phản đề” (Mt 5,21-47). Tất cả những việc tốt lành được đúc kết bằng lời mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha của anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.
Isaiah đã giới thiệu những việc tốt lành cụ thể để chiếu sáng như sau:
“7 Đây là lời Đức Chúa phán:
“Ngươi hãy chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ?
Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,
vết thương ngươi sẽ mau lành.
Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước,
vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.
Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời,
ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: ‘Có Ta đây !’
Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở
gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người,
nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói,
làm thoả lòng người bị hạ nhục,
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối,
và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ”. (Is 58,7-10)
8. Tôn vinh Cha của anh em: Mục đích cuối cùng của hành động “chiếu sáng trước mặt thiên hạ” qua những “việc tốt lành” là Cha, Đấng ngự trên trời, được tôn vinh. Điều thứ năm trong “Thập Điều” mời gọi dân Giao Ước hãy “mang lại vinh dự [כַּבֵּ֥ד;;; τίμα] cho cha và mẹ” (Xh 20,12). Đức Giêsu quy hướng mọi vinh quang về cho Cha của Người. Đối tượng của động từ tôn vinh đúng nghĩa luôn là Thiên Chúa. Khi thấy dấu lạ Đức Giêsu làm, dân chúng tôn vinh Thiên Chúa (Mt 9,8; 15,31; Mc 2,12; Lc 5,25.26; 7,16; 13,13…). Khi chữa lành mười người phong hủi, và chỉ có một người ngoại trở lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, Đức Giêsu đã thắc mắc rằng: «Chín người kia đâu, sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại này” (Lc 17,15.17-18).
Điều đặc biệt nơi đối tượng được tôn vinh là cách Đức Giêsu gọi Thiên Chúa: “Cha của anh em, trên trời”.[13]
Đối với Đức Giêsu của Mátthêu, Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa sáng tạo, chủ tể trời đất, nhưng là “Cha của các môn đệ” (Cha của anh em), một tương quan gần gũi nhất trong nhân loại. Sau đây là một vài so sánh về tần số xuất hiện liên quan đến danh xưng “Cha” dành cho Thiên Chúa giữa các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm để thấy điểm nhấn mạnh của tác giả Mátthêu. Danh xưng “Cha” xuất hiện 17 lần trong bài giảng trên núi (Mt 5 – 7), 45 lần trong toàn bộ Tin Mừng Mátthêu, 19 (gần một nửa) trong số đó gắn liền với cụm từ “trên trời”, như ở đây. Trong Mt, “Cha của anh em” (số nhiều) được lặp lại 13 lần (Mc 0 lần; Lc 0 lần) và “Cha của anh” (số ít) được dùng 5 lần (Mc 0 lần; Lc 0 lần); “Cha của chúng con” được dùng 1 lần (Mc 0 lần; Lc 0 lần); Đức Giêsu gọi Chúa là “Cha tôi” 16 lần (Mc 0 lần; Lc 4 lần). Trong Mt, Đức Giêsu chỉ nói về Cha cho các môn đệ và những người theo Người. Tương quan Cha-con được dành riêng cho những người theo Chúa. Mt nhấn mạnh tương quan Cha-Con giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa cũng như giữa các môn đệ và Thiên Chúa. Điều này ngụ ý căn tính Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và các môn đệ được nhìn nhận là con cái Chúa. Điều mà những người con phải làm là làm vinh danh Cha, làm cho Cha được mến yêu và tôn thờ.
Bình luận tổng quát
Tiếp theo sau Tám Mối Phúc, “Bài giảng trên núi” (Mt 5 – 7) được tiếp nối với những khẳng định về căn tính người môn đệ của Đức Giêsu. Họ là muối của trái đất và là ánh sáng của thế giới. Các môn đệ còn được gọi là “con cái của ánh sáng” (Lc 16,8; Ga 12,36; Ep 5,8; 1 Tx 5,5). “Là muối của trái đất”, họ được cảnh báo về nguy cơ đánh mất bản chất “muối” của mình, bởi lẽ một khi chất “muối” đã bị mất đi thì không có gì có thể làm cho họ trở thành muối được nữa. Họ đã trở thành vô dụng và sẽ bị quăng ra ngoài để người ta giẫm đạp lên. “Là ánh sáng của thế giới”, người môn đệ được mời gọi, chiếu sáng một cách tự nhiên như một thành được bố trí trên núi không thể bị che khuất, và như chiếc đèn được người ta đốt lên, rồi đặt trên giá đèn để chiếu sáng tất cả mọi vật trong nhà. Ánh sáng của các môn đệ phải chiếu sáng trước mặt nhân loại. Mục đích là “để người ta nhìn thấy những công việc tốt đẹp” các môn đệ làm và “tôn vinh” cha của họ, Đấng ngự trên trời. Hình ảnh “trái đất” và “thế giới” mở rộng biên giới sứ vụ của các môn đệ ra vô tận. Căn tính “muối” và “ánh sáng” cũng mở rộng hoạt động sứ vụ của các môn đệ ra vô số. Là muối, họ có thể mang lại vị cho đời, ơn chữa lành, sự thánh hóa, thực hành hy tế, duy trì và bảo tồn đặc tính tốt của trái đất. Là ánh sáng, họ trở nên những phiên bản của thầy Giêsu, Đấng là “ánh sáng của thế giới”, để chiếu sáng thế gian bằng những việc tốt lành và nhất là làm cho thế gian được ơn cứu độ. Làm những việc tốt lành trước tiên là sống Tám Mối Phúc mà Đức Giêsu vừa công bố: Sống khó nghèo, sống tử tế, hiền lành, đón nhận sầu khổ, đói và khát đức công chính, có lòng thương xót, có tâm hồn trong sạch, luôn xây dựng hòa bình, dám chọi bách hại vì đức công chính, chịu bách hại và đau khổ vì Đức Giêsu. Làm những việc tốt lành là cố gắng sống Luật Môsê và các ngôn sứ theo sự “kiện toàn” của Đức Giêsu để cuối cùng vươn đến sự công chính đích thực, và trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Bổn phận của những người con là làm cho cha của mình được tôn vinh. Cha được tôn vinh khi những người con nên giống Cha, nên hoàn hảo như Cha. Tất cả những căn tính “là muối của trái đất” và “là ánh sáng của thế giới” là căn tính của những người con Chúa. Họ thể hiện căn tính này mọi nơi, mọi lúc bằng tình yêu và lòng kính trọng họ dành cho Cha trên trời. Cặp khái niệm diễn tả căn tính của người con Chúa “muối của trái đất” và “ánh sáng của thế giới” là hai cách diễn tả khác nhau của cùng một căn tính. Cặp khái niệm này không thể tách rời khi diễn tả căn tính của người môn đệ. Các môn đệ, những người con của Cha trên trời, đồng thời là “muối của trái đất” và “là ánh sáng của thế giới”. Qua những công việc tốt đẹp hằng ngày, họ duy trì, bảo tồn, đưa lại hương vị tốt cho cuộc đời, chữa lành những bệnh tật, hư hoại, thanh tẩy con người trong thế gian. Qua những hành động cụ thể như: Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân; không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục; loại khỏi nơi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người; nhường miếng ăn cho kẻ đói; làm thoả lòng người bị hạ nhục; những người con Chúa sẽ chiếu sáng thế giới, dẫn nhân loại đến với Cha, để Cha được tôn vinh. Vinh quang của Thiên Chúa là con người được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết, được sống lại trong ngày sau hết (x.Rm 3,23; 8,21).
[1] The μόδιος was a
common vessel used in measuring grain (about
one peck, or 8.75 liters) [D.A.
Hagner, Matthew 1-13 (WBC 33A; Dallas 2002) 100].
[2] “The metaphor of a lamp upon a lampstand
is found in Mark 4:21 and Luke 8:16 (and 11:33). In Mark 4:21 and Luke 8:16,
however, it occurs in reference to the mission of Jesus. Luke 11:33 is
followed, on the other hand, by material that occurs in Matt 6:22–23. Thus,
despite the similarity of language, the Markan and Lukan passages utilize the
metaphor of the lamp on the lampstand in quite a different way. Matthew alone
has the imperative about letting your light shine. The wording in all three
Synoptic parallels, moreover, varies considerably” (D.A. Hagner, Matthew 1-13, 98).
[3] It is difficult to know which specific
natural quality of salt (e.g., preserving [Carson], purifying, seasoning [Luz],
fertilizing [Gundry]) (D.A. Hagner, Matthew
1-13, 99).
[4] Ibid.
[5]
Tác giả Davies – Allison liệt kê 11 công dụng khác nhau của muối: 1. Dùng để
thêm vào hy lê (Lv 2,13; Ed 34,24); 2. Muối Giao Ước (Ds 18,19; Lv 2,13); 3.
Thanh tẩy nước ô nhiễm (2 V 2,19-23); 4. Gia vị cho thức ăn (J 6,6); 5. Bảo quản
(Ignatius, Magn. 10); 6. Chất liệu cần thiết cho sự sống (Hc 39,26); 7. Ăn muối
với ai là dấu chỉ trung thành (Er 4,14); 8. Liên kết với hòa bình (Mc 9,50); 9.
Lời nếm muối giúp trả lời cho mọi người (Cl 4,5); 10. Liên kết với sự khôn
ngoan (Sota 9,15); 11. Chất đáng yêu của các thần (Homer, Tl. 9:214; Plato,
Tim. 60 E) [W. D. Davies – D.C. Allison,
Jr., A critical and exegetical commentary on the Gospel
according to Saint Matthew (ICC; London – New York 2004)
I, 473].
[6] D.A.
Hagner, Matthew 1-13, 100.
[7]
“The world (kosmos, not the “earth,” gē, as in v. 13) again refers to the
world of people, as the application in v. 16 makes clear” [R.T.
France, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand
Rapids, MI 2007) 176].
[8] D.A.
Hagner, Matthew 1-13, 99.
[9]
“Though salt is known to have been a fertilizer for soil in which certain kinds
of vegetables were to be planted, the insipid salt would not be able to be used
for that purpose; and it would probably even ruin a dung-heap” [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction,
translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A, 1069].
[10] “If there is an allusion to Isa 2:2-5, there is also an allusion to
Jerusalem built upon Mount Zion. The OT envisions all nations coming to the
city of Jerusalem to learn the Torah, with the result being perfect peace” [D.J. Harrington, The Gospel of Matthew (SP1; Collegeville 1991) 80].
[11]
“A domestic lamp was a shallow bowl of oil with a wick. It would normally be
stationary, placed on a fixed lampstand, rather than mobile like the “torches”
of 25:1” (R.T. France, The Gospel of Matthew, 176).
[12]
“The phrase “good deeds” conveys the qualities set out in the beatitudes, and
especially the “righteousness” of life which is to be characteristic of
disciples (cf. vv. 6, 10, 20)” (R.T. France, The Gospel of Matthew, 177).
[13]
“This phrase, which is distinctive of Matthew’s gospel and will be repeated
throughout the discourse (5:45, 48; 6:1, 9, 14, 26, 32; 7:11; cf. “your Father”
also in 6:4, 6, 8, 15, 18), reflects not a universal concept of the fatherhood
of God towards all his human creatures but the distinctive relationship which
exists between God and those who, through their response to Jesus’ message,
have become subjects of his kingdom” (R.T. France, The Gospel of Matthew, 177).
No comments:
Post a Comment