Bản Văn và dịch sát nghĩa
Hy
Lạp |
Việt |
25 Συνεπορεύοντο δὲ αὐτῷ ὄχλοι πολλοί, καὶ
στραφεὶς εἶπεν πρὸς αὐτούς· 26 εἴ τις ἔρχεται πρός
με καὶ οὐ μισεῖ τὸν πατέρα ἑαυτοῦ καὶ τὴν
μητέρα καὶ τὴν γυναῖκα καὶ τὰ τέκνα καὶ τοὺς ἀδελφοὺς καὶ τὰς ἀδελφὰς ἔτι τε
καὶ τὴν ψυχὴν ἑαυτοῦ, οὐ δύναται εἶναί μου μαθητής. 27 ὅστις οὐ βαστάζει τὸν σταυρὸν ἑαυτοῦ καὶ ἔρχεται ὀπίσω μου, οὐ δύναται
εἶναί μου μαθητής. 28 Τίς γὰρ ἐξ ὑμῶν θέλων πύργον οἰκοδομῆσαι οὐχὶ πρῶτον καθίσας ψηφίζει τὴν δαπάνην, εἰ ἔχει εἰς ἀπαρτισμόν; 29 ἵνα μήποτε θέντος αὐτοῦ θεμέλιον
καὶ μὴ ἰσχύοντος ἐκτελέσαι πάντες οἱ θεωροῦντες
ἄρξωνται αὐτῷ ἐμπαίζειν 30 λέγοντες ὅτι οὗτος ὁ ἄνθρωπος ἤρξατο οἰκοδομεῖν
καὶ οὐκ ἴσχυσεν ἐκτελέσαι. 31 Ἢ τίς βασιλεὺς πορευόμενος ἑτέρῳ
βασιλεῖ συμβαλεῖν εἰς πόλεμον οὐχὶ καθίσας πρῶτον βουλεύσεται
εἰ δυνατός ἐστιν ἐν δέκα χιλιάσιν ὑπαντῆσαι τῷ μετὰ εἴκοσι χιλιάδων ἐρχομένῳ ἐπ᾽
αὐτόν; 32 εἰ δὲ μή γε, ἔτι αὐτοῦ πόρρω ὄντος πρεσβείαν ἀποστείλας ἐρωτᾷ τὰ πρὸς εἰρήνην. 33 οὕτως οὖν πᾶς ἐξ ὑμῶν ὃς οὐκ ἀποτάσσεται πᾶσιν
τοῖς ἑαυτοῦ ὑπάρχουσιν οὐ δύναται εἶναί μου μαθητής. (Lk. 14:25-33 BGT) |
25 Khi đám đông lớn đồng
hành cùng Người, Người quay lại nói cùng họ rằng: 26 “Nếu ai đó đi đến
với tôi (đi đến sau tôi) mà không ghét cha của chính mình và mẹ của chính mình và vợ
và các con và những người anh và những người chị, và mạng sống của mình, không
thể là môn đệ của tôi được. 27 Ai không vác thập giá
của chính mình mà đi theo tôi (đi đến sau tôi) thì không thể là một đệ của tôi được 28 Ai trong anh chị em muốn xây một cái tháp thì trước tiên không ngồi xuống để tính toán phí tổn, liệu có đủ để hoàn tất không 29 Để lỡ khi người ấy đặt móng rồi và không thể kết thúc, những người nhìn thấy đều cười
nhạo người ấy. 30 Họ nói rằng: “Người này đã bắt đầu xây mà không thể kết thúc. 31 Hay một ông vua nào
đó tiến đến tham chiến với một ông vua khác, mà trước tiên không ngồi xuống cân nhắc xem liệu với mười ngàn quân, mình có thể đi
ra chống lại hai mươi ngàn quân không. 32 Nếu không thể, thì khi đang còn ở xa, ông sai một đại sứ đến đề nghị một giải pháp hòa bình. 33 Cũng vậy, ai trong anh chị em không thể từ bỏ tất cả của cải thuộc về mình, thì không
thể là môn đệ tôi được. |
Bối cảnh
Lc 14,25-33 nằm trong những
trình thuật về các hoạt động của Đức Giêsu trên hành trình lên Giêrusalem (Lc
9,51 – 19,27). Trong bối cảnh hẹp hơn, đoạn văn này được bố trí ngay sau dụ
ngôn kể về “những khách mời xin kiếu” (Lc 14,15-24) kể về sự chối từ, không muốn
đến dự tiệc cưới của nhiều thực khách, vì bận bịu với những dự án riêng tư của
mình. Sự chối từ của các thực khách trong dụ ngôn “khách mời xin kiếu” được nối
kết với lời mời gọi “phải từ bỏ” để trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Tiếp theo
ngay sau đoạn văn này là những lời dạy về “muối”, một chất liệu tốt. Tuy thế, nếu
nó đã mất chất thì chỉ còn cách quăng ra ngoài mà thôi (Lc 14,34-35). “Chất muối”
được nói đến ở đây có thể nối tiếp với “sự từ bỏ” và sống ơn gọi “là người môn
đệ” của Đức Giêsu trong đoạn trước. Trong bối cảnh rộng hơn một chút, chủ đề về
sự từ bỏ mọi sự có thể có mối liện hệ chặt chẽ với lời mời gọi “hãy chiến đấu để
đi vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24). Cách đặc biệt sự “ghét bỏ cha, mẹ, anh, chị,
em” rất gần với lời công bố về sự xung đột, chia rẽ giữa những người thân trong
gia đình do Đức Giêsu mang đến (Lc 12,51-53). Ngoài ra, lời mời gọi “từ bỏ tất
cả những gì mình có” làm cho độc giả liên tưởng ngay đến lời mời gọi dành cho một
thủ lãnh giàu có: “Hãy bán tất cả những gì ông có mà chia sẻ cho người nghèo,
và ông sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi, hãy đến theo tôi” (Lc 18,22). Lời mời
gọi “vác thập giá” chắc chắn là lời mọi gọi mấu chốt nối kết với hành trình lên
Giêrusalem để chịu khổ nạn của Đức Giêsu. Trước đó, ngay sau khi tiền báo về cuộc
thương khó – phục sinh lần thứ nhất, Đức Giêsu cũng mời gọi “vác thập giá hằng
ngày” mà theo Người (Lc 9,23).
Cấu trúc
Lc 14,25-33 có cấu trúc đối
xứng quy tâm. Tâm của cấu trúc là lời mời gọi vác thập giá để đi theo Đức Giêsu
(B). Đi kèm với phần tâm của cấu trúc, là hai ví dụ minh họa cho hai loại người
tiêu biểu cho sự tính toán cẩn thận, để đi hoàn thành mục tiêu của mình. Hai
thành phần còn lại: (A) Lời mời gọi “ghét” những người thân đối xứng với (A’) Lời
mời gọi từ bỏ tất cả. Mục đích chính yếu: thể hiện căn tính “là môn đệ” của Đức
Giêsu.
Bối cảnh:
Đám đông đồng hành với Đức Giêsu (25) (A)Không ghét … không thể là môn đệ (26) (B)Không vác thập giá … không thể là môn đệ (27)
Chuyện minh họa I: Xây tháp thì phải
hoàn thành (28-30) Chuyện minh họa II: Đánh trận phải tự
lượng sức (31- 32) (A’)Không từ bỏ hết … không thể là môn đệ (33) |
Một số điểm chú giải
1.
Đồng
hành: Tác giả khởi đầu bối cảnh bằng cách cho thấy nhiều đám đông “đồng
hành” với Đức Giêsu. Động từ “đồng hành” được sử dụng ở thì chưa hoàn thành (Συνεπορεύοντο)
diễn tả một hành động đang diễn ra hoặc kéo dài. Những đám đông này cứ đồng
hành với Đức Giêsu. “Đồng hành” được hiểu đơn giản là họ đang đi chung một con
đường với Đức Giêsu. Dầu vậy, có thể họ vẫn không “đồng hành” với Đức Giêsu, vì
Người đang trên hành trình lên Giêrusalem để chịu khổ nạn và họ không thật sự đồng
hành với Người trên hành trình ấy.[1]
Động từ “đồng hành” được dùng cách chọn lựa để đối lại với động từ “đi theo” mà
Đức Giêsu đã dùng sau đó.
2. Đi theo: Đám đông có thể đồng hành với Đức Giêsu theo nghĩa đen, nhưng họ không đồng hành với Người theo nghĩa tinh thần. Bởi lẽ, họ chưa thật sự theo Người. Đây là lúc Đức Giêsu mời gọi họ “đi theo Người” và chỉ cho họ phương thức, để biến cuộc đồng hành theo nghĩa đen, thành cuộc đồng hành theo nghĩa tinh thần, tức là hành trình theo Người trên đường lên Giêrusalem.
3. “Ghét”: Đức Giêsu của tác giả Luca dùng hẳn động từ ghét. Thuật ngữ này diễn tả những thái độ và hình thức hành động, không phải là cảm xúc. Vấn đề không phải là người ta cảm giác như thế nào về cha mẹ, hay gia đình nhưng là thái độ cụ thể khi đến lúc phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và những người thân.[2]
Có tác giả cho rằng động từ “ghét” trong bối cảnh này có nghĩa là “yêu ít hơn” xuất phát từ gốc ngôn ngữ Sêmít, thường dùng những sự trái ngược đề trình bày những điều mà trong ngôn ngữ hiện đại thường dùng mức độ so sánh hơn kém. Theo đó, động từ “ghét” có nghĩa là “yêu ít hơn”.[3]
Tác Giả J. Fitzmyer hiểu động từ “ghét” theo nghĩa thông thường như ở 6,22.27 và 16,13. Tác giả cho rằng đây là sự lựa chọn mà người môn đệ phải làm, giữa tình cảm tự nhiên dành cho người thân và lòng trung thành vời Đức Giêsu.[4]
Đức Giêsu của thánh Mátthêu diễn tả cách khác đi: “Người yêu cha hoặc mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy; người yêu con trai hay con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37). Những đối tượng mà những người muốn theo Chúa phải “yêu ít hơn” là “cha, mẹ, vợ, con, anh, chị”, nghĩa là tất cả những người thân yêu, ruột thịt của mình và những người mà mình yêu thương nhất theo lẽ thường. Đức Giêsu vẫn nhấn mạnh đến điều răn dạy về lòng hiếu kính đối với cha mẹ: “Hãy làm vinh danh cha và mẹ” (Mt 15,4; Mc 7,10; Xh 20,12; Lv 19,3; Đnl 5,16) và “Ai nguyền rủa cha mẹ thì chắc chắn phải chết” (Xh 21,17; Lv 20,9). Tuy nhiên, Người cũng không ngừng cảnh báo về sự xung đột nghiệt ngã giữa những người thân trong gia đình: “Anh em đừng tưởng là Thầy đến để chỉ mang hòa bình cho trái đất, Thầy bảo anh em, không phải thế đâu, nhưng là sự phân rẽ. Vì từ nay năm người chung một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba” (Lc 12,51-52).[5]
Tác giá Mátthêu có vẻ hợp lý hơn khi sắp xếp đoạn văn nói về việc Đức Giêsu đến để “gây chia rẽ” giữa các thành viên trong gia đình (Mt 10,35-36) ngay liền trước lời khẳng định “Người yêu cha hay mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy, người yêu con trai hay con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37). Sự xung đột có lúc đến mức tột cùng khi “anh em sẽ nộp nhau cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết” (Lc 21,16; Mc 13,12); “anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em” (Lc 21,16; Mc 13,12). Những cách nói này như là ghi nhận một thực tế lịch sử về sự xung đột giữa những người tin theo Đức Giêsu và những Người không đón nhận Người. Trong một gia đình nhiều khi có sự phân chia giữa hai nhóm người và sự chọn lựa, từ bỏ tất yếu phải xảy ra, nếu các tín hữu muốn tiếp tục theo Chúa. Thiên Chúa chính là đối tượng chọn lựa ưu tiên nhất, bởi tình yêu, cũng như vị thế của Người vượt trên tình yêu và vị thế của những người thân trần thế.[6]
Tuy nhiên, không phải cứ hễ ai đi theo Chúa thì phải từ bỏ tất cả những người thân của mình, nhưng chỉ trong bối cảnh có sự xung đột, mới đòi hỏi người tín hữu phải chọn lựa và từ bỏ. Những người tin theo Đức Giêsu không nhất thiết phải bỏ cha mẹ và người thân của mình. Họ thậm chí còn mở rộng tương quan gia đình ra đến vô tận, vì Đức Giêsu đã khẳng định những ai thi hành ý muốn của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em của Người và là mẹ của Người (Lc 8,19-21; Mc 3,31-35; Mt 12,50).[7] Chính Đức Giêsu cũng cảm nghiệm sự xung đột với những người anh em của Người: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3,21); “Thậm chí những người anh em của Người không tin vào Người” (Ga 7,5). Sự kiện Đức Giêsu chủ động ở lại Giêrusalem lúc mười hai tuổi, để cho cha mẹ phải tìm kiếm là một biểu hiện của sự xung đột giữa tình thân trần thế và sứ vụ của Cha trên trời, mà Đức Giêsu phải thi hành (Lc 2,41-50). Đối tượng mà người đi theo Chúa phải “ghét” (yêu ít hơn) được mở rộng ra đến tận cùng là “chính mạng sống” mình (τὴν ψυχὴν ἑαυτοῦ). “Ghét” mạng sống mình có thể được hiểu là “từ bỏ chính mình” theo cách nói của Đức Giêsu tác giả Mátthêu: “Ai muốn đi theo Thầy, phải chối bỏ chính mình, vác lấy thập giá của anh ta và đi theo Thầy” (Mt 16,24). Trong lời mời gọi “vác lấy thập giá” của tác giả Luca ở đây không có lời mời gọi từ bỏ, nhưng trong danh sách những đối tượng mà người môn đệ phải “ghét” (yêu ít hơn) có đối tượng “sự sống của chính mình”. Sau lời mời gọi “từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình”, tác giả Mátthêu và tác giả Luca (Lc 9,23-24) còn thêm vào lời khẳng định: “Bất cứ ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ đánh mất nó, còn bất cứ ai đánh mất sự sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được nó” (Mt 16,24; Mc 10,29 thêm vào “vì Tin Mừng” sau cụm từ “vì Thầy”). Như thế, “ghét” mạng sống có thể hiểu là “chối từ” mạng sống, “hy sinh” mạng sống vì Đức Giêsu và vì Tin Mừng.[8]
4. Từ bỏ: Song song với đòi hỏi phải từ bỏ những người thân
yêu trong gia đình là sự từ bỏ
“tất cả những của cải thuộc về mình”. Từ bỏ người thân song song với từ bỏ của cải. Từ bỏ của cải cũng là một điều rất khó. Cổ nhân thường dùng câu “đồng tiền liền khúc ruột” để diễn tả sự gắn bó chặt chẽ giữa tiền của và con người. Bốn môn đệ đầu tiên (Lc 5,1-11; Mc 1,16-20; Mt 4,18-22), ông Mátthêu (x. Lc 5,27-28; Mt 9,9; Mc 2,13-14), cũng như tất cả các môn đệ khác đã bỏ tất cả để đi theo Đức Giêsu. Chính ông Phêrô đã gợi nhớ với Đức Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27; Mc 10,28). Tác giả Luca cũng ghi lại sự kiện những người phụ nữ đi theo Đức Giêsu, lấy tài sản của mình để trợ giúp họ (Lc 8,2-3). Luca còn là tác giả duy nhất kể lại câu chuyện của ông Giakêu, người đã dâng phân nửa tài sản cho người nghèo, và sẵn sàng đền gấp bốn những gì ông đã chiếm đoạt (Lc 19,8). Hành động của ông Giakêu đáp ứng lại lời khuyên của Đức Giêsu là “hãy bán tài sản của mình mà phân phát từ thiện” (Lc 12,33). Đức Giêsu cũng cho biết rằng không phải mạng sống con người được bảo đảm nhờ vào của cải: “Anh em hãy coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi lòng tham, vì không phải nhờ dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ vào của cải đâu” (Lc 12,15). Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi sống tinh thần từ bỏ, sẻ chia một cách triệt để: “Tất cả những người có ruộng đất, nhà cửa đều bán đi, lấy tiền, mang đến đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4,34).[9]
Chính Đức Giêsu đã từ bỏ mọi sự như Thánh Phaolô đã diễn tả trong thư gửi tín hữu Côrintô: “Anh chị em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại thế nào. Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh chị em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh chị em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9). Đức Giêsu đã dạy các môn đệ rằng: “Không gia nhân có thể làm tôi hai chủ được vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13; Mt 6,24). Ở chiều ngược lại, Đức Giêsu cũng cho thấy sự khó khăn của những người có nhiều của cải, trên hành trình vào Nước Thiên Chúa: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Lc 18,25; Mc 10,25; Mt 19,24). Lời khẳng định có phần nghiệt ngã này được minh họa rõ nét bằng trình thuật “người thủ lãnh giàu có” không đón nhận lời mời từ bỏ của Đức Giêsu (Lc 18,18-23; Mt 19,16-22; Mc 10,17-22) và dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo đói (16,19-31).
5. “Là môn đệ”: Dấu hiệu rằng mệnh đề “là môn đệ” được lặp lại 3 lần trong đoạn văn này (14,26.27.33) cho thấy đây là ý tưởng mấu chốt của bài giáo huấn
này. Mục đích cuối cùng là để các môn đệ chứng tỏ mình là “môn đệ của Đức Giêsu”. Động từ trạng thái “eimi” (là) được sử dụng nhằm nhấn mạnh căn tính của người môn đệ “là người môn đệ”, chứ không phải “làm môn đệ” qua một vài hành động, trong một khoảng thời gian nhất định. Mệnh đề “là môn đệ” là một lối diễn tả khác của các hành động: “Đến cùng tôi”; và “đi theo tôi”. “Đến cùng” và “đi theo” là những hành động của một “người môn đệ”. Hai hành động này được triển khai bằng những sự từ bỏ triệt để và cụ thể như đã nói trên.[10]
Đức Giêsu của Tin Mừng thứ tư giới thiệu một tiêu chuẩn khác nữa, để chứng tỏ một người “là môn đệ” của Người: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là mộn đệ Thầy, ở điểm này là anh em có tình yêu thương
lẫn nhau” (Ga 13,35).
6. “Vác thập giá”: Theo cấu trúc bản văn, điều kiện “vác thập giá” là điều kiện trung tâm, minh chứng một người có phải “là môn đệ” của Đức Giêsu hay không.[11]
Cấu trúc này cho phép hiểu điều kiện “vác thập giá” (B) bao gồm, hay được cụ thể hóa bằng hai hành động “ghét bỏ” (A) và “từ bỏ” (A’). Vác thập giá có thể được hiểu như là “ghét bỏ” (chối từ): Cha, mẹ, vợ, con, anh, em và “từ bỏ” (rời bỏ): Những của cải thuộc về mình. “Vác thập giá” được hiểu trong mầu nhiệm khổ nạn, là một sự kiện cụ thể: Đức Giêsu đã vác thập giá người ta trao cho Người (Ga 19,17) đi lên đồi Gôngôtha để chịu đóng đinh chân tay vào đó, bị treo lên và chịu chết. Đó là hành trình của người con vâng phục Chúa Cha cho đến chết, và cũng là hành trình thể hiện tình yêu thương nhân loại cho đến cùng. “Thập giá” là tổng thể tất cả những nỗi đau đớn, nhọc nhằn nhất mà Đấng Kitô phải trải qua, để hoàn tất công trình cứu chuộc (Lc 9,31). Cả tác giả Luca (ở nơi khác) và tác giả Mátthêu đặt lời mời gọi “từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình mà đi theo” (Mt 16,24; Lc 9,23) ngay sau lời tiền báo về “cuộc khổ nạn – chết – phục sinh” lần thứ nhất (Mt 16,21-23; Lc 9,22). Nếu hiểu theo nghĩa đen thì chỉ có ông Simôn, người Kyrênê vác thập giá của Đức Giêsu, đi theo sau Đức Giêsu trên đường ra pháp trường. Nếu hiểu rộng ra, thì tất cả những bách hại, tù ngục, và cái chết của các môn đệ thời Giáo Hội sơ khai, bắt đầu bằng cuộc tử đạo của thánh Stêphanô (Cv 7,55-60), cũng như khổ hình và tử đạo của các tín hữu qua mọi thời đại, đều được xem như là hành trình “vác thập giá của mình” mà đi theo Đức Giêsu. Các thánh tử đạo Việt Nam chắc chắn là một trong những người môn đệ đích thực của Đức Giêsu. Đại từ phản thân “của chính mình” (τὸν σταυρὸν αὐτου) đi kèm với danh từ “cây thập giá” xác định rõ ràng đó là thập giá của mỗi người, chứ không phải là thập giá của Chúa.
(A)Không ghét … không thể là môn đệ (26) (B)Không vác thập giá … không thể là môn đệ (27) (A’)Không từ bỏ hết … không thể là môn đệ (33) |
7. Tính toán … cân nhắc: Hai động từ mấu chốt diễn tả thái độ và hành động, mà một người nhất thiết phải có, để thành toàn trong kế hoạch đề ra.[12]
Người dự tính xây tháp[13] phải tính toán phí tổn, để biết rằng liệu mình có thể có đủ kinh phí để hoàn tất không. Nếu không tính toán cẩn thận, thì nguy cơ là người đó sẽ không hoàn tất công trình mình đã đặt móng. Hậu quả là tốn công, tốn của vô ích, và tất cả những người xem thấy đều mỉa mai người ấy. Trong ví dụ thứ hai, nhà vua dẫn quân ra trận và biết trước sự chênh lệch lực lượng đôi bên: Mười ngàn quân (δέκα χιλιάσιν) đối lại hai mươi ngàn (εἴκοσι χιλιάδων). Nhà vua phải cân nhắc cẩn thận, xem liệu chừng mười ngàn quân của ông có thể đánh lại hai mươi ngàn quân của đối phương hay không. Nếu không, thì ông phải nghĩ đến giải pháp giảng hòa. Đây là một giải pháp có thể mang lại cho quân đội của ông không bị tổn thất nhiều, nhất là thua trận.
Sau khi kể hai câu chuyện, Đức Giêsu kết thúc bằng một câu bắt đầu bằng trạng từ chỉ kết quả: “Vì thế, như vậy” (οὕτως) mỗi người trong anh chị em, người không từ bỏ những tài sản thuộc về mình không thể là môn đệ của tôi được” (14,33). Như vậy, “sự cân nhắc” và “tính toán” của người xây dựng và người đánh trận có liên quan đến sự suy xét cẩn thận cho hành trình theo Chúa, trở thành môn đệ của Người. Điều mà người theo Chúa phải cân, đo, đong đếm ở đây là mức độ từ bỏ của mình. Liệu rằng đương sự có thể từ bỏ tất cả những người thân, ngay cả mạng sống của mình hay tất cả tài sản của mình hay không. Con đường lên Giêrusalem quả là con đường chông gai hiểm trở, không dễ gì trung thành đến cùng được.
Bình luận tổng quát
Dụ ngôn, thường được gọi là khách mời xin kiếu, (Lc 14,15-24) giới thiệu hai thành phần được mời vào dự tiệc vui. Một nhóm người được ưu tiên mời trước một cách trân trọng, nhưng tất cả đều không chấp nhận lời mời vì những lý do khác nhau: Người thi bận đi thăm đất mới mua, người thì đi thử bò mới tậu, người thì vừa mới cưới vợ. Nhóm người thứ hai được mời nhân vì nhóm người thứ nhất đều từ chối hết. Nhóm người này được định danh khá cụ thể: Những người nghèo khổ, những người tàn tật, những người mù, những người què” và mở rộng ra tất cả mọi người, bất kỳ ai ở khắp mọi nẻo đường (Lc 14,21-23). Như vậy, tất cả mọi người không trừ một ai đều được mời vào dự tiệc với Chúa. Bối cảnh của đoạn Tin Mừng Lc 14,25-33 cho biết một đám đông lớn đồng hành cùng Đức Giêsu. Đám đông lớn này rõ ràng tượng trưng cho số lượng người đông đảo, được mời gọi đồng hành với Chúa. Họ đồng hành với Người trên cùng một con đường, nhưng không có nghĩa là họ “đi theo” Người. Đức Giêsu đang trên hành trình đi lên Giêrusalem. Chặng đường cuối cùng trong sứ vụ cứu độ của Người bao gồm cuộc khổ nạn – chết – và phục sinh. Hình ảnh tượng trưng thường được biết đến là hành trình “vác thập giá”. Hành trình “vác thập giá của mình” trong bối cảnh này bao gồm hai hành động: (1) Sự từ bỏ (ghét): Cha, mẹ, vợ, con, những người anh em, những người chị em, và cao nhất là từ bỏ chính sự sống của mình; (2) Sự từ bỏ tất cả tài sản của mình. Cả hai sự từ bỏ đều rất lớn và bao quát cho sự từ bỏ tất cả, từ bỏ toàn tập. “Những người đồng hành” được mời gọi “đi theo” Đức Giêsu bằng cách “vác thập giá của mình”- từ bỏ hết mọi sự. Khi “đi theo” Đức Giêsu, họ có thể biến đổi căn tính từ những người đồng hành thành “những môn đệ”. Sự cân nhắc, tính toán, suy xét nghiêm túc, là hết sức cần thiết vì con đường thập tự không dễ để đi đến cùng, nhất là nó đòi hỏi phải từ bỏ quá lớn, hy sinh quá lớn, có khi đến mức phải hy sinh mạng sống mình. Một khi “là người môn đệ” của Đức Giêsu người ta không nhất thiết luôn luôn phải chối bỏ tất cả tương quan với những người thân trong gia đình, nhưng nếu đến một lúc phải chọn lựa giữa những người thân không chấp nhận Đức Giêsu và chính Đức Giêsu thì người môn đệ phải từ bỏ, nếu muốn tiếp tục chọn Người. Khi “là người môn đệ”, người ta chắc chắn mở rộng tương quan gia đình, người thân ra đến vô tận. Hơn nữa, người ta có thể sống một lối sống có ý nghĩa nhất, tròn đầy nhất, và dù có phải hy sinh bản thân mình, người ta sẽ có được sự sống vĩnh cửu với Chúa và với những thành viên của gia đình Thiên Chúa.
Tình thân, tình thương dành cho những người bà con ruột thịt nhiều khi làm cho người ta đành phải bỏ qua ý Chúa, và lý Chúa. Trên thực tế, có nhiều người cha, người mẹ, người ông, người bà, nhiều khi phải nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng ly dị, tái hôn của những người con, người cháu của mình vì tình thương. Không ít người thân kitô hữu đã vì tình thương đã miễn cưỡng cộng tác vào tệ nạn phá thai, ngừa thai của những người thân của mình. Không thiếu những người thân kitô hữu sẵn sàng dùng tiền bạc hay ảnh hưởng tương quan với quan chức để chạy án, giảm án, thoát án, khỏi phải chịu trách nhiệm cho một tội ác, cho những người thân của mình. Thêm vào đó, quan niệm “có thực mới vực được đạo”, làm cho những người kitô hữu dễ bỏ qua lời dạy của Chúa để bất chấp kiếm tiền, làm giàu, bằng con đường không ngay chính. Nỗi ám ảnh của sự nghèo khổ làm cho nhiều người kitô hữu không dám đón nhận con cái Chúa ban với một niềm tín thác tuyệt đối. Thể hiện căn tính “là người môn đệ” mọi nơi, mọi lúc luôn là mục tiêu cả đời của mỗi người kitô hữu. Căn tính ấy đòi hỏi những người theo Chúa phải luôn chiến đấu kịch liệt với bản thân mình để dám từ bỏ những điều không hợp với thánh ý Người, ngay cả mạng sống của mình.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1]
“we are reminded immediately that Jesus is on a journey—begun in 9:51 and
oriented toward Jerusalem. In Jerusalem Jesus anticipates encountering the
hostility and violence appropriate to a prophet (cf., e.g., 9:22; 13:31–35),
just as he expects to bring his mission to completion there (cf. 9:31, 51–53).”
[J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand
Rapids 1997) 564].
[2]
L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP
3; Collegeville 1997) 229-230; “in this context, “hate” is not primarily an
affective quality but a disavowal of primary allegiance to one’s kin” (J.B. Green,
The Gospel of Luke, 565).
[3]
“the verb “hate” probably reflects a Semitic origin, and the Semitic languages
often use contrasts to express things our languages would express by a
comparative degree of preferences” [F.Bovon,
Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke
9:51–19:27 (ed. H. Koester)
(Hermeneia; Minneapolis 2013) 386].
[4]
J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV.
Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008)
28A, 1063.
[5]
Xem thêm về “bình an và chia rẽ” trong LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: BÌNH AN VÀ CHIA RẼ. Chú Giải Tin Mừng
CN XX TN C (Lc 12,49-53) (josephpham-horizon.blogspot.com).
[6] Tác giả F. Bovon đề xuất bốn cách có thể
dung hòa giữa điều răn “hiếu kính cha mẹ” với đòi hỏi “ghét” cha mẹ của Đức Giêsu:
“(1) The Decalogue also lays down a love of God that sets priorities and is
exclusive (the first commandment). (2) The family circle, like every reality of
this world, can turn inward, excluding transcendence and one’s neighbor. It
then becomes idolatrous, and thus God’s enemy. In that case, the rupture with
that social reality signifies liberation and especially faithfulness to God.
(3) Next, the aforementioned hate does not attack persons, but what they
represent (social isolation, hierarchical roles). It finds its culmination, let
us not forget, in “hating” oneself. (4) Set apart for God, the Levites also had
to leave their families (Deut 33:9–10)” (F.Bovon,
Luke 2, 387).
[7]
“‘hating’ one’s self should not be taken as a reference to an affective
self-abhorrence, but as a call to set aside the relationships, the extended
family of origin and inner circle of friends, by which one has previously made
up one’s identity” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 565).
[8]
“In its own way it clarifies Luke’s addition to the first condition, the hating
of one’s “own life,” for it may even lead to a destiny similar to that which
Jesus will face” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
1062).
[9]
“In the Lucan two-volume story, what Jesus is depicted demanding here provides
a background for the idyllic summaries in Acts 2:42–47 and 4:32–37 as well as
for the unedifying, yet salutary and instructive, story of Ananias and Sapphira
(5:1–11)” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
1063).
[10]
“Jesus clearly distinguishes “discipleship” proper from mere “coming” to him.
Many will come to him, but only some will fulfill the conditions required,
which are sternly set forth in this passage more so than in any other Gospel” (Ibid.).
[11] “Heading these parables, the most fundamental demand of all:
what is required of discipleship is bearing one's own cross and following in
the path of the prophetic Messiah (14:27)”
(L.T. Johnson, The Gospel of Luke,
233).
[12]
“Jesus counsels his followers not to decide on discipleship without advance,
mature self-probing. One must consider not only the demands to be made but also
the consequences of what may only be begun and be left half-done because of a
lack of follow-through” (J.A. Fitzmyer,
The Gospel according to Luke X–XXIV, 1062).
[13]
“Some sort of fortification to protect a house,
land, or vineyard” (J.A. Fitzmyer,
The Gospel according to Luke X–XXIV,
1065); “It can refer to either a wide or tall watchtower or a small structure
built by a farmer for his protection. It can even be applied—but this meaning
is contested—to a construction of another shape, for example, a barn” (F.Bovon, Luke 2, 390).
No comments:
Post a Comment